Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 29) | Nói Về Hiện Tượng Vãng Sanh TPCL Cần Nhớ Những Điểm Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 29)

 Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trang 17, đáp án (c): Người chết về báo mộng cho biết mình đã vãng sanh thì được vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Sai!). Nhiều gia đình khi có người thân vãng sanh rồi, cứ ngày đêm van vái cầu xin nếu được vãng sanh thì về báo mộng cho biết. Điều này thực ra không an toàn! Nếu thực sự người đó đã vãng sanh, thì trong thời gian đầu ít ra người ta cũng phải có thủ tục nhập cư chứ. Đúng không? Lên một cảnh trời, chỉ trong vòng tam giới này thôi, rất gần, nhưng dễ gì mà trở về kịp lúc để báo mộng. Đã từng có người đến nói với Diệu Âm rằng:

  • Tôi biết rõ người đó đã sinh về cảnh trời rồi.
  • Tại sao biết vậy?
  • Vì chết xong 10 ngày sau thì người đó về báo mộng cho biết là sinh về cảnh trời.

Chư vị nghĩ thử giấc mộng này đúng hay sai? Làm gì mà một người về cảnh trời, rồi từ cảnh trời bay xuống đây mà kịp trong vòng 10 ngày? Không có chuyện đó đâu!

Chư vị còn nhớ sự tích ba vị Bồ-Tát, Ngài Sư-Tử-Giác, Ngài Vô-Trước và Ngài Thiên-Thân không? Ngài Sư-Tử-Giác muốn vãng sanh về cung trời Đâu-Suất, Ngài nguyện như vậy, nên khi tịch Ngài đi về cung trời Đâu-Suất, nhưng lại lạc ra ngoài ngoại viện của Di-Lặc Bồ-Tát, và bị Tiên nữ dụ đi mất. Thứ hai là Ngài Vô-Trước, chờ mãi không thấy sư huynh về, mới bàn với nhau và đi về cung trời Đâu-Suất để tìm anh, Ngài vào được nội viện Đạo Tràng của Di-Lặc Bồ-Tát. Khi gặp Di-Lặc Bồ-Tát, bái lạy Di-Lặc Bồ-Tát xong và hỏi về người anh của mình, thì Ngài Di-Lặc nói ông ta theo Tiên nữ ra ngoài rồi. Ngài Vô-Trước biết tin liền vội vã cáo từ Bồ-Tát và mau mau quay về báo cho người anh em là Thiên-Thân biết. Thời gian đi và về khá vội vã, rất gấp rút, vậy mà tới 3 năm sau mới trở lại được trần gian báo cho ngài Thiên-Thân biết tin tức của Ngài Sư-Tử Giác. Ngài Thiên-Thân suy nghĩ, như vậy thì về cung trời Đâu-Suất tu hành cũng khá khó khăn, sự thành tựu chưa chắc gì sẽ viên mãn, nếu sơ ý lạc ra ngoài cũng kẹt, nên Ngài mới quyết định niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Xin thưa với chư vị, đây là một sự tích có ý nghĩa nhắc nhở về sự khác biệt của cảnh giới. Cảnh giới bất đồng thì không gian và thời gian bất đồng, một ngày trên cung trời Đâu-Suất bằng dưới thế gian chúng ta 400 năm, không thể đi đến đó rồi một vài ngày liền trở lại được, không phải đơn giản như vậy đâu. Nếu chúng ta cứ lấy tâm móng cầu chuyện mộng mị không được tốt. Vì hễ có cầu thì có ứng. Nhưng coi chừng ứng giả. Hầu hết những mộng mị đó đều là huyễn, là giả!…Thường thường mình mơ cái gì thì mộng ra cái đó. Mộng giả gạt mình lạc đường lạc nẻo hồi nào không hay!…

Như vậy xin chư vị đừng nên mong cầu chuyện mộng mị nữa. Phật dạy phải thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, niệm được 10 niệm cầu vãng sanh lúc lâm chung thì tất được vãng sanh, vậy thì ta hãy tin cho vững đi, nổ lực khuyến tấn người bệnh tạo niệm lực cho mạnh mẽ lên, đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh để vãng sanh mới tốt. Khi họ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì thành Bồ-Tát, lúc đó coi chừng các Ngài chưa kịp nghỉ ngơi, thì đã lo đến nhiệm vụ đi cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh trên khắp 10 phương pháp giới, trong đó có mình, chứ không phải chỉ lo một người con trong đời này mà quên vô lượng người con khác đã và đang đọa lạc thảm thương đâu nhé. Nên nhớ cho, một người vãng sanh về Cực-Lạc rồi, các Ngài biết được tới vô lượng kiếp về trước, biết đến vô lượng thân bằng quyến thuộc đang ở đâu, các Ngài có thể nhìn thấu cả hư không pháp giới, nên nhiệm vụ của các Ngài là phải cứu độ tới vô lượng vô biên chúng sanh, vô lượng vô biên thân bằng quyến thuộc chứ không phải chỉ lo cứu một người con như mình đâu nhé.

Vì tình chấp sâu nặng nên người con cứ tưởng người mẹ đó chỉ là mẹ của riêng mình. Vì hẹp hòi trong cái tâm thế tục nên người mẹ cứ chấp vào một vài đứa con trước mặt mà quên mất vô lượng đứa con cũng do chính mình sinh ra trong vô lượng kiếp qua. Có hiểu thấu vấn đề sanh tử luân hồi mới thấy rằng chúng ta đang sống trong một tấn tuồng lòng vòng, lẩn quẩn, rối rắm bùng ben!… Có ý thức việc thoát vòng sanh tử là đại sự thì mới quí trọng sự vãng sanh Cực-lạc. Khi vãng sanh rồi, các Ngài tự thấy tất cả, rõ ràng mình có vô lượng thân bằng quyến thuộc, có vô lượng con cái, vô lượng cha mẹ.

Vì thế, mình không nên hiếu kỳ cứ cầu này cầu nọ, mong này mong nọ để thõa mãn tâm ý hẹp hòi vụng dại cá nhân, không tốt. Vọng cầu dễ gặp vọng cảnh, thật là điều không hay!… Khi trở về cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc rồi chư vị sẽ thấy rằng cái gia đình này quá nhỏ hẹp! Vợ chồng bên cạnh 2-3 đứa con thật nhỏ xíu! Hồi giờ mình lo tạo dựng sự nghiệp gia đình đến đầu tắt mặt tối tưởng kết quả sẽ đầy đủ, nhưng cuối cùng chỉ là số 0. Khi trở về cảnh Cực-Lạc rồi mới thấy rõ cảnh đời này là giả vọng, vì chấp vào sự giả vọng này mà chúng sanh tiếp tục khổ lụy không có lối thoát nạn. Về đó rồi ta mới thấy gia đình quyến thuộc của mình rộng bao trùm pháp giới, chúng ta phải có nhiệm vụ đi cứu độ vô lượng vô biên thân bằng quyến thuộc đang gặp ách nạn ở khắp mọi nơi, chứ không phải chỉ lo riêng cho một vài người con và một vài đứa cháu ở tại cõi này. Vậy thì xin chư vị đừng nên mong cầu để thõa mãn cái tâm hiếu kỳ, sanh tâm bất tín mà lỗi đạo, không tốt.

Câu (d): Người được vãng sanh thì có thoại tướng tốt, nhưng có thoại tướng tốt chưa hẳn là được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Hôm qua mình cũng có nhắc tới vấn đề này rồi. Thoại tướng tốt như: có hương thơm, biết được ngày giờ, an nhiên ra đi, mặt mày tươi tắn, để lại xá lợi, v.v… chưa hẳn là được vãng sanh. Xin chư vị nhớ cho điểm này. Vậy chứ còn vãng sanh là gì? Làm sao biết được người đó vãng sanh? Điểm chính yếu là giây phút trước lúc lâm chung mà lòng tin của người niệm Phật còn vững vàng, ý nguyện vãng sanh vẫn tha thiết, càng đau càng tha thiết, càng bệnh càng tha thiết, lúc lâm chung phải tha thiết vãng sanh gấp bội lần hơn lúc bình thường. Chính hai điểm niềm tin và ý muốn vãng sanh này sẽ giúp cho người đó vãng sanh. Mong chư vị nhớ cho kỹ hai điểm này nhé. Một người đã tin vững rồi, đã tha thiết muốn vãng sanh như vậy, thì chắc chắn họ lo ngày đêm niệm Phật.

Ngài Ngẫu-Ích nói, niềm tin phải thật vững, sức nguyện phải thật tha thiết, gọi “Thâm Tín, Thiết Nguyện, thì dẫu cho đau đớn đến quằn quại, loạn tâm niệm Phật, tán tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Như vậy tán tâm mà niệm Phật được là nhờ hộ niệm. Loạn tâm mà niệm Phật được là nhờ hộ niệm. Đau đớn quằn quại mà niệm Phật được là nhờ người hộ niệm dẫn dắt cho mình. Nếu bị lâm vào cảnh đau đớn quằn quại thì tự mình không cách nào có thể niệm Phật được. Lời Tổ nói ngắn gọn, nhưng phân tích ra mình mới thấy cái chỗ cần thiết, quan trọng không thể thiếu của Pháp Hộ-Niệm. Xin nhớ cho, một khi đã tán tâm rồi, thì xin miễn nói rằng tự mình niệm được câu A-Di-Đà Phật đi nhé! Một khi đã loạn tâm rồi, thì đừng quá mơ mộng mà cho rằng tự mình niệm Phật được dễ dàng nhé!…

Xin thưa với chư vị, mới vừa đây Diệu-Âm nghe được một tin hơi buồn, là có một vị Sư quen biết ở bên Mỹ mới ngày hôm nay bất ngờ bị đột quị. Vị này rất hiền từ, trong những lần qua Mỹ nói chuyện về hộ niệm, Ngài luôn luôn tới tham dự các pháp hội. Ngài tới nghe nói về hộ niệm, nhưng lại chưa muốn lập Ban-Hộ-Niệm. Ngài còn đang trong thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về Pháp Hộ-Niệm và thường tu theo cách “Bất Niệm Tự Niệm”. Ngài thường tu chung 2-3 tháng với các vị đó để tìm cầu sự tự niệm để vãng sanh, chứ không cần thiết phải lập Ban-Hộ-Niệm hầu hỗ trợ kịp thời khi hữu sự. Đùng một cái, hôm nay Ngài bị đột quị rồi!… Hiện giờ đang cấp cứu trong bệnh viện. Gia đình nghe tin tới thăm, đồng tu Phật tử nghe tin cũng tới thăm chứ đâu biết làm gì hơn đây!…

Nghe tin này Diệu Âm cũng cảm thấy buồn, vì biết được vị này là người rất hiền từ, những lần đi qua Mỹ, lần nào Ngài cũng có tới tham dự chứng minh, với tinh thần rất thân thiện, hoan hỉ. Trước đây Ngài là người tu Thiền theo phương pháp “Thiền Vô-Vi”, ru vào giấc ngủ ngon lành để đưa thần thức xuất ra theo một cảnh giới nào đó.

Muốn được hộ niệm chúng ta phải nghiên cứu trước về Pháp-Hộ-Niệm. Hiểu về hộ niệm rồi, phải lập Ban-Hộ-Niệm. Ban-Hộ-Niệm thực ra chỉ là một nhóm đồng tu niệm Phật, có chí hướng vãng sanh, biết qua qui luật hộ niệm là được. Với hình tướng một vị Sư, Ngài chỉ lên tiếng là lập được Ban-Hộ-Niệm liền. Chỉ cần 5 người, 7 người cộng tu, sẵn lòng giúp đỡ nhau khi hữu sự là có liền một Ban-Hộ-Niệm, kịp thời trợ duyên cho Ngài, nghĩa là Ngài được hộ niệm rồi. Nhưng chỉ vì chưa xem trọng việc hộ niệm lắm, không cho việc hộ niệm là tối hệ trọng trong một đời người, nên Ngài thường dành thời giờ nghiên cứu nhiều thứ quá, hộ niệm cũng nghiên cứu, Niệm Phật cũng nghiên cứu, ngồi Thiền rồi cũng nghiên cứu, Trì Chú cũng nghiên cứu qua… Ngài thấy cái gì cũng hay, cũng thích nên đều nghiên cứu tới. Nghiên cứu nhiều quá, thành ra không có điểm nào mạnh nhất để định lại mà quyết lòng hạ thủ công phu.

Xin thưa với chư vị, một người hiền nhưng nghiệp chướng của họ chưa chắc gì sẽ hiền. Ngài không bao giờ chống đối một ai, thì đúng thực Ngài là một người hiền, nhưng nghiệp chướng tích tụ trong nhiều đời kiếp chưa chắc gì là hiền hết đâu. Hộ niệm giúp cho mình sự thận trọng bảo vệ đường vãng sanh an ổn. Mình phải tự niệm vững vàng, nhưng cũng phải cẩn thận đề phòng khi lỡ tự mình tự niệm không xong chứ. Đối với vấn đề sanh tử vô thường, bất cứ chúng ta không ai được quyền lơ đễnh. Là phàm phu tội trọng không ai được quyền ỷ lại vào những hình tướng bất thường bên ngoài chưa được kiểm chứng. Là người học Phật chân chánh cần nên cẩn thận trước những sự chứng đắc sôi nổi trong nhân gian mới an toàn. Phật dạy: “Thời mạt pháp ức triệu người tu hành khó tìm ra một người đắc đạo…, tại sao ta có thể dám tin tưởng vào những lời tự khoe là chứng đắc quá dễ dàng xuất hiện nhan nhản khắp nơi?!…

Hộ niệm quan trọng vô cùng! Không được hộ niệm thế gian ngày nay tìm đâu ra mấy ai có thể tự vượt khỏi ách nạn của nghiệp chướng để thành tựu đạo quả đây? Chính vì vậy, chư vị đã rõ tại sao ở đây ngày ngày chúng ta đều nói chuyện về hộ niệm chưa? Phải chăng thực ra là để tất cả chúng ta đều nắm cho vững từng điểm từng điểm của Pháp Hộ-Niệm hầu chính mình kịp thời ứng phó mà vãng sanh. Hôm nay Ngài đó đột quị, biết chừng đâu ngày mai tới mình đột quị. Mình đột quị mà mình biết hộ niệm thì mình là người cẩn thận vì đã chuẩn bị trước để sẵn sàng đi vãng sanh. Ông Nguyễn Văn Bé ở thành phố Melbourne Úc châu, buổi sáng đi vào sở làm, buổi chiều có tin báo là chết rồi!… Đột quị đấy!… Nếu ông chưa từng biết hộ niệm là gì, Ban-Hộ-Niệm chưa từng chuẩn bị qua cho ông, thì làm sao sự đột quị bất ngờ xảy đến mà ông lại có thể chuyển xoay tình thế. Ấy thế mà khi ngã xuống, chính ông cất được lời yêu cầu đến mọi người: “Chư vị ơi!… Hãy niệm Phật giùm cho tôi liền đi…”. Phải chăng chính ông đã biến hung thành kiết, biến đột quị thành cuộc vãng sanh. Khi ra đi xong ông lưu lại tướng lành tốt đẹp vô cùng, sau 9 giờ thân tướng chuyển biến… chuyển biến… chuyển biến… Thật bất khả tư nghì.

Pháp-Hộ-Niệm thật vi diệu bất khả tư nghì!… Chư vị có thấy rõ một sự thực này không? Hộ niệm phải lo trước, không thể lo sau. Hộ niệm phải lo liền, đừng chờ tới tháng nữa mới nghĩ tới nhé. Hộ niệm là một pháp tu, phải tu sửa ngay từ bây giờ thì mới có hi vọng xóa được những sơ suất quá ư là nông cạn mà trước nay chúng ta chưa hề để ý qua. Vô thường tấn tốc, đừng chờ, đừng đợi đến đùng một ngày nào đó, biến cố đến rồi mới tính tới chuyện hộ niệm nghe chư vị. Lúc đó mình đã nằm mê man bất tỉnh trong bệnh viện, đang đếm từng hơi thở để ra đi, thì làm sao hộ niệm được đây?!!!… Hộ niệm hoàn toàn không phải vậy đâu nhé. Chư vị đồng ý không?

Hôm trước mình nói, đây là một cái cơ may hi hữu, hiếm có để cứu lấy chính mình. Pháp-Hộ-Niệm đơn giản, dễ dàng, cụ thể cũng từ trong Phật pháp, do Phật truyền lại từ mấy ngàn năm rồi, mà đến nay mình mới gặp được. Có nhiều nơi, người học Phật đã thực hiện hơn 2.000 năm qua, họ đã đưa tiễn biết bao nhiêu người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc rồi, đến bây giờ mình mới bắt đầu gặp được. Trễ tràn như vậy rồi mà chư vị còn trằn trụt nữa sao? Chư vị còn cam đành chờ đọa lạc bao đời kiếp nữa mới tính chuyện thoát nạn đây? Một cái duyên lành đến với chúng sanh phải trải qua hàng ngàn năm như vậy đấy chư vị ơi!… Phải thành tâm, phải chí thiết khẩn nguyện thì Phật Bồ-Tát mới cảm ứng tiến dẫn cho chúng ta cơ hội giải thoát thành đạo. Không có lòng chí thành khẩn nguyện, Phật Bồ-Tát làm sao nỡ đem đạo pháp nhiệm mầu đến để cho chúng sanh khinh thường phỉ bang mà kết thành tội trọng, đoạn mất cơ duyên cứu độ chúng sanh!…

Mong chư vị phải hiểu được những đạo lý này mà trân quí Pháp Hộ-Niệm. Phải cố gắng nghiêm chỉnh học tập Phương Pháp-Hộ-Niệm để chuẩn bị hành trình vãng sanh thành đạo vững chắc, an toàn. Nhất định chúng ta phải đi cho vững, đi cho thẳng, đừng nên chao đảo, đừng nên phân đo nữa nhé. Chần chừ, chần chừ là tự tạo cạm bẫy cài huệ mạng của mình vào chốn khổ nạn hồi nào không hay!…

Một lần nữa, xin chư vị cố gắng quyết lòng nghiên cứu Pháp-Hộ-Niệm, để cứu trợ cho nhau vững vàng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –