Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 85)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Sáng nay chúng ta đã bàn xong chương 1. Bây giờ bắt đầu vào chương 2. Chương này chắc rằng sẽ đi sâu vào Pháp Hộ-Niệm hơn. Giảng giải xong tập sách này, có lẽ là chương trình cuối cùng của Diệu Âm tọa đàm nói về hộ niệm chăng. Vì sao vậy? Vì trong gần 20 năm qua Diệu Âm đã nói về hộ niệm quá nhiều rồi. Những vấn đề chính yếu, Diệu Âm cứ lập đi lập lại thành những điệp khúc quen thuộc. Nay lại thêm một lần nữa, nói chi tiết, cặn kẽ từ đầu đến cuối, có lẽ rằng đã đầy đủ rồi vậy. Nếu chư vị thấy rằng, Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh cho hàng phàm phu này một đời được giải thoát, thì xin hãy cẩn thận hộ niệm cho nhau, quyết lòng cứu nhau để có hi vọng vãng sanh thành đạo. Còn như chư vị cho rằng Pháp Hộ-Niệm tầm thường quá và không cần thiết, thì đành tùy duyên. Riêng Diệu Âm này tự xác định cho chính mình rằng, nếu không được hộ niệm, thì thời mạt pháp này người tu thì có, nhưng được thành tựu thì quá hiếm hoi!… Một đời tu hành khó khăn, sau cùng kết quả hình như đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc!…
Xin thưa với chư vị, người phàm phu chúng ta có tu hành đấy chứ, nhưng cuối cùng thì rụng rơi!… Rụng rơi quá nhiều!… Toàn bộ đều bị rụng rơi!…
Chính Pháp Hộ-Niệm này cứu nạn chư vị, cứu đồng tu chúng ta, cứu những người hạ căn tội chướng sâu nặng này thoát vòng đọa lạc đấy. Khi nghe nói tội chướng to lớn, nghiệp chướng sâu nặng, nhưng có lẽ chúng ta chưa hiểu thấu được đâu. Đến cuối đời chắc chắn mỗi người sẽ biết, nhưng lúc đó có biết rõ đi nữa thì cũng quá trễ rồi! Những người đã từng đi hộ niệm qua, chắc rằng đã ngộ ít nhiều về vấn đề này. Thực sự không đơn giản!
Chính vì thế, Diệu Âm mong muốn rằng, sau khi giảng xong tập sách này, xin chư vị cho phép Diệu Âm chấm dứt tất cả những chương trình tọa đàm ở các nơi. Giả như có vị nào tha thiết muốn nghiên cứu về hộ niệm, thì ngay trong những ngày vừa giảng xong chương 1, gồm trên 80 tọa đàm, Diệu Âm đã làm thành những file MP3, có thể copy vào thẻ USB để nghe lại. Chư vị nào cần nghe xin cho biết để Diệu Âm kính biếu, rồi cố gắng mỗi tuần xin tới đây để Diệu Âm chép thêm cho đầy đủ. Hoặc là, chư vị có thể vào trang web niemphatthanhphat.net của bác sĩ Phi để tải xuống cũng được. Chương trình tọa đàm này bác sĩ Phi đã chuyển luôn qua video, một công trình khá khó khăn và cần tới thời gian.
Diệu Âm xin thành tâm tán thán sự phát tâm này. Ngay như việc Diệu Âm có cơ duyên cầm được tập sách này để làm tài liệu tọa đàm, nói chuyện với chư vị, thì ở các nơi nhiều vị đã âm thầm ngày đêm lo chuyện ấn tống, và còn tiếp tục ấn tống một số lượng khá lớn nữa để đáp ứng nhu cầu của đại chúng khắp nơi, phí tổn tính đến giờ này đã lên tới hàng tỉ đồng Việt Nam. Thật là khoản tịnh tài quá lớn, nhưng chư vị vẫn còn đang tiếp tục âm thầm làm. Thật là tâm đạo vô cùng cao cả, vô cùng quí hóa. Diệu Âm xin thành tâm tán thán, tri ân. Lời tri ân này không cách nào nói hết được lòng cảm niệm của Diệu Âm đâu.
Diệu Âm tọa đàm nói về hộ niệm nhiều lắm, trong đó có những đề tài tọa đàm đã được chép ra ấn tống thành sách, đến nay đã gần 10 bộ rồi, mỗi bộ đều có sự tốn kém. Nghĩ đến những vị phát tâm làm đạo, âm thầm ấn tống, âm thầm làm máy tọa đàm, âm thầm phân phối khắp nơi… làm cho Diệu Âm vô cùng cảm động. Nhiều khi tự suy nghĩ lại, không biết những lời nói của mình thực sự có đủ giá trị để cho chư vị phải tổn hao vừa công sức, vừa tịnh tài lớn lao như vậy hay không?…
Chính vì thế, trong các pháp hội niệm Phật vừa qua ở các nơi như Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada… Diệu Âm cũng thẳng thắn thưa với đại chúng về ước muốn về hưu của mình. Diệu Âm muốn rằng, tập “Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm” này sẽ là tập sách cuối cùng. Bấy nhiêu là vừa đủ rồi, không nên ấn tống thêm một bộ sách nào khác của Diệu Âm nữa.
Xin thưa thật rằng, một lần ấn tống một cuốn sách dù nhỏ thế này, cũng quá tốn kém. Ở đây chúng ta cầm trên tay một tập sách đơn giản, nhưng tất cả đều liên quan đến tịnh tài và công sức khó nhọc của đại chúng, làm cho Diệu Âm không đành lòng. Ấy thế, những lời tọa đàm mới nhất, vừa đưa lên mạng thì các nơi đã tự tổ chức thành nhóm để chia nhau viết lời tọa đàm nữa rồi. Viết ra để ấn tống. Chư vị hãy nghĩ thử, mới giảng xong được một chương thôi, nếu ấn tống sẽ thành 2 tập sách dày cả ngàn trang rồi. Nếu giảng cho viên mãn đủ cả 10 chương, thì bộ sách này dày có thể tới 10.000 trang sách. Một chi phí rất lớn!… Thực sự quá tốn kém!…
Trên thế gian này có những vị phát tâm hộ pháp quá lớn, làm cho Diệu Âm vô cùng cảm động!… Ngay trong Niệm Phật Đường của chúng ta cũng có những vị phát tâm vô cùng tuyệt vời. Diệu Âm chỉ thành tâm cảm niệm công đức. Sự phát tâm của chư vị nhất định sẽ đem lại nhiều lợi lạc thiết thực, tạo được cơ duyên vãng sanh cho đại chúng. Mong chư vị hãy đem công đức này hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc để cầu vãng sanh. Cầu nguyện cho chư vị đều được vãng sanh Tịnh-Độ, thành tựu đại nguyện.
Hôm nay, Diệu Âm mượn lời tọa đàm này, để ít ra có được một lần nói lên lời tri ân đến chư vị. Tình thực, vì quá cảm động mà nói lên lời này vậy.
Bây giờ xin chư vị mở trang 37, Vấn đề người bệnh và hộ niệm.
Nói rõ hơn, là những sơ suất của người bệnh, chúng ta hãy cùng nhau mổ xẻ ra để cố gắng tránh đi, thì khi nằm xuống chúng ta dễ dàng có cơ duyên vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Sơ suất ai cũng có cả. Nếu không thấy rõ những điều sơ suất, sợ rằng chúng ta có tu hành, nhưng coi chừng sau cùng bị nạn đấy chư vị ạ. Quá khứ là kinh nghiệm, những sự thất bại trước đây cho chúng ta những bài học quí báu.
Tại sao có nhiều người tu hành khá khó khăn, nhưng sau cùng thường bị thất bại vậy? Phải chăng, vì quá mơ mộng vào sự thành tựu, trong khi tu tập lại không dám mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế, tìm ra những sơ suất của chính mình. Nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng, lâu lâu tới đạo tràng lạy Phật cầu Phật thương tình gia trì, hoặc cộng tu một vài buổi thì cho là đủ, hi vọng được thành tựu điều gì. Chư vị ơi! Hi vọng thì nhiều lắm, nhưng coi chừng, kết quả chỉ là con số “0” to tướng đấy.
Ngài Ấn Quang dạy, tu hành dẫu cho giỏi tới đâu, nhưng một khi cho là đủ, thì tức khắc liền bị thoái chuyển. Thoái chuyển là bị tuột dốc, bị rớt đài. Mong chư vị hãy lắng nghe lời Tổ dạy, các Ngài nói những lời hết sức mộc mạc, nhưng hàm chứa đạo lý thâm sâu. Hãy dùng tâm cung kính lắng nghe thì mới cảm nhận thấm thía, còn nghe hời hợt thì khó thấy được chân lý. Thôi, chúng ta hãy bắt đầu đi tìm những sơ suất của mình nhé.
(d): Người bệnh được vãng sanh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của ban hộ niệm.
Đúng hay sai? – (Sai). Nếu người nào nghĩ như vậy, thì đây là cả một đại sơ suất, vô cùng bất cẩn! Có nhiều người nghĩ rằng, cố gắng tìm cho được một ban hộ niệm thật giỏi tới hộ niệm thì mình sẽ được vãng sanh. Ý nghĩ này không phải sai, nhưng có điểm sơ suất. Có người lại nghĩ rằng, hễ được cư sĩ Diệu Âm này khai thị thì chắc chắn được vãng sanh. Không đúng đâu!… Tất cả mọi sự ỷ lại vào người khác đều là sự sơ suất khá lớn.
Xin nhớ rằng, được vãng sanh hay không, hầu hết tùy thuộc vào chính mỗi cá nhân của chúng ta. Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ ngay lúc lâm chung là tiêu chuẩn để vãng sanh, tất cả do chính người ra đi phải tự làm lấy. Ban hộ niệm chỉ hướng dẫn, gỡ rối, trợ duyên… còn thực hành đường đi phải chính người bệnh tự làm lấy. Diệu Âm cũng thường được mời khai thị cho nhiều người bệnh ở các nơi. Chỉ vì nương theo sự tin tưởng của gia đình hoặc của người bệnh mà Diệu Âm sẵn sàng hướng dẫn nhắc nhở. Đây chỉ là phương tiện để trợ duyên, giúp cho người ta Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng hơn, hầu hi vọng chính họ thực hiện được con đường siêu sanh Tịnh-Độ, chứ không phải Diệu Âm này có một năng lực đặc biệt nào đâu nhé.
Mong chư vị hiểu rõ ràng đạo lý duy tâm của Phật dạy. Muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì mỗi người phải tự giữ vững những điểm này:
Một là, niềm tin đối với pháp môn niệm Phật của chính mình nhất định không lay chuyển. Diệu Âm thường xuyên nhắc nhở đến niềm tin. Phải có niềm tin chân thực mới giúp chư vị thành tựu, chứ không phải đạo lí gì cao siêu, xa vời đâu.
Hai là, ý nguyện vãng sanh phải tha thiết, càng ngày càng tha thiết. Dẫu cho 1.000 người bao quanh nói lời phỉ báng, chê bai, xin chư vị cũng phải giữ vững ý niệm vãng sanh không được lung lay. Phải lập một hàng rào thật chắc để bảo vệ niềm tin, bảo vệ tâm nguyện vãng sanh thì mới được thành tựu.
Xin thưa với chư vị, Diệu Âm thường hay nhắc nhở đến hai điểm này là vì hễ tin sâu và nguyện thiết thì nhất định phải niệm Phật. Tổ Ngẫu Ích dạy, tin sâu và nguyện thiết là đủ cho chư vị vãng sanh rồi. Tất cả đều bắt nguồn từ niềm tin vững vàng và hướng về chính xác. Một người tin vững vàng, nguyện vững vàng thì không thể nào không trì giữ câu A-Di-Đà Phật. Thành ra, chuyên nhất niệm câu Phật hiệu là sự thể hiện tất nhiên của sự tin sâu nguyện thiết vậy.
Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng. Chúng ta đã nói nhiều về phước báu, người nào thích tu phước báu thì hãy nhớ lời dạy này của Tổ Hành-Sách. Niệm câu A-Di-Đà Phật là tạo vô lượng phước báu. Chính cái phước báu này nó san bằng nghiệp chướng. Phước tăng thì nghiệp giảm. Người có nhiều phước ít nghiệp sẽ thoải mái hơn, an toàn hơn để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Ngài Ngẫu Ích Đại sư nói: “Tin cho vững, nguyện cho thiết, dẫu có tán tâm niệm Phật, loạn tâm niệm Phật vẫn được vãng sanh”. Được vãng sanh là được thành tựu. Điểm chính yếu là niềm tin thật vững vàng, nguyện vãng sanh thật tha thiết mới được vậy.
Những người tự cho mình đã được chứng đắc này nọ, thường rất dễ bị sơ suất. Vấn đề đơn giản hãy cần minh bạch, là thực sự có được chứng đắc hay không? Nếu là người chân chánh tu hành, thực sự đã được chứng đắc, thì bao giờ lại khoe khoang sự chứng đắc của mình ra. Một khi đã có tâm ý khoa trương, thì thường chỉ là sự vọng tưởng, khinh mạn! Đã vướng phải ách nạn này rồi thì làm sao có thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được! Chính vì vậy mà ngài Ngẫu Ích nói, dẫu cho người đó có niệm Phật đến nhất tâm bất loạn cũng không được vãng sanh. Lời nói này có ý nghĩa rằng, cảnh giới “Nhất Tâm Bất Loạn” đó chỉ là hoang tưởng, hư huyễn mà thôi.
Ngài Ấn Quang nói, những người không có ý nguyện vãng sanh tha thiết, thì dẫu cho niệm Phật đến chỗ gió thổi không qua, mưa rơi không lọt cũng không được vãng sanh. Miệng niệm Di-Đà, tâm không tin tưởng, niệm đến bể hầu khan cổ cũng như không là vậy đó.
Cho nên, muốn vãng sanh xin phải gìn giữ thật vững niềm tin và sức nguyện. Ngài Triệt Ngộ nói, tâm lực mạnh mẽ thì thắng được nghiệp lực, còn tâm lực yếu đuối thì nghiệp lực sẽ bùng lên làm chủ, lúc đó ta chỉ là những kẻ ngoan ngoãn làm nô lệ cho nghiệp chướng, chúng tự do lôi ta vào cảnh đọa lạc khổ nạn. Chư Tổ mỗi người nói mỗi lời khác nhau, nhưng ý nghĩa hoàn toàn tương đồng, không hề sai khác.
Vậy thì chư vị hãy cố gắng lên, quyết lòng lên nhé. Chúng ta đến Niệm Phật Đường này tu hành, chỉ có một con đường duy nhất phải đi cho tới cùng, đó chính là niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là tôn chỉ bất biến của Niệm Phật Đường, nhất định chúng ta không đi theo con đường nào khác, dẫu cho sau này Diệu Âm vãng sanh rồi, chư vị nào có duyên tiếp nhận nơi này cũng phải giữ đúng qui hướng này mà đi, không được lay chuyển, không được thay đổi.
Mong chư vị vững vàng niệm Phật tu hành. Chúng ta quyết lòng quyết dạ cùng nhau hội tụ tại cõi Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.