Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 93)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 39, câu (d): Niệm Phật cần chuyên nhất đừng nên quá xen tạp mà đường vãng sanh gặp nhiều trở ngại.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tại sao khi tu xen tạp thì đường vãng sanh bị trở ngại vậy? Trong kinh Vô-Lượng-Thọ nhiều lần Phật dạy: “Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Nhất hướng là một hướng mà đến, một đường mà đi, cứ một câu A-Di-Đà Phật chuyên nhất mà niệm để cầu vãng sanh Tịnh-Độ, thì Thượng Phẩm, Trung Phẩm, Hạ Phẩm, Phật đều có nhắc đến lời này. Trong kinh A-Di-Đà chúng ta tụng hằng ngày có câu niệm Phật từ 1 ngày đến 7 ngày nhất tâm bất loạn để vãng sanh.
Theo như Hòa Thượng Tịnh-Không giảng, thực ra, nhất tâm hệ niệm A-Di-Đà Phật từ 1 ngày đến 7 ngày thì đúng theo cách trực dịch của lời kinh, còn ý nghĩa câu “Niệm Phật từ 1 ngày đến 7 ngày nhất tâm bất loạn” là dịch theo ý của ngài Cưu-Ma La-Thập, hàm nghĩa một hướng thành tâm niệm Phật mà được cảm ứng đến đại nguyện của đức A-Di-Đà, được Phật lực gia trì giúp cho hành giả một lòng niệm Phật khi lâm chung mà được vãng sanh.
Niệm Phật chuyên nhất mới gọi là nhất tâm. Niệm Phật không chuyên nhất thì không thể gọi là nhất tâm, mà là nhị tâm, tam tâm, tứ tâm, ngũ tâm gì đó, chứ không thể nhất tâm được. Vậy thì, niệm Phật cần phải chuyên nhất, đừng nên xen tạp. Xen tạp có nghĩa là hôm nay tu pháp này, mai tu pháp khác, không có định hướng nhất định.
Kinh Phật thì kinh nào cũng từ lời Phật dạy, kinh nào cũng có đạo lý vi diệu, mỗi kinh đều có sự đối trị riêng. Nhưng nếu chúng ta tu nhiều pháp, tụng nhiều kinh, thì lời kinh khác nhau, ý kinh khác nhau, cách hành trì khác nhau đưa vào tâm, khiến cái tâm này chứa nhiều thứ quá. Tu theo cách này đối với trung căn trở lên có thể thành tựu, còn với hàng phàm phu này thì rất dễ bị rối loạn hoặc mất định hướng. Hôm nay thì muốn về Tây-Phương, ngày mai thì muốn phá nghiệp, bữa nọ thì muốn tạo phước, tức là cái tâm chúng ta cứ chạy lòng vòng, đến lúc nằm xuống rồi thì mông lung bất định, không có đường nào nhất định để đi. Lâm chung mà tâm ý mơ hồ không có chủ định thì đành phải theo nghiệp thọ nạn. Nghiệp lớn nhất của chúng sanh phàm phu trong thời này là nghiệp tam đồ ác đạo. Xin hỏi, làm sao có thể thoát được vòng khổ lụy đây?!
Chính vì thế, xin thưa với chư vị, nếu thực sự chúng ta muốn vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, để một đời này bất thoái thành Phật, thì phải tinh chuyên niệm Phật. Đừng nên cùng lúc đi nhiều đường, tu nhiều pháp, có vậy thì tâm này mới định được, đường đi mới vững vàng, điểm về mới cụ thể. Ngài Liên-Trì Đại Sư nói: “3 tạng kinh điển, 12 phần giáo, ai muốn tụng cứ tụng”, vì tụng kinh pháp của Phật thì tốt, không nên cấm cản. “84 ngàn pháp môn ai muốn tu cứ tu”, vì đó là duyên lành của chúng sanh, không nên ngăn trở. Còn cách tu hành của Ngài là chỉ một câu A-Di-Đà Phật niệm từ sáng đến chiều, Ngài không cần thêm bớt gì nữa. Tại sao vậy? Tại vì Ngài quyết lòng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, Ngài không muốn đi theo con đường nào khác.
Như vậy, người nào muốn nương theo đại nguyện của đức A-Di-Đà để vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, một đời này thành Phật ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc, thì cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm để cầu nguyện vãng sanh. Đường đi thẳng tắt, điểm về đã định, không còn phân vân nữa. Xin đừng tu quá nhiều đường mà trở ngại việc vãng sanh. Đừng tìm cầu nhiều chủng tử khác đưa vào tâm, bắt cái tâm này phải chứa chấp nhiều thứ quá mà mông lung vô định hướng, khiến cho phút trước niệm cái này, phút sau niệm cái kia, phút nọ lại niệm cái khác, đường đi lan man, điểm về mờ mịt. Khi lâm chung sẽ chơi vơi như đứng giữa vạn nẻo đường, tâm ý hoang mang, nhất định nghiệp chướng sẽ ứng hiện, ấm cảnh sẽ hiện tiền, theo đó mà đi luân hồi đọa lạc. Bị đọa lạc rồi thì còn cơ hội nào nữa để giải thoát đây? Tu hành xen tạp bị trở ngại là vì lí do này vậy.
(e): Người tu hành phải có tâm từ bi cứu độ chúng sanh, nỡ nào lại cứ lo chuyện vãng sanh cá nhân mà bỏ rơi chúng sanh quá khổ sở trên thế gian này.
Ý niệm này đúng hay sai chư vị? – (Sai). Quá sai!… Đúng với những người muốn ở lại thế gian này làm việc nghĩa, còn người quyết lòng đi về Tây-Phương Cực-Lạc thì có quan niệm khác hơn.
Làm việc nghĩa, việc thiện ở thế gian này tốt lắm đấy, nhưng thực ra không giúp được gì lớn lắm. Cộng nghiệp của chúng sanh lớn quá rồi, cứu không nổi đâu. Tu hành mà cuối cùng còn kẹt lại đây thì chính ta cũng khó có ngày thoát nạn, huống chi mơ đến chuyện cứu độ chúng sanh.
Vận động tiền bạc để mua bánh mì giúp người nghèo khổ, mỗi người một ổ là làm thiện bố thí. Nhưng giúp được bao nhiêu? No lòng một bữa, bữa sau có giúp tiếp không? Khi chết đi đọa lạc có giúp được không? Như vậy việc làm này tốt, nhưng không thể rốt ráo được.
Có những người chuyên đi làm thiện phước, giúp người. Đây là người có tâm thiện lương, người tốt của thế gian, nhưng đối với đạo xuất thế thì người chỉ lo tu phước thiện không thể thoát vòng sanh tử khổ nạn. Trong thời nhà Thanh, có một vị Phật tử kia suốt đời ăn ở hiền lành, thích làm thiện, giúp người nghèo, xây cầu, mở đường, đào giếng giúp dân làng… còn chuyện niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì không thèm để tâm tới. Ngài Tĩnh Am thấy vậy, cảm thấy thương hại vị này mà lên tiếng cảnh cáo rằng, ông làm thiện như vậy thì tốt đấy, nhưng còn đường thoát vòng sanh tử luân hồi thì sao đây? Ngài nói, “Nghiệp thiện càng lớn thì sanh tử càng nặng. Còn chấp vào việc thiện thì quyết không có cơ hội siêu thoát sáu đường luân hồi”.
Ngài dạy làm thiện tích phước là trợ hạnh. Chúng ta cần cố gắng tu phước thiện để tạo phước báu. Có phước báu thì khi nằm chèo queo xuống đỡ khổ hơn những người thiếu phước. Những người có phước báu lớn, nhất định khi chết đỡ khổ vô cùng, ít bị mê man bất tỉnh, thoải mái hơn người thiếu phước. Những người niệm Phật được đến hơi thở cuối cùng là những người có phước báu lớn, còn những người thiếu phước thường thường đến lúc cuối cùng bị bệnh khổ hành hạ, đau đớn, dễ mê man bất tỉnh, khó chống chọi nổi với nghiệp chướng.
Cho nên, lấy việc tu phước thiện làm trợ hạnh thì rất tốt. Tu phước thì giảm nghiệp. Những người chịu nhiều bệnh khổ mà phát tâm tu phước làm thiện, thì bệnh nghiệp có thể tự nhiên giảm khinh. Những người đang trong cảnh nghèo khó mà phát tâm tu phước, ủng hộ đạo tràng, thương người, giúp đời, phóng sanh… tự nhiên cải đổi hoàn cảnh, có nhiều khi 2-3 năm sau người ta phát giàu lên đấy.
Chính Diệu Âm biết được có người đi bán từng lít xăng, bán ve chai để sống, nhưng khi có người mẹ được hộ niệm ra đi có hiện tượng vãng sanh tốt đẹp, người đó mới phát tâm ra bố thí cúng dường, đem tiền đi giúp người nghèo khó hơn mình, giúp các đạo tràng niệm Phật, ủng hộ phương tiện cho những người tu hành, tự nhiên một thời gian sau cuộc sống thay đổi, tình trạng kinh tế gia đình phát triển khá nhanh, giờ đây đã trở thành một tổng đại lý gì đó, hàng ngày ngồi ký tên lấy tiền. Lạ không chư vị?
Nhu cầu cho mình phải biết đủ để phát khởi cái tâm làm phước tu thiện mới tốt. Nhưng hãy nhớ cho, tu phước thiện thì có quả báo là phước báu hữu lậu thế gian, chứ không phải là được vãng sanh đâu nhé. Niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh. Niệm Phật là Chánh-Hạnh, tu phước là Trợ-Hạnh. Chánh hạnh là việc chính không thể không quyết tâm hành trì. Trợ hạnh tức là hạnh tu hỗ trợ, giúp cho chánh hạnh được suông sẻ, giúp sự thành tựu được viên mãn hơn. Nên nhớ cho kỹ điểm này, đừng nên sơ ý.
Có người nghĩ rằng, chúng sanh ở đây còn nhiều khổ nạn, chúng ta cần mở tâm từ bi cứu khổ cứu nạn, chứ nỡ nào lại bỏ chúng sanh mà lo chuyện vãng sanh cho cá nhân mình. Họ nghĩ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là sự ích kỷ cá nhân.
Người không biết Phật pháp nói vậy thì chẳng bàn đến làm chi, chứ người đã tu học Phật mà nói lời này thì còn dám tự xưng là tu theo chánh pháp của Phật nữa sao?
Đầu tiên, vãng sanh không phải chỉ vì lợi ích cá nhân. Người chỉ vì lợi ích cá nhân mà cầu vãng sanh thì không thể được vãng sanh.
Vãng sanh để thành Phật. Thành Phật rồi mới có năng lực cứu độ chúng sanh. Nếu đường giải thoát chính mình chưa vững, phàm phu vẫn là phàm phu, tự mình không thoát nổi đọa lạc mà đòi đi cứu chúng sanh thoát nạn thì thật mỉa mai lắm vậy!…
Chúng sanh vô biên, trong đó đầu tiên phải kể đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của mình, số lượng nhiều không đếm hết, đang bị kẹt trong tam đồ ác đạo, họ đang chịu khổ đau không thể nói nên lời. Ở đây ta có khả năng cứu họ được không? Nhưng nếu được vãng sanh, thì nhờ cái đức của vãng sanh của mình mà thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ có thể thoát được cảnh tam ác đạo đấy. Chư vị hãy suy nghĩ đi, chỉ làm chuyện phước thiện thế gian đến bao giờ mới có thể cứu một người thoát qua cảnh đọa lạc khổ nạn này?
Làm phước thiện mà thiếu trí huệ coi chừng tạo nên nghiệp ác. Giết hại sanh vật để cung dưỡng cha mẹ, tưởng là hiếu nghĩa nhưng có ngờ đâu ta đang gây họa cho cha mẹ mà không hay. Sát nghiệp tạo nên oán thù truyền kiếp, là nguồn gốc của chiến tranh gây khổ nạn cho nhân loại mà người thế gian vẫn cho đó là tốt.
Vì thế, làm phước thiện mà không hiểu đạo có thể tạo nên biết bao nhiêu sự sai lầm, sớ ý nhiều khi còn gây nên ác nghiệp thảm thương!…
Không phải chỉ vì lợi ích cá nhân mà đi vãng sanh, mà ta vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để thành Phật cứu độ chúng sanh. Oán thân trái chủ của chúng ta đang chịu quá nhiều đau khổ bởi sự mê mờ, sai lầm của mình, hãy quyết lòng vãng sanh để tìm cách cứu họ, tâm niệm này là đại thiện đại lành đó. Sự vãng sanh của mình là nguồn công đức vô tận để đền bù lại vô lượng tội ác mà mình đã tạo nên sự khổ nạn cho chúng sanh đấy.
Không phải vãng sanh là bỏ rơi chúng sanh, nhưng vì thương chúng sanh mà chúng ta cần sớm vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Người đời thường nghĩ đơn giản rằng, giúp đỡ người nghèo khó là cứu độ chúng sanh, cấp phát vài ổ bánh mì cho người đói là đủ phước thiện. Thực tế đây là việc tốt, chứ không phải đủ. Trên thế giới này, có những nơi nghèo khổ đến nỗi người đói nằm đầy đường, cảnh khổ này lớn quá chúng ta nên phát tâm trợ giúp, cố gắng hỗ trợ được phần nào hay phần đó chứ làm sao giải tỏa được ách nản của chúng sanh? Một đại tỷ phú đem cả tài sản ra cứu đói cho nhân loại, thì mỗi người đói cũng chỉ được 1 ổ bánh mì, sau đó người tỷ phú này không còn khả năng đến giúp lần thứ hai, nghĩa là cảnh khổ vẫn còn nguyên cảnh khổ. Thật sự cái cộng nghiệp của chúng sanh quá lớn rồi, cứu không nổi!… Vì thế, cách cứu này chỉ là sự giúp đói tạm thời qua bữa, chứ không thể gọi là cứu độ chúng sanh được.
Hãy cố gắng khuyên người niệm Phật, tạo duyên cho người hữu duyên vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Một chúng sanh phàm phu về được tới Tây-Phương Cực-Lạc thì thành Phật, thành Phật rồi sẽ cộng sức với chư Phật để cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh trên mười phương pháp giới cùng vãng sanh thoát vòng sanh tử khổ nạn. Công đức này vô lượng vô biên. Mong chư vị hiểu rõ đạo lý này để vững tiến trên con đường tu hành niệm Phật, đừng nên phân vân mà lạc tâm bởi những quan niệm không đúng chánh pháp.
Nên nhớ cho, nếu đường thành đạo chính mình còn mơ hồ, việc thoát ly sanh tử luân hồi chính mình chưa vững thì làm sao có thể cứu được chúng sanh thoát nạn. Vậy thì, phải lo niệm Phật tinh chuyên cầu sanh Tịnh-Độ để thành Phật trước. Vãng sanh về được Tây-Phương Cực-Lạc thì bắt đầu ta đã có năng lực cứu độ chúng sanh rồi. Phải theo đúng lời Phật dạy mà tu hành. Đừng sơ ý nghe theo những lời bàn luận sai lầm mà tu sai chánh pháp. Một lời nói sai chánh pháp, lôi kéo con người kẹt lại trong lục đạo luân hồi, đánh mất cơ hội giải thoát của chúng sanh, thì nghiệp chướng này lớn vô cùng, biết bao giờ rửa sạch tội ác đây?!!!
Mong chư vị nắm vững lý đạo tu hành, quyết y theo lời Phật dạy, tuyệt đối không được nghe theo những lời bàn tán mê lầm. Tu hành sai lầm, không đúng chánh pháp thì chính mình bị nạn, còn mong gì cứu giúp được ai,
Một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là đúng lời Phật dạy trong thời mạt pháp này, là đại pháp rộng độ chúng sanh, là pháp môn cho chính mỗi người chúng ta thành tựu đạo giải thoát vậy.