Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 137)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam mô A-Di-Đà Phật.
Xin xem tới vấn đề 27, trang 56:
Chúng sanh trong thời gian này nên chọn pháp môn Niệm-Phật – Hộ-Niệm – Vãng-Sanh, vì sao?
“Niệm-Phật” là tông chỉ tổng quát, “Hộ-Niệm” là sự thực hiện cụ thể Pháp Niệm Phật, “Vãng-Sanh” là kết quả. Như vậy, “Niệm-Phật” thuộc về Lý, “Hộ-Niệm” thuộc về Sự, “Vãng-Sanh” thuộc về Thành-Tựu. Nếu nói về Nhân Duyên Quả Báo, thì “Niệm-Phật” là Nhân, “Hộ-Niệm” là Duyên, “Vãng-Sanh” là Quả. Nhất định 3 điểm này kết hợp lại mới được thành tựu, gọi là Nhân-Duyên-Quả Báo tơ hào không sai.
Có Niệm-Phật là Nhân, nhưng không lo đến cái Duyên, khi nghịch duyên đến thì không thể nào có Quả. Được Hộ-Niệm là Duyên, nhưng không chịu Niệm-Phật thì không có Nhân, không có Nhân thì không có Quả. Nhân Duyên không đủ không thành tựu Quả-Báo, sau cùng nghiệp chướng trùng trùng ứng hiện, phải theo nghiệp thọ nạn.
Vậy thì, chí thành chí kính Niệm-Phật tự mình phải lo. Hộ-Niệm là Duyên từ đồng tu giúp đỡ để vượt qua mọi ách nạn. Nhờ Nhân và Duyên kết hợp lại mà chư vị được an toàn thành tựu ý nguyện Vãng-Sanh ngay trong đời này.
Niệm-Phật là Nhân, thành Phật là Quả. Nhân Duyên đã hội tụ ngay tại trung điểm là Pháp Hộ-Niệm này. Vô cùng tuyệt diệu!
(a): Sự thành tựu của Pháp Hộ-Niệm đã được chứng minh quá rõ rệt, thực hành dễ dàng, phương pháp rất đơn giản, cụ thể.
Vì thế nên chúng ta mới chọn Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh. Đúng không chư vị? – (Đúng). Xin chư vị nào đã từng thấy qua những hiện tượng vãng sanh cụ thể và vi diệu như thế nào, hãy nói lại cho người khác nghe nhé. Hãy giới thiệu cho nhiều người biết, có sao nói vậy, đơn giản vậy thôi mà có thể tạo được công đức vô lượng vô biên đấy. Pháp Niệm-Phật là pháp của Phật, Pháp Hộ-Niệm là pháp của Phật. Xiển dương pháp Phật là cúng dường pháp, là gieo duyên Phật pháp làm lợi chúng sanh, đây là bổn phận chung của tất cả người đệ tử Phật chứ không phải là chuyện riêng của một cá nhân nào. Như vậy chúng ta hãy thỏa thuận với nhau, mỗi người phải tự nhận trách nhiệm phổ biến Pháp Niệm Phật Hộ Niệm để cùng nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đồng ý không chư vị? – (Vỗ tay…).
Hiện tượng vãng sanh đã quá nhiều rồi, ngày ngày đều có tin vãng sanh, công đức này xin dành hết cho các ban hộ niệm, dành cho tất cả những ai phổ biến Pháp Hộ-Niệm. Cứu được một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc công đức vô lượng vô biên, hãy đem công đức gửi về Tây-Phương và niệm Phật cầu vãng sanh thì tương lai chư vị cũng có cơ hội vãng sanh, đạo nghiệp của chư vị tự nhiên sẽ thành tựu. Đây là lời của Ấn Tổ rành rành ghi rõ trong tài liệu về Tịnh-Độ vậy.
Trong bốn pháp nhiếp thọ cứu giúp chúng sanh, gồm có: Bố-Thí, Ái-Ngữ, Lợi-Hành, Đồng-Sự, khi hộ niệm chúng ta có thể ứng dụng nhiếp pháp này để hướng dẫn người bệnh. Đem đạo lý vãng sanh giảng giải người bệnh hiểu là Bố-Thí Pháp. Khiến họ không sợ chết, không sợ bệnh, tinh thần vững vàng vượt qua tất cả những cảnh giới xấu ác để vui vẻ an nhiên vãng sanh là Bố-Thí Vô-Úy. Không tiếc công sức, tháng ngày đến bên người bệnh niệm Phật trợ duyên là Bố-Thí Nội-Tài. Những lời khai thị, hướng dẫn người bệnh phát khởi tín tâm, có lúc cần nói lớn, có lúc cần nói nhỏ để nhắc nhở người bệnh về đúng với chánh pháp là Ái-Ngữ. Phương tiện thiện xảo, vỗ tay tán thán khen tặng, ngăn cản những điều sơ suất, v.v… là Lợi-Hành. Tâm từ bi thương xót, thông cảm nỗi đau khổ của người bệnh là Đồng-Sự. Rõ ràng, một là tất cả, tất cả là một. Một Pháp Hộ-Niệm này đã bao hàm các pháp vậy.
Hãy cố gắng làm đạo nhé chư vị. Làm lợi cho chúng sanh, dẫu trước mắt có chút ít khó khăn cũng đừng nên nản chí. Một vài thiệt thòi trước mắt về công sức và thời giờ sẽ đền đáp cho chư vị một công đức vô lượng vô biên. Ngài Tịnh Không dạy, người càng chịu thiệt thòi chừng nào thì càng được phước chừng đó. Người muốn tu phước báu thì nên tập hạnh chịu thiệt thòi trước đi. Trong công sở người khác lười nhác làm việc, còn mình sẵn sàng làm việc siêng lên, chịu khó một chút thì được tăng lương, lên chức. Tới chùa siêng làm công quả, mồ hôi tưới nhiều ra đám đất, chất độc sẽ theo đó mà tuông ra ngoài khỏi thấm ngược vào tim, sức khỏe từ đó sẽ tốt hơn, ít bệnh hoạn hơn, tấm thân này ít bị lê lết vào bệnh viện nằm thở phèo phèo nữa.
Người nào càng sợ bệnh thì càng dễ bị bệnh. Người nào ra mưa sợ ướt, ra nắng sợ cảm thì bị cảm mạo liên miên. Người nào sợ làm việc, sợ mệt mỏi, là những người sức khỏe yếu kém nhất, bị mệt mỏi nhiều nhất… Tất cả đều có nhân quả do chính mình tạo ra. Phật dạy nhất thiết duy tâm tạo. Tất cả đều do chính tâm niệm của mình tạo ra những cảnh tượng này.
Người cứ lo nghĩ về bệnh thì nhất định không có bệnh cũng phải bệnh. Người thường lo sợ về ma, nhất định có ngày sẽ gặp ma chướng. Nếu biết gìn giữ tâm hồn an vui, thoải mái, vững vàng, không lo sợ viễn vông… thì tự nhiên sẽ vượt khỏi rất nhiều phiền não, chướng nạn… Tâm lực lành mạnh thắng vượt nghiệp chướng. Mình không cố tình phá nghiệp mà nghiệp tự nhiên tiêu tan chỉ vì tâm ta không dính vào đó. Phật dạy niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ thì “Ác đạo tự bế tắc, vô cực chi thắng đạo”. Thật sự Pháp Niệm Phật là pháp tối thắng vô cực. Tất cả đều gói ghém trọn vẹn trong câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Một là tất cả, tất cả là một vậy.
Có tâm bố thí thì sẽ hưởng được phước báu vô tận. Những người thiếu cái tâm vì chúng sanh phục vụ, thành ra bị mất quá nhiều sự lợi lạc, chịu nhiều thiệt thòi đó thôi. Vậy thì, nếu thấy việc làm của mình có lợi cho chúng sanh, có lợi cho nhân loại thì nhất định chúng ta hãy cố gắng hết sức để làm. Không cần phan duyên nặn óc mà làm, nhưng hễ có duyên thì chúng ta nên hoan hỷ làm đi. Diệu Âm này chưa bao giờ tự mình hoạch định một chương trình đi đây đi đó, để cầu xin đến ngồi trước đại chúng mà nói chuyện này chuyện nọ đâu. Nhưng có duyên đưa đến, thì cũng không ngại ngùng tạo chút duyên cho chúng sanh. Khả năng của Diệu Âm quá hạn hẹp, quyết không nói điều gì cao xa, chỉ xin thành khẩn đem tất cả lòng chí thành của mình mà nói với chư vị rằng, Pháp Hộ-Niệm vô cùng vi diệu, lợi lạc vô biên. Nếu những lời này không thích hợp, chư vị không vui vẻ, Diệu Âm sẽ thành tâm bái tạ và lui về, quyết không có một ý niệm buồn phiền… Phật dạy như vậy, Diệu Âm cố gắng làm như vậy, chỉ vì lòng nhiệt thành muốn nhiều người được lợi lạc nên mạnh dạn nói lời chân thật thôi.
Khi phát tâm bồ-đề làm việc đạo, xin chư vị cũng nên chuẩn bị đón nhận một số thử thách cần thiết, có lúc thuận có lúc nghịch, có lúc khó có lúc dễ. Trong tứ nhiếp pháp đặc biệt có pháp Đồng-Sự. Đồng-Sự là sao? Ví dụ, muốn cứu người trộm cướp nhiều khi mình cũng phải giả dạng như người trộm cướp, đóng vai đồng tình, đồng cảnh để kết thân, từ đó mới có duyên lôi kéo họ trở về con đường lương thiện. Bồ-Tát muốn cứu độ chúng sanh, nhiều khi các Ngài cũng phải biết làm sai, có như vậy mới tiếp cận được người làm sai mà tìm cách chuyển hóa họ. Đây gọi là Đồng-Sự. Ngụ ngôn trong nhân gian cũng có câu chuyện mang tính đồng sự khá hay. Có một gia đình kia, nàng dâu và mẹ chồng thường kình chống nhau, lâu dần tiến đến chỗ thù ghét đến nỗi không thể sống chung. Nàng dâu mới nảy ra ý định giết bà mẹ chồng. Người chồng biết được ý định này mới bàn với vợ là sẽ thay vợ giết chết người mẹ cho nàng vui lòng. Ông thường bàn mưu tính kế với vợ và đưa ra hết hình thức này đến hình thức khác để giết mẹ bằng một cách nào thê thảm nhứt mới được… Không ngờ cách này đã làm cho người vợ giựt mình, cảm thấy vô cùng bất nhẫn và tự hỏi, tại sao chồng mình lại có cái tâm ác hiểm như vậy!… Đến ngày người chồng định ra tay, thì chính người vợ đứng ra ngăn cản và nói lời sám hối…
Thưa với chư vị, thực ra người chồng đã dùng pháp Đồng-Sự của Phật dạy nhằm cải đổi tâm tánh của người vợ hầu cứu người vợ khỏi tội sát nhân, cứu người mẹ khỏi bị chết oan, cứu luôn tình trạng bất hòa giữa mẹ chồng nàng dâu vậy.
Hiểu được chỗ này rồi, tu hành chúng ta phải cẩn thận, chớ nên nhìn thấy những sự sơ suất nhất thời của một người mà vội vã chống đối họ. Hãy nghĩ rằng coi chừng đó chỉ là Bồ-Tát thị hiện mà chúng ta không hay chăng? Chư Phật, chư Tổ luôn luôn dạy ta hãy lo nhìn lỗi của mình để sửa, đừng nhìn lỗi của người mà tạo thêm nghiệp chướng. Hãy sẵn sàng đón nhận chướng ngại trong bình tĩnh, trong an tịnh mới làm đạo được, còn không thì việc đạo khó thành được vậy.
(b): Những pháp môn tự lực thực hành quá khó nên sự thành tựu quá ít ỏi. Người phàm phu muốn được giải thoát thì nên cẩn thận hộ niệm cho nhau mới có hy vọng thoát nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này nói lên sự tu hành thực tết, sự giúp đỡ, sự gắn bó, sự bảo vệ lẫn nhau là điều cần thiết để chúng ta cùng vượt qua cái chướng nạn sanh tử luân hồi trong một đời này. Các pháp môn tu hành tự lực chứng đắc khó quá đối với hàng phàm phu. Đây là điều thực tế. Nhiều người sơ ý, không nhận thức rõ về thân phận phàm phu nghiệp nặng trí mê, nên nghĩ rằng mình có thể tự lực thực hiện con đường giải thoát, nhưng sau cùng khi đối diện với thực tế, mới ngỡ ngàng rằng nghiệp chướng quá mạnh thì cũng đã muộn màn. Ôi thôi! Đành cuối đầu nhận chịu thương đau!…
Phật dạy rằng, trong thời mạt pháp này ức ức người tự lực tu hành không dễ gì tìm ra được một người đắc đạo, vậy mà chúng ta lại đơn giản nghĩ rằng chính mình là người đặc biệt, sẽ chiếm được giải nhất trong ức triệu người kia là do quá bất cẩn, hoặc không biết, hoặc thiếu tính khiêm hạ. Phật dạy, thiếu tính khiêm hạ là sự thất bại lớn nhất của đời người. Nếu tu hành mà chọn lấy đường thất bại để đi, thì oan gia trái chủ sẽ vỗ tay rôm rốp, mừng vui vô hạn, vì có cơ hội báo được mối oán thù không đội trời chung rồi.
Xin hãy nhớ cho, ta trả được cái nợ oán thù của oán thân trái chủ, nhưng thực tế chính họ cũng không được lợi lạc gì, mà chính ta thì bị nạn quá nặng. Tất cả chỉ tạo thêm oán oán thù thù chồng chất, nhân nhân quả quả chập chùng, đời đời kiếp kiếp cùng nhau đọa lạc, không có ngày được hóa giải.
Vì mê mờ, vì không biết tu hành mà nhiều khi tình thân biến thành oán thân trái chủ là chuyện rất thường xảy ra. Tại sao nhiều lúc một người mẹ lại biến thành oán thân trái chủ của đứa con mà mình đã yêu thương cả cuộc đời? Tại sao khi còn sống thì mẹ mẹ con con, đùm bọc tưng tiu, đến khi chết xong thì linh hồn người mẹ lại quyết lòng hãm hại đứa con như vậy? Có phải hễ yêu thương nhau thì sẽ biến thành thù hận không?… Thưa chư vị, không phải như vậy đâu. Mà nguyên nhân của nó có thể là, ví dụ, người mẹ này có tu hành muốn giải thoát, nhưng vì quá thương con cháu nên lúc chết cứ quyến luyến đứa con không nỡ rời xa mà bị đọa lạc. Khi bị đọa lạc, chịu quá khổ đau mới ân hận liền đổ trách nhiệm lên đầu người con: “Ôi!… Cũng tại vì mi mà ta bị đọa lạc đến nông nỗi này!”.
Nhiều người vì thương con nhớ cháu, vì tham chấp cửa nhà không nỡ bỏ đi, khi chết xong liền sanh thành loài gà vịt trong căn nhà đó. Càng thương thì càng muốn cận kề, càng mến thì càng thích lảng vảng bên cạnh. Đến lúc đứa con thèm thịt, thì bắt mẹ mình đè ra cắt cổ, banh thây để ăn thịt. Từ mẹ con yêu thương nhau nay biến thành mối oán thù bất cộng đái thiên là như vậy đấy!
Thương con cháu là điều tốt, đúng đạo lý làm người. Nhưng lúc tắt hơi ra đi mà tâm quyến luyến con cháu thì không có đường giải thoát. Người hiểu đạo phải biết nghe lời Phật dạy, thương con cháu thì chính ta phải quyết đi đường giải thoát. Được giải thoát mới làm gương tối thắng cho con cháu, sau này mới có cơ duyên cứu giúp nhau. Người mê mờ đường đạo, từ tình thương yêu dễ tạo duyên đọa lạc cho nhau. Khi đọa lạc rồi thì tức tưởi mà biến thành oán thân trái chủ cho con cái, người thân. Xin hiểu thấu điều này để nhận thức đúng đắn thế nào là mê, thế nào là ngộ.
Xin thưa với chư vị, hàng phàm phu mê nhiều ngộ ít. Các pháp tự lực tu chứng chỉ hợp cho hàng căn cơ cao thượng, chứ không hợp với hàng ngộ ít mê nhiều đâu. Nếu tự thấy mình tỉnh giác được có một phần, mà mê đến cả vạn phần, thì xin hãy mau mau nghe lời Phật dạy, ngày đêm niệm Phật, nhờ Phật lực gia trì tiếp độ vãng sanh mới có cơ hội thành tựu đạo giải thoát vậy.
Vậy thì, học Phật chúng ta cần hiểu cho thấu Lý – Sự của pháp tu hành. Rất nhiều người cứ tưởng mình tỉnh táo thông minh, nhưng thực ra tỉnh chuyện thế gian, còn mê trong đường đạo!… Vì mê trong đường đạo nên tư duy về đường giải thoát không chính xác. Phật dạy, chỉ khi nào chứng thánh quả A-La-Hán rồi thì lúc đó tư tưởng, ý nghĩ của mình mới chính xác. Hỏi rằng có ai trong chúng ta đắc được thánh quả A-La-Hán chưa?
Trong Tứ Y Pháp, Phật dạy y pháp bất y nhân. Y theo kinh giáo của Phật chứ không y theo người. Tự nghĩ sao làm vậy là y theo ý nghĩ phàm phu của mình, chắc chắn khó tránh khỏi sự sai lầm sơ suất. Y theo kinh giáo của phật rồi, mà còn phải biết tuyển trạch pháp môn cho hợp với căn cơ của mình mới thực sự có ích lợi. Nếu tự mình tuyển chọn lại thêm một điều sai lầm khác. Vậy thì, phải nhờ Phật tuyển chọn cho ta mới chính xác được. Phật dạy, hàng phàm phu trong thời mạt pháp này chỉ có niệm Phật mới có thể thành tựu. Chúng ta niệm Phật rồi mà còn chú trọng đến hộ niệm nữa thì đúng trong đúng. Người phàm phu vì mê mờ nên sự tu hành thường phạm nhiều sơ suất, dẫn đến chỗ vướng nạn mà không hay. Nếu không cẩn thận, sơ ý tự đưa chân vào cùm thì làm sao gỡ được.
Cho nên hộ niệm rất cần thiết là như vậy. Người biết Pháp Hộ-Niệm thì biết cách tránh xa ách nạn. Sự hộ niệm thực sự đã thể hiện cái hiệu quả tuyệt vời, sự thành tựu đã được chứng minh rõ rệt. Công đức vô lượng vô biên.
Như vậy chúng ta đang thực hành Pháp Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh là chính xác rồi, là đúng đường rồi, không còn nghi ngờ gì nữa vậy.
A-Di-Đà Phật.