Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 34) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Người Ra Đi Với Thoại Tướng Tốt Trường Hợp Nào Ta Biết Họ Được Vãng Sanh TPCL?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 34)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Người niệm Phật ra đi với thoại tướng tốt, trường hợp nào ta biết họ được vãng sanh?

Câu 15 ở trang 18. Đáp án (c): Người có đầy đủ Tín-Hạnh-Nguyện, tắt hơi sau 8 giờ mà hơi ấm còn lưu một điểm ở đỉnh đầu thì xác suất vãng sanh rất cao.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Phải nhớ là toàn thân đều lạnh toát và đỉnh đầu còn ấm thì mới là cảm ứng tốt. Chứ nhiều khi đầu còn ấm, chân còn ấm, bụng còn ấm, khi một người ra đi mà còn nhiều chỗ ấm như vậy thì mình phải nghĩ rằng thần thức của họ chưa ra khỏi thân xác. Gặp trường hợp này phải ngay lập tức ngừng thăm thân, rồi phải khai thị, hướng dẫn, hộ niệm tiếp. Chính vì thế, trong Pháp Hộ-Niệm dặn dò khi thăm phải nhẹ nhàng và cẩn thận vô cùng. Cần phải khai thị trước, lời nói rõ ràng, báo cáo cho người bệnh biết trước và nhẹ nhàng thăm từ dưới thăm lên.

Ví dụ, khi thăm bàn chân thấy còn hơi ấm, đừng vội cho rằng người ta đã bị đọa địa ngục, mà nên thăm cao lên trên một chút, nếu còn chỗ ấm khác thì ngừng lại liền. Có nhiều nơi ấm như vậy, chứng tỏ thần thức có thể chưa ra khỏi xác. Chúng ta không được tiếp tục thăm nữa.

Có người chủ trương rằng hộ niệm không cần phải thăm thân, niệm Phật 8 tiếng đồng hồ, hồi hướng công đức rồi chấm dứt. Xử lý cách này, nếu gặp trường hợp thần thức còn bị vướng chưa ra khỏi thân xác mà giao cho nhà tẩn liệm, thì nhất định người chết bị nạn. Xin chư vị phải suy nghĩ thật kỹ về vấn đề này. Tốt nhất trong vòng 8 tiếng đồng hồ, không được đụng chạm vào thân xác người chết là điều chính xác, vì hầu hết hàng phàm phu mê muội, tham chấp đủ điều nên thần thức thường bám trụ trong thân xác chưa xuất ra được. Nếu đụng chạm sơ ý gây đau khổ cho họ, cũng có thể do vì đau đớn này làm họ dễ sanh tâm sân giận mà bị đọa lạc.

Ngài Tịnh Không dạy, nên để 12 tiếng đồng hồ thăm thân thì mới an toàn hơn. Xin chư vị nhớ kỹ lời dặn này.

Trước khi thăm thân, người hộ niệm phải lên tiếng báo cho người chết biết. Thăm phải nhẹ nhàng, kính cẩn, không được làm mạnh, không được đu đưa có tính biểu diễn sự mềm mại khi có thoại tướng tốt. Những người hộ niệm mà sợ bị trách nhiệm, không dám thăm thân, mà lại giao gởi việc này cho nhân viên nhà quàn xử lý, chẳng lẽ như vậy là tròn lương tâm và trách nhiệm của mình sao? Nhân viên nhà tẩn liệm họ gói cái thân lại, khiêng đưa lên xe chở đi, sau đó họ sẽ làm gì tiếp đây? Họ có những động tác nhẹ nhàng kính cẩn đúng theo pháp thăm thân như người hộ niệm không? Nếu lúc đó người chết còn đang bị trở ngại, lại còn bị nạn từ nhà tẩn liệm nữa, làm sao hóa giải đây? Xin chư vị hãy suy nghĩ thật kỹ vấn đề này nhé.

Không thăm thân thì không kịp thời phát hiện ra ách nạn để hóa gỡ! Không hóa gỡ được ách nạn, thì người ra đi sẽ bị nạn! Đây là điều sơ suất của người hộ niệm khi không chịu thăm thân đúng pháp vậy. Xin chú ý cho.

Thăm thấy toàn thân đã lạnh hết, mềm mại, đỉnh đầu còn hơi ấm là một thành quả rất tốt. Tuy nhiên còn ấm thì xin chư vị còn phải hết sức cẩn thận. Dù biết được thành quả tốt, nhưng xin chư vị hộ niệm hãy phát tâm niệm Phật trợ duyên thêm 2 tiếng nữa, hoặc 4 tiếng nữa thì tuyệt vời hơn, thoại tướng càng tốt hơn, càng viên mãn vô cùng. Đừng vừa thấy cảm ứng tốt, có thoại tướng tốt, đỉnh đầu chưa kịp lạnh hết mà vội vã lắc lư thân xác, vui mừng ồn náo quá cũng không phải là điều an ổn! Phải cẩn thận tối đa hầu tránh những sơ suất đáng tiếc bất ngờ.

Vì không biết hộ niệm, nhiều người thường mạnh dạn nhào vô sẵn sàng ôm, nắm, níu, kéo, tạo những động thái nguy hiểm vô cùng cho người chết. Biết được hộ niệm rồi, chúng ta luôn luôn phải thực hiện những phương thức càng an toàn càng hay, để bảo vệ người ra đi tránh những chướng nạn bất ngờ đôi lúc xảy ra mà tội nghiệp cho họ.

Cũng xin nhắc lại, nội dung câu (a) là: Trước khi ra đi chính họ nói đã thấy A-Di-Đà Phật đến tiếp dẫn thì trường hợp này mới là vững vàng nhất, chắc chắn được vãng sanh. Lúc đó, giả sử như chư vị có rời bỏ hiện trường, không niệm Phật nữa thì người ta cũng đã theo A-Di-Đà Phật vãng sanh rồi. Nhưng chắc chắn không ai nỡ làm như vậy được đâu. Ngược lại, với lòng từ bi kính yêu, chúng ta cũng phải dốc lòng niệm Phật hộ niệm cho vị đó 12 tiếng, 24 tiếng, niệm càng nhiều càng tốt để cho vị Bồ-Tát này vãng sanh viên mãn hơn, an toàn hơn, Ngài nợ ta nhiều hơn, ta sẽ lợi lạc nhiều hơn, chứ đừng thấy vậy mà bỏ đi nhé.

Còn trường hợp câu (b) là: Khi không nói được, nhưng thường ngày niệm Phật tốt, đầy đủ Tín-Hạnh-Nguyện đến giây phút cuối cùng thì tin tưởng họ được vãng sanh.

Xin nhắc lại, vấn đề “Niệm Phật Tốt” trong thời này. Xin chư vị cần nhớ, đừng nên tách rời đại chúng ra mà tu niệm một mình. Thường thường tu một mình không được an toàn lắm trong thời mạt pháp này! Chính Diệu Âm biết được rất nhiều trường hợp những người tách rời đạo tràng về âm thầm tu niệm một mình, sau cùng thường bị trở ngại. Đi đâu cũng gặp trường hợp này. Ở quốc gia nào cũng gặp trường hợp này cả. Tình trạng rất tương tự nhau. Mỗi khi gặp trường hợp như vậy, Diệu Âm luôn luôn khuyên họ nên trở lại Đạo Tràng, trở lại ngôi Chùa, hoặc trở lại Niệm Phật Đường tu chung với đại chúng mới tốt. Người thế gian thường nói “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Tu hành phải có bạn lữ, đồng tu, phải có chúng thì mới an toàn, nhờ lực của đại chúng bảo vệ cho mình, nhắc nhở mình, chỉ điểm cho mình những điều sơ suất, tốt hơn là lẳng lặng tu riêng vậy.

Câu (d): Người đã được vãng sanh thì thân tướng rất tốt, bất khả tư nghì.

Đúng không? Đúng chứ còn gì nữa mà suy nghĩ?… Cho nên người ra đi mà thân tướng đẹp, sắc tướng hồng hào, tươi tỉnh nhưng chưa chắc người đó đã được vãng sanh. Có thể người đó đi vào những cảnh giới lành khác, vì chính họ không nguyện vãng sanh. Còn những người đã niệm Phật, đã nguyện vãng sanh, trước lúc ra đi họ thực hiện được như vậy, thì khi ra đi có thoại tướng tốt lành, chứng tỏ chắc chắn họ vãng sanh. Vãng sanh rồi thì thân tướng tốt đẹp lắm.

Những điểm nào gọi là chắc chắn được vãng sanh? Xin nhắc lại, một là chính họ thấy được A-Di-Đà Phật đến tiếp dẫn, thông báo cho mình biết. Chư vị phải nhớ là đi theo A-Di-Đà Phật, thấy A-Di-Đà Phật, thấy hẳn hình hài, thân tướng của Ngài đến tiếp dẫn. Trong Kinh A-Di-Đà có nói, người niệm Phật khi mạng chung thì A-Di Đà Phật và chư Thánh-Chúng hiện ra trước mặt người đó, tiếp dẫn người đó đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Chúng ta cần nắm vững lý đạo này. Khi ra đi thấy rõ A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn thì quý báu vô cùng, hãy liệng cái thân èo uộc này lại, theo Ngài về Tây-Phương Cực-Lạc nhận lấy thân Bồ-Tát Bất-Thối chuyển, thân đẹp như Phật, vàng óng ánh, hào quang bao trùm pháp giới sướng hơn, ở đây làm chi cho cực khổ, bệnh lên bệnh xuống không tốt.

Có nhiều người chủ trương là đi theo quang minh này, quang minh nọ, thì xin thưa với chư vị, là những điểm đi theo quang minh không được vững vàng. Tại vì sợ rằng nếu chúng ta niệm Phật không đến chỗ “Nhất-Tâm Bất-Loạn” thì sự phân biệt minh bạch ánh sáng này, ánh sáng nọ không dễ đâu. Là hàng phàm phu, chúng ta nên thực hiện phương pháp nào cụ thể nhất, vững vàng nhất mới an toàn. HT Tịnh Không dạy, hãy nhìn tấm hình Phật treo trước mặt, nhiếp tâm vào đó mà niệm, khi ta ra đi, A-Di-Đà Phật sẽ hóa hiện ra giống hình đó mà tiếp độ chúng ta. Còn tất cả những hình ảnh khác hiện ra, dù là hình tướng Phật, hay hình tướng Bồ-Tát nào khác ứng hiện ra, tuyệt đối giữ tâm bình lặng, cứ nhiếp tâm tiếp tục niệm A-Di-Đà Phật, không được đi theo. Chư vị cần nhớ thật kỹ điểm này.

Khi hộ niệm, chúng ta luôn luôn nhắc:

Bác Tám ơi!… Chỉ đi theo A-Di-Đà Phật nhé. Bác hãy nhìn kỹ tấm hình này. Đây ảnh tượng của Ngài. Ngài hiện thân ra, Bác theo Ngài mà đi vãng sanh nhé.

Nói cho rõ ràng, dứt khoát. Người không vững Pháp Hộ-Niệm, thường dặn dò chung chung như: Một đời tu hành niệm Phật, thì bây giờ phải theo Phật, theo Bồ-Tát vãng sanh nhé…. Khai thị như vậy thì kẹt vô cùng! Lời hướng dẫn này nhất định không đúng, không chính xác!… Khai thị trổng trổng thường mở ra những cái bẫy nguy hiểm, làm cho người ra đi dễ vướng phải nạn của oán thân trái chủ. Chư vị oán thân trái chủ, chư ác thần dễ dàng ứng hiện ra hình Phật đỏ đỏ, xanh xanh, trắng trắng, vàng vàng gì đó, quang mình lấp lánh để lừa gạt người bệnh. Đi theo đó tức thì bị sập bẫy, chịu nạn.

Mong chư vị phải nhớ cho kỹ, chỉ được đi theo A-Di-Đà Phật, Ngài hiện ra giống như tấm hình của ban hộ niệm để trước mặt là an toàn, là vững vàng. Trên pháp giới này không có ai được quyền giả dạng hình tượng A-Di-Đà Phật để gạt gẫm chúng ta được. Chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ quy pháp này. Mong chư vị phải nhớ.

Muốn được như vậy, xin chư vị cần chú ý những điểm này:

– Một là, người niệm Phật có lòng tin vững vàng, gọi là tín tâm vững vàng không được chao đảo.

– Thứ hai, lúc bệnh, lúc đau, lúc lâm chung phải giữ ý nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc tha thiết nhất định không thể xao lãng, đây gọi là chánh định. Đã chánh định, thì không được quyến luyến con cháu, không được thương nhà nhớ cửa, không được quyến luyến vợ chồng, không được phân vân hồ nghi, v.v…

Nói chung, phải thực hành cho đúng chánh pháp, không được để những ý niệm gì khác chen vào tâm thì chư vị mới khỏi bị gạt. Nhớ cho kỹ những điểm này.

Vì thế, chúng ta thấy rõ rằng, vãng sanh tuy dễ mà khó. Nếu không có người hộ niệm đúng lý đúng pháp trợ duyên, thì người bệnh cũng không dễ gì phát hiện ra những sơ suất của chính mình để khắc phục kịp thời hầu hóa giải những ách nạn đâu.

Cho nên, người nào có Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ thì A-Di-Đà Phật và chư Bồ-Tát sẽ gia trì cho chư vị, Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ bảo vệ cho chư vị. Còn bây giờ chư vị có nguyện vãng sanh, nhưng lúc đó lại sợ chết, thì sẽ không được cảm ứng nữa. Sợ bệnh, cầu hết bệnh thì không còn cảm ứng nữa. Nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ tiền, nhớ bạc, nhớ ơn, nhớ nghĩa gì đó thì không còn cảm ứng nữa…

Nói chung, Tín-Hạnh-Nguyện không đủ thì không được cảm ứng hoặc cảm ứng sai lạc, nghĩa là cảm ứng đến những cảnh vọng. Nói rõ hơn, bị những cảnh giới giả lừa gạt, bị ma chướng giả dạng lừa gạt chỉ vì Tín-Nguyện-Hạnh của mình không đủ vậy.

Vì thế, xin nhắc lên nhắc xuống cùng chư vị, điểm quan trọng nhất của người niệm Phật là lòng tin không được lung lay. Ra ngoài gặp người phỉ báng: “Ồ!… Mê muội! Tu hành kiểu gì mà cứ réo gọi A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật mãi vậy!…. Nghe người chê bai, mình chao đảo phân vân. Bị phân vân là người tâm lực yếu đuối, không có chủ định, khi lâm chung chắc chắn sẽ bị chao đảo. Tâm trí hoang mang chao đảo thì liền mất cảm ứng đạo giao, rơi vào cảnh vọng, bị nghiệp chướng, ma chướng lôi vào đường đọa lạc, mất phần vãng sanh.

Cho nên, đã là người niệm Phật thì phải có tâm vững vàng, ai nói gì thì nói, ai tin gì thì tin, ai không tin pháp niệm Phật thì cũng kệ họ, chúng ta không cớ chi phải bận lòng phân trần giải thích. Người nào tin tưởng pháp niệm Phật vãng sanh thì tới đây cùng tu với chúng ta, ai không tin thì để họ tự do đi theo con đường của họ. Pháp môn nào cũng để tu hành, chỉ vì căn cơ khác nhau nên khó dễ khác nhau mà chúng ta phải chọn pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là chính xác, nhưng chính mình không được chấp trước phân biệt là được.

Nhắc lại, Tín phải vững vàng, Nguyện phải tha thiết, Niệm-Phật phải chuyên tinh, thành tâm mới vãng sanh được Tịnh-Độ. Nếu gặp người phê phán mà mình chao đảo, nghe người nói hay ho mà mình ham thích, thấy người khoe điều lạ thường mà mình hiếu kỳ… thì chính mình là người Tín không vững, Nguyện không bền, Niệm Phật không thực tâm, thì cuối cùng trước cảnh lâm chung mình rất dễ bị oán thân trái chủ gạt mất đường vãng sanh vậy.

Mong chư vị hiểu rõ những điểm quan trọng này, cẩn thận chuẩn bị tư lương sung mãn, để một đời này ta về tới Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Nếu sơ ý thì có thể bị trở ngại. Bị trở ngại đồng nghĩa với thua cuộc. Một đời niệm Phật mà coi chừng bị mất vãng sanh đó nhé. Chư vị nghe rõ chưa?

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –