Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 47)
Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 47)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 22, dòng chót, câu trả lời (c): Hộ niệm là trợ duyên cho người bệnh giữ vững ba tư lương Tín-Nguyện-Hạnh của Pháp Môn Niệm Phật để vãng sanh. Còn cầu an là chú tâm cầu hết bệnh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Xin thưa thực, mình phân biệt giữa hộ niệm và cầu an là nhắm tới phần hình thức tu hành của người thời nay. Thông thường nhiều người không chịu lo tu hành, cứ mỗi lần bị bệnh thì la hoảng lên, chạy nhờ người này cầu an, lạy Phật Bồ-Tát xin cầu an. Nhưng thực ra, tất cả đều có nhân quả hết. Một căn bệnh đến với mình đều có nhân duyên quả báo. Một sự may mắn hoặc một phước báu nào đó đến với mình luôn luôn có nhân quả hết. Cho nên, cầu an không phải khi bệnh xuống, quì trước bàn thờ Phật xin Phật cho mình được an lành, hoặc nhờ quí Thầy đến làm một lễ cầu an thì mình được an lành. Không phải vậy đâu.
Ví dụ như nói về Pháp Hộ-Niệm, nhiều người đã hiểu lầm cứ nằm đó chờ đến khi sắp chết, rồi mời ban hộ niệm tới niệm Phật cầu cho hết bệnh. Đó là một ý nghĩ sai lầm! Hộ niệm là một quá trình tu tập, chứ không phải chờ đến lúc gần chết, rồi mời người ta tới niệm vài ba câu Phật hiệu là mình được an tâm. Không phải vậy đâu.
Hôm trước chúng ta có nói qua, Pháp Hộ-Niệm không phải là cầu siêu. Một người không chịu tu hành, cứ đợi chết rồi nhờ ban hộ niệm đến niệm Phật để được siêu sanh. Những ý niệm sai lầm, cần nên đính chính lại.
Thực ra, tất cả các pháp môn tu tập, pháp nào cũng có sự viên mãn nếu hiểu thấu về Lý Đạo và hành đúng về Sự Đạo của nó. Nghĩa là, mỗi pháp đều có đầy đủ tất cả các pháp như cầu siêu, cầu an, sám hối, v.v… Ví dụ, hộ niệm giúp cho một người bệnh biết đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, đây đúng là cầu siêu chứ còn gì nữa. Nhưng về sự hành đạo thì có khác. Hộ niệm là hướng dẫn cho người đó phương pháp tu hành, làm đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh để đi vãng sanh, hay gọi là chủ động đi siêu sanh. Còn nằm đó chờ chết, rồi mời người khác tới niệm Phật cho mình siêu sanh là một điều quá phiêu phỏng, không đáng tin cậy, không có căn bản.
Cầu an cũng vậy, một người đang bị oán thân trái chủ đánh phá tơi bời, người ta rơi vào tình huống rối loạn, bất an. Người hộ niệm đến khuyên người bệnh phát lồ sám hối lỗi lầm, niệm Phật cầu vãng sanh, rồi thành tâm điều giải oán nạn, gỡ rối cho người bệnh, ủng hộ tinh thần họ để không còn sợ hãi nữa, được an tịnh trở lại. Đây chính là phương pháp cầu an, nhưng cách hành xử có Lý-Sự viên dung, hợp chánh pháp. Còn những người cứ làm chuyện sai lầm, đến khi gặp nạn thì quì lạy cầu xin Phật giúp cho mình được an lành, giải nạn… Đây là điều sai lầm, không đúng chánh pháp.
Cho nên mong chư vị nhớ cho, về lý đạo thì pháp nào cũng có hàm chứa đầy đủ các pháp, chỉ có cách dụng công, phương tiện hành đạo khác nhau mà thôi. Một khi được tu hành viên mãn, thì pháp nào cũng dẫn đến chỗ thành tựu đạo quả. Vậy thì, tu pháp nào hãy tu cho thật hoàn chỉnh một pháp, thì coi như đã tu tất cả các pháp. Một là tất cả, tất cả là một vậy.
Một Pháp Hộ-Niệm này mà chư vị nghiên cứu kỹ để hiểu cho thấu, thì cầu siêu cũng đó, cầu an cũng đó, sám hối cũng đó, thành đạo cũng đó, cứu độ chúng sanh cũng tại đó luôn… Tam tạng kinh điển của Phật cũng dồn vào một pháp này thôi. Trong kinh Lăng Nghiêm có 25 vị Bồ-Tát đứng ra trình lên Đức Thế-Tôn về cách tu hành của mình, mỗi Ngài đều có một pháp tu đặc biệt riêng và sau cùng tất cả đều được thành tựu. Như vậy rõ ràng pháp tu nào cũng đưa đến chỗ thành tựu, gọi là “Viên Thông”. Viên là viên mãn, hoàn toàn. Thông là thông đạt, là khai ngộ trí huệ. Tất cả các pháp đều giúp hành giả thành tựu đạo quả. Tuy nhiên nên nhớ cho, mỗi vị Bồ-Tát chỉ tu có một pháp môn, chứ không phải tu hết cả 25 pháp môn.
Như vậy rõ ràng pháp môn của Phật vô hữu cao hạ, không pháp nào cao, không pháp nào thấp cả. Nhưng có một điều cần chú ý, một người có thể thích hợp với pháp tu này nhưng không hợp với pháp tu kia. Một căn cơ thích ứng với một cách hành trì tương ứng, chứ không phải cách hành trì nào cũng thích hợp với mọi người được. Cho nên, trong “Thất Bồ-Đề Phần”, là bảy điều cần giác ngộ cho một người tu hành, thì Đức Thế-Tôn dạy cần phải tuyển chọn một pháp môn nào thích hợp với căn cơ của chính mình, rồi tập trung, hoan hỉ, tinh tấn chuyên trì pháp môn đó thì mới có thể dễ dàng thành tựu. Đó là điều giác ngộ cần thiết cho người học Phật. Còn nếu sơ ý, ôm đồm quá nhiều pháp môn, thì sau cùng khó tránh khỏi sự lộn xộn, rối ren, mất chủ định. Nói theo Tổ Ngẫu-Ích thì, “… Sự sự không xong, việc việc không thành, đây là điều đáng thương của người tu hành trong thời này vậy”.
Trở lại Pháp Hộ-Niệm, xin thưa với chư vị, hộ niệm chính là một pháp tu, gọi là Pháp Niệm Phật Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy trong kinh Lăng-Nghiêm với 25 viên thông, thì chúng ta chọn pháp viên thông của Bồ-Tát Đại-Thế-Chí, vị đứng bên phải của Đức A-Di-Đà, đây là chương: “Niệm Phật Viên Thông”, một đời Ngài chuyên lòng niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Bây giờ ngài là một vị Đẳng Giác Bồ-Tát, Vị Bồ-Tát tả hữu sát cạnh của Đức A-Di-Đà, hướng dẫn chúng sanh trên pháp giới niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Tại sao ta chọn pháp môn này, mà không chọn các pháp môn khác? Tại vì trong 25 chương viên thông đó có nhiều cách hành trì khác nhau. Đức Thế-Tôn quán xét căn cơ của chúng sanh trong thời mạt pháp này mà tuyển trạch chương “Niệm Phật Viên Thông” để chúng sanh tu tập được thành tựu.
Cho nên, niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ là pháp môn thù thắng nhất, vi diệu nhất, hợp căn, hợp cơ nhất đối với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Những người phàm phu căn cơ yếu đuối, tội chướng sâu nặng, nếu muốn một đời này thoát ly sanh tử luân hồi, thì không còn phương pháp nào hữu hiệu hơn là niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc.
Thưa với chư vị, chúng ta đang đi đúng theo tông chỉ của pháp môn “Niệm Phật Viên Thông” của Đại-Thế-Chí Bồ-Tát. Nhưng trong thời mạt pháp này, chánh pháp đã yếu, căn cơ lại hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng, nên chúng ta muốn thực hiện cho đầy đủ tông chỉ của pháp môn niệm Phật một đời thoát vòng sanh tử luân hồi trở về Tây-Phương thành đạo không phải lúc nào cũng êm xuôi đâu. Chúng ta rất cần những người biết đạo, biết quy luật, biết phương pháp hướng dẫn chỉ điểm đúng đường, tránh đi lệch, nhất là giờ phút cuối cùng. Dẫu rằng pháp môn niệm phật là pháp môn đơn giản, dễ tu hành.
Vì xác suất tự lực để ra đi quá khó, quá khó, nên chúng ta phải cần cẩn thận. Cẩn thận cái gì đây? Một là tu hành tinh tấn, chuyên nhất mới mạnh. Hai là phải cần cẩn thận chuẩn bị ngăn chận những gì có thể làm cho mình sụp đổ ý nguyện vãng sanh trong những giờ phút cuối cùng. Nếu sơ ý thì chúng ta có thể sẽ bị kẹt đấy. Thì xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm chính là giúp cho người bệnh như chúng ta lấp bằng những sơ hở, giữ vững được 3 tư lương Tín-Nguyện-Hạnh của pháp môn niệm Phật từ bây giờ cho đến ngày thở ra không còn thở vào được để vãng sanh. Giữ được chánh hạnh ở giai đoạn lâm chung rất quan trọng và không đơn giản đâu.
Cho nên, biết rõ về Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta phải càng ngày càng vững tâm, càng tu hành chuyên nhất để đường vãng sanh càng được an ổn. Những gì sơ suất hãy bỏ, quyết tìm cách bỏ lần, bỏ lần đi. Những điều sơ suất này thường xảy ra đối với chúng ta lắm, nếu tu một mình đơn lẻ, chúng ta cũng khó phát hiện lắm đấy. Nhưng khi tu chung với đại chúng, thì đại chúng có thể thấy được dễ dàng mà khuyên giúp ta buông bỏ. Ví dụ, như một ngày nọ một người đồng tu đến đạo tràng có sắc mặt buồn buồn. Buồn tức là trong tâm đang kẹt vấn đề gì đó. Nếu ở nhà tu hành riêng một mình, thì khó có ai để tâm sự, không có ai giải tỏa, thì vấn đề kẹt đó càng ngày càng nặng hơn, càng ngày càng rối hơn. Ban đầu thì nhỏ, nhưng càng ngày càng lớn, sau cùng chính nó trở thành một mối họa không nhỏ cho vị đồng tu đó!… Những mối họa này thường không mất đâu, nó chìm lắng trong A-Lại-Da thức, biến thành những chủng tử kiên cố, đến lúc cuối đời, thân sức suy kiệt, thần trí mê mệt, thì chúng ứng hiện ra một cách tự nhiên, gọi là ứng hiện trong vô thức. Nhiều chủng tử tự động ứng hiện làm cho tâm hồn bấn loạn, không còn sáng suốt nữa. Hay nói rõ hơn, nghiệp chướng đã làm chủ còn chính ta trở thành kẻ nô lệ, cúi đầu theo nghiệp thọ nạn.
Chính vì vậy, nếu không được khai giải trước, thì những mối họa này sẽ ươm mầm trong tiềm thức này. Đến lúc thân tâm suy kiệt, không còn tự chủ được nữa, thì những mầm họa này mới tự động ứng hiện ra làm tâm hồn điên đảo. Chính vì vấn đề này, mà có rất nhiều người tu hành lâu năm, nhưng sau cùng không thực hiện được những gì theo đúng như ý nguyện. Người niệm Phật cả một đời, nhưng không đủ khả năng đạt được cảnh giới nhất tâm bất loạn, lại không chuẩn bị hộ niệm trợ duyên, sau cùng khó giữ vững được Tín-Nguyện-Hạnh mà đành mất phần vãng sanh cũng vì lý do này vậy.
Cầu an là thường đợi đến lúc bệnh xuống, hoạn nạn, nghiệp đổ ra, mới lập đàn cầu hết bệnh, cầu tiêu tai giải nạn. Thường thường người thế gian thích cầu tiêu nghiệp, cầu hết bệnh lắm. Tại vì sao? Tại vì chỉ nghe đến tiếng hết nghiệp, hết bệnh là thích rồi! Còn thực sự có hết hay không thì chưa cần biết đến. Con người cứ tưởng thân mạng này là nhứt, sự nghiệp này là nhứt, cuộc đời này là nhứt, còn đi vào thế giới nào khác là chỗ không thấy, không biết, không cần tới. Vì cho cuộc đời này là nhứt, nên tham sống sợ chết, cầu mong sống được ngày nào đỡ ngày đó, nên nói về cầu an thì ai cũng thích. Còn nói rằng buông xả để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì ít ai tin. Khó lắm, khó lắm!… Chính vì tâm nguyện bám víu lấy cõi này, nên vạn ức người tu hành, khó tìm ra một người giải thoát.
Pháp môn niệm Phật dạy cho chúng ta quyết lòng cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Người niệm Phật phải đi cho đúng, đi cho thẳng, để một đời này vững vàng trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo.
Tu pháp môn nào cũng để cuối cùng thành tựu đạo quả, Lý đạo cao tột của Phật dạy là làm sao trở về cho được Chơn-Tâm Tự-Tánh của chính mình. Tu hành pháp môn nào phải thật vững một pháp môn mới có hi vọng thành tựu, thì pháp môn niệm Phật không phải tự lực tu chứng để khai mở Chơn Tâm, mà chính là đi về Tây-Phương Cực-Lạc, nhờ cảnh giới thù thắng của đức Phật A-Di-Đà giúp cho Chơn Tâm của chúng ta hiển lộ. Đây là pháp Nhị-Lực, dễ tu, dễ vãng sanh, dễ thành tựu đạo quả.
Muốn vững vàng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì Pháp Hộ-Niệm trợ duyên giúp cho hành giả thực hiện chính xác và đầy đủ tông chỉ của Pháp Môn Niệm Phật, thoát khỏi nhiều chướng nạn, đường vãng sanh được an toàn thẳng tắp. Đây chính là Sự Tu vững vàng, cụ thể. Pháp Hộ-Niệm giúp cho người niệm Phật hóa gỡ những vướng mắc trong tâm để giữ vững chánh niệm vãng sanh. Giúp người đang trong cơn lo sợ tự nhiên hết sợ, đang trong cơn khủng hoảng tự nhiên hết khủng hoảng, đang bị oán thân trái chủ đòi nợ trả thù tự nhiên được hóa giải. Lòng chân thành của người hộ niệm giữ vững cái tâm chí thành niệm Phật của người bệnh, niệm Phật được cảm ứng đạo giao. Trong kinh có nói, người thành tâm niệm Phật quang minh của câu Phật hiệu phát ra 40 dặm. Diệu Âm thường nói, chỉ cần quang minh của câu Phật hiệu bủa ra 2 thước thôi, bên này bủa ra 2 thước, bên kia bủa ra 2 thước, trong phạm vi 4 thước quang minh đang bao trùm thì cũng đủ tạo được môi trường an toàn cho người bệnh an nhiên theo nguyện mà vãng sanh rồi.
Chính vì thế xin thưa với chư vị, Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh là một Pháp Đại Cứu Tinh vi diệu, tối thắng, đơn giản, cụ thể, và thiết thực cứu từng người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.