Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 64)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 28, nói về: Mức tu chứng tối thiểu của người hộ niệm là gì?
(e): Có tâm từ bi thương người với lòng chí thành khẩn thiết cầu A-Di-Đà Phật gia trì tiếp độ người bệnh là có thể hộ niệm được.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thực tế là người hộ niệm không cần phải có năng lực đặc biệt gì cả, cũng không cần phải có sự tu chứng nào cả. Nếu trong thời này mà đòi hỏi một người có tu chứng rồi mới đi hộ niệm thì chắc trên thế gian này khó có được một người vãng sanh, vì trong thời mạt pháp này tìm đâu ra một người thực sự tu chứng để hộ niệm đây? Hơn nữa, một người đã thực sự tu chứng thì không bao giờ khoe ra đâu, như vậy ai dám tự cho mình là người tu chứng để đi hộ niệm? Không có người hộ niệm thì không có sự hộ niệm, thế thì người bị chết nhiều quá, nhiều đến vô lượng vô biên, còn người được vãng sanh thì ít quá, đếm không đầy trên đầu ngón tay. Như vậy thì pháp Phật làm sao rộng độ chúng sanh?…
Nhưng trên thực tế, riêng người Việt Nam chúng ta thôi, trong mấy năm qua nhờ được hộ niệm mà có được hiện tượng vãng sanh nhiều đến nỗi không còn cách nào đếm được nữa. Như vậy, Pháp Hộ-Niệm thực sự đã cứu độ con người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thành viên các ban hộ niệm đều là những Phật Tử Đồng Tu bình thường phát tâm làm lấy, chứng tỏ rằng người hộ niệm không đòi hỏi phải có mức tu chứng nào cả.
Nhưng có nhiều người vẫn nghĩ rằng, cần phải có một năng lực đặc biệt nào đó mới hộ niệm được. Đây là do người ta tự nghĩ như vậy, chứ thực tế không cần phải như vậy.
Người nào tự chủ niệm Phật từ 1 niệm đến 10 niệm cầu nguyện vãng sanh ngay khi xả bỏ báo thân thì được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là điểm chính yếu để cho người bệnh vãng sanh. Như vậy người được vãng sanh không phải do năng lực của người hộ niệm mà là do năng lực của chính họ. Năng lực này là gì? Chính là Tín-Nguyện-Hạnh của họ đầy đủ. Người hộ niệm chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở, hướng dẫn để cho chính người bệnh làm được đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh này.
Mong chư vị dũng mãnh huân tu Pháp Niệm-Phật, quyết một đời này trước khi xả bỏ báo thân phải niệm cho được câu A-Di-Đà Phật rõ ràng trong tâm, cầu nguyện vãng sanh Tịnh-Độ, một đời viên thành Phật đạo. Chúng ta nói, niệm Phật rõ ràng trong tâm, là có ý nói đến những người khi ra đi vì mệt quá niệm lên tiếng không nổi, nhưng trong tâm âm thầm niệm Phật rõ ràng thì vẫn được vãng sanh.
Kinh Phật dạy vậy, nhưng có người vẫn nghi ngờ lời Phật, mới nói rằng làm gì dễ dàng vậy! Làm gì có chuyện niệm một câu Phật hiệu mà được vãng sanh!… Thì giờ đây xin những ai có mối nghi ngờ này hãy mau mau bỏ cái niệm nghi ngờ xuống, phát khởi niềm tin lên, kiệt thành sám hối, thành tâm niệm Phật tha thiết nguyện cầu vãng sanh, thì sẽ được hưởng lấy kết quả vãng sanh như bao nhiêu người đã vãng sanh rồi vậy. Nếu không chịu bỏ niềm nghi, thì dẫu cho tu hành có hay cách nào đi nữa, thì cuối cùng chưa chắc gì sẽ hưởng được một phần tướng lành như các cụ già thực thà niệm Phật đâu nhé.
Niềm tin vô cùng quan trọng. Có niềm tin mới tu hành được, không có niềm tin không thể cất lời niệm được câu Phật hiệu đâu. Người không tin tưởng là do thiếu căn lành. Thiếu căn lành thì không dễ gì niệm được câu A-Di-Đà Phật. Chính vì thế, xin đừng bao giờ nghĩ rằng niệm một câu A-Di-Đà Phật là dễ dàng nhé. Bình thường chưa chắc gì niệm được câu Phật hiệu, nói chi đến thời điểm xả bỏ báo thân!
Thực ra, người nào niệm được một câu A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc trong lúc xả bỏ báo thân, là người đó đã huân tu suốt đời niệm Phật mới được đấy. Một người tu hành giải đãi, tâm tánh thượng mạn không dễ gì niệm được câu Phật hiệu lúc lâm chung đâu. Nếu một người đời này không tu mà cuối đời niệm Phật được, là do trong nhiều đời nhiều kiếp trước họ đã từng huân tu câu A-Di-Đà Phật rồi, chủng tử A-Di-Đà Phật đã tràn ngập trong A-lại-da thức của họ rồi, bây giờ người ta mới niệm được.
Tin nhiều có căn lành nhiều, tin ít có căn lành ít, không tin không có căn lành. Người thiếu căn lành không thể nào tin được Pháp Niệm-Phật. Người có căn lành ít thì cũng tin, nhưng niềm tin yếu ớt, thường hay phân tâm, chao đảo. Biết vậy rồi, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao có người tin vững, có người tin yếu, có người không tin.
Riêng chúng ta, xin chư vị hãy khởi phát tín tâm mạnh mẽ lên để tô bồi căn lành thêm lớn, hầu kịp thời vãng sanh trong một đời này. Người nào định cái tâm lại trong câu A-Di-Đà Phật, tha thiết nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì cơ hội thành Phật đã thành thục trong đời này rồi vậy.
Phải huân tu câu A-Di-Đà Phật, phải nguyện vãng sanh hàng ngày, để cho chủng tử này thâm nhập vào tâm. Mấy ngày hôm nay, trước khi ăn cơm chúng ta niệm 10 câu A-Di-Đà Phật, rồi chắp tay nguyện vãng sanh xong mới cầm chén cơm lên ăn. Cách thực tập này hay lắm, nhắc nhở chúng ta nguyện vãng sanh ngay trong lúc ăn cơm. Niệm Phật nguyện vãng sanh trước khi đi ngủ. Niệm Phật nguyện vãng sanh sau khi vừa thức dậy… Có như vậy chủng tử “Niệm Phật Vãng Sanh” mới nhập sâu vào tâm, đến lúc nằm xuống, dù thân xác này đau nhức, nhưng tâm ta vẫn nhớ đến “Niệm Phật Vãng Sanh”. Phải cố gắng nhé chư vị, cẩn thận lắm mới được, chuyên tu lắm mới được. Nếu sơ ý, không dễ dàng đâu.
Niệm Phật được trong lúc lâm chung không phải là dễ dàng như đang ngồi đây niệm tới hàng trăm câu, hàng ngàn câu phật hiệu đâu. Một người lơ là ỷ y, lại có thêm chút tâm ý xem nhẹ 10 niệm, 1 niệm lúc lâm chung, coi chừng cuối đời sẽ lâm vào tình trạng mê man bất tỉnh, tâm trí chìm ngập trong những cảnh giới khủng bố hãi kinh, lúc đó sợ rằng câu “A-Di-Đà Phật” mà không biết chữ nào trước, chữ nào sau thì làm sao niệm đây? Tự mình không thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, thì có năng lực nào có thể giúp mình vãng sanh được?
Chính vì thế, người hộ niệm, không phải là người có năng lực, mà là người có tâm từ bi, thương người, biết qui luật hộ niệm để lúc đó đến nhắc nhở người bệnh phát tâm tin tưởng niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Thường khi người bệnh mơ màng, khủng hoảng, sợ hãi điều gì đó, người hộ niệm đến bên cạnh nắm tay an ủi, vỗ về, khuyến tấn, để họ cảm thấy an lành niệm được câu A-Di-Đà Phật. Đây chính là việc làm của người hộ niệm.
Trở lại với người bệnh. Ai là người bệnh vậy? Chính chúng ta sẽ có lúc bệnh, rồi chết. Xin đừng nghĩ đơn giản rằng lúc đó mình sẽ nghe được người hộ niệm hướng dẫn khai thị dễ dàng. Không dễ đâu. Mê man bất tỉnh là một ách nạn rất khó giải quyết đấy. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý hình như đã lú lẫn hết rồi. Đây là do nghiệp chướng quá nặng mà phước báu quá yếu. Vì phước báu quá yếu nên không trung hòa được với nghiệp chướng nên thể hiện ra tình trạng nằm chèo queo, thở phì phèo, rục rịch không nổi!
Người có phước báu lớn thì dễ trung hòa với nghiệp chướng, nghĩa là nhờ có nhiều phước báu mà họ có thể dễ được tỉnh táo lúc ra đi. Tỉnh táo là điều kiện đầu tiên rất quan trọng để có thể được vãng sanh. Nghĩa là, người bị mê man bất tỉnh thì rất khó khăn để hộ niệm cho họ. Chính vì thế, chúng ta cần phải gìn giữ phước báu nghe chư vị. Đừng nghĩ rằng mình tu trong một đời này có thể tiêu trừ hết nghiệp chướng. Không dễ như vậy đâu.
Ngoài vấn đề mê man bất tỉnh ra, đối với hàng phàm phu còn có nhiều chướng nạn khác nữa. Vì thế, hãy nằm tại nhà để vãng sanh nghe các Bác. Hãy ở tại nhà để vãng sanh nhé các Cô. Hộ niệm tại nhà riêng có nhiều điều thuận lợi hơn và kịp thời hóa giải những chướng nạn thường xảy đến với hàng phàm phu chúng ta. Ở tại nhà, nếu anh rơi vào tình trạng mê man bất tỉnh, tôi có thể lớn tiếng khai thị, may ra mới có thể giúp anh tỉnh dậy được, còn nằm trong bệnh viện, hay trong các nhà dưỡng lão thì thôi chịu thua, chúng ta không được phép làm ồn đâu. Ví dụ như, Cụ Cam Muội quyết định ở nhà để hộ niệm, Cụ ra đi tốt đẹp vô cùng. Bà Đặng Hồng Khanh quyết lòng ở tại nhà vãng sanh, tinh thần vững vàng, chưa ra đi mà chúng ta có thể đoán trước tới 95% được thành công. Giả sử những người này đòi vào bệnh viện để nằm, hoặc vào nhà dưỡng lão để chết, thì không ai dám đoán sự hộ niệm được thành công đến 10%!…
Mong chư vị cần nắm vững qui luật hộ niệm vãng sanh, nó đơn giản chứ không khó khăn, chỉ khó khăn vì niềm tin không vững, không xác định được giữa giải thoát và đọa lạc bên nào đúng bên nào sai!
Hôm trước chúng ta hộ niệm cho bác Chương, nhờ kịp thời chuyển Bác về nhà mới có cơ hội hóa giải được ách nạn cho Bác đấy. Nếu lúc đó mà Bác còn ở trong bệnh viện thì cuộc hộ niệm đành phải thất bại rồi, vì trước khi tắt hơi, Bác thật sự đã bị mê man bất tỉnh. Hộ niệm trong bệnh viện, sự thành công nhiều lắm cũng chỉ hi vọng lên tới 5% đây là nói người còn tỉnh táo, chứ còn mê man bất tỉnh thì ai dám hứa gì hơn!…
Xin thưa với chư vị, 100 người ra đi trong mê man bất tỉnh, may mắn lắm mới có được 1 người được hộ niệm thoát nạn, chứ không phải dễ đâu. Mong chư vị cần hiểu rõ vấn đề, để cộng tác chặt chẽ với nhau hầu giúp mình, giúp người có duyên vãng sanh Tịnh-Độ.
Phước báu có thể cứu được nhiều ách nạn. Mong chư vị cố gắng tạo phước. Tạo phước bằng cách nào đây? Tâm hồn thoải mái, ăn ở hiền lành, bố thí cúng dường, phóng sanh lợi vật, không cạnh tranh chấp trước, v.v… tất cả đều có thể tạo phước. Nhờ có phước mà trung hòa được nghiệp chướng.
Bố thí tu phước có 3 cách:
Một là bố thí tài. Tài có nội tài, có ngoại tài. Nội tài là đem chính sức lực ra phục vụ, ngoại tài là giúp đỡ bằng tiền bạc. Những người nào mà đời này tiền bạc rủng rỉnh, không làm cũng có tiền, đây là quả báo từ cái nhân bố thí tiền bạc, không đời này thì cũng đời trước. Những người mà làm đâu trật đó, làm ăn bị thất bại liên tục, sống trong cảnh nghèo khó là do thiếu tu bố thí tiền tài. Đời trước keo kiệt, đời này chịu khổ vậy. Nếu đời này tiếp tục keo kiệt, thì khi lâm chung thường chịu nhiều khó khăn bởi thiếu phước.
Hai là bố thí vô úy. Bố thí vô úy chính là tâm từ bi, hiền lành, thương người, không cạnh tranh, không ganh tị, không nói người này xấu, người kia hư. Đem tiền bạc bố thí giúp người mà có lòng chân thật thương yêu nữa thì trong sự bố thí tiền tài này có cả bố thí vô úy. Bố thí vô úy đưa đến quả báo thân thể khỏe mạnh, ít đau bệnh. Nhờ cái phước báu này khi mình nằm xuống tránh được sự mê man bất tỉnh. Vì thế bố thí vô úy rất quan trọng. Ví dụ như ở Việt Nam, người ta nấu những nồi cơm tình thương, bố thí cho người bệnh nghèo khó trong bệnh viện. Ăn chay, cữ sát sanh, giữ năm giới… đều liên quan đến bố thí vô úy, làm cho cơ thể khỏe mạnh lên. Nói chung bố thí vô úy thuộc về sự từ bi.
Ba là bố thí pháp. Ví dụ như Diệu Âm đang cố gắng phổ biến Pháp Hộ-Niệm cũng thuộc về loại bố thí pháp. Dù chỉ nói những điều gần gũi thấp kém, nhưng dù sao cũng liên quan chút ít đến pháp Phật. Bố thí liên quan tới chánh pháp thì tự nhiên trí óc phát triển, thông minh, lanh lợi hơn.
Cũng xin nhắc nhở rằng, bố thí thì được phước báu, chứ bố thí không phải là pháp tu giúp cho mình thành đạo. Nhiều người sơ ý cứ nghĩ rằng bố thí, cúng dường, làm thiện là tu hành. Cũng đúng đấy, nhưng cách tu hành này thuộc về bất-liễu giáo, không thể giải thoát được.
Ba loại bố thí nếu có duyên nên cố gắng làm, tạo nhiều phước báu sẽ hỗ trợ cho mình về cuối đời dễ được tỉnh táo, nhẹ bớt nạn mê man bất tỉnh. Dù cho thân thể có mệt mỏi, nhưng tâm trí vẫn còn sáng suốt để tự chủ con đường vãng sanh.
Nói chung phước báu giúp mình được tỉnh táo, thiếu phước rất dễ bị mê man bất tỉnh. Chính vì thế, tu phước hết sức quan trọng. Chúng ta nên lấy việc bố thí làm trợ tu rất tốt. Xin nhớ cho, bố thí, tu phước là trợ tu hay trợ hạnh, chứ không phải là chánh tu hay chánh hạnh. Chánh hạnh vẫn là niệm Phật. Chánh-Trợ song tu thì tốt lắm.
(f): Vãng sanh là do người bệnh biết buông xả và có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh mà được Phật tiếp dẫn, chứ không phải do năng lực của người hộ niệm.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rất chính xác. Người hộ niệm dù có giỏi cho mấy đi nữa, nhưng người bệnh không tiếp nhận sự hướng dẫn thì cũng đành chịu thua. Một người hộ niệm giả như có chứng đắc, có năng lực gì đi nữa, nhưng người bệnh không có tín tâm, không muốn vãng sanh, không chịu niệm Phật, cứ nằm chèo queo đó chờ chết, hoặc giả không buông việc thế gian xuống, tham chấp đủ điều, v.v… thì không ai có thể làm cho người đó vãng sanh được. Giả như có Phật hiện tiền cũng không cứu được chứ đừng nói đến chi người hộ niệm. Nói chung, tất cả đều trả về cho chính người bệnh đó quyết định đời kiếp tương lai của họ. Muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì chính mỗi người phải thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh của Pháp Niệm-Phật vậy.
Chúng ta chú trọng việc hộ niệm, coi Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh cho mọi người, trong đó có ta, thì giờ này hãy đặt mình vào vị trí của người bệnh sắp chết và được người tới hộ niệm, ta cần phải làm gì đây?
– Giao hết mọi sự cho ban hộ niệm lo liệu được không? -Không được, vì chính ta phải tự thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh mới được vãng sanh.
– Ta có đầy đủ kinh nghiệm về hộ niệm rồi thì không cần ban hộ niệm nữa được không? -Không được, vì lúc đó cả tinh thần lẫn thể xác không còn tốt như bây giờ, chưa chắc gì ta làm được theo như ý muốn đâu.
– Vậy thì, phải cố gắng công phu niệm Phật tu hành ngay từ bây giờ, gìn giữ Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng và biết kết hợp tốt với ban hộ niệm. Lúc đó phải biết mình là người bệnh, đang đối đầu với bao nhiêu chướng nạn. Muốn thoát nạn thì cần phải lắng nghe sự hướng dẫn của người hộ niệm mà làm theo, mình rất cần sự giúp đỡ của người hộ niệm, chứ đừng nghĩ rằng mình giỏi rồi nhé. Nếu sơ ý khởi lên một ý niệm tự mãn, cho mình đã có đầy đủ kinh nghiệm rồi, không cần ai khai thị nữa thì coi chừng đường vãng sanh của chính mình bị bít lối. Bao nhiêu công sức hộ niệm trước đây sẽ biến thành một thứ phước báu cho một đời kiếp tương lai, còn hiện đời thì đã bị luống qua một cách đáng tiếc đó!…
Mong chư vị hiểu được đạo lý này mà nên biết cẩn thận. Đường vãng sanh ở trước mũi bàn chân, nhưng đừng nên ỷ lại. Phải biết kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau, hộ niệm lẫn nhau để đường về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo vững càng thêm vững vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.