Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 112)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 46, vấn đề 12:
Pháp Hộ Niệm cấm đụng chạm vào thân xác người mới chết ít nhất là 8 giờ đồng hồ vì lý do gì?
Đây là điều rất căn bản mà người hộ niệm nào cũng phải biết qua. Chúng ta nêu ra vấn đề này để mong rằng thêm nhiều người có duyên nghe đến, biết được sự nguy hiểm của nó mà tránh né, hầu giúp cho người ra đi bớt bị ách nạn. Trong một thời gian khá dài trước đây, vấn đề kiêng cữ đụng chạm hình như ít được nhắc đến, nên hầu hết những người chết khó có ai tránh khỏi ách nạn này. Vì tình cảm yêu thương, vì nỗi niềm đau xót trước cảnh sanh tử biệt ly, nên trong lúc lâm chung hoặc vừa tắt thở thì con cái người thân trong gia đình thường nhào vào ôm, nắm, níu, kéo, véo má, véo mày, khóc than thảm thiết. Hiện tượng này rất bình thường của người thế gian, nhưng vô tình tạo nên ách nạn vô cùng bi thảm cho người chết mà không hay. Nếu không cản ngăn kịp thời, thì người ra đi sẽ tiếp tục chịu nạn tai vô cùng lớn lao, vô cùng đau khổ!…
(a): Thời gian này có thể thần thức chưa rời khỏi thân xác, nếu động đến làm cho họ rất đau đớn, dễ sanh tâm sân giận mà bị đọa lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rất đúng. Rất đúng. Người thế gian không biết. Nhiều người có tu hành nhưng cũng chưa chắc gì biết đến vấn đề này. Trong Phật pháp, Phật dạy rất rõ, một người khi tắt hơi, thần thức ra khỏi thân xác lâu hay mau tùy theo nghiệp chướng, phước báu và sự giác ngộ sâu cạn của họ. Ít có Tôn giáo nào biết được chuyện này, nhưng trong Phật giáo đã nói rõ. Một chúng sanh khi đi đầu thai thì cái thần thức, hoặc A-lại-da thức, hoặc gọi linh hồn sẽ nhập vào cái bào thai sớm nhất, trong khi tất cả các thức khác chưa được sinh ra. Sau một thời gian các thức khác như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… từ từ sinh ra sau. Khi xả bỏ báo thân, tức là khi chết, thì có hai dạng người thần thức xuất ra rất sớm, một là người tu đại phước báu được sanh thiên, hai là người tạo tội đại ác bị đọa địa ngục, còn 4 cảnh giới khác là nhơn, A-tu-la, súc-sanh, ngạ-quỷ đều phải qua thời gian thân trung-ấm. Thân trung-ấm chính là trạng thái của linh hồn chưa có nơi ổn định để chuyển thế. Bị vào trường hợp này thì khi chết, tất cả thức khác đều chết trước, không còn hoạt động được nữa, nhưng thức A-lại-da, hoặc là linh hồn vẫn còn chiếm ngự cái thân xác đó, và xuất ra đi trễ nhất. Trong khoảng thời gian này nếu đụng chạm vào thân xác họ sẽ gây đau đớn, tạo duyên đọa lạc rất nặng.
Còn một trường hợp đặc biệt khác là những người niệm Phật đã “Nhất Tâm Bất Loạn”, hoặc ít ra cũng được thành thục, biết trước ngày giờ vãng sanh, lúc đó họ quyết lòng niệm Phật đi theo A-Di-Đà-Phật, thì thần thức có thể đi trước những thức khác. Tức là họ chủ động đi vãng sanh. Họ đang biết, đang nghe thấy tất cả, và họ tự động bỏ thân xác đi theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Nhưng trên thực tế thì những trường hợp tự tại vãng sanh này không nhiều, mà đại đa số chúng sanh vì mê mờ tham chấp, nên khi xả bỏ báo thân thần thức cứ bám trụ vào thân xác trong khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… đều đã chết. Đây gọi là mê, chứ không phải ngộ. Mê thì bị nghiệp chướng chi phối, báo đời mà đành phải theo nghiệp thọ nạn. Trong khoảng thời gian này, nếu đụng chạm vào thân xác người chết sẽ làm họ vô cùng đau khổ, dễ sinh ra phẩn nộ mà chiêu cảm tới những cảnh giới địa ngục vô cùng tối tăm.
Vì thế, đừng nên đụng chạm đến thân xác của người vừa mới chết, phải để yên ít ra cũng tới 8 giờ, nếu gìn giữ được đến 12 giờ thì càng an toàn hơn. Trong lúc này gia đình hãy thành tâm niệm Phật cầu Phật gia trì. Khi biết người bệnh đã tắt hơi ra đi, người hộ niệm cần lên tiếng nhắc nhở giúp cho thần thức họ tỉnh ngộ, mau mau buông xả tất cả, nhiếp tâm niệm Phật cầu Phật lai nghinh tiếp độ, theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị nói lời mạnh và rõ ràng để cảnh tỉnh họ. Những người biết hộ niệm, biết niệm Phật thì những lời khai thị này có giá trị cao, khiến họ định tâm lại niệm Phật chờ Đức Di-Đà lai nghinh tiếp độ. Còn đối với những người không tin tưởng, chưa biết về hộ niệm thì rất khó. Tất cả đều tùy theo duyên của mỗi người vậy.
Cho nên biết được Pháp Hộ-Niệm này là một duyên đại lành cho chúng ta vãng sanh thành đạo đấy. Ức ức người tu hành trong thời này khó tìm ra một người chứng ngộ, đã vậy rồi mà không biết Pháp Hộ-Niệm nữa, thì tìm đâu ra được một người thoát nạn. Còn vô lượng vô biên chúng sanh khác không biết tu hoặc vụng đường tu hành thì ách nạn của chúng sanh còn lời nào nói cho đủ đây!…
Đụng chạm vào thân xác của người mới chết làm cho họ đau đớn dễ sanh tâm sân giận mà bị đọa lạc. Sân giận đọa vào địa-ngục, tham lam đọa vào ngạ-quỷ, ngu si đọa vào bàng-sinh, đây là lời Phật dạy trong kinh. Con người ra đi trong mê mờ, thà rằng họ đi vào hàng súc sanh ngu muội so ra còn đỡ khổ hơn bị rơi vào địa-ngục. Chính vì thế, xin chư vị cần nghiên cứu nhiều hơn về Pháp Hộ-Niệm hầu biết thêm những điều cấm kỵ khác. Có những việc vô cùng gần gũi và đơn giản nhưng tạo ra sự hệ lụy rất tai hại. Hôm nay chúng ta nói đến sự đụng chạm là điều đại cấm kỵ, nhưng lại là điều phạm phải rất phổ thông. Lúc bình thường nếu bị đau đớn, họ liền lên tiếng ngăn cản, nhưng lúc đó họ ngăn cản không được nữa. Họ bị đau đớn, chịu đựng trong nỗi kinh hoàng mà sanh tâm sân nộ. Sân nộ lúc này chiêu cảm đến những nhân chủng địa ngục có sẵn trong tâm họ ứng hiện ra. Nhân địa ngục đã gặp duyên, họ nhận lấy quả báo đọa địa ngục vô cùng đau khổ!… Mong chư vị hiểu rõ vấn đề này, nhất định phải cẩn thận, không được sơ ý.
(b): Những trường hợp đặc biệt như chết giữa đường, chết trong nhà vệ sinh, v.v… thì cần chuyển đến chỗ an toàn để hộ niệm, nhưng cần phải nhẹ nhàng và lên tiếng xin lỗi và báo cáo cho người đó biết truớc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thực sự đấy. Ví dụ như, có nhiều trường hợp nguời bệnh đi vào nhà vệ sinh rồi té chết, thân xác nửa trên cầu, nửa dưới cầu. Với tư thế này không cách nào người chết có thể thoải mái được, và làm sao có thể hộ niệm được trong nhà vệ sinh. Có nhiều trường hợp người chăm sóc sơ ý để người bệnh chết đầu thòng ra ngoài, thân thì gác trên giường, tư thế này làm sao có thể thoải mái để vãng sanh. Đụng chạm đến thân xác bị đau, thân xác bị cấn ngang trên giường cũng phải đau. Những trường hợp như tai nạn xảy ra giữa đường làm sao hộ niệm? Những trường hợp này, không còn cách nào khác hơn là chúng ta cần nhẹ nhàng chuyển thân xác đến chỗ an toàn để hộ niệm. Nhưng trước khi di chuyển thân xác chúng ta cần lên tiếng xin lỗi, báo cho người chết biết và di chuyển phải hết sức nhẹ nhàng. Hãy nói lớn tiếng một chút, nói mạnh lên để cho thần thức nhận định được, giúp họ bình tĩnh, định tâm lại để niệm Phật theo đại chúng. Chỉ có những trường hợp đặc biệt này mới di chuyển thân xác, còn bình thường thì xin đừng đụng chạm đến thân xác người vừa mới chết.
(c): Người nào tu hành giỏi rồi, thì không cần quan ngại lắm, cứ việc tắm rửa thoải mái cho sạch sẽ để họ theo Phật.
Đúng không chư vị? – (Sai). Chưa chắc gì suốt cả một cuộc đời này tu hành mà có thể san bằng được nghiệp chướng. Còn nghiệp chuớng thì nhất định nghiệp chuớng còn chi phối. Một người bị nghiệp chướng chi phối thì không dễ gì vượt qua sáu đường luân hồi đâu. Xin hãy chú ý thật kỹ đến vấn đề này, đừng bao giờ nghĩ đơn giản rằng, một đời này tu hành là được đắc đạo. Không dễ như vậy đâu nhé. Khi cuối đời buông báo thân ra đi như thế nào thì biết liền. Ví dụ, một người đắc Thánh quả A-la-hán thì không thể nào lại ra đi trong cảnh bệnh hoạn, đau đớn, quằn quại, mê mê, mờ mờ được. Hơn nữa, một người ra đi một cách an nhiên, không đau bệnh thường cũng chỉ là người có phước lớn nên hưởng cái thiện chung đó thôi, chứ dễ gì đắc được Thánh quả A-la-hán. Trong kinh Nhân Vương, Phật nói Tứ Thiền Bát Định vẫn còn là cái định của thế gian, chưa qua tam giới, nghĩa là vẫn còn vướng trong 6 đường sanh tử luân hồi. Như vậy, nếu sơ ý không kiêng cữ gì cả, mới vừa chết xong liền lo tắm rửa, coi chừng cảnh giới chuyển đổi, thay vì tái sanh trong 3 đường thiện để hưởng phước, họ bị đọa vào 3 đường ác chịu ách nạn thật khá đáng tiếc.
Riêng phận chúng ta là phàm phu, công phu tu hành không được bao nhiêu làm sao dám tự nhận mình đã chứng quả? Chư vị nên biết rằng, tu chứng đến Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền mới vượt qua các cõi Trời Dục-Giới, sanh vào 4 cõi Trời Sắc-Giới, vẫn còn quá sâu trong sanh tử luân hồi. Nhưng trên thực tế có mấy ai đạt được!… Nếu công phu cao hơn, đạt được từ Đệ Nhất Không-Định đến Đệ Tứ Không-Định, thì được sanh vào 4 cõi Trời Vô-Sắc-Giới. Bốn cảnh Thiền cộng với 4 cảnh Định gọi chung là “Tứ Thiền Bát Định”. Những cảnh giới này khá vi diệu, cảnh Trời Vô-Sắc-Giới không còn thân thể nữa, đối với chúng ta thì thật là cao quý đấy, nhưng vẫn chưa qua khỏi sanh tử luân hồi, nên Phật nói vẫn còn là những cảnh định của thế gian, chứ không phải là xuất thế gian.
Nói đến những điều này để lý luận cho vui vài phút thôi, chứ thực tế có mấy ai đạt được. Chứng đến cảnh giới này có thể vào định, không cần ăn uống một vài ba năm là chuyện thường. Hỏi thử trên đời này có mấy nguời làm được? Rõ ràng đây là đường tu hành chỉ dành cho những đại Bồ-Tát, chư vị thượng căn thượng trí thị hiện tự tu chứng quả, chứ còn đối với đại chúng thì quá khó quá khó, mơ màng tới thì đúng là hoang tưởng.
Như vậy, rõ ràng chúng ta biết rằng là một người tu hành dù có giỏi cho mấy vẫn còn bị chi phối bởi nghiệp lực, mà bị chi phối bởi nghiệp lực, thì quy luật không được đụng chạm vào thân xác của họ phải thực thi nghiêm túc. Xin nhắn nhủ với người có duyên nghe đến đoạn này nhất định đừng nên sơ ý nữa. Một người vừa mới tắt hơi xong, đem thân xác của họ ra tắm rửa, thay y phục, thoa son, đánh phấn, để tìm chút danh hão huyền của thế gian mà ôi thôi đại hại!… Đại hại!… Thật là điều đại hại cho người chết, chứ không phải tiểu hại đâu!… Một người cả một cuộc đời tu hành, cuối đời chỉ vì một chút sơ suất này mà đành chịu ách nạn đắng cay. Pháp Hộ Niệm Vãng Sanh dạy như vậy. Chư Tổ dạy như vậy, chúng ta phải y giáo phụng hành, không được sơ ý mà vô tình gây hại người thân.
(d): Nếu tránh đụng chạm đến 12 tiếng đồng hồ sau khi tắt thở thì tốt hơn, an toàn hơn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Diệu Âm nghĩ rằng, sau này chư Tổ, chư Tăng Tịnh-Độ sẽ khuyên nên tiếp tục niệm Phật hộ niệm, tránh đụng chạm đến 14 giờ, 16 giờ… Bây giờ đã có nhiều vị khuyến khích nên niệm Phật hộ niệm luôn 24 giờ cho an toàn hơn. Sở dĩ các Ngài khuyên như vậy là vì thấy con người càng ngày càng mê muội, tín tâm càng ngày càng yếu, niệm Phật cầu vãng sanh càng ngày càng ít. Ngược lại, tham chấp chuyện thế gian càng ngày càng nhiều, sợ mất thân mạng càng ngày càng nặng… chính vì thế mà linh hồn của con người sau khi chết cứ cố bám vào từng khúc xương, từng đoạn tủy, từng đường gân, từng khúc thịt làm cho cái nạn bị kẹt vào xác thân càng ngày càng lâu hơn, càng khó hóa giải hơn.
Cho nên, xin thưa với chư vị, chúng ta biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, biết rõ đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc rồi, thì hãy cố gắng thành tựu cho được tâm nguyện này nhé. Nếu biết mình ở trong tình trạng chuẩn bị ra đi, hãy phấn khởi lên, quyết lòng buông xả vạn duyên, nhiếp tâm niệm A-Di-Đà-Phật cầu sanh Tịnh-Độ, mong chờ từng phút giây được Đức A-Di-Đà lai nghinh tiếp dẫn.
Người nào thực sự chí thành, chí kính, tha thiết niệm Phật cầu vãng sanh, thì thường họ theo Phật đi vãng sanh trước khi tắt thở.
Mong chư vị cố gắng thực hiện trọn vẹn đường vãng sanh trong một đời này. Nên nhớ cho, phàm phu này không phải tu hành chứng quả đi vãng sanh, nhưng do lòng chí thành, chí kính mà được cảm ứng đạo giao, được Phật thương xót hiện thân tiếp dẫn. Cầu chúc tất cả chư vị đều đạt được cái niệm cuối cùng khi xả bỏ báo thân là “Niệm A-Di-Đà Phật”, ý muốn cuối cùng trước khi xả bỏ báo thân là “Nguyện Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Được như vậy thì chư vị ra đi vãng sanh trước khi buông hơi thở cuối cùng. Cầu nguyện tất cả chư vị đều thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.