Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 96)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 40, câu (l): Bố thí, làm thiện, cúng dường, xây chùa… đều là tu phước báu Nhân Thiên hữu lậu, chứ không phải là pháp thoát ly sanh tử luân hồi.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tu hành chúng ta cần phải biết đâu là pháp tu phước báu, đâu là pháp tu trí huệ. Phước huệ viên mãn mới viên thành Phật đạo. Người tu hành trong thời này thường vướng chấp vào những việc làm công quả, bố thí, cúng dường, xây dựng chùa chiền và cho rằng đó là tu hành, nhưng thực sự đó chỉ là những phương cách tạo phước. Tạo phước là việc thiện lành, quả báo có thể hưởng phước báu hữu lậu, chứ không phải là pháp tu giải thoát khai mở trí huệ.
Pháp tu phước thiện có thể hỗ trợ cho sự tu hành rất tốt, nhưng chính nó không thể thay thế cho đường khai mở trí huệ, thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành đạo được. Tu học Phật phải lấy sự thoát ly sanh tử luân hồi làm chính, còn tu phước báu là trợ, chánh trợ phải phân minh.
Chư Tổ luôn khuyên chúng ta cần tu cả chánh lẫn trợ, gọi là chánh trợ song tu. Chánh là đường thành đạo, trợ là đường phước báu. Lấy phước báu trợ giúp cho đường thành đạo được an toàn. Ví dụ, một vị Đạo Sư được nhiều người kính trọng trong thời này là hòa thượng Tịnh-Không, chánh hạnh của Ngài là niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, Ngài luôn luôn niệm Phật. Mỗi đêm Ngài thường ngồi trên ghế lẳng lặng niệm Phật. Các vị đệ tử cũng lẳng lặng ngồi chung quanh niệm Phật với Ngài. Đến 11 giờ đêm Ngài mới đi nghỉ. Rõ ràng ngày ngày Ngài niệm Phật, luôn luôn Ngài niệm Phật như vậy. Một đời này Ngài nhất định niệm Phật cầu vãng sanh. Đây là chánh hạnh của Ngài. Còn trợ hạnh của Ngài là gì? Là thuyết kinh giảng đạo. Ngài phát tâm bố thí pháp, giảng kinh thuyết đạo cho chúng sanh ngộ ra đường niệm Phật vãng sanh. Lời pháp của Ngài đến giờ này trở thành ngọn đuốc sáng cho những người niệm Phật nương theo. Bố thí pháp là tu phước trợ hạnh, còn điểm chính của Ngài vẫn là niệm Phật vãng sanh.
Mỗi vị có một trợ hạnh riêng. Trợ hạnh là đường phước báu, hỗ trợ tích cực cho con đường vãng sanh thành đạo. Mỗi người chúng ta cũng nên tìm một phương pháp trợ hạnh để hỗ trợ cho chánh hạnh niệm Phật vãng sanh của chính mình. Không có trợ hạnh thì nhiều khi phước báu yếu, chưa chắc gì cuối đời ta trang trải đủ những món nợ sanh mệnh của chúng sanh mà chính ta đã sát hại họ, cùng với nghiệp chướng mà chúng ta tạo ra trong vô lượng kiếp. Vì thế, trợ hạnh thật sự vô cùng quan trọng.
Ví dụ, như hôm trước chúng ta nghe nói có người muốn phát tâm tụng Chú Đại-Bi 3 năm để tiêu trừ hết nghiệp chướng rồi mới niệm Phật, thì đây có thể coi là trợ hạnh của họ, điều này tốt. Nhưng giả sử, nếu 3 năm mà không thể tiêu hết nghiệp thì sao? Tăng thêm 3 năm nữa, rồi 10 lần 3 năm nữa chăng?… Vô tình biến trợ hạnh trở thành chánh hạnh rồi chăng? Thực tế, tiêu trừ sạch nghiệp đối với hàng phàm phu không đơn giản như mình nghĩ!…
Chú Đại-Bi do ngài Quán Thế-Âm truyền lại cho chúng ta, lợi ích tiêu nghiệp diệt khổ bất khả tư nghì. Ngài Quán Thế-Âm lập hạnh tầm thanh cứu khổ, vậy khi chúng ta trì tụng Chú Đại-Bi cũng phải theo đúng đại nguyện của Ngài, nghĩa là phải có hạnh tầm thanh cứu khổ. Hơn nữa, khi trì tụng Chú, phải có tâm ý thanh tịnh, không được vọng động thì mới được cảm ứng, chứ không phải chỉ trì tụng Chú Đại-Bi thì đương nhiên được tiêu tai giải nạn đâu.
Tiêu tai giải nạn là đại phước báu trên đời. Nhưng hàng phàm phu chúng ta đến thời mạt pháp này nghiệp chướng quá nặng, tâm trí lại quá loạn động mà quyết định thực hiện con đường “Đoạn Hoặc Chứng Chơn” thì thực sự khó bề thành tựu. Thực sự đây là đường tu rất chông gai, trải qua vô lượng kiếp chứ không dễ gì một vài năm mà có thể thực hiện nổi.
Cũng giống như niệm Phật, trong kinh nói, niệm một câu A-Di-Đà Phật có thể phá tan nghiệp chướng tạo ra trong 80 ức đại kiếp, nhưng tại sao chúng ta niệm Phật nhiều rồi mà không tiêu được nghiệp chướng vậy? Sở dĩ là vì tâm căn của chúng ta không đủ để đạt được tới trình độ nhất tâm bất loạn. Tâm trí của chúng ta quá loạn, không đủ để chí thành nhất tâm niệm câu A-Di-Đà Phật như trong kinh dạy. Thành ra câu niệm Phật của chúng ta nhiều khi chưa tiêu nổi đến 1-2 nghiệp, chứ mơ chi đạt được cái năng lực vĩ đại như trong kinh.
Một ví dụ khác, như trong kinh có dạy, niệm một câu A-Di-Đà Phật thì quang minh phóng ra tới 40 dặm, nhưng chúng ta niệm Phật không có quang minh nào phóng ra hết, đây chỉ vì căn cơ của chúng ta quá yếu, trình độ của chúng ta không thể dễ dàng đạt tới chỗ thanh tịnh, nhất tâm đâu.
Cho nên, vị nào đó phát tâm niệm Chú Đại-Bi 3 năm cầu sạch nghiệp, xin hãy nhớ cho, đường tu này là gói ghém cả một đại hạnh tầm thanh cứu khổ của Đức Quán-Thế-Âm, chứ không phải chỉ đọc lời Chú lên là có thể tiêu sạch nghiệp đâu nhé.
Hiểu được lý đạo, thực hành đúng pháp môn, thì niệm Chú Đại-Bi tiêu trừ được vô biên tội chướng, còn hàng phàm phu tâm hồn vọng động, dùng tâm vọng động để tụng Chú thì khó có thể tiêu tội giải nghiệp như ý muốn được. Hòa thượng Tịnh-Không dạy rằng, khi tụng Chú mà từ đầu đến cuối tâm trí hoàn toàn thanh tịnh, định vào lời Chú, không có một mảy may tạp niệm xen vào, thì lời Chú mới có linh nghiệm. Năng lực này không dễ gì thực hiện đối với hàng phàm phu!… Còn tụng Chú mà nhớ điều này, nghĩ điều nọ, vọng tưởng lung tung thì không thể có kết quả được.
Cũng như niệm Địa-Tạng Bồ-Tát, đọc tụng kinh Địa-Tạng Bổn Nguyện Vương có thể tiêu tai giải nạn. Nhưng Ngài nói, đọc tụng kinh Địa-Tạng, chư vị phải hành theo hạnh của Địa-Tạng Bồ-Tát mới được. Hạnh của Địa-Tạng Bồ-Tát là gì? “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”. Hạnh này không phải hàng phàm phu làm được đâu nhé.
Hiểu được đạo lý này, chúng ta mới thấy dùng các pháp bố thí làm pháp trợ hạnh rất tuyệt vời. Chư Tổ cũng làm, chúng ta cũng nên làm theo thì thành tựu mới được dễ dàng. Ngày đầu tiên gặp ngài Tinh-Không, ngài Chương-Gia dạy cho 2 chữ “Bố Thí”, ngài Tịnh-Không y giáo phụng hành mà được sự thành tựu bất khả tư nghì. Tiếng nói “Bố Thí” mà ngài Chương-Gia nói ra làm cho ngài Tịnh-Không hiểu một cách thâm sâu, nhờ đó mà khế nhập vào Phật pháp, còn chúng ta thì nghĩ đến bố thí nhằm để cầu xin phước báu, vô tình việc làm thiện của mình chỉ để tăng trưởng lòng tham. Nhiều người tới chùa cúng dường xong thì chờ đợi cái tên mình sớm được đăng lên bảng, nếu Thầy chưa đăng kịp thì cảm thấy phiền não, vội hỏi lên hỏi xuống… Ôi!… Phước báu đã mất hết trơn rồi!…
Cho nên phải có tâm vì chúng sanh mà làm thiện thì mới đúng là thiện. Thực sự thiện lành thì thực sự tạo phước. Thực sự tạo phước mới có thể cải đổi vận mệnh vậy.
Ngài Ấn Quang đại sư cũng khuyến tu trợ hạnh. Trợ hạnh của Ngài cũng chính là pháp bố thí đấy chư vị ạ. Tất cả tiền bạc người ta cúng dường cho Ngài, Ngài đem ra in sách, in kinh để bố thí cúng dường cho đại chúng. Tập sách “Liễu Phàm Tứ Huấn”, và “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” được Ngài đặc biệt ấn tống rất nhiều. Mục đích chính là giúp cho người đời biết sâu sắc về định luật nhân quả, biết bố thí, cúng dường, làm thiện nhằm cải đổi vận mệnh, hóa giải cộng nghiệp đen tối của thế gian. Nhờ hóa giải cộng nghiệp đen tối mà tạo thêm cơ duyên tu hành cho chúng sanh trong thời mạt pháp. Thật là một hạnh tu đầy kiên nhẫn và khá khổ tâm của Tổ Sư vậy.
Niệm Phật vãng sanh vẫn là chánh hạnh của Ngài.
Ngài không chủ trương xây đạo tràng lớn dựng chùa to. Ngài dốc tâm huyết vào chuyện khuyến tu niệm Phật và ấn tống những sách khuyến thiện. Chư Tổ đều khuyên chúng ta học đạo cần phải lập hạnh, nhờ lập hạnh mà đạo nghiệp mới có thể dễ thành tựu. Chính mỗi người chúng ta nên lập một hạnh để hỗ trợ sự tu tiến của mình. Hạnh này không nên mông lung, khách sáo hoặc cao kỳ quá mà không thực hiện được. Hãy lập hạnh cụ thể, thực tế để có nền tảng vững chắc mà vươn lên. Ví dụ như:
- Suốt đời tôi không kình cãi với một người nào.
- Tôi không bao giờ nói đến lỗi lầm của người khác.
- Trong mâm cơm tôi xin dành những món ngon bổ dưỡng cho người.
- Ra chợ mua bó rau, tôi quyết không lựa lên lựa xuống.
- v…
Lập hạnh đối với hàng phàm phu nên cụ thể như vậy mới tốt, nho nhỏ mà thực tế, từ đó dễ phát triển cái tâm thực thà thiện lành. Còn những hạnh cao kỳ, xa vời quá thì thường không thực tế và không hợp lắm với hàng phàm phu đâu. Hạnh nào gọi là cao kỳ? Ví dụ:
- Tôi phát tâm cứu độ vô lượng chúng sanh.
- Tôi niệm Phật 2 năm phải đạt được “Nhất tâm bất loạn”.
- Tu hành phải quyết khai mở trí huệ.
- v…
Những cách lập hạnh này nói sai thì không phải sai, nhưng xét về căn cơ thì không hợp. Lập hạnh theo dạng này thường đưa đến tình trạng hoang tưởng, hư cấu, không thực tế, dễ biến thành dạng vọng tưởng sai lầm, nhiều khi còn gặp phải điều nguy hiểm!…
Hãy dùng cái tâm hiền hậu chân thành mà tu mới tốt. Hãy vui vẻ nhận lấy sự thua lỗ vài cộng rau muống… vậy mà coi chừng hưởng được phước đức vô lượng đấy, chứ nói chi những điều cao xa vời vợi trong khi vài cộng rau muống không dám chịu lỗ, thì tâm nào gọi là cao siêu giải thoát đây?
Ấn Tổ còn dạy thêm một cách nữa là nên lập hạnh “Tùy Hỷ Công Đức”, thấy người khác làm việc công đức, mình phải hân hoan, tán thán, kính ngưỡng. Tùy hỷ công đức là nguyện thứ 5 trong 10 nguyện lớn của đức Phổ-Hiền Bồ-Tát. 10 đại nguyện của đức Phổ-Hiền Bồ-Tát là:
Nhứt giả lễ kính chư Phật.
Nhị giả xưng tán Như-Lai.
Tam giả quảng tu cúng dường.
Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
Ngũ giả tùy hỷ công đức.
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế.
Bát giả thường tùy Phật học.
Cửu giả hằng thuận chúng sanh.
Thập giả phổ giai hồi hướng.
Tùy hỷ công đức là thấy người làm điều tốt ta cần nên tán thán, tuyên dương. Người chân chánh tu hành đừng bao giờ rêu rao lỗi lầm của người khác, huống chi là việc làm tốt mà chần chừ không dám khen tặng. Ấn Tổ dạy: “Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người”. Chư Tổ thường đưa ra những hạnh tu cụ thể, thực tế. Chúng ta đều là phàm phu nên noi theo gương các Ngài, cũng nên lập ra những hạnh cụ thể để tu sửa thì mới có lợi ích thiết thực vậy.
Lấy điều này ra suy xét, thì hình như đường tu chúng ta có nhiều sơ suất lắm vậy, vì sơ suất nên nghiệp chướng của chúng ta không tiêu trừ được. Pháp Niệm Phật vãng sanh không phải là pháp chú tâm tiêu nghiệp để vãng sanh, nhưng chư vị cũng phải ngừa rằng, cuối cùng nếu cái nghiệp chúng ta nặng quá, mạnh quá, lớn quá ta vượt qua không nổi cũng là một vấn đề khó khăn. Vì vượt qua không nổi ách nạn, nên các Ngài thường khuyên chúng ta nên kiêm tu các hạnh bố thí.
“Độ sanh vô sở trụ tâm nhi hành bố thí”. Hiểu được câu này mới thấm thía vào cái hạnh bố thí này. Muốn độ sanh, muốn độ người, thì không được phân biệt chấp trước, hãy thương người mà chân thành trợ giúp, bố thí không mỏi mệt, lập hạnh phổ đồng cúng dường, gọi là “Độ sanh vô sở trụ tâm nhi hành bố thí” vậy.
Trong những pháp như “Tứ Nhiếp Pháp”, “Lục Độ Vạn Hạnh”, Phật đều lấy hạnh bố thí làm đầu. Bố thí, chúng ta nên lấy cái tâm thành bố thí. Nhờ cái tâm thành này hướng dẫn chúng ta làm trọn việc thiện. Không nên miễn cưỡng, đừng thấy người ta bố thí mình cũng chạy theo bố thí mà tâm không vui. Tùy duyên mới tốt, phan duyên không hay.
Không cạnh tranh với bất cứ một người nào, đây là tâm bố thí. Không hơn thua với ai, đây là tâm bố thí. Sống với cái tâm cảm ơn, đây là tâm bố thí. Quyết lòng Trợ duyên cho người vãng sanh, đây là tâm bố thí, v.v… Hiểu được như vậy chúng ta mới thấy rõ ràng, hành Pháp Hộ-Niệm là hành pháp bố thí. Niệm Phật Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc cũng bao hàm cả một tâm bố thí tuyệt luân. Tất cả các pháp môn tu, pháp nào cũng hàm chứa đạo lý viên mãn.
Có vãng sanh về được Tây-Phương Cực-Lạc mới thành đạo. Thành đạo ta mới có cái năng lực cứu độ chúng sanh, lúc đó ta mới có thể thực hiện được đại thệ: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Còn chấp vào thế giới Ta-Bà này, còn nương náu ở cảnh đời vô thường, nhiều lắm ta cũng chỉ làm được những thứ bố thí phước báu hữu lậu thế gian, chứ không cách nào có thể giúp được một người thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.