Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 103)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 42, chúng ta đi đến câu số 5:
Cụ thể, hàng phàm phu tội chướng quá nặng làm sao được vãng sanh?
Chúng ta đi từng bước, từng bước. Hồi sáng này chúng ta nêu ra những điều gì cản trở, gây chướng ngại cho việc vãng sanh. Bây giờ xin hỏi rằng, như vậy hàng phàm phu có nhiều chướng nạn quá, thì làm sao để được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đây? Rõ ràng, đây là những tiêu đề để chúng ta thực hiện cụ thể, không có gì xa vời với phạm vi của một người phàm phu này. Hay lắm!… Cụ thể vô cùng.
(a): Niệm Phật phải chứng đắc cảnh giới “Nhất-Tâm Bất-Loạn” mới được.
Đúng hay sai? – (Sai). Nếu niệm Phật đến “Nhất-Tâm Bất-Loạn” thì quá tuyệt vời! Quá tuyệt vời!… Nhưng liệu chúng ta có thể thực hiện được cảnh giới này không? Nhiều người tu hành sao mà giỏi quá, niệm Phật một thời gian ngắn liền khoe ra rằng: “Tôi đã nhất tâm bất loạn rồi!…”. Xin hỏi chư vị, có người nào tự khoe ra như vậy, mà mình vững tin rằng họ đạt được cảnh giới nhất tâm bất loạn không? Có một người nọ viết sách diễn tả cảnh giới nhất tâm bất loạn và thề với đại chúng rằng: “Xin chư vị hãy tin tôi đi, tôi đã nhất tâm bất loạn rồi đây!”. Có người đem tới biếu Diệu Âm quyển sách đó. Khi đọc qua, Diệu Âm đánh một dấu hỏi (?) thật lớn!… “Nhất-Tâm Bất-Loạn” gì đây mà dám đi khoe ra: “Tôi xin thề với chư vị, tôi đã nhất tâm bất loạn rồi đây!…”.
Người đó có nhất tâm bất loạn hay chưa, Diệu Âm này hoàn toàn không biết, nhưng biết rõ một điều này, trong Phật Giáo chúng ta chưa có vị nào tu hành chân chánh, thực sự đã chứng đắc mà chạy ra ngoài khoe trương khắp nơi. Vậy thì, nếu có người nào tự khoe mình đã chứng đắc, chư vị hãy theo dõi thử coi nhé, rốt cuộc họ sẽ như thế nào?!…
Trong kinh Lăng-Nghiêm, Phật nói về vấn đề: “Vị chứng, Vi chứng!…” là chỉ cho hiện tượng này đây. Chưa chứng mà nói chứng!… Nên nhớ cho, không bao giờ một vị đã thực sự chứng đắc mà đi khắp nơi khoe ra rằng: “Tôi đã nhất tâm bất loạn rồi, tôi đã chứng quả rồi, tôi đã khai mở Chơn-Tâm thành Phật rồi đây…”. Không bao giờ có chuyện này. Tại cõi Ta-Bà trong thời độ sanh của Đức Thế-Tôn, chỉ có Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật mới thị hiện lộ danh để lập đạo, còn hàng ngàn những vị Phật và Bồ-Tát khác âm thầm xuống thế gian này ủng hộ cho Đức Thế-Tôn làm đạo. Đã âm thầm hộ pháp thì không bao giờ các Ngài lộ danh hay tự xưng chứng đắc lộ liễu đâu nhé. Nhất Phật xuất thế, thiên Phật hộ trì. Hàng ngàn vị Phật khác đang âm thầm gia trì cho Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật xây dựng đạo pháp, đã âm thầm thì làm gì các Ngài lại lộ diện. Chư Phật Bồ-Tát không lộ diện, thì ai đã lộ ra mà tự xưng là chứng quả, đắc đạo vậy?!…
Vậy thì, nên nhớ rằng, không bao giờ một người thực sự chơn chánh tu hành chứng quả mà lại chạy khoe ra khắp nơi. Xin chư vị đừng hiếu kỳ, đừng thấy chuyện hay hay, lạ lạ liền nhào vào mà coi chừng vướng nạn vào thân. Chư Phật, chư Tổ, chư vị Cao Tăng chân chánh tu hành đều răn cấm vấn đề này. Người thế gian thường có vọng tưởng quá nặng, loạn động khoe khoang lung tung. Mong chư vị phải cẩn thận mới được.
(b): Phải lo chu tất chuyện hậu sự, cẩn thận cầu siêu 7 thất thật long trọng để vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Sai). Cầu siêu cúng thất để bồi phước giảm tội cho hương linh là điều nên làm, chứ không phải cúng thất là được siêu sanh. Bao nhiêu thế hệ qua người Phật tử chúng ta hầu hết đều sơ suất chuyện này, đó là tự mình không lo nổ lực tu hành, mà cứ chờ khi chết rồi nhờ một vị Sư Thầy tới cầu siêu để được siêu sanh. Đâu có chuyện siêu sanh đơn giản vậy! Muốn biết rõ ràng điều này, chư vị hãy mạnh dạn hỏi các vị rằng: “Bạch Thầy, Mẹ của con chết rồi, Thầy đến cầu siêu thì Mẹ con có được siêu sanh không?”. Chắc chắn không một vị nào dám trả lời là được siêu sanh đâu.
Khó lắm đấy chư vị ơi!… Muốn siêu sanh hay không xin nhớ cho kỹ là chính vị hương linh đó có phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc hay không. Không một người nào có thể giúp cho một người khác siêu sanh Tịnh-Độ bằng chính người đó thực hiện chính xác con đường vãng sanh. Bất cứ ở trong cảnh giới nào, một người cả đời tạo nhiều nghiệp chướng, rồi sau cùng làm gì có người tới tụng một bài kinh, niệm vài câu Phật hiệu, đọc một vài câu Chú, thắp vào nén nhang, nhắc vài lời “Siêu sanh Tịnh-Độ” thì người đó được siêu sanh. Chuyện siêu sanh đâu có thể dễ dàng vậy!…
Cho nên, mong chư vị nhớ cho, hộ niệm là phương pháp hướng dẫn cho chúng ta cách tu tập để vãng sanh. Tổng quát là chỉ dẫn Chị thực hiện cho được ba điều này: Niềm tin phải sắt son không có thay đổi, ý nguyện vãng sanh Chị phải tha thiết cầu, Chị phải phát tâm niệm A-Di-Đà Phật, nếu niệm không nổi thì nghe người ta niệm mà thầm niệm theo… Bắt buộc chính Chị phải chân thực làm cho được những điều này trong lúc xả bỏ báo thân thì Chị mới được vãng sanh. Đây là những điều vô cùng căn bản phải nhớ rõ, chứ không thể nằm đó chờ chết, rồi nhờ người ta tới hộ niệm hoặc cầu siêu thì mình được vãng sanh đâu nhé.
Suốt một đời tu hành, nhưng lúc nằm xuống đó mê man, ngủ khì, bất tỉnh… thì chịu thua rồi!… Âm thầm đi theo nghiệp chướng rồi!… Tất cả đều do chính tâm của người ra đi tự thực hiện đường siêu sanh lấy. Đây là điều vô cùng căn bản của Phật Giáo. Phật chưa hề dạy, cứ nằm đó chờ chết rồi nhờ cầu siêu thì được siêu sanh. Cầu siêu là việc chẳng đặng đừng, tạo thêm chút phước, gỡ bớt tội chướng, tạo chút duyên lành cho tương lai thì có, chứ làm tội đã bị bắt vào tù rồi, thì làm gì dễ dàng được xóa tội vậy!…
Mong chư vị phải nhớ cho kỹ, nhớ thật kỹ điều này, tu hành theo đúng chánh pháp, phải lo sám hối lỗi lầm, mau mau niệm Phật cầu về Tịnh-Độ trước khi rơi vào ngục tù, đừng bao giờ có quan niệm hời hợt sai lầm mà đời đời kiếp kiếp tiếp tục chịu nạn. Phật dạy: “Nhân thân nan đắc”, đừng nghĩ rằng khi xả bỏ báo thân này lấy lại được thân người dễ dàng nhé. Rất khó, rất khó khăn đó!…
(c): Phải chí tâm chuyên nhất niệm Phật cầu vãng sanh và cẩn thận chuẩn bị hộ niệm như lý như pháp.
Đúng không? – (Đúng). Căn bản của vấn đề đều quy nạp vào chính câu này: “Nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh”. Phải nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Xin nhớ cho kỹ hai chữ “Nhất Tâm”, nghĩa là đừng nên xen tạp. Chư Tổ Sư đều dạy như vậy. Muốn vãng sanh thì chư vị phải nhất tâm niệm Phật, nghĩa là một lòng một dạ niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Nếu chư vị thấy rằng, niệm câu A-Di-Đà Phật chưa đủ, muốn niệm thêm một cái gì khác nữa, thành ra “Nhị Tâm” rồi!… Nhị tâm thì cơ hội vãng sanh còn 50-50 thôi. Nhị tâm còn chưa thỏa mãn, muốn thêm cho sung túc hơn thì tới “Tam Tâm, Tứ Tâm, Ngũ Tâm…”, hay gọi là “Loạn Tâm” thì cơ hội vãng sanh trở thành xa vời, vô thực.
Chính vì thế, tu hành xen tạp là một sự đại kỵ trong pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh. Ngài Liên Trì đại sư sau khi học hết tất cả kinh điển, Tông-Môn, Giáo-Hạ Ngài đều làu thông rồi, sau cùng Ngài nói ra câu này: 84 ngàn pháp môn ai muốn tu cứ lo tu đi. Tam tạng kinh điển của Phật, 12 phần giáo, 300 hội thuyết giảng của Phật… ai muốn nghiên cứu thì cứ nghiên cứu đi, còn Ngài chỉ giữ một câu “A-Di-Đà Phật” mà đi tới cùng. Đúng là: “Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật. Niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Câu này chư Tổ mỗi vị giảng mỗi khác. Lời tuy khác nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau. Nghĩa là, một niệm mà niệm lên được tương ưng thì niệm đó phải là niệm “A-Di-Đà Phật”. Thật nhiều niệm để niệm lên được tương ưng, thì những niệm đó cũng phải là niệm “A-Di-Đà Phật” liên tục mà thôi. Chỉ cần một câu “A-Di-Đà Phật” để vãng sanh. Niệm nhiều hay ít cũng chỉ là một câu “A-Di-Đà Phật” này làm sao thực hiện cho được ngay tại thời điểm buông báo thân ra đi thì được thành tựu.
Như vậy người nào thực sự muốn vãng sanh, thì một câu “A-Di-Đà Phật” phải niệm cho được. Chứ nếu lúc đó mà còn muốn tụng một bài kinh để cầu phước, muốn niệm một câu Chú để giải nghiệp thì khó vãng sanh. Phật dạy phải tin cho vững, phải niệm Phật, phải cầu vãng sanh. Nếu lúc đó mà nguyện cầu một cái gì khác thì phải đi theo các gì khác đó, chứ đường siêu sanh Tịnh-Độ thì thua rồi vậy!…
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật có nói: “Chánh-Định-Tụ được vãng sanh. Bất-Định-Tụ và Tà-Định-Tụ thì không được vãng sanh”. Bất-Định-Tụ là gì? Gặp đâu tu đó. Pháp Phật nhiều vô lượng, pháp nào cũng hay nên gặp pháp nào cũng muốn tu. Nay tu pháp này, mai tu pháp kia… Hay thì hay thật đấy, nhưng thành tựu thì khó khăn vô cùng! Tại sao vậy? Tại vì chúng ta là hàng phàm phu nghiệp chướng sanh tử rất nặng, vậy mà tu không có đường về không có đích, thì đạt được mục đích nào đây? Các vị Bồ-Tát “Minh Tâm Kiến Tánh” thì không có chi phải lo lắng, chứ hàng phàm phu mê muội mà cứ lang thang bất định thì làm sao có ngày thành tựu. Vì thế, phải tìm đường dễ trong dễ, mạnh trong mạnh mới được. Đường niệm Phật vãng sanh được đại nguyện của đức Di-Đà tiếp độ là dễ nhất, mạnh nhất mà không chịu đi, lại muốn tìm cầu nhiều thứ nên tâm hồn phân vân bất định. Niệm Phật không chuyên nhất chứng tỏ không đủ niềm tin vào pháp môn niệm Phật, thành ra niệm Phật không thể thành tựu. Không đủ niềm tin thì chẳng khác gì trồng cây quá cạn, một cơn gió nhẹ thổi qua thì liền tróc gốc, ngã lăn quay!…
Như vậy niềm tin chính là cái gốc trồng sâu, càng sâu càng vững, gió bão ào ào vẫn không lay chuyển, được vậy thì lúc nằm xuống tâm lực mới vững, không còn lay chuyển nữa. Còn nếu sơ ý, bình thời không chịu định lại, tâm ý mông lung, lúc gặp đại biến chắc chắn bị hỗn loạn, thôi đành chịu thua cuộc vậy.
Ấn Tổ dạy rằng, niềm tin không vững, sức nguyện không bền thì niệm Phật đến gió thổi không qua, mưa rơi không lọt cũng không được vãng sanh. Thiếu Tín thiếu Nguyện dù niệm Phật đến cỡ đó cũng không được vãng sanh, huống chi chúng ta không đạt được đến công phu này. Trên đời dễ gì tìm ra một người niệm Phật đến chỗ gió thổi không qua, mưa rơi không lọt. Vậy thì hình thức dù có hay ho gì đi nữa, nhưng vọng tưởng hình như vẫn nổi lên ào ào trong tâm. Phận phàm phu cần nhớ rõ điểm này nhé.
Cho nên niềm tin và sức nguyện vô cùng quan trọng. Chuyên nhất niệm Phật thì được vãng sanh. Còn tu hành mà không chuyên nhất niệm Phật, không chủ định vãng sanh về Tây-Phương, thì thời gian 3 đại A-tăng-kỳ kiếp sau đó, hoặc vô lượng kiếp nữa trong tương lai ra sao thì chưa biết, chứ một đời này thì vô phương thành tựu. Vấn đề này chư vị hãy bình tĩnh tìm hiểu thì có thể sẽ nhận thấy rõ ràng thôi, không khó lắm. Pháp Hộ-Niệm có thể soi chứng sự thành tựu hay thất bại một cách rõ rệt lắm đấy.
Vì thế, chuyên nhất niệm Phật cầu vãng sanh và cẩn thận chuẩn bị hộ niệm như lý như pháp là điều không thể thiếu nếu muốn được an ổn vãng sanh. Muốn hộ niệm như lý như pháp đòi hỏi chúng ta phải hiểu thấu và hành đúng phương pháp hộ niệm. Lý Sự của phương pháp hộ niệm phải thấu đáo mới được.
Chúng ta hãy so sánh điều này, một người bác sĩ phải học mười mấy năm mới trở thành một bác sĩ chuyên khoa trị bệnh, còn người hộ niệm là lãnh phần giúp cho một người vượt qua sanh tử luân hồi, vãng sanh thành đạo mà lại tưởng rằng dễ lắm sao? Do đó, nếu không nghiên cứu và thực tập cẩn thận Pháp Hộ-Niệm, thì khi đứng trước người bệnh để hộ niệm sẽ không biết làm sao cho đúng pháp. Gặp một vấn đề không biết làm gì cho đúng lý. Lúng ta lúng túng!… Quên trước quên sau!… Một lời muốn nói ra cũng không biết nói lời nào cho trọn. Đứng trước huệ mạng của một người ta đâu có thể hành động bừa bãi được. Đối diện trước cảnh sống chết của một người mới thấy trách nhiệm khá khó khăn. Vô cùng khó khăn đấy, xin suy xét chín chắn nhé.
Cho nên cần nghiên cứu cẩn thận, nắm vững nguyên tắc Pháp Hộ-Niệm, hiểu thấu Lý, hành đúng Sự, tâm mình sẽ vững vô cùng để làm đạo. Pháp Hộ-Niệm tuyệt vời lắm đó chư vị ơi!… Thậm thâm vi diệu, xin đừng sơ ý mà xem thường nhé. Vậy thì, muốn hộ niệm như lý như pháp cần phải chuẩn bị. Tự mình phải nghiêm túc chuẩn bị trước. Không chuẩn bị trước, không cách nào hộ niệm như lý như pháp được.
(d): Phải nghiên cứu tất cả kinh điển để thông suốt đạo lý mà giải thoát.
Đúng không chư vị? – (Sai). Thông thường nhiều người nghĩ rằng, phải nghiên cứu tất cả kinh điển của Phật để thông suốt đạo lý mới có thể giải thoát. Ý nghĩ này không chính xác lắm. Có lẽ cũng theo tâm lý này, chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông tiền thời cũng thường ẩn mình trong tàng kinh các để nghiên cứu tam tạng kinh điển. Nhưng khi ngộ ra đạo pháp rồi, các Ngài mới ngỡ ngàng thốt lên: “À!… Thì ra chỉ còn câu A-Di-Đà Phật là tất cả những gì cần thiết để ta thành đạo”. Ngài Ấn Quang đại sư ẩn mình trên tàng kinh các suốt 30 năm để nghiên cứu kinh điển, sau cùng Ngài chỉ niệm một câu “Nam Mô A-Di-Đà Phật”. Thời khóa tu hành của Ngài hàng ngày là tụng một biến Kinh A-Di-Đà rồi niệm Phật. Ngài Liên Trì đại sư nghiên cứu suốt hết tất cả kinh điển, sau cùng Ngài tuyên bố, ai muốn tu pháp nào thì cứ tu, ai muốn trì kinh nào thì cứ trì, còn Ngài thì chĩ giữ 4 chữ Thánh Hiệu “A-Di-Đà Phật” mà thôi. Ngài Ngẫu Ích cả một đời nghiên cứu tường tận kinh điển, sau cùng Ngài ngộ ra rằng: “À!… Chính câu A-Di-Đà Phật là con đường cho ta giải thoát đây”.
Ngày nay có người thấy nhiều vị Tổ Sư nghiên cứu cả 3 đại tạng kinh, thì cũng muốn noi gương theo hạnh này, cố gắng nghiên cứu tất cả kinh điển. Tốt thì có tốt đấy, nhưng thành tựu thì có mấy ai!… Chư Tổ lập hạnh này chỉ là sự thị hiện để chứng minh cho chúng ta biết rằng, sự giác ngộ của các Ngài không phải là sự cảm hứng, mà do sự liễu giải tường tận, có nghiên cứu nghiêm chỉnh rồi mới phát hiện ra chân lý, chính câu “A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ” là tất cả tâm pháp của Đức Thế-Tôn để lại. Chúng ta là hàng hậu học, không chịu y giáo phụng hành thực tập ngay cái ngộ của các Ngài để rút ngắn giai đoạn hầu kịp thời thành tựu trong một đời, mà lại chạy theo con đường thị hiện. Các Ngài thị hiện nhằm nhắc nhở con đường ngắn cho chúng ta đi. Còn chúng ta mà đi học đòi thị hiện, thì chẳng lẽ phải hẹn đến vô lượng kiếp nữa chịu khổ đau tột cùng rồi mới tính bề giải thoát hay sao?!…
Cho nên, tu đường nào cũng có thể thành tựu, nhưng lâu hay mau, dễ hay khó khác nhau. Muốn thành tựu thì đường nào phải chọn một đường mà đi mới có hy vọng. Một là tất cả, tất cả là một. Nếu chư Tổ dạy rằng một câu A-Di-Đà Phật bao trùm pháp giới, là tất cả con đường thành đạo, thì chúng ta cứ giữ một câu A Di Đà Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc liền đưa chúng ta trở về với Chân-Tâm Tự-Tánh. Khi trở về với Chân-Tâm Tự-Tánh rồi thì nhất định sẽ châu biến pháp giới.
Tóm lại, đừng nên ở đây tìm hiểu nữa mà coi chừng giải thoát không xong, ngộ ra Tự-Tánh không được. Hãy nhiếp tâm niệm Phật cầu về Tây-Phương đi, nơi đó A-Di-Đà Phật sẽ khai tâm mở tánh cho chúng ta, lúc đó không ngộ cũng ngộ tất cả. Thực sự đây là con đường tu hành vi diệu tuyệt vời, vô cùng viên đốn. Không ngờ phận phàm phu này mà một đời được thành tựu đạo quả nhỉ.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.