Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 62)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 27, câu (j): Ban hộ niệm nhắc nhở gia đình không nên để bà con, bạn bè không rành hộ niệm thường xuyên trực tiếp thăm hỏi người bệnh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng như vậy đấy. Khi trong gia đình có người bệnh nặng sắp chết, thông thường có nhiều người đến thăm hỏi. Đây là chuyện thường tình và cũng là mối tình cảm tốt đẹp của thế gian. Tuy nhiên, nếu một người quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì cần dặn dò gia đình về chuyện này:
– Khi ta bị bệnh đến lúc sắp phải ra đi rồi, đang trong thời gian hộ niệm, thì không nên để bạn bè người thân tới trực tiếp thăm hỏi.
Nếu không chú ý đến điều này, coi chừng việc hộ niệm bị trở ngại.
Lý do chính vì hầu hết người thế gian không biết về Phật Pháp, không hiểu về đạo lý vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nên sự thăm viếng chắc chắn đều nhắm tới vấn đề sanh tử biệt ly! Nhất định, bằng cách này hay cách khác, cũng để chia sẻ nỗi buồn thương thống thiết. Thành ra, chỉ cần một vài lời khuyên nhủ sai lệch cũng có thể làm sụp đổ hoàn toàn tinh thần cầu vãng sanh của người bệnh.
Đang được hộ niệm vãng sanh, thì nên dành tất cả sự khuyến tấn cho những người biết hộ niệm mới tốt. Người không biết qua Pháp Hộ-Niệm mà chen vào hướng dẫn thì dễ dàng đánh lạc tâm người bệnh, thay vì họ quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì biến thành sợ chết, tham sống, lưu luyến gia đình, thương nhớ con cái, tinh thần tự nhiên bi quan, sầu muộn… Chính vì thế, vấn đề người thân bạn hữu thăm viếng, chư vị phải hết sức cẩn thận. Có thể chính ta là người bệnh, hoặc cha mẹ ta đang bệnh cẩn phải hộ niệm, thì nên dặn dò trước với bạn hữu đồng tham rằng:
– Chư vị thương tôi, tới thăm tôi thì nên niệm Phật cho tôi. Tôi quyết lòng niệm Phật đi về Tây-Phương Cực-Lạc, tôi không sợ chết đâu nhé. Tôi xin tri ân sâu nặng nếu chư vị vui vẻ niệm Phật hộ niệm cho tôi. Xin đừng tỏ vẻ bi quan, lo lắng mà tạo ảnh hưởng không tốt.
– Chư vị ơi!… Cha/Mẹ của tôi không sợ chết đâu. Cha/Mẹ của tôi đang thành tâm niệm Phật chờ xả bỏ báo thân này để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Cha/Mẹ của tôi căn dặn rằng, chư vị có thương tình thì hãy đến niệm Phật hộ niệm trợ duyên cho Cha/Mẹ tôi vãng sanh. Cha/Mẹ sẽ thành tâm tri ân công đức, và đây là sự an ủi lớn nhất đối với Cha/Mẹ tôi đó. Xin đừng nhắc đến chuyện thế gian, xin đừng khuyên nhủ điều gì khác.
Mong chư vị phải hiểu cho thấu vấn đề, tinh thần phải vững để ngăn ngừa những hậu quả không hay xảy ra, làm cho cuộc hộ niệm bị thất bại mà tội nghiệp cho người ra đi. Tốt nhất, nên để một thông cáo trước cửa phòng người bệnh, đại ý như vầy:
HÃY THÀNH TÂM NIỆM A-DI-ĐÀ PHẬT
CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI BỆNH VÃNG SANH.
XIN MIỄN THĂM HỎI.
(Chân thành tri ân)
Hoặc là:
NGƯỜI BỆNH
ĐANG NHIẾP TÂM NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH.
HÃY THÀNH TÂM NIỆM PHẬT HỘ NIỆM CHO NGƯỜI BỆNH.
XIN MIỄN THĂM HỎI.
(Chân thành tri ân)
Nếu có thể được, gia đình nên cử một người đại diện lo việc tiếp xúc khách khứa ở một phòng khác, thông báo về yêu cầu của sự hộ niệm, mong họ thông cảm, đừng để bạn bè thân hữu trực tiếp nói chuyện với người bệnh. Đây là điều rất quan trọng, xin chư vị chú ý.
Muốn cứu được người vãng sanh, thì người hộ niệm cần phải thẳng thắn nêu ra qui luật của Pháp Hộ-Niệm. Đã là qui luật thì phải cụ thể rõ ràng, phải được tuân giữ đúng mức mới mong giúp được một người phàm phu tội chướng sâu nặng trong thời mạt pháp này siêu sanh Tịnh-Độ. Trong qui luật hộ niệm, có những điều hơi khác với sinh hoạt bình thường của cuộc sống thế gian là chuyện bình thường chúng ta phải chấp nhận, vì nếu tất cả đều giống như sinh hoạt bình thường thì cần chi phải lập ra qui luật.
Một gia đình thực sự muốn người thân của mình vãng sanh, thì họ vui vẻ và chấp nhận dễ dàng tất cả những qui luật của Pháp Hộ-Niệm. Một người bệnh hiểu đạo, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì họ hân hoan tin tưởng và làm đúng theo mọi sự hướng dẫn của ban hộ niệm, nhờ đó mà thường thường họ vãng sanh bất khả tư nghì.
Tuy nhiên đôi lúc chúng ta cũng gặp những trường hợp gia đình ít có lòng tin, thân bằng quyến thuộc chưa hiểu nhiều về hộ niệm, khi nghe đến qui luật này họ cảm thấy khó chịu, thì người hộ niệm cần giải thích rõ ràng lý do tại sao cần tuân giữ qui luật và mục đích của qui luật cũng chỉ để bảo vệ cho việc hộ niệm được viên mãn, giúp người bệnh được thuận buồm xuôi gió vãng sanh mà thôi. Cho nên, nếu thực sự tin tưởng và muốn được hộ niệm thì gia đình sẽ hoan hỉ sẽ hợp tác chặt chẽ với ban hộ niệm thôi.
(k): Nhắc nhở gia đình không được khóc lóc, âu sầu, nói lời bi quan trước mặt người bệnh.
Đúng không? – (Đúng). Qui luật phải vững vàng! Biết hộ niệm vãng sanh thì biết rõ qui luật này. Đây là một trong những điều căn bản nhất không thể không nhắc nhở đến. Khóc lóc, âu sầu, bi quan, rơi lệ trước mặt người sắp sửa ra đi sẽ ảnh hưởng vô cùng xấu đến người bệnh. Muốn người bệnh được vãng sanh mà gia đình tạo ra mối thương cảm, quyến luyến tình thân, buồn thương, sợ chết, đau khổ trước cảnh biệt ly, thì đây là chướng nạn vô cùng lớn làm cho người bệnh không những khó vãng sanh, mà còn dễ dàng bị đọa lạc.
Chính vì thế, Pháp Hộ-Niệm đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Xin nhắc lại, trước mặt người sắp sửa ra đi, người thân không được khóc lóc, bi thương, rơi lệ. Những người nào tinh thần không được mạnh, ví dụ như: tình cảm quá nặng, khó kềm được cảm xúc, dễ khóc… thì phải tìm cách rời xa trước khi người thân lâm chung. Đây là những điều cần phải làm để tạo thêm sự an toàn, nếu người nhà thực sự muốn người thân của mình được hộ niệm vãng sanh viên mãn.
Trên thực tế, nhiều người không biết điều cấm kỵ này, nên khi cha mẹ qua đời, con cái trong gia đình kêu réo, khóc than thảm thiết. Có nhiều người còn nghĩ rằng, cha mẹ chết, con cái cần phải than khóc để cha mẹ được an ủi mà yên lòng ra đi. Hơn nữa, nhiều khi người đời còn cho rằng, cha mẹ chết mà con cái không khóc than thì trở thành thứ con bất hiếu, bất nghĩa!… Vì không hiểu được sự ảnh hưởng tệ hại của vấn đề nên mới nghĩ như vậy, khiến cho ách nạn của chúng sanh vẫn còn quá lớn, khó khăn được cứu độ!… Riêng người có tu học Phật chúng ta thì phải biết kềm chế, phải tránh phạm đến những sai lầm đáng tiếc này. Nhất định đừng nên xem thường mà gây nên đại họa cho người ra đi, tội nghiệp lắm.
Trước đây Diệu Âm gặp một người, cũng thường đi chùa lễ Phật. Ngày đó trong một dịp lễ đến chùa gặp nhau, người đó kể lại một chuyện buồn vừa xảy ngay trong gia đình. Người đó cho biết, đứa con gái đầu lòng mới 37 tuổi vừa mới bị tai nạn giao thông, đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng không cứu được và bị chết. Người đó tâm sự:
– Trời ơi!… Cháu còn quá trẻ mà chết sớm thật làm chú đau lòng!… Nhưng lúc cháu nó chết, mấy đứa con của nó vì quá thương mẹ nên đứa này thì vạch mắt, đứa kia thì véo má, một đứa thì kéo chân kéo tay mẹ nó mà than khóc thảm thiết. Thấy vậy chú cũng được an ủi phần nào vì cháu nó ra đi trong tình hiếu thảo thương tiếc của con cái…
Xin thưa với chư vị, đứng nghe lời tâm sự này mà Diệu Âm vừa đau quặn thắt, vừa có cảm giác kinh hoàng, nhưng trước hoàn cảnh đau buồn của một người cha vừa mất đứa con, mình không dám một mở lời khuyến cáo!
Chư vị thấy không, một đời đi chùa gọi là để tu hành, nhưng mấy ai hiểu được thế nào là đúng? Thế nào là sai? Thế nào gọi là cứu giúp người thân cho trọn tình trọn nghĩa? Thế nào gọi là vô tình đày đọa người thân vào trong những cảnh khổ nạn đớn đau?!… Từ bi rất đáng quí nhưng đâu phải là tất cả. Nếu thiếu trí huệ thì từ bi dễ tạo nhiều cảnh họa hại! Tình thương rất cao cả nhưng chưa đủ đâu, nếu không hiểu Phật Pháp thì tình thương dễ vô tình tạo nên không biết bao nhiêu cảnh tượng thương tâm đau khổ cho nhau mà không hay biết!…
Nói chung, khóc than, ôm nắm, lay động thân xác người vừa mới chết sẽ làm đau khổ cho họ vô cùng chư vị ơi!… Nhận lấy sự đau đớn cùng cực này, đối với người đã tắt hơi rồi, họ biết cách phản ứng nào khác hơn là khởi tâm tức tưởi, sân nộ. Đây là cái duyên rất xấu, dẫn tới những cảnh giới vô cùng tệ hại trong ba đường ác. Xin chư vị tin lời Phật dạy mà cẩn thận tránh đi, chứ không thì tội nghiệp cho người ra đi lắm!… Tội nghiệp vô cùng!…
(l): Nhắc nhở gia đình không được đụng chạm vào thân xác từ lúc tắt hơi cho đến ít nhất là 8 giờ.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Không biết hộ niệm thì ai có thể biết được chuyện này. Chư vị cứ nghĩ lại đi, có phải đúng như vậy không? Diệu Âm này đến 50 tuổi mới biết được Pháp Hộ-Niệm, từ đó mới giựt mình nghĩ lại những hành động của người sống dành cho người chết mà rúng động tâm can. Từ trong làng cho đến ngoài làng, từ thôn quê cho đến thành thị, từ người già cho đến trẻ em, từ kẻ nghèo khó cho đến người giàu sang… khi vừa chết xong hình như ai cũng bị cái nạn tắm rửa, kỳ cọ, thay áo thay quần, cột tay cột chân, bị giải phẩu banh thây mổ ruột, bị đưa vào phòng lạnh, v.v… và v.v… Người thế gian không biết Phật Pháp làm điều sai lầm là chuyện bình thường, nhưng người biết đạo như chúng ta, đã được cảnh cáo, mà sơ ý tiếp tục làm điều sai lầm nữa, thì quá oan uổng, quá đáng trách!
Một người vừa mới tắt hơi xong mà đụng chạm vào thân xác của họ khiến họ bị đau đớn chẳng khác gì như một sự tra tấn hay hành tội vậy. Bị tra tấn hay hành tội lúc còn khỏe thì người ta còn có thể chạy tránh hay lên tiếng van xin, chứ tra tấn lúc đã tắt hơi thì họ chỉ nằm chịu trận. Chính vì quá đau đớn, quá bức xúc nên người chết khởi tâm căm hận, tức giận, trạng thái này thường khiến cho thần thức của họ có thể chiêu cảm thẳng đến những cảnh giới địa ngục, vô cùng bi thảm mà nhiều người không hay.
Hiểu được đạo lý này, kính mong chư vị hết sức quan tâm, đừng đụng chạm vào thân xác của người chết quá sớm mà tội nghiệp cho họ. Có những trường hợp quá đặc biệt, vạn bất đắc dĩ chúng ta đành phải đụng chạm để giải quyết sự khó khăn, ví dụ như tai nạn chết giữa đường, đột quị chết trong nhà vệ sinh, chết giữa ngạch cửa, thân gác nửa trên nửa dưới, v.v… Đây là những trường hợp quá đặc biệt cần phải chuyển thân xác họ đến chỗ an toàn, chứ không có cách nào khác hơn. Trước khi di chuyển, cũng cần phải lên tiếng báo cho họ biết, rồi mới vừa niệm Phật vừa nhẹ nhàng bồng thân xác họ đưa lên giường, đắp mền rồi khởi sự khai thị, niệm Phật hộ niệm liền, không được chậm trễ.
Cho nên, hộ niệm có qui luật cấm đụng chạm vào thân xác của người ra đi từ lúc tắt hơi cho đến ít nhất là 8 giờ là chính xác, xin chú ý thực hiện, chớ nên nghi ngờ.
Xin thưa với chư vị, trong kinh Phật cũng như chư Tổ đều khuyến cáo đừng nên bất cẩn đụng chạm thân xác người ra đi quá sớm, và thời gian cần thiết phải giữ an toàn có hướng tăng dần lên. Ví dụ từ thời Ấn Tổ, có lần Ngài khuyên ít ra cũng phải sau 4 giờ mới được quyền nhẹ nhàng thăm. (4 giờ này có lẽ Ngài chỉ cho 4 thời khắc của giờ Đông Phương xưa kia, một ngày có 12 thời khắc, mỗi thời bằng 2 tiếng đồng hồ, 4 thời khắc tức là 8 giờ đồng hồ vậy). Đến thời ngài Lý Bỉnh Nam Ngài, cũng khuyên nên chờ đến 8 tiếng. Đến thời HT Tịnh-Không, Ngài khuyên nên để 12 tiếng đồng hồ mới thăm nhằm được an toàn hơn. Xin thưa với chư vị, Diệu Âm nghĩ rằng sau này sẽ có người lên tiếng khuyên nên để lâu hơn, hoặc 14 tiếng hoặc 16 tiếng mới tính tới chuyện tắm rửa, thay y phục, tẩn liệm… nghĩa là thời gian cần giữ im thân xác tăng dần. Nguyên do có lẽ con người càng về sau nghiệp càng tệ hại, tâm ý càng mê muội, tham chấp càng nặng nề nên thần thức càng bám trụ vào thân xác lâu lâu hơn.
Hiểu được đạo lý rồi, mong chư vị hãy củng cố Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng, để khi mãn báo thân đi thẳng vê Tây-Phương Cực-Lạc luôn, đừng để bị vướng mắc vào thân xác, coi chừng con cháu không biết đạo ôm nắm, đụng chạm gây đau đớn mà tức tưởi bị rơi vào chốn khổ đau oan uống.
(m): Nhắc nhở gia đình luôn luôn phải có ít nhất một người sát bên cạnh người bệnh để chăm sóc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Khi người bệnh rơi vào tình trạng sắp sửa ra đi rồi, đừng bao giờ để họ nằm một mình vì ngừa trường hợp họ ra đi lúc nào không hay biết. Hơn nữa, ít ra có một người ở bên cạnh để chăm sóc và niệm phật liên tục với họ là điều rất cần thiết, kịp thời hóa giải những trường hợp người bệnh gặp nạn do oán thân trái chủ công phá, dọa nạt hoặc lừa gạt. Hiện tượng này thường lắm, nhiều lắm. Ví dụ, thấy người bệnh dãy dụa, nói năng ú ớ, cử chỉ hoảng sợ, v.v… hãy mau mau cầm tay, đánh thức họ dậy, lên tiếng an ủi, động viên tinh thần, nói cho họ rõ rằng, mệt mỏi nằm thấy ác mộng chỉ là chuyện bình thường, hư huyễn, không cần lo sợ, hãy an lòng vì có chúng ta đang ở sát bên cạnh hộ niệm đây. Nhắc nhở họ niệm Phật liền thì mọi cảnh giới đều được giải tỏa.
(n): Nhắc nhở gia đình cần báo với ban hộ niệm biết về mọi tình huống của người bệnh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Dặn dò người nhà hễ thấy bất cứ có điều gì có vẻ bất thường, hoặc có một chút ít gì trở ngại cũng nên báo cho ban hộ niệm biết liền. Ví dụ, người bệnh buồn bực về cái gì, thường hỏi đến điều gì, thường nhắc đến ai, có thường thức giấc la hoảng không, thường mơ thấy gì, ghét ai thương ai, v.v… Đây chỉ là những điều hết sức cụ thể, gần gũi chứ không có đạo lý gì gọi là cao siêu, nhưng lại rất quan trọng cần chú ý.
Nói chung, càng báo cho ban hộ niệm biết càng nhiều chi tiết về người bệnh càng tốt, nhờ đó người hộ niệm biết được những vướng mắc của người bệnh mà tìm cách khai thị, hướng dẫn hóa gỡ, để giúp cho người bệnh an tâm niệm Phật vãng sanh.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.