Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 116)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Hôm nay chúng ta nói đến vấn đề 16 trang 48:
Vấn đề giúp đỡ người thân khi lâm chung dễ dàng được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Ta biết hộ niệm, biết niệm Phật, ta cũng phải cố gắng giúp người thân được vãng sanh. Chư vị nên nhớ rằng, không phải hộ niệm thì người nào cũng được vãng sanh. Đừng bao giờ có cái vọng tưởng như vậy. Nếu người thân của chúng ta mà không tin tưởng, hoặc không niệm Phật, hoặc không nguyện vãng sanh, thì chúng ta cũng đành chịu thua. Vì thế, nếu muốn người thân yêu lâm chung được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, xin chư vị phải cố gắng kiên trì tìm cách nhắc nhở người thân phát tâm tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh mới được. Vì có duyên trở thành thân bằng quyến thuộc với nhau trong đời này, nên tận sức khuyên nhắc nhau, mong cho tất cả đều cùng lợi lạc, chứ không phải mình biết niệm Phật thì người thân của mình sẽ được vãng sanh. Đường vãng sanh phải tự mỗi người thực hiện lấy.
(a): Ngay từ bây giờ hãy khuyên người thân niệm Phật và nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm liền, không nên chờ đợi.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Trong câu này có hai vấn đề, một là “Ngay từ bây giờ hãy khuyên người thân lo niệm Phật”, hai là “Chính mình phải nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm liền chứ không nên chần chờ”. Trong khi đi đây đi đó nói chuyện về hộ niệm, có nhiều lúc gặp phải những chuyện làm mình cảm động. Ví dụ như có lần Diệu Âm nói hộ niệm, khi nói xong thì có người đã bật khóc nức nở. Diệu Âm hỏi lý do thì người đó nói rằng:
– Nay tôi mới biết về hộ niệm, thì cách đây hai tuần mẹ của tôi đã ra đi rồi. Khi đó tôi đã làm rất nhiều điều sai lầm trên thân xác của mẹ tôi!…”.
Người đó kể lại rằng, cả gia đình cùng nhau ôm nắm, lăn lộn, khóc than… làm đủ mọi điều sai lầm. Rồi đến hậu sự còn tiếp tục làm thêm những điều sai lầm khác nữa. Rồi vị đó kết luận:
– Nếu mà tôi biết sớm hai tuần lễ thì có lẽ ít ra tôi cũng giúp được mẹ tôi thoát khỏi những cảnh đại nạn...
Một lời tâm sự tràn đầy nước mắt, chẳng khác gì như một lời khuyến cáo đến mọi người. Mong chư vị hãy sớm nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm đi. Có nghiên cứu mới hiểu thấu và hành đúng Pháp Hộ-Niệm, đến khi hữu sự mới có thể ứng dụng đúng pháp giúp cho người thân của mình có cơ hội vãng sanh. Có nắm vững Pháp Hộ-Niệm mới thấy rõ những người bệnh đang nằm xuống đó còn sơ suất những gì, còn sai chỗ nào và mình cần làm gì đây. Hẳn nhiên, không phải hễ làm đúng Pháp Hộ-Niệm thì người bệnh chắc chắn được vãng sanh, nhưng trước hết tự mình cần kiểm lại là đã thực sự hiểu thấu và hành đúng Pháp Hộ-Niệm hay chưa. Nếu cả người hộ niệm và người bệnh cùng vững Pháp Hộ-Niệm thì cơ hội vãng sanh rất cao vậy.
Vậy thì hãy khuyên nhau niệm Phật liền đi, niệm Phật càng sớm càng tốt. Hãy dặn dò nhau những điều cần thiết phải làm để vãng sanh. Nên dặn dò liền bây giờ đi, đừng bao giờ chờ đến khi mẹ lâm chung rồi mới dặn, đừng bao giờ chờ mẹ đau nặng rồi mới mời ban hộ niệm tới. Không có ban hộ niệm nào có năng lực cứu được một người tội chướng sâu nặng chưa biết đường vãng sanh mà được vãng sanh đâu. Mong chư vị hãy thực tế một chút, phải khuyên người thân tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh. Cần phải nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm sớm để biết những điều căn bản và cần thiết mà khuyên nhắc nhau lần đi, nếu sơ ý thì khó lắm đấy. Người nào phát khởi niềm tin, người nào tha thiết phát nguyện vãng sanh, người nào thành tâm niệm Phật thì người đó mới có cơ duyên được cứu. Còn lơ là chuyện hộ niệm, cứ để cho đến lúc sau cùng rồi mới tính, cứ chờ cho nghiệp chướng ứng hiện rồi mới lo, cứ đợi lúc thấy người thân mê man bất tỉnh rồi mới chạy cầu cứu đến ban hộ niệm, thì khó có cơ hội để hóa giải những chướng nạn. Không đơn giản đâu.
(b): Hằng ngày tự bản thân phải tinh tấn niệm Phật cầu vãng sanh. Thường xuyên nhắc nhở nhau buông xả càng nhiều càng tốt để tự hóa gỡ những chướng ngại.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thật sự đúng đấy. Hằng ngày tự bản thân mình niệm Phật, chứ không phải ép buộc người thân của mình niệm Phật. Tự mình phải tinh tấn niệm Phật thì có thể ảnh hưởng đến người thân, người thân thấy mình niệm Phật mà cảm động rồi từ từ niệm theo. Có nhiều người thường hỏi Diệu Âm rằng:
– Cha Mẹ tôi không chịu niệm Phật, xin chỉ cho tôi làm sao khuyên được cha mẹ đây?
Thực sự những câu hỏi này thường làm cho Diệu Âm bối rối. Có một lần Diệu Âm hỏi lại:
– Đầu tiên do nhân duyên gì mà chị phát tâm niệm Phật vậy?
– Dạ tôi nhờ nghe được cuộn băng “Khuyên Người Niệm Phật” của cư sĩ.
– Vậy thì tại sao bây giờ mình không cho người thân nghe cuộn băng đó thử coi.
– Nhưng chồng tôi không chịu nghe thì làm sao đây?
Diệu Âm nói:
– Anh không chịu nghe thì tự chị nghe. Mình thường nghe, người thân của mình đi qua đi lại, thì lời “Khuyên Người Niệm Phật” cũng có lúc tình cờ lọt vào tai. Biết chừng đâu nhờ vậy mà chị gieo được cho anh cái duyên niệm Phật…
Muốn khuyên người thân niệm Phật, nhiều khi chúng ta cũng cần đến thiện xảo phương tiện, phải tìm mọi cách để giác ngộ nhau. Diệu Âm này không phải cố tình khoe ra bộ sách “Khuyên Người Niệm Phật” đâu nhé, nhưng thực sự những lời thư này Diệu Âm viết ra để khuyên cha mẹ mình niệm Phật. Mỗi lần viết một lá thư, là một lần Diệu Âm phải quỳ trước bàn Phật cầu Phật gia trì. Lòng thiết tha muốn cứu song thân mà nhiều khi viết ra những dòng thư ướt đẫm nước mắt. Vì cha mẹ mình không tin, khuyên mãi không nghe, sau cùng mới đành dùng đến cách viết thư mà lòng lo lắng đến nghẹn ngào tuông lệ đấy. Chư vị có thể mượn lời thư này để khuyên người thân của mình thử coi. Thật sự cứu được một người không phải dễ dàng đâu chư vị ạ!…
Hãy tận dụng những băng pháp, những bài giảng, những lời khai thị, những hình ảnh vãng sanh, v.v… để làm phương tiện giúp cho người thân ngộ ra đường đạo, hay hơn là gặp đâu nói đó, lúc nào cũng khuyên, thấy mặt là nhắc nhở… Thưa thật với chư vị, nhiều khi khuyên con cái, khuyên cha mẹ, vợ chồng khuyên nhau mãi trở thành một điệp khúc quen thuộc và nhàm chán. Cứ ngày ngày nói mãi bên nhau một điều có thể phản tác dụng, vừa mới mở một lời khuyên có thể bị phản ứng liền: “Thôi đủ rồi, sao cứ nói mãi vậy?…”. Lời khuyên đã trở thành một thứ miễn nhiễm, giống như bệnh lờn thuốc. Những cách này không còn hiệu quả để chữa trị nữa.
Xinn chư vị nhớ cho, nhiều khi người thân trong nhà lại rất khó khuyên nhau, vậy mà nhờ đến một người bạn, một người bên ngoài có duyên đến khuyên lại có hiệu ứng tốt hơn. Lời khuyên thì tương tự nhau, nhưng phản ứng thì thường khác nhau. Diệu Âm xin kể ra đây một câu chuyện có thực mà Diệu Âm có kinh nghiệm qua. Trước đây có một vị Phật Tử kia nhờ Diệu Âm đến khuyên giúp người cha của mình niệm Phật. Ông cụ tuổi đã lớn, sức đã yếu, nhưng không chịu tu hành. Ông không chống đối, nhưng mỗi lần người con khuyên cha niệm Phật thì ông cụ tỏ ra rất phiền não, tìm cách né tránh đi. Diệu Âm đã nhận lời và hẹn ngày đó đến thăm. Diệu Âm tới tiếp chuyện ông cụ và khuyên ông cụ niệm Phật. Những lời khuyên hết sức bình thường, vô cùng quen thuộc. Người con biết tất cả những điều này rồi và hình như trong tâm ý muốn Diệu Âm hãy nói những lời lẽ nào cao siêu vi diệu hơn. Nhưng chính Diệu Âm này đâu có biết lời gì cao siêu hơn để nói ra đây?… Diệu Âm chỉ nói:
– Xin Bác niệm Phật đi nhé!…
Thì người con tiếp lời nói liền:
– Đó!… Cha thấy không? Cư Sĩ Diệu Âm cũng khuyên cha niệm Phật, lời này con nói hoài mà sao cha không chịu nghe?…
Diệu Âm lại nói:
– Tuổi mình đã lớn rồi, hãy quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hưởng đời an vui cực lạc, sướng hơn ở đây nhé cụ.
Thì người con tiếp liền:
– Đấy!… Cha nghe đi. Cư sĩ Diệu Âm nói có khác gì con đâu, những điều này con nói mãi, ở cõi Cực-Lạc sướng lắm, ở đây làm chi. Thế mà cha không chịu tin…
Nghĩa là, Diệu Âm muốn khuyên ông cụ một lời mà khuyên không được. Vừa muốn nói một câu thì người con nhanh chóng cắt ngang và tiếp lời giảng đạo cho cha. Vô tình, suốt cả một tiếng đồng hồ Diệu Âm này không nói tròn được một câu, thành ra sau cùng đành lặng lẽ ra về, và thầm than rằng:
– Ôi!… Ông cụ này bị trở ngại rồi!…
Xin thưa với chư vị, khuyên nhau niệm Phật hãy dùng lòng thành thật vui vẻ mà nói với nhau những lời đơn giản mộc mạc, cần chi phải đem những đạo lý cao siêu ra mà dẫn giải. Những đạo lý cao siêu gì đó có liên quan gì tới một ông cụ già nua lụm cụm đâu?!…
Như vậy, muốn người thân được vãng sanh chúng ta phải biết nhờ vả mới tốt. Pháp Niệm Phật là pháp “Nhị Lực”, nghĩa là luôn luôn phải biết nương nhờ vào tha lực giúp đỡ. Hãy nhớ cho, chính mình còn là phàm phu, ý tưởng nông cạn, tâm lý vụng dại lắm đấy. Hãy nhờ một người nào mà cha mình cảm mến tới nói. Hãy nhờ một vị nào mà có thân tình ý hợp với mẹ mình tới khuyên. Hãy tìm một quyển sách, một băng pháp mà chú mình thích thú để dẫn dụ… Có vậy may ra mới chuyển đổi được nhau. Phải tìm nhiều thiện xảo phương tiện, chứ đâu thể cứ nói mãi bên tai những đạo lý trống rổng để tạo ra những phản ứng nhàm chán, chướng tai… Là thân thuộc với nhau, chúng ta hãy làm hết sức mình để cứu giúp nhau, chứ còn cách nào khác hơn. Hẳn nhiên không có gì là hoàn toàn cả, sự thành công còn tùy thuộc vào căn lành của mỗi người. Nếu gặp người căn lành quá thiếu, thôi đành chịu thua, chứ có cách nào khác hơn.
Vậy thì, người thân của mình không cầu vãng sanh thì mình phải tinh tấn niệm Phật cầu vãng sanh. Người thân của mình không tin, mình phải tin mạnh hơn nữa. Tất cả đều có phước phần, tất cả đều do thiện căn. Tự mình phải lo cứu lấy mình. Trong ba điều thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên, muốn biết người có thiện căn hay không hãy nhìn vào niềm tin của người đó. Người nào tin vững, tin mạnh ở câu A-Di-Đà Phật, dẫu cho trong đời người ta có làm nhiều điều sai lầm đi nữa, thì người đó vẫn có nhiều thiện căn. Còn những người ăn ở hiền lành nhưng lại không tin vào câu A-Di-Đà Phật, thì người đó có thể tạo được phước đức nhưng lại không có thiện căn. Phước đức là người tạo phước, quả báo được nhiều tiền bạc, địa vị cao, trên trường đời được nhiều người vuốt ve, ủng hộ. Nhưng nếu họ không tin câu A-Di-Đà Phật thì chúng ta có thể biết người đó thiếu thiện căn. Rất nhiều người có phước đức mà thiếu thiện căn. Còn những người tuy phước báu yếu, nhưng lại có niềm tin vững vàng, thì đây là do sự tu hành tích lũy công đức trong nhiều đời kiếp mới được. Nhờ căn lành này mà khởi phát niềm tin. Nhờ niềm tin này mà đời này họ có thể vượt qua nghiệp chướng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thành tựu đạo quả.
“Thường xuyên nhắc nhở nhau buông xả càng nhiều càng tốt để tự hóa gỡ những chướng ngại”. Câu này quá dễ hiểu, chúng ta biết nhiều quá rồi. Hãy tập buông, tập xả ra. Phật dạy buông xả. Nhìn thấu đạo lý rồi thì phải biết buông xuống. Nhìn chưa thấu thì buông không nổi đâu. Đừng nghĩ rằng mình tu như thế này là mình biết hết rồi nhé. Chưa chắc đâu chư vị ơi!… Vậy thì giờ này chúng ta nhắc nhở nhau tập buông xuống để được lợi. Kỳ lạ vậy đó!… Buông xuống cái gì được cái đó. Buông tiền xuống được tiền, buông phước xuống được phước. Biếu người trái cây thì được nhiều người tới biếu trái cây. Thương người thì được người thương. Làm việc tận tụy siêng năng thì tự nhiên được lên chức tăng lương. Lười biếng trốn tránh làm việc thì bị mất việc. Vì người mà phục vụ thì phước thiện tự nhiên tăng trưởng. Vì mình mà lo lắng thì phước thiện phải tiêu hao. Do thiếu cái tâm bố thí mà bị mất phước vậy.
Cho nên lời Phật dạy hay quá, có xả thì có đắc, không xả thì không đắc. Có buông xả ra thì sau cùng chúng ta mới hóa gỡ được những chướng ngại khi lâm chung. Những người chấp trước quá nặng, cuối cùng không vướng điều này cũng kẹt điều nọ. Chướng ngại chập chùng đều do tự mình chiêu cảm lấy vậy.
(c): Nói chung tất cả những việc này đều liên quan đến Pháp Hộ-Niệm, phải lo nghiên cứu nắm vững Pháp Hộ-Niệm càng sớm càng dễ giúp người thân vãng sanh.
Đúng không? – (Đúng). Những gì liên quan đến Pháp Hộ-Niệm hãy lo trước đừng để trễ? Niệm Phật liên quan đến Pháp Hộ-Niệm. Tự mình phải tinh tấn niệm Phật liên quan đến Pháp Hộ-Niệm. Cầu nguyện vãng sanh tha thiết liên quan đến Pháp Hộ-Niệm. Luôn luôn nhắc nhở buông xả cho nhiều để không bị vướng mắc liên quan đến Pháp Hộ-Niệm, v.v… Như vậy rõ ràng thực hiện Pháp Hộ-Niệm vãng sanh chính là thực hiện một cách chính xác cụ thể Đại Pháp Niệm Phật Vãng Sanh, hay gọi là Pháp Môn Tịnh Độ cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc chứ không có gì khác cả. Cho nên, nghiên cứu vững vàng Pháp Hộ-Niệm càng sớm càng tốt để tự mình tránh đi những điều vướng mắc, và biết cách khuyên nhắc người thân của mình lo niệm Phật tu hành đúng pháp. Nếu không nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm, thì xin thưa với chư vị, coi chừng bị trở ngại trùng trùng. Nhìn về thời gian dài lâu trong quá khứ, nhiều người gắng công bỏ sức ra tinh tấn niệm Phật tu hành, nhưng sau cùng hầu hết đều bị trở ngại, mất phần giải thoát chỉ vì thiếu sự hộ niệm. Không ai nghĩ ra được rằng, đến giờ phút cuối cùng chính mình lại vướng phải những vướng mắc quá lớn, chướng nạn xảy ra quá bất ngờ, làm cho mình trở tay không kịp. Tu hành một đời quá khó khăn, nhưng sau cùng đành cúi đầu chịu nạn, chỉ vì thiếu sự hỗ trợ của Pháp Hộ-Niệm mà thôi.
Mong chư vị sớm cảnh tỉnh, chúng ta hãy cố gắng lên, cùng giúp nhau vãng sanh Tịnh-Độ.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.