Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 37) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 37)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Vấn đề thứ 17 trang 19: Những gì có thể làm được khi Hộ Niệm?

Đáp án (e): Hướng dẫn người bệnh thực hiện chính xác Pháp Môn Niệm Phật ngay trong giây phút sắp mãn báo thân để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Thực sự đúng như vậy. Người hộ niệm không phải là niệm Phật giùm cho người bệnh, không phải cứu độ người bệnh, mà người hộ niệm giúp cho người bệnh làm được đầy đủ Tín-Hạnh-Nguyện cho đúng với Pháp Niệm Phật trước khi liệng báo thân này. Thường thường hàng ngày chúng ta niệm Phật ở đây có vẻ giỏi lắm, nhưng khi bệnh xuống hình như là 99% những người như chúng ta làm không trọn vẹn tông chỉ Pháp Niệm Phật. Niệm Phật không nổi, đầu óc không còn tỉnh táo, thân thể không còn khỏe mạnh, tâm ý thì mê mệt… Nhiều cảnh khổ đổ ập đến làm cho người bệnh trong những lúc sắp sửa xả bỏ báo thân hoàn toàn không chủ động được gì cả. Xin thưa thẳng với chư vị, hàng phàm phu chúng ta là vậy đấy. Nếu không có người hộ niệm hướng dẫn cụ thể thì mấy ai làm đúng.

Câu (f): Giúp người khi lâm chung giữ được Chánh-Niệm, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này bổ nghĩa cho câu trên. Làm được đúng Pháp Niệm-Phật là như thế nào? Là trong lúc lâm chung giữ được Chánh-Niệm. Xin nhắc lại từ “Chánh-Niệm” một chút. Chánh-Niệm của người niệm Phật chính là Tín-Nguyện đầy đủ và tranh thủ niệm câu A-Di-Đà Phật. Mỗi một pháp môn có một Chánh-Niệm riêng, xin chư vị cần nhớ điều này. Khi nói về Chánh-Niệm cần xác định là Chánh-Niệm với pháp tu nào. Pháp Môn Niệm-Phật có Chánh-Niệm là niệm câu A-Di-Đà Phật với lòng chí thành chí kính. Chí thành chí thiết niệm Phật là Chánh-Niệm. Nghĩa là, người có Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, niệm lực mạnh mẽ thì người hộ niệm dễ trợ duyên cho người đó khi lâm chung giữ được Chánh-Niệm.

Thông thường vì đau đớn, niệm Phật không được! Hoảng kinh, niệm Phật không được! Âu sầu, niệm Phật không được! Sợ chết, niệm Phật không được! Sợ bệnh, niệm Phật không được!… Niệm Phật không được là mất Chánh-Niệm. Người hộ niệm rất cần thiết để nhắc nhở, ủy lạo, giúp đỡ, trợ lực cho người bệnh giữ Chánh-Niệm.

Có nhiều người nói rằng, Hòa Thượng Tịnh-Không cấm không cho khai thị. Thực ra vì sơ ý mà hiểu lầm lời giảng của Ngài. Tất cả chư Tổ đều căn dặn, một người lúc lâm chung rất cần thiện hữu tri thức hiểu đạo đến nhắc nhở. Nhắc nhở chính là khai thị. Chỉ điểm đường về Tây-Phương Cực-Lạc, chỉ điểm chính là khai thị. Ngài Ấn Quang dạy: “Thiện tri thức dùng những lời khéo léo, an ủi, giúp đỡ cho người đó quyết lòng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Khéo léo, giúp đỡ, chỉ điểm, an ủi… chính là khai thị. Chứ không phải khai thị là nói pháp, giảng giải đạo lý gì khác cho người đang bị bệnh khổ.

Nếu nói cấm khai thị là hàm ý khuyên người hộ niệm không nên giảng đạo lý gì cao diệu với người bệnh. Hiểu như vậy thì đúng. Chuyện này chư Tổ khuyên cấm. Nhưng khéo léo hướng dẫn người bệnh phát tâm niệm Phật chính là những lời khai thị có tính cụ thể, giúp họ đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Mong chư vị đừng nên hiểu lầm nữa. Nếu người hộ niệm không nhắc nhở người bệnh, thì nhiều lúc tâm trí họ rối như tơ vò, nhiều lúc họ đang kẹt trong những cảnh giới khổ đau, không khai thị thì làm sao hóa gỡ được?

Có nhiều người nghiên cứu hộ niệm quá sơ sài mà hiểu lầm! Vì hiểu lầm nên hộ niệm bị sơ suất. Vì sơ suất nhiều quá nên đi hộ niệm mãi mà không thấy được người vãng sanh. Vì không thấy người vãng sanh nên cũng bỏ luôn pháp thăm thân, vì có thăm thân thì cũng thường thấy thân xác cứng đơ, tướng lành không có để càng thêm thất vọng, càng mất lòng tin, chứ có ích lợi gì!…

Xin thưa với chư vị, Hòa Thượng Tịnh-Không nói không được thăm thân trong vòng 8 tiếng đồng hồ, nên để 12 tiếng đồng hồ thăm thân mới an toàn hơn. Nghe pháp đừng nghe trước cắt sau, nghe sau cắt trước. Không thăm thân thì không phát hiện kịp thời những chướng nạn của người chết. Rốt cuộc cứ ngồi đó niệm: A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật… rồi hồi hướng cho họ, xong bỏ ra về. Mỗi người mang theo mình một niềm mơ mơ màng màng, không biết là người đó có được gì không?

Vì thế, hộ niệm mà thiếu nghiên cứu cẩn thận, thường phạm phải nhiều điều sơ suất, làm cho Pháp Hộ-Niệm vốn vi diệu mà áp dụng không được hiệu quả. Thật đáng tiếc!

Câu (g): Khéo léo hướng dẫn, dùng tâm lý khuyến tấn giúp người bệnh an tâm niệm Phật vãng sanh.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là lời khai thị của Ấn Tổ. Ấn Tổ dạy, người hộ niệm đến bên cạnh người bệnh khéo léo hướng dẫn, dùng lời tâm lý khuyến tấn giúp cho người bệnh quên đi cơn bệnh, không sợ chết, quyết lòng buông xả, niệm Phật cầu vãng sanh. Đây chính là nội dung lời khai thị nhắc nhở của Ấn Tổ.

Từ đời nhà Đường, Ngài Thiện Đạo cũng có những lời dạy tương tự, khi lâm chung rất cần những người biết đạo, hiểu đạo đến nhắc nhở, giúp đỡ, dùng lời khéo léo khuyến tấn người bệnh, còn bà con thân nhân, bạn đồng tu đừng nên than vãn, đừng nên buồn phiền. Đây là những điều căn bản, cần nắm vững. Người bệnh dù có niệm Phật nhiều năm, nhưng đến giờ phút đó những cơn đau ập tới làm quên hết, tiêu tan luôn ý niệm vãng sanh. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác nữa dồn dập tới. Xin thưa với chư vị, nếu công phu không đủ, lúc đó nghiệp chướng tự do ứng hiện một cách vô thức, làm cho người bệnh không còn chủ động được nữa đâu.

Chính vì thế rất cần người hộ niệm khéo léo, hướng dẫn. Xin chú ý, khéo léo này không có nghĩa là nói nhẹ nhàng. Tâm lý, khuyến tấn không có nghĩa là nói những lời như ru ngủ. Không phải vậy đâu. Có người ưa thích cách nói nhẹ nhàng, vui vẻ thì mình dùng tâm lý nói những lời nhẹ nhàng, vui vẻ, cười tươi. Cũng có những lúc khai thị, hướng dẫn, chỉ điểm, cần đến những lời nói mạnh mẽ, nói cho thật mạnh để đánh thức tinh thần họ dậy, vực tâm hồn họ lên. Tùy cảnh, tùy cơ, tùy duyên ứng đối chứ không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng là tốt. Không nên ứng dụng nguyên tắc quá cứng nhắc để khai thị trước người bệnh mà làm cho lời khai thị bị khô khan đi, khó đem lại hiệu ứng tốt. Ví dụ, đối với một người đang mê mê tỉnh tỉnh trong những cảnh giới mập mờ nào đó, mà lời khai thị nhẹ nhàng, ru ru thì thường không có tác dụng, khó mà vực tâm thần họ dậy được.

Cho nên, có nhiều lúc khai thị cần nói mạnh, có nhiều lúc cần phải uyển chuyển nói nhẹ nhàng. Tất cả đều phải tùy duyên chứ không thể cứng nhắc. Những người mắt đã yếu mờ, tai đã lễnh lãng rồi, mà nói giọng nhẹ nhàng như tiếng gió vi vu thì thôi chịu thua, không giúp ích gì được. Còn những người tỉnh táo, nghe tốt, đã niệm Phật tinh chuyên rồi, thì cần gì phải nói mạnh, cần chi phải nhắc nhở nhiều. Chỉ cần vài lời nói nhẹ nhàng khuyến khích thêm là đủ cho họ rồi vậy.

Câu (h): Khai thị, hướng dẫn người bệnh buông xả vạn duyên, nhiếp tâm niệm Phật cầu vãng sanh.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Khai thị cho người bệnh, nhiều người thường nói:

Bác ơi!… Bác buông xả vạn duyên nhé.

Xin thưa với chư vị, nhiều lúc nói buông xả vạn duyên, nhưng coi chừng chính người bệnh không biết duyên gì để mà buông đó!… Thành ra khuyên buông xả vạn duyên, có nghĩa là cái duyên nào người bệnh đang bị kẹt, hãy tìm cho ra mà khuyên họ buông xuống, mạnh dạn nhắc nhở họ bỏ ngay cái vướng chấp này đi. Chứ còn khuyên “Buông vạn duyên… buông vạn duyên…, vạn duyên nhiều quá, họ biết buông cái nào, giữ cái nào đây? Nội dung lời khai thị này nhìn qua có vẻ đơn giản vô cùng, dễ dùng, nhưng đừng nên sử dụng quá máy móc mà nhiều lúc làm cho người bệnh cảm thấy lúng túng, mơ hồ. Nghĩa là, khuyên buông xả vạn duyên, thành tâm niệm Phật, cầu về Tây-Phương là mẫu nói chung, có lợi, không hại. Nhưng nếu chỉ nói chung chung như vậy, tình thực rất khó hóa gỡ được những vướng chấp của một người, nhất là người đang thọ nghiệp khổ. Ngoài trừ những người thực sự có công phu tu hành tốt, trí huệ khai mở, Tín-Nguyện-Hạnh đã đầy đủ, chỉ cần nhắc nhở tổng quát chung là được, vì thực sự họ đâu cần đến sự khai thị nữa.

Còn bình thường rất nhiều người vướng mắc đủ điều, mình cần phải tìm cho đúng cái vướng mắc của họ để gỡ ra. Một người đang nhớ tiền, đang kẹt vào chuyện tiền bạc mà mình tới khuyên họ buông con cháu ra, thì buồn cười lắm vậy. Một người đang muốn hoàn thành một chuyện ơn nghĩa gì đó của thế gian chưa làm xong, trong lòng áy náy chẳng an, nên cứ sầu muộn mãi. Đến lúc sắp chết rồi, tự nhiên tâm thức của họ cứ nghĩ mãi về chuyện đó. Hãy làm sao cố gắng giải tỏa cho được cái vướng chấp này mới tốt cho họ được.

Xin thưa với chư vị, hộ niệm nhiều lúc mình trở thành một viên điều tra bất đắc dĩ, tìm hiểu về tâm lý, tư tưởng, cách sống, thói quen, thích ai, ghét ai… của người bệnh. Hãy cố gắng tiếp chuyện với gia đình để dọ hỏi thử người bệnh vướng mắc điều gì mà khai mở ra, khuyên họ xả bỏ đi, được vậy họ mới có thể vãng sanh. Còn hộ niệm mà cứ tới nói chung chung: “Bác buông xả vạn duyên đi về với Phật nhé…, thì khó lòng giúp ích được ai vậy.

Nói chung chung thì Lý không sai, nhưng Sự thì hơi vụng về. Khai thị cần đúng với tâm trạng của từng người, đúng theo từng chi tiết một, từng trường hợp một thì có hiệu quả tốt vô cùng. Người đang thương con nhớ cháu, nhất định phải nói cho họ biết phải quyết lòng vãng sanh mới có cơ hội lo lắng cho con cháu sau này. Người đang sợ chết, nhất định phải khai giải cho được chuyện này, nhất định phải chấm dứt ý niệm sợ chết, phải làm sao tìm mọi cách giúp họ chuyển sự sợ chết thành vui mừng vãng sanh, vì vãng sanh là không chết, vãng sanh là về nước Cực-Lạc để sống an vui. Phải hóa gỡ cho được những điều người bệnh vướng chấp thì họ mới vãng sanh. Còn cứ nói khơi khơi thì vô phương hóa giải, vãng sanh khó thành!

Câu (i): Giúp người bệnh không cầu hết bệnh, không sợ chết, tha thiết muốn vãng sanh thành đạo.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Điều này quá rõ ràng. Tập sách này đưa ra từng điểm từng điểm cụ thể để khai thị, hướng dẫn. Một người không kẹt chỗ này thì nhất định cũng kẹt chỗ khác, không vướng chỗ nọ, chắc chắn cũng mắc chỗ kia. Quyển sách này cố gắng liệt kê ra hầu hết những cái kẹt thông dụng nhất để chúng ta biết qua.

Người sợ chết, nhứt định không được vãng sanh. Vậy thì xin hỏi, chư vị có sợ chết không? Buông bỏ ngay ý niệm sợ chết đi nhé chư vị. Nếu sợ chết, thì tự mình rước lấy đại họa vào thân đấy. Sợ chết thì trong tâm cứ chờn vờn nghĩ về cảnh chết. Người nào nhớ mãi đến cảnh chết thì phải chết, không thể vãng sanh. Đừng nghĩ rằng bây giờ sợ chút chút thôi, chừng đó mình sẽ bỏ. Không đâu. Nỗi sợ chết chút chút hôm nay, sẽ mạnh lên 1.000 lần hơn ở cuối đời đấy. Khi nằm xuống, tất cả những nỗi sợ hãi sẽ tự động ứng hiện ra trong vô thức, mình không còn chủ động được nữa, không còn kiểm soát được nữa đâu.

Giúp người bệnh không cầu hết bệnh”. Chư vị có sợ bệnh không? Có không? Xin thưa thực với chư vị, có bệnh thì uống thuốc, đi bác sĩ khám bệnh, tìm cách chữa bệnh là điều chúng ta phải làm. Nhưng bệnh mà tinh thần xuống dốc, lo âu, sầu bi, sợ sệt, lo lắng từng chút từng chút, thì thuộc loại người bi quan yếm thế, tâm lực yếu đuối, trở thành một chướng ngại khá lớn cho đường vãng sanh đấy. Chư vị cứ để ý thì biết, một người quá lo sợ về bệnh tình, dẫu cho niệm Phật 50 năm đến sau cùng họ cũng sẽ gặp nhiều điều vô cùng khó khăn khi xả bỏ báo thân. Nhất định như vậy, chắc chắn như vậy.

Trước đây Diệu Âm đã gặp một vị đó, tu hành cũng khá lâu, Phật pháp nói cũng khá hay, nhưng vừa mới phát hiện ra bệnh tiểu đường, thì liền xuống sắc, suốt ngày than than thở thở đến thấu trời xanh!… Có một lần Diệu Âm nằm chung phòng với vị đó, hai giường kề bên nhau, Diệu Âm nghe vị đó than vắn thở dài suốt đêm không ngủ. Đây là trạng thái của người sợ bệnh. Sợ bệnh, suy cho cùng là từ sợ chết mà ra. Đã sợ chết rồi thì, xin nói thẳng thắn, dẫu cho có hộ niệm cũng khó được vãng sanh. Cho nên, xin thành khẩn nhắc nhở lời này, chư vị nên tập tự tại trước bệnh hoạn mới tốt, mới được vãng sanh.

Tự tại trước bệnh hoạn có nghĩa là sao? Có nghĩa là, không phải mình không bệnh, nhưng có bệnh mà vui vẻ mặc nhiên, chấp nhận. Tại vì nghiệp chướng của chính mình, thì mình phải trả. Không trả hôm nay thì phải trả ngày mai. Không trả trước thì đến lúc lâm chung cũng phải trả. Vậy thì nghiệp nào ra trước ta trả trước, khỏi bận lòng trả sau, còn những nghiệp không ra thì kệ nó, không cầu không đợi. Như vậy, tự tại trước bệnh khổ là có bệnh mà không sợ, không ngại, không buồn, không lo… thì khi lâm chung tự nhiên chư vị thấy an nhiên, tự tại. Có tự tại trước bệnh khổ mới được vãng sanh.

Hiểu được như vậy, chúng ta quyết lòng quyết dạ đi cho đúng để cùng nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc nhé.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –