Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 45)
Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 45)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Những điểm khác nhau giữa hộ niệm và cầu siêu.
Đưa ra vấn đề này vì có nhiều người hiểu lầm giữa Hộ Niệm và Cầu Siêu. Thông thường, trong những năm tháng qua, người tu hành hay không tu hành hầu hết thường khi chết rồi thì mời các vị Sư đến cầu siêu, hi vọng người thân được siêu độ. Nhưng xin thưa với chư vị, không dễ dàng như vậy đâu!
(a): Hộ Niệm là hướng dẫn cách tu hành, tháo gỡ những chướng nạn cho người đang sống, còn Cầu Siêu là phương pháp gỡ nạn cho người đã chết.
Đúng là như vậy đấy. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn những người đang sống tìm cách tháo gỡ lần những chướng nạn của mình, để lúc đi vãng sanh không bị trở ngại. Còn Cầu Siêu là khi chết rồi mới tìm phương cách tháo gỡ chướng nạn, cầu cho linh hồn người chết được siêu độ. Nhưng xin thưa thực với chư vị, không đơn giản như vậy đâu.
Một khi nghiệp chướng đã hiện hành, thần thức người đó đã bị cuốn theo cơn gió nghiệp rồi, thì cứu thoát ra không phải dễ dàng! Hãy tưởng tượng như một chiếc lá khô trong cơn bão táp, chiếc lá khô dễ gì cưỡng lại được sức gió như vũ bão!… Vì thế, đợi chết rồi nhờ đến một lễ cầu siêu để được siêu độ là cả một sự sơ suất rất lớn. Hầu hết Đồng Tu, Phật Tử tu hành hiện tại thường vướng phải sơ suất này mà không hay. Cứ nghĩ rằng tu là làm chút thiện, làm chút phước, làm chút công quả cho chùa, rồi đến cuối đời dặn dò con cháu mời chư Tăng Ni đến cầu siêu để được siêu độ. Nhiều khi con cháu mời chư Tăng Ni đến cầu siêu cho mẹ, mà chính con cháu không tin. Nhiều người dặn dò con cháu, khi mình chết rồi mời Sư Thầy đến làm lễ cầu siêu, nhưng chính mình chưa bao giờ có ý định gì gọi là siêu sanh Tịnh-Độ, chưa bao giờ dám cất lên một lời nguyện vãng sanh. Thế thì làm sao có thể siêu sanh được!….
Phật dạy tất cả đều do chính mình thực hiện. Mong chư vị nhớ cho, tu hành cần trọng về thực chất, chứ không nên cầu ở sự hư vọng hão huyền. Hộ niệm là phương cách hướng dẫn chính người đang sống biết cách tu hành cụ thể, thực tế, biết cách tháo gỡ những chướng nạn của chính mình, để đường vãng sanh được an toàn êm đẹp, chứ không phải chờ khi chết rồi mới nhờ người khác đến tháo gỡ chướng nạn. Chướng nạn gì đây? Nhiều lắm đấy. Chấp trước nặng nề, tâm ý mê mờ, thương nhà nhớ cửa, quyến luyến con cháu, tham tiếc tài sản, sợ chết sợ bệnh, tâm thần bất an, những ách nạn từ oán thân trái chủ, v.v… nhiều lắm. Tất cả những thứ đó là sự vướng mắc, làm cho người chết khó thoát khỏi đọa lạc trong ba đường khổ.
Trong những sự vướng mắc đó, sợ chết là một trong những ách nạn rất lớn, làm mất phần vãng sanh và dẫn tới bị đọa lạc. Hầu hết những người có tâm sợ chết thì khi đối diện với cảnh lâm chung, cảnh xả bỏ báo thân khó có người nào giữ được tâm an tịnh, khó có ai tránh được những sự khủng hoảng khi ra đi. Chư vị cứ để ý coi, những người sợ chết, lúc gần chết họ thường làm những động tác rất lạ lùng, không kiểm soát được, diễn tả tình trạng sợ hãi bất an trong tâm. Do chính cái tâm sợ chết đã đưa đẩy họ vào những cảnh giới chẳng lành, oan gia trái chủ dọa nạt, kinh hoàng, hoảng sợ!…
Còn điểm vướng mắc thường bị nữa là sợ bệnh. Sợ bệnh bắt nguồn từ sợ chết. Sợ bệnh là nguyên nhân chính tạo ra nhiều bệnh khổ đấy. Cho nên, là phàm phu chúng ta nên chuẩn bị trước đi chư vị. Thân thể này chắc chắn sẽ có bệnh. Túi thịt này chắc chắn cũng có ngày sẽ xả bỏ. Nhưng đã dự đoán trước rồi, thì lúc bệnh đến ta không còn ngỡ ngàn bàng hoàng nữa. Bệnh đến là dịp giúp cho mình có cơ hội trả nghiệp đấy. Người niệm Phật không có tâm nguyện trả hết nghiệp, nhưng có cơ duyên trả nghiệp, hãy mạnh dạn trả nghiệp, thoải mái mà trả nghiệp đi, không cần lo sợ. Đây gọi là tinh thần tự tại trước bệnh khổ.
Xin nhắc lại, không sợ bệnh tức là tự tại trước bệnh khổ. Không sợ chết tức là tự tại trước cảnh tử sanh. Nghĩa là, ta đã có sẵn đường đi rồi, đường đi đó chính là thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Trên đường đi nếu gặp vài chướng ngại gì ta không chấp đến, không dính vào, không lo ngại nữa. Hiểu được như vậy mới ứng dụng Pháp Hộ-Niệm được viên dung cả Lý lẫn Sự, đưa tiễn người vãng sanh.
(b): Hộ Niệm là hướng dẫn cho người sắp lâm chung giữ được chánh niệm, vững Tín-Hạnh-Nguyện để vãng sanh. Còn Cầu Siêu là pháp hướng dẫn cho thân trung ấm tỉnh ngộ mà siêu sanh.
Đúng không? – (Đúng). Hộ Niệm là người bệnh được những người khỏe, hiểu đạo, đến bên cạnh hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến tấn… Nhắc nhở từ bây giờ cho đến lúc bệnh, rồi từ lúc bệnh cho đến lúc tắt hơi ra đi. Tắt hơi rồi vẫn phải ngồi bên cạnh niệm Phật, hướng dẫn, nhắc nhở. Cần tìm hiểu coi người bệnh bị kẹt cái gì mình gỡ cái đó ra, người ta lạc đường nào mình kéo trở lại… Hộ niệm là vậy đó.
Còn Cầu Siêu là cách giúp đỡ cho người đã chết rồi. Đợi chết rồi mới lo liệu thì khó lắm đấy, trễ quá rồi!… Vấn đề không còn đơn giản nữa đâu.
Người phàm phu nghiệp nặng, chướng sâu, tâm trí mê mờ nên vướng chấp trăm thứ, ngàn điều. Chính vì thế khi lâm chung là lúc thân xác rã rời, tâm hồn mê loạn, vướng càng vướng thêm làm sao có thể giữ được chánh niệm để thực hiện đường giải thoát cho đời kiếp tương lai? Tâm trí rối bời, tinh thần tán loạn trong cảnh khủng hoảng, khổ đau thì làm sao thoát nạn? Tâm đau khổ sẽ đi về cảnh giới khổ đau. Tâm hãi kinh đi về cảnh giới kinh hãi. Nhất định dễ dàng rơi vào ba đường ác. Đã rơi vào ba đường ác rồi, thì dễ gì cứu ra được!
Thành ra người tu hành mà cứ chờ chết rồi tìm cách cầu siêu giải nạn thì quả là điều sơ suất rất lớn! Xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm chính là hướng dẫn một người biết cách tu hành, khắc phục sơ suất, tích cực thực hiện chánh pháp một cách cụ thể, để chủ động siêu sanh Tịnh-Độ. Hoàn toàn khác với Pháp Cầu Siêu, là chờ nạn tai đến rồi mới lo toan hóa giải. Thế mà, vẫn còn nhiều người hiểu lầm, cứ nghĩ hộ niệm là cầu siêu, nên chờ người thân của mình chết rồi mới tìm ban hộ niệm đến giải quyết. Thật đáng tiếc!…
Xin chư vị nhớ cho, một người lúc cuối cùng phải giữ được chánh niệm, Tín-Hạnh-Nguyện vững vàng thì mới được vãng sanh. Muốn được vậy, cần nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm để biết cách tu tập cụ thể, chuẩn bị tư lương đầy đủ để vãng sanh. Những người không lo liệu trước, thiếu hẳn Tín-Hạnh-Nguyện, chánh niệm không có, cuối cùng thần thức bị nghiệp lực lôi vào trong ba đường ác, thì thôi chịu thua. Lúc đó có đến tụng kinh làm lễ siêu độ chẳng qua cũng chỉ gieo chút duyên lành cho đời kiếp sau này, chứ hiện đời thoát nạn thì quá khó quá khó!… Không đơn giản đâu!
Đến đây cũng nhắc sơ qua vấn đề Chánh-Niệm một chút. Chánh-Niệm của người niệm Phật là người đó khi ra đi phải đủ niềm tin, đủ sức nguyện và niệm được câu A-Di-Đà Phật thì mới vãng sanh. Đây là điểm rất quan trọng, xin chư vị cần nắm vững, chứ không phải bây giờ niệm Phật, thì lúc ra đi chắc chắn sẽ vững vàng Tín-Nguyện-Hạnh đâu nhé. Không dễ đâu. Khi lâm chung thường bị mê man, bất tỉnh, bị nghiệp khổ hành hạ đến điên đảo mà quên hết đấy. Bị tình trạng này phần lớn là do thiếu phước đức vậy.
Do đó, tu phước báu rất quan trọng. Nhờ có phước báu mà bù trừ với nghiệp chướng. Hay nói rõ hơn, có nhiều phước báu thì ảnh hưởng của nghiệp chướng nhẹ đi, lúc lâm chung ít bị nghiệp chướng hành hạ. Tu phước có nhiều cách: bố thí tiền tài, bố thí vô úy, bố thí pháp. Bố thí cách nào cũng tạo được phước đức. Người không có phương tiện thì hãy sống hiền hòa là cách tạo phước vô lượng đấy. Cụ thể đừng cố chấp, đừng ganh tỵ, đừng cạnh tranh, đừng đấu tranh, nên biết tán thán người làm tốt… đây chính là đang tu phước báu. Có phước thì nghiệp chướng sẽ nhẹ đi. Nói chung, tạo phước rất quan trọng. Những người ra đi được tỉnh táo, sáng suốt, chính là những người có phước báu lớn. Những người ra đi mà không còn tỉnh táo, bị mê man bất tỉnh thường là những người thiếu phước. Bị mê man bất tỉnh thì khó có thể giữ được Chánh-Niệm khi ra đi vậy.
Người niệm Phật cầu vãng sanh thì Niệm Phật là Chánh-Hạnh, Tu-Phước là Trợ-Hạnh. Chánh-Trợ tu song song là điều vô cùng cần thiết cho tất cả các pháp môn tu học, chứ không riêng gì cho người tu niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Hiểu được đạo lý này, chúng ta biết phương cách hóa gỡ ách nạn về nghiệp khổ khi lâm chung. Cầu mong cho chư vị đều được tỉnh táo, giữ vững được chánh niệm để vãng sanh. Xin nhắc lại, Chánh-Niệm của người niệm Phật là Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ. Có sáng suốt, có bình tĩnh rồi mới nguyện vãng sanh được, mới niệm Phật được để vãng sanh. Còn lúc xả bỏ báo thân mà bị mê man bất tỉnh, thì một đời niệm Phật mà cuối cùng đành chịu thua cuộc, khó có cơ hội cứu vãn vậy.
(c): Hộ niệm là một pháp tu giúp người sống thực hiện pháp môn niệm Phật một cách cụ thể, vững vàng để sanh về Tịnh-Độ. Còn Cầu Siêu là pháp hồi hướng công đức, tăng phước, giảm tội cho hương linh sau khi đã chết.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng đấy. Hộ niệm thực sự là một pháp tu. Nhiều người cứ tưởng rằng, tu hành là thỉnh thoảng tới chùa niệm vài câu Phật hiệu, tới chùa lạy Phật vài lạy, tới chùa thấy người ta tụng kinh mình tụng theo, rồi nhìn qua nhìn lại, bàn ra tán vào vài chuyện gọi là tu hành. Không phải như vậy đâu!…
Đường đời có vạn phương thì tu hành cũng có vạn pháp, có những pháp tu Bất-Liễu-Giáo, có những pháp tu Liễu-Giáo. Bất-Liễu-Giáo là cách tu hành không thể thành tựu. Liễu-Giáo là pháp tu có thể đem đến sự thành tựu đạo nghiệp.
Ví dụ, như vừa rồi chúng ta nói về tu phước báu. Có nhiều người suốt đời chăm chỉ tu phước báu. Tu phước thì có phước, có thể họ được giàu sang, phú quí. Đến lúc xả bỏ báo thân có thể ít bị bệnh khổ, hoặc được chăm sóc kỹ lưỡng hơn người bình thường… Nhưng không biết đường giải thoát, thì dù có an nhiên tự tại ra đi cũng chỉ đi theo con đường phước báu hữu lậu nào đó trong 6 đường luân hồi, chứ không thể thành tựu đạo quả. Nghĩa là, dù sướng hay khổ, họ cũng chỉ theo nghiệp thọ báo mà thôi. Đường tu này gọi là Bất-Liễu-Giáo. Những người này chỉ nhắm tới những thứ phước báu hữu lậu của thế gian, không thể thoát vòng sanh tử luân hồi được.
Có những người biết tu đường giải thoát nhưng thiếu phước báu cũng khó thoát nạn. Biết đường giải thoát thì biết đường đi, nhưng sức khỏe yếu quá nên đi không nổi. Hãy tưởng tượng như người có con thuyền, nhưng sức chèo quá yếu, máy thiếu xăng thì cũng đành chịu thất bại vậy thôi!…
Người chuyên lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là người biết đường đi giải thoát, là đang tu pháp Liễu-Giáo. Nhưng nếu sơ ý tâm chấp đủ điều, như: đấu tranh, ganh tị, phiền não, sợ chết, sợ bệnh, tranh danh, đoạt lợi, v.v… thì chính họ biến pháp Liễu-Giáo thành Bất-Liễu-Giáo. Những sự tham chấp tạo ra nghiệp chướng trùng trùng, làm tiêu mòn phước báu, sau cùng khó thoát khỏi cái vòng nghiệp chướng do chính mình tạo ra mà đành chịu nạn.
Pháp niệm Phật có ba món tư lương Tín-Nguyện-Hạnh. Niềm tin được ví như có con thuyền. Niệm Phật như có mái chèo. Nguyện vãng sanh Cực-Lạc như có bánh lái. Niềm tin không vững thì cũng có thuyền đấy, nhưng chỉ là con thuyền hư mục. Niệm Phật lúc có lúc không thì chẳng khác gì có mái chèo, nhưng lúc chèo lúc buông. Nguyện vãng sanh thì có bánh lái, nhưng còn tham chấp đủ điều, lúc tu cách này lúc tu cách khác, thì chẳng khác gì lái thuyền mà không biết hướng đi.
Ngược lại, có người Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, nhưng phước báu quá yếu thì chẳng khác gì có con thuyền chắc chắn, nhưng sức lực quá yếu, muốn chèo mà chèo không nổi, con thuyền vẫn phải chịu dập dềnh giữa đại dương, đi không tới đích.
Những người tới chùa chỉ lo tu phước, cầu phước, không lo tìm đường giải thoát, thì giống như người có sức chèo, nhưng không biết chèo đi đâu! Người phàm phu tu hành mà không tin Pháp Niệm Phật, không nguyện vãng sanh, thì coi như không có con thuyền. Cứ dùng hai cánh tay này mà bơi chập chờn, bơi rã rời… Với cái thân nghiệp báo này nặng trình trịch, làm sao có khả năng vượt qua bể khổ luân hồi để đến bờ giác ngộ?!…
Mong chư vị phải hiểu rõ được sự thực này mà cẩn thận ứng dụng pháp môn nào nào an toàn nhất, khả thi nhất để một đời này có hi vọng thoát vòng sanh tử đọa lạc, thành tựu đạo nghiệp, thì pháp đó chính là pháp Liễu-Giáo cho chúng ta vậy.
Xin thưa với chư vị, chính Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh là một pháp Liễu-Giáo, là đại cứu tinh, đáp ứng được nhu cầu, giúp cho một người phàm phu tội chướng sâu nặng thực hiện ý niệm giải thoát trong một đời này.
Pháp Niệm Phật cần đến niềm tin, phải tin tưởng cho vững vàng nhé. Pháp Niệm Phật cần đến lòng tha thiết muốn vãng sanh, những tham chấp thế trần phải buông ra nhé. Những gì còn khó chịu trong người phải buông ra, để tất cả những thứ đó không còn cản trở đường vãng sanh, lúc lâm chung tâm mình không bị vướng mắc, nhờ vậy mới có thể an tịnh niệm Phật được. Và, cũng xin nhớ cho, lý thuyết là như vậy, chứ thực sự thì chưa phải an toàn đâu. Nhờ người hộ niệm bên cạnh nhắc nhở, khuyến tấn, chỉ điểm, điều giải, niệm Phật trợ duyên mới có thể hóa gỡ ách nạn, giúp mình vãng sanh Tịnh-Độ đấy.
Hộ-Niệm là phương pháp hướng dẫn người bệnh chủ động thực hiện Tín-Hạnh-Nguyện để đi vãng sanh Tịnh-Độ. Cầu Siêu là pháp tìm cách cứu nạn người đã bị chết rồi. Hai phương pháp này có chỗ khác nhau. Một người bị chết đi đọa lạc, đành phải dùng pháp cầu siêu để cầu mong cho họ được siêu sanh, chứ thực tế dễ gì lập một lễ cầu siêu thì được siêu sanh. Nếu siêu sanh dễ dàng thì Phật đâu phải nói lời: “Ức triệu người tu hành khó tìm ra một người được độ”. Chỉ vì người có học Phật nhưng không biết đường siêu thoát, nên cứ nằm chờ chết rồi hi vọng vào sự cầu siêu, vô tình biến pháp giải thoát của Phật thành pháp cầu siêu cho người chết. Chứ Phật đã dạy rành rành: “Thời mạt pháp, chỉ còn nương theo Pháp Niệm Phật mới được siêu thoát sanh tử luân hồi”. Chỉ vì chúng sanh không chịu nghe theo lời Phật dạy mà tiếp tục bị sanh tử luân hồi vô lượng kiếp.
Niệm Phật vãng sanh thoát vòng sanh tử. Pháp Hộ-Niệm còn hướng dẫn cho chúng ta chủ động đi vãng sanh. Như vậy xin chư vị hãy chủ động đi vãng sanh nhé. Chủ động đi vãng sanh thì xin nhớ cho, cuộc sống này chỉ là tạm bợ trong một thời gian rất ngắn ở cõi đời này. Ví dụ như đem so sánh thời gian từ lúc sinh ra cho đến lúc chết ở cõi đời này với thọ mạng ở cõi trời Đâu-Suất thôi, thì chúng ta cũng có thể hình dung ra sự giả tạm của cuộc đời này. Một vị thiên nhân ở cõi trời Đâu-Suất ra vườn thăm hoa, rồi trở vào nhà, thì thời gian đó ở thế gian này chúng ta đã mãn một đời rồi. Mạng sống ở thế gian này ngắn ngủi như vậy đấy. Một ngày trên cõi trời Đâu Suất dài bằng 400 năm dưới thế, ¼ ngày trên đó bằng 100 năm ở đây. Rõ ràng trong vòng ¼ ngày trên đó, thì ở đây chúng ta đã tiêu mạng hết rồi. Thật sự thời gian ở đây chóng vánh không có ý nghĩa gì cả.
Vậy thì, ngày xả bỏ báo thân là ngày ta liệng cái thân tạm bợ này để đi về Tây-Phương Cực-Lạc sống cảnh vô sanh vô tử. Hãy xác định lập trường rõ ràng như vậy nghe chư vị. Nếu xác định rõ ràng như vậy rồi, thì khi bệnh nặng chúng ta đâu còn sợ nữa, khi biết sắp chết chúng ta đâu còn sợ nữa, khi gặp những trở ngại trong cuộc đời này chúng ta đâu còn sợ nữa… Ở cõi đời này tất cả chỉ là tạm bợ, vô thường thì còn gì để tham chấp nữa. Chính vì thế mà ta phải chủ động dùng Tín-Hạnh-Nguyện để đi vãng sanh. Hãy mượn cái thân tạm bợ này làm con thuyền để đi về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo.
Mong chư vị chú ý, phải đi cho thẳng, đi cho vững, nhất định Tín-Hạnh-Nguyện không thể rời khỏi cái tâm này. Kính chúc chư vị ai ai cũng sớm thành Bồ-Tát Bất Thoái cả nhé.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.