Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 135)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 55, vấn đề 26:
Pháp môn nào của Phật cũng vi diệu cả nhưng xét về sự thành tựu thì:
Vấn đề này mở ra để cho chính chúng ta trả lời. Hãy mạnh dạn trả lời và chuẩn bị đi cho vững, biết cho đúng, hiểu cho rõ, nắm cho chắc, không được lầm lạc. Xin nhớ cho, sơ ý để lệch một ly thì đi xa ngàn dặm. Lệch lạc một tý thôi sẽ lệch mất luôn mục tiêu giải thoát đấy. Không nên xem thường nhé.
(a): Có pháp quá cao chỉ dành cho hàng thượng căn, thượng trí tu trì, người hạ căn rất khó thực hiện nổi.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Pháp môn nào của Phật để lại cũng đều vi diệu, nhưng thực sự có những pháp không hợp với hàng hạ căn, có những pháp hàng phàm phu không thể nào tu trì được. Trong Lục Tổ Đàn Kinh có ghi lại những lời khai thị của Ngài Huệ Năng, có đoạn Ngài nói rõ ý nghĩa này. Lục Tổ Huệ Năng được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng sự thành tựu. Khi được ấn chứng và được trao truyền y bác thì Ngài liền bị nạn. Ngài phải tìm cách trốn tránh mọi người, không những trốn người thế gian mà nữa đêm Sư Phụ phải tìm cách đưa Ngài bỏ trốn luôn cả đạo tràng đó mà ra đi. Ngài Huệ Năng một thân phiêu bạc khắp nơi, sau cùng tìm đến ẩn núp trong nhóm người thợ săn suốt 15 năm trường không dám lộ diện. Khi thời cơ đến, Ngài lộ danh và bắt đầu thuyết kinh giảng đạo. Những lời khai thị của Ngài được kết tập lại và được tôn quý như kinh của Phật, gọi là “Pháp Bảo Đàn Kinh”. Trong Đàn Kinh này, ngay chương thứ 2, Tổ nói, “Đây là pháp chí thượng, nhưng chỉ vì hàng thượng căn, thượng trí mà Ta nói ra…”. Rồi đến chướng thứ 3, Ngài nói, “… nếu hàng trung căn, hạ căn mà cố tu trì pháp này, thì trong đời này nhiều lắm cũng chỉ kết được một chút duyên với Phật Pháp, chứ không thể được thành tựu”.
Nếu sơ ý vừa nghe Ngài nói đây là pháp chí thượng, chúng ta liền ứng dụng tu trì, thì chỉ là sự vội vã, bất cẩn bỏ trước cắt sau, để sau cùng rước lấy thất bại. Như vậy, bị trở ngại không phải là do pháp của Lục Tổ sai, mà tại vì chúng ta ứng dụng một pháp không hợp với căn cơ của mình.
Do đó, tu hành cần phải khế lý khế cơ. Chánh pháp là đúng, nhưng cần phải khế hợp căn cơ mới sanh diệu dụng. Nhất định phải theo đúng chánh pháp gọi là khế lý, nhưng cũng nhất định cũng phải hợp với căn cơ của chính mình gọi là khế cơ, mới có được thành tựu. Không chú ý đến căn cơ của mình, đụng đâu tu đó, nhất định khó đạt được hiệu quả tốt đẹp.
Ấn Tổ dạy, thuốc không có thuốc nào hay, thuốc nào dở, đúng thuốc thì bệnh mới lành. Pháp của Phật bình đẳng, không có pháp nào cao, pháp nào thấp, nhưng phải hợp với căn cơ mới sanh diệu dụng. Lời Tổ dạy hoàn toàn hợp với lời Phật dạy. Tu hành theo chánh pháp của Phật là đúng, nhưng nhất định phải tuyển chọn pháp môn hợp với điều kiện của riêng mình, hợp với thực trạng của chính mình, thì sự tu tập mới có lợi lạc. Trong pháp “Thất Bồ-Đề Phần”, tức là bảy điều người tu hành cẩn phải giác ngộ, Phật dạy đầu tiên phải trạch pháp, nghĩa là phải cẩn thận tuyển chọn pháp môn thích ứng, rồi chuyên tinh hành trì mới có thể được thành tựu. Xin thưa với chư vị, vấn đề khế lý khế cơ vô cùng quan trọng.
Cho nên, Phật để lại vô lượng pháp môn, có pháp Phật dạy nặng về Lý-Đạo cao siêu, dành cho hàng thượng căn khai mở trí huệ, minh tâm kiến tánh, kiến thành thành Phật. Có pháp Phật dạy Sự-Tu vững vàng, dành cho đại chúng tu tập một đời vẫn có thể thành tựu đạo quả. Thành tựu được đạo quả rồi, thì Lý cao hay Sự cao đều được bình đẳng viên thành đạo nghiệp. Người học đạo phải biết nhìn thẳng vào chính mình, phải nghiêm khắc phán xét căn cơ của chính mình để chọn đường tu thích đáng. Xin đừng quá vọng tưởng, chạy theo hiếu kỳ, ham thích nói hay nói giỏi mà coi chừng sau cùng thọ nạn!… Thọ nạn rồi thì chứng minh được điều gì đây?!…
Xin chư vị hãy dành thì giờ đọc thêm những lời khai thị của Ấn Tổ. Ví dụ như trong tập “Ấn Quang Gia Ngôn Lục”, Ngài dạy rất nhiều về vấn đề Lý-Sự này. Diệu Âm chỉ học theo những lời Tổ Sư dạy mà nhắc lại, chứ đâu dám tự mình nghĩ ra mà nói. Diệu Âm chủ trương “thuật nhi bất tác”, nghĩa là không phải sáng tác một điều gì cả, chỉ nói lại ý nghĩa của chư Phật, chư Tổ dạy mà thôi. Khi nói lại, thì cố gắng nói cho rõ ràng để người có duyên biết đến mà đi, đi cho vững, đi cho thẳng… Thế thôi.
Người nào tự cho mình là cao thượng, mau mau hãy đọc những lời khai thị của Ấn Tổ. Người nào tự nghĩ rằng mình đã chứng đắc, đã thành đạo rồi, mau mau hãy đọc lời Phật dạy trong kinh Lăng-Nghiêm. Người nào niệm Phật tự cho rằng đã đủ, lâm chung chắc chắn sẽ được an nhiên vãng sanh, mau mau hãy đọc lại những lời Phật dạy, những lời Tổ khuyên. Đối với những vị Bồ-Tát mà trong kinh Hoa Nghiêm Phật còn cảnh cáo rằng, khi lâm chung các căn có thể bị tán hoại, huống chi phàm phu chúng ta lại dám đứng đó nói cao nói thượng. Chư Tổ dạy, tu hành mà tự cho là đủ, thì dẫu công phu có cao tới đâu cũng liền bị rơi đài, tuột dốc. Vậy thì, tốt nhất mỗi lần chúng ta nghĩ gì, tưởng gì cần phải y theo kinh giáo, xem lại lời Tổ để tự răn nhắc. Kinh của Phật dạy, lời của Tổ khuyên là tấm gương để chúng ta soi. Soi điều tốt để chúng ta theo, vạch điều sai lạc cho chúng ta tránh vậy.
(b): Có Pháp quá dễ thực hành, nhưng không có mục đích giải thoát.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Nói đến pháp Phật, bây giờ mình chọn lựa pháp nào đây?… Có những pháp thực sự rất dễ tu, nhưng không giải thoát được. Ví dụ, có nhiều người nói tu là ăn ở hiền lành, đừng kình chống ai là được. Hiền lành dễ dàng, gần gũi. Làm được người hiền lành thì tốt lắm đấy, nhưng không phải như vậy là được giải thoát đâu. Có những người thích bố thí giúp người. Phật dạy bố thí, lấy bố thí làm đầu trong việc tạo phước. Tứ nhiếp pháp lấy bố thí làm đầu. Lục độ ba-la-mật cũng bố thí làm đầu. Trong các hạnh tu hành Phật dạy chúng ta chú trọng hai chữ bố thí. Nhiều người thấy vậy chủ trương rằng tu hành tức là bố thí. Tới chùa cúng dường, bố thí, làm công quả… tức là tu hành. Chư vị nghĩ thử, tu như vậy là đủ chưa? Xin thưa chưa đủ.
Bố thí tiền tài, nếu đời sau lấy lại được thân người, hy vọng chư vị sẽ có phước báu, tiền bạc có hàng tỷ, dư thừa tiêu không hết. Có những người phước báu lớn, làm lớn thành công lớn, làm nhỏ cũng hanh thông, không làm cũng có tiền, cuộc sống vô cùng thoải mái. Còn những người thiếu tu phước, thì không có phước báu, đời sau nghèo khó, dẫu cho thông minh lanh lợi, vạch ra đủ mọi kế hoạch để kiếm tiền, vạch cho đến nhức đầu, loạn trí, làm cho đến lúc tàn hơi, thì nghèo khó cũng trả về cảnh khó khăn, nghèo nàn cũng hoàn cảnh khổ cực mà thôi.
Nếu hiểu được pháp Phật chúng ta có thể tự cải đổi hoàn cảnh, cải đổi mệnh số của mình. Phật dạy bố thí thì được phước báu. Vậy thì xin hãy mạnh dạn phát tâm bố thí giúp đời thì có cơ hội cải đổi vận mạng. Lại có người hỏi, tôi không có tiền bạc làm sao bố thí được? Xin thưa rằng, điều quan trọng là có cái tâm bố thí, chứ không phải chỉ có tiền bạc mới tu được hạnh bố thí đâu. Hãy dùng cái tâm chân thành mà bố thí thì phước báu mới viên mãn hơn. Ví dụ, người có tâm cạnh tranh ganh tỵ thì dẫu có đem tiền tỷ ra làm việc bố thí vẫn chưa chắc gì tạo nên phước báu tốt. Vì sao vậy? Vì hình thức sôi nổi bên ngoài nhiều khi chỉ là thứ bình phong che đậy danh văn lợi dưỡng bên trong. Nếu vì cái quyền lợi nào đó mà làm ra hình thức bố thí, thì quả báo cũng chỉ là thứ hoạn nạn khó khăn. Còn người dù không có tiền bạc, nhưng tâm hồn lại hiền hậu, biết thương người, kính trên nhường dưới, không cạnh tranh, không ganh tỵ, biết tán thán người làm tốt, biết khuyến tấn người tu hành… thì dù cho người này trên hình thức không có gì để bố thí, nhưng thực tế họ đang tu phước báu rất lớn mà chúng ta không hay.
Trong pháp bố thí cúng dường, có pháp “Tùy Hỷ Công Đức”. “Tùy Hỷ Công Đức” là thành thật tán thán, kính trọng người làm thiện phước. Người có tinh thần này, thì dù cho không có tiền bố thí, nhưng họ đang thực hiện một hạnh bố thí rất tốt, phước báu vô cùng lớn. Còn người vì danh vọng mà bố thí, vì củng cố quyền lực mà bố thí… thì nhiều lắm cũng chỉ tạo được chút phước trên mặt nổi, quả báo không thể tốt đẹp được. Làm phước trọng về mặt nổi gọi là “Dương Phước”, hậu báo sẽ tiêu điều. Vì lòng từ bi, lòng chân thật thương người, âm thầm làm phước, gọi là “Âm Phước”, quả báo tốt đẹp vô cùng….
Vậy thì hãy mở rộng tâm lượng ra mà làm đạo thì tự nhiên phước báu sẽ đến, tiền bạc sẽ đến, có khi không đếm hết. Đây là quả báo tự nhiên, chứ không phải bố thí chút phước để cầu hưởng phước mà được phước. Người âm thầm tu phước, không cầu hưởng tiền tài, cớ chi tiền tài lại đến vậy? À!… Có lẽ vì tiền tài đến với người này sẽ tạo lợi lạc cho chúng sanh chăng, còn người hẹp hòi tham chấp, mà tiền bạc đến với họ sẽ gây đại họa cho xã hội. Có câu: “Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Có hình thức từ bi mà thiếu tâm từ bi, thường gây họa hại cho chúng sanh. Người có quyền lực, địa vị, tiền tài mà không có tâm thiện lành thường gây nên rất nhiều chuyện hạ lưu, làm đại chúng chịu nhiều đau khổ. Cho nên người học Phật chúng ta phải biết sáng suốt mà nhận rõ vấn đề, đâu là chánh đâu là phụ, đâu là viên mãn đâu là khiếm khuyết. Đừng nên sơ ý biến pháp giải thoát của Phật thành pháp cầu tài lộc mà cứ tiếp tục đi theo con đường đọa lạc như trong vô lượng kiếp qua, tội nghiệp cho thân phận của chính ta lắm vậy.
Cho nên, có pháp dễ thực hành nhưng cần lưu ý, coi chừng nó chưa phải là pháp viên mãn. Có nhiều pháp Phật nói ra chỉ là phương tiện gieo duyên cho chúng sanh, giống như đưa người qua từng đoạn đường vậy. Trong “Tứ Y Pháp”, tức là bốn pháp cho chúng sanh y cứ theo để tu hành giải thoát, Phật khuyên: “Y Liễu Giáo, Bất Y Bất Liễu Giáo”, nghĩa là hãy dùng những pháp viên mãn để tu, không nên tu theo các pháp nửa vời. Các pháp tu nửa vời, gieo duyên qua từng đoạn gọi là “Bất Liễu Giáo”, còn pháp giúp người được thành tựu viên mãn gọi là “Liễu Giáo”. Pháp Niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là pháp liễu giáo trong những pháp liễu giáo của Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.
Chúng ta hôm nay nói về Pháp Hộ-Niệm là đang dùng pháp đại liễu giáo trong những pháp liễu giáo nữa, để từng người đều có thể thực hiện trọn vẹn được tông chỉ của Pháp Niệm Phật liễu giáo này mà kịp thời vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Ngài Ấn Quang Tổ Sư dạy rằng: “Đạo tràng nào chỉ cần đưa một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì mới xứng danh là một đạo tràng thành tựu”. Lời khai thị này chứa đựng ý nghĩa đại liễu giáo đây. Nếu lắng lòng tư duy thật sâu, thì lời nói của Tổ Ấn Quang có thể làm cho chúng ta giựt mình giác ngộ. Từng lời khai thị của Tổ mộc mạc đơn sơ, nhưng thấm thía vô cùng, thấm tới tận tủy tận xương. Tu hành cần phải có đường đạo vững vàng, cụ thể, chính xác mới cứu được một chúng sanh. Nếu đường đạo không vững, nếu đường đạo không chánh, nếu đường đạo không hợp căn cơ của chúng sanh, thì hành đạo trải qua hàng thế kỷ chưa chắc gì có thể giúp được một người thoát qua sáu đường sanh tử khổ nạn.
Trong lúc Ấn Quang Tổ Sư còn tại thế, người nào tới đạo tràng của Ngài tu hành mà cầu xin cho đời sau trở lại làm người gặp được minh sư chùa lớn để tu tiếp, thì Ngài trợn con mắt cảnh cáo rằng, coi chừng đời sau nhà ngươi không lấy lại được thân người, làm sao còn dám mơ gặp minh sư, chùa lớn để tu hành!… Nghe đến những lời khuyến cáo của Tổ, chư vị có thấm thía không? Có giựt mình không? Ngài không cần đến 1.000 người tới đạo tràng của Ngài mà mơ cầu đến đời sau tu tiếp, mà Ngài chỉ cần 1 người quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Ngài quý sự tinh chuyên, không cần sự đa tạp. Ngài chỉ cứu được một người quyết lòng đi về Tây-Phương Cực-Lạc này mà thôi. Cứu được một người tức là có đường đạo vững chắc, sẽ có dịp cứu được người thứ hai. Từ đó vô lượng vô biên chúng sanh sẽ có duyên được cứu. Đây là ý nghĩa sâu sắc trong lời khai thị của Ngài, một đạo tràng đưa được một người vãng sanh mới xứng đáng là một đạo tràng thành tựu. Còn những chỗ không có đường đạo vững vàng, rất dễ biến thành loại “Hữu Tràng Vô Đạo”, nghĩa là có đạo tràng mà không có đường tu thì làm sao cứu được một người đây?!… Như vậy, đường gieo duyên dẫu có tốt cũng chỉ là Bất-Liễu-Giáo, đường cứu người vãng sanh mới chính là Liễu-Giáo vậy.
Phật dạy phải y theo Liễu-Giáo mà tu, không nên y theo Bất-Liễu-Giáo. Bất Liễu Giáo đều do chính Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật giảng dạy. Tại sao Ngài lại giảng giải Bất-Liễu-Giáo? Tại vì căn duyên thành Phật của chúng sanh chưa thành thục, lúc đó chúng sanh không chịu nghe theo pháp Liễu-Giáo giải thoát, đành rằng Phật phải gieo duyên cho chúng sanh để tạo căn lành trước. Cũng như ở đây chúng ta cứ nói mãi về hộ niệm, nhưng được bao nhiêu người tin tưởng làm theo? Chỉ vì căn lành chưa đủ mà nhiều người không chịu tin. Không chịu tin thì ta đành phải nói lên, nói xuống, nói ra, nói vào, nói lòng vòng mãi để hy vọng tạo duyên cho căn lành của đồng tu được đánh thức dậy. Chứ nếu mọi người đã tin đã hiểu rồi, thì nói chi nữa. Xin chư vị hãy hiểu thấu để đi cho thẳng vậy.
A-Di-Đà Phật.