Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 02) | Pháp Hộ Niệm Vãng Sanh Bắt Nguồn Từ Đâu?

Share on facebook
Share on twitter

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 2)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

Nam Mô A Di Đà Phật.

Hứa với chư vị giảng quyển lại tập sách này, bây giờ mới khởi đầu sao cảm thấy thời gian dài mù mịt, không biết tới ngày nào mới xong đây! Nhưng không sao, thế nào cũng tới ngày chấm dứt thôi.

Xin thưa với chư vị, thời gian ở cõi Ta-Bà này thấy thì lâu, nhưng rốt cuộc cũng chẳng khác gì bóng câu qua cửa sổ. Một trăm năm ở thế gian này so với cung trời Đâu-Suất thì chỉ bằng mấy tiếng đồng hồ, bằng thời gian của chư Thiên ngồi uống một tách trà. Vậy thì mình giảng quyển sách này cũng chẳng bao lâu đâu so với các Ngài. Nhưng nếu khi nghe qua tọa đàm về quyển sách này mà có vị ngộ ra, quyết lòng hộ niệm cho nhau vãng sanh, thì xin thưa với chư vị, dùng khoảng thời gian ngắn ngủi ở cõi Ta-Bà này mình biến thành thời gian vô lượng thọ trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc. Hay lắm đấy.

Người phàm phu chúng ta trong thời này tu hành mà không khéo chọn lựa, hay gọi là trạch pháp cẩn thận, thì tu hành có đó, mà thành tựu đạo quả thì không dễ gì đâu. Khó lắm đấy!… Ấy thế mà hồi sáng này Diệu Âm có nói trong pháp hội vừa rồi, có một người dám tuyên bố rằng, ở Việt Nam cái hiện tượng vãng sanh đến giờ này không còn đếm được nữa, và vị đó nói rằng, đây là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, trước đây chưa từng xảy ra.

Như vậy, rõ rệt đây là một sự việc hi hữu đầy phước báu, vô cùng may mắn cho người Việt Nam chúng ta. Hầu hết sự thành tựu này đều nhờ vào Pháp Hộ-Niệm. Hôm nay Diệu Âm xin bắt đầu từ chương 1, câu 1 giảng đi nhé.

Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh bắt nguồn từ đâu?

Xin thưa với chư vị, tập sách này không có văn chương gì hết, mà chỉ là những câu trắc nghiệm đơn sơ, kèm theo đáp án [Đúng] hoặc [Sai] rất rõ ràng minh bạch.

(a): Pháp Hộ-Niệm vãng sanh được Phật huyền ký trong nhiều kinh điển, nhất là kinh luận Tịnh-Độ.

Chư vị nghĩ câu này có đúng không? -(Đúng). Xin thưa thực, khi nói về pháp môn tu học, một pháp môn bao gồm nhiều pháp môn trong đó, nhiều pháp môn có thể qui tụ lại thành một pháp môn đơn thuần. Lạ lắm chư vị. Ví dụ như một người tu pháp Sám-Hối, mình đừng nghĩ đó là một pháp môn tách rời tất cả các pháp môn khác. Thực ra tất cả mọi pháp môn, dù cao hay thấp, đều hàm nghĩa sám hối hết, chư vị nghĩ thử xem có đúng không? “Tu” là sửa, “Hành” là hành vi sai trái của mình. Thấy hành vi sai trái của mình là “Sám”, sửa nó đi là “Hối”. Như vậy, pháp môn nào lại không phải là Pháp Sám-Hối? Cũng như ở đây mình đang thực hiện Pháp Hộ-Niệm vãng sanh, đừng vội vã nghĩ rằng đây là pháp môn tách rời các pháp môn khác. Không phải. Tất cả pháp môn của Phật, 84 ngàn pháp môn, pháp môn nào cũng là hộ niệm cả. Chư vị cứ suy nghĩ cẩn thận đi. Một vị Sư gặp một nhóm Phật tử giảng cho họ một bài pháp, thì bài pháp đó chắc chắn nhắc nhở cho hàng Phật tử tu hành, hoặc làm chuyện công đức gì đó, tức là Ngài đang khai thị một pháp môn tu để thành tựu cho người Phật tử đó. Khai thị hướng dẫn đường tu chính là Pháp Hộ-Niệm chứ không có gì khác cả.

Như vậy, một vị Sư giảng cho hàng Phật tử rằng, các con hãy niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì khi Ngài giảng như vậy tức là Ngài khai thị hướng dẫn cho nhóm Phật tử đó niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Trong lúc giảng giải đó thì vị Sư đang thực hiện Pháp Hộ-Niệm vãng sanh chứ không có gì khác. Chư vị có đồng ý không? Một vị Thiền Sư tới một đạo tràng giảng rằng, chúng ta hãy giữ cái tâm thanh tịnh để đạt được cảnh giới gọi là “Sáng Tâm Thấy Tánh, Thấy Tánh Thành Phật”, vị Sư hướng dẫn cho chúng Phật tử một phương thức trở về Chân-Tâm Tự-Tánh để thành đạo. Hướng dẫn tu hành tức là hộ niệm chứ có gì khác hơn. Rõ ràng “Một là tất cả, tất cả là một”.

Ở đây chúng ta chuyên về phương pháp gọi là Hộ-Niệm Vãng-Sanh, thực ra là chúng ta đem tất cả những lời giảng của đức Thế-Tôn quy tụ vào  câu  A-Di-Đà Phật, và nhắc nhở cho mọi người hãy thực hiện ngay ngày hôm nay, rồi ngày mai, ngày mốt… ngày ngày đều nên thực hiện như vậy. Đến lúc sắp sửa lâm chung, chúng ta sẽ đến giảng giải cho nhau từng giờ một, sau đó từng phút một, rồi từng giây một để cho một người sắp sửa ra đi thực hiện cho được Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng mà đi vãng sanh.

Như vậy, khi chúng ta nói: “Hộ-Niệm Vãng-Sanh” là nhắm tới sự chuyên nhất, vững vàng, thường xuyên chứ không thể chỉ giảng qua một lần trong một năm, còn 364 ngày khác không cần tới. Nếu giảng một lần rồi bỏ đi, thì chúng ta chỉ hộ niệm cho nhau chỉ có một giờ thôi trong một năm, còn 364 ngày 23 giờ nữa không màng tới. Nghĩa là, 364 ngày và 23 giờ nữa ai muốn đi đường nào khác cứ đi. Vô tình, cũng là hộ niệm đó mà sau cùng không có người thành tựu.

Xin thưa với chư vị, khi nói đến một pháp môn nào, chúng ta cần nêu lên phương thức thực hiện cụ thể, vững vàng, chính xác, hợp cơ, hợp lúc để kịp thời giúp cho người đó một cơ hội thành tựu. Cụ thể hơn, hãy giúp cho một người khi liệng cái báo thân này đừng lượm cái báo thân khác trong sáu đường luân hồi nữa. Xin thưa thẳng với chư vị rằng, hạng người phàm phu như chúng ta khi liệng báo thân 2 chân này thường lượm phải cái báo thân 4 chân của một loại súc sanh ngu muội đấy. Nếu không lượm cái báo thân 4 chân, thì cũng lượm cái báo thân mà cái bụng to tướng như cái trống vì lòng tham, cái cổ nhỏ xíu như lỗ kim vì keo kiệt, chân đi cà khèo vì thiếu phước báu, đành chịu đói khát triền miên đời này qua đời khác… đó là hàng ngạ-quỷ. Ngạ-quỉ thường thường thích hợp với con người phàm phu tham lam như chúng ta lắm! Tại sao lại thảm thương vậy? Tại vì không biết hộ niệm đấy. Vì không thấy sự hộ niệm là quan trọng nên không dẫn dắt cho người tới nơi tới chốn, thành ra người hiểu đạo có một mà người mê đạo nhiều đến vô lượng vô biên. Với hàng phàm phu mê muội như chúng ta, xin thưa với chư vị, khi chết đi thường thường lượm cái thân bị hành hạ, bị chém giết, bị cưa cắt, bị giường sắt, bị trụ đồng… đời đời kiếp kiếp trong địa-ngục đấy. Vì sao vậy? Vì sân giận, vì làm ác, vì sát sanh…  Phải chăng cái nạn tam đồ ác đạo đang chực chờ bên cạnh chúng ta mà chúng ta không hay.

Chính vì thế, chúng ta đang nói đến Pháp Hộ-Niệm vãng sanh đây là chủ tâm dẫn dắt cụ thể cho người hữu duyên. Khi bạn còn khỏe, bạn hãy đến đây chúng tôi dẫn dắt cho bạn một tuần một lần, một lần 15 phút thôi, còn lại 6 ngày, 23 giờ, mấy chục phút kia bạn hãy nhớ những lời này mà cố gắng làm đi nhé. Rồi khi bạn bệnh, chúng tôi sẽ chia phiên nhau đến giảng từng ngày từng ngày cho bạn. Khi bạn nằm một chỗ sắp sửa ra đi, chúng tôi sẽ đến sát bên cạnh bạn mà khuyên giải, gỡ rối từng chút cho bạn, khiến cho những duyên chủng địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh rời cái tâm của bạn ra, để bạn giữ được mãi câu A-Di-Đà Phật trong tâm cầu nguyện vãng sanh mà được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Như vậy thì tất cả mỗi pháp môn, mọi kinh điển đều có huyền ký về Pháp Hộ-Niệm mà chúng ta không hay. Huyền ký là gì? Là Phật tìm cách nhắc nhở cho chúng sanh hãy cố gắng thực hiện những phương pháp nào cụ thể, chắc chắn, vững vàng, khả thi để thành tựu đạo quả, khi rời cái thế giới này đừng chui lại trong 6 đường luân hồi. Tất cả đều có huyền ký hết mà chúng ta không hay. Hi vọng là khi giảng qua hết quyển sách này, chư vị sẽ thấy rõ ràng Pháp Môn Hộ-Niệm nhìn qua thì đơn giản, nhưng cao tột. Đơn giản đến nỗi hàng phàm phu chúng ta có nhiều người hồi giờ chưa biết tu, nhưng khi gặp Pháp Hộ-Niệm họ phát tâm tin tưởng niệm Phật một vài ngày mà vãng sanh bất khả tư nghì. Cao tột ở chỗ hàng phàm phu chuẩn bị đọa vào tam ác đạo để chịu nạn, mà thực hiện pháp này lại có thể về tới Tây-Phương Cực-Lạc để thành tựu đạo quả.

Trong chuyến đi vừa rồi Diệu Âm thường nói lời tán thán công hạnh của bà Cụ Trần Ngọc Xoa, Diệu Âm biết bà Cụ này mười mấy năm qua từ một ban hộ niệm. Bà Cụ có lẽ đã trên 90 tuổi rồi. Bà Cụ rất thích đi hộ niệm, luôn luôn có mặt trong các ca hộ niệm, người nào mà giấu bà, không cho bà đi hộ niệm một ca nào đó, thì bà buồn mà khóc. Cuộc đời của bà khổ lắm, ở tại thành phố Hồ Chí Minh mà bà phải đi bán bánh ú hàng ngày, đi bán từ sáng sớm tới khoảng 2 giờ chiều mới về tới nhà. Một ngày bán hết một rổ bánh ú như vậy bà kiếm được khoảng 15 đến 20 ngàn đồng Việt Nam. Cuộc sống của bà khổ như vậy đó. Thế mà khi về tắm rửa xong thì bà liền tham gia đi hộ niệm. Bà hộ niệm như vậy luôn mười mấy năm trường. Ngày ông Cụ thân sinh của Diệu Âm ra đi cũng được chính bà Cụ này tới hộ niệm. Bà có một thói quen là không bao giờ muốn thay ca, tức là nếu ban hộ niệm đó hộ niệm suốt đêm thì bà nhận niệm Phật từ đầu đêm đến cuối đêm không muốn thay ca, mặc dù sáng sớm hôm sau bà phải đi bán bánh ú. Thế mà bà thực hiện việc này qua mười mấy năm trường. Đến khi già rồi, không còn đi hộ niệm được nữa, bà ở nhà niệm Phật. Năm ngoái Diệu Âm còn gặp được bà. Khoảng trước ngày Diệu Âm đi qua Âu Châu, người ta báo rằng, bà bán bánh ú đã giơ tay vẫy chào mọi người rồi đi vãng sanh rồi.

Xin thưa với chư vị, nhiều người cho Pháp Hộ-Niệm này là dở, còn Diệu Âm thì thấy vi diệu vô cùng, tuyệt vời vô cùng. Một phương pháp đưa từng người thành tựu đạo quả ngay trong một đời này, trước mắt chúng ta, vậy mà có người lại hững hờ, có người không tin, nhiều người còn chê bai!…

Xin hỏi, tìm chi những pháp tu quá cao, quá xa, lại không hợp với căn cơ của mình để thực hiện không được vậy? Mà suy cho cùng ra, cái pháp đó cũng là Pháp Hộ-Niệm chứ có gì khác đâu. Thực sự. Tại vì, một là tất cả, tất cả là một mà.

Mong rằng, trong những ngày tới Diệu Âm sẽ cố gắng khai thác triệt để, để chư vị nghĩ coi Pháp Hộ-Niệm vãng sanh này có phải là một đại cứu tinh cho tất cả mọi người một đời này khi xả bỏ báo thân không thể nằm trong dạng gọi là: “Nhân Thân Nan Đắc“ của Phật nói, mà hãy nằm trong dạng gọi là:“Mười Niệm Tất Sanh“ của đức A-Di-Đà ban phát cho chúng sanh. Hãy quyết định phát thề đi chư vị, làm sao làm, trước khi xả bỏ báo thân này, chư vị phải bảo đảm rằng, niệm 10 câu “A-Di-Đà Phật“ rõ rõ ràng ràng trong tâm, và ý nguyện vãng sanh không lay chuyển, được vậy chư vị sẽ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Làm sao được như vậy? Xin đừng rời Pháp Hộ-Niệm này ra nhé. Xin nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm thật kỹ đi nhé, chư vị sẽ thực hiện được ý niệm này. Nếu người nào lơ là Pháp Hộ-Niệm này thì nhất định bị trở ngại, nhiều khi mới nói hai tiếng “A-Di…“, hai chữ thôi, ta bị cứng mồm rồi, ta bị loạn rồi, ta bị hãi kinh rồi, ta quên mất hết rồi… ta không cách nào làm được gì hơn nữa!…

Mong chư vị hiểu được vấn đề này, hãy cố gắng nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm liền đi.  Đây là tập sách xin biếu chư vị để đem về nhà coi trước, khi tới đây mỗi người đều có ý niệm trước, rồi Diệu Âm bàn thêm vào, chư vị sẽ thấy thấm thía hơn. Chúng ta cùng nhau quyết đi về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo nhé.

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –