Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 160)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta tiếp tục bàn: Thêm nhận thức về niệm Phật vãng sanh.
Xin chư vị mở trang 64, câu (o): Người không tin có sự vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì dù tu hành rất giỏi cũng không được vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là những điểm căn bản của tông chỉ Tịnh-Độ, trong đó niềm tin quan trọng vô cùng. Một người tu giỏi mà không tin vãng sanh Tịnh-Độ thì nhất định không được vãng sanh Tịnh-Độ.
Những vị tự lực tu hành, nếu nghiệp sạch tình không, có thể vượt qua sáu đường luân hồi, chứng Thánh quả A-La-Hán, hoặc cao hơn nữa chứng thành Pháp-Thân Đại-Sĩ Bồ-Tát, thuộc về Phần-Chứng-Tức Phật ở cảnh giới Hoa-Nghiêm, các Ngài cũng phải lấy niềm tin niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Lý thuyết như vậy, chứ thực tế không dễ gì có người làm được. Nhưng đến cảnh giới đó rồi, chư vị Bồ-Tát cũng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, A-La-Hán cũng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ mới viên mãn Vô Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác. Phàm phu hạ căn như chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ cũng được vãng sanh một đời viên mãn ba bậc bất thoái, chứng đạo Vô-Thượng. Cho nên, đây là pháp môn độ khắp ba căn, phàm thánh đều được bình đẳng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc một đời viên mãn thành Phật. Phật dạy, đây là pháp vi diệu tối thắng vô cực. Một người chưa đủ thiện căn phước đức thì dù có gặp được chánh pháp này nhất định cũng không thể tin nổi.
Pháp môn niệm Phật đưa một hành giả từ bất cứ một cảnh giới nào đều có thể đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc một đời thành Phật. Thật là một pháp rất khó tin, được tôn xưng là “Môn dư đại đạo”. Trong kinh Phật dạy, chỉ có chư Phật mới hiểu được rốt ráo đạo lý của danh hiệu Phật. Đẳng Giác Bồ-Tát cũng chưa thấu triệt, giống như nhìn trăng qua lớp màn che, (lời Ngài Tịnh-Không). Thật vi diệu bất khả tư nghì.
Thế thì chúng ta là phàm phu mà tin được Pháp Niệm Phật, là do căn lành phước đức rất lớn tu được từ trong tiền kiếp. Đời này muốn thoát khỏi những cảnh sanh tử khổ nạn, thì phải củng cố niềm tin cho vững vào Pháp Niệm Phật để vãng sanh thành đạo. Nếu đã tin mà tin chập chờn, định lực không vững, thì dù cho tu hành khổ cực như thế nào đi nữa, coi chừng sẽ chỉ lập lại tấn tuồng thất bại như trong quá khứ mà thôi.
Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì một đời thành Phật. Còn ở trong những cảnh giới khác thì phàm phu này phải tinh tấn tu hành trải qua hàng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp. Chúng ta thường nghe nói đến 3 đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành để thành Phật, nhưng theo lời giảng của Hòa Thượng Tịnh-Không thì 3 đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành để thành Phật không phải dành cho hàng phàm phu chúng ta, mà dành cho các vị Pháp-Thân-Đại Sĩ. Một đại a-tăng-kỳ kiếp đầu phá 30 phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh. Đại a-tăng-kỳ kiếp thứ hai phá thêm 7 phẩm. Đại a-tăng-kỳ kiếp thứ ba phá thêm 3 phẩm nữa để chứng thành Đẳng-Giác Bồ-Tát. Còn 1 phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh cuối cùng các vị Đẳng-Giác phải mất 1 đại a-tăng-kỳ kiếp mới phá nổi để chứng bậc Diệu-Giác, tức là viên mãn Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác.
Chính vì thế mà Ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát, là bậc Đẳng-Giác trên cõi Hoa-Nghiêm phải lập 10 đại nguyện vương, hướng dẫn 41 đẳng cấp Đại-Sĩ trên cõi Hoa-Nghiêm niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nghe được những lời pháp này, chúng ta mới thấy vãng sanh quý vô cùng, bất khả tư nghì. Tất cả sự thành tựu đều ở tại niềm tin. Chư đại Bồ-Tát cũng phải lấy niềm tin mà đi vãng sanh. Chúng ta là phàm phu mà không chịu tin, thì làm sao có thể mơ ngày thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành Phật.
(p): Người tu lâu năm chắc chắn được vãng sanh cao phẩm.
Đúng hay sai? – (Sai). Xác định như vậy là sai. Tại sao vậy? Người tu lâu năm mà quyết chí thành tâm niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhờ sự huân tu cao, họ có thể vãng sanh cao phẩm. Còn những người tu lâu năm nhưng không tin có cõi Cực-Lạc, nghĩa là họ không niệm Phật cầu vãng sanh, thì không cách nào có thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được. Chính vì thế, không phải tu học Phật lâu năm là được vãng sanh. Mà người có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh mới được vãng sanh.
Ngài Ngẫu-Ích, Tổ thứ 9 của Tịnh-Độ Tông Trung Hoa chú ý rất mạnh về hai điểm Tín và Nguyện. Có niềm tin sâu thì tự nhiên chí thành niệm Phật. Niềm tin càng sâu thì sức nguyện càng tha thiết. Chính nhờ tin sâu và nguyện thiết này cảm ứng đến 48 đại nguyện của Đức Từ Phụ, mà được “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, họ vượt qua ách nạn của nghiệp khổ, băng ngang qua nghiệp chướng để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn tu lâu năm, công phu cao dày, nhưng không có ý nguyện vãng sanh Tịnh-Độ, thì họ sẽ đi cảnh giới nào tương ứng với pháp tu của họ. Thế giới mông huân, trong vũ trụ hư không này có vô lượng vô biên cảnh giới, chứ không phải chỉ có Tây-Phương Cực-Lạc. Ví như, trên quả địa cầu này có hàng trăm quốc gia, giàu nghèo, sướng khổ khác nhau, nhưng nơi nào cũng có người sinh sống vậy.
(q): Chỉ có người niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ mới được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Xin nêu ra từng điểm, từng điểm rõ ràng để xác minh yếu tố được vãng sanh hầu kết thúc phẩm thứ hai này.
Chỉ có người niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ mới được vãng sanh Tịnh-Độ. Có niệm Phật mà không cầu vãng sanh cũng không được vãng sanh. Như vậy xin hỏi rằng, một người niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ có chắc chắn được vãng sanh không? Xin thẳng thắn trả lời rằng: Chưa chắc!… Chưa chắc!… Điều quan trọng là lúc cuối cùng của cuộc đời, trước khi xả bỏ báo thân có niệm được câu Phật hiệu cầu vãng sanh hay không. Nếu hôm nay niệm Phật giỏi lắm, ngày mai ngã một cơn bệnh xuống, liền niệm: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, cho con được hết bệnh…” thì hỏng rồi.
Cho nên niệm Phật cầu vãng sanh là ắt có, nhưng không phải là đủ. Niệm Phật niềm tin phải giữ vững, nguyện vãng sanh phải tha thiết. Đủ chưa? Vẫn chưa đủ. Trước khi xả bỏ báo thân phải niệm cho được câu A-Di-Đà Phật cầu nguyện vãng sanh mới gọi là đủ. Nghĩa là, Tín-Nguyện-Hạnh phải đầy đủ lúc lâm chung mới được vãng sanh. Điều này vô cùng quan trọng, mọi người nên nhớ. Nếu sơ suất, cứ nghĩ rằng niệm Phật thì vạn nhân tu, vạn nhân khứ, muôn người tu, muôn người đắc, chỉ cần 10 niệm liền được vãng sanh quá dễ, có gì đâu mà lo. Coi chừng bị sơ suất!… Nghĩ rằng mấy năm nay ta niệm Phật nhiều lắm rồi, nhất định ta được vãng sanh. Coi chừng bị sơ hở!… Vì khi nghĩ như vậy là cho rằng công phu của mình đã đủ rồi. Không ngờ, không phải chỉ là niệm Phật bây giờ, mà phải niệm Phật cầu vãng sanh trong lúc lâm chung. Hơn nữa, phàm phu vốn nghiệp đã nặng, tâm chưa sáng, thì song song bên đường tu hành, chúng ta vẫn có nhiều lúc sơ ý tạo nghiệp, tạo ra những chướng ngại mà không hay biết. Tất cả những chướng ngại đó không bao giờ mất, chỉ cần gặp duyên thì chúng ứng hiện ra ngăn chận đường vãng sanh đấy, nhất là lúc lâm chung.
Có cách nào có thể vượt qua ách nạn này? Hàng thượng căn thì tự đoạn trừ nghiệp chướng, chứng lấy chơn thường. Hàng phàm phu chúng ta thì nhờ những người hộ niệm giúp sức. Chính nhờ người hộ niệm mà chúng ta mới vượt qua ách nạn của nghiệp khổ, hóa giải nạn oán thân trái chủ, giữ được chánh niệm mà vãng sanh đấy.
Tóm lại, chính Pháp Hộ-Niệm thực sự là giải đáp vô cùng cụ thể, vững vàng, là chiếc chìa khóa quý hơn vàng, giúp cho người bệnh vượt qua khỏi ách nạn của nghiệp khổ trở về Tây-Phương Cực-Lạc. Hãy chú ý nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm đi nhé, đừng coi nhẹ mà ân hận đấy.
(r): Đừng quá ham mê kiến giải. Kiến thức thế gian càng rộng, càng mất duyên Tịnh-Độ.
Đúng hay sai. – (Đúng). Đúng lắm đấy. Tại sao kiến giải thế gian rộng thì duyên Tịnh-Độ mất? Tại vì suốt cuộc đời của họ nghiên cứu về kiến thức thế gian. Trọn ngày đam mê tới kiến thức thế gian rồi, còn giờ đâu mà nhớ câu A-Di-Đà Phật, còn giờ đâu nghĩ tới vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Những kiến giải về khoa học, kỹ thuật, văn học, triết lý… đã tràn ngập trong tâm hồn, còn chỗ nào trống trong tâm để chứa Phật pháp. Nhiều người cả cuộc đời dành trọn vẹn thời gian để nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phục vụ cho đời sống vật chất vô thường. Tất cả sự huân tập đó đã kết tập trong tâm thành một khối chủng tử kiên cố, rất khó cho họ tiếp nhận chuyện tu hành giải thoát.
Chư vị để ý coi, những người kiến giải thế gian nhiều là những người không biết tu hành, hoặc tu hành rất ít. Phật dạy có 8 thứ nạn khổ làm mất phần giải thoát, trong đó có cái nạn gọi là “Tà Trí Biện Thông”. Phật cho những kiến thức thế gian là tà trí biện thông, nó không giúp ích cho sự giải thoát, mà còn chướng ngại con đường giác ngộ. Người nào đã vướng vào những thứ kiến giải này rất khó vãng sanh, vì đã đam mê vào đó thì không còn tin vào Phật pháp. Người ưa lý cao lý diệu, thì càng lý luận chừng nào tâm hồn càng loạn chừng đó. Phải xa rời sự lý luận hão huyền này đi để bảo vệ tâm thanh tịnh niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh.
Một sự đam mê khác là khoa học. Xin thưa chư vị, khoa học kỹ thuật phục vụ rất tích cực về mặt vật chất, nhưng từ đó con người yếu đi yếu tố giải thoát. Đâu ngờ rằng, vật chất dù có phát triển tới đâu, cũng không thể tránh được chu trình “Thành-Trụ-Hoại-Không”. Có những thành phố nguy nga tráng lệ cách đây hàng mấy ngàn năm, những công trình rất vĩ đại mà các nhà khảo cổ đã khai quật ra, và cảm thấy ngỡ ngàng tại sao ở thời đó lại có thể xây dựng được như vậy. Có những nền văn minh vô cùng tuyệt vời, cách đây cả 10 ngàn năm, bây giờ đã chìm dưới đại dương. Vậy thì nền văn minh khoa học ngày nay cũng có lúc nào đó phải tan hoại đi, chứ tránh sao khỏi sự biến dịch. “Thương hải biến vi tang điền”, tất cả đều là vô thường, sau cùng chỉ là số 0 vậy.
Nhờ khoa học mà con người có thể khám phá ra những điều mới lạ trong vũ trụ, nhưng đâu ngờ rằng, những khám phá đó đã được Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói ra cách đây hơn 3.000 năm rồi. Ví dụ, nhà khoa học phát minh ra kính hiển vi mà thấy được vi trùng, thì trong kinh Phật đã nói, trong ly nước có 8 vạn 4 ngàn sinh vật sống. Khoa học khám phá ra điện tử, phân tử, nguyên tử, thì Phật đã nói trong thế giới có vi trần, trong vi trần có thế giới, trùng trùng thế giới vi trần đang hoạt động. Phật còn nói cơ thể chúng ta tích hợp hàng tỷ tế bào, nhiều tế bào chết đi, nhiều tế bào sinh lại, tử tử sanh sanh trong từng sát-na.
Nhà bác học Einstein phát minh ra định luật hấp dẫn vũ trụ, đã phát hiện một điều lý thú rằng, nếu một người đi với tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng thì có thể đi ngược lại thời gian, thì trong kinh Phật có nói đến chư Phật Bồ-Tát di hành bằng ý niệm, tốc độ lớn hơn ánh sáng cả ngàn vạn lần. Khoa học chỉ biết trên mặt lý luận, có hay giỏi gì đi nữa cũng chưa vượt qua khỏi thái dương hệ quá nhỏ bé này. Thái dương hệ so với vũ trụ hư không pháp giới thì chẳng khác gì một hạt cát trong sa mạc. Còn chư Phật Bồ-Tát thì thực hiện trên thực tế, biết được đến tận hư không khắp pháp giới. Phải chăng nhờ năng lực này mà Phật mới giới thiệu được cho chúng ta cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc, cách đây đến 10 vạn ức cõi Phật. Thật bất khả tư nghì!…
Hiểu được đạo lý này, chúng ta hãy mau mau tin lời Phật dạy, quyết lòng niệm Phật cầu sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh xong sẽ được hiển lộ Chơn-Tâm Tự-Tánh, lúc đó chúng ta mới thấy tất cả, mới có cái nhìn chính xác khắp vũ trụ hư không. Còn ở đây, dù có giỏi cho mấy, cũng chỉ ví như cái nhìn cái nghĩ của con sâu lủi thủi trong quả táo. Người ta cầm quả táo liệng khắp nơi, con sâu vẫn chỉ loay hoay gặm từng miếng táo nhỏ trong đó, không hề hay biết gì về mối hiểm nguy chung quanh. Trong quả táo tưởng mình được an lành, nhưng thực ra sinh mệnh bị nắm trong lòng bàn tay của người ta mà không hay.
Mong chư vị nhìn cho rõ, hiểu cho thấu sự nhiệm mầu của Pháp Niệm Phật. Mau mau bám chắc cơ hội này để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành đạo Vô-Thượng.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.