Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 63)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 27, những dòng cuối cùng. Vấn đề 29: Mức tu chứng tối thiểu của người hộ niệm là gì?
Sở dĩ đưa ra vấn đề này, vì khi Diệu Âm đi các nơi có người đặt lên vấn đề là phải có một mức tu chứng nào đó mới có thể giúp cho người vãng sanh được, chứ nếu người hộ niệm chưa tu chứng được gì thì làm sao lại có thể giúp cho người khác thành tựu đạo quả. Câu hỏi này nhằm giải đáp những sự hồ nghi liên quan đến vấn đề này.
(a): Tự mình niệm Phật phải “Nhất Tâm Bất Loạn” thì mới có khả năng hộ niệm cho người khác vãng sanh thành đạo được.
Đúng không chư vị? – (Sai). Nếu bảo rằng cần phải niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” rồi mới có thể hộ niệm được, thì thế gian này có lẽ không có Pháp Hộ-Niệm, mà có Pháp Hộ-Niệm thì cũng không có ai đi hộ niệm được! “Nhất Tâm Bất Loạn” tức là chứng đắc rồi đấy. “Lý Nhất Tâm Bất Loạn” tương đương với “Minh Tâm Kiến Tánh” của Thiền Tông, “Đại Khai Viên Giải” của Giáo Hạ, “Tam Mật Tương Ưng” thân khẩu ý thanh tịnh của Mật Tông. Đây là những cảnh giới chứng đắc chứ không phải bình thường.
Thời mạt pháp này dễ gì tìm ra một người tu hành thực sự chứng đắc! Không có người thực sự chứng đắc, thì ai sẽ là người có tư cách làm thành viên của ban hộ niệm đây?
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường nghe thông tin đâu đó có người đứng ra tự khoe mình đã chứng đắc rồi. Xin hỏi: thực hay giả đây? Tâm đã khai ngộ mà không biết giới luật của Phật đã đưa ra là cấm người tu hành tự khoe chứng đắc sao? Nhất là trong thời mạt pháp này mà khoe khoang ra là điều đại kỵ trong cửa Phật. Như vậy, tự khoe là mình đã chứng đắc gì đó thì thực là một điều sơ ý lớn lao, khá bất cẩn! Người học Phật chân chính chắc chắn không thể nào dám dễ dàng tin tưởng được.
Người tự khoe rằng mình đã chứng đắc thì nhất định không dễ dàng gì gọi là chứng đắc thực, vì một người thực sự đã chứng đạo rồi thì tâm đã khai ngộ, tâm khai thì trí sáng, trí sáng thì đâu có thể quên mất lời Phật dạy. Hỏi rằng có ai thực sự đã khai ngộ mà làm điều sơ suất, sai với kinh Phật khiến cho đại chúng hoang man? Như vậy, người đã khai ngộ có thể nào khoe ra cho đại chúng khen tặng không? Chỉ vì chúng sanh chưa rõ đạo lý, lại hiếu kỳ ham thích những những điều thần kỳ đặc dị hư huyễn, nên thường vướng phải những cạm bẫy tế vi của hàng ngoại đạo mà sơ ý cứ cho là chứng đắc, rồi còn đi khoe ra khắp nơi, vô tình bẫy thêm những người mê mờ khác cùng vướng phải nạn. Thật quá sai lầm!… Vì thế, xin chư vị nhớ cho, không bao giờ một người thực sự chứng đắc mà đi khoe ra đề cầu lấy tiếng khen đâu nhé.
Pháp Hộ-Niệm không đòi hỏi một người phải tu chứng rồi mới được đi hộ niệm, mà yêu cầu người hộ niệm phải biết qui luật của Pháp Hộ-Niệm, phải có lòng chân thành thương người, muốn giúp ích chúng sanh, phải biết cách khai thị hướng dẫn giúp cho người bệnh phát khởi niềm tin, buông xả vạn duyên, niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Người hộ niệm phải cố gắng giúp người bệnh làm được ba điều này một cách trọn vẹn trong lúc xả bỏ báo thân để họ được vãng sanh. Cần biết những qui tắc điều giải với pháp giới chúng sanh hữu duyên, khuyên họ xả bỏ oán thù, cùng nhau niệm Phật, cùng về Cực-Lạc thành đạo.
Như vậy Pháp Hộ-Niệm là phương pháp hướng dẫn cho một người tự họ làm đúng chánh pháp để họ được vãng sanh, chứ không phải cần sự chứng đắc rồi, mới dùng năng lực chứng đắc đó đến cứu độ người bệnh.
(b): Niệm Phật dù không được “Nhất Tâm Bất Loạn”, nhưng ít ra cũng phải đạt được tiêu chuẩn “Niệm Phật Thành Thục” mới có thể hộ niệm.
Đúng hay sai? – (Sai). Cũng sai luôn. Cố gắng “Niệm Phật Thành Thục” thì quá tốt, nhưng đây không phải là điều luật bắt buộc cho một thành viên ban hộ niệm.
“Niệm Phật Thành Thục” là mức công phu gần gũi, thấp hơn cảnh giới “Sự Nhất Tâm Bất Loạn”. “Sự Nhất Tâm Bất Loạn” là cái mức chuẩn bị cho cảnh giới “Lý Nhất Tâm Bất Loạn”. Có 3 cấp: Một là “Niệm Phật Thành Thục”; Hai là “Sự Nhất Tâm Bất Loạn”. Ba là “Lý Nhất Tâm Bất Loạn”. “Lý Nhất Tâm Bất Loạn” là đi về tới lý đạo tự tâm rồi. “Sự Nhất Tâm Bất Loạn” có thể phục được phiền não, không còn phiền não nữa, không còn buồn, không còn rầu, không còn giận, không còn hờn nữa, câu Phật hiệu luôn luôn ứng hiện trong tâm. “Niệm Phật Thành Thục” là mức công phu tốt, hàng ngày có khả năng nhiếp tâm tinh tấn niệm Phật. Nhưng xin thưa với chư vị, nói thẳng ra, trên đời này có nhiều người thực hiện được mức công phu này, nhưng so ra vẫn còn là số ít, chưa phải nhiều lắm đâu. Chỉ có những người thực sự có trí tuệ, thưc sự có phước báu thì có thể “Niệm Phật Thành Thục” được. Niệm Phật đến trình độ này thì đường vãng sanh có phần vững vàng, nhưng vẫn chưa phải là chắc chắn an toàn.
“Niệm Phật Thành Thục” là công phu tương đối tốt, tất cả chúng ta đều có thể cố gắng thực hiện được, nhưng trong tài liệu của Tịnh-Độ Tông chư tổ cũng không nhắc nhở là phải “Niệm Phật Thành Thục” mới được đi hộ niệm. Người hộ niệm chỉ cần biết qui luật hộ niệm, có lòng thành tâm, lòng chí thiết, lòng thương người, biết nâng đỡ người, biết an ủi người, biết vỗ về khuyến tấn người ta niệm Phật cầu vãng sanh là được rồi. Dễ không chư vị?
(c): Không cần chứng đắc, nhưng ít ra cũng phải được cảm ứng với “Bề Trên” ứng hiện khai thị hướng dẫn cho mình rồi mới được hộ niệm.
Đúng không chư vị? – (Sai). Có nhiều người tới nói rằng họ đã được Bồ-Tát Quán-Thế-Âm khải thị và hướng dẫn tới hộ niệm cho người này người nọ vãng sanh, nhưng sau cùng khi cuộc hộ niệm thất bại thì lại đổ vạ cho đủ thứ lý do. Xin thưa với chư vị, những người ưa khoe khoang sự cảm ứng, dù Bồ-Tát có muốn khải thị cho họ cũng không dám khải thị đâu. Vì sao vậy? Vì Bồ-Tát có xuống thế độ sanh trong thời này thì quí Ngài cũng rất bí mật để hành đạo, chứ không thể tùy tiện lộ diện đâu. Chỉ vì sơ suất, nên nhiều người để vọng tưởng khởi lên mạnh quá, mà thường cảm ứng với những vọng cảnh nào đó lại lầm tưởng là Bồ-Tát khải thị đó thôi!
Trong kinh lăng nghiêm Phật nói không chứng mà nói chứng, không đắc mà nói đắc, không cảm ứng mà nói cảm ứng thuộc về tội đại vọng ngữ, quả báo tệ hại lắm đấy. Phật cấm những sự khoe khoang này. Chính vì quán xét căn cơ đại chúng trong thời mạt pháp này quá yếu, nên chư Tổ khuyến cáo chúng ta không nên đóng của tự tu một mình, một là tránh sự giải đãi, hai là tránh tình trạng vọng tưởng sai lầm mà chính mình không biết. Vì tu một mình một cõi, về hình thức thì thấy thanh tịnh, không ai quấy rầy nên không bị phiền não, nhưng nếu tâm chưa khai ngộ mà vội vã tách rời chúng đồng tu thì rất dễ cảm ứng những cảnh giới hư huyễn hão huyền. Thường xuyên tiếp xúc với các cảnh giới hão huyền mà không ai hay biết để khuyên giải xả bỏ đi, nên càng ngày càng lún sâu vào, sau cùng có thể dẫn tới sự nguy hiểm, khó hóa giải!
Ví dụ như nhiều người cảm ứng thấy Phật phóng quang, cảm ứng với Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, cảm ứng với Vi-Đà Tôn Thiên Bồ-Tát, cảm ứng với Đức Quan-Thánh Đế-Quân hiện thân khải thị, v.v… Ban đầu thì thấy hay, nhưng hầu hết sau cùng đều không có kết quả tốt đẹp. Mong chư vị hãy lấy những sự cố này làm bài học để tự răn nhắc cho chính mình, nhất định phải giữ tâm thanh tịnh, khiêm cung, bình thường mới tốt. Những sự cảm ứng do vọng tưởng, hiếu kì, thường thường là những chướng nạn rất lớn trên đường tu hành trong thời mạt pháp này. Chư vị oán thân trái chủ thường nương theo cái tâm vọng của mình mà cài những cái bẫy rất tế vi để làm người tu hành bị khó khăn. Xin chư vị khá cẩn trọng.
Cho nên, ở đây xin xác định rằng, không cần chứng đắc, cũng không có cảm ứng gì với “Bề Trên” cả. Diệu Âm đã từng gặp những người tự xưng là cảm ứng với trên “Bề Trên”, nhưng mới nhìn sơ qua sắc tướng đã thấy hình như có phần u ám! Có người tự xưng mình là người ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc xuống đây để cứu độ chúng sanh. Có người còn tự xưng là A-Di-Đà Phật nữa chứ. Thật sự đã hết chỗ để khuyên giải!… Rõ ràng, tình trạng vọng tưởng của chúng sanh trong thời này đã quá nặng rồi vậy!
Trong kinh Phật dạy, trong thời độ sanh của Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, có nhiều chư Phật và Bồ-Tát cùng xuống trần hộ trì cho Thế-Tôn để cứu độ chúng sanh, nhưng không bao giờ các Ngài để lộ danh phận, không bao giờ khoe ra, không bao giờ vỗ ngực xưng danh ra đâu. Đây là qui luật của Phật môn. Hiểu được đạo lý này, xin chư vị phải hết sức cẩn thận, đừng sơ ý tham chấp vào những hiện tượng hão huyền mà lỡ bị vướng nạn thì khổ lắm đấy.
(d): Không cần tu chứng, nhưng cần học tập kỹ Pháp Hộ-Niệm và chân thực phát tâm hộ niệm cho người lâm chung vãng sanh là được.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Quá đúng rồi chứ còn gì nữa. Lâm chung là đang trong thời kỳ hấp hối sắp tắt hơi, còn đã tắt hơi rồi thì không gọi là lâm chung nữa, mà là: một là bị chết, hai là được vãng sanh. Người khi lâm chung mà được tỉnh táo, lại được khai thị hướng dẫn hộ niệm tốt, người đó tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh, thì khi tắt hơi rất dễ được vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, ra đi lưu lại tướng lành đẹp lắm. Ngoài ra, hầu hết con người trong thời này khi xả bỏ thân xác này đều bị chết, đi luân hồi đọa lạc. Bị chết thì tướng ác hiển hiện, rất dễ dàng nhận biết.
Người hộ niệm không bắt buộc phải tu chứng, hẳn nhiên nếu là người có tu chứng đi hộ niệm thì quá tốt, nhưng vấn đề ở đây là không phải tu hành chứng đắc rồi mới được quyền hộ niệm. Nếu đòi hỏi phải tu hành chứng đắc rồi mới được hộ niệm, thì trên thế gian này tìm đâu ra được một người có khả năng hộ niệm? Vì người thực sự chứng đắc thi không khoe ra, còn hàng phàm phu thì ai là người chứng đắc? Tất cả chúng ta đều là phàm phu, hãy lấy lòng chí thành chí kính ra hộ niệm trợ duyên cho nhau. Người hộ niệm do lòng chí thành chí kính niệm Phật mà được cảm ứng đạo giao, người bệnh do lòng chí thành chí kính tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh để tương ứng với đại nguyện của A-Di-Đà Phật mà được Phật tiếp độ vãng sanh, chứ có người hộ niệm nào dám khoe mình có năng lực tiếp độ người bệnh, có người bệnh nào dám khoe rằng mình tự lực đi về Tây-Phương Cực-Lạc đâu. Đã mang phận phàm phu tội nặng, chướng sâu, trí óc mê mờ chớ nên mơ cầu sự chứng đắc mà bị vướng tội vọng tưởng, hoặc phạm phải tâm thượng mạn, không tốt vậy.
Hộ niệm là nhắc nhở người bệnh niệm Phật. Mình tới cầm tay người bệnh nói:
– Bác Sáu ơi!… Niệm Phật đi nhé.
Câu này ai nói cũng được cả. Người hộ niệm hơn người bệnh ở chỗ, người bệnh thì nhức đầu chóng mặt, còn người hộ niệm thì tỉnh táo không bị nhức đầu chóng mặt, thoải mái hơn. Người bệnh thua người hộ niệm ở chỗ, người hộ niệm thì đi đứng vững vàng, làm việc bình thường, còn người bệnh thì nằm im một chỗ, ngo ngoe cái tay không nổi, mệt mỏi rã rời, thở từng cơn khó khăn. Chỉ thế thôi.
Như vậy, hộ niệm đâu bắt buộc phải chứng đắc rồi mới hộ niệm được. Một người bình thường chỉ cần có tâm chân thật thương người, muốn phục vụ cho người, muốn giúp đỡ người đang trong cơn đau yếu, biết Pháp Hộ-Niệm để hướng dẫn là có thể hộ niệm được rồi. Ông nội quá yếu sức, đang vướng trong những cảnh giới chẳng lành, giống như dạng bị oán thân trái chủ báo hại. Đứa cháu nội tới cầm tay ông nội, kêu lên:
– Ông nội ơi!… Ông nội ơi!… Tỉnh dậy đi, có cháu đây. Cháu đang niệm Phật bên cạnh ông nội đây.
Đứa cháu nội có thể giúp cho ông nội tỉnh táo lại, không còn sợ sệt nữa. Đứa cháu đã hộ niệm cho ông nội rồi. Thật đơn giản vô cùng.
Một người bệnh đã tới tình trạng sắp sửa lâm chung, tinh thần bất an, rối loạn… Chỉ cần người y tá tới vỗ vai thăm hỏi:
- À!… Ông có khỏe không? Ông uống nước nhé.
Trong bệnh viện, người y tá làm nhiệm vụ chăm sóc, thăm hỏi bệnh nhân, chỉ vậy thôi mà có thể cắt đứt cơn ác mộng, làm cho người bệnh tỉnh lại. Người y tá không biết gì về hộ niệm cả, nhưng đã vỗ vai ông cụ, đánh thức ông cụ dậy, rồi bắt mạch cho ông cụ… làm ông cụ thoát khỏi các cơn sợ hãi, khủng hoảng.
Một người bác sĩ tới dùng cái máy nghe tim mạch, hỏi vài câu về bệnh tình mà có thể làm cho ông cụ trở về với thực tại, tin tưởng và không còn lo sợ nữa. Nếu những người bác sĩ và y tá đó biết khuyên người bệnh tu hành, biết hướng dẫn người bệnh niệm Phật cầu vãng sanh thì các vị đó làm được công việc hộ niệm rồi. Nhưng nhiệm vụ của mỗi người mỗi khác, nhiệm vụ của bác sĩ là xem xét bệnh tình để tìm cách chữa trị về phần thể xác, chứ đâu có thể lo đến chuyện vãng sanh được. Chuyện hướng dẫn vãng sanh là việc làm của những người phát tâm hộ niệm vậy.
Hộ niệm thực sự không cần đến một năng lực đặc biệt nào, mà cần đến lòng thành tâm chí kính muốn vì chúng sanh phục vụ. Hộ niệm không phải là chuyện khó khăn mà chính là việc làm cụ thể rất cần thiết, rất quan trọng không thể thiếu cho những ai muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Hộ niệm thật sự đã giúp cho vô số người ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Những hiện tượng niệm Phật được hộ niệm thành tựu đường vãng sanh đã và đang xảy ra hàng ngày ở khắp nơi. Đây là sự chứng minh rõ rệt Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh cho người tu hành trong thời mạt pháp này vậy.
Mong chư vị cố gắng học cho thấu, hành cho đúng Pháp Hộ-Niệm để chúng ta cùng nhau giúp người có duyên vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Công đức vô lượng.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.