Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 31) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Người Ra Đi Với Thoại Tướng Tốt Tại Sao Chưa Chắc Được Vãng Sanh Tây -Phương Cực-Lạc?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 31)

 Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin mở trang 17, câu hỏi 14: Người ra đi với thoại tướng tốt tại sao chưa chắc được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc?

  1. a) Người tu bố thí làm thiện, ít tạo nghiệp ác khi chết nếu để lại thoại tướng tốt thì họ theo nghiệp thiện mà sanh vào ba cảnh thiện để hưởng phước, chứ không phải vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Người khi chết xong mà lưu lại thân tướng tốt đẹp, ra đi an lành, thì mình tin vững vàng rằng người đó có gì đi nữa cũng không bị kẹt trong ba đường ác. Sở dĩ được vậy là do người ta tu thiện tích phước rất lớn. Những người tu thiện tích phước, ăn ở hiền lành, có tâm bố thí giúp người, khi họ ra đi nếu không có những chướng ngại quấy rối, lại được con cháu hỗ trợ, đồng tu hỗ trợ, thì họ có thể trở lại làm người.

Bên cạnh đó, mình cũng thường thấy nhiều người tu thiện tích phước, ăn ở hiền lành, nhưng khi ra đi để lại thân tướng không tốt. Đây cũng là chuyện hết sức bình thường. Sở dĩ bị chướng nạn là vì nhân thiện lành của họ trong đời này chưa gặp cái duyên nên chưa thành quả báo, trong khi đó lúc ra đi lại gặp phải nghịch duyên, bị phiền não… duyên đến những nhân chẳng lành hay nghiệp ác trong quá khứ ứng hiện ra, nên họ bị quả báo không tốt.

Xin thưa với chư vị, có nhân lành nhưng chưa gặp duyên thì nhân lành chưa nở ra quả tốt. Đây là chuyện rất thường. Nhiều người có duyên lành, ví dụ như được bạn đồng tu đến quan hoài, con cháu hỗ trợ, chùa chiền tới lui thăm viếng… nhưng chính họ lại không có cái nhân thiện lành để hưởng cái phước lành, thì họ cũng không thể hưởng quả báo thiện lành.

Cho nên, chư vị phải nhớ, làm thiện sau cùng cần phải kết được với cái duyên thiện nữa thì mới hưởng được quả báo thiện, còn bị duyên nghịch thì khó đoán việc gì sẽ xảy ra. Ví dụ như những người làm thiện làm lành, nhưng lúc ra đi lại gặp con cái ngỗ nghịch, bạn bè đồng tu tới ồn náo, gây trở ngại, hoặc khi lâm chung gặp phải những chướng nạn nào đó, tự nhiên cuộc diện chuyển xoay. Do nghịch duyên mà duyên đến những nhân chủng chẳng lành trong quá khứ hiện ra, khiến cho họ thọ nạn. Chính vì thế, có rất nhiều người tu hành khá tốt, nhưng khi ra đi vẫn để lại thân tướng chẳng lành, cứng đơ, sắc tướng u ám là do gặp duyên chẳng lành vậy.

Duyên lành quan trọng vô cùng. Tu hành mà không chú ý tạo duyên thuận lợi hỗ trợ cho mình khi ra đi là cả một sơ suất rất lớn. Xin thưa với chư vị, chính Pháp Hộ-Niệm là cái duyên thật thiện thật lành, bảo vệ thật an toàn cho một người ra đi thoát nạn nghịch duyên gây hại đấy. Sự hộ niệm tích cực giúp cho người ra đi kết hợp được giữa cái nhân thiện lành với cái duyên thuận lợi mà họ trở về cảnh giới thiện lành theo như ý muốn.

Hộ niệm vãng sanh là chủ tâm nhắc nhở người bệnh ba điểm Tín-Nguyện-Hạnh để Nhân Duyên Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc hội tụ lại. Nếu người đó tin tưởng niệm Phật là có Nhân, Nguyện vãng sanh là có duyên, rồi người hộ niệm tiếp sức tạo cái duyên của họ mạnh lên, hỗ trợ cho họ, gỡ rối cho họ, điều giải oán thân trái chủ giùm cho họ, cầu Phật gia trì cho họ, hồi hướng công đức cho họ… Đây là duyên Tha-Lực. Tự-Lực và Tha-Lực đồng hô lên, nhờ vậy Nhân-Duyên của họ được trọn vẹn mà họ hưởng lấy quả báo vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Người niệm Phật mà không cần đến hộ niệm thì chính mình phải niệm đến cảnh “Nhất-Tâm Bất-Loạn” mới được. Xin hỏi rằng, liệu mình có đạt được “Nhất-Tâm Bất-Loạn” chăng? Còn niệm Phật chưa đạt được tới cảnh giới đó, thì phút cuối của cuộc đời khó tránh khỏi trở ngại đấy. Niệm Phật thì có nhân Niệm-Phật, nhưng sau cùng gặp phải nghịch duyên cũng đành cam chịu thất bại đắng cay!

Nghịch duyên nhiều lắm, bất ngờ lắm, ví dụ như: Bệnh khổ hành hạ đau đớn quá chịu không nổi tự nhiên quên hết; Con cái khóc than sanh tâm quyến luyến mất vãng sanh; Trong bệnh viện không ai biết vãng sanh là gì, sẵn sàng dùng thuốc morphine giúp mình mê man bất tỉnh ra đi mà mất vãng sanh; Người thân sầu bi nói lời tiêu cực làm mình thoái tâm mà mất vãng sanh; Bạn bè thăm viếng bàn chuyện thế gian, làm lạc tâm mà mất vãng sanh, v.v… và v.v…. Có rất nhiều, rất nhiều duyên chẳng lành đưa đến làm cho người niệm Phật không giữ được chánh niệm trong lúc lâm chung mà mất phần vãng sanh.

Thành ra, xin thưa với chư vị, cần phải chú ý đến cái “Duyên” này. Tất cả đều do duyên bất đồng mà đưa đến kết quả bất đồng. Nghĩa là, cùng một cách tu mà kết quả lại có thể tốt hoặc xấu. Làm thiện làm lành phải có duyên thuận mới sinh ra cái quả báo tốt. Chính vì thế, người phàm phu chúng ta niệm Phật cần phải có hộ niệm thì Nhân-Duyên mới tương hợp, dễ dàng đưa đến quả báo Vãng-Sanh viên mãn. Vì thế, Pháp Hộ-Niệm vô cùng quan trọng, không thể thiếu, nếu chúng ta không muốn bị thất bại vậy.

Câu b): Người suốt đời niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, lúc lâm chung vẫn niệm Phật, nhưng lại quyến luyến thế gian, tưởng nhớ đến phước báu quên mất tâm nguyện vãng sanh, thì dù có thoại tướng tốt vẫn chỉ sinh vào ba cảnh thiện mà thôi.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Thực sự đúng như vậy. Có người suốt cả cuộc đời niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng khi bác sĩ phát hiện có bệnh ung thư, báo cho biết, thì tự nhiên tinh thần xuống dốc, tâm hồn chao đảo, ý niệm phân vân không còn vững nữa. Tâm lực yếu đuối một chút, đôi khi dẫn đến sự thua cuộc. Mất vãng sanh là chuyện có thể xảy ra đối với người chưa vững đường tu vãng sanh.

Người không thực sự tha thiết vãng sanh, dù họ có niệm Phật nhưng không thiết tha cầu vãng sanh. Họ thường niệm Phật cầu hết bệnh, niệm Phật cầu phước báu, niệm Phật nhớ con nhớ cháu, niệm Phật nhớ tới gia tài điền sản gì đó… thì dù cho cả một đời tu hành, làm thiện, rồi lúc lâm chung người ta cũng niệm Phật và cũng được Phật tử đồng tu tới hộ niệm, nhưng sau cùng vẫn có thể mất vãng sanh. Sở dĩ thất bại vì chính trong tâm của họ không tha thiết cầu nguyện vãng sanh. Không tha thiết vãng sanh thì thường thường họ âm thầm cầu xin những thứ phước huệ gì khác. Còn cầu xin những thứ gì khác thì không được vãng sanh.

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ có nói, một người suốt đời niệm Phật rất tinh chuyên, ăn ở hiền lành, giới luật nghiêm minh, nhưng lại không tha thiết chuyện vãng sanh, thì có thể sanh vào nhà vua chúa. Chính vì yếu tố không tha thiết chuyện vãng sanh, nên khi gặp một cơn bệnh thì lời cầu nguyện vãng sanh đã nấp dưới những sự nguyện cầu khác. Họ nguyện cầu cho con cháu đề huề, phước cao lộc trọng, gia đạo an vui,v.v…. nên mất vãng sanh. Có người có tâm thiện lành đặc biệt ưa giúp đời, thương người, họ muốn ở lại trong cõi người để tiếp tục cứu nhơn độ thế… Đó là những tâm hồn thiện lành, tốt chứ không phải xấu. Trong những giây phút xả bỏ báo thân, họ thường nghĩ về những chuyện thiện lành đó, họ có thể dễ sinh vào ba cảnh thiện lành, nhất là nhờ vào cái phước của câu A-Di-Đà Phật, lại được trợ duyên thuận lợi nữa, nên họ dễ trở lại trong các đường thiện, chứ không phải vãng sanh Tịnh-Độ.

Chính vì vậy, xin nhắc đi nhắc lại cùng chư vị rằng, lời nguyện vãng sanh vô cùng quan trọng. Một người ít tu phước, khi ra đi vì thiếu phước nên họ có thể chịu nhiều nạn khổ, gây khó khăn cho đường vãng sanh. Nhưng nếu có cơ duyên tốt, gặp người hộ niệm khuyên giải, quyết lòng hỗ trợ, nếu người đó nghe theo phát tâm niệm Phật tha thiết cầu nguyện vãng sanh, lại được vãng sanh. Do tinh thần muốn vãng sanh tha thiết này, họ niệm Phật một vài tháng thôi, một vài tuần thôi, thậm chí một vài ngày thôi mà có thể vãng sanh thật đấy, sự thành tựu nhiều khi vượt thắng hơn cả những người tu hành mấy chục năm. Điều chính yếu là người đó nghe theo và phát tâm thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh trước khi xả bỏ báo thân hay không.

Ví dụ, như những người bệnh nặng lâu năm, họ nằm trên giường bệnh từ năm này qua năm nọ, 10 năm, 20 năm trường khổ đau. Họ không còn muốn sống thêm nữa, họ mong cầu chết sớm cho khỏe thân, cho đỡ vất vả con cháu. Những người này, nếu có cơ may gặp được người hộ niệm hướng dẫn cho họ niệm Phật cầu vãng sanh, họ dễ vãng sanh lắm.

  • Bác ơi!… Bây giờ đừng có cầu chết nữa. Cầu chết thì sẽ chết, nhưng chết rồi chịu đọa lạc đau khổ lắm. Hãy cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật đi. Hết cơn bỉ cực tới thời thái lai, mấy mươi năm qua Bác đã trả nghiệp khổ đau đủ rồi, bây giờ nghe lời Phật dạy, niệm Phật cầu vãng sanh về miền Cực-Lạc hưởng đời an vui hạnh phúc nhé.

Duyên lành đã đến, họ chỉ thành tâm niệm Phật một vài tháng thôi mà có thể vãng sanh bất khả tư nghì đấy chư vị ạ. Họ thành tựu vì họ đã chạm đến đáy của khổ đau rồi, từ đáy thẳm đó họ quyết vương lên tìm đường giải thoát. Họ đem tất cả những nỗi khổ đau làm kinh nghiệm để chán chê kiếp sống này, gọi là “Yểm”, tức là chán chê cuộc sống này, để quyết chí cầu vãng sanh, gọi là “Hân”, tức là hân hoan vui sướng muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Họ có thể thành tựu sự vãng sanh bất khả tư nghì, không ai ngờ được.

Xin chư vị phải nhớ cho, làm sao tâm tâm nguyện nguyện vãng sanh của mình phải thật tha thiết mới tốt. Đừng để ý niệm vãng sanh quá mờ nhạt trong tâm nhé. Đừng nên nghĩ rằng, tu hành tìm cầu một chút phước báu nào đó là đủ nhé. Đừng đam mê những lý huyền luận diệu, rồi vọng tưởng rằng mình đã khai ngộ mà chê bai đường vãng sanh, để tự mình lâm vào đường cùng bế tắt. Người nào lỡ có tâm ý chê bai sự vãng sanh mà không chịu kiệt thành sám hối, không kịp thời ăn năn sửa đổi, thì dù hình tướng tu hành tốt tới đâu đi nữa, theo như lời Phật dạy, thời mạt pháp này, ức triệu người tu đó, tìm đâu ra một người thoát vòng sanh tử luân hồi?!… Tất cả những ý tưởng chê bai hay tham chấp đều là sự huân tập chủng tử vào tâm, những chủng tử đó sẽ sống dậy mãnh liệt trong lúc lâm chung, trong lúc mê man, mệt mỏi… Chủng tử hiện ra trong vô thức, làm chủ lấy huệ mạng của mình, đây chính là “Dẫn Nghiệp”, dẫn dắt thần-thức của mình đi theo đường sanh tử luân hồi đọa lạc, mất phần giải thoát.

Vậy thì, nếu ngày ngày mình mong muốn vãng sanh, ngày ngày mình cầu nguyện vãng sanh, ngày ngày mình trông chờ được vãng sanh, thì cuối cùng tinh thần vãng sanh của mình sẽ vững vàng mạnh mẽ, không ai lay chuyển được. Xả bỏ báo thân trong ý niệm vãng sanh Tịnh-Độ mạnh mẽ, thì chắc chắn chỉ có đường Cực-lạc cho mình về, chứ còn đường nào khác chen vào nữa đây.

Câu c): Người tu hành các Pháp Môn Tự-Lực, nếu đạt được mức tu chứng tốt, ra đi có tướng lành thì có thể sinh vào những cảnh giới nào đó tương ứng với mức chứng, ch không phải vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Chắc chắn đúng như vậy. Có nhiều người tu học Phật mà không muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Người ta chủ trương tu để kiếm phước, trở lại làm người đời sau tu tiếp. Họ lý luận rằng, Phật mà còn phải tu hành tới vô lượng kiếp mới thành đạo, thì làm sao mình tu một đời mà về tới Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo dễ dàng được. Những người nghĩ như vậy thì không thể được vãng sanh, dẫu cho sau khi chết họ lưu lại thân tướng lành đẹp đẽ.

Được vãng sanh chủ yếu là do niềm tin và tâm nguyện vãng sanh. Một người đã thiếu cả hai điều này rồi, thì chư vị nghĩ rằng họ có thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được không? Không!… Nhất định không!… Không nguyện vãng sanh thì đường về Cực-Lạc chưa khai thông, không bao giờ có thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được. Tu hành giỏi, họ có thể trở lại làm người, có thể sanh lên trời hưởng phước. Nhưng thực ra trở lại làm người là may mắn lắm rồi, chứ không dễ gì lên được một cảnh trời đâu chư vị. Ba cảnh trời thấp nhất trong Dục-Giới như: Tứ-Thiên Vương Thiên, Dạ-Ma Thiên, Đao-Lợi Thiên có thể tu thiện tích phước theo 10 điều thiện, từ 90% trở lên có thể sanh vào đó. Bắt đầu tới Đâu-Suất Thiên, Hóa-Tự-Tại Thiên, Tha-Hóa-Tự-Tại Thiên cần phải tu thiền định, phải có mức thiền định tương đối cao mới được vào. Thật không phải dễ dàng!

Vì không nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mà không được vãng sanh. Vì nghĩ rằng không có Tây-Phương Cực-Lạc nên không được vãng sanh. Người tu học theo Phật mà nói sai lời Phật dạy nên không được vãng sanh. Vì họ không muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nên nếu mình tới khuyên họ vãng sanh thì bị họ chống cự liền!… Xin chư vị, phải hết sức cẩn thận kẻo tạo duyên cho họ gây tội phỉ báng pháp Phật là điều không tốt. Gặp người muốn tu phước báu, nguyện đời đời tiếp tục tu, thì dù sao cũng tốt hơn người không tu hoặc làm ác. Thành ra tất cả đều phải tùy duyên, không thể tùy tiện phan duyên được.

Xin chư vị nhớ cho, tu vô lượng kiếp mới thành Phật là lời Phật dạy. Tu một đời này trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, cũng là lời Phật dạy. Tất cả đều có đạo lý cả. Đời này ta vững tin được câu A-Di-Đà Phật, ta thành tâm niệm câu A-Di-Đà Phật, là vì trong vô lượng kiếp qua ta đã tu hành rồi, ta đã niệm Phật rồi, đời này hãy mau mau thu lượm tất cả công đức tu hành trong vô lượng kiếp dồn lại để trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Đừng sơ suất vứt bỏ công phu khổ cực tu hành trong vô lượng kiếp, rồi bắt đầu lần mò tu lại trong vô lượng kiếp nữa nhé. Oan uổng lắm đấy!… Phung phí lắm đấy!… Phật dạy, “Nhơn thân nan đắc”, coi chừng đời sau phải bị queo râu trong ba đường ác đạo rồi, đừng nói rằng sẽ đời đời kiếp kiếp tu hành tiếp nhé.

Mong chư vị hiểu cho chính xác pháp Phật để tu hành thẳng tắc, đi không lạc đường. Sơ ý lạc đường thì khó bề cứu vãn đấy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –