Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 110)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Tiếp tục đưa ra một vài ví dụ về sự chướng ngại do chính tâm mình tạo ra. Sáng nay chúng ta nói: Khi chết mà sợ chết, vì sợ chết thì tâm bấn loạn điên đảo mà mất vãng sanh, chứ không phải người nào khi mãn phần đều mất vãng sanh. Đau bệnh cứ cầu cho hết bệnh, vì cầu hết bệnh mà mất vãng sanh, chứ không phải cơn bệnh đó làm cho mình mất vãng sanh. Quyến luyến con cái thì mất vãng sanh, chứ không phải con cái làm cho mình mất vãng sanh. Người tiếc tiền, nhớ nhà, nhớ của thì mất vãng sanh, chứ không phải tiền bạc làm mình mất vãng sanh. Tiền bạc ai cũng cần, không có tiền bạc thì cuộc sống khó khăn, nhưng mà vì tham tiền, nhớ tiền, nghĩ tới tiền mà làm cho mình mất vãng sanh… Từng điểm từng điểm được nêu ra rõ rệt cụ thể, xin chư vị cần nên chú ý.
Hôm nay xin mở trang 45, câu (e): Người sợ ma, khi lâm chung ma quái sẽ đến quấy nhiễu mà mất vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng đấy, ma quái không làm cho mình mất vãng sanh mà tại vì mình sợ ma mà mất vãng sanh. Cần chú ý điều này, vì tất cả đều do tâm tạo. Nếu là người chân chánh tu hành, thực sự biết thành tâm niệm Phật thì không được quyền cho bất cứ một ai là ma hết. Không cho họ là ma thì chúng ta không được kêu họ là ma, cũng không được sợ họ. Ngược lại, chúng ta phải nghĩ rằng đó là những chúng sanh bị nạn rất đáng thương thì tự nhiên không có trở ngại, cũng không còn sợ sệt nữa. Người sợ ma thì tự làm cho tâm mình vô cớ bị hoảng sợ, chính cái tâm bất an này làm mất chánh niệm đưa đến mất vãng sanh. Người sợ ma thì trước những hiện tượng khá bình thường, nhưng tâm hồn cứ liên tưởng tới những điều không hay, cứ nghĩ là ma tới quấy nhiễu, thành ra có rất nhiều trường hợp tự mình quấy nhiễu lấy mình mà không hay. Tục ngữ thế gian có câu: “Ma bắt coi mặt người ta, người nào sợ sệt thì ma bắt hoài”. Lời này mộc mạc diễn tả đúng lời Phật dạy. Hầu hết đều do chính cái tâm của mình tạo ra tình huống đó.
Muốn vãng sanh thì tâm phải tự tại, phải thoải mái, phải an tịnh. Sợ ma thì tâm không thể an tịnh được đâu. Không an tịnh thì không thể đi về cảnh giới thanh tịnh được.
Một người niệm Phật chân chánh, nếu gặp một chúng sanh bị nạn thì nên thông cảm họ, thương xót họ, cố gắng khuyên họ hãy giác ngộ, buông tình chấp xuống, niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu có cơ may họ giác ngộ được, thì họ vãng sanh thành Bồ-Tát đấy. Vậy thực ra họ không phải là ma, thì không có gì phải sợ sệt cả.
Hiểu được đạo lý này, mong chư vị giữ tâm lực vững vàng để tránh được nhiều chướng ngại vô cớ gây khó khăn con đường vãng sanh của mình. Tất cả đều do tâm tạo. Phân tích tới đây mới thấy Pháp Hộ-Niệm thực ra có đạo lý cao lắm đấy, không thấp thỏm đâu nhé.
(f): Người lâm chung cứ nghĩ về nghiệp chướng của mình thì mất vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Nghĩ về nghiệp chướng thì mất vãng sanh, chứ chưa chắc gì nghiệp chướng làm cho mình mất vãng sanh. Bây giờ mình thấy rõ rệt hơn về đạo lý tất cả đều do tâm tạo rồi phải không? Trước đây mình nói đến nghĩ về tiền bạc, nhớ về tiền bạc, tham tiền bạc, ngày đêm lo tìm mọi cách làm ra tiền bạc thì đây là cách huân tập lòng tham. Vì lòng tham tiền bạc mà mất vãng sanh, chứ không phải tiền bạc làm cho mình mất vãng sanh. Người có tiền, nhưng biết đem tiền ra bố thí, cúng dường, tạo phước để lót đường vãng sanh thì thuận lợi để vãng sanh, chứ đâu cản trở việc vãng sanh? Nhưng chỉ vì có 1 thì muốn 10, có 10 thì muốn 100, có 100 thì muốn 1.000… Nghĩa là không biết đủ, thì từ cái lòng tham này mà vô tình kéo mãi cho đến lúc chết vẫn còn tham. Tham lam đi về đường ngạ quỷ. Như vậy là do cái lòng tham mà mất vãng sanh, không những vậy mà còn bị đọa vào hàng ngạ quỷ nữa, chứ không phải tiền bạc, nhà cửa làm cho mình mất vãng sanh. Rõ ràng, chính cái tâm mình vướng mắc mà bị nạn.
Biết được đạo lý này, ta mới hiểu tại sao có người tu hành có vẻ rất tốt nhưng cuối cùng thì không được thành tựu. Ngược lại, có những người hiền lành, chất phác, có vẻ quê mùa, nhưng khi gặp duyên chỉ cần một vài lời khuyên giải, người ta buông hết, lão thật niệm Phật mà được vãng sanh bất khả tư nghì. Tất cả đều do tâm tạo. Tâm tham chấp thì niệm Phật mất vãng sanh. Tâm buông xả thì niệm Phật vãng sanh thành tựu đạo nghiệp. Mong chư vị cố gắng nhớ rõ điều này, đây là đạo lý của Phật dạy. Pháp Hộ-Niệm triển khai đạo lý vi diệu của Phật bằng những sự thực hành thiết thực, gần gũi, hợp với căn cơ cho chúng ta thực hiện một cách cụ thể để vững vàng đi vãng sanh.
Người sợ ma khi lâm chung bị ma quái đến quấy nhiễu. Ma quái ở tại đâu ra vậy? Ở tại cái tâm sợ sệt của mình. Một người đi đường có tâm thái vững vàng, họ đi suốt từ đường vắng này qua đến đường vắng khác, đi từ nghĩa địa này qua nghĩa địa nọ không có gì cản trở, ngăn ngại. Một người có tâm trạng sợ sệt, gió thổi cành cây đung đưa xào xạc cũng giựt mình hoảng sợ, chuộc chạy trong bụi rậm lại tưởng là ma dọa, ma đuổi mà chạy mất hồn mất vía luôn!… Lái xe thì run tay, đi bộ thì run chân!… Ma dọa sợ hãi đến hoa mắt, nhưng thật ra hầu hết do chính cái tâm lý sợ sệt nó dọa mình đến hồn bất phụ thể mà không hay!…
Nên nhớ, chúng sanh trong pháp giới sống chung với nhau là chuyện bình thường, cảnh giới ai nấy sống. Chúng ta cần tôn trọng họ là được, chớ nên tạo duyên chẳng lành với họ. Ví dụ, thượng mạn là cái duyên không tốt trong pháp đối xử với chư vị trong pháp giới, nhất định không nên vướng vào. Hoặc giả, chỉ vì tâm hồn yếu đuối, tâm lý lo sợ mà tạo duyên cho họ chọc ghẹo, hù nhác cho vui chứ chưa chắc gì họ cố tình làm hại mình đâu. Người có tâm lực vững vàng thì tránh được những chướng nạn vô duyên này.
Hơn nữa, nhiều người có tâm từ bi khá lớn, thường thương cảm đau buồn, khi nghĩ đến chúng sanh trong những cảnh giới đọa lạc khổ đau mà thương tâm buồn khóc, nhiều người còn tỏ ra dũng mãnh hơn, phát tâm cứu độ họ, nhưng thực chất thì chính mình không có năng lực này. Đây cũng là cái duyên dễ gây sự hiểu lầm đối với pháp giới chúng sanh mà sanh ra phiền não cho chính mình. Thôi thì hãy bình tĩnh lại đi, hãy sống theo đúng thực chất của mình, đừng suy nghĩ xa vời vượt khỏi tầm tay không tốt. Chúng sanh bị nạn vô lượng vô biên. Họ cũng là người, nhưng đang bị nạn chịu nhiều khổ đau. Trong cảnh khổ thường thường họ dễ tỉnh ngộ. Chúng ta nên thương hại là đúng, mở tâm từ bi ra cứu giúp là đúng. Nhưng với khả năng của chúng ta thì không có cách nào khác hơn là chính mình lo chân thật tu hành niệm Phật, rồi đem công đức hồi hướng cho họ, khuyên họ tự phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Đây là điều tốt, chúng ta có thể làm được. Nhất định không nên khinh thường họ, hoặc sợ hãi họ.
“Người lâm chung cứ nghỉ đến nghiệp chướng thì mất vãng sanh”. Nghiệp chướng không làm mình mất vãng sanh, mà chỉ vì mình nghĩ về nghiệp chướng, nên nghiệp chướng ứng hiện gây trở ngại cho mình. Vì sợ nghiệp chướng mà làm cho đường vãng sanh bị bít lối, chứ nghiệp chướng chưa chắc gì đã thực sự ngăn cản được mình. Trong kinh Phật dạy, dẫu cho một người tạo tội ngũ nghịch thập ác, mà lúc lâm chung thành tâm niệm Phật, chí thành niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhẫn đến 10 niệm mà không được vãng sanh thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Vãng sanh thì tự nhiên thoát tất cả sự chi phối của nghiệp chướng. Vậy thì cớ chi cứ nghĩ về nghiệp chướng, cứ sợ về nghiệp chướng, để nghiệp chướng trói mình lại mà đành phải mất phần vãng sanh? Xin chư vị tự suy nghĩ mà hiểu thấu để tránh chỗ vướng mắc này.
Vấn đề chính là ở chỗ, nếu một người cứ mãi lo sợ về nghiệp chướng, thì tâm ý cứ dính chặt vào đó mà niệm Phật không mạnh, nguyện vãng sanh không thiết tha và niềm tin cũng hao mòn chao đảo đi, làm cho tông chỉ của Pháp Niệm Phật không được thực hành trọn vẹn. Xin thưa chư vị, ở thế giới ngũ trược ác thế này khởi tâm động niệm đều tạo ra nghiệp chướng cả, thì làm sao một người phàm phu như chúng ta tránh khỏi nghiệp chướng đây? Tránh được nghiệp này, nó moi ra nghiệp khác, tránh được nghiệp nọ nó tạo ra nghiệp kia. Mới khởi ý niệm trong tâm thôi cũng đã tạo nghiệp rồi, đừng nói chi đến hành động. Vì thế thân-khẩu-ý thường tiếp tục tạo nghiệp trùng trùng. Vậy mà hàng phàm phu cứ nhào vô đòi phá nghiệp, tưởng rằng mình sẽ tiêu trừ nghiệp chướng, đâu ngờ mình đang tạo thêm nghiệp chướng mới mà không hay. Nói về nghiệp chướng, nên nhớ rằng, ác cũng nghiệp mà thiện cũng nghiệp, tà cũng nghiệp mà chánh cũng nghiệp… Tất cả đều là nghiệp trong sáu đường sanh tử luân hồi cả.
Như vậy mình phải làm sao đây? Xin hãy làm việc thiện, nhưng đừng chấp vào việc thiện. Không làm việc ác nữa, nhưng không lo sợ đến những lỡ lầm trong quá khứ. Hãy thành tâm sám hối việc làm sai lầm xưa, gọi là sám hối nghiệp chướng. Dùng Pháp Niệm Phật để sám hối. Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sanh là đại sám pháp. Như vậy, mình không làm Nghiệp Ác, cũng không theo Nghiệp Thiện, mình theo Nghiệp Tịnh để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Tuyệt diệu vô cùng.
Niệm Phật cầu vãng sanh là đường tu viên mãn. Nhiều người định nghĩa tu thì làm phước, làm thiện là được. Cách tu hành này lòng vòng lắm, không thể giải thoát! Nhưng thực tế có đến 90% người tu hành thời nay thường sơ ý vướng vào quan niệm hạn hẹp này. Việc thiện lành của người thế gian vô cùng tương đối, khó có căn bản để phân định. Việc thiện đối với người này nhiều khi lại là việc ác đối với người khác, và ngược lại. Vì thế, cứ chấp vào ý niệm thiện lành của chính mình coi chừng tạo ra ác nghiệp mà không hay. Nhưng dù sao có ý niệm thiện lành cũng là điều đáng khen, nhưng dù cho ý niệm này có tốt đi nữa, thì trong kinh Phật dạy, đây cũng chỉ là đường tu phước báu Nhân-Thiên hữu lậu, vẫn còn kẹt trong vòng sanh tử luân hồi, không thể giải thoát, không thể vãng sanh.
Người biết tu đường liễu giáo thì nên dùng phước báu Nhân-Thiên yểm trợ cho đường vãng sanh thành đạo thì vô cùng tốt đẹp, biến hành động tu phước báu Nhân-Thiên thành trợ hạnh. Chánh-Trợ đều tu song song thì rất tốt, rất viên mãn. Hãy nói lời tốt, làm việc tốt, nghĩ điều tốt, làm người tốt để hỗ trợ cho đường niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu được vậy, thì cách tu tập này rất viên mãn, liễu giáo. Nếu làm những việc tốt mà chấp vào đó, thì nhiều lắm cũng chỉ là hạng người hiền nhân quân tử của thế gian, khi xả bỏ báo thân, nếu gặp may mắn không bị chướng ngại gì quấy phá, thì đời sau cao lắm cũng chỉ trở lại làm người là cùng. Tu cả một đời đầy khó khăn, nhưng không thoát được tam giới. Làm phước thiện đời này có thể trở thành người có phước báu, có quyền lực, có danh vị, được nhiều người khen tặng, táng dương ở đời sau. Hưởng cái phước này thường không còn tu hành nữa, mà dễ tạo nên nghiệp trọng, khiến cho đời sau nữa chịu ách nạn nặng nề. Phật gọi đây là “Tam Thế Oán”, (oán nạn bắt đầu từ đời thứ ba).
Cho nên, khi hiểu được Phật Pháp rồi chúng ta phải nói rõ ràng minh bạch đường nào thoát nạn, đường nào bị vướng cho chúng sanh biết mà tự quyết định lấy, chứ không thể mập mờ nói cho vui lòng nhau được.
(g): Nói chung, ý niệm cuối cùng sẽ định đoạt cảnh giới tương lai. Nếu không buông bỏ phân biệt chấp trước thì chướng ngại cho việc vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Ý niệm cuối cùng của chính mình định đoạt được cảnh giới tương lai của mình. Ví dụ, khi lâm chung, mà ta nghĩ về nghiệp chướng: “Ồ!… Tại sao mình còn nghiệp chướng nặng nề như vậy? Tại sao mình tạo tội nhiều như vậy?”… Thì dù có tu gì tu đi nữa, mình cũng phải theo cái nghiệp chướng nào đó mà thọ hưởng trước, còn những chuyện gì khác sẽ chờ duyên khác sau này. Nghiệp thiện hay nghiệp ác vẫn là nghiệp. Hưởng phước báu cũng tạo nghiệp, thọ nạn khổ cũng tạo nghiệp, nghiệp nghiệp chập chùng không có cơ giải thoát.
Lúc lâm chung mà thương nhớ đứa con, quyến luyến đứa cháu, thì dù có tu gì tu cũng phải ở lại trong thế giới này mà thương con nhớ cháu bằng một hình tướng nào đó. Lúc lâm chung mà nghĩ rằng mình cần phải sống để tiếp tục xây cho xong ngôi chùa để cúng dường cho chúng sanh tu hành, thì lúc chết đi, nếu may mắn lắm cũng chỉ đầu thai trở lại làm người, 20 năm sau mới hy vọng vác được bao xi-măng, khiên được bao cát đá để xây chùa. Còn chùa đó có tu theo chánh pháp hay không, có chúng sanh tới tu hành hay không là chuyện khác, nhưng trước mắt chính mình bị kẹt trong sanh tử luân hồi không thoát được.
Nhưng lúc lâm chung đó, nếu mình quyết lòng buông hết vạn duyên, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì chính ý niệm này giúp cho mình sanh về nước Cực-Lạc. Ý niệm cuối cùng xác định cảnh giới tương lai là như vậy.
Cho nên, khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi mới thấy trân quý một đại pháp cứu tinh, đơn giản nhưng vi diệu. Đến cuối đời, người hộ niệm đến nói: “Bác Tám ơi!… Quyết lòng niệm Phật nhé…”. Mình thành tâm cảm ơn, quyết lòng niệm Phật. “Bác Tám ơi!… Nhất định cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc nhé…”. Mình vui vẻ vâng lời, chắp tay khẩn thiết cầu nguyện: “Nam mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây-Phương Cực-Lạc”. Lòng chí thành tha thiết, nhất định A-Di-Đà Phật sẽ lai nghinh tiếp đón mình về Tây-Phương. Chỉ có những điểm này thôi mà mình thoát mọi ách nạn, lại được vãng sanh thành Phật.
Như vậy, đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đơn giản, không khó, nhưng chỉ vì chúng sanh không biết, chưa hiểu, chưa có duyên được dẫn dắt chánh pháp một cách tường tận, thành ra tu hành quá mông lung mà không có cơ hội thành tựu. Nay gặp được duyên này, mong chư vị quyết lòng quyết dạ niệm Phật cùng nhau trở về Tây-Phương thành đạo nhé.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.