Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 35) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Tại Sao Người Biết Trước Ngày Giờ Ra Đi Cũng Không Chắc Chắn Được Vãng Sanh TPCL?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 35)

 Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay chúng ta bàn đến câu 16 trang 19: Tại sao người biết trước ngày giờ ra đi cũng không chắc chắn được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc?

Cuốn sách này đưa ra chi tiết cụ thể quá, rất cụ thể, từng chút từng chút một.

Câu trả lời (a): Người tu hành các pháp môn khác, vì họ không cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng nhờ công phu cao, định lực mạnh, họ có thể ngưng thần ra đi theo những cảnh giới tương ứng khác.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Mỗi người tu có một hướng đi. Ví dụ một người tu Thiền mà họ đạt được Thánh quả A-La-Hán, đâu phải chuyện bình thường. Đó là các vị Thánh, trong Phật Giáo Tiểu Thừa được tôn xưng là Phật rồi, gọi là Tạng-Giáo Phật. Trong Tứ Thánh Giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên, thì A-La-Hán được tôn là Phật trong Tạng-Giáo. Như vậy các vị tu theo các phái Tiểu Thừa không có nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nên họ không thể vãng sanh Tịnh-Độ được. Hơn nữa, nhiều người chỉ nghiên cứu các kinh điển của Phật Giáo Nguyên-Thủy, sẽ không biết cõi Tây-Phương Cực-Lạc, không tin có A-Di-Đà Phật là chuyện thường tình.

Nhưng xin thưa với chư vị, với cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc, không phải chư vị A-La-Hán muốn vào thì vào đâu, các Ngài cũng phải niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Nếu được vãng sanh thì các Ngài vãng sanh về phần trung phẩm thuộc cõi Phương-Tiện Hữu-Dư. Phương-Tiện Hữu-Dư Độ tương đương với Hữu-Dư Niết-Bàn. Các vị A-La-Hán từ cảnh giới Hữu-Dư Niết-Bàn sanh về Phương-Tiện Hữu-Dư Độ trên Tây-Phương Cực-Lạc. Vẫn còn chữ “Hữu” trong đó. Về Tây-Phương Cực-Lạc thì vô sanh vô tử, nhưng Hữu-Dư ở cảnh giới khác chỉ cho sự vượt qua “Phần Đoạn Sanh Tử” những vẫn còn phải phá “Biến-Dịch Sanh-Tử”, nên gọi là “Hữu Dư”.

Xin thưa với chư vị, pháp môn nào cũng có điểm về riêng, cũng có sự chứng đắc riêng. Người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là đi thẳng về cảnh giới Tịnh-Độ của Phật A-Di Đà. Về đó rồi, tự nhiên sáu đường sanh tử luân hồi bị đóng kín. Mình không bị rớt xuống hàng sanh tử luân hồi nữa gọi là Vị-Bất-Thoái. “Vị” là vị trí. Các vị A-La-Hán vượt qua cảnh giới phàm phu, trở về Hữu-Dư Niết-Bàn, thì đối với Đại-Thừa là vượt qua một bậc Bất-Thoái thứ nhất. Có tất cả 3 bậc Bất-Thoái, thì các A-La-Hán vượt qua Vị-Bất-Thoái. Lên cao nữa thì có Hạnh-Bất-Thoái và Niệm-Bất-Thoái.

Một người phàm phu như chúng ta, khi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, chư Tổ nói, dẫu cho hạ phẩm hạ sanh, thuộc Phàm-Thánh Đồng-Cư Độ, vẫn là một đời viên mãn Tam-Bất-Thoái, nghĩa là vượt qua được 3 bậc Bất-Thoái. Hay lắm chư vị ơi! Khi nào có dịp, chúng ta sẽ nói thêm nữa, rất hay, tuyệt vời vô cùng.

Trong kinh Niệm-Phật Ba-La-Mật, Đức Thế-Tôn nói: “Vãng sanh về Tây-Phương là một đời thành Phật”, nên Ngài tuyên bố thẳng luôn, “Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc tức là thành Phật”. Hay lắm!… Nói như vậy, xin chư vị cũng đừng nên hiểu lầm rằng, hôm nay mình vãng sanh về Tây-Phương, ngày mai mình thành Phật liền. Không phải vậy đâu. Ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc chỉ có một đời, không có đời thứ hai. Bất-Thoái chuyển nghĩa là không lui xuống, không rớt lại hàng phàm phu nữa, cứ từ đó tiến lên, tiến thẳng lên quả vị Phật luôn. Chính vì vậy, không những là A-La-Hán, mà các vị Pháp-Thân Đại-Sĩ cũng phải niệm Phật cầu sanh về Tây-Phương Cực-Lạc để một đời thành Phật, thời gian thành Phật nhanh chóng. Còn ở các cảnh giới khác, nhiều khi phải tu hành 2-3 đại A-Tăng-Kỳ kiếp. 2-3 đại A-Tăng-Kỳ kiếp thời gian không phải đơn giản!

Câu (b): Có nhiều trường hợp người tu theo các đạo Quỷ Thần, được các Ngài báo cho biết ngày chết để về phục vụ trong các cảnh giới Quỷ Thần.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng đấy. Chư vị nghe câu chuyện Hòa Thượng Tịnh-Không giảng, kể về một người tu theo đạo Quỷ Thần, khi ông ấy còn đang sống, trong giấc chiêm bao thấy Nhạc Phi mời ông xuống phục vụ cho cảnh giới Quỷ. Ông đồng ý. Khi thời điểm cần đến, Nhạc Phi báo trước 3 tháng. Ba tháng sau, âm binh tới bắt hồn đi phục vụ. Nhạc Phi sống làm Tướng trung thành việc nước, chết làm Thần theo niệm sát mà tiếp tục đấu tranh. Người đó biết trước ngày chết 3 tháng, nhưng hoàn toàn không phải là vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Ở tại xã Nhân-Thọ, vùng quê Bình Định, một xã lân cận với xã Nhơn-Lộc của Diệu Âm, cách đây cũng 20 năm rồi, gần 20 năm rồi, có một vị kia hoàn toàn không tu hành gì hết. Thế mà tự nhiên ông ấy biết được ngày chết, ông ta báo cho mấy người quen thân biết: “Tuần sau tôi chết đấy”. Trước một ngày, ông nói: “Ngày mai tôi chết đấy”. Ông không đau không bệnh gì cả, và nói gọn gàng, tự nhiên, không lo sợ, không có triệu chứng gì về tâm thần suy yếu. Và đúng ngày đó, ông lên giường nằm rồi tắt hơi đi luôn. Người ta cho rằng ông ấy vãng sanh, nhưng thực ra ông không phải vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đâu.

Có những trường hợp như vậy. Khi nghe người ta kể lại câu chuyện đó, suốt đời ông ta không biết tu hành, không có niệm Phật, không cầu vãng sanh, nhưng ông âm thầm thực hành một pháp tu trong Quỷ-Thần đạo. Ông hành theo đạo Quỷ-Thần. Cho nên xin thưa với chư vị, người biết ngày giờ ra đi không chắc chắn được vãng sanh là vì những lý do như vậy. Những người tu đạo Tiên, người ta luyện khí luyện thần, nhiều khi cũng biết được ngày giờ ra đi. Trong đạo Cao-Đài, có những người cũng biết được ngày giờ ra đi, nhưng không phải họ vãng sanh, mà họ về cảnh giới Thần-Tiên. Thần-Tiên cũng thuộc về cảnh giới Quỷ-Thần. Họ nguyện đời sau làm người hiền nhân quân tử, theo Tiên, theo Thánh. Có những vị tu pháp Đồng Bóng, thường xuyên tiếp xúc với cõi âm, đến lúc các vị cõi âm đó cần, người ta tới bắt hồn đi phục vụ cho họ. Bắt mà cho biết trước. Biết trước ngày giờ chết trong các trường hợp này hoàn toàn không phải là vãng sanh. Nói chung, Thần-Tiên, Thiên-Tiên, Địa-Tiên, Dạ-Xoa, La-Sát, Thành-Hoàng, Thổ Địa, v.v… gọi chung là cảnh giới Quỷ Thần. Tu đạo Quỷ-Thần thì về cảnh giới Quỷ-Thần phục vụ vậy thôi.

Chính vì vậy, khi nghe được những thông tin tương tự, chúng ta đừng nên phân vân hay hồ hởi nhé. Đừng lấy yếu tố biết ngày giờ chết mà cho rằng vãng sanh. Không phải đâu. Do chính cái tâm nguyện của họ sẽ dẫn họ đi tới các cõi khác, có cõi khá một chút, có cõi u ám, tối tăm, có cõi đấu tranh không ngừng nghỉ. Chỉ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là vô sanh vô tử, thanh tịnh, trang nghiêm, thanh lương, cực lạc nhất. Mong chư vị phải chú trọng lời nguyện vãng sanh Tịnh-Độ để được vãng sanh.

Câu (c): Chỉ có người nào tin tưởng, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới được vãng sanh.

Đúng không? – (Đúng). Ở đây câu nào cũng đúng hết trơn. Xin nhắc đi nhắc lại, muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc một đời bất thoái thành Phật thì chư vị phải tin. Tin đường Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì hãy đi thẳng một đường, đừng đi lang thang nữa. Đi lang thang khắp các nẻo đường, thì không có đường nào đến được đích. Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật đã dạy rõ rệt: “Thời mạt pháp này ức ức người tu hành dễ gì tìm ra một người chứng đắc…” để vượt qua tam giới. Khó vô cùng! Gọi là “Hãn nhất đắc độ”. “Hãn” là rất hiếm hoi. “chỉ nương theo pháp niệm Phật mà được vượt qua sanh tử luân hồi”. Nhưng xin thưa với chư vị, nương theo pháp môn niệm Phật phải nương cách nào cho vững, đừng nương lấy lệ, đừng nương sơ sơ. Có nhiều người ngày nào cũng niệm Phật, tưởng vậy là nương theo. Chưa chắc! Niệm Phật mà lòng tin không vững, thì Niệm mà không “Nương”. Niệm Phật mà không nguyện vãng sanh tha thiết, thì Niệm mà không “Nương”. Niệm Phật mà chấp trước thị phi tạo thêm nghiệp chướng, đến khi xả bỏ báo thân, cận tử nghiệp ứng hiện ra bị mê man bất tỉnh, bị nghiệp báo đánh tới thất đởm kinh hồn, tâm thần tán loạn, không còn cách nào nhớ câu A-Di-Đà Phật mà niệm, thì đây là Niệm mà không Nương. Phiền não chập chùng, gia đình, con cái, bạn đồng tu, oán thân trái chủ chập chùng… dễ gì cho chúng ta tự chủ được thì “Nương” cách nào đây?

Cho nên, nương theo Pháp Niệm-Phật, ta phải nương theo đúng căn đúng cơ của mình. Người thượng căn, thượng cơ, nương theo cái lực định của họ, người ta có thể định vào trong câu A-Di-Đà Phật, người ta niệm Phật đến “Nhất tâm bất loạn” đi vãng sanh. Chư đại Bồ-Tát có thể làm được chuyện đó. Còn chúng ta, nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ lên nghĩ xuống thấy mình vẫn là phàm phu, nghiệp chướng vẫn còn quá nặng, thì chư vị phải hết sức cẩn thận, cẩn thận tối đa. Nếu sơ ý, không chịu lo liệu trước, đến lúc nằm xuống, một câu A-Di-Đà Phật không dễ gì chúng ta niệm được đâu. Chính vì thế, Pháp Hộ-Niệm là nơi nương nhờ tuyệt vời, giúp cho chư vị giải quyết hình như là toàn bộ những gì mình thiếu sót đấy.

Nói rõ hơn, giả như lúc đó mình bị oán thân trái chủ bao vây hãm hại, người hộ niệm đến bên cạnh, giúp đỡ, điều giải, hóa gỡ ách nạn cho mình, họ Niệm Phật hùng hồn, nhờ lực của đại chúng mình nương theo mà niệm. Tâm tâm cảm ứng, Phật lực gia trì, nhờ quang minh phổ chiếu bao trùm tại đó che chở cho ta. Nếu mình bị rối loạn, lơ lơ láo láo thì người hộ niệm liền khai thị, gỡ rối, khuyến tấn giúp mình nhiếp tâm chí thành niệm Phật, không còn phân tâm nữa. Mình có thành tâm, có chí thành niệm Phật được, nhờ đó mà được cảm ứng với đại nguyện của Đức A-Di-Đà, được từ lực của Phật gia trì, được chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ cho mình an toàn để vãng sanh. Xin thưa với chư vị, nếu sơ ý tự cho mình có khả năng làm được tất cả, thì cách tính toán này thiếu cẩn thận lắm đấy, coi chừng tự mình cô lập lấy mình trong tình huống bị tứ bề thọ nạn, không đâu nương tựa mà ân hận đó nhé.

Cho nên, mong chư vị nhớ cho, gọi là nương theo thì phải nương cho đúng. Cũng như vấn đề “Niệm Phật Tốt” là phải niệm làm sao cho đúng, đúng cách, đúng căn, đúng cơ, đúng theo hoàn cảnh thực tế của mình, thì mới gọi là “Niệm Phật Tốt”. Có thực sự “Niệm Phật Tốt” mới khỏi bị trở ngại, mới có chỗ nương tựa tốt, và mới có hy vọng vãng sanh. Còn sơ ý niệm theo hiếu kỳ, niệm theo vọng tưởng, niệm lệch tông chỉ của pháp môn thì lãnh phần thất bại. Rõ ràng bao nhiêu thế kỷ qua, biết bao nhiêu người niệm Phật, nhưng khó tìm ra được người vãng sanh. Phải chăng đã có điều sơ suất lớn lắm mà không hay!…

Những người tu rất lâu, tu khá giỏi nhưng vẫn bị trở ngại cũng là chuyện bình thường. Vì sao vậy? Xin thưa với chư vị, tu lâu tu giỏi mà có đúng chánh pháp hay không là chuyện khác. Tu đúng chánh pháp mà tự lực có phá nổi nghiệp chướng hay không? Nếu không phá nổi nghiệp chướng mà không có người giúp đỡ, gỡ rối trong những lúc cần thiết thì chưa được an toàn đâu. Hay nói rõ hơn, lúc lâm chung bị nghiệp chướng hành hạ đảo điên, mê man bất tỉnh, bị oán thân trái chủ tự do đánh phá, dụ hoặc, cài bẫy hãm hại mà đành thất bại.

Nhiều người tới ngày giỗ kỵ, thường đứng trước bàn thờ Gia-Tiên khấn nguyện cầu xin ông bà linh thiêng về bảo vệ, gia trì, giúp đỡ cho con cháu. Thường thường người thế gian hay làm vậy. Bảo đảm bây giờ mình tu hành giỏi như vầy, nhưng thói quen đến ngày giỗ kỵ cứ nguyện cầu cha mẹ mình về giúp đỡ, thì nhất định lúc lâm chung thế nào cũng thấy cha mẹ mình về giúp đỡ, nâng niu, bồng bế, bảo vệ và sau cùng dẫn mình đi. Xin thưa thẳng với chư vị, nhất định bị oán thân trái chủ trá hình, dẫn mình đi đọa lạc!… Tình trạng này nhiều lắm nhiều lắm!… Phải giác ngộ.

Xin kể một câu chuyện làm chứng minh. Diệu Âm có một người bạn cũng khá thân, những năm cuối đời của người cha vị đó thường lên trước bàn thờ nói chuyện thầm thì thầm thì. Ông cho người nhà biết là đang nói chuyện với ông nội bà nội. Có hôm ông cho biết có cả dòng tộc đang tụ họp về nhà. Ông tu hành theo cách nào mà cảm ứng toàn là những người âm đã chết trong dòng họ. Xin thưa thực với chư vị, đây chính là oán thân trái chủ trá hình, họ nương theo sự khẩn cầu sai lầm mà gạt gẫm hãm hại ông Cụ thôi. Khi biết được Pháp Hộ-Niệm, chúng ta mới phát hiện ra những điều sai lầm vô cùng to lớn của người thế gian. Hiểu được vậy, xin chư vị phải cẩn thận, tự thức tỉnh. Hãy nghiên cứu thêm Pháp Hộ-Niệm để tránh nhiều điều sơ suất khác nhé.

Câu (d): Biết trước ngày giờ ra đi là một thoại tướng tốt, chứ không phải là điều kiện bảo đảm việc vãng sanh.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng, biết trước ngày giờ ra đi là một thoại tướng tốt. Đây chỉ là thoại tướng thôi, nhưng tướng lành này không bảo đảm chắc chắn được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nên nhớ cho kỹ, hôm trước mình có nói rồi, biết ngày giờ ra đi, lưu lại xá lợi, có quang minh, v.v… cũng không phải là bảo đảm được vãng sanh. Mà điều gì bảo đảm đây? Người nào Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, trước giờ phút ra đi, thấy A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn, người ta nói rõ ràng rồi ra đi, thì bảo đảm 100% vãng sanh, không còn nghi ngờ gì nữa cả. Còn những người được hộ niệm, niềm tin vững vàng, nếu người ta không thông báo được, nhưng công hạnh tu hành tinh chuyên, đến lúc giây phút cuối cùng họ vẫn niệm Phật, quyết lòng vãng sanh, khi ra đi để lại thân tướng tốt đẹp, đỉnh đầu ấm ấm… đây là hiện tượng cảm ứng vô cùng tuyệt vời! Mình hy vọng tới 99% họ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Hiểu được điều này, mong chư vị nắm thật vững đường vãng sanh nhé.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –