Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 77)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 32. Câu (s): Ban hộ niệm cần phải lo luôn việc hậu sự tang lễ thì công đức mới được trọn vẹn.
Đúng không chư vị? – (Sai). Giỏi quá! Chư vị nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm kỹ quá rồi nên trả lời đều chính xác hết.
Hậu sự, tang lễ… chúng ta có thể tham gia, nhưng đây chỉ là những việc sau khi hộ niệm xong, chứ không phải là việc chính yếu của người hộ niệm. Chính yếu của ban hộ niệm là làm sao giúp cho người bệnh khi lâm chung giữ cho được chánh niệm, để khi ra đi họ được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Xin thưa với chư vị, tất cả mọi việc công đức trên đời không có công đức nào qua được công đức hộ niệm cho một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Niệm Phật Hộ Niệm Vãng Sanh quá lợi lạc, nhưng chính Diệu Âm không biết làm sao để xiển dương một đại pháp có thể cứu được chúng sanh này. Đến khi đọc được lời khai thị của Ấn Tổ đã làm cho Diệu Âm tỉnh ngộ ra một điều mình cần phải làm. Lời đó như thế này: “Mình biết niệm Phật để vãng sanh, thì nỡ nào để cho cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc tiếp tục lăn lộn trong cảnh sanh tử luân hồi. Khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc là giúp cho một phàm phu thành bậc Chánh-Giác, công đức này vô lượng vô biên. Nếu đem công đức ấy hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc thì đạo nghiệp tự nhiên thành”.
Diệu Âm cầm bút viết lên những lá thư “Khuyên Người Niệm Phật” là nhờ đọc được lời khai thị này của ngài Ấn Quang, thành ra Diệu Âm nhớ mãi ơn đức của Ngài. Nếu không có duyên đọc được lời khai thị này, Diệu Âm không thể nào biết được cách viết thư khuyên cha mẹ niệm Phật đâu. Lúc đó, kiến thức Phật học của Diệu Âm còn quá dở, tâm trí thì mê mờ, chỉ vừa trực nhận ra con đường niệm Phật vãng sanh vô cùng vi diệu, nhất là Pháp Hộ-Niệm quá tuyệt vời, quá cụ thể, tạo cơ duyên cho người thành tựu rõ ràng trước mắt. Biết vậy, nhưng chính mình không biết làm sao nói cho người khác cùng biết, không biết làm sao nói cho người thân tin, thành ra cứ bức xúc, xốn xang, trăn trở mãi. Chính lời khai thị của Ấn Tổ: “Mình biết niệm Phật vãng sanh rồi, thì nỡ nào để cho cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc tiếp tục trầm luân trong cảnh sanh tử luân hồi…”. Thật đúng là một ngọn đuốc soi sáng con đường phải đi vậy.
Hay quá!… Rõ ràng là Ngài đang khai thị cho chính mình, nhắc nhở mình hãy cố gắng tìm cách giúp những người thân bằng quyến thuộc của mình ít ra cũng có được một người, hai người phát tâm niệm Phật mà vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Đọc được lời khai thị này thì thấy được hướng đi, nhưng vẫn chưa biết phải làm sao để khuyên cha mình niệm Phật, làm sao khuyên mẹ mình niệm Phật, làm sao khuyên được những người thân yêu của mình niệm Phật đây? Bắt điện thoại lên nói chuyện, thì vừa nói một câu về việc tu hành liền bị ông cụ la rầy rồi!… Nói chuyện với anh chị em, vừa mở lời thì liền bị chê cười, mỉa mai rồi!… Chư vị thấy đó, khuyên một người niệm Phật đâu phải dễ dàng. Thì chính nhờ những “Lá Thư Tịnh Độ” của Ấn Tổ một lần nữa đã khai thị cho Diệu Âm những gì có thể làm được. Thực sự ngài Ấn Quang đã khai sáng cho Diệu Âm rất nhiều trên con đường học Phật, hành đạo. Ngài là một vị đại Tổ Sư thời cận đại mà kiên trì cầm bút viết từng lá thư một gởi đến đồng tu khuyên tu niệm Phật, thì tại sao ta không cầm bút viết thư khuyên cha mẹ, anh chị em, bạn bè… niệm Phật, tránh được những cảnh trực tiếp khuyên bảo, lý luận, phân bua với nhau mà sanh ra phiền não?… Trực nhận ra sự thuận lợi của lời thư, Diệu Âm mới viết nên những lá thư khuyên người thân niệm Phật, sau này được ấn tống thành bộ sách “Khuyên Người Niệm Phật”, vô tình đã kết được cái duyên “Niệm Phật Hộ Niệm Vãng Sanh” đến nay.
Chư vị ơi!… Cần phải quí trọng những lời của chư Tổ. Chính những lời thư chân thật, mộc mạc, gần gũi của Ấn Tổ chứa đựng đạo lý quá nhiệm mầu. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành để đọc, tâm chí kính mà xem, thì đọc từng đoạn có từng cơn tỉnh ngộ, một ngày nào đó chúng ta có thể ngộ ra lý đạo giải thoát đó chư vị ạ.
Trở lại với Pháp Hộ-Niệm, có người cho rằng, một pháp đến ngồi bên người bệnh niệm “A–Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…” có gì lạ đâu? Có gì là cao siêu? Người hộ niệm đến cầm tay người bệnh dặn dò: “Bác ơi!… Bác niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc nhé…”. Lời khai thị đơn giản, bình thường quá, có gì phi thường đâu? Nhưng thực sự, nhờ Pháp Hộ-Niệm này mà có nhiều người đã được vãng sanh. Chỉ đơn giản vậy thôi mà vô số người đã ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Lần đầu tiên nhìn thấy hiện tượng vi diệu này mà Diệu Âm giật mình tỉnh ngộ, cảm giác bàng hoàng, ngỡ ngàng mà tâm hồn phải rúng động. Nhìn thấy người đã vãng sanh mà mừng vui đến nỗi tay chân run lên lẫy bẫy!… Tại sao trong cả một quá khứ dài vằn vặt ít có ai biết làm những việc đơn giản này để cứu từng người từng người vãng sanh vậy?!…
Cho nên xin thưa với chư vị, khi đi hộ niệm rồi, nếu có sự chân thành phát tâm, thì chư vị có thể ngộ ra đạo lý nhiệm mầu trong từng phút giây hành đạo. Trong gần 20 năm qua, Diệu Âm nói mãi về Pháp Hộ-Niệm này, nhưng vẫn cảm thấy chưa nói trọn lời trọn ý. Càng nói càng thấm, càng thấm càng thấy chính Pháp Hộ-Niệm này bao trùm hư không pháp giới. Một pháp môn đơn giản, vi diệu, rộng độ chúng sanh. Một pháp có lý đạo cao diệu, lại thực hành cụ thể chính xác, hàng ngày trực tiếp tiễn đưa người người vãng sanh thành tựu đạo quả. Hiểu được điều này, xin chư vị hãy tự mình phải quyết lòng niệm Phật đi cho tới Tây-Phương Cực-Lạc, và tận tình hộ niệm cho người có duyên cùng vãng sanh nhé. Xin đừng nghe thấy đơn giản quá mà sinh tâm khinh nhờn, tự phụ mà vô tình chính cái tâm không thành kính của mình nó sa thải mình ra khỏi một pháp vi diệu nhất, tối thắng nhất của Phật mà không hay đó.
Có tâm chí thành tự nhiên thâm nhập vào cảnh đạo. Ngài Ấn Quang dạy vô cùng hay: “Chí thành chí kính là cái đạo nhiệm màu giúp cho chúng sanh một đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành tựu đạo quả”. Xin nhớ kỹ điều này.
Tang sự, lễ lộc phần nhiều là nghi lễ thuộc về thế gian. Ngay trong lễ nghi Phật Giáo cũng thường tùy thuận vào thế gian mà chế ra. Người Việt Nam chết thì liệm trong hòm, chôn cất có kèn trống… Người Hoa thì hiện nay không cho dùng hòm để chôn, lại thường đốt nhiều vàng mã giấy tiền. Người Tây-Tạng thì họ dùng điểu táng, nghĩa là thân người chết sau khi được làm lễ xong, thì đem ra ngoài đồng cho loài chim kềnh-kềnh ăn thịt, v.v…
Như vậy, chuyện tang lễ dù dưới hình thức nào đi nữa, dưới bất cứ tôn giáo nào cũng có ảnh hưởng tập tục của thế gian. Sống trong xã hội chúng ta hòa nhập với xã hội là điều tốt. Nhưng điều quan trọng nhất của Pháp Hộ-Niệm là giúp cho được chính cái thần thức của người ngự trị trong cái thân xác đó biết đường vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, thoát khỏi cảnh đọa lạc khổ đau. Như vậy nếu ta giúp cho thần thức người ra đi được vãng sanh viên mãn, rồi sau đó, nếu không có gì trở ngại, có thể hòa với phong tục xã hội lo việc tang sự thì trọn vẹn đôi bề. Nhiều người chỉ chú ý đến cái xác thân vật chất này, dù biết rằng trước sau gì nó cũng trả về cho vật chất, sẽ tan rã trong một vài ngày, vậy mà cứ lấy cái danh hão huyền của thế gian làm trọng thì thật là tội nghiệp cho người đã chết! Một khi chú tâm vào tục lệ hão huyền thế gian thì xem nhẹ phần giúp nhau giải thoát, khiến cho người chết đành phải vướng nạn mà chịu đọa lạc khổ đau đời đời kiếp kiếp. Thật oan uổng thay!…
Hãy sớm tỉnh ngộ ra pháp Phật, niệm một câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, quyết lòng nhờ đồng tu bảo vệ hộ niệm cho nhau, đây chính là điều giác ngộ tột cùng viên mãn, giúp cho một phàm phu như chúng ta một đời này vãng sanh thành đạo đấy.
(t): Ban hộ niệm nên nhận tiền trả ơn để tránh cho gia đình khỏi bị ái ngại.
Đúng hay sai? – (Sai). Vô cùng sai đấy! Sai vô cùng đấy!… Có người nói, nếu đi hộ niệm mà mình không nhận tiền thì gia đình sẽ ái ngại. Vì không sòng phẳng nên người ta không dám mời. Ồ!… Không mời là vì duyên người ta không có, còn người hộ niệm nhận tiền thù lao từ gia chủ thì nhất định không làm đúng theo lời Tổ dạy. Làm không đúng theo lời Tổ là tội “Phản Sư Diệt Tổ”. Ngài Ấn Quang, Ngài Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam xác định rằng, nhận tiền thù lao là tội Phản Sư Diệt Tổ của người hộ niệm. Chính sự không liên quan đến tiền bạc là điểm mạnh và thanh bạch của người hộ niệm đấy.
Trước khi nhận một ca hộ niệm, gia đình cần phải hội họp lại đầy đủ để chúng ta bàn thảo nghiêm chỉnh, nói rõ các điều kiện, trong đó cái điểm đầu tiên cần nói là ban hộ niệm hoàn toàn thiện nguyện tới giúp cho người thân của chư vị có cơ duyên siêu vượt qua tất cả khổ nạn, vãng sanh Tịnh-Độ, không nhận một đồng thù lao hay quà cáp nào cả. Nói rõ ràng điều này cho gia đình biết, ban hộ niệm vì lòng từ bi mà hộ niệm, muốn đem Pháp Phật vi diệu này để giúp người bệnh có được cơ duyên vãng sanh thành đạo, chứ không vì một lợi nhuận nào. Ban hộ niệm chỉ mong tạo được công đức tiễn đưa người vãng sanh viên mãn và lấy đó làm công đức hồi hướng cho chính mình sau cùng cũng được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, tất cả đều đồng trọn thành Phật đạo.
Người hộ niệm nên nhớ, hộ niệm tiễn đưa một người vãng sanh là giúp một phàm phu thành bậc Chánh-Giác, công đức này vô lượng vô biên, nếu đem công đức ấy hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc thì đạo nghiệp của chúng ta tự nhiên thành. Nếu người hộ niệm ý nguyện vãng sanh không thối chguyển, thì chúng ta cũng sẽ được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Bà Cụ bán bánh ú ở Sài Gòn, mười mấy năm trường chỉ biết bán bánh ú, rồi tối về niệm Phật hộ niệm trước người bệnh mà bà biết ngày giờ vãng sanh, khi ra đi Cụ vẫy tay chào từ biệt mọi người rồi theo Phật đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin đừng khinh thường công đức niệm Phật hộ niệm bên người bệnh. Công đức này lớn vô lượng vô biên đấy.
Hộ niệm phải thành tâm thì chư vị mới có công đức viên mãn. Hộ niệm mà không có lòng thành, thì dẫu cho người đó được vãng sanh tốt đẹp nhưng chính người hộ niệm cũng không có công đức đâu. Xin nói thẳng thắn sự thực này. Vì nếu người hộ niệm có lòng thành tâm, tận sức, tận lực, làm đúng qui lệ, thì dẫu cho người được hộ niệm không được vãng sanh, nhưng chư vị vẫn hưởng trọn vẹn công đức của công phu đã nhiếp tâm niệm Phật trong suốt khoảng thời gian đó, vì lòng từ bi vô hạn, sự nhiếp tâm cao độ và tấm long tha thiết cứu người vãng sanh. Còn không thành tâm thì dù người đó có được vãng sanh chư vị cũng không hưởng công đức gì, vì giả như không có mình, thì có lẽ người đó vãng sanh còn tốt đẹp hơn đấy.
(u): Ban hộ niệm khuyên gia đình phóng sanh hồi hướng cho oan gia trái chủ để giải nạn, còn những gì liên quan đến tiền bạc thì nên từ chối là tốt nhất.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Hãy nên nói thẳng thắn điều này để gia đình khỏi bận tâm tới. Có những trường hợp có người tự động muốn phát tâm yểm trợ cho chương trình hộ niệm, hộ trì Phật Pháp để lợi lạc chúng sanh, hoàn toàn không phải trả công ơn cho người hộ niệm, thì sự phát tâm này thuộc về một diện khác. Phật Pháp cần phải có “Hộ Pháp” mới có khả năng lưu tồn lâu dài. Ví dụ, có ban hộ niệm kia đi hộ niệm khắp nơi, tạo được công đức lớn, có người thấy vậy xin viện trợ cho cả một chiếc xe 30 chỗ, yểm trợ luôn một bác tài xế, để đưa đón ban hộ niệm đi suốt trong những năm qua. Sự phát tâm này là điều tu phước cúng dường mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Diệu Âm khuyên ban hộ niệm đó nên nhận để làm phương tiện hộ niệm giúp người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đừng lợi dụng phương tiện này mà phục vụ cho một nhu cầu khác thì được. Còn đi hộ niệm mà đưa ra giá thành phải trả: 500 đô-la, 200 đô-la, 5 triệu, 10 triệu đồng Việt Nam, v.v… là điều không đúng. Người hộ niệm chân chính quyết không được dính vào những việc này.
Ở Việt Nam có nhiều người hộ niệm đi từ bắc vào nam, họ phải đi suốt dãi đất hình chữ S để hộ niệm. Đường xá xa xôi, phương tiện yếu kém, di chuyển vô cùng vất vả, thế mà vẫn có người phát tâm làm đạo. Những trường hợp này thì chính gia đình người bệnh phải chi trả các chi phí đi lại cho họ, như: vé máy bay, vé xe đò, và cần nên cho người hộ niệm vài bữa cơm đạm bạc là điều đúng. Xin nhớ cho, người hộ niệm đã phát tâm thiện nguyện làm việc công đức, họ đâu có làm gì ra tiền, thì làm sao có khả năng tự chi trả các khoản này?…
Khuyên gia đình người bệnh tu phước, phóng sanh… là điều tốt để hồi hướng công đức cho người bệnh, cho oán thân trái chủ cầu giải ách nạn. Phóng sanh là tu bố thí vô úy. Những người phóng sanh, ăn chay, không giết hại sinh vật… tự nhiên cơ thể người ta càng ngày càng khoẻ càng mạnh. Hiểu được như vậy chúng ta mới thấy rằng, tu phước vẫn là điều quan trọng vô cùng. Ngày cuối cùng của cuộc đời nhờ cái phước đó mà người ta dễ có cơ hội vượt qua những ách nạn của nghiệp báo.
Khi gặp Chương Gia Đại Sư, ngài Tịnh Không hỏi lão Chương Gia: “Làm sao có thể hội nhập vào Pháp Phật một cách nhanh chóng nhất?”. Ngài Chương Gia Đại Sư nhìn ngài Tịnh Không rất lâu, rồi sau cùng nói lên hai tiếng: “Bố Thí”. Hòa Thượng Tịnh Không y giáo phụng hành. Tất cả những gì liên quan đến tiền bạc của Ngài, ngài bố thí hết. Nhưng càng bố thí thì phước báu của Ngài càng lên. Lạ lắm!…
Ở việt nam Diệu Âm biết có một người học hành thì chưa hết lớp năm. Từ một người công nhân cạo mủ cao su, sau đó đi bán từng lít xăng một để kiếm tiền sống. Thế mà khi gặp Pháp Hộ-Niệm, thấy quá lợi lạc. Thế là vị này phát tâm yểm trợ cúng dường. Nghĩa là có bao nhiêu tiền hầu hết đều đem đi ủng hộ cho những người hộ niệm. Ấy thế, từ một một người bán xăng từng lít trở thành chủ một trạm xăng. Chủ một trạm xăng kiếm tiền cũng vất vả, tự nhiên lại biến thành một tổng giám đốc một công ty phân phối phân bón, tiền vào rủng rỉnh. Hàng năm được vé đi ngoại quốc du lịch miễn phí.
Nghèo mà có tâm bố thí tự nhiên phước báu đến, chứ đâu phải bon chen làm tiền là có tiền đâu. Người đó có tâm đạo cao, thấy điều lợi ích của Phật Pháp, có được chút ít tiền bạc đều tung ra cúng dường giúp người vãng sanh khắp nơi. Hễ gặp một ban hộ niệm khó khăn, vị đó nghe được liền tìm cách đến giúp đỡ.
Xin thưa thực với chư vị, Phật Pháp vô cùng vi diệu mà tại vì chúng ta không biết đó thôi. Bố thí tiền tài thì hưởng phước báu. Tham lam keo lận thì chịu túng khổ. Hãy hiểu thấu định luật nhân-quả của Phật mà hành cho đúng thì thấy rõ chân lý Phật dạy.
Vậy thì hãy phát cái tâm chân thật bố thí giúp người thì tự nhiên nhận được quả báo tốt lành. Đừng vội vã nghe nói bố thí tiền bạc sẽ được giàu có mà phát tâm vì muốn giàu có mà đi bố thí nhé. Tâm muốn được giàu có là tâm tham lam. Tham lam thì đi bố thí mà nhận lấy quả báo ngạ-quỉ đói khát khổ sở đấy nhé!…
Hãy chân thật vì lợi ích chúng sanh mà phát tâm làm đạo, quả báo bất khả tư nghì. Đem công đức này hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc, niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chư vị dễ dàng ra đi vãng sanh trong tư thế tỉnh táo, không bị chướng ngại đấy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.