Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 41) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 41)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 21, câu (r): Người hộ niệm có thể kịp thời chế ngự oan gia trái chủ, không cho họ đánh phá người bệnh.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Diệu Âm gặp nhiều người nêu ra vấn đề này. Họ nói rằng, một người muốn hộ niệm an toàn cho người bệnh thì phải có một năng lực nào đó để chế ngự những vị oan gia trái chủ. Nếu không có năng lực để đàn áp chế ngự oan gia trái chủ thì không thể nào giúp cho người bệnh an nhiên niệm Phật vãng sanh được.

Mình thấy đâu đó cũng có nhiều người có năng lực trừ ma, yếm quỷ, bắt oan gia trái chủ. Trên thế gian này có người làm được đấy. Tuy nhiên, trong Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ Tông, Phật không dạy chúng ta đàn áp các vị oan gia trái chủ. Chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông cũng không bao giờ có một trường hợp nào các Ngài dùng năng lực của mình để đàn áp oan gia trái chủ. Không có.

Trong Pháp Hộ-Niệm các Ngài dạy chúng ta phương pháp điều giải oan gia trái chủ. Điều giải chứ không phải chế ngự, không phải là đấu tranh. Nếu chế ngự hay đàn áp họ, thì chúng ta gây thù oán với chúng sanh trong pháp giới. Điều này không tốt, không đúng với chánh pháp.

Hộ niệm không bao giờ được áp dụng phương thức lấy sức mạnh để thắng cuộc, mà phải dùng tâm từ bi, hòa bình, thông cảm cứu giúp nhau để điều giải, làm cho họ thoải mái, vui vẻ, đừng tạo nghiệp nữa. Xử sự như vậy mới đúng. Dùng sức mạnh giải quyết thì không còn từ bi, không thể bình đẳng được. Xin chư vị nhớ cho, oán thân trái chủ của người bệnh không phải là ma, là quỷ, là hàng xấu xa lắm đâu, mà thường thường họ chính là những người bị người bệnh làm hại, não loạn. Họ chính là nạn nhân của người bệnh, vì người bệnh mê mờ nên giết họ, hại họ, ăn thịt họ, làm những việc bất công với họ trước, nuôi thân mạng mình mà bắt thân mạng của chúng sanh phải chịu đau khổ, thành ra họ đau khổ quá nhiều nên sinh ra oán thù này. Trả thù là chuyện hết sức thường tình của chúng sanh phàm phu.

Vì thế, khi đối diện với nạn oán thân trái chủ, người tu hành phải tìm cách điều giải, tự mình sám hối những sai trái của chính mình, làm việc thiện phước hồi hướng công đức cho họ, thành tâm khuyên nhủ họ tìm cách thoát vòng sanh tử luân hồi đi, thoát cảnh đọa lạc đau khổ bằng cách niệm câu A Di Đà Phật, cầu Phật tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc, hay hơn là tiếp tục ở đây chấp trước, hận thù nhau để chịu nạn. Đó mới là chánh pháp, đó mới là an toàn.

Như vậy, một khi điều giải, là chúng ta dùng tâm từ bi, tâm thương xót mà tìm cách cứu giúp các vị oán thân trái chủ thoát khỏi khổ ách, chứ không phải đấu tranh, chống phá họ. Cho nên không bao giờ có tình trạng oan gia trái chủ của người bệnh thù hằn người hộ niệm, sẽ nhập thân quấy phá người hộ niệm như có người đã nghĩ. Người hộ niệm đúng chánh pháp hoàn toàn không bao giờ bị trở ngại về vấn đề này, ngược lại được chư Thiện-Thần, Thiên-Long, Hộ-Pháp ủng hộ, chư pháp giới chúng sanh cảm niệm công đức. Nhiều cuộc hộ niệm, nhờ sự điều giải khuyến tấn mà có nhiều vị trong pháp giới đã ngộ ra pháp niệm Phật vãng sanh và họ đi vãng sanh trước người bệnh đấy chư vị. Khi vãng sanh về Tây-Phương thì họ thành Bồ-Tát bất thoái, sau này họ thành Phật đấy. Họ là Bồ-Tát, là Phật, chứ không phải là ma.

Chư vị nên hiểu cho điều này, Phật-Ma, Ma-Phật là ở tại tâm của mình. Một cái tâm thù hằn, ganh ghét, đố kị, tham lam, thượng mạn, v.v… thì tâm đó là Ma. Một cái tâm từ bi, hỉ xả, thương yêu, giúp ích phục vụ chúng sanh, v.v… là tâm Bồ-Tát. Một cái tâm niệm Phật trở về Tây-Phương, thì tất cả chúng sanh đều có thể vãng sanh bất thoái thành Phật. Điều quan trọng là chúng sanh có chịu giác ngộ hay không mà thôi.

Cho nên, nếu người hộ niệm tìm cách chế ngự oán thân trái chủ không cho họ đánh phá người bệnh là điều sai. Ý niệm này không đúng chánh pháp. Mong chư vị ở khắp nơi khi hộ niệm luôn luôn phải nhớ, không được vi phạm điều này. Nhiều ban hộ niệm đã sơ ý, ví dụ, khi thấy có hiện tượng oán thân trái chủ báo hại, liền họp lại nhiều người, kềm tay, kềm chân, làm dữ với oán thân, dùng câu Phật Hiệu niệm mạnh để trấn áp, khoảng chừng 10 phút là có thể giải quyết được vấn đề dễ dàng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không tốt!…

Xin chư vị hãy kiên nhẫn từ từ điều giải, khuyên lần, khuyên lần. Ngày đầu tiên có thể oán thân trái chủ không đồng ý, nhưng chớ vội vã, hãy thành tâm dùng chánh pháp từ từ khuyên giải, tha thiết giúp họ giác ngộ, ngày thứ hai chắc chắn cường độ thù hằn của họ giảm xuống, ngày thứ ba có thể giải quyết được đấy. Lòng chân thành và tính kiên nhẫn rất có gá trị vậy.

(s): Người hộ niệm có thể đánh đuổi oán thân trái chủ, trị ma quái đang công phá người bệnh.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Cũng sai luôn. Chế ngự là cột tay, cột chân, nhốt họ lại. Nhiều người có pháp thuật, sử dụng bùa ngải gì đó bắt nhốt những vong linh rồi sai sử đi làm lợi cho mình. Chuyện này có đấy. Nhưng thưa với chư vị, rốt cuộc rồi không tốt đâu! Nhất định không tốt!… Còn người hộ niệm mà dụng tâm đánh đuổi oán thân trái chủ đang công phá người bệnh là một hành động sai lầm, không đúng chánh pháp. Có những vị, không biết đã học Pháp Hộ-Niệm từ đâu, lại thường dùng bùa ngải gì đó để trị tội chúng sanh, dùng gậy gộc đánh đập oán thân trái chủ. Ngay tại Brisbane này, Diệu Âm cũng gặp qua có vị đang dùng đến pháp thuật này, tức là họ dùng cây đập vào người bệnh đang bị oán thân trái chủ nhập thân, dùng bùa trấn áp, bắt buộc các vị đó phải xuất ra… Xin thưa với chư vị, trên pháp giới này không có một người nào có năng lực giết hại huệ mệnh của người khác. Sự thắng bại trước mắt chẳng qua chỉ là sự bức hiếp tạm thời thôi. Còn sau đó thì sao? Hôm nay mình đập họ, đến khi mình sắp tàn đời, họ sẽ đập lại mình đến tả tơi đấy.

Những pháp thuật dùng để chế ngự, trấn áp, trị tội chúng sanh, mới nhìn qua thì cao diệu lắm, người thế gian có khi tôn sùng hiện tượng này như Thần Thánh, nhưng thực sự không hợp với chánh pháp! Những việc làm này thường tạo ra nhân quả tệ hại, nhất định sau cùng sẽ trả về cho chính người làm đó những quả báo không tốt.

Cho nên người hộ niệm không được quyền đánh đuổi oán thân trái chủ, trị ma quái đang công phá người bệnh. Nêu lên danh xưng “Ma Quái” là mình đã nói lời bất bình đẳng, chứ thực ra không ai là ma quái cả. Xin chư vị nhớ cho. Người mẹ của mình khi chết đi, vì thương con nhớ cháu, thương nhà nhớ cửa, thương tiếc xác thân… linh hồn người mẹ cứ lảng vảng không đầu thai được, từ đó cứ lang thang trong cảnh giới trung-ấm, nấp bụi rậm này ẩn vào thân cây nọ, vì mê mờ mà tự mình đưa mình vào cảnh lạnh lẽo đói khát thê lương!… Vì quá tủi thân nên làm liều, chờ người qua đường hù dọa họ, làm người ta sợ sệt xa lánh và cho rằng “Ma Quái”. Nhưng thực ra, đó chính là người mẹ của mình, chứ không có “Ma Quái” nào hết.

Ma-Phật, Phật-Ma ở tại tâm này. Một người mẹ đó biết niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ khi biết thân mạng hết, quyết lòng buông xả, ngày ngày niệm Phật, giờ giờ niệm Phật, phút phút niệm Phật thì người mẹ đó được cảm ứng với đại nguyện của Đức A-Di-Đà, được Phật tiếp dẫn về Tây-Phương thành Phật. Cũng là người mẹ đó, nhưng mê mờ không chịu niệm Phật, thương con nhớ cháu, thương nhà tiếc của, ganh ghét tị hiềm, khi chết đi tâm còn chấp vào những mối thù hằn không buông được, linh hồn mới biến thành những loài ma quỉ để tìm cách hại người. Hại người chưa được mà tự mình hại lấy mình trong cảnh đọa lạc thê lương. Ma-Phật, Phật-Ma cũng là người mẹ của mình hết.

Chính vì thế xin thưa với chư vị, giác ngộ thành Phật, không giác ngộ thành Ma. Như vậy, Ma hay Phật, Phật hay Ma chỉ là Mê và Ngộ mà thôi. Mình gọi là Ma, nhưng thực ra đó chỉ là một chúng sanh đã lỡ mê rồi. Bây giờ chúng ta hãy cố gắng giúp cho họ ngộ ra để nương theo cơ duyên này mà thoát nạn. Điều này chính xác, chứ không nên ép uổng cứ cho họ là ma quỉ mãi được. Nên nhớ, dù dưới hoàn cảnh nào đi nữa thì Chơn-Tâm của họ vẫn còn nguyên vẹn là vị Phật. Hòa Thượng Tịnh-Không luôn luôn gọi các vị đó là “Chư Nhân-Giả”, mình gọi là “Các Ngài”, danh xưng khác nhau nhưng ý nghĩa tương đồng, để tôn trọng những vị “Phật” đang mê đó, hãy khuyên họ mau mau giác ngộ phát tâm niệm Phật vãng sanh thành Phật.

(t): Hộ niệm chỉ giúp cho người bệnh an tâm niệm Phật cầu vãng sanh, không liên quan đến vấn đề oán thân trái chủ.

Đúng hay sai? – (Sai!). Câu này cũng sai luôn. Câu trên nói áp chế không được, bắt cột cũng không xong, câu dưới nói đánh đập không đúng, còn câu này thì nói thôi không đánh, mặc kệ, cứ để họ tự do muốn làm gì thì làm cũng không phải luôn. Hộ niệm luôn luôn tìm cách điều giải những mối oán thù với nhau. Oán thân trái chủ không phải đối diện với người hộ niệm, mà đang đòi người bệnh trả lại cho họ sự công bằng. Mình muốn giúp cho người bệnh thoát khỏi ách nạn để vãng sanh Cực-Lạc, thì nhất định phải liên quan tới họ. Họ đang ra tay công phá người bệnh, mình tìm cách khuyên can họ bỏ đi, buông xả hận thù để cùng nhau niệm Phật cầu giải thoát. Mình dùng tâm chân thành, kính cẩn, thương xót, giải cứu họ thì họ sẽ cảm động, một là nghe theo buông oán thù ra cùng nhau kết thành bạn lữ, hộ niệm cho nhau vãng sanh; hai là không nghe theo, nhưng ít ra cũng khởi tâm cảm niệm tri ân vì họ biết rõ người hộ niệm luôn luôn thành khẩn xót thương muốn họ thoát khỏi ách nạn.

Cho nên, hộ niệm thì nhất định phải liên quan tới oán thân trái chủ, không thể từ chối. Chỉ có vấn đề cần phải đặt ra là tinh thần của người hộ niệm đối xử với họ có thực sự công bằng chưa? Có từ bi không? Có thực sự tôn trọng họ, cảm thông hoàn cảnh của họ mà tìm cách giúp họ bỏ mê qui giác, phát tâm niệm Phật vãng sanh Tịnh-Độ hay không? Làm được như vậy thì người hộ niệm đang thực hiện chánh pháp, không những lợi lạc cho người bệnh mà còn lợi lạc đối với oán thân trái chủ, những vị vô hình, các chúng đẳng vong linh chung quanh. Nói chung, nhiều chúng sanh có duyên có thể kịp thời ngộ ra con đường vãng sanh một đời thành đạo.

Tu hành cần cẩn thận, đừng nên gây thù chuốc oán với chúng sanh mà tự mình gây chướng ngại cho chính mình. Những người tinh thần yếu đuối thường bị chúng sanh hiếp đáp, nhưng những người tâm tính thượng mạn lại là cơ hội ngon hơn cho chư vị oán thân trái chủ đánh phá. Thành ra trong thời mạt pháp này, Ngài Tịnh-Không khuyên không nên đóng cửa tu hành một mình chính là vì lý do này. Ngài nói thời này con người chỉ vì mê mờ, đấu tranh, ganh tị, hẹp hòi, cố chấp… nặng quá, nên chết rồi đọa vào con đường quỉ nhiều lắm. Một khi rơi vào đó rồi thì tiếp tục tị hiềm đấu tranh tạo sát nghiệp không ngừng nghỉ. Ngoài ra, con người vì lòng tham vô bờ bến nên chết rồi thường đọa vào hàng quỉ đói, sống những năm tháng dài đói khát khổ đau vô cùng! Trời mưa gió, bão bùng, nóng lạnh… không có nơi trú ẩn, họ chỉ nấp mình vào tàng cây, bụi rậm mà nương thân, thật quá khổ đau, lạnh lùng, tủi phận!… Càng khổ càng chấp, càng thêm đố kị, dễ gì chấp nhận cho một ai được phần giải thoát. Phàm phu mà!… Chính vì vậy những người tinh thần yếu đuối, tâm lực kém, trầm cảm… thường bị họ tiếp cận mà cảm thấy bất an. Chỉ cần củng cố cho tâm lực vững mạnh lên thì có thể hóa giải được. Còn những người có tâm ý thượng mạn lại là sự thử thách cho lòng đấu tranh đố kị mạnh mẽ hơn, thường là đối tượng cho họ đánh phá mãnh liệt vậy.

Tu hành trong thời này mà không biết kết hợp với đại chúng để tạo thành một “Tăng Đoàn Hòa Hợp”, thì thường thường cuối cùng khó tránh khỏi những chướng ngại bất ngờ.  Tách rời đại chúng là tự mình cô lập lấy mình, không người nương tựa, nếu có thêm chút ít tính thượng mạn nữa, thì đây là cơ hội rất tốt cho oán thân trái chủ chen vào quấy nhiễu một cách dễ dàng. Nhiều người tới đạo tràng tu tập thường bị phiền não, mới tách ra tự tu một mình cho thanh tịnh. Nhưng thực ra, phàm phu mà đóng cửa tự tu thường vọng tưởng phát triển mạnh lắm, chứ không phải thanh tịnh đâu. Hôm trước bên Pháp Hội Âu Châu, có một vị rơi vào tình trạng này, nghĩa là tự tách rời đại chúng để tu riêng một mình, liền bị oán thân trái chủ quấy phá. Diệu Âm luôn luôn khuyên những vị này nên kết hợp với đại chúng cùng nhau tu tập mới được an toàn hơn, chướng nạn mới có thể hóa giải. Những người tu riêng lẻ, thường quán tưởng sai lầm, rất dễ chiêu cảm đến những cảnh vọng. Chư Tổ dạy, người phàm phu thường dùng tâm thô mà quán cảnh diệu, tưởng mình được thanh tịnh, được chứng đắc, nhưng sự thực thường vướng nạn lắm vậy!…

Thực tế là do cái tâm quán tưởng sai lầm mà sinh ra như vậy. Chư vị chúng sanh trong pháp giới có mối thù hằn, cũng nương theo cái tưởng đó mà tìm cách tiếp cận. Mình nghĩ rằng mình tu hành được chứng đắc rồi, thì họ lén lén tới bày trò cho mình cảm thấy chứng đắc. Mình muốn trị bệnh một cách thần kỳ, họ có thể tới giúp cho mình có thể chữa trị một vài bệnh nào đó một cách thần kỳ. Mình muốn nghe âm thanh vi diệu, người ta đến cho mình nghe âm thanh. Đó là cái duyên kết hợp, tự mình bắt một nhịp cầu nối liền giữa mình và họ. Đơn giản như vậy thôi, chứ không có gì khó hiểu.

Tất cả đều do duyên. Chúng sanh cũng nhờ duyên mà được độ thoát sanh tử luân hồi. Đó là duyên lành. Chúng sanh cũng nhờ duyên mà nương theo đó để lừa gạt mình, cho mình những năng lực hão huyền, tham chấp vào đó để thượng mạn tăng trưởng, mất đề phòng mà chờ ngày thọ nạn. Những danh từ to lớn như: năng lượng vũ trụ, từ trường vũ trụ, khả năng siêu việt, v.v… hình như chỉ là những gì còn khá phiêu phỏng, không có căn bản. Đam mê vào đó chẳng khác gì cố công xây lầu trên cát vậy!

Cho nên, mong chư vị phải nhớ, tu hành đừng nên hiếu kỳ, đừng thấy điều gì hay hay, lạ lạ liền chạy theo. Nhất định phải dựa theo đúng lời Phật dạy mà y giáo phụng hành mới tốt. Phật dạy thời mạt pháp chúng sanh phải nương theo pháp niệm Phật mới được độ thoát. Rõ ràng đây là tôn chỉ vững vàng cho ta hành đạo, vừa giúp chính ta, vừa giúp cho pháp giới chúng sanh có duyên, trở về Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –