Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 101)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 41, những dòng cuối cùng, vấn đề thứ tư: Những điều gì có thể gây chướng ngại việc vãng sanh?
Chư vị nào muốn vãng sanh thì những vấn đề này nên đặc biệt chú ý tránh nhé. Tập sách này thực sự đã nêu ra những vấn đề rất chi tiết và cụ thể để cho chúng ta có ý thức rõ ràng hầu thực hiện thành công sự vãng sanh. Những vấn đề này không khó hiểu, không xa lạ, nhưng lại là những điều mà một người muốn vãng sanh cần phải lưu ý. Tất cả vấn đề nêu ra sau đây đơn giản, đúng hay sai đều có trả lời rõ ràng minh bạch. Mong chư vị cố gắng tiếp thu, đừng sơ ý bỏ lỡ cái cơ hội vãng sanh này, uổng lắm đấy.
(a): Niệm Phật cầu phước, cầu lộc, cầu hết bệnh sẽ gây chướng ngại cho việc vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng như vậy. Niệm Phật để cầu xin phước lộc, cầu hết bệnh… thường thường mất vãng sanh nhiều lắm chư vị ơi! Những sự cầu xin này có gì xấu xa mà lại mất vãng sanh vậy? Xin thưa rằng, tất cả cảnh giới trong tương lai đều do chính tâm nguyện của mình thực hiện lấy. Khi một cơn bệnh xảy ra, nếu cơn bệnh này lại là lần cuối cùng trong đời, nghĩa là sau đó sẽ chết, mà mình còn cầu xin sống thêm vài chục năm nữa để hưởng phước, thì khi tắt hơi ra đi nhất định mình không được vãng sanh. Khi buông bỏ báo thân mà mình không cầu nguyện vãng sanh, thì nhất định không có vị Phật nào lại bắt buộc mình phải vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được.
Niệm Phật để cầu phước, cầu lộc, cầu tài, cầu cho thân thể tráng kiện… thì khi buông báo thân ra đi, tâm mình sẽ nương theo cảnh giới tương ứng đó mà đi. Ý niệm này gọi là “Dẫn Nghiệp”, nó dẫn mình đi tới những cảnh giới khác tương ứng với ý niệm, chứ không thể theo đường vãng sanh Tịnh-Độ được. Ví dụ, niệm Phật cầu phát tài thì liên quan đến lòng tham, tham lam thì tương ứng với cảnh giới ngạ quỷ, khi chết phải thành loài ngạ quỷ, chứ không thể vãng sanh. Nếu lúc buông báo thân đó, mà mình không cầu cái gì khác, cứ một lòng một dạ niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì chính cái tâm nguyện này sẽ tiếp dẫn mình đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Có dịp chúng ta sẽ khai thác đạo lý này và sẽ hiểu đến đến chỗ cao siêu cùng cực của Pháp Hộ-Niệm. Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả đều do chính tâm mình tạo ra cảnh giới tương lai. Hộ niệm là giúp cho người ra đi thực hiện đạo lý này trong thời điểm quyết định cảnh giới tương lai. Trong nhiều kinh điển của Phật, nhất là kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy rất cụ thể rằng, một người tu hành làm thiện nhằm cầu phước, cầu tài, cầu lộc… Nói chung là cầu phước báu Nhân-Thiên thì không được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, mặc dù sự cầu xin này đối với thế gian hoàn toàn không có gì là xấu, nhưng đối với đường vãng sanh thành đạo thì bị lạc khá xa. Mong chư vị chú ý điều này để đường tu thẳng tắt, đưa huệ mạng của mình vững vàng trên con đường giải thoát. Đừng nên sơ ý mà oan uổng một đời tu hành đấy.
(b): Gia đình cản trở, bạn hữu nói chuyện sai lầm, đồng tham tạo nghịch duyên… làm chướng ngại việc vãng sanh Tịnh-Độ.
Đúng không chư vị. – (Đúng). Chính vì thế, trong Pháp Hộ-Niệm có một điều quy định là khi bắt đầu hộ niệm, gia đình cần phải hạn chế vấn đề thân nhân, bà con, bạn hữu, đồng tham… trực tiếp nói chuyện với người bệnh. Nếu sơ ý để nhiều người tới trực tiếp thăm hỏi thường xuyên, coi chừng người bệnh sẽ mất vãng sanh. Đối với người thế gian thì chuyện tình thâm cốt nhục, bạn hữu tri kỷ tới thăm viếng, an ủi, chia đau xẻ buồn là điều bình thường, nhưng không ngờ chính sự tiếp xúc này thường phá tan tâm đạo của người bệnh, đánh mất cơ hội vãng sanh mà hồi giờ ít ai ngờ đến.
Vậy thì, khi hộ niệm, những điều này ban hộ niệm cần nên chú ý nói rõ cho gia đình biết trước, để cho cuộc hộ niệm dễ được thành công hơn, đừng nên quá lỏng lẻo mà biến công sức hộ niệm thành thứ công việc của loài dã tràng se cát biển đông. Lỏng lẻo về quy luật thì hộ niệm cho một người thành tựu sự vãng sanh khó lắm đó chư vị ơi!…
Anh Minh Giác ở Vũng Tàu, là trưởng một ban hộ niệm, khi chia sẻ về hộ niệm đã nói rất hay. Anh nói đại ý rằng, một người bác sĩ phải học ít ra cũng 6-7 năm mới có quyền đi trị bệnh cho người ta, dù rằng đây chỉ mới là phần thân bệnh thôi, còn người hộ niệm là cứu cả cái huệ mạng của người đó vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật mà chư vị không chịu nghiên cứu cẩn thận Pháp Hộ-Niệm, thì làm sao hộ niệm như lý như pháp được.
Nhiều người sơ ý không nghiên cứu kỹ Pháp Hộ-Niệm, vừa biết sơ qua liền đi hộ niệm cho người, thường thường không nghiêm chỉnh áp dụng đúng quy tắc của Pháp Hộ-Niệm… Cứ tưởng rằng, bất cứ trường hợp nào cũng phải hộ niệm mới thể hiện lòng từ bi của người tu hành, không ngờ hộ niệm càng nhiều càng để lại hậu quả tệ hại, càng làm cho chúng sanh không còn tin tưởng vào Pháp Hộ-Niệm nữa, làm cho Pháp Hộ-Niệm dễ dàng bị rơi vào mạt pháp, đoạn mất cơ duyên vãng sanh của chúng sanh sau này mà không hay.
Tại sao vậy? Xin chư vị nhớ cho, nghĩ sao làm vậy là sự pha tạp vô cùng tai hại. Xen tạp quá nhiều, thì sai lầm cũng quá nhiều, đưa đến Pháp Hộ-Niệm mất dần chánh pháp. Người hộ niệm làm sai dẫn đến thất bại ê chề rồi đổ thừa cho Pháp Hộ-Niệm không linh nghiệm, đưa đến tình trạng mất niềm tin. Người hộ niệm mất niềm tin, đại chúng cũng mất niềm tin.
Vậy thì, xin chư vị hộ niệm chú ý, hãy y giáo lời Phật, lời Tổ mà làm, chớ nên tự ý thêm bớt, chớ nên nghĩ sao làm vậy, chớ thấy điều gì hay ho đưa vào, chớ thấy điều gì khó khăn bỏ ra… Tự ý thêm vào bớt ra chẳng khác gì làm cho Pháp Hộ-Niệm nhanh chóng biến thành tà pháp, khiến cho một đại pháp cứu tinh cho chúng sanh này sẽ sáng nở tối tàn, nhanh chóng mai một đi trong một thời gian ngắn ngủi, không còn tiếp tục xuất hiện dài lâu trên thế gian này, khiến cho chúng sanh tương lai không còn có cơ hội được cứu độ…
Trong nội dung của đoạn này nhắc nhở người hộ niệm về quy luật tiếp xúc người bệnh. Không thể chìu theo thế tục mà dễ dãi để cho bạn hữu, đồng tham, những người không biết hộ niệm, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người đang được hộ niệm. Lời nói, cử chỉ, sự khuyên bảo của người thế gian thường không hợp với chánh pháp, mau chóng phá tan tâm đạo người bệnh, dễ dàng đánh mất cơ hội vãng sanh của người bệnh. Xin đặc biệt chú ý đến về vấn đề này.
(c): Lâm chung bệnh khổ hành hạ, nghiệp chướng bức bách… làm cho tâm hồn điên đảo quên mất niệm Phật cầu vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tất cả những vấn đề này chư vị phải chuẩn bị trước đi nhé. Diệu Âm dám đoán rằng đến 99% mỗi người chúng ta đều gặp phải đấy. Bây giờ ngồi đây mình nói hay lắm, nhưng đến lúc gặp phải bệnh khổ hành hạ có lẽ sẽ khác đi nhiều lắm đấy. Xin thưa rằng, “Lâm chung bệnh khổ hành hạ” là điều mà người phàm phu khó tránh được, nhất định phải có đấy, nó hành hạ cho mình đến queo râu, nó hành hạ cho mình đến nỗi không còn nghe được câu A-Di-Đà Phật, nó hành hạ đến không niệm nổi câu A-Di-Đà Phật luôn đấy, chứ không phải đơn giản đâu.
Vậy thì, người nào nghĩ rằng mình sẽ tự tại vãng sanh, không cần tới hộ niệm hãy cân nhắc lại cho thật kỹ đi. Nếu quá chủ quan, coi chừng tới lúc đó phải nằm chèo queo trong cảnh cô đơn, chung quanh chỉ toàn là những người không biết đạo bao vây quấy nhiễu. Lúc đó có ngộ ra thì cũng quá trễ tràng, ô-hô cười trong tiếng khóc, đành phải chấp nhận một trạng huống vô cùng khó khăn khốn khổ!… Thế mới biết, Pháp Hộ-Niệm thật sự cần thiết, vô cùng cần thiết, không thể thiếu được.
“Nghiệp chướng bức bách”!… Đi hộ niệm rồi chư vị mới thấy nghiệp chướng bức bách tệ hại đến như thế nào đối với một người nằm xuống. Sự bức hại đến nỗi nhiều người bệnh không thể nào mở mắt được, không thể nào nằm cho được yên. Ví dụ, đang nằm trên giường mà nhiều người thấy hình như ai bắt mình treo chân lên cao, đầu thòng xuống đất, tình huống khốn khổ như vậy đấy!… Đối diện với những sự bức bách này, nếu không có ban hộ niệm hay những người biết đạo giúp đỡ, thì làm sao tự mình có thể hóa giải ách nạn đây?
Cái nạn nghiệp chướng bức bách làm cho người ra đi tâm hồn điên đảo, đảo điên. Nhiều người một đời tu hành, nhưng sau cùng bị nghiệp chướng bức bách đến điên điên đảo đảo, đảo đảo điên điên, ra đi trong mê mê hồ hồ, không có hy vọng nào thoát nạn!… Ngược lại, có những người một đời ít tu hành, nhưng nhờ tâm hồn hiền lành, sống đời chất phát, cuối cùng may mắn gặp được người niệm Phật hộ niệm, mà lúc ra đi họ lại có những trạng thái an lành, ra đi nhẹ nhàng, lưu lại tướng lành tốt đẹp.
Chính vì nhìn thấy những hiện tượng bất khả tư nghì này, nên Diệu Âm thường khuyên nhắc nhau rằng, hãy tập sống đời hiền lành mới tốt, tập buông xả thật nhiều mới hay, cố gắng bỏ đi những sự đấu tranh chấp trước, hãy mở rộng tâm hồn tha thứ cho nhau… để khi nằm xuống mình có nhiều cơ duyên thoát khỏi ách nạn. Chính những người có tâm địa hiền lương, sống giản dị, thoải mái, biết buông xả, dễ tha thứ nhau… sau cùng rất dễ thoát qua những ách nạn của nghiệp chướng, oán thân trái chủ chướng và được nhiều người thương mến đến chăm sóc, hộ niệm, nhờ thế mà tránh khỏi nhiều chướng nạn khi lâm chung… Người hiền lành thường có tâm khiêm cung, có tâm khen tặng người, có tâm kính trọng người. Nhờ cái tâm thành kính này mà người hiền thường tạo nhiều phước, chính nhờ phước báu này mà hóa giải được nhiều nghiệp chướng, sau cùng họ hưởng rất nhiều điều lợi lạc vậy.
Chính vì thế, tu hành phải hết sức cẩn thận. Hàng phàm phu như chúng ta mà chạy theo những điều kiêu kỳ, lý luận xa vời… thường sẽ không có lợi về sau. Hãy tập làm người thật thà, hiền lành, chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là tốt nhất. Người có tâm thiện lành, thì niềm khánh hỷ có dư. Người có tâm bất thiện, thì họa hại tai ương có thừa. Có phước đức chính nhờ tâm thiện lành, chân thật, chứ đừng nghĩ rằng mình thường cúng dường cho chùa, rồi đi ra ngoài khoe khoang khắp nơi, tuyên bố lung tung mà được phước đâu nhé. Nếu sơ ý, mình đang tiêu hết phước đấy, chứ không phải là đang tạo phước đâu.
Mong chư vị nhớ cho, nếu nói về những pháp tu bố thí, cúng dường, thì người hiền lành thực thà thường có cơ hội bố thí viên mãn hơn những hình thức bố thí cúng dường sôi nổi, đình đám. Ví dụ, nhiều người có sẵn phước báu, dùng món tiến lớn để cúng dường, bố thí giúp người, nhưng thích được tiếng tăm, tấm bằng khen thưởng, chú trọng đến cái danh trên mặt truyền thông… thì vô tình cái quả báo của sự bố thí từ đó đã bị tiêu hết rồi, còn cái danh tiếng lưu lại trên thế gian lại là dấu trừ (-) cho tương lai của họ. Cho nên, làm phước mà dương ra, gọi là “Dương Phước”. Dương phước thường có quả báo không được viên mãn.
Còn những người nghèo khó, không có tiền bạc, nhưng nếu có tâm hồn hiền hậu, khiêm cung. Họ rửa chén, nhổ cỏ, làm vườn… vậy mà họ lại âm thầm tạo được nhiều phước thiện. Đây gọi là “Âm Phước”. Âm phước có quả báo rất tốt. Nhất là người hiền hậu thường có tâm kính trọng, tán thán những việc làm tốt của người khác, vô tình họ đã thực hiện được cái hạnh “Tùy Hỷ Công Đức” của Phổ hiền Bồ-Tát, nên tương lai phước báu của họ vô cùng viên mãn. Hẳn nhiên, đây là phần thưởng dành cho người hiền hậu mà biết tu, chứ người đã nghèo khó mà không biết tu, lại thiếu tâm hiền lương, kém lòng cung kính… thì tự họ trói lấy cuộc đời vào cảnh tăm tối, khó khăn, cuộc sống khó có lối thoát vậy.
Cổ Đức có câu: “Cần tảo già lam địa, thời thời phước huệ sanh”. Cần mẫn, chăm chỉ quét dọn sân chùa, thời thời sanh ra phước huệ. Phước là được hưởng phước báu hữu lậu. Huệ là được phần tâm linh giải thoát. Những người hiền lành, cầm chổi quét sân chùa, âm thầm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, vậy mà thường được vãng sanh bất khả tư nghì đấy.
Cầu chúc chư vị đều được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.