Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 123)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 51, vấn đề 23:
Đới Nghiệp Vãng Sanh khác với Tự Lực Tu Chứng ở những điểm nào?
Vấn đề này hơi lớn đấy, không nhỏ đâu. Xin hãy mổ xẻ những điểm đặc trưng giữa hai cách tu “Đới Nghiệp Vãng Sanh” và “Tự Lực Tu Chứng” khác nhau ở những điểm nào? Cách nào dễ, cách nào khó? Cách nào thích hợp, cách nào không thích hợp với chính ta. Vấn đề này lớn lắm đấy.
(a): Vãng sanh là do Tín-Nguyện-Hạnh. Tự lực phải cần đến khả năng tu chứng.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Với các pháp tu tự lực thì tự mỗi người phải lo quét dọn tất cả những gì chướng ngại trên con đường tu hành, và nhất định phải tự mình tu chứng lấy, hành giả sẽ đắc được những gì tương ứng với sự tu chứng của mình. Đắc được mức nào thành tựu được mức đó, ví như đi học lên lớp, từng bước tiến lên, thời gian tu tập dài lâu là điều cần thiết. Còn pháp niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc không phải là chứng đắc mới được vãng sanh, mà cách tu hành tương ứng với đại nguyện độ sanh của Đức Phật A-Di-Đà mà được Phật lực tiếp độ, dù cho một người chưa phá nổi nghiệp chướng cũng được vãng sanh, gọi là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Chắc chắn hành giả niệm Phật cũng có thể chứng đắc để chủ động sự vãng sanh theo ý muốn, nhưng sự chứng đắc này chỉ dành cho hàng Bồ-Tát, chư vị thượng căn thượng trí, còn hàng phàm phu hạ căn nhờ quyết chí thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh cũng có cơ hội vãng sanh thành bậc bất thoái chuyển. Đây là một điều kiện vô cùng quý báu đối với hàng phàm phu nghiệp nặng có cơ duyên thành tựu trong một đời này. Nên nhớ là một đời này thôi nhé, không phải đời sau. Người nào muốn đợi đến đời sau thì không đúng với pháp tu này. Phải quyết một đời này vãng sanh. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc đồng nghĩa với thành tựu đạo quả đấy.
(b): Người hạ căn có đủ Tín-Nguyện-Hạnh vẫn được đới nghiệp vãng sanh. Tự lực chỉ có hàng thượng căn mới có thể thực hiện được, hàng hạ căn thì vô phương.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây gọi là cái quyền lợi tối thắng cho hàng phàm phu đấy. Nếu từ bỏ cái quyền lợi này, thì tự ta phải đoạn sạch nghiệp-hoặc để chứng đắc. Đoạn nghiệp khó lắm đấy chư vị ơi!… Không dễ đâu nhé. Không biết chư vị nghĩ sao, chứ chính Diệu Âm này khi nghĩ việc đoạn sạch nghiệp chướng mà hãi kinh lo sợ. Trong Kinh Địa-Tạng, Phật nói nghiệp chướng của chúng ta năng địch Tu-Di, nghĩa là lớn như núi Tu-Di. Trong Kinh Hoa-Nghiêm Phật dạy, nghiệp chướng của chúng ta, nếu có hình tướng thì không trung này bị niêm chặt rồi!…
Người phàm phu mà đòi phá nghiệp thì có khác gì như hành động lấy tay trần trụi này mà quào lở cái khối đá lớn như núi Tu-Di. Chắc chắc không nổi rồi!… Phá không nổi thì khối đá vẫn dính chặt trên vai. Người đeo khối nghiệp nặng nề như vậy mà muốn bơi qua biển khổ sanh tử luân hồi mênh mông được chăng? Ồ!… Bước một bước thì chìm lỉm. Vô lượng vô biên chúng sanh không chịu lượng lấy sức mình, hàng hạ căn mà cứ muốn thực hiện những pháp tối diệu dành riêng cho chư Thượng Thiện Nhân, nên đành chịu chết chìm dưới đáy đại dương, đời đời kiếp kiếp chịu nạn là vậy đấy!…
Cho nên, người hạ căn có đầy đủ Tín-Hạnh-Nguyện vẫn có thể được đới nghiệp vãng sanh, đây là điều vô cùng quan trọng, vô cùng quý báu. Tại sao còn đầy nghiệp chướng mà người phàm phu như chúng ta lại được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc vậy? Khi trả lời nghi vấn này, chư Tổ thường ví dụ, dẫu cho một hạt cát rất nhỏ liệng xuống biển vẫn phải bị chìm, nhưng dẫu cho một khối đá thật lớn đem để trên con thuyền, khối đá vẫn được chở qua bờ kia một cách dễ dàng. Cách ví dụ này rất hay.
Chúng ta đới nghiệp vãng sanh chính là nhờ đại nguyện của Đức Phật A-Di-Đà chở ta qua bờ giác, chứ không phải tự ta bơi qua biển khổ. Một hạt cát liệng xuống biển thì bị chìm ngay, nhưng một khối đá rất lớn để trên thuyền, khối đá vẫn được chở đi bình thường. Trên lưng chúng ta mang một khối đá rất nặng, nếu tự bơi lấy, chúng ta bơi không nổi, nhưng mạnh dạn leo lên thuyền, chúng ta có quyền ngồi dựa khối đá đó mà nghỉ và con thuyền nhẹ nhàng chở chúng ta qua bờ kia. Đạo lý là như vậy đó. Đây là cái quyền lợi tối thắng dành cho những người biết đới nghiệp vãng sanh vậy.
Còn tự lực tu chứng, được không chư vị? Hàng thượng căn có thể làm được, còn hạ căn như chúng ta thì vô phương. Thật sự vô phương!… Nhiều người vì chưa có duyên biết qua pháp đới nghiệp vãng sanh một đời bất thoái thành Phật, nên cứ nghĩ tu hành thì phải tìm cách tận trừ nghiệp chướng để chứng đắc, hoặc mông lung hơn, làm chút thiện để hưởng phước. Chứng đắc hoặc hưởng phước lợi gì đây, trong khi hàng phàm phu thì tham, sân, si, mạn… ngày ngày chồng chất lên nhau, nghiệp chướng càng ngày càng nặng!… Tu hành không hợp căn cơ, thành ra đời đời, kiếp kiếp vẫn mãi mãi vướng trong vòng sanh tử luân hồi đọa lạc.
Cho nên, một khi biết được đạo lý đới nghiệp vãng sanh rồi, xin chư vị hãy mừng vui và bám cho chặt cơ hội này nhé. Đừng vì một lý do gì khác mà rời ra, oan uổng lắm đó!… Mất cơ hội này nhất định không dễ gì tìm được cơ hội thứ hai để thực hiện mộng giải thoát đâu nhé.
(c): Vãng sanh là theo nguyện lực mà sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, còn tự lực là do diệt nghiệp để chứng qua từng cảnh giới một mà tiến lên.
Đúng không? – (Đúng). Đấy, vấn đề càng lúc càng rõ ra, giúp cho chúng ta nhận thức chính xác thế nào gọi là đới nghiệp vãng sanh, thế nào gọi là tự lực tu chứng. Vãng sanh là theo nguyện lực mà sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nguyện lực của ai đây? Một là nguyện lực độ sanh của Đức Phật A-Di-Đà, gọi là “Tha-Lực”. Hai là nguyện lực của chính mình tha thiết muốn trở về Tây Phương Tịnh-Độ, gọi là “Tự-Lực”. Hai nguyện lực hợp lại đưa mình vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nguyện lực của Đức A-Di-Đà luôn luôn sẵn sàng tiếp dẫn tất cả chúng sanh muốn sanh về nước của Ngài. Nếu chúng sanh quay mặt đi, không chịu về với Phật, thì không thể nào được vãng sanh, thành ra nguyện lực của Phật đành phải hững hờ không cứu chúng sanh được.
Chúng sanh vì không hiểu đạo lý vãng sanh, nên hững hờ với đại nguyện của Đức A-Di-Đà, thành ra vô lượng vô biên chúng sanh không được vãng sanh thoát vòng sanh tử, cứ tiếp tục bị đọa lạc, chịu khổ nạn thật kinh khủng quá!…
Chư vị nhớ cho, ách nạn của chúng ta lớn lắm! Ngay như tại Việt Nam của chúng ta dân số hiện giờ trên 90 triệu người, có những thông tin cho biết rằng, nội các chứng bệnh ung thư thôi hàng ngày đã giết hại gần vài trăm người rồi. Còn những bệnh khác nữa, tiểu đường, tim mạch, tai biến, v.v… hàng ngày đang hùa nhau giết chết quá nhiều người mà chúng ta không hề hay biết!… Hiện tại bây giờ dẫu cho có nhiều ban hộ niệm đang âm thầm giúp người vãng sanh, hàng ngày đều có tin một vài người vãng sanh. Đây cũng là những nguồn tin đầy an ủi, nhưng dù sao vẫn là con số quá nhỏ so với hàng trăm, hàng ngàn người hàng ngày bị chết, chịu cảnh đọa lạc thương đau.
Vậy thì, hỡi ai là người có lòng lo lắng cho đồng bào, có tình thương đối với nhân loại, xin hãy cố gắng vận động Pháp Hộ-Niệm cho mạnh lên, mong cho mọi người cùng biết đến. Pháp Hộ-Niệm lan rộng đến đâu, con người có cơ duyên được cứu độ đến đó. Hãy nuôi tâm nguyện cứu khổ cứu nạn chúng sanh, cứu được người nào mừng cho người đó. Chư vị ơi!… Đây chính là lòng từ bi chân chính đấy. Nghĩ mà tội nghiệp cho con người bị đọa lạc chịu quá nhiều khổ đau. Có khi nào chư vị cảm thấy thương xót đến rơi nước mắt không?!…
Chư vị thử nghĩ đi, nội nước Việt Nam chúng ta thôi, mỗi ngày có hàng trăm người, thậm chí có đến hàng ngàn người bị chết chịu đọa lạc rồi, thì cả trên thế giới ở quả địa cầu này, một ngày phải chăng có hàng triệu người chết không chư vị? Khổ nạn, đọa lạc, đau thương triền miên, triền miên… Kinh khủng lắm!.. Đau lòng vô cùng phải không?!…
Chính vì thế, những vị đã giác ngộ ra Phật Pháp nhiệm mầu thì thường xuyên khổ công thuyết kinh giảng đạo, cầu cho người người cùng thức tỉnh ra cơ hội giải thoát quý báu này mà sớm phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh để trở về Tây Phương Tịnh-Độ thành tựu đạo quả. Thế nhưng, chúng sanh kiên cường nan điều nan phục thật không phải dễ độ đâu. Ví dụ như ở đây, chung quanh chúng ta đâu có được bao nhiêu người nghe? Chuyện vãng sanh thành đạo chúng ta nói nhiều lắm rồi, nói lên nói xuống, nói ra nói vào, mục đích cũng chỉ nhắc nhở nhau, tha thiết mọi người cùng giác ngộ ra đường tu hành giải thoát. Ấy vậy mà có được mấy người quyết lòng tin tưởng, quyết chí vãng sanh? Oan uổng thay!… Tội nghiệp thay!…
Vậy thì, tự mình phải thương yêu lấy huệ mạng của mình mà cố gắng lên nhé chư vị. Nên nhớ, được vãng sanh là nhờ nguyện lực, chính lòng tha thiết nguyện vãng sanh đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Chư vị phải tha thiết mong muốn trở về Tây-Phương Cực-Lạc. Lòng đại từ đại bi của Đức Phật A-Di-Đà, Ngài mở ra một pháp môn phương tiện vô cùng dễ dàng và vi diệu để cứu độ tất cả chúng sanh. Ngài đang mong đợi để tiếp độ tất cả những ai tha thiết muốn trở về với Phật. Hãy thành tâm, chí thành, chí thiết thực hiện đúng tông chỉ pháp môn thì tự nhiên nguyện lực này sẽ có hiệu lực. Chúng ta được thoát vòng sanh tử luân hồi nhờ chính nguyện lực này. Đây là pháp tu theo nguyện vãng sanh, chứ không phải theo nghiệp thọ nạn nữa.
Còn tự lực tu chứng là các pháp diệt nghiệp để bước lên từng cảnh giới một. Diệt được một số nghiệp, tăng lên một cấp. Từng cấp từng cấp tiến lên. Đi theo đường này, hành giả phải cố gắng tinh tấn từ đời này qua đời khác, kiếp nọ qua kiếp kia, bất thoái để tiến lên, thời gian phải tính từng đại A-tăng-Kỳ kiếp. Thực sự, chỉ có người căn tánh thượng thượng mới có thể thành tựu ở đường này, còn hàng chúng sanh hạ căn phàm phu trí mê nghiệp nặng thì thôi chịu thua, đời đời mãi tiếp tục tạo nghiệp, một đời sẽ khổ hơn một đời.
Phân tích ra chúng ta mới thấy rõ ràng điểm khó điểm dễ của các pháp môn tu hành, nhiều khi khác nhau một trời một vực.
(d): Vãng sanh là đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo nên nhanh chóng. Tự lực là phải tự vượt qua nhiều thử thách khó khăn nên thời gian rất lâu dài.
Đúng không? – (Đúng). Chư vị nghĩ thử, một đường rất ngắn, một đường rất dài, đi đường nào sớm tới đích đây? Đi con đường ngắn phải sướng hơn chứ, phải đỡ vất vả hơn chứ, đúng không? Trong tất cả các pháp môn tu, đối với hàng hạ căn phàm phu, thì Pháp Niệm Phật Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc là đường ngắn nhất, vững vàng nhất, cụ thể và thực tế nhất.
Một người mê mờ từ vô lượng kiếp đã tạo nên tội lỗi sâu nặng, nay biết thành tâm sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh vẫn được sanh về Tây-Phương Cực-Lạc theo diện “Sám Nghiệp Vãng Sanh”. Với đặc ân này, nhiều khi do cái tinh thần sám hối mạnh mẽ mà người niệm Phật được vãng sanh phẩm vị rất cao. Còn một người có nghiệp nặng như vậy, nhưng lại phát lồ sám hối, rồi lo tu hành để tiêu trừ nghiệp chướng, vô tình lại chuyển qua một hướng tu khác. Sám hối nghiệp chướng là không tạo nghiệp nữa, còn tiêu trừ nghiệp chướng là quay về trong quá khứ để đánh phá với nghiệp chướng. Không ngờ rằng, nghiệp chướng lớn như núi Tu-Di. Đánh nghiệp này lôi ra nghiệp khác, trùng trùng nghiệp chướng do duyên này mà khởi ra. Do đó, đấu tranh với nghiệp chướng, hàng phàm phu phải chịu thua thiệt nặng nề. Hiểu được đạo lý này, mới thấy rằng, tự lực vượt qua sanh tử luân hồi có quá nhiều thử thách khó khăn, chính ta thắng không nổi.
Vậy thì, tại sao không theo đại nguyện của Đức A-Di-Đà Phật mà vãng sanh thành đạo? A-Di-Đà Phật đã thề rằng, dẫu cho một chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng tới đâu, nhưng khi nghe được danh hiệu của Ngài mà phát tâm tin tưởng, vui vẻ niệm danh hiệu Ngài cầu sanh về nước Ngài, dẫu cho 10 niệm mà không được vãng sanh Ngài thề không giữ ngôi Chánh-Giác. Đây là cơ hội cho chúng ta giải thoát, còn chờ gì nữa đây?
Mong chư vị vững tâm, vững chí đi cho tới Tây-Phương Cực-Lạc để một đời này thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.