Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 104)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 43, câu 6: Người niệm Phật tha thiết muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thường được gì đây?
Trong câu này có một vấn đề xin chú ý là người niệm Phật thực sự tha thiết muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thường được gì, chứ chúng ta không nói là người niệm Phật thường được gì. Điểm cần nhấn mạnh ở đây chính là: “Thực sự tha thiết được vãng sanh”. Người niệm Phật tha thiết muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì:
(a): Tự tại với bệnh hoạn, an nhiên trước sự sống chết, không lo âu, không sợ hãi.
Đúng không? – (Đúng). Xin thưa với chư vị, nếu một người niệm Phật thực sự muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì họ rất “Tự tại với bệnh hoạn”. Điều này mình có thể thấy rõ ràng. Diệu Âm thường nhắc đến bà Cụ bán bánh ú. Bà Cụ này Diệu Âm đã gặp qua rất nhiều lần. Bà đi hộ niệm cho người ta suốt mười mấy năm trường và lúc nào thấy bà cũng cười tươi, vui vẻ. Bà Cụ thực sự là một người tự tại trước bệnh hoạn, tự tại trước sự khổ cực. Bà đi theo ban hộ niệm của chị Diệu Thường để hộ niệm. Chính Cụ thân sinh của Diệu Âm khi bị bệnh cũng được bà tới hộ niệm. Có một lần hộ niệm cho ông Cụ, đêm đó đồng tu luân phiên hộ niệm suốt đêm, người khác thì thay ca, riêng bà Cụ thì cứ muốn tiếp tục niệm Phật, không muốn đi nghỉ. Bà thường ngồi trong một góc phòng và niệm Phật mãi thôi. Có những đêm bà Cụ niệm Phật suốt đêm luôn. Bà thực sự đã tự tại trước sự khổ cực đấy. Bà nói rằng, bà cảm thấy không mệt mỏi, không buồn ngủ, không sợ bệnh dù rằng sáng hôm sau bà phải bưng rổ bánh ú đi bán dạo. Bà đã già rồi mà cừ khôi quá!… Lạ thật!…
Những người thực sự muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thường thường họ có được trạng thái tự tại này.
Xin thưa với chư vị, “Tự tại với bệnh hoạn” không có nghĩa là không có bệnh, nhưng có bệnh mà không quá lo sợ. Người phàm phu như chúng ta không thể không có bệnh, nhưng nếu là người thực sự muốn vãng sanh thì khi bệnh xuống họ sẵn sàng hoan hỷ chấp nhận: “Có bệnh như vậy tôi mới được ra đi chứ, nếu không bệnh hoạn thì làm sao thoát được cái thân nghiệp báo này…”. Đây chính là cái tinh thần vững vàng của người niệm Phật, và nhờ cái tinh thần vững vàng này mà hình như những người đó lại ít khi bị bệnh. Kỳ lạ vậy đó! Còn những người lo sợ về bệnh thì thường bị bệnh liên miên. Bị bệnh liên miên chỉ vì quá sợ bệnh. Quá sợ bệnh thì không thể tự tại trước bệnh khổ vậy.
“An nhiên trước sự sống chết”, nói chung là tự tại trước sự sống chết. Mình vừa nói qua “Tự tại trước bệnh hoạn” là không có sợ bệnh, bệnh mà người ta vui vẻ. Thì bây giờ đây tự tại trước sống chết nghĩa là sao? Có nghĩa là người không sợ chết. Khi bác sĩ khám và báo rằng:
– Anh bị ung thư rồi!…
– Ồ!… Vậy à? Xin cảm ơn! Tôi đã có xin với A-Di-Đà Phật rồi, Ngài sẽ đến đón tôi về Tây-Phương Cực-Lạc.
Xin thưa thực, không sợ. Khi một người tự tại trước bệnh khổ, tự tại trước sự sống chết rồi, chư vị sẽ thấy khuôn mặt người đó hớn hở vui mừng khi ra đi. Đây là trạng thái của những người niệm Phật tha thiết vãng sanh. Người ta đã tận hưởng được sự an lạc cao tột đó.
Xin thưa với chư vị, khổ hay vui không phải từ bên ngoài vào, mà nó nằm ngay trong tâm của chúng ta. Không lo âu là người sung sướng. Không sợ hãi là người vui tươi. Không kinh hoàng là người an nhiên tự tại.
Chính vì thế, những người thực sự niệm Phật, tâm họ rất vững, họ đi đường trong đêm tối không sợ ma. Tình thực đấy. Có một vị kia kể cho Diệu Âm nghe một câu chuyện có thực như thế này. Có một chị niệm Phật mà rất sợ ma, sợ dữ lắm!… Chị đó lái xe Honda đi qua một nghĩa địa vắng vẻ ở vùng đó. Nghĩa địa nho nhỏ thôi chứ không lớn lắm. Trời thì nhá nhem tối, mưa lâm râm… Bỗng nhiên chị nghe văng vẳng từ trong nghĩa địa có tiếng khóc vang ra làm cho chị đó sợ hết hồn!… Vừa lái xe vừa nhìn vào nghĩa địa, xe bị lạc tay lái vào lề đường, té lăn cù!… Chị đó sợ quá, liệng luôn cả chiếc xe Honda, ù-té bỏ chạy… Chạy tới một cái nhà ở trong một làng gần đó, kể lại sự việc gặp ma(!), rồi nhờ người nhà đó dẫn ra lấy lại chiếc xe…
Miệng niệm Phật mà tâm sợ ma, thì không dễ gì được vãng sanh đâu nhé. Nếu chị đó là người chí thành niệm Phật, tha thiết vãng sanh thì có lẽ không còn sợ ma nữa đâu. Vì sao vậy? Vì nên hiểu rằng Ma hay Phật đều ở tại tâm này. Người có tâm Phật, thấy chúng sanh đều là Phật. Người có tâm Ma thấy chúng sanh đều là Ma. Rõ ràng, tất cả đều do tâm tưởng mà sanh ra. Một người giác ngộ niệm Phật vãng sanh thì thành Phật. Một người mê muội khi chết vướng nạn thì thành ma. Như vậy, Phật hay Ma vẫn là một người đó. Như một người nào đó đang vướng nạn, quá khổ đau mà cất lên tiếng khóc, thì thật sự người này quá đáng thương hại hơn là đáng sợ sệt. Diệu Âm thường nói rằng, có lẽ đó là những người có duyên với mình. Hãy thương hại họ. Nghe họ than khóc thì nên ngừng xe lại, thành tâm khuyên họ vài lời. Người niệm Phật biết hộ niệm thì biết khai thị. Hãy lấy lòng thương xót mà khuyên người ta vài câu, hy vọng họ ngộ ra mà đi giải thoát, ví dụ:
– Chư vị ơi!… Duyên của chư vị với tôi như thế nào tôi không biết, nhưng khóc than với tôi để làm chi, vì tôi không cứu được chư vị đâu. Hãy thành tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu xin đức Phật A-Di-Đà tiếp độ về Tây-Phương Cực-Lạc, chư vị sẽ hưởng đời an vui cực lạc, chấm dứt cảnh khổ đau, tương lai không còn sanh tử nữa. Mau mau niệm Phật cầu vãng sanh liền đi nhé.
Trong cơn đau khổ tột cùng có thể giúp cho người ta dễ giác ngộ lắm đấy. Nếu giác ngộ họ niệm Phật cầu vãng sanh, thì họ có thể được Phật tiếp độ thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành Bồ-Tát trước mình. Như vậy họ là Bồ-Tát chứ đâu phải là “Ma”. Người đời thường lầm lẫn cho họ là “Ma”, chứ thực ra chỉ vì mê muội mà họ lang thang trong cảnh giới trung ấm mà chịu nhiều khổ đau một cách oan uổng. Nhưng tình thực hiện tại cũng có điều lợi là họ chưa vướng vào một báo thân nào, thành ra chỉ cần họ tỉnh ngộ niệm Phật cầu vãng sanh, thì có thể họ vãng sanh liền, chứ không phải chờ đến ngày mãn báo thân nữa. Về Tây-Phương Cực-Lạc thì thành Bồ-Tát. Như vậy, đâu là Bồ-Tát đâu là “Ma” đây? Xin chư vị thấu hiểu điều này.
Chúng ta đi hộ niệm, thường xuyên điều giải oán thân trái chủ cho người bệnh đều có liên quan đến vấn đề này. Trong pháp giới có người dữ, có người hiền. Chúng ta chỉ lấy lòng thành tâm thiện ý điều giải khuyên răn để cứu giúp họ thoát cảnh khổ. Đây là việc làm tốt, kết nhiều duyên lành. Chí thành sẽ cảm thông. Người ta nghe đấy, không có gì phải lo sợ.
(b): Người niệm Phật tha thiết muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì tinh thần dễ ổn định khi lâm chung. Nếu được hộ niệm thì rất dễ được vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Vì người ta muốn vãng sanh về Tây-Phương nên tinh thần của họ ổn định, không chao đảo, không phân vân, không lo sợ, không suy nghĩ, không đắn đo. Người ta đang trông chờ đến ngày xả bỏ báo thân để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Họ trông chờ từng giờ từng phút cái cơ hội đó để đi thành đạo, cho nên tự nhiên họ tỉnh bơ trước sự sống chết. Rất nhiều người đã mỉm cười ra đi. Thật quá tự tại!
Khi nói đến chuyện này, thì Diệu Âm trực nhớ đến ông Cụ thân sinh của Diệu Âm. Bệnh già yếu dần, đi không nổi, nhưng ông vui tánh thường chọc người ta cười tới ngắt nga ngắt nghẻo luôn. Tính Ông vui vẻ, thích tiếu lâm, bệnh đi không nổi mà thường chọc người ta cười, đến 15 phút trước khi xả bỏ báo thân mới lặng lẽ im lìm ra đi. Có lẽ Ông là người đã biết đường về Tây Phương rồi nên không lo sợ sự sống chết nữa chăng? Còn người nào không biết đạo, thì trước cảnh ra đi… Ôi thôi!… Lo âu!… Sầu bi!… Rơi lệ!… Ôi đủ thứ!… Chịu thua rồi!… Đây là do tinh thần không ổn định. Một khi tinh thần không ổn định, thì có hộ niệm họ cũng khó được vãng sanh vậy.
Cho nên, xin chư vị nhớ cho, hộ niệm là cởi mở những sự gút mắc của người bệnh, làm cho người bệnh được ổn định trở lại. Lo lắng về điều gì hãy bỏ đi, khó khăn về chuyện gì hãy bỏ đi, sầu bi cái gì hãy bỏ đi… Phải bỏ đi mới được vãng sanh. Còn người vướng chấp không chịu bỏ, thì dù cho có hàng ngàn người đến hộ niệm cũng đành chịu thua!… Hàng đêm ở đây chúng ta đều nghe tọa đàm về hộ niệm, coi như chúng ta đã khai thị cho nhau rồi, chúng ta đã thường xuyên hộ niệm cho nhau rồi. Hộ niệm luôn mấy chục năm cho đến lúc ra đi. Vậy thì đến lúc đó khỏi cần khai thị gì nữa nhé. Chúng ta hãy đến bắt tay rồi niệm Phật đưa nhau vãng sanh, không nhắc nhở gì thêm nữa, vì chúng ta đã nhắc nhở nhau rất kỹ rồi. Môi trường thuận lợi quá, thù thắng vô cùng. Xin đừng bỏ qua cơ hội này nhé. Uổng lắm đấy.
“Nếu được hộ niệm thì rất dễ được vãng sanh”. Còn nếu như không được hộ niệm thì sao đây? Việc này đành tùy duyên thôi!… Nếu quý vị niệm Phật mà đạt đến cảnh giới “Nhất-Tâm Bất-Loạn” thì khỏi cần hộ niệm. Niệm Phật đến thành phiến rồi cũng có một chút ít hy vọng không cần. Còn như đã cố gắng hết sức mà công phu không đạt được gì cả thì phải hết sức cẩn thận đấy nhé. Hộ niệm luôn luôn là điều quan trọng, là đại cứu tinh cho chúng ta. Hãy quán xét cho thật kỹ đi, có phải trước sau gì chúng ta vẫn còn là phàm phu, tội chướng sâu nặng, oán thân trái chủ trùng trùng phải không? Vậy thì những sự cố bất tường xảy ra vô cùng bất ngờ, vô cùng bất ngờ, khó có thể lường trước được đấy!… Khi nghiệp chướng ứng hiện rồi không phải đơn giản như ngồi đây lý luận cao thấp đâu nhé. Khó lắm đấy!
Đơn cử một điều đơn giản như sự mê man bất tỉnh. Tại sao lại mê mam bất tỉnh vậy? Một là vì nghiệp chướng báo đời. Hai là oán thân trái chủ đánh cho đến tơi tả, tinh thần tán loạn. Còn rất nhiều biến chứng khác nữa kể sao cho hết. Thông thường bị mê man bất tỉnh thì chịu thua cuộc. Nhưng những người thực sự muốn vãng sanh, thì thường cẩn thận chuẩn bị trước, một là lo tinh tấn niệm Phật, hai là lo chuyện hộ niệm. Phải kết hợp chặt chẽ với đại chúng để giúp đỡ nhau, nhờ vậy mới có hy vọng hóa giải ách nạn, tạo được cơ hội an toàn để vãng sanh vậy.
Nên nhắc lại rằng, muốn tránh tình trạng mê man bất tỉnh, thì xin chư vị hãy cố gắng tu phước lành cho nhiều. Vấn đề này vô cùng quan trọng. Trong “Lục độ vạn hạnh” Phật dạy Bố thí làm đầu. Trong “Tứ nhiếp pháp” đầu tiên Phật cũng dạy Bố thí. Bố thí, giúp người, làm việc nghĩa, tự đó giải tỏa cho mình rất nhiều chướng nạn.
Chính vì thế, muốn được ra đi thoải mái, người tu hành chánh pháp đừng bao giờ quỳ trước Phật, cầu xin Phật cho mình ra đi đừng bệnh hoạn, đừng đau đớn. Không phải vậy đâu! Phật dạy về nhân-quả, chứ Phật không tự ban phước hoặc kết tội ai đâu. Vì thế, muốn khi ra đi không bị đau đớn, thì người đệ tử Phật phải biết nghe lời Phật dạy. Phật dạy tạo phước để có phước. Phước báu lớn thì tự nhiên nghiệp chướng giảm. Phước và nghiệp đều do chính mình tạo lấy, chúng chen nhau từ vô lượng kiếp đến giờ. A-lại-da thức của chúng ta đã chứa sẵn lẫn lộn đầy đủ cả những hạt giống thiện và ác. Hãy tưởng tượng như một cái bình chứa cả đậu trắng và đậu đen. Nếu đậu trắng nhiều, đậu đen ít, thì bốc lên một hạt ta dễ có hạt đậu trắng hơn. Ngược lại, một cái bình chứa đậu đen nhiều, đậu trắng quá ít, thì thường thường mình bốc nhằm hạt đậu đen. Đậu đen tượng trưng cho nghiệp chướng, đậu trắng tượng trưng cho phước lành. Người thiếu tu phước thì phước báu không có, thường gặp phải những cảnh khó khăn. Khi lâm chung nếu gặp quá nhiều chướng nạn, khiến cho chính mình vượt qua không nổi, cũng đành phải nhận lấy số phần hẩm hiu!
Cũng nên nhớ cho, tu phước có nhiều cách, chứ không phải chỉ đem tiền bạc ra bố thí cúng dường mới gọi là tu phước. Điểm chính yếu cái tâm thiện lành, cái tinh thần bố thí. Người có tâm thiện lành thì tự nhiên có vạn cách để làm việc nghĩa, thực hiện sự bố thí. Những người nghèo khổ vẫn có nhiều cơ hội bố thí cúng dường. Ví dụ như bà bán bánh ú chẳng hạn, bà nghèo khổ như vậy mà lại thực hiện được một sự đại bố thí mà mình không hay. Nhờ đâu vậy? Bà thích đi hộ niệm giúp người vãng sanh. Bà vui vẻ ngồi suốt đêm niệm Phật cầu nguyện cho người bệnh được vãng sanh mà không sợ khổ, không sợ bệnh, không cần thay ca. Sáng hôm sau phải đi dạo bán bánh ú mà bà không sợ mệt. Đây là cái tâm đại bố thí khó có ai sánh bằng. Chính nhờ cái tâm đại bố thí này, mà sau cùng bà vẫy tay chào mọi người để đi vãng sanh.
(c): Người niệm Phật tha thiết muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì được Phật thương xót ban cho “Phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn”.
Đúng hay Sai? – (Sai). Hoàn toàn sai. Có phước như Đông Hải là do chính mình tạo phước lớn như biển đông, chứ phước này không phải cầu xin mà được Phật ban cho đâu.
“Liễu Phàm Tứ Huấn” là tập sách dạy cho người tu phước làm thiện hầu cải đổi vận mệnh. Ngài Liễu Phàm quan lộc ít, yểu mạng, không con… Ông phát tâm làm thiện cầu phước, mà vận số được đổi thay. Mỗi lần phát tâm, Ông phát tâm làm đến 1.000, rồi 2.000, rồi 3.000 việc thiện… Lần sau cùng Ông phát tâm làm tới 30.000 việc thiện. Đúng là người có tâm đại bố thí. Nhờ có tâm đại thiện lành này mà sau cùng Ông chỉ mới làm một việc thiện thôi cũng đủ viên mãn phước báu 30.000 việc thiện. Đó là, nhằm vào một vụ mùa thất thu, ông ký lệnh miễn thuế cho dân chúng. Chỉ cần một việc này thôi mà chư Thần Linh đã ứng mộng báo tin cho Ông biết rằng khỏi cần lo lắng nữa, vì Ông đã hoàn mãn đầy đủ 30.000 việc thiện như đã hứa rồi.
Đúng là “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Vì lòng chân thật thương chúng sanh, thấy dân chúng đói khổ Ông sẵn sàng chịu lấy thiệt hại cho chính mình mà miễn cho dân chúng một mùa thuế. Một quyết định đã làm cho hàng vạn người được hưởng phước lợi, thành ra chỉ cần một việc thiện này đã trang trải đủ 30.000 việc thiện mà Ông đã phát tâm.
Hiểu được đạo lý duy tâm, chúng ta mới thấy đường bố thí tạo phước rộng thênh thang, rất phong phú. Mong rằng chư vị ai ai cũng có phước báu vô tận. Hãy đem phước báu này gửi về Tây-Phương Cực-Lạc cầu cho lúc lâm chung được nhiều thuận lợi, vui vẻ, thoải mái, tâm hồn tỉnh táo trong chánh niệm để vãng sanh Tịnh-Độ, thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.