Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 94)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 39, chúng ta đang nói về “Tu pháp môn niệm Phật cần xác định lập trường như thế nào”. Xác định lập trường chính là nói về sự chủ định. Làm việc gì cũng phải có chủ định trước. Học Phật, chúng ta thường nói về “Thiền Định”, thì xác định lập trường của người niệm Phật chính là Thiền Định. Định là chủ định. Chúng ta cần phải xác lập chủ định như thế nào đây?
(g): Chưa vãng sanh thì chưa thành đạo, chưa thành đạo thì chưa có thể cứu độ được chúng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là điểm rất quan trọng. Ví dụ như hồi sáng này chúng ta đưa ra vấn đề, tại sao người tu hành lại không có tâm từ bi cứu độ chúng sanh, nỡ nào cứ lo chuyện vãng sanh cho cá nhân mà bỏ rơi chúng sanh quá khổ ở thế gian này. Có người nghĩ rằng phải ở lại đây cứu độ chúng sanh mới được, còn về Tây-Phương Cực-Lạc là bỏ chúng sanh trốn về đó để ngủ, không có tâm từ bi.
Không biết ở đây có ai muốn trốn về Tây-Phương Cực-Lạc để ngủ không? Chẳng lẽ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc dễ dàng như chuyện lười biếng trốn làm, tìm chỗ vắng vẻ để ngủ sao? Ấy thế mà có người lại nói như vậy.
Một người phát tâm quyết lòng giúp cho những người bệnh thay vì bị kẹt trong sáu đường luân hồi chịu đọa lạc khổ đau, giờ đây được phước phần vãng sanh về Tây-Phương một đời thành đạo, thì cho rằng không có lòng từ bi, không cứu độ chúng sanh. Còn người nói sai lệch đạo lý siêu sanh, đánh lạc hướng giải thoát của chúng sanh, làm cho người tu hành mất lòng tin mà bị kẹt lại trong lục đạo luân hồi, tiếp tục sanh sanh tử tử, chờ ngày rơi xuống tam ác đạo chịu nạn, vậy mà gọi là cứu độ chúng sanh sao? Cho nên câu này là sự trả lời thẳng thắn rõ ràng cho vấn đề hồi sáng nay vậy.
Một người mà đường thành đạo của chính mình chưa vững, thì làm sao có thể cứu được chúng sanh thành đạo? Sự giải thoát của chính mình còn quá mờ mịt, thì làm sao có thể dẫn dắt chúng sanh giải thoát đây?
Chính vì thế, xin thưa quý vị, hãy niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo trước, thành đạo rồi mới đi đến những nơi có duyên để cứu độ chúng sanh là đúng nhất. Giờ đây, trong cuộc đời của mình chỉ cần cố gắng hộ niệm đưa được một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì công đức cũng vô lượng vô biên rồi, chắc chắn phải lớn hơn sự gieo duyên Phật pháp cho hàng ngàn người tu hành mà không biết đường giải thoát!…
Ấn Tổ dạy, một đạo tràng có được một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới được gọi là đạo tràng thành tựu, chứ không phải là nơi gieo duyên cho hàng ngàn, hàng vạn người tới lui lễ bái. Mỗi lần nhắc tới lời này, chư vị có cảm thấy thấm thía lắm không? Tại sao Ấn Tổ đưa ra tiêu chuẩn chỉ cần được 1 người vãng sanh là đủ xứng danh một đạo tràng thành tựu vậy? Vì thời mạt pháp này người tu thì có mà người thành tựu thì không, đạo tràng thì nhiều mà người vãng sanh thì quá ít.
Hộ niệm đưa người vãng sanh là một sự thực đã có chứng minh cụ thể. Như vậy muốn kiến tạo một đạo tràng thành tựu trong thời này không còn cách nào hay hơn là ứng dụng Pháp Hộ-Niệm Vãng-Sanh. Chính nhờ sự thành tựu hiển nhiên này mà Diệu Âm đã mạnh dạn nói về Pháp Hộ-Niệm gần 20 năm qua, cố gắng phổ biến Pháp Hộ-Niệm để cứu được người nào hay người đó. Sự vi diệu của Pháp Hộ-Niệm đã hiển hiện quá rõ rệt rồi, nhưng nhiều người vẫn chưa chịu giựt mình giác ngộ, để cùng hợp sức nhau cứu người cứu ta.
Phật dạy: “Thế gian cộng tranh bất cấp chi sự”, thời mạt pháp là thời đấu tranh kiên cố, con người sống trong sự tị hiềm đố kỵ, đưa đến sự cứu độ của Pháp Hộ-Niệm Vãng-Sanh không dễ gì thuận lợi để cứu người.
Tu hành chúng ta cần phải biết giác ngộ. Giác ngộ thì mới xác định lập trường vững vàng. Lập trường vững vàng thì đường tu mới vững, nhờ vậy mới có cơ ngơi thành tựu. Còn tu hành mà mông lung vô định hướng, thấy người tu sao mình tu vậy, thấy người đi đâu mình đi đó thì thật sự oan uổng lắm thay. Chẳng lẽ người ta đi đường đọa lạc, mình cũng đi theo để chịu đọa lạc cho hòa đồng hay sao? Lạ lùng vậy!…
Phật dạy: “Thời mạt pháp, ức triệu người tu hành khó tìm ra một người chứng đắc”. Tu hành mà không đắc thì kết quả ra sao? Coi chừng bị nạn. Nạn gì? Nạn “Nhơn thân nan đắc”, nghĩa là theo nghiệp tho nạn trong tam đồ ác đạo, chịu vô vàn khổ đau. Cái ách nạn đọa lạc nặng nề này đang chờ sẵn trước mũi bàn chân của từng người phàm phu như chúng ta. Như vậy hàng phàm phu chúng ta phải quyết tìm đường thoát nạn chứ. Một người sau khi chết để lại thân tướng cứng đơ, tái xanh, sắc mặt hãi hùng… gọi là tướng ác hiển hiện, là triệu chứng rõ rệt báo cho ta biết rằng, đời kiếp tương lai của họ sẽ thọ lãnh ách nạn vô cùng khốn khổ đấy. Hiện tượng này nhiều vô lượng vô biên. Thật quá kinh hoàng!… Thật quá đáng sợ!…
Chính vì thế mà chư vị cần nhớ cho, phải xác định lập trường vững vàng mới được, nhất định y theo lời Phật dạy mà tu thì mới có cơ hội hoàn thành tâm nguyện giải thoát trong đời này. Còn nếu sơ ý, cứ chạy theo những thứ kiến giải thế gian, hoặc thấy người ta tu sao mình tu vậy cho vui, thì cái vui này coi chừng là miếng mồi trong cái bẫy tam ác đạo mà không hay. Phật dạy, thời mạt pháp ức triệu người tu hành, khó tìm ra một người thành tựu. Khó thành tựu, thì hàng triệu người thất bại đó sẽ đi đâu đây?
Tổ Thiện-Đạo dạy cho chúng ta một phương cách để giữ vững lập trường khá đặc biệt. Ngài nói, dẫu cho chư Phật Bồ-Tát trên mười phương phóng đại quang minh bảo ta bỏ câu A-Di-Đà Phật để các Ngài chỉ cho pháp tu khác vi diệu hơn, ta không bỏ.
Chư vị nghĩ thử, có pháp môn nào vi diệu đến nỗi có thể cứu cả hàng phàm phu một đời thành đạo như Pháp Niệm-Phật không? Không có. Như vậy, có bao giờ chư Phật, chư Bồ-Tát lại bảo ta bỏ câu A-Di-Đà Phật không? Không bao giờ đâu.
Ngài nói như vậy là nhằm ý dặn dò chúng ta cần xác định lập trường vững vàng, đừng nên yếu lòng nghe lời bàn tán sai lầm mà coi chừng bị sập bẫy của chúng ma. Thời này người tu học Phật nên nhớ câu này nhé, “Phật cao nhất xích, Ma cao nhất trượng”. Kinh khủng lắm đấy!…
Tại sao Phật thấp, còn Ma thì cao vút vậy? Tại vì thời mạt pháp này chánh pháp càng ngày càng suy nhược còn ngoại đạo càng ngày càng hưng cường, người hiểu đạo quá ít còn kẻ lầm lạc quá nhiều, tâm giác ngộ hiếm hoi còn tâm mê mờ thì tràn ngập. Phật hay Ma nằm ngay tại tâm này chứ ở đâu xa.
Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh là pháp đại cứu tinh cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp này, sự vi diệu đã được chứng minh rõ rệt như vậy mà mấy ai tin tưởng thực hành để cứu giúp nhau. Chúng ta giảng nói Pháp Hộ-Niệm cho đại chúng, thì giảng cho 100 người chưa chắc gì tìm được 1 người hoan hỷ tin theo. Tại sao vậy? Tại vì hiện thời “Ma” cao một trượng, còn “Phật” cao chỉ có một tấc thôi thì làm sao đây? “Phật” là Giác Ngộ, thời này người giác ngộ quá ít. “Ma” là lầm mê, thời này người lầm mê quá nhiều. Cái tâm mê mờ là Ma. Nói rõ hơn, phiền não là Ma, nghiệp chướng là Ma, dại khờ là Ma, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là Ma đấy. Nếu hiểu được ý nghĩa này, thì ta nên nói rằng: Phật cao một xích, còn Ma cao tới ngàn trượng mới diễn tả rõ rệt hơn cái trạng huống của thời mạt pháp này vậy!…
Do đó, tu hành chúng ta phải biết phân biệt chánh tà rõ ràng minh bạch mới được. Nhất định phải theo đúng lời Phật dạy, xin đừng chạy theo thị hiếu của thế gian mà vướng phải lưới ma. Đã gặp cơ hội vãng sanh, xin chư vị phải trân quí con đường này để giải thoát. Phải đi cho thẳng, phải đi chánh, phải tu hợp lý hợp cơ để được thành tựu. Thành tựu cho chính mình, thành tựu cho chúng sanh. Nếu sơ ý thì kẹt lắm đấy.
(h): Người tâm chưa khai, ý chưa mở, thường hiểu sai lời Phật dạy. Nếu dẫn dắt chúng sanh theo ý riêng của mình, rất dễ bị sai đường, phải chịu vấn đề nhân quả rất nặng.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ rệt đấy. Hiểu sai lời Phật dạy, dẫn dắt sai lời Phật dạy thì chịu nhân quả nặng lắm. Tổ Ấn-Quang dạy, đừng nên lấy sự sôi nổi của thế gian mà đo lường sự thành tựu của Phật pháp. Người thế gian yêu chuộng sự hội náo sôi nổi, còn người chân chính tu hành thì trọng sự thành tựu giải thoát. Người chân chính tu hành, một khi khai ngộ đường đạo thường thường trốn xa thế gian, tìm đến những nơi hẻo lánh mà âm thầm tu tập để thành tựu đạo quả. Họ phải quyết lòng tự độ để độ tha. Phải tự cứu lấy mình trước, mới có thể cứu được chúng sanh. Muốn cứu chúng sanh phải cần có duyên, không duyên không thể cứu được. Người thế gian không màn gì đến sự thành tựu giải thoát, cứ mãi chạy theo sự sôi nổi ồn náo nên duyên lành về Phật pháp đành chịu yếu kém đi.
Như vậy, xin hỏi rằng, những đạo tràng đông người có lợi lạc không? Có chứ. Nếu tu tập đúng chánh pháp thì nơi đó sẽ có sự thành tựu càng cao, công đức càng lớn, chúng ta phải tán thán. Ngược lại, nếu không theo đúng chánh pháp, thì chướng nạn càng thêm nặng nề, khổ ách của chúng sanh khó bề lường trước!…
Chính vì thế, ở đây chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến đường hướng tu tập để đạt được sự thành tựu thiết thực. Có thành tựu mới thực sự có lợi lạc. Còn hình thức chỉ là phương tiện. Nếu dốc tâm vào hình thức đồ sộ, mà yếu phần thực hành cụ thể, thì coi chừng chánh pháp bị xao lãng, dễ làm lạc hướng giải thoát của chúng sanh.
Cổ đức dạy: “Hữu tràng vô đạo, bất khả hưng giáo”. Đạo là đường tu tiến, phương hướng tu hành. Tràng là cái nhà, là mái chùa. Thông thường người thế gian cứ nhìn vào cái mái chùa mà ít để tâm đến đường tu tiến, thường nhìn vào cái cơ sở bên ngoài mà đánh giá sự thành tựu bên trong. Đây là điều khá sai lầm! Chính phương hướng tu hành tốt, đúng chánh pháp bên trong mới giúp cho một chúng sanh thành tựu sự giải thoát, chứ không phải cơ sở đồ sộ nguy nga.
Tu hành cần nên chú trọng về thực chất, đừng nên quá trọng về hình thức mà dễ bị phan duyên, vướng nợ. Trọng về thực chất thì vững đường giải thoát. Trọng về hình thức thì yếu phần thành tựu. Tu hành không có định hướng thì sau cùng dễ rơi vào tình huống giống như một người đang chơ vơ đứng giữa vạn nẻo đường, không biết đường nào để đi. Ý niệm phân vân, tinh thần hoang man nên đành phải đi theo nghiệp chướng thọ nạn. Tổ Vĩnh-Minh Diên-Thọ dạy rằng, “Người không niệm Phật, thì 10 người tu có 9 người bị lạc, lúc lâm chung ấm cảnh hiện ra, vì mê mờ theo đó mà chịu thọ nạn”. Bình thời tu hành công phu thấy cũng khá, nhiều người sơ ý tưởng vậy là đủ sức thành tựu. Nhưng không ngờ, cuối cùng bị bệnh khổ hành hạ, thân xác kiệt tận, định lực tan hoang, các căn tán hoại… đành phải theo ấm cảnh đi luân hồi!… Oán thân trái chủ nhiều đời nhiều kiếp không để chúng ta dễ dàng thoát khỏi ba đường ác hiểm đâu nhé.
Với thân phận phàm phu, mong chư vị phải hết sức cẩn thận. Tu hành phải có chủ định rõ rệt mới tốt. Phật dạy thời mạt pháp này phải niệm Phật mới có thể thành tựu. Chúng ta từ đầu tới cuối đều niệm Phật, niệm Phật và niệm Phật. Niệm Phật là chúng ta vâng lời Phật dạy mà xác lập định hướng vãng sanh. Nhưng nên nhớ cho, phàm phu tội chướng sâu nặng, xin đừng vội vã cho rằng mình sẽ an nhiên tự tại vãng sanh dễ dàng. Nghiệp chướng mình tạo ra từ trong vô lượng kiếp lớn lắm rồi, không đơn giản đâu. Hãy cẩn thận nương dựa vào nhau mới được an toàn hơn. Những sự hỗ trợ của những người chung quanh rất cần thiết, có giá trị tuyệt vời lắm đấy. Nhờ những sự hỗ trợ này, mình mới giữ được chánh niệm, niệm được câu A-Di-Đà Phật ở giây phút cuối cùng. Nhờ người hộ niệm nhắc nhở, chỉ điểm, gỡ rối… mình mới thực hiện được đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh mà vãng sanh, chứ không dễ gì đâu nhé chư vị.
Vậy thì, trong thời này người hạ căn tâm trí chưa khai ngộ, hãy giữ hạnh khiêm cung, phải lấy lòng thành kính niệm Phật cầu vãng sanh là tốt nhất. Đừng nên ham mê những lý luận cao siêu mà vướng vào vọng tưởng. Trước đây Diệu Âm có duyên được kết thân với một vị Sư tâm tánh hiền lành đức hậu, Ngài thường tâm sự như vầy:
- Con biết không? Thầy thấy nhiều người thích đem những đạo lý cao siêu ra giảng giải cho người khác nghe, trong khi những điều này chính mình làm không được một điều nào cả.
Chính mình làm không được mà lại đem ra giảng giải cho người khác nghe để chi vậy? Ở đây chúng ta tu hành nên chú trọng về thực tế, hãy bày vẽ cho nhau những điều mà tự chúng ta có thể làm được mới thiết thực vậy. Ví dụ:
– Sống hiền lành chơn thực có thể làm được không? – Được.
– Hộ niệm cho nhau chư vị làm được không? – Được.
– Chư vị có đưa người vãng sanh chưa? – Có rồi.
– Tận mắt thấy người ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp chưa? – Có rồi.
Rõ ràng những điều này chúng ta có thể làm được. Hàng phàm phu dễ gần gũi với phàm phu, dễ cảm thông với hàng phàm phu, dễ khai giải cho người phàm phu… Tất cả những việc này rất thực tế, chúng ta đều có thể làm được. Làm được thì hãy mạnh dạn phổ biến ra để giúp đỡ nhau. Còn những chuyện chính mình làm không được mà lại truyền dạy người khác để làm chi vậy? Nếu không phải là điều vô ích thì cũng là sự hướng dẫn sai lầm. Hướng dẫn sai lầm, thì người nghe sẽ làm sai lầm. Dẫn dắt người ta sai đường thì phải chịu nhân quả nặng nề lắm vậy.
Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh là cơ hội cho chúng ta thành tựu đạo quả mà trong vô lượng kiếp qua mình chưa làm được. Một phương pháp cứu người đơn giản, dễ dàng, gần gũi, cụ thể mà vi diệu bất khả tư nghì. Bất cứ người nào thực tâm, chơn thành, chí kính đều có thể làm được. Quý hóa thay.
Mong chư vị phát tâm bồ-đề cứu giúp nhau bằng phương pháp thực tế gần gũi này. Hy vọng rất lớn rằng, từng người chúng ta đều có cơ duyên vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một đời này thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.