Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 73)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 31, câu (d): Ban hộ niệm nên nhắc nhở người bệnh và gia đình sớm làm tờ di chúc cụ thể, hầu tránh bị rắc rối khi người bệnh ra đi.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Di chúc quan trọng lắm. Nếu một gia đình đồng thuận, con cái biết đạo, biết hộ niệm có thể chư vị không cần làm tờ di chúc cũng được. Còn nhiều gia đình con cháu không biết đạo, làm nhiều điều sơ suất, thì tờ di chúc rất quan trọng. Nếu không có tờ di chúc để căn dặn rõ ràng, chư vị có thể gặp khó khăn vì con cái thường tạo nên những điều sai trái, làm theo thế tục, chống đối việc hộ niệm, gặp trường hợp này ban hộ niệm không thể hộ niệm cho chư vị được.
Trong tờ di chúc phải dựa vào qui luật hộ niệm, cẩn thận căn dặn mọi người cần làm những gì, cần kiêng cữ những gì. Tốt hơn nữa, tờ di chúc nên được mọi người trong gia đình ký tên đồng thuận theo, nhờ vậy mà người ra đi đỡ bị chướng duyên, ban hộ niệm sẽ làm việc tốt vì không bị trở ngại bởi các thành viên trong gia đình, tránh được nhiều sự khó khăn và cơ duyên vãng sanh của chư vị được an toàn hơn.
Xin đưa ra một ví dụ cụ thể, hôm trước chúng ta hộ niệm cho anh Quảng Chương. Khi biết bệnh tình không còn cứu chữa được nữa, anh đã làm tờ di chúc rất chi tiết, và cẩn thận bắt từng người trong gia đình đều ký vào, trong đó có những lời anh dặn con cái phải nhất mực tuân theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm, không được sai trái.
Nhìn vào tờ di chúc, chúng ta thấy rõ rệt anh có sự quyết tâm vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thế nhưng, dù đã làm di chúc, nhưng hình như cuối cùng anh thực hiện cũng không được chính xác, ví dụ, anh còn muốn vào bệnh viện chữa trị thêm, mà thực ra là bệnh viện đã thông báo chào thua, không còn cách nào có thể cứu chữa được nữa. Tình trạng của anh đã đến giai đoạn có thể ra đi bất cứ lúc nào, thế mà anh còn muốn vào nằm trong bệnh viện nữa, thật sự việc này đã làm cho Diệu Âm này xuống tinh thần! Nếu sơ suất, bị chết trong bệnh viện thì thôi chịu thua, không cách nào cứu nạn được.
Nhưng đáng khen thay, khi đến khuyên giải nên vững tâm ở nhà lo việc hộ niệm để vãng sanh, thì anh đã thay đổi ý niệm, liền quay trở về nhà quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh. Nếu giả sử lúc đó anh quyết định ở trong bệnh viện cầu chữa trị theo kiểu còn nước còn tát, thì dù có làm tờ di chúc, thì tờ di chúc cũng trở thành vô nghĩa.
Trong gia đình thường khi con cái không hiểu đạo, thân bằng quyến thuộc không hiểu đạo, nếu không được di chúc, dặn dò cẩn thận trước sẽ đưa đến tình trạng rất khó khăn để hộ niệm cho viên mãn.
Làm di chúc và thực hiện đúng theo di chúc, thì lời di chúc có tác dụng vừa là một sức mạnh tinh thần khiến cho mọi người hợp sức hỗ trợ, vừa hợp với pháp lý giúp cho chính người bệnh thoát nhiều chướng nạn, giúp cho ban hộ niệm dễ hoàn thành trách nhiệm của họ.
(e): Được phép sử dụng các loại công phu như: vận khí công, thuật bấm huyệt, đọc thần chú… để chuyển cảnh giới cho thần thức.
Đúng không chư vị? – (Sai). Trên thế gian có nhiều người đã làm những chuyện lạ lùng. Ví dụ như, không biết người ta đã nghiên cứu từ đâu, mà khi hộ niệm lại vừa niệm Phật vừa xòe hai bàn tay ra đẩy ngược lên. Niệm một câu A-Di-Đà Phật thì xòe bàn tay đẩy từ dưới lòng bàn chân lên đầu và bảo rằng đây là cách đẩy thần thức người chết từ dưới lòng bàn chân lên tới đỉnh đầu để xuất ra đi vãng sanh.
Có một lần khi Diệu Âm về Việt Nam, gặp một ban hộ niệm kia làm tương tự như vậy. Diệu Âm hỏi:
– Chư vị học phương pháp đẩy thần thức này từ đâu vậy?
Họ trả lời:
– Tôi học từ cư sĩ Diệu Âm.
– Ồ!… Chính tôi là Diệu Âm đây. Chưa bao giờ tôi nói đến phương pháp này. Chưa một lần nào tôi hướng dẫn người hộ niệm vận khí vào lòng bàn tay đẩy thần thức người chết từ dưới lên như vậy đâu.
Thế mà họ nói rằng đã học từ cư sĩ Diệu Âm. Thật oan cho tôi quá! Cách hộ niệm này khá lạ lùng!… Họ hít vô một hơi thật sâu, niệm câu A-Di-Đà Phật, rồi vận sức vào chưởng lực đẩy lên. Ba-bốn người hợp sức nhau cùng đẩy như vậy.
Một lần khác, lần này không phải ở Việt Nam, mà ở nước ngoài, Diệu Âm gặp hai người đứng hộ niệm cho người bệnh trong một bệnh viện, vừa niệm A-Di-Đà Phật vừa dùng hai tay đẩy lên. Phát tâm hộ niệm giúp người vãng sanh là điều thật đáng quí, nhưng tự mình nghĩ sao làm vậy, thêm vào đủ thứ, không theo một qui tắc nào căn bản thật là một điều bất cẩn, làm cho chánh pháp dễ dàng bị mai một.
Xin hỏi rằng, chúng ta có năng lực gì mà đẩy được thần thức người chết đi vãng sanh? A-Di-Đà Phật, chư Phật mười phương cũng chỉ dạy cho chúng sanh pháp niệm Phật cầu vãng sanh. Chúng sanh phải làm đúng tông chỉ đó mới được vãng sanh. Nếu không làm đúng thì đành phải mất vãng sanh thôi. Vậy mà chúng sanh phàm phu lại có năng lực đẩy thần thức người chết đi vãng sanh sao? Vô cùng sai lầm! Vọng tưởng lắm vậy!
Có vị đồng tu kia kể lại cho Diệu Âm biết rằng, có người hộ niệm lại dùng phương pháp bấm huyệt trên thân xác người vừa mới tắt hơi. Họ vận sức vừa bấm vừa day huyệt tới lún sâu vào thịt, rồi sau đó nói rằng, nhờ bấm huyệt như vậy mà người này đã vãng sanh rồi!… Thật sự thế gian có nhiều chuyện lạ lùng!…
Người biết tu hành cần hết sức cẩn thận, đừng nên nghĩ sao làm vậy mà sai với chánh pháp, tạo duyên đọa lạc cho chúng sanh. Quả báo này thật không tốt!…
Cách đây mười mấy năm, Diệu Âm nhận được một tài liệu nói về hộ niệm được photo copy rồi đóng lại thành sách. Tài liệu này lý luận đủ thứ và đưa ra một cách hộ niệm rất lạ lùng. Cũng khuyên niệm Phật, cũng nói đến sự cầu nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng khi hộ niệm thì người hộ niệm đặt hai ngón tay tại động mạch ở hai bên cổ của bệnh nhân, rồi lắng nghe, hễ máu chạy lên thì mở ra, máu chạy xuống thì chận lại, mục đích là chỉ cho phép thần thức theo máu chạy lên phần đầu để xuất ra đi vãng sanh hoặc ít gì cũng sanh về những cảnh giới lành, chứ không cho máu chạy xuống để thần thức không thể theo đó mà chạy về phần dưới bị đọa lạc!… Có điều còn tệ hại hơn nữa, là lúc người bệnh vừa tắt hơi thì phải cắt một vết thương trên đỉnh đầu cho máu chảy ra, để thần thức theo máu mà xuất ra ngoài. Rõ ràng phương pháp này không hợp với luật tự nhiên, sai với Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ Tông, thế mà có người cũng phát hành ra đem đi phổ biến!…
Người học Phật phải nghiên cứu đúng chánh pháp, y theo kinh Phật, lời Tổ mà làm mới an tâm được. Xin đừng hiếu kỳ, tự động nghiên cứu những phương pháp lạ, không biết xuất xứ từ đâu, chưa có căn bản nào bảo đảm sự chính xác, mà vội vã ứng dụng, thật là một điều vô cùng sơ suất, quá nguy hiểm!
Qui luật Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ Tông nghiêm cấm sự đụng chạm vào thân xác của người mới chết, tuyệt đối cấm những hành động tạo thương tích, chận mạch máu, ấn vào huyệt đạo, v.v… Chúng ta hướng dẫn người xả bỏ báo thân niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, là theo tông chỉ của Pháp Môn Niệm Phật, thì không thể làm điều gì trái ngược với tông chỉ của pháp Phật mới đúng chánh pháp vậy.
Lâm chung là lúc người bệnh sắp bỏ báo thân, xin hãy cùng nhau thành tâm niệm Phật cầu Phật gia trì tiếp độ vãng sanh là chính xác theo Pháp Hộ-Niệm, thỉnh thoảng người hộ niệm lên tiếng nhắc nhở người bệnh định tâm lại niệm Phật, cầu A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn, đừng để người bệnh phân tâm, đừng để họ chạy theo những cảnh giới khác… Đây là phương pháp hướng dẫn cho người bệnh tự thực hiện con đường vãng sanh đúng nhất. Người hộ niệm phải y giáo lời Tổ mà phụng hành, chứ không thể tự dựng lên những phương pháp lạ lùng như cắt vết thương, bấm huyệt đạo, chận mạch máu hoặc làm những hành động mà chư Tổ đã nghiêm cấm. Mong chư vị không được hiếu kỳ làm theo những hành động thiếu chánh pháp mà sơ ý tạo nên nghiệp chướng. Quả báo không tốt đâu!…
Người muốn dùng thần chú để chuyển cảnh giới cũng có tâm ý tốt, nhưng chư Tổ luôn luôn khuyên rằng, “Tụng Kinh không bằng tụng Chú, tụng Chú không bằng Niệm Phật”. Niệm Phật viên mãn nhất, trực tiếp cứu thần thức người chết vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, thay vì họ phải theo nghiệp thọ báo ở các nẻo luân hồi đọa lạc. Mong chư vị phải nhớ cho, Pháp Niệm-Phật Vãng- Sanh rất cần sự chuyên nhất. Điểm mạnh là ở chỗ chuyên, chứ không phải ở chỗ tạp. Chư Tổ dạy, một người cả đời tụng bao nhiêu kinh, trì bao nhiêu chú, nhưng đến lúc lâm chung kinh chú không hữu hiệu nữa, chỉ còn câu A-Di-Đà Phật mới có diệu dụng đưa một người phàm phu tội chướng sâu nặng thoát vòng sanh tử luân hồi, vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc bất thoái thành Phật.
Người nào quyết lòng tin tưởng thì hãy tiến thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Người đó tha thiết nguyện vãng sanh thì vượt qua được 2/3 đoạn đường thành đạo. Nếu người đó quyết lòng buông xả vạn duyên xuống, tranh thủ từng giờ, từng phút, từng hơi thở một để niệm câu A-Di-Đà Phật, thì người đó đã thực hiện trọn vẹn con đường vãng sanh thành Phật rồi vậy.
Cho nên, sức mạnh của đường đi về miền Cực-Lạc để thành Phật là đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, chứ không phải là sự vay mượn các pháp khác hỗ trợ vào Pháp Niệm-Phât. Người có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì gọi là người có Niệm-Lực mạnh, nhờ Niệm-Lực mạnh mà giúp cho Phật-Tánh-Lực ứng hiện. Phật-Tánh-Lực ứng hiện được thì lúc xả bỏ báo thân Phật-Nhiếp-Thọ-Lực mới tiếp độ được cái Chơn-Tâm Tự-Tánh về miền Cực-Lạc. Còn nói theo Ngài Triệt-Ngộ Đại Sư, thì Tâm-Lực và Nghiệp-Lực là hai lực luôn luôn chi phối đến mỗi người chúng ta. Nếu Tâm-Lực mạnh thì Nghiệp-Lực sẽ yếu đi, nhờ Tâm-Lực mạnh mà một người có thể vượt qua tất cả những ách nạn của nghiệp chướng, theo nguyện lực cầu sanh mà họ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là pháp “Tùng Nguyện Vãng Sanh” chứ không phải “Tùng Nghiệp Thọ Báo”. Nói cách khác, đây là pháp “Đới-Nghiệp Vãng-Sanh”, được chư Phật Bồ-Tát trên 10 phương gia trì nên mới có hiện tượng 10 niệm tất sanh. Chính vì thế, câu A-Di-Đà Phật là đại chú vương vậy.
Đại-Thế-Chí Bồ-Tát, vị đứng bên phải của Đức Phật A-Di-Đà dạy rằng, phải chuyên lòng niệm Phật, thành tâm niệm Phật, thanh tịnh niệm Phật liên tục, không cần vay mượn bất cứ một pháp nào khác, thì Chơn-Tâm sẽ tự khai mở, nếu hiện giờ chưa được vãng sanh, thì lúc lâm chung cũng được thấy Phật tiếp độ về miền Cực-Lạc. Người niệm Phật cầu vãng sanh hãy quyết định một đời này chờ A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc để viên mãn thành tựu đạo quả. Phải vững tâm lên nhé, đừng dùng dằng nửa ở nửa đi mà bị chướng ngại, đánh mất cơ hội thành đạo, ân hận ngàn đời vạn kiếp.
Tín-Nguyện-Hạnh của Pháp Môn Niệm Phật được ví như ba chân của cái đảnh. Niềm tin yếu giống như bị gãy một chân làm cho cái đảnh tức thời ngã đổ, nghĩa là niệm Phật nhưng không thể vãng sanh. Do đó, người nào muốn vãng sanh thì niềm tin phải vững, sức nguyện phải vững, niệm Phật phải vững thì tự nhiên sẽ có cơ hội vãng sanh. Còn người nào chập chờn, niềm tin yếu ớt, chạy vay cái này mượn cái nọ, tạo thêm nhiều thứ xen tạp trong lúc sắp sửa xả bỏ báo thân, thì đường vãng sanh hình như bị khói mờ che khuất rồi vậy.
Nên nhớ cho, pháp môn niệm Phật tối kỵ ở cái chỗ xen tạp. Xen tạp là điều tối kỵ trong sự tối kỵ. Bây giờ đây còn khỏe, mình còn có chút thời gian để điều chỉnh, nhưng đến lúc sắp xả bỏ báo thân mà còn xen tạp nữa thì còn cơ hội nào nữa để sửa đổi? Một đời niệm Phật sau cùng thất bại. Đời kiếp sau này sẽ ra sao đây? Xin tự suy nghĩ lấy!…
Hiểu được như vậy, mong chư vị cần đi cho thẳng, đi cho vững, đi cho chắc để chúng ta một đời này trở về Tây-Phương Cực-Lạc, quỳ dưới chân của Đức A-Di-Đà, mà bạch lên Ngài rằng, con đã lưu lạc tha phương trong vô lượng kiếp qua, nếm đủ mùi đọa lạc đau khổ cùng cực, bây giờ con đã giác ngộ trở về nhà, đang quỳ dưới chân đấng Cha Lành, xin Ngài xót thương tiếp độ, giúp con trên trọn thành Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.