Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 59)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 26. Câu 28: Đối với gia đình, người hộ niệm nên làm gì?
Chúng ta đã nói đến vấn đề ban hộ niệm giúp người bệnh như thế nào lúc bệnh, lúc chết, bây giờ thì chúng ta nói đến người hộ niệm làm gì đối với gia đình của người bệnh. Đây thật sự là những vấn đề cụ thể. Chúng ta đi từng bước, giải quyết từng vấn đề một. Mong chư vị cố gắng nghe qua để rút chút ít điều căn bản, hầu yên chí hơn, phát tâm mạnh mẽ hơn đi hộ niệm giúp cho người có duyên vãng sanh.
(a): Ban hộ niệm nên đến giảng giải Pháp Hộ-Niệm cho những gia đình có người bệnh biết.
Đúng không chư vị? (Làm thinh!…). Ban hộ niệm nên đến giảng giải Pháp Hộ-Niệm cho những gia đình có người bệnh biết. Câu này đúng hay sai?… Có người nói đúng, có người không dám nói!… Xin thưa với chư vị, câu trả lời trong sách này là “Sai”. Nếu bắt ban hộ niệm đi tìm những gia đình nào có người bệnh mà giảng giải cho họ, thì có ngày cũng phải sưng đầu!…
Trên thế gian này người bệnh nhiều lắm. Bệnh thì phải tìm thầy thuốc, đến bệnh viện chữa trị, chứ cớ chi người niệm Phật, không chịu lo niệm Phật tu hành, lại đi tìm từng nhà người bệnh để giảng giải? Chỉ thật sự những người có duyên, tin Phật pháp, gia đình họ có người bệnh, họ đến mời ban hộ niệm tới trợ duyên. Khi ban hộ niệm được mời rồi, chúng ta hãy đưa cái bảng quy luật về hộ niệm cho gia đình đem về nghiên cứu trước, rồi chúng ta hẹn một ngày thích hợp nào đó, yêu cầu những người trong gia đình hội tụ lại, để ban hộ niệm tới giảng nghĩa rõ ràng về qui tắc hộ niệm cho gia đình cùng biết và yêu cầu gia đình cố gắng tối đa thực hiện đúng theo qui tắc đó để hỗ trợ cho người thân của họ. Có được như vậy thì người bệnh khi ra đi mới hi vọng có thể được vãng sanh. Còn ban hộ niệm đi tìm từng người giảng giải, thì chúng ta biến thành những người đi giảng đạo dạo. Phan duyên hộ niệm sẽ có kết quả không tốt!..,
Gia đình người ta cần tin tưởng và làm đúng theo qui luật hộ niệm thì ban hộ niệm mới có thể hộ niệm được. Nếu gia đình không tin tưởng, cố tình làm sai, hoặc làm sơ suất quá nhiều, thì ban hộ niệm đành phải rút lui.
Hộ niệm cần phải có sự kết hợp hỗ trợ tốt từ gia đình, nhất là chính người bệnh phải được hướng dẫn tốt để tự họ thực hiện đúng theo qui luật vãng sanh thì họ mới vãng sanh được. Chính vì thế, xin đừng bao giờ chờ đến lúc hấp hối, hoặc chết rồi mới mời ban hộ niệm. Lúc này đã quá trễ, dù ban hộ niệm có đến cũng khó giải quyết được gì, vì đã nằm ngoài khả năng của người hộ niệm rồi vậy. Xin chư vị cần nhớ rằng, hộ niệm là giúp cho người bệnh biết cách tu, biết đường đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu hồi giờ họ chưa biết tu hành gì cả, cũng chưa biết gì về hộ niệm, lúc đó lại mê man bất tỉnh nữa, thì làm sao có thể hộ niệm được?
Những người trước nay chưa biết tu hành, nhưng được gia đình tin tưởng hỗ trợ và biết lo liệu sớm mời ban hộ niệm lúc người bệnh còn tỉnh táo, thì còn có đôi phần hi vọng. Ban hộ niệm đến khuyên giải, khuyến tấn… Nhiều khi nhờ có thiện căn trong nhiều đời kiếp trước họ phát tín tâm, niệm Phật cầu vãng sanh mà họ được vãng sanh. Trường hợp này có đấy. Nhưng điều cần thiết là người bệnh đó phải còn tỉnh táo và người hộ niệm tới khuyên nhắc, họ phải tin tưởng nghe lời làm theo thì mới có thể vãng sanh, còn người đó không nghe theo thì hộ niệm cũng không thành tựu được gì, tốt nhất là ghi tên của người bệnh ở bảng cầu tiêu tai giải nạn ở đạo tràng để hồi hướng công đức, gieo chút duyên cho họ mà thôi, chứ không có cách nào khác hơn.
Thuyết giảng đạo lý của Phật không phải đơn giản. Chư vị đừng nghĩ rằng, chánh pháp của Phật giảng ra thì ai cũng hoan hỉ nghe theo đâu nhé. Thời mạt pháp này không phải dễ dàng như vậy đâu! Chỉ có những người thực sự có thiện căn mới có duyên tiếp nhận, còn người không đủ thiện căn thì trở thành kẻ vô duyên. Chúng ta không đủ khả năng chuyển hóa người vô duyên được. Mong chư vị chú ý vấn đề này.
(b): Gia đình phải đến mời thì ban hộ niệm mới được quyền vào nhà người bệnh, trình bày về hộ niệm.
Đúng hay sai? – (Đúng). Câu này chắc chắn đúng rồi đó. Chỉ khi nào gia đình mời thì ban hộ niệm mới đến. Có nhiều ban hộ niệm quá tích cực, khi mới lập ra liền phát tâm đi đến từng nhà giảng giải về Pháp Hộ-Niệm. Tâm ý thì tốt, nhưng kết quả thì không hay. Có một người nọ vì quá nhiệt tâm, vừa nghe trong gia đình người bạn có người bệnh nặng sắp chết, liền thuê một chiếc xe chở cả ban hộ niệm đến hộ niệm, trong khi gia đình người ta chưa lên tiếng mời. Tới nơi, gia đình đóng cổng không cho vào. Đây là do ban hộ niệm sơ ý. Người gia đình không mời, thì làm sao ban hộ niệm dám vào nhà người ta để hộ niệm? Dù có lòng từ bi bất vụ lợi, nhưng hành xử sơ suất, không đúng với qui tắc hộ niệm, không hợp với trật tự xã hội, thì người hộ niệm tự tạo ra phiền não cho chính mình, mà còn làm cho người thế gian hiểu lầm đàm tiếu không hay về người hộ niệm!… Vậy thì, muốn vào nhà người ta hộ niệm thì phải có duyên, nghĩa là gia đình phải mời.
Có nhiều người nhờ bạn bè tới mời, hoặc nhờ người quen điện thoại tới, nhiều ban hộ niệm cũng không chấp nhận. Giúp một người thoát khỏi cảnh đọa lạc, vượt qua sanh tử luân hồi là một việc đại hệ trọng, cần phải có niềm tin tưởng và lòng chí thành khẩn thiết, thiếu sự thành khẩn này, không có năng lực nào cứu họ được. Ví dụ, vừa rồi ở bên Tiệp, có người đã phát tâm bay từ Tiệp qua Hà-Lan để hộ niệm cho một người. Trong gia đình đã có một người con điện thoại qua mời. Đã có một người trong gia đinh mời, thì đã đúng qui tắc, nhưng người hộ niệm không ngờ được rằng, còn mấy người con khác không tin. Khi người hộ niệm tới nơi, gia đình bàn ra tán vào, cuối cùng họ không đồng ý cho hộ niệm, người hộ niệm đành phải lặng lẽ bay trở lại Tiệp. Chư vị thấy không, người hộ niệm vì tâm từ bi thương người mà đến, chưa bao giờ dám nhận một đồng trả ơn của gia chủ, nhưng đâu phải phát tâm thiện nguyện làm việc đạo thì lúc nào cũng được suông sẻ đâu. Không dễ gì mà cứu được một người vô duyên đâu. Khó lắm đấy chư vị!…
(c): Ban hộ niệm phải làm việc cẩn thận về quy luật hộ niệm với gia đình người bệnh trước khi nhận một ca hộ niệm.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Xin thưa rằng, Diệu Âm nói đi nói lại cũng chỉ là những điểm hết sức cần thiết và cụ thể này. Phải làm việc hết sức cẩn thận trước khi nhận hộ niệm. Khi nhận hộ niệm cho một người, ban hộ niệm hãy đến giảng giải từng mục từng mục trong bảng qui định, giảng giải cụ thể, giải thích rõ ràng. Khi gia đình đồng ý thực hiện mọi qui định, ban hộ niệm cũng nên hỏi lại thêm một lần nữa, để tìm hiểu trong những điều này có mục nào làm cho gia đình phải khó khăn, hoặc vì một điều kiện khách quan nào đó mà họ dù có cố gắng cũng chỉ thực hiện tới 50%, 70%, chứ không được tới 100%. Cần khuyến khích họ nói ra sự thực, để ban hộ niệm giải thích thêm, hoặc tìm cách giúp đỡ, bù đắp cho họ hầu mong cho cuộc hộ niệm có xác suất thành tựu tốt đẹp hơn.
Ở Việt nam muốn được hộ niệm, có những ban hộ niệm yêu cầu tất cả mọi người trong gia đình phải đồng ý ký vào bản qui định hộ niệm, thì mới được hộ niệm. Đây là do kinh nghiệm dày dặn của họ sau khi đã trải qua nhiều cuộc hộ niệm thất bại. Những lần đầu tiên thông thường ban hộ niệm ít chú ý đến vấn đề quy định đối với gia đình, từ đó đã đưa đến hậu quả là hầu hết những ca hộ niệm đó giữa chừng bị đổ vỡ, hoặc sau cùng bị thất bại. Nguyên nhân chính vì gia đình không biết về qui tắc hộ niệm, không hiểu về qui luật của Pháp Hộ-Niệm, không có ý niệm rõ ràng về sự vãng sanh, hầu hết đều mập mờ lầm tưởng hộ niệm giống như các cuộc cầu an, cầu siêu như trước đây. Chính vì thế khi đang hộ niệm người trong gia đình mới ngỡ ngàng mà sinh ra ý kiến này, ý kiến nọ, người này nói vào, người kia nói ra, những người chung quanh thấy vậy cũng đàm tiếu vào, v.v… làm cho không khí mất thanh tịnh, tinh thần bất an, đưa đến cuộc hộ niệm bất thành.
Xin báo cho chư vị biết rằng, thường thường con cái, người thân trong gia đình phá vỡ mất cơ hội vãng sanh của cha mẹ hoặc người thân của họ một cách vô cùng oan uổng, chỉ vì ban hộ niệm không chịu giảng giải rõ ràng ý nghĩa và những qui luật hộ niệm trước khi khởi sự hộ niệm.
Trước đây, sự cầu an, cầu siêu rất thường gặp, còn Pháp Hộ-Niệm không được chú ý đến nhiều, nên hầu hết đại chúng chưa biết đến Pháp Hộ-Niệm này. Chính vì thế vẫn còn nhiều người lầm tưởng rằng hộ niệm là một hình thức tương tự như cầu an, cầu siêu. Đã là cầu an hay cầu siêu thì trước nay đâu có nhiều qui luật ràng buộc như vậy?
Tuy nhiên, hộ niệm vãng sanh so với cầu an và cầu siêu hoàn toàn khác nhau. Cầu an là cầu giải nạn cho người bệnh, cầu siêu là tìm cách siêu độ cho người chết, còn hộ niệm vãng sanh là phương pháp hướng dẫn cho người đang sống biết cách tu hành, thực hiện đúng theo tông chỉ của Pháp Môn Tịnh-Độ, để tự chủ đi vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là điều có vẻ mới mẻ đối với người Việt Nam chúng ta. Nhưng đối với những người tu Pháp Môn Tịnh-Độ ở các nước khác, nhất là chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông Trung Hoa đã nhắc đến Pháp Hộ-Niệm từ đời nhà Tấn cách nay gần 2.000 năm. Tổ Thiện Đạo đời nhà Đường cách nay trên 1.000 đã ứng dụng Pháp Hộ-Niệm rất rõ rệt để cứu người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thật là cái duyên hộ niệm cứu độ chúng sanh phải trải qua hàng ngàn năm như vậy, mới đến được đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay. Nhờ Pháp Hộ-Niệm này mà giờ đây chúng ta nghe được, thấy được người vãng sanh hàng ngày. Thật quá vi diệu. Quá quí báu.
Tuy vậy, thực sự số người Việt Nam chúng ta biết đến Pháp Hộ-Niệm vẫn còn quá ít. Qui tắc hộ niệm chưa được phổ biến rộng rãi, qui luật cứu người thoát nạn đọa lạc vẫn còn ít người biết đến, nên chúng ta hãy có cố gắng gìn giữ và phổ biến mạnh hơn nữa để giúp cho nhiều người biết đến, để đại chúng có thêm cơ hội vãng sanh, giảm bớt cảnh đọa lạc khổ đau quá tội nghiệp.
Không biết Pháp Hộ-Niệm thì con người sau khi chết bị đọa lạc nhiều lắm đấy. Tại sao đọa lạc vậy? Người phàm phu tội nặng chướng sâu, tâm trí mê mờ không biết đường thoát nạn là cội gốc. Con cháu, người thân trong gia đình không biết cách hóa giải, ngược lại còn làm quá nhiều điều sai lầm, như kêu khóc, ôm nắm, vằn vọt thân xác trong lúc tắt hơi, tin dị đoan mê tín làm theo tà pháp, hoặc làm điều sai lầm theo tập tục nhân gian, v.v… Ông bà, cha mẹ trong lúc chết đã bị khổ sở vì nghiệp chướng hành hạ rồi, lại còn bị cái nạn của con cháu hành hạ mạnh hơn, tạo cái duyên đọa lạc vô cùng đớn đau!…
Xin thưa với chư vị, nhiều khi oán thân trái chủ, nghiệp chướng hành hạ người chết có một phần, mà con cái người thân không biết đạo đã vô tình hành hạ người bệnh chịu khổ đau nặng nề hơn gấp mười lần. Chư vị có tin không? Thật sự đấy.
Vì thế, biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, xin chư vị cố gắng lưu truyền Pháp Hộ-Niệm này cho rộng rãi ra. Nhiều người biết được Pháp Hộ-Niệm thì nhiều người biết được cách tu hành tự cứu lấy bản thân, biết được phương hướng cứu giúp người thân thoát khỏi ách nạn mà khuyên nhắc họ lo niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Diệu Âm đến 50 tuổi đầu mới tình cờ biết được phương pháp này, nhìn lại trong quá khứ, từ thôn quê cho đến thành thị, từ người thân cho đến kẻ sơ, từ người nghèo khó cho đến kẻ giàu sang… hầu hết đều vướng phải ách nạn do người thân yêu tạo ra trong lúc xả bỏ báo thân. Thực sự nạn thêm nạn!… Đau khổ vô cùng!…
Vừa chết xong liền tắm rửa thay quần thay áo – Khổ nạn!… Vội vã chích thuốc chống rã thân – Đại nạn!… Chuyển vào phòng lạnh quá sớm – Nạn thêm nạn!… Người thế gian hầu hết thường hay lo lắng quá nhiều vào cái xác thịt sắp sửa tan rã, mà quên cái thần thức của người đó, hay nói rõ hơn, là chính người đó đang bị nạn bên cái xác vô hồn đó mà không hay! Vì không biết Pháp Hộ-Niệm nên vô tình phạm phải những điều cấm kỵ mà đày đọa người thân yêu tới những cảnh khổ đau để chịu nạn hàng vạn kiếp!…
Thực sự Pháp Hộ-Niệm lợi lạc vô cùng, đã cứu không biết bao nhiêu người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chư vị nhớ cho, đời này là mạt pháp rồi, tự lực tu hành để được thành tựu khó lắm! Vậy mà nay gặp được một chánh pháp cứu được tới người phàm phu thoát vòng sanh tử luân hồi, vãng sanh bất thoái thành Phật thì có gì quí hóa hơn.
Xin chư vị hãy cùng nhau gìn giữ Pháp Hộ-Niệm này để cứu giúp chúng sanh một cơ duyên giải thoát. Cứu được một người mừng cho một người và để chính chúng ta cùng nhau vãng sanh. Nhất định một đời này phải vãng sanh thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.