Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 04) | Trên Thế Gian Này Có Bao Nhiêu Pháp Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 4) Chương 1 câu 5 a, b

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Chương 1, vấn đề thứ 5: Trên thế gian này có bao nhiêu Pháp Hộ Niệm?

  1. a) Mỗi một Pháp môn tu học đều có pháp hộ niệm riêng.

Đúng đấy chư vị. Có nhiều người hiểu lầm về hộ niệm. Họ nói rằng tại sao không chịu lo tu hành, lại cứ ở đó chờ chết rồi kêu người ta tới hộ niệm vãng sanh. Đâu có chuyện vãng sanh dễ dàng như vậy!…

Thực ra, mỗi một pháp môn tu hành là một pháp hộ niệm. Mỗi lần một vị Sư tới giảng pháp cho Phật tử nghe là mỗi lần Ngài hộ niệm cho đấy. Thực đấy! Tại vì hộ niệm là hướng dẫn, khai thị, chỉ vẽ cho người tu hành đó thành đạt mục đích của pháp môn tu, thì pháp hộ niệm vãng sanh chính là người đi hộ niệm hướng dẫn cho người đồng tu, người bệnh thực hiện cho được Tín-Nguyện-Hạnh để họ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy rõ ràng mỗi pháp môn tu đều có phương pháp hộ niệm riêng, hay nói thẳng ra, mỗi pháp môn tu là một pháp hộ niệm chứ không khác gì cả.

Nhưng khi chúng ta nhấn mạnh tới danh từ “Hộ Niệm“ là hàm ý một khi hướng dẫn một phương pháp tu hành thì chúng ta phải hướng dẫn cho đầy đủ, cụ thể, thực tiễn… Ví dụ rõ hơn, khi không chú ý tới vấn đề hộ niệm, thì có thể đến kỳ một pháp hội, hoặc nhân dịp một đại lễ nào đó trong năm, ta đến thuyết giảng một lần cho Phật tử đồng tu nghe qua pháp Phật rồi thôi. Thành ra, 365 ngày trong năm, người học đạo chỉ được nghe giảng pháp một tiếng đồng hồ, còn 364 ngày và mấy chục giờ nữa thì tự tìm cách tu lấy. Tự tu thì có thể tu sai, có thể hành sai… chính vì vậy mà Phật tử đồng tu khó có thể thành tựu được mục đích của phương pháp tu hành.

Còn khi chúng ta nói về hộ niệm thì trong pháp hội chúng ta giảng, gặp cơ duyên chúng ta giảng nhưng giảng thật kỹ, rồi đến những lúc cần thiết như bệnh hoạn, đau ốm, lâm chung… chúng ta đến sát bên cạnh người bệnh giảng giải, hướng dẫn, gỡ rối…

Cho nên, trong pháp hộ niệm có phương pháp gọi là khai thị, hướng dẫn. Khác với sự lập đàn thuyết kinh giảng đạo, khai thị ở đây là hướng dẫn từng chút, từng chút và gỡ từng phần, từng phần những gì người bệnh bị rắc rối, bị vướng mắc… để họ an tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ.

Vì thế, người nào cho rằng tại sao không chịu lo tu hành, mà lại cứ đợi chết rồi nhờ tới hộ niệm là một sự hiểu lầm lớn lao, vô cùng đáng tiếc!.. Thực ra, phương pháp hộ niệm chính là hướng dẫn cho một người từng chút, từng chút rõ ràng để họ biết đường tu hành. Hộ niệm cho người bệnh là hướng dẫn người bệnh đó từng điểm, từng điểm và đòi hỏi chính họ phải thực hiện cho được để được vãng sanh. Như vậy biết hộ niệm là biết pháp tu hành cụ thể, thiết thực, vững vàng chứ không phải nằm đó chờ chết đâu. Xin đừng hiểu lầm!…

Thành ra, tu hành mà mông lung vô định, ưa lý huyền luận diệu, cứ tưởng như vậy là đủ, là hay… không ngờ đến lúc nằm xuống rồi thì vạn sự phũ phàng ập đến, tâm hồn tán loạn, rối rắm… làm sao gỡ được đây? Vì nhiều người đã sơ ý xem thường sự hộ niệm, giảng giải quá sơ sài, cứ tưởng triển khai một vài lý đạo hay hay là người ta có thể thực hiện được. Xin hỏi rằng, trước nay có mấy ai thực hiện được đây!…

Xin thưa với chư vị, ngay ở Việt Nam chúng ta, bao nhiêu năm qua có lẽ cũng vì sơ suất không chú ý đến vấn đề hộ niệm, không dẫn dắt từng bước từng bước cụ thể để đi, không vạch rõ từng điểm từng điểm thực tế để thực hiện, làm cho người tu hành mông lung đường tu, thành ra trải qua một thời gian quá lâu dài người tới chùa lạy Phật thì có, còn sự thành tựu thì quá hiếm hoi!… May ra chỉ có những vị Cao Tăng Hòa Thượng, những vị thượng căn thượng trí mới có được sự thành tựu, chứ còn hàng Phật tử, đồng tu tại gia tìm đâu ra một người thực sự hưởng được sự lợi lạc chân chính?

Phải chăng, trong sự tu hành đã sơ ý tạo một khoảng trống quá lớn. Khoảng trống đó là ngay tại lúc người ta lâm chung, ngay khi người ta bệnh hoạn, ngay trên ý niệm mông lung, ngay ở chỗ pháp tu không khế hợp căn cơ. Từ đó vọng tưởng phát sinh, vướng mắc đủ điều… Làm sao gỡ được để thoát nạn?…

Cho nên hiểu được chân chính ý nghĩa hộ niệm rồi, chúng ta mới thấy đây là một điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu, chứ không phải đơn giản như người thế gian khen chê đâu.

  1. b) Tất cả mọi Tôn Giáo đều có phương pháp hướng dẫn người sắp chết đi về cảnh giới tương ứng, có thể gọi đây là cách hộ niệm của họ.

Thực sự đúng như vậy đấy chư vị. Hộ niệm là một pháp tu. Pháp nào cũng tu cả. Tôn Giáo nào cũng tu cả. Đã tu hành thì phải có sự hướng dẫn đường đi. Hướng dẫn người ta đi thì đây là phương pháp hộ niệm chứ không có gì khác. Ví dụ như trước đây Diệu Âm tu theo đạo Cao-Đài, một khi trong bổn đạo có một người chết, thì hầu hết tín hữu trong bổn đạo ở vùng đó tề tựu lại để tụng kinh cầu nguyện suốt mấy ngày liền. Khi một người trong bổn đạo bị bệnh hoặc bị chướng nạn gì đó, nhiều người tề tựu lại tụng kinh cứu khổ, khuyên giải, giúp đỡ, gỡ rối… cho người đó. Mục tiêu của các vị đó chính yếu là đường Hiền-Nhân Quân-Tử, một đạo hướng dẫn con người làm lành, làm thiện để hưởng cảnh Nhân-Thiên trong tương lai. Họ chỉ khác với Phật Giáo là không hướng dẫn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thôi.

  1. c) Duy nhất chỉ có một pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông mà thôi.

Câu này đúng không chư vị? Sai rồi!… Câu này nghịch ý với câu trên. Vì nghĩ rằng chỉ có Tịnh-Độ-Tông mới có hộ niệm, nên kéo theo một sự hiểu lầm khác, cho rằng pháp hộ niệm vãng sanh là do Tịnh-Tông Học-Hội đưa ra. Xin thưa, không phải vậy đâu. Chúng ta đang hướng dẫn nhau đi về Tây-Phương Cực-Lạc, nên khi nói đến hộ niệm thì tự nhiên ai cũng hiểu là pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông, chứ thực ra Tịnh-Độ-Tông có pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông. Pháp hộ niệm của Mật-Tông thì ứng dụng khác hơn, thường thường một vị Thượng-Sư đến ngồi bên cạnh người chết và hướng dẫn thần thức của người chết đó vượt qua nhiều cảnh giới trong thân-trung-ấm, suốt mấy ngày, có khi suốt một tuần như vậy. Đó là cách hộ niệm của họ.

Hôm trước đi qua Mỹ, có một vị nghiên cứu về Mật-Tông rồi đưa ra những cảnh giới của thân-trung-ấm. Vị đó biếu cho Diệu Âm hai cuốn sách rất dày, và xin Diệu Âm cho ý kiến. Diệu Âm không dám nêu ý kiến gì cả, vì nhìn qua biết rõ ràng vị này đã nghiên cứu để dẫn dắt thân-trung-ấm trải qua những cảnh giới nào đó chứ không phải là pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông. Sẵn dịp đây cũng xin thưa với chư vị rằng, với pháp hộ niệm vãng sanh của Tịnh-Độ-Tông cần chú ý cái điểm đơn giản, dễ dàng, đừng nên dẫn dắt thần thức đi vào những cảnh giới quá ư huyễn hóa mà nhiều khi họ bị kẹt trong đó gỡ ra không được. Ví dụ, khi diễn tả những cảnh giới của thân-trung-ấm, nhiều lúc chính mình chưa thể hiện những cảnh giới đó một cách rõ ràng, chưa thấy qua những cảnh giới của thân-trung-ấm là như thế nào mà dẫn người ta đi vào đó, đường nào bảo đảm là đúng đây. Cho nên đã là “Mật“, nhưng chính mình chưa hiểu rõ cái “Mật“ đó như thế nào mà mạnh dạn khai thác ra coi chừng bị sơ suất!… Thứ hai, cảnh giới quá huyễn hóa, nhiều khi chính mình vào trong đó rồi thì hốt hoảng, rối bù… thoát ra không được, thì làm sao có thể dẫn dắt người chết đó thoát nạn. Chính vì những lý do này mà Diệu Âm không dám ý kiến vậy!

Diệu Âm chỉ nhắc nhở một vấn đề là pháp niệm Phật hộ niệm vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc đơn giản vô cùng. Hãy dặn dò người sắp ra đi đó dù thấy bất cứ một cảnh giới nào đều cứ cho đó là hão huyền, là vô thực. Đừng mừng, đừng sợ, đừng tham, đừng chấp vào đó, đừng sơ ý đi theo. Chỉ một mực nhiếp tâm nhìn hình tượng A-Di-Đà Phật, thành khẩn niệm A-Di-Đà Phật liên tục cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Khi nào thấy A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn, hãy theo Ngài đi vãng sanh là được.

Thành ra, dẫn dắt chúng sanh đi sâu vào nhiều cảnh giới, sao bằng dặn họ hễ gặp bất cứ một cảnh giới nào, nếu không phải là A-Di-Đà Phật thì cứ tự nhiên, đừng để tâm tới, đừng nhìn tới, đừng nghe tới, đừng chú ý tới… Cứ cho đó là hư huyễn. Hãy dặn dò người bệnh quyết định tâm lại, vững vàng niệm “A-Di-Đà Phật“ là được. Như vậy, người ra đi chỉ còn đối diện hai vế thật đơn giản, một là A-Di-Đà Phật hiện thân thì theo Ngài đi về Tây-Phương Cực-Lạc; hai là những cảnh giới khác hiện ra, thì mặc kệ chúng, quyết định không thèm chú ý tới, cứ nhiếp tâm niệm Phật thì tự nhiên mọi chướng nạn đều được giải tỏa. Còn nếu sơ ý, dẫn dắt chúng sanh vào những cảnh giới của thân-trung-ấm, vào rồi dễ gì thoát ra!… Nên nhớ cho, nếu là Bồ-Tát thì không sao, còn hàng phàm phu mà thích chui vào những cảnh giới hư huyễn, vào thì dễ đấy còn thoát ra không phải đơn giản đâu nhé! Ví dụ như có một khu rừng vô cùng tối tăm hiểm trở, thì hãy dặn bảo nhau đừng vào đó làm chi. Nếu mạo hiểm dẫn nhau vào trong đó, vừa tránh bụi gai thì coi chừng bị rơi vào hố rắn, né được hố rắn thì coi chừng lại sụp xuống hầm rết, không rết thì cọp beo… Vạn cảnh giới hiểm nghèo mai phục trong đó, ta dễ gì có thể thoát nạn đây.

Chính vì thế xin thưa với chư vị, khi hiểu được phương pháp hộ niệm rồi thì hãy nhớ cho kỹ những điều này, tất cả mọi cảnh giới ứng hiện ra trong lúc mình xả bỏ báo thân xin đừng để tâm tới, nghĩa là đừng buồn, đừng sợ, đừng lo, đừng nghĩ, đừng chú ý tới là được. Hãy cứ nghĩ đó là cảnh giới hão huyền không thực. Hãy định cái tâm lại và vững vàng niệm A-Di-Đà Phật. Nhắc nhở người bệnh, nếu thấy một điều gì ứng hiện ra đều nên báo cho ban hộ niệm biết liền là được. Hãy tin tưởng rằng người hộ niệm có cách giải quyết. Xin nhớ lấy nguyên tắc này thì hầu hết những chướng nạn có thể được hóa giải. Ví dụ, thường nhất là người bệnh thấy ông bà, người thân đã chết hiện về… xin chư vị tuyệt đối đừng sợ, đừng buồn, đừng lo, đừng đi theo họ… Những ngày giỗ kỵ, đứng trước bàn thờ Gia Tiên đừng cầu xin Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ, những người quá cố đó về bảo hộ giúp đỡ mình. Những sự cầu xin này hoàn toàn không tốt, không đúng chánh pháp! Thấy Phật, thấy Bồ-Tát, thấy Trời, thấy Tiên, bất cứ cảnh giới gì khác ứng hiện ra cũng cứ mặc kệ. Hãy cứ vững lòng nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật là được. Nếu làm được như vậy, thì trong kinh Thập-Vãng-Sanh Phật có dạy rằng, 25 vị Bồ-Tát liền phóng quang gia trì cho chúng ta, chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ cho mình, nhờ đó mà tự nhiên mình được thoát nạn.

Xin thưa chư vị, khi biết được sự quan trọng của pháp hộ niệm rồi, mong chư vị cố gắng nghiên cứu thêm để khả năng hộ niệm càng ngày càng vững. Ở những phần sau, Diệu Âm sẽ tiếp tục nói thêm. Chúng ta cố gắng hoàn thành một khóa trình tương đối đầy đủ một chút, làm tài liệu giúp cho những ai có duyên nương theo tu tập. Mong chư vị cố gắng, quyết tâm một đường đi về cho tới Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –