Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 119)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 49 dòng cuối cùng. Hôm nay chúng ta nói về:
Sự thành tựu của việc tu hành được chứng minh cụ thể như thế nào.
Xin thưa với chư vị, chứng minh cụ thể sự thành tựu của việc tu hành là một sự ấn chứng đấy. Ở đây chúng ta đem Pháp Hộ-Niệm ra có thể ấn chứng được. Thực tế, mỗi pháp môn đều có những cách ấn chứng khác nhau. Ví dụ như bên Thiền-Tông vị Sư Phụ có thể ấn chứng trình độ của đệ tử bằng nhiều cách, ví dụ các Ngài có thể hỏi một vài câu để cho người đệ tử ứng phó, tùy theo sự ứng phó đó mà ấn chứng cho trình độ tu học đến đâu. Có khi Sư Phụ sai vị đệ tử ra ngoài lấy về một vật gì chính mình cho là đặc biệt, rồi tùy theo vật đó mà Ngài ấn chứng người đệ tử đã đắc được đến đâu. Nhiều hình thức lắm. Trong công án Thiền-Môn còn lưu lại khá nhiều điều rất thú vị. Trong các pháp của Mật-Tông, như Kim-Cang Mật-Thừa chẳng hạn, khi Sư Phụ ấn chứng cho đệ tử thường có kèm theo sự khảo sát về khí lực của đệ tử có vững mạnh hay không, công phu luyện tập võ nghệ có tốt hay chưa, tinh thần có vững vàng hay không… Có nhiều cách để ấn chứng khác nhau, chứ không phải giống nhau.
Riêng người tu hành theo Pháp Niệm Phật thường thường có tâm hạnh khiêm cung, chưa có tiền lệ một vị Sư Phụ ấn chứng sự chứng đắc của đệ tử. Nhưng khi đi hộ niệm, chúng ta thường thấy những tướng lành hiển hiện thật bất khả tư nghì, dựa vào đây có thể ấn chứng được sự thành tựu tương đối khá vững vàng. Xin xem sau đây:
(a): Người đã xả bỏ báo thân lưu lại thân tướng an lành, mềm mại, tươi hồng, thì ít ra họ cũng chắc chắn thoát khỏi ba đường ác đạo.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là một sự ấn chứng khá vững vàng. Một người chết đi để lại thân tướng tốt đẹp mềm mại tươi hồng, thì ít ra ta cũng biết chắc rằng họ thoát được ba đường ác. Rõ ràng, đây là một cách ấn chứng. Cho nên, khi chư vị hộ niệm mà người bệnh ra đi để lại thoại tướng tốt đẹp, thân tướng mềm thì mình có sự vui mừng đầu tiên rồi, vì ít ra người đó cũng vượt thoát tam ác đạo. Lấy sự thành tựu gần gũi này làm căn bản, thì biết được rằng những người đã chết trước nay hầu hết đã chịu cảnh đau buồn lắm đấy!… Vì sao vậy? Vì hầu như tất cả những người chết đi đều lưu lại thân tướng cứng đơ… Đây là tướng không tốt, một sự báo hiệu cụ thể đời kiếp tương lai bị nạn.
Cách đây gần 40 năm, có một dịp Diệu Âm đã chứng kiến một cảnh người chết đuối, 3 ngày sau thân xác nổi lên mới tìm được. Thân đã chìm dưới nước 3 ngày, nhưng khi tìm được, người ta khiêng đi, cái xác đó vẫn cứng như tấm mê. Da thịt bên ngoài thì sình lên, còn toàn thân thì cứng như khúc cây vậy. Một chứng tích của sự đại nạn.
Có người nói rằng, thân xác người chết sau mười mấy tiếng đồng hồ thì sẽ mềm ra do tác dụng của quá trình phân hủy tế bào. Đây là cách lý luận sai lầm, không có căn bản. Hãy chú ý cho nhé, một xác chết bị phân hủy chắc chắn sẽ bốc ra mùi hôi. Chỗ nào bị phân hủy thì thối rữa ra, còn những nơi khác thì cứng lại. Trong khi những người được hộ niệm vãng sanh, thì tướng lành được lưu lại rất khác lạ, mềm mại, tươi hồng, không hôi, không cứng. Nếu có dịp chư vị sẽ chứng kiến những hiện tượng diễn ra vô cùng lạ lùng. Ví dụ như có người cứ để vậy niệm Phật suốt 10 ngày, 20 ngày… càng về sau thân tướng càng tươi càng đẹp. Cho nên, không được lầm lẫn giữa thoại tướng lành và sự phân hủy. Nhiều vị vãng sanh xong, thân xác để vậy từ năm này qua năm nọ vẫn không bị hủy hoại, có nhiều trường hợp râu tóc tiếp tục mọc ra. Vi diệu bất khả tư nghì!… Thật bất khả tư nghì!… Có tận mắt thấy được những hiện tượng này, chúng ta mới thấy rõ ràng rằng, Phật pháp thực sự quá nhiệm mầu, vô cùng vi diệu, không thể đem khoa học ra luận giải được đâu.
Khi đi hộ niệm, thấy người được hộ niệm ra đi, lưu lại thân tướng đẹp đẽ, tươi hồng, khiến cho chúng ta vui mừng lắm rồi. Dẫu gì đi nữa thì họ cũng vượt qua 3 đường xấu ác: bàng sanh, ngạ-quỷ, địa-ngục. Dù sao đi nữa chứng tỏ họ cũng may mắn hơn rất nhiều người từ trong một quá khứ dài lâu, ngay cả người có tu, nhưng hầu hết ra đi đều với tình trạng thân tướng không được tốt đẹp. Thân tướng không tốt đẹp thì không phải là tướng lành, đó là hiện tượng cho biết người này ở đời kiếp tương lai chịu lấy nạn tai thống khổ. Hẳn nhiên, sự làm thiện, làm phước, niệm Phật, tụng kinh, siêu độ, hồi hướng công đức có thể giúp giảm trừ phần nào chướng nạn cho vong nhân, nhưng được tới đâu thật sự chúng ta cũng khó xác quyết cụ thể.
(b): Thành tựu thuộc về tâm linh, thoại tướng thuộc về vật chất, hai vấn đề này không liên quan với nhau.
Quyết định như vậy có đúng không chư vị? – (Sai). Nhiều người nói rằng, điều quan trọng là cái tâm của người đó chứ không phải là thân xác. Khi mãn báo thân, sự cứu độ chính là cứu cái tâm, chứ đâu phải cứu cái xác thịt. Vậy thì cái xác thịt cứng hay mềm kệ nó chứ, đâu có gì quan hệ? Đây là một sự lý luận sai lầm!… Người thế gian mà còn nói được câu: “Tướng tùy tâm sanh, tướng tùy tâm diệt”, vậy mà người tu hành sao lại có thể nói rằng, cái thân tướng không liên quan gì đến cái tâm?
Tướng là nói về sắc tướng, thân xác. Thân xác này tùy theo trạng thái của tâm thức mà hiện ra sắc tướng tốt hay xấu. Một người lúc ra đi mà tâm trạng bàng hoàng, sợ sệt, bị khủng bố, bị hãi kinh… thì sắc tướng hiện ra sẽ hãi hùng, kinh sợ, khổ đau… Đây thuộc về tướng xấu, là sự báo hiệu bị đại nạn, không ai dám bảo đảm rằng họ vượt thoát được tam đồ ác đạo. Những người chết đi mà có hiện tượng sinh lại làm người, sinh lên cảnh trời, thì dù sao đi nữa thân tướng của họ trông vào cũng thấy được nét hiền hòa tươi đẹp đôi phần. Nếu được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì xác thân nằm đó trở thành nhục thân của một vị Bồ-Tát rồi, họ ra đi trong sự gia hộ của chư Phật, được chư Bồ-Tát gia trì chiếu cố, được chư Thiện Thần Hộ-Pháp bảo vệ an toàn, tâm hồn họ được sự an tịnh mà hiển hiện ra tướng lành bất khả tư nghì vậy.
Có những vị Tổ Sư sau khi tịch xong, nhục thân của các Ngài đôi khi được nhập tháp để lưu tồn hài cốt. Một năm, vài năm sau khi mở tháp ra, có nhiều nhục thân vẫn còn mềm mại, tươi nguyên, râu tóc tiếp tục mọc dài ra như lúc còn sống. Lạ lùng không chư vị? Khoa học nào giải thích được chuyện này đây? Thật bất khả tư nghì!… Chỉ có niềm tin sâu sắc vào Phật pháp, chúng ta mới tâm ngộ ra sự nhiệm mầu bất khả tư nghì.
Tu hành nếu sơ ý lạc đường thì chắc chắn bị thất bại. Vậy thì chúng ta hãy mạnh dạn nhận lấy sự sơ suất của mình để kịp thời sửa đổi phương pháp tu hành, hầu tự cứu lấy mình, cứu giúp người hữu duyên thành tựu đạo nghiệp. Nhiều người cứ chấp vào lý duy tâm và lơ là sự tu căn bản, mà thường không để ý đến kết quả của đường tu tập. Nhưng hãy nhớ cho, Lý-Sự phải viên dung mới có thể viên thành Phật đạo. Nhiều người cứ lý luận về thuyết tâm linh suông, không chịu chú ý đến hậu quả cuối cùng, không coi trọng một sắc tướng lưu lại như thế nào là điều sơ suất quá lớn vậy. Nhưng thực tế thì sao đây? Ví dụ, lái xe lỡ gặp phải một tai nạn thôi… Hãy nhìn xem người đó vui vẻ mỉm cười hay hãi kinh run rẩy?… Có rất nhiều những trường hợp cụ thể chứng minh cho sắc tướng thể hiện rõ rệt trạng thái của tâm hồn trong từng trường hợp. Tâm hồn bị đau đớn, khổ sở, hoảng sợ… thì ảnh hưởng ngay cái môi trường ở chung quanh. Cái gì gần gũi nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái của tâm thức đây? Chính là thân xác này vậy.
Phật dạy: Y Báo chuyển theo Chánh Báo. Chánh Báo chính là cái tâm. Y Báo chính là môi trường xung quanh. Gần gũi nhất chính là cái thân xác đang bao bọc, che chở, hoạt động chung đụng với cái tâm này. Từng đường gân, từng sớ thịt, từng sợi dây thần kinh, từng tế bào trong thân xác này đều liên hệ trực tiếp đến cái tâm đó. Cái tâm an tịnh thì cái thân tươi nhuận, cái tâm kinh hoàng thì thân xác khổ lụy. Rõ ràng: “Tướng tùy Tâm sanh, Tướng tùy Tâm diệt”. Nhìn đến sắc tướng sau khi ra đi, có thể biết được cái tâm đó có thoát nạn được hay không. Lấy điều này ấn chứng nhất định không thể sai vậy.
(c): Tướng tùy tâm sanh, tướng tùy tâm diệt. Người được vãng sanh do sự gia trì của chư Phật, Bồ-Tát mà tâm hồn họ an lành ra đi mới có thể hiện ra tướng tốt.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Cho nên, khi hộ niệm cho một người ra đi lưu lại tướng tốt như vậy, nếu mình xét thấy được người đó đã hạ quyết tâm niệm Phật, chí thành niệm Phật tha thiết cầu nguyện vãng sanh, họ niệm Phật đến giây phút cuối cùng nữa rồi buông báo thân ra đi, mình có thể tin tưởng rằng 99% họ được vãng sanh. Nếu trước khi ra đi mà người đó nói được những lời tạ từ: “Xin tri ơn chư vị đã tới hộ niệm cho tôi, bây giờ A-Di-Đà Phật đã đến rồi, tôi về Tây-Phương Cực-Lạc đây…”. Xin bảo đảm rằng, 100% người đó đã vãng sanh rồi vậy.
Một người trước đó chỉ là hàng phàm phu bình thường, nhưng từ giây phút này trở đi họ đã thành Bồ-Tát bất thoái rồi. Có nghĩa là họ từ giã cảnh phàm phu khổ nạn, chủ động đi về Tây-Phương Cực-Lạc trước khi tắt hơi, để làm Bồ-Tát bất thoái đấy.
Cho nên, niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là chúng ta chủ động chọn con đường giải thoát, chủ động đi vãng sanh. Chư vị hãy nên làm điều này đi. Có nghĩa là, khi mà bệnh tình của mình được bác sĩ tuyên bố rằng không còn cách nào cứu chữa được nữa, bệnh viện đã trả về, thì chư vị phải ngày ngày đêm đêm quyết nuôi dưỡng tâm ý vãng sanh cho vững đi, củng cố tin tưởng cho vững đi. Hai điểm này vững vàng là điều then chốt nhất cho chư vị vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đấy. Nếu lúc đó mà tâm hồn phân vân chao đảo, gặp người này nói rằng nghiệp chướng nặng quá, cần phải trì Chú này, đọc Kinh nọ để phá trừ nghiệp chướng, gặp người kia chỉ điểm Pháp hay, Pháp diệu để tiêu tai giải nạn, v.v… mình nghe thuận tai, vội vàng bỏ câu A-Di-Đà Phật chạy theo ngã đấu tranh với nghiệp chướng. Ôi thôi!… Đành phải chịu nạn. Tại sao vậy? Tại vì 50 năm qua, 70 năm qua, suốt một đời anh dốc tâm phá nghiệp nhưng phá không nổi, thì làm gì trong lúc sắp chết, thân thể suy kiệt, chư căn tán hoại này mà anh lại mơ mộng có thể phá được nghiệp chướng một cách dễ dàng?!… Sai lầm quá phải không?
Anh phải dồn hết sức lực còn lại, cả thể chất lẫn tinh thần để niệm câu A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc mới tốt. Niệm Phật cầu vãng sanh với lòng chí thành chí kính để ứng hợp đại nguyện của A-Di-Đà Phật, được Phật tiếp độ mà anh vượt qua tất cả nghiệp chướng để vãng sanh về miền Cực-Lạc thành đạo. Niệm Phật Vãng Sanh là đới nghiệp đi vãng sanh. Vượt qua sáu đường luân hồi sanh tử bằng câu A-Di-Đà Phật, đây không phải do mình đoạn trừ tất cả nghiệp chướng, mà do Phật lực tiếp độ. Nếu quyết lòng như vậy, tâm định vững vàng thì anh nhất định được vãng sanh. Còn đến giờ này mà còn muốn trả nghiệp, thì hãy ở đây mà trả đến vô lượng kiếp sau rồi tính nhé.
Trong kinh Phật có nói về ông vua A-Xà-Thế, giết phụ vương, tìm cách hại mẫu hậu, làm nên tội đại nghịch bất hiếu, nếu cuối đời khi nghe quần thần nhắc nhở, mà ông ăn năn sám hối lỗi lầm quyết lòng trả nghiệp thì giờ này ông còn chịu hành hình vô gián ở địa ngục A-Tỳ. Từ ngày đó đến nay gần 3.000 năm rồi, nhưng thời gian đó ở địa ngục A-Tỳ vẫn chưa qua khỏi 2 ngày thọ nạn. Thời gian còn tới vô lượng kiếp chịu hành hình khổ đau, biết chừng nào mới thoát ra. Nhưng tán thán thay, khi biết ra lỗi lầm, ông kiệt thành sám hối và quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, mà được vãng sanh đến Thượng Phẩm Trung Sanh. Đây là cuộc hộ niệm điển hình tuyệt vời trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ.
Hoàng Hậu Vi-Đề-Hy thấy thế thái nhân tình cay nghiệt, con cái ngỗ nghịch bất hiếu quá, nên đã nguyện cầu với Phật, xin được đi về cảnh giới nào chỉ có an lành, không có sự ngỗ nghịch. Phật dùng thần lực đem tất cả mười phương chư Phật ứng hiện ra trước mặt để cho Hoàng Hậu lựa chọn. Bà chọn Tây-Phương Cực-lạc. Phật nói đúng rồi, đúng rồi, Hoàng Hậu hãy niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh về nước Cực-Lạc của Ngài. Đây cũng là một cuộc hộ niệm điển hình mà chính Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật hộ niệm cho Hoàng Hậu Vi-Đề-Hy, chỉ khác là Phật dùng thần lực để hiển thị, còn chúng ta thì dùng lời nhắc nhở cho nhau, mong cho người hữu duyên tin tưởng, làm đúng chánh pháp.
Xin chư vị hãy y theo lời Phật dạy mà niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh về Tịnh-Độ vậy. Pháp Hộ-Niệm đã có từ thời Phật còn tại thế, cách đây gần 3.000 năm rồi đến bây giờ chúng ta mới có duyên gặp được. Phải quyết lòng tin tưởng nhé chư vị. Là người phàm phu tội chướng quá nặng này, chỉ còn duy nhất con đường quyết lòng niệm Phật, tích cực hộ niệm cho nhau mới có thể một đời này vãng sanh Tịnh-Độ thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.