Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 83) – Vấn Đề Đồng Phục Khi Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 83)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 35, vấn đề 41 cuối cùng của chương 1. Vấn đề đồng phục khi hộ niệm.

(a): Bắt buộc phải mặc áo tràng cho trang nghiêm khi hộ niệm.

Đúng không chư vị? – (Sai). Không đúng lắm. Pháp Hộ-Niệm không phải là một lễ đàn hay pháp hội, nên không bắt buộc phải mặc áo tràng thật trang nghiêm mới hộ niệm được. Hầu hết thời gian trong một cuộc hộ niệm là để giúp đỡ người bệnh niệm Phật, tìm cách hóa giải những vướng mắc cho họ. Người hộ niệm thường khai thị hướng dẫn trong không khí vui vẻ, thoải mái, nhằm xóa tan những sự căng thẳng trong đầu óc của người bệnh để họ an tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Cho nên, mọi người mặc áo tràng trang nghiêm cũng tốt, nhưng đây không phải là điều bắt buộc phải có.

(b): Bắt buộc không được mặc áo tràng.

Đúng không chư vị? – (Sai). Cũng không đúng luôn. Có áo tràng hoặc không có áo tràng đều có thể hộ niệm được. Nói chung, đây không phải là chuyện quan trọng. Tương tự như pháp khí, trong Pháp Hộ-Niệm vấn đề pháp khí không quan trọng, nếu muốn dùng đến pháp khí, thì chỉ nên dùng khánh là đủ rồi. Tiếng khánh chỉ hỗ trợ thêm thôi chứ không phải bắt buộc phải có. Vấn đề áo tràng cũng vậy, có áo tràng thì khung cảnh trang trọng, hộ niệm tốt, nhưng những điều không quan trọng thì chúng ta hãy tùy duyên mà uyển chuyển là được rồi.

(c): Hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của gia đình.

Đúng hay sai? – (Sai). Những gì thuộc về qui luật hộ niệm phải dành cho ban hộ niệm quyết định, chứ không thể gia đình người bệnh quyết định được. Nếu tùy thuộc vào gia đình, hễ người thế gian muốn làm sao, ban hộ niệm phải làm vậy, thì còn gọi là Pháp Hộ-Niệm nữa sao? Như vậy câu này không đúng.

Ban hộ niệm phải quyết định đúng theo qui luật hộ niệm, và gia đình người bệnh phải tôn trọng làm đúng theo mới có thể hộ niệm được. Đôi khi gia đình gặp phải những khó khăn riêng, thì nên trình bày rõ. Nếu thấy hợp lý, ban hộ niệm cũng có thể uyển chuyển, để nương theo duyên đó nhằm giúp gia đình cố gắng vương lên, tìm cách khắc phục, chứ không thể hoàn toàn tùy vào gia đình được.

Nguyên tắc của Pháp Hộ-Niệm là trước khi nhận hộ niệm cho một người, ban hộ niệm cần phải gặp gia đình, đưa qui luật hộ niệm và phải giải thích rõ ràng cho mọi người trong gia đình hiểu. Nếu gia đình đồng ý chấp nhận làm đúng theo qui luật đó, thì ban hộ niệm mới có thể hộ niệm được. Cần giữ vững qui luật hộ niệm thì mới có hi vọng giúp cho người thân của họ hưởng được lợi lạc, hay nói rõ hơn là có thể vãng sanh. Còn như gia đình có tính miễn cưỡng, cố tình không làm, hoặc làm khác đi, thì tốt nhất ban hộ niệm nên thẳng thắng từ chối, chứ không thể nào hoàn toàn tùy thuộc vào gia đình theo cách tùy duyên để giúp được gì thì giúp. Mong các ban hộ niệm hãy chú ý, phải làm đúng pháp mới có cơ hội tiễn đưa một người vãng sanh. Mọi sự sơ ý, không những không cứu được ai, mà làm cho Pháp Hộ-Niệm dễ bị mạt tận. Chư vị đồng ý không? – Đồng ý.

(d): Nên mặc áo tràng hoặc đồng phục thống nhất cho trang nghiêm.

Đúng hay sai? – (Đúng). Nếu bắt buộc phải mặc áo tràng, thì không đúng, còn nên mặc áo tràng thì đúng. Chữ “Nên” mang ý nghĩa tùy duyên lựa chọn, chứ không phải bắt buộc.

Ở Việt Nam hầu hết các ban hộ niệm thường mặc áo tràng đi hộ niệm. Điều này tốt. Nếu có người quên đem theo áo tràng cũng được quyền tham gia hộ niệm. Mặc áo tràng trang nghiêm rất hợp trong thời điểm người bệnh sắp sửa ra đi và sau khi ra đi. Thông thường lúc đó mọi người đều thành tâm niệm Phật cầu nguyện Phật lực gia trì tiếp độ người bệnh, và mọi người cũng đang thành tâm khẩn nguyện chư vị trong pháp giới có duyên nên xóa bỏ oán thù, hóa giải oán kết, cùng niệm Phật cầu vãng sanh. Lúc đó nếu mọi người đều mặc áo tràng hoặc đồng phục thì càng tăng phần trang nghiêm, càng thêm phần cảm ứng.

Xin thưa với chư vị, đến đây chúng ta đã giảng xong phần “Tổng Quát Về Hộ Niệm” trong chương 1. Chiều nay chúng ta sẽ bắt đầu bàn vào chương 2. Thêm một chương sẽ đi sâu thêm một bước nữa vào Pháp Hộ-Niệm. Càng vào sâu hi vọng chúng ta thấy càng rõ cái lý đạo nhiệm mầu của Pháp Hộ-Niệm, chắc chắn lý đạo của Pháp Hộ-Niệm đơn giản này không thua kém bất cứ một pháp môn vi diệu nào đâu. Thật sự mỗi một pháp môn của Phật đều thậm thâm vi diệu, đều rộng trùm pháp giới cả.

Trước khi bắt đầu giảng giải qua chương 2, Diệu Âm xin mượn chút ít thời giờ còn lại để tán thán một vị mới vừa phát tâm thành lập một trang website rất dễ thương, nhằm sưu tập những tọa đàm nói về hộ niệm để lưu tồn và giới thiệu đến mọi người. Thực sự xin thành tâm tán thán. Đó là trang website niemphatthanhphat.net. Trang website này sẽ lần lượt lưu giữ tất cả những gì của Diệu Âm nói về hộ niệm, để lưu giữ làm tài liệu về sau.

Diệu Âm có phát tâm nói về hộ niệm, nhưng nếu không có những vị phát tâm để phổ biến rộng rãi ra, thì những cuộc tọa đàm này chẳng qua cũng chỉ được vài mươi người có mặt hôm nay nghe qua thôi, chứ làm sao người khác biết tới. Nhất định phải cần nhờ đến phương tiện tiên tiến và người phát tâm hộ pháp thì mới có thể lan rộng đến đại chúng được.

Thật sự người hộ pháp quan trọng vô cùng. Chính nhờ người hộ pháp thì chánh pháp mới được phổ biến rộng rãi, làm lợi lạc chúng sanh. Công đức hộ pháp rất lớn. Người hộ pháp không nói pháp mà trở thành người bố thí pháp mạnh nhất đấy.

Bố thí pháp thì tự nhiên trí huệ khai mở. Người không nói pháp, nhưng đem chánh pháp gieo duyên đến chúng sanh cũng liên quan đến bố thí pháp. Bố thí Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh nhằm giúp cho một người thoát qua cơn khủng hoảng của bệnh khổ mà an tâm niệm Phật cầu vãng sanh, thoát vòng khổ lụy, thì công việc này chứa đầy tính bố thí vô úy. Bố thí vô úy thì kết quả là thân thể an khang tráng kiện.

Hiểu được Phật pháp, chúng ta mới biết rằng không phải mỗi ngày tới Niệm Phật Đường này thành khẩn lạy Phật, lạy Bồ-Tát cầu xin an khang tráng kiện là được an khang tráng kiện đâu. Hoàn toàn không phải vậy. Người học Phật phải hành đúng chánh pháp. Phật dạy bố thí pháp thì được thông minh trí huệ, bố thí vô úy thì thân thể khỏe mạnh, bố thí tài vật thì nghèo khó không còn.

Người niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì không nên sợ đến bệnh khổ, một cơn bệnh đến hãy nghĩ rằng nhờ cơ hội này mà ta sớm được vãng sanh. Có được tinh thần này gọi là tự tại trước bệnh khổ. Người tự tại trước bệnh khổ thì có bệnh mà tinh thần như như, an nhiên, vô tình bệnh khổ hình như đã tan biến. Người thực sự biết niệm Phật có bệnh mà coi như không bệnh là như vậy. Chư vị nghĩ thử, có một người nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mà bệnh hoạn có thể cản ngăn họ không? Có vị Bồ-Tát nào trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc mà bị bệnh bị nạn không? Không bao giờ có.

Lập một trang website để chuyển tải Pháp Hộ-Niệm phải dùng đến tiền. Đem tiền bạc ra làm đạo là bố thí tài vật. Tiền bạc là ngoại tài, ngày đêm ngồi trước computer tưng tiu từng trang web là bố thí nội tài. Như vậy vô tình từ một phát tâm này mà ba loại bố thí đã được viên mãn. Xin vỗ tay tán thán. Bố thí tài thì sẽ được tài phú, tức là có tiền bạc. Người nghèo khổ mà phát được cái tâm bố thí thì tự nhiên thoát khỏi cảnh nghèo. Lạ lắm! Chư vị chú ý quan sát thì có thể nhận thực ra điều này.

Người trong đời này được giàu sang là do quả báo của sự bố thí tiền tài trong những đời kiếp trước. Nếu đời này họ tiếp tục bố thí giúp người nữa, thì tài sản của họ sẽ phát triển không bị suy giảm và lưu lại cho con cháu hưởng thọ dài lâu. Một người đời này tiền tài rủng rỉnh, mà keo kiệt không chịu bố thí giúp người, thì sự giàu sang nhiều lắm cũng chỉ trải qua một thế hệ là cùng, sau đó sẽ tiêu tùng theo cát bụi!…

Xin lấy thẳng trong giòng tộc của Diệu Âm ra làm ví dụ. Gia đình Diệu Âm thuộc hàng phú hộ, Cố Tổ được tôn là ông Cả trong làng, gia đình giàu có nhất làng, tài sản ruộng vườn rất nhiều, xứng danh với tiếng thế gian gọi: cò bay thẳng cánh, nghĩa là con cò sải cánh bay thẳng cũng không vượt qua khỏi ranh giới đất đai. Thế nhưng chỉ cần qua một thế hệ thì tài sản tiêu tan, con cháu cũng không hưởng được chút ít phước báu nào từ ông bà lưu lại. Đây chính là vấn đề “Nhân Quả”. Keo kiệt là nhân, bần cùng là quả. Người không có tâm bố thí, thì dẫu có sang giàu tới đâu cũng mau chóng biến thành nghèo khó.

Chính vì vậy, biết được Phật pháp rồi chúng ta mới biết cách làm giàu chân chánh. Người làm đạo mà vì danh văn lợi dưỡng cá nhân, thì quả báo sau cùng cũng chỉ là con số “0” to tướng. Còn người vì chúng sanh mà làm đạo, thì phước báu sẽ vô tận, đem phước báu này hỗ trợ cho đường niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ thật là tuyệt vời. Có phước báu nào lớn hơn việc vãng sanh đâu? Riêng Diệu Âm cũng không còn gì để gìn giữ nữa. Tất cả những gì chư vị thấy đây là giả tạm. Cụ thể, như cái đạo tràng này, dù nhỏ hay lớn, Diệu Âm cũng xin hiến tặng hết cho chúng sanh, quyết không giữ làm của riêng cho mình. Con cháu phải biết tự tu phước thiện để hưởng phước lâu dài, còn tham lam keo kiệt thì nhất định bị bần cùng nghèo đói, đời sau thoát không khỏi cảnh giới ngạ quỉ đói khát đâu.

Xin kể cho chư vị nghe về sự tích ông Phạm Trọng Yêm thời nhà Tống. Một người từ nhỏ đã sống trong cảnh nghèo khổ, hiếu học, không có tiền để ăn được bữa cơm no. Ông thường xuyên phải nấu cháo đặc và cắt từng miếng để ăn qua ngày. Nhưng ông lại có tâm từ bi thương người rất lớn. Sau này làm đến chức tể tướng vẫn không lo đến sự nghiệp cá nhân. Bao nhiêu tiền tài sản vật ông đều đem bố thí cho dân nghèo chứ không để lại cho con cháu. Thế gian thời đó cho rằng ông là hạng người bất thường ngu dại. Nhưng không ai biết được rằng, chính nhờ cái tâm bố thí thường giúp người của ông, mà ông đã lưu lại cho con cháu một cái phước báu vô tận. Suốt hơn 800 năm sau, con cháu của ông tiếp tục hưởng phước, từng đời từng đời thăng quan tiến chức, không bị suy tàn.

Như vậy, muốn có phước báu phải có tâm bố thí. Một việc làm đơn sơ, nhưng kèm theo đó có tâm chân thật bố thí thương người, thì tự nhiên có phước báu chân thật. Phước chí tâm linh. Phước báu phát triển chân thật thì khiến cho tâm linh được hoàn mãn. Nghĩa là sao? Nghĩa là, nếu là người niệm Phật, thì nhờ cái phước này mà đường vãng sanh thành đạo được sự hỗ trợ thật tuyệt vời.

Phật pháp vi diệu vô cùng. Tất cả đều do tâm tạo, chỉ vì chúng sanh không biết dụng tâm theo chánh pháp mà thôi. Một đồng giúp người mà có tâm chân thật rộng như thái hư, thì phước báu sẽ châu biến pháp giới. Một triệu đồng bỏ ra giúp người mà vội vã tìm cách thu lợi, thì dẫu cho danh vọng có vang khắp nơi, cũng sẽ tàn phai nhanh chóng mà thôi.

Hãy làm phước nhưng đừng hưởng phước nơi đây. Hãy gởi tất cả phước lành về Tây-Phương Cực-Lạc cầu lúc lâm chung tinh thần tỉnh táo, thân không bệnh khổ, chánh niệm hiện tiền, một đời này từ giã cái thế giới Ta-Bà khổ nạn vãng sanh thành Bồ-Tát bất thoái, rồi sau đó thị hiện độ sanh. Có phước báu nào lớn hơn?

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –