Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 67)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 29, câu 31: Đối với oán thân trái chủ, người hộ niệm phải làm gì?
(a): Có năng lực chế ngự oan gia trái chủ khiến họ không thể đến gần người bệnh.
Đúng không chư vị? – (Sai). Nhiều người quan niệm rằng, hộ niệm cần phải có một năng lực đặc biệt để xử trị oán thân trái chủ mới được. Họ thường cho rằng oán thân trái chủ là loài ma quỉ, cần phải xử trị xứng đáng. Xin thưa, điều này không đúng lắm đâu.
Người hộ niệm luôn luôn phải lấy lòng thành khẩn của mình ra để điều giải với chư vị oán thân trái chủ mới tốt, không nên dùng cái năng lực gì của mình để chế ngự họ. Có người đã dùng cái năng lực gì đặc biệt để giải quyết nạn oán thân trái chủ, thì đó là cách hành xử riêng của họ, còn chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông chúng ta không cho phép làm chuyện này, thì xin chư vị đừng nên sơ suất. Ngay cả những trường hợp đơn giản, như có ban hộ niệm áp dụng phương thức 10 người, 20 người hợp sức, cùng nắm tay, nắm chân giữ chặt người bệnh đang bị oán thân trái chủ nhập thân, rồi niệm Phật như hét vào mặt khoảng chừng 10-20 phút làm chư vị đó cũng phải bỏ chạy luôn!… Xin thưa, những hành động này cũng không tốt, vì làm như vậy có tính chất cưỡng bức, đàn áp khiến họ phải tạm thời rút lui đó thôi.
Nhiều người có pháp thuật gì đó, dùng gậy gộc đánh đập vào thân thể người bệnh để trừ tà đuổi ma. Thân xác người bệnh thì chịu đòn, nhưng kèm theo họ đã dùng chú lực gì đó đánh vào các vị oán thân trái chủ, bắt ép họ phải xuất ra… Điều này cũng không tốt!… Tất cả những hành động này đều gây nên sự oán hờn với pháp giới chúng sanh, đưa đến quả báo không hay về sau.
Đàn áp, đánh đập chúng sanh là hành động bất công, thiếu từ bi! Lúc mình còn mạnh khỏe thì họ không làm gì được. Đúng đấy. Nhưng đến lúc thể lực mình yếu rồi, thì những mối căm thù về sự bức hại này họ sẽ bắt mình đền trả đầy có dư. Nhân-Quả, Quả-Nhân là điều công bằng, khó bề trốn chạy, thật không tốt lắm đâu. Mong chư vị nhớ cho.
Cho nên, tốt nhất là đối với oán thân trái chủ chúng ta phải có tâm kính cẩn, thương xót họ. Hãy chân thành điều giải, kêu gọi họ hãy buông xả oán thù, cùng phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, mong trong cơ hội này họ ngộ ra đường đạo mà niệm Phật vãng sanh. Có rất nhiều trường hợp chư vị trong pháp giới ngộ đạo, họ niệm Phật và vãng sanh trước mình đấy.
Một vị mới vừa trước đó chúng ta cho là ma, là quỉ… nhưng khi giác ngộ, niệm Phật họ vãng sanh, họ liền thành Bồ-Tát. Như vậy, xin chư vị nghĩ thử: Đâu là Ma Quỉ? Đâu là Phật Bồ-Tát? Ma-Phật, Phật-Ma về hình thức không có ranh giới, chỉ có trong tâm khác nhau giữa mê với ngộ mà thôi. Khi mê thì chúng sanh làm Ma, làm Quỉ. Khi ngộ rồi thì Ma-Quỉ chúng sanh cùng thành Phật Bồ-Tát. Như vậy rõ ràng không ai là Ma, là Quỉ cả, chỉ có tâm này đối xử không đúng chánh pháp mà tạo nên những mối oan nghiệt truyền kiếp không hóa giải được đó thôi. Mong chư vị hiểu được lý đạo này mà không được cho các vị đó là Ma Quỉ nữa nhé, hãy chân thành dùng trí huệ và lòng từ bi cảm hóa nhau, khuyên nhau bỏ tình chấp, bỏ thù hằn xuống, cùng nhau niệm Phật đi làm Phật mới tốt vậy.
Xin nhắc lại, hộ niệm luôn luôn có sự liên hệ với chư vị oán thân trái chủ của người bệnh, nhưng chúng ta không được quyền cho họ là Ma là Quỉ. Phải kính trọng họ, thương xót họ, cảm thông những tâm trạng khổ đau mà suốt những năm tháng qua họ phải chịu đựng. Cái nạn khổ này do chính người bệnh trong lúc mê mờ đã tạo ra cho họ, bây giờ ta phải lấy lý lẽ công bình ra xử sự mới đúng chánh pháp. Một là yêu cầu người bệnh phải thành tâm sám hối tội chướng; Hai là nương vào cái tâm kiệt thành sám hối của người bệnh mà ta khuyên chư vị oán thân trái chủ cảm thông, buông oán thù ra để cùng nhau niệm Phật, cùng về Tây-Phương Cực-Lạc, cùng thoát ly sanh tử luân hồi, cùng nhau thành đạo, cùng hưởng an vui cực lạc. Đây là điều chúng ta nên làm.
Mong chư vị nên nhớ cho, người hộ niệm lấy lòng thành khuyên giải, người bệnh lấy lòng thành sám hối, gia đình cũng lấy lòng thành khẩn nguyện, chính lòng chân thành này sẽ cảm ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà. Một khi được cảm ứng đạo giao, thì được chiếu xúc quang minh của A-Di-Đà Phật, nhờ đó mà người bệnh được an ổn, chư vị oán thân trái chủ cũng được lợi lạc. Một khi được Phật lực phóng quang gia trì thì liền được chư Long-Thần Hộ-Pháp đến bảo vệ, giúp đỡ.
Cũng xin nhắc nhở rằng, muốn cuối đời mình được sự gia trì bảo vệ này, mong chư vị chú ý đừng nên dùng những chất ngũ tân, như: hành, tỏi, hẹ, nén, kiệu… Những người dùng các chất này thì cuối cùng khó hưởng được sự gia trì bảo vệ chư vị Long-Thần Hộ-Pháp. Khi phải đối đầu với những oán nạn thuộc về oán thân trái chủ, mà không được chư vị Long-Thần Hộ-Pháp giúp đỡ, thì chính chúng ta cũng khó khăn để vượt thoát vậy. Ban hộ niệm luôn luôn thành tâm điều giải, nhưng nếu oán nạn quá nặng nề, thì sự điều giải không phải lúc nào cũng được thành công đâu, ách nạn cuối cùng vẫn phải do người bệnh tự nhận lãnh lấy.
Chính vì vậy mà trong Pháp Hộ-Niệm có điều cấm kỵ ăn ngũ tân, mục đích là giúp cho chính mỗi người chúng ta cuối đời tránh được nhiều ách nạn, hoặc gặp phải ách nạn rồi cũng có cơ hội giải nạn. Vì sự lợi ích to lớn này, mong chư vị không nên tham tiếc chi mấy món ăn tanh hôi này mà bị thiệt hại quá lớn về sau.
(b): Thành tâm điều giải và khuyên người bệnh phải kiệt thành sám hối lỗi lầm thì mới có thể điều giải nạn oán thân trái chủ được.
Đúng không? – (Đúng). Người bệnh phải kiệt thành sám hối lỗi lầm là điểm chính yếu để sự điều giải nạn oán thân trái chủ được thành công. Người nào tự cho mình là hiền lành, không từng làm nên tội chướng, không chịu thành tâm sám hối lỗi lầm, thì thôi chịu thua, không thể nào điều giải oán nạn cho họ được. Cuộc hộ niệm đến đây coi như thất bại, dù ban hộ niệm có cố gắng cũng khó tìm được một tia sáng thành công.
Vì thế, mong chư vị phải nhớ là sẵn sàng sám hối, thành tâm sám hối tội chướng. Ví dụ, như ngày hôm nay công phu niệm Phật, cuối cùng chúng ta cùng nhau đọc lời: “Nguyện đem công đức này hồi hướng cho lịch đại kiếp số oán thân trái chủ… ”, đây là chúng ta sám hối đấy. Phải thành tâm sám hối mới được. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không làm nên lỗi lầm. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không làm nên điều ác nhé. Mỗi người chúng ta, vô tình hay cố ý, đã từng gây rất nhiều ác nghiệp rồi đấy, ăn thịt chúng sanh, giết hại chúng sanh, đi đường đạp kiến, lái xe làm sao tránh khỏi cán chết chúng sanh, v.v… Nhiều lắm, nhiều lắm!… Kể không hết đâu. Chúng sanh mê mờ, họ không phải là hàng giác ngộ, họ đâu có sáng suốt phân tích phải trái thiệt hư, hễ làm hại họ thì họ tìm cách trả thù. Những loài vật nhỏ nhỏ thì lực trả thù yếu đuối, nhưng hàng tỉ chúng sanh hợp lại sẽ trở thành một mối chướng nạn không dễ dàng giải quyết, còn những loài vật lớn thì thường có tâm trả thù mạnh hơn, càng lớn càng mạnh, càng lớn càng độc. Xin chư vị phải có tâm kiệt thành sám hối mới tốt vậy.
Người hộ niệm muốn điều giải oán thân trái chủ luôn luôn phải cần đến điều kiện là người bệnh phải thành tâm sám hối lỗi lầm. Người bệnh nói lên được lời sám hối là khởi duyên cho người hộ niệm điều giải. Người bệnh phải thành tâm sám hối, phải nhận lấy những điều sai lầm của chính mình, và tha thiết niệm Phật quyết lòng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để có năng lực cứu độ chúng sanh. Nếu người bệnh có tâm chí thiết, kiệt thành sám hối thì sự điều giải có được sự cảm ứng rất tốt. Ngược lại, nhiều người miệng thì nói sám hối, nhưng trong lòng miễn cưỡng, không thành thực thì cuộc điều giải bị trở ngại. Xin lưu ý vấn đề này.
Mong chư vị nhớ cho là phải thành tâm khuyên nhủ. Trước khi điều giải cần khuyên người bệnh thành tâm sám hối. Cần giải thích cho người bệnh biết rằng, chính Bác, chính Cụ đã sơ ý nhiều lần làm điều sai lầm, não loạn hay sát hại chúng sanh đưa đến bây giờ gặp lấy chuyện khó khăn này. Đây là vấn đề nhân quả của chính mình, xin đừng than trời trách đất mà hãy thành tâm sám hối mới có thể hóa gỡ ra được. Nhờ người bệnh biết thành tâm sám hối mà người hộ niệm có thể điều giải giúp cho họ vượt qua ách nạn của oán thân trái chủ vậy.
(c): Có tâm kính cẩn, từ bi, thương xót, cầu mong cho họ cùng được giải thoát.
Đúng không? – (Đúng). Người hộ niệm luôn luôn phải nhớ đến cái tâm này. Có nhiều người nói rằng, đi hộ niệm thì chúng ta giải nạn cho người bệnh, mà giải nạn cho người bệnh thì phải gây sự với các vị oán thân trái chủ, sau cùng các vị oán thân trái chủ đó sẽ tìm cách hãm hại người hộ niệm để trả thù. Vì nghĩ vậy nên nhiều người không dám đi hộ niệm. Thật là một ý nghĩ vô cùng sai lầm! Mình không dám đi hộ niệm giúp cho người khác, thì sau cùng cũng không có ai dám đến hộ niệm giúp cho mình. Mình sợ oán thân trái chủ của người bệnh hại mình, thì sau cùng mình tự trói tay cho oán thân trái chủ của mình hãm hại mình còn thê thảm hơn nữa!
Hộ niệm là tạo công đức, tạo phước lành, giúp cho cả người bệnh cùng chư vị trong pháp giới hữu duyên cùng thoát nạn, chứ đâu phải gây oán thù với ai. Người hộ niệm có cái tâm kính cẩn, từ bi, thương xót oán thân trái chủ. Ta thương xót họ mà khuyên nhủ, ta kính cẩn họ mà niệm Phật, ta muốn họ được giải thoát mà điều giải. Một người dù có xấu ác như thế nào đi nữa, nhưng ta đem cái tâm từ bi, thương xót, kính cẩn họ, nói gọn hơn là ta dùng cái tâm tốt đối xử với họ, thì nhất định họ sẽ cảm kích, biết ơn, chứ sao lại nghĩ họ căm thù người hộ niệm được. Nếu có sự thù hằn xảy ra, chỉ vì người hộ niệm không làm đúng chánh pháp đó thôi, ví dụ: Đã dùng bạo lực đối xử với họ. Đã dùng cái năng lực bất chánh gì đó mà đàn áp, chế ngự, đánh đập họ hoặc nói những lời trịnh thượng sai lầm mà gây nên xích mích. Người hộ niệm tạo nhân bất thiện, thì đương nhiên tương lai nhận lấy quả báo bất thiện vậy thôi!… Trường hợp này cũng không khác như ở thế gian, những người có tâm không thiện lương, đi đến đâu cũng thường gây chuyện lộn xộn đến đó. Gây nhân nào gặt quả đó, chính họ phải nhận nhiều điều lộn xộn phiền não, chứ tránh sao cho khỏi. Còn người hộ niệm không phải là hạng người đấu tranh với chúng sanh, mà chúng ta kính cẩn họ, thương yêu họ, thấy hoàn cảnh đau khổ của họ mà tìm cách giải cứu họ, rõ ràng là chúng ta đến giúp họ chứ không phải đến đấu tranh với họ. Xin chư vị nhớ cho rõ điều này để việc làm đạo của chúng ta không bao giờ bị trở ngại.
Mong những người hộ niệm đâu đâu cũng nhớ lấy những điểm căn bản này, đừng nên sơ ý phạm phải. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Người học Phật hãy giúp cho cái Phật tánh của chúng sanh có cơ duyên khai mở, thành tựu. Pháp môn niệm Phật vãng sanh là pháp thẳng tắt chuyển cảnh giới phàm phu này thành cảnh giới Phật bằng cách niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Chúng ta hãy cố gắng giúp cho chúng sanh trong pháp giới hữu duyên ngộ ra con đường Niệm Phật Thành Phật. Một phút trước mê mờ, chấp trước, sân giận, căm thù… họ là người ác phải chịu quả báo đọa lạc khổ đau. Một phút sau ngộ ra, quyết tâm niệm Phật, họ vãng sanh thành Phật. Liệng tính ác xuống thì tâm từ bi ứng hiện. Liệng cái tập khí mê mờ ra, niệm câu A-Di-Đà Phật họ trở về Chân Tâm Tự Tánh giác ngộ.
Một người trong nhiều đời nhiều kiếp mê muội làm chuyện sai lầm, nghiệp chướng ứng hiện thành quả báo khổ đau trên giường bệnh. Nếu họ tiếp tục mê mờ, bám lấy cảnh khổ mà sống, lăn xả vào chuyện đấu tranh ganh tị, thì họ sẽ thành ma, thành quỉ, thành những gì tương ứng với cái tâm mê mờ đó trong tam đồ ác đạo, tương lai họ thành những loài mà tất cả mọi người đều ghê sợ, lánh xa. Nếu người bệnh đó giờ đây thành tâm sám hối tội chướng, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, họ liệng tất cả những sai lầm xuống, họ đi về Tây-Phương Cực-Lạc, người bệnh phàm phu tội chướng sâu nặng này sẽ chuyển được thân phận phàm phu này thành Bồ-Tát, thành Phật.
Hiểu được đạo lý này, xin đừng vội vã đánh giá ai là ma là quỉ nữa. Chúng ta hãy quyết lòng buông những điều xấu ra, thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Hôm nay chính ta là một phàm phu, nhưng tương lai là một vị Bồ-Tát, một vị Phật vậy.