Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 147)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Hôm nay chúng ta có cái cơ duyên hội tụ tại đây đông quá. Ngoài những nét mặt thân thương của Niệm Phật Đường, còn có những vị thân thương hơn nữa ở từ các nơi đến đây làm cho Diệu Âm vô cùng cảm động. Nhất là trong những ngày pháp hội vừa qua, có những diễn biến khá đặc biệt, vô tình lưu lại cho chúng ta những kỷ niệm càng thêm cảm động. Có lẽ đây là cái duyên của chúng ta, mong rằng ai ai cũng giữ chí hướng của mình, cố gắng hỗ trợ cho nhau, hộ niệm cho nhau, giúp đỡ cho nhau để một đời này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu niệm Phật như vầy mà sơ ý không cần đến sự giúp đỡ trong những lúc khó khăn, chúng ta vẫn bị vướng, vẫn bị khổ. Như vậy khi mình bệnh xuống, đồng tu tới khuyên nhắc, hóa gỡ, xin chư vị nên tiếp nhận liền nhé. Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về hộ niệm nữa.
Xin mở trang 59, vấn đề 33.
Những vấn đề khác về người tu học Phật trong thời này.
Rõ ràng tập sách được soạn nhằm mục đích là tìm ra cho thật đầy đủ những gì liên quan đến hộ niệm. Trong những năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều về Pháp Hộ-Niệm rồi, nhưng nay vẫn muốn cố gắng tìm thêm nhiều chi tiết nữa, nghĩa là chi tiết trong chi tiết để cùng nhau giải quyết. Mong sao cho chúng ta tránh được càng nhiều vướng mắc chừng nào càng tốt chừng đó.
Trong thời gian quá khứ, nhiều người cũng thường đi chùa tụng kinh, niệm Phật tu hành, nhưng sau cùng bị vướng nạn quá nhiều. Nếu chúng ta quyết định muốn trong một đời này thoát vòng sanh tử luân hồi, vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì hãy tìm cách làm sao tự mình phát hiện ra những sự vướng mắc đó để tránh. Càng cẩn thận càng an tâm hơn, chứ chưa chắc gì mình sẽ tránh được tất cả những vướng mắc đâu nhé chư vị. Như vậy khi có ban hộ niệm đến nhắc nhở, mình cần lắng nghe và tiếp nhận liền: “À!… Điều này tôi còn sơ ý, xin bỏ liền, bỏ liền”… Phải buông cho nhiều, xả cho mạnh, để được vững vàng vãng sanh. Đây là điều vô cùng trọng yếu.
(a): Căn tánh yếu mà tu theo các pháp quá cao thành ra thất bại.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Những người thường đi hộ niệm có thể thấy ra vấn đề này. Những người thường tới đây cộng tu, nghe nói về hộ niệm nhiều, cũng có thể hiểu được, nhưng còn rất nhiều người khác đang sơ ý vướng phải.
“Căn tánh yếu mà tu các pháp môn quá cao thành ra thất bại”. Đây là sự thực. Ví dụ như một người đang học tiểu học, thấy những tài liệu dành cho hàng tiến sĩ nghiên cứu cao siêu quá nên ham thích, ngày đêm tìm đọc, nghiên cứu, vô tình càng đọc càng mê, càng nghiên cứu càng mờ, càng tìm hiểu càng loạn. Xin chư vị nhớ cho, tu học chương trình hợp với căn cơ vô cùng hệ trọng. Người học tiểu học, học tập theo chương trình tiểu học sẽ có sự thành tựu, nghĩa là sẽ xong bậc tiểu học rồi tiến lên bậc trung học. Lên bậc trung học, hãy học tập đúng theo chương trình trung học sẽ thành tựu bậc trung học để bước lên bậc đại học. Nếu một người trình độ tiểu học mà cứ ham mê nghiên cứu chương trình đại học, thì sau cùng ngay cả bậc tiểu học cũng không thể thành tựu, đừng nói chi đến chuyện cao hơn.
Phật pháp là pháp dược cứu khổ chúng sanh. Mỗi người có mỗi bệnh riêng, bác sĩ phải khám bệnh bắt mạch rồi mới ra toa. Toa thuốc của người nào người đó tự dùng lấy, không nên dùng đến thuốc dành cho người khác. Pháp Phật cũng tương tự như vậy, tu hành không thể nhắm mắt đưa chân.
Chính Đức Thế-Tôn đưa ra 7 điều cần giác ngộ để sự tu hành được thành tựu, gọi là “Thất Bồ-Đề Phần”. Trong 7 phần này, Phật dạy muốn được thành đạo thì đầu tiên cần phải tuyển trạch pháp môn một cách cẩn thận. Tuyển trạch là chọn lựa. Nhưng khổ nỗi chính mình vì còn quá mê nên không biết pháp nào để tuyển chọn, từ đó thường đưa đến tình trạng đụng đâu tu đó, thấy người khác tu mình cũng tu theo, nhưng hầu hết không biết tu như vậy để được gì, sẽ đi tới đâu?!… Tu hành không có định hướng thì làm sao có thể thành tựu? Vô tình sự tu hành sau cùng đều bị thất bại.
Hiểu được vấn đề này, chúng ta phải biết lắng nghe lời Phật dạy, hãy y giáo phụng hành mới an toàn. Phật quán xét chúng sanh trong thời mạt pháp căn cơ quá yếu, nghiệp chướng quá nặng, chỉ còn nương theo Pháp Niệm-Phật mới có thể thành tựu. Trong kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm cũng dạy rằng, niệm Phật là pháp môn đệ nhất, chúng sanh trong thời mạt pháp phải luôn luôn trì giữ câu A-Di-Đà Phật mà niệm để giải thoát. Ngài Đại-Thế-Chí là đại Tổ Sư Tịnh-Độ trên pháp giới, thì chắc chắn phải tuyên dương Pháp Niệm-Phật. Ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát hướng dẫn tất cả 41 vị Pháp-Thân Đại-Sĩ trên cõi Hoa-Nghiêm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Ngài Văn-Thù Sư-Lợi cũng tuyên dương Tịnh-Độ và niệm Phật trở về Tây-Phương Cực-Lạc. Tất cả chư Đại Bồ-Tát sau cùng đều niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ.
Pháp Niệm Phật phổ độ 3 căn, phàm và Thánh đều được bình đẳng thâu nhiếp về Tây-Phương Cực-Lạc một đời thành Phật. Người phàm phu như chúng ta niệm Phật thực sự đã có người vãng sanh rồi, số lượng vãng sanh nhiều đếm không hết. Như vậy, rõ ràng Phật tuyển chọn Pháp Niệm-Phật cho chúng ta tu tập là vô cùng chính xác. Nhất định chúng ta phải vững tâm y giáo tu hành. Đừng nên sơ ý chạy theo hiếu kỳ mà lạc chánh pháp, hoặc tu tập các pháp không hợp căn cơ, coi chừng cuối cùng không thành tựu được gì cả. Một khi mất báo thân này, vội chui vào một báo thân khác tồi tệ hơn, chịu ách nạn nặng nề hơn. Xin quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh để được thành tựu vậy.
(b): Không hiểu Pháp Hộ-Niệm nên thường phạm nhiều điều sai lầm mà bị nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Nói cao làm chi cho đầu óc hoang mang, hãy trở về chuyện của chúng mình. Nói cao nói thấp, nói qua nói lại… nhưng sau cùng chúng ta cũng phải quay về với Pháp Hộ-Niệm, vì chỉ còn có Pháp Hộ-Niệm này mới cứu được chúng ta vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Xin hỏi, chư vị có đồng ý rằng, đối với hàng phàm phu chỉ còn có Pháp Hộ-Niệm mới có thể cứu mình thoát nạn không? Nên nhớ cho nhé, Pháp của Phật thì pháp nào cũng đều vi diệu cả, không được phân biệt khinh chê, nhưng pháp nào có thể cứu chúng ta vãng sanh, thì chúng ta phải nắm cho chặt, bám cho chắc, để một đời này mình vãng sanh sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh được thì mình được thành tựu, không vãng sanh thì mình bị đọa lạc. Không nên chọn con đường giải thoát khó khăn, đừng nên chọn con đường thoát nạn bấp bênh, mà xin hãy chọn đường tu hành dễ được thành tựu. Phật dạy thời mạt pháp chỉ có niệm Phật mới có thể thoát ly sanh tử luân hồi. Như vậy, chúng ta niệm Phật là đúng rồi. Hơn nữa, chúng ta còn dặn dò người chung quanh, bạn đồng tu giúp đỡ. Khi tôi yếu anh phải ở sát bên tôi, khuyến tấn tôi, nhắc nhở tôi từng chút từng chút, cố gắng hóa gỡ cho tôi thoát khỏi từng mối rối, những thứ vướng mắc mà chính tôi không cách nào tự tháo gỡ được. Niệm Phật và hộ niệm là cách tu chắc trong chắc để được thành tựu vậy.
Xin thưa chư vị, có một khoảng thời gian khá lâu Diệu Âm rất hoang man về câu nói của chư Tổ: “Niệm Phật vạn người tu vạn người vãng sanh, muôn người tu muôn người đắc”, vì chính Diệu Âm tìm hiểu trong nhiều năm trường, không thấy người niệm Phật dễ dàng vãng sanh như vậy. Nghĩa là, nhiều người tu niệm Phật vẫn ra đi trong mê mê hồ hồ, cũng không có gì bảo đảm được vãng sanh. Sự thật này đã làm cho Diệu Âm nhiều lúc cảm thấy thất vọng vô cùng!… Đến khi gặp Pháp Hộ-Niệm, tự mình đứng trước người bệnh nhắc nhở, hướng dẫn cho người đó niệm Phật, rồi người bệnh xả bỏ báo thân ra đi lưu lại tướng lành vi diệu bất khả tư nghì… Xin thưa chư vị, chính mắt chứng kiến hiện tượng này, khiến cho Diệu Âm quá xúc động, đến nỗi bàng hoàng, ngẩn ngơ, một cảm giác không thể nói lên thành lời được. Diệu Âm đứng sững sờ nhìn một người sau khi ra đi đã 12 tiếng đồng hồ mà môi đỏ như thoa son, sắc mặt thì càng lúc càng hồng lên chứ không bị tái xanh như thường thấy, toàn thân thì mềm nhũn. Thật lạ lùng!… Rồi chúng tôi niệm thêm đến sáng hôm sau, tổng cộng đến 26-27 tiếng đồng hồ, nhưng thân xác càng đẹp càng tươi lên. Thật bất khả tư nghì!
Đến lúc đó Diệu Âm mới thực sự giựt mình và ngộ ra lời của Phật: “Mười niệm tất sanh”. Lúc đó mới hiểu thấu được lời nói của chư Tổ: “Niệm Phật, vạn người tu vạn người vãng sanh, muôn người tu muôn người đắc”. Và đến lúc đó mới chấm dứt tình trạng hoang mang khó xử trải qua nhiều năm tháng. Câu trả lời chính là, người niệm Phật phải thực hiện cho đúng tông chỉ của Pháp Niệm-Phật trước giây phút xả bỏ báo thân, chứ không phải hễ niệm Phật là được vãng sanh. Người thế gian quá hững hờ trước đường giải thoát, không chịu nghiên cứu kỹ pháp đại cứu tinh, cứ tưởng rằng thỉnh thoảng tới chùa niệm vài câu Phật hiệu là đủ, dự vài khóa Phật thất thì cho mình đã tu Tịnh-Độ rồi. Sai lầm quá! Oan uổng quá! Đâu biết rằng, hôm nay mình niệm Phật nhưng ngày mai không còn niệm nữa, mình niệm Phật với mục đích gì khác chứ không phải để cầu vãng sanh… Rồi đến lúc lâm chung mình không thể nào niệm được một câu A-Di-Đà Phật trong tâm. Xin nhắc lại, trong tâm chứ không phải trên miệng. Trong tâm của chúng ta phải thực hiện cho được Tín-Nguyện-Hạnh trước lúc xả bỏ báo thân. Người nào làm được chuyện này chắc chắn được vãng sanh, lưu lại thoại tướng bất khả tư nghì và người đó đã đoạn tuyệt thân phận phàm phu để đi làm Bồ-Tát vậy.
Cho nên, tu hành mà không hiểu rõ con đường vượt thoát sanh tử luân hồi, thành ra cứ bị vướng mãi. Sự sơ suất này chính là không biết phương pháp hỗ trợ tích cực cho nhau, giúp cho một người khi nằm xuống thực hiện cho được tông chỉ Tín-Nguyện-Hạnh của Pháp Niệm-Phật. Niềm tin không thay đổi, ý nguyện vãng sanh phải tha thiết, phải bừng lên niệm Phật. Rất nhiều trường hợp người bệnh không niệm Phật nổi, ta phải niệm Phật bên tai, nhắc nhở người đó nương theo đại chúng mà niệm Phật: “Bác Sáu ơi! Niệm Phật theo chúng con, quyết cầu xin A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn vãng sanh nhé”. Dẫu cho bác Sáu này không nhép môi niệm theo được, nhưng trong tâm thầm niệm theo, thầm nguyện vãng sanh, Bác Sáu vẫn có thể được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Một pháp môn quá tuyệt vời, quá vi diệu, phổ độ khắp cả ba căn. Một pháp đại cứu tinh cứu độ chúng sanh thực sự đã ứng hiện khắp nơi trên thế giới, và may mắn thay cho người Việt Nam chúng ta cũng đã thọ hưởng cái ơn huệ này rồi, phải không chư vị?
(c): Nếu đã nắm vững quy luật của Pháp Hộ-Niệm rồi thì có thể không cần hộ niệm nữa.
Đúng không chư vị? – (Sai). Chúng ta cần nhắc đến những điều bất cẩn. Thực sự có nhiều điểm sơ suất mà chúng ta cần phải sửa đổi. Ví dụ, một người niệm Phật cho rằng đã đủ, không cần nhờ ai giúp đỡ là vô cùng sơ suất. Nên nhớ, bây giờ có thể ngồi được nhưng lúc đó nằm chèo queo, đưa tay lên không nổi. Bây giờ niệm Phật được, nhưng đến lúc đó đầu óc đã quay cuồng chóng mặt, còn biết gì nữa mà khoe. Nếu không nhờ sự nhắc nhở, dìu dắt, thì người bệnh cứ bị dìm mãi trong những cảnh hãi hùng, hỗn loạn… Những cảnh giới đó sẽ liên tiếp khủng bố tinh thần người bệnh đến điên đảo, đảo điên.
Vậy thì biết tu rồi chưa đủ đâu, cần phải biết hỗ trợ cho nhau nữa mới tốt. Biết tu rồi chưa vững đâu, cần phải biết hướng dẫn cho nhau đi đúng đường mới chánh. Biết tu rồi chưa an toàn đâu, cần phải bảo vệ cho nhau mới được vững vàng… Chính Pháp Hộ-Niệm thực sự đã hỗ trợ, bảo vệ, dìu dắt giúp cho người bệnh vượt qua rất nhiều ách nạn trong lúc xả bỏ báo thân. Là hàng phàm phu, xin đừng bao giờ coi nhẹ nghiệp chướng. Là hàng sơ cơ, xin đừng bao giờ khinh thường oán thân trái chủ. Là hàng hạ căn, đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể thoát ly sanh tử luân hồi một cách dễ dàng nhé.
Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng Pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của Pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện Pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.
(d): Bây giờ biết rõ Pháp Hộ-Niệm, nhưng khi lâm chung tự mình khó có thể thực hiện được, nên cần phải được hộ niệm.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Xin nhắc mãi điều này, phải nhờ người giúp đỡ. Phải cần người hộ niệm. Khi gặp cơn hoạn nạn, lâm vào cảnh ngặt nghèo mới thấy quý báu sự giúp đỡ. Khi bị cuốn trôi giữa dòng nước lũ rồi, mới thấy giá trị của một chiếc phao. Một chiếc phao đơn giản, nhưng có thể cứu cả huệ mạng của mình, mà trước nay mình vẫn xem thường, không thèm để ý đến. Vì không ý thức được rằng, tất cả chúng ta đang bị dòng nghiệp lực cuồn cuộn cuốn trôi, nên không biết trân quý chiếc phao, mà cứ tự nhiên nằm đó chờ ngày thọ nạn. Khi lâm chung sắp xả bỏ báo thân rồi mới thấy ra vấn đề thì quá trễ, thân xác thì bị nhận chìm dưới đáy bùn đen, linh hồn thì bị lôi tuột vào bể khổ luân hồi chịu nạn. Ôi đành nhận lấy thương đau vậy thôi!…
Chiếc phao đó là gì? Xin thưa, chính là câu “A-Di-Đà Phật”. Ai ném chiếc phao đến cho mình? Xin thưa, chính là người hộ niệm. Nhiệm vụ của người hộ niệm là ném chiếc phao đến để cứu mình. Còn phần của mình có chịu bắt lấy chiếc phao hay không. Nếu còn chút tỉnh táo thì mau mau chụp lấy chiếc phao, ôm chặt chiếc phao để được cứu. Cơ hội thoát nạn chỉ đến một lần, xin đừng sơ ý buông tay ra.
Cơ hội giải thoát đang ở trước mắt, xin cùng phát tâm giúp nhau đi thành đạo nhé. Phàm phu chỉ được thành tựu đạo quả bằng một con đường thật cụ thể, đó là niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, và nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm thật kỹ để hiểu thấu hành đúng mà trợ duyên cho nhau. Chúng ta cùng về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.