Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 57)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Xin chư vị mở trang 26. Bắt đầu từ đầu. Vấn đề 26: Tại sao người bệnh còn sợ chết thì không được vãng sanh?
Chết và Vãng-Sanh khác nhau một trời một vực. Vãng sanh là ta không chết mà về Tây-Phương Cực-Lạc, còn bị chết là còn vướng trong sáu đường luân hồi và với hàng phàm phu như chúng ta thường thì chui vào trong ba đường ác gọi là tam ác đạo: địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh để chịu nạn. Hầu hết, có thể nói là 90% những người phàm phu như chúng ta khi chết bị rơi vào ba đường ác, còn được trở lại làm người họa hiếm lắm đấy.
Vì thế, chết thì đúng ra là ta phải sợ, nhưng với Pháp Hộ-Niệm khuyên chúng ta đừng sợ chết. Hai chữ “Chết” này có ý nghĩa khác nhau.
Chết – Chúng ta phải sợ. Chữ “Chết” này có nghĩa là khi xả bỏ báo thân này ta bị kẹt lại trong sáu đường luân hồi, để tiếp tục sanh rồi tử, tử rồi lại sanh, sanh sanh tử tử khổ đau bất tận. Cảnh sanh tử này ta gọi chung là “Chết”. Thì sự “Chết” này chúng ta phải sợ, phải cẩn thận tìm cách tránh đi. Nghĩa là, khi mãn báo thân này chúng ta phải quyết lòng đừng để rơi lại trong sáu đường luân hồi để chịu chết nữa, nhứt là đừng để phải chui vào trong ba đường ác.
Còn Pháp Hộ-Niệm khuyên ta đừng sợ chết, thì chữ “Sợ Chết” này là chỉ cho sự sợ hãi, không muốn xả bỏ thân xác này. Nghĩa là Pháp Hộ-Niệm khuyên chúng ta không nên sợ sệt trước sự xả bỏ thân xác. Ngược lại, chúng ta còn trông chờ ngày xả bỏ báo thân, vì có xả bỏ báo thân này thì ta mới có thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nhận lấy một báo thân khác của một Bồ-Tát bất thối để bắt đàu từ đó chúng ta sẽ thành Phật luôn. Như vậy khuyên đừng sợ chết, có ý nghĩa là khuyên chúng ta đừng tham luyến cõi đời này, đừng tưởng rằng cuộc đời này là nhứt, đừng nghĩ rằng mất thân mạng này là mất tất cả, đừng nghĩ rằng sau khi xả bỏ thân mạng này thì không còn gì nữa cả. Vì vậy, chỉ có người không hiểu đạo, nghĩ tưởng sai lầm, nên mới sanh ra tâm trạng sợ hãi cảnh mạng chung. Người sợ hãi cảnh mạng chung thì khi đối diện với cảnh lâm chung tinh thần sẽ bị rối loạn, hoảng sợ, hãi kinh… Bị như vậy không thể được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Người muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì phải biết tự tại trước cảnh sanh tử. Nghĩa là, không còn lo âu, không còn sợ sệt, không còn phân vân, không còn tham tiếc cõi đời vô thường, quyết lòng quyết dạ niệm Phật đi vãng sanh. Được vãng sanh thì khi ra đi người đó thoát khỏi cảnh chết, thể hiện ra sự an lành trên nét mặt, thân tướng tươi hồng mềm mại, thoại tướng rất đẹp…
Người ra đi mà lưu lại tướng lành là một điều rất quí báu, hứa hẹn đời kế tiếp của họ được sanh về các cảnh giới thiện lành, tương lai vô cùng sáng lạng, hưởng nhiều an vui hạnh phúc. Người được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc nhất định có tướng lành này. Còn người tâm hồn lo âu, sầu muộn, sợ sệt, bám víu vào thế gian này thì khi mãn báo thân phải chịu chết. Nghĩa là, người đó không được giải thoát, tương lại rơi vào những cảnh đọa lạc khổ đau. Hiện tượng cụ thể dễ thấy nhất là sau khi ra đi lưu lại tướng ác, thân xác cứng đơ, sắc mặt u buồn, thần trí hãi kinh… Tướng ác này là sự báo hiệu cho đời kiếp tương lai của người đó bị nạn!…
Hôm nay chúng ta đưa ra vấn đề gọi là “Sợ Chết”, có nghĩa là chỉ cho người sợ mất cái thân mạng này. Một khi còn sợ chết thì vướng phải một sai lầm rất lớn, làm mất vãng sanh. Tại sao vậy?
(a): Vì còn quyến luyến cõi trần này nên không được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Nhất định đúng đấy. Phật dạy tất cả đều do chính tâm mình thực hiện. Giả sử một người hồi giờ không tu hành gì cả, đến khi bị bệnh khổ, bác sĩ báo cáo không chữa trị được nữa, nghĩa là cách nào cũng phải chết thôi, nhưng người đó lại không sợ chết, coi sự chết nhẹ nhàng. Nhờ cái tâm không sợ chết này mà người đó cảm thấy bình an, không lo lắng, không buồn rầu, không sợ hãi… Những người này nếu có cơ duyên gặp người hộ niệm tới khuyên họ hãy niệm Phật đi về Tây-Phương Cực-Lạc, họ dễ dàng phát lòng tin, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, họ có thể vãng sanh đấy.
Một người tu hành cả một đời, ăn ở hiền lành, nhưng không biết đường giải thoát, đến khi sắp xả bỏ báo thân mà tâm ý lại mơ hồ, ý tưởng còn mông lung, thì nhiều lắm cũng chỉ hưởng được cái phước hữu lậu nào đó chứ không thể thoát nạn sanh tử luân hồi, không thể vãng sanh được.
Ngược lại, một người dù cả cuộc đời không biết tu hành, nhưng đến giờ phút sắp lâm chung có nhiều người hướng dẫn đi về Tây-Phương. Nhờ thiện căn phước đức tu được trong nhiều đời trước, nay gặp cơ duyên hội tụ về, họ phát tâm tin tưởng, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh. Do tâm của họ quyết lòng đi về Tây-Phương Cực-Lạc mà họ niệm Phật một vài ngày, hay một vài tuần mà có thể vãng sanh. Đó là lý đạo “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả đều do chính tâm của người đó thực hiện con đường tương lai.
Nói chung Tín-Nguyện Hạnh là đường tu vãng sanh. Chúng ta giảng nói về vấn đề hộ niệm rất nhiều là để nhắc nhở tự mỗi người phải gìn giữ Tín-Nguyện-Hạnh, tự mỗi người phải định lấy tương lai đời kiếp về sau của chính mình.
Đừng đi theo con đường lục đạo luân hồi. Nhứt định đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu chư vị giữ luôn ý nguyện này, đến lúc xã bỏ báo thân thực hiện đúng như vậy, thì nhất định chư vị đã áp dụng đúng đắn lý đạo duy tâm cao tột của Phật dạy, được vãng sanh Tịnh-Độ. Tất cả đều do chính mình quyết định lấy.
Vì thế, khi xả bỏ báo thân mà chư vị lo âu sợ sệt, luyến lưu cõi trần, thương con nhớ cháu, mơ hồ không biết chết rồi đi về đâu, hoang mang vô định… thì nhất định nghiệp chướng sẽ ứng hiện lôi kéo thần thức của chư vị theo nghiệp chướng thọ nạn. Nghiệp của chúng ta lớn như núi Tu-Di. Trong kinh Hoa-Nghiêm Phật nói, nghiệp chướng của chúng ta nếu có hình tướng, dù mỗi nghiệp nhỏ xíu như vi trần, thì không gian này đã nêm cứng rồi, đừng mơ mộng rằng tu một đời này có thể phá tan nghiệp chướng nhé!
Xin thưa với chư vị, nếu muốn phá nghiệp, tu hành đến vô lượng kiếp cũng chưa chắc phá nổi đâu. Thân phận phàm phu đừng sơ ý chạy theo con đường này mà vô phương thành tựu! Hãy vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành Bồ-Tát trước, sanh tử luân hồi không còn vướng bận nữa, sau đó muốn phá nghiệp cũng không muộn màn vậy.
(b): Vì sợ chết thì tinh thần sẽ hãi kinh bấn loạn khi lâm chung, nên không được vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng vô cùng đấy. Chư vị cứ kiểm lại đi, những người mà bình thường sợ chết, có người nào được an nhiên tự tại lúc chết không? Những người mà nghe tiếng chết thì sợ hãi, có người nào không hoảng kinh khi sắp chết không? Có những người nào sợ chết, trước khi họ chết mà không bị khủng bố, không bị bấn loạn khi ra đi không? Một ngàn người chết, tìm không ra một người thoát khỏi trạng thái này, chỉ trừ khi nhờ bác sĩ chích thuốc morphine, nằm mê man bất tỉnh chết hồi nào không hay. Nhiều người cho rằng chết như vậy là chết an lành. Nhưng thực ra không phải. Chết trong lúc mê man bất tỉnh thì thần thức của họ đi vào những cảnh giới khổ đau mà người ta không hay.
Xin thưa với chư vị, sợ chết là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng tâm thần bấn loạn, hãi kinh, bị khủng bố trước khi ra đi. Phật dạy, một người ra đi mà tâm thần bấn lọan, hãi kinh, sợ sệt, khủng bố, thì họ sẽ đi về những con đường đọa lạc khổ đau. Những cảnh giới địa ngục là nơi tra tấn, hành hạ, lửa nóng thiêu đốt, v.v… Ở địa ngục có loại cực hình như giường sắt, trụ đồng, vạc dầu sôi, v.v… Một cái giường sắt nung lửa cho nóng đỏ lên, rồi bắt tội nhân nằm lên đó. Cực hình này có tương đương với hành động chúng ta bắt con cá đang sống liệng lên vỉ sắt mà nướng không? Trụ đồng nóng, là hình phạt bắt tội nhân buộc vào đó, chẳng khác gì như hành động của con người lụi con vật đem quay. Còn hình phạt vạc dầu sôi, thì tội nhân bị liệng vào chảo dầu sôi. Tại sao vậy? Con người đã từng bắt con cua đang sống liệng vào chảo nước sôi để ăn, luộc cua trong lúc còn sống thì thịt mới ngon. Tạo nhân nào phải chịu quả đó. “Nhân Duyên Quả báo tơ hào không sai”, làm ác tránh sao cho khỏi quả báo ác tương xứng.
Vì thế, đừng nghĩ rằng tu hành vài chục năm trong đời này là có thể xóa hết nghiệp chướng nghe chư vị. Không đơn giản như vậy đâu! Một khi đã tạo ra một cái nghiệp, thì nghiệp chướng đó vĩnh viễn không bao giờ tiêu mất, chỉ khi nào đã được đền trả. Một nghiệp chướng khi gặp duyên, thì nghiệp báo ứng hiện. Muốn tránh khỏi nghiệp báo, thì chúng ta phải đi về một nơi nào mà nơi đó không có duyên để cho những nhân chủng biến thành quả báo, thì ta mới thoát nạn. Đạo lý thoát nạn chính chỗ này vậy.
Cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc thuộc về Pháp-Tánh Độ, là thế giới của Chơn-Tâm Tự-Tánh ngự trị, thế giới này khác với Pháp-Tướng Độ. Tất cả những động loạn, tội ác, nghiệp chướng, sống chết, vô thường… đều thuộc Pháp-Tướng, những hiện tượng này không thể xảy ra trong Pháp-Tánh Độ được. Ta trở về cái Chơn-Tâm Tự-Tánh thì thuộc về Pháp-Tánh. Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì tự nhiên Chơn-Tâm của chúng ta khai mở, tự nhiên chúng ta thành đạo, tự nhiên chúng ta khai ngộ là như vậy. Mong chư vị đừng để tâm thần bị hãi kinh, hoảng sợ mà lạc mất đường vãng sanh, thật là tội nghiệp cho thân phận của chính mình trong đời kiếp tương lai. Vậy thì, nhất định đừng sợ chết nghe chư vị.
(c): Vì còn tham sống sợ chết thì không đúng tông chỉ Tín–Nguyện–Hạnh nên không được vãng sanh.
Đúng không? – (Đúng). Rõ ràng pháp môn niệm Phật dễ tu dễ vãng sanh vô cùng, nhưng thương hại thay, chúng sanh vì không chịu tin nên đành chịu chết!… Pháp môn niệm Phật dễ thành tựu vô cùng, nhưng thương hại thay, chúng sanh vì không niệm Phật đành thất bại!… Pháp môn niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, không cần phải lo phá nghiệp cũng được vượt thoát ách nạn, nhưng đáng thương hại thay, chúng sanh cứ xông vào chuyện đấu tranh tạo nghiệp, không chịu buông ra để tìm con đường giải thoát, nên đành chịu đọa lạc triền miên. Danh văn lợi dưỡng trên đời này toàn là vô thường huyễn mộng, ấy thế mà con người cứ mãi tranh đấu với nhau để cùng nhau thọ nạn! Thật đáng thương thay!
Ngồi đây nói chuyện với chư vị, mong những lời này biến thành tài liệu khiêm nhường cho những ai muốn học tập về Pháp Hộ-Niệm. Bên Âu châu Diệu Âm đã gởi gắm chuyện giao lưu Pháp Hộ-Niệm cho những vị đại trưởng lão ở đó rồi. Bên Mỹ, Canada, cùng các nơi khác… Diệu Âm cũng đã nhắn lời, xin chư vị mỗi nơi phải tự lo liệu lấy đường tương lai của chính mình. Trong khóa tu ở bên Âu châu, bên Mỹ châu, bên Canada vừa rồi, chư vị các nơi đã dành hết thì giờ cho Diệu Âm giảng giải về tập sách “Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm” này, nhưng vì thời gian ngắn quá, không đủ để giảng cho viên mãn. Khi nghe lại vẫn thấy còn sơ suất, vẫn còn có chỗ lướt qua, nhiều đoạn phải bỏ đi vì giảng không kịp. Về đây, chư vị yêu cầu giảng lại, đây cũng là cơ duyên may mắn để Diệu Âm có dịp giảng giải tường tận về Pháp Hộ-Niệm, và xin dùng tài liệu này gởi đến các nơi để tham khảo, thay cho Diệu Âm phải đi đến từng nơi để giảng nói nữa. Diệu Âm cũng đã già rồi, gần 70 tuổi rồi chư vị ơi! Chỗ nào có duyên tới nói vài câu, chỗ nào không có duyên thì lặng lẽ rút lui. Diệu Âm thật sự muốn lầm lũi âm thầm niệm Phật để tìm đường vãng sanh.
Muốn được vãng sanh thì người niệm Phật không được sợ chết nữa. Mỗi người phải tự thực hiện cho đúng cái tông chỉ của pháp môn niệm Phật mà được. Tông chỉ đó là Tin-Nguyện-Hạnh. Nói đi nói lại, nói lên nói xuống vẫn chỉ là ba điểm này. Chỉ có ba điểm này thôi, mà nói mãi cũng nói không hết.
Một là niềm tin. Xin chư vị phải xác định rõ niềm tin vững vàng đi nhé. Pháp môn niệm Phật không đòi hỏi chư vị phải nghiên cứu để hiểu cho rõ lý đạo rồi mới tu, mà phải lấy niềm tin để đi. Chư đại Bồ-Tát mà còn phải lấy niềm tin niệm Phật để về Tây-Phương Cực-Lạc, còn ta là phàm phu mà cứ đứng đây lý huyền luận diệu, cứ muốn tìm hiểu cho rõ đạo lý cao diệu như thế nào trong câu A-Di-Đà Phật rồi mới tính, thì thất bại ê chề rồi!… Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh”, nghĩa là, chỉ khi nào thành Phật rồi mới có thể hiểu thấu được cái lý đạo nhiệm mầu của câu Phật hiệu. Chư vị Bồ-Tát Pháp-Thân Đại-Sĩ trên cõi Hoa-Nghiêm, tu hành cả hàng đại A-tăng-kỳ kiếp rồi, mà các Ngài cũng đành phải nhờ Ngài Phổ-Hiền Đại-Sĩ dẫn dắt bằng 10 nguyện lớn để niệm Phật trở về Tây-Phương Cực-Lạc, thì làm sao phàm phu chúng ta có thể hiểu thấu đạo lý của câu A-Di-Đà Phật mà cứ đứng đây tìm hiểu, lý giải? Hiểu được như vậy, xin chư vị phải lấy niềm tin mà đi, lấy sự hiền lành mà tu. Tín tâm nhờ ở thiện căn. Người nào tin tưởng vững vàng là người đó có đại thiện căn. Tin yếu vì thiện căn yếu. Thiện căn yếu thì giờ đây phát tâm tin tưởng mạnh lên để tô bồi thiện căn. Niềm tin vô cùng quan trọng.
Thứ hai là nguyện vãng sanh. Xin nguyện vãng sanh thật tha thiết. Phải mong muốn được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thiết tha. Người nào thật sự mong muốn vãng sanh Tây-Phương tha thiết dễ biết lắm. Khi bị bệnh nặng, bác sĩ báo rằng không thể chữa trị được nữa, nghĩa là anh phải chết rồi, thì người đó tự nhiên sắc mặt rạng rỡ ra. Bao nhiêu năm qua đợi chờ cơ hội này để vãng sanh, thì bây giờ đã sắp tới rồi, người ta vui mừng chứ không lo âu sầu muộn. Còn những người trước cái tin sắp mãn báo thân mà sợ lên sợ xuống, lo này lo nọ, than vắn thở dài… Dẫu cho suốt nhiều năm tháng qua có nguyện vãng sanh, thì giờ đây đã chứng minh được rằng, họ chỉ là nguyện láo!… Nguyện không chân thực, không tha thiết thì làm sao được vãng sanh Tịnh-Độ?
Thứ ba là chuyên lòng niệm Phật. Phải thành tâm, chí thiết niệm Phật nghe chư vị.
Chỉ ba điểm này thôi là đủ cho chư vị thoát cảnh phàm phu sanh tử đọa lạc này, trở về miền Cực-Lạc thành bậc bất thoái chuyển Bồ-Tát, một đời thành Phật.
Pháp môn niệm Phật quá đơn giản mà đã cứu được vô lượng người vãng sanh. Hiện nay ở Việt Nam ngày ngày đều có người niệm Phật vãng sanh. Thật là một đại duyên lành giúp cho chúng ta ngộ ra con đường tu hành một đời giải thoát.
Biết được vậy rồi, thì một câu A-Di-Đà Phật trọn đủ cho chư vị thành tựu. Một câu danh hiệu A-Di-Đà Phật là trọn đủ tất cả ba tạng kinh điển của Phật môn. Mong chư vị quyết lòng quyết dạ niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Nhứt định phải đi cho tới Tây-Phương Cực-Lạc, một đời này thành đạo nghe chư vị.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.