Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 39) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 39)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin mở trang 20, câu trả lời (n): Ngăn cản mọi sự đụng chạm vào thân thể người chết ít ra là 8 tiếng đồng hồ sau khi tắt thở.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Khi gặp được Pháp Hộ-Niệm, Diệu Âm mới biết đến điều này mà giựt mình kinh hãi, liền vội vã loan truyền phương pháp này ra gấp gáp đến nỗi không kịp thở. Trong gần 50 năm qua Diệu Âm cũng có đi Chùa, cũng có đi Thánh Thất, cũng có đi Nhà Thờ, cũng tìm chỗ tham vấn việc tu hành, nhưng không ai nhắc nhở cho mình biết rằng, khi một người vừa mới chết mà ôm, nắm, níu, kéo, lăn lóc cái xác thân thì làm cho người chết đó bị đọa lạc rất nặng.

Khi phát hiện ra điều này làm cho Diệu Âm hoảng kinh, vì phải chăng tất cả những người chết trên thế gian này đều bị người thân vằn vọt, lăn lộn, ôm ấp, níu kéo…. Có người véo má, vạch mắt, đánh đập vào thân, làm đủ hành động trên cái thân xác của người vừa mới tắt hơi, tạo nên một cảnh tượng vô cùng đau đớn, vô cùng hãi kinh cho người chết mà nhiều người không hay biết!…

Xin thưa với chư vị, mình tưởng học Phật là được giải thoát một cách dễ dàng, theo đúng như lý của Phật là thoát vòng sanh tử luân hồi. Nhưng Lý-Đạo thì có đó, mà Sự-Đạo thì chúng ta thực hành sai quá nhiều mà không hay biết. Thần thức của người chết còn kẹt trong cái thân xác đó ít ra cũng 8 tiếng đồng hồ mới rời khỏi, trong khoảng thời gian này mà đụng chạm đến thân xác là một đại họa cho họ. Chỉ những người thực sự là đại Bồ-Tát, thượng căn thượng trí, có năng lực định được thần, ngưng hơi thở ra đi, còn người phàm phu tâm ý mê mờ, nghiệp chướng nặng, nên bị vướng mắc vào cái thân xác đó, nhất là những người không hiểu đạo, sợ chết, thương tiếc cái thân.

Chính vì thế, khi gặp được Pháp Hộ-Niệm rồi, chư vị mới thấy quí hóa. Quí ở chỗ mình biết những điều đại họa phải tránh, biết những điều cần thiết nên làm để thoát vòng lao lung. Quí ở chỗ mình biết niệm Phật cầu vãng sanh, lúc lâm chung nhất định phải tha thiết cầu A-Di-Đà Phật lai nghênh tiếp dẫn vãng sanh Tây-Phương. Chúng ta chờ đợi cái giây phút ngừng hơi thở để lìa bỏ cái xác này như một cơ hội để giải thoát. Nếu chư vị có được tâm nguyện như vậy, thành tâm niệm Phật, quyết lòng vãng sanh, chư vị có thể đi trước khi hơi thở ngừng. Tức là mình không phải chết, mà còn đang sống, nhưng tự chủ liệng cái thân này để đi vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Lúc đó thì cái thân xác đó chỉ là thứ vật chất, ai muốn làm gì thì làm, không còn ảnh hưởng đến ta nữa.

Nhưng chỉ vì mê mờ, không biết đạo lý này, nên cứ nghĩ cái thân này là nhứt, gia đình này là nhất, vợ con này là nhất, con cháu này là nhất, tài sản này là nhất, cái gì cũng nhất hết… để sau cùng ngỡ ngàn ra một sự thật, tất cả chỉ là số 0! Không đem theo được một cái gì cả, chỉ có chăng là một khối nghiệp vĩ đại đeo đẳng bên mình mà chịu thọ nạn đớn đau!

Chính vì thế, khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, mình thấy rõ ràng đây là con đường giải thoát cụ thể mà trước nay chúng ta không biết. Trong bao nhiêu thế kỷ qua, hiện tượng vãng sanh hình như đếm không tròn trên đầu ngón tay. Người tu thì có ức triệu, mà người được giải thoát thì không có. Rõ rệt đúng như lời Phật nói: “Ức triệu người tu hành khó tìm ra một người đắc đạo”. Quá rõ rệt. Đến khi gặp được Pháp Hộ-Niệm, mình mới thấy được những hiện tượng vãng sanh rõ ràng trước mắt, mới ngỡ ngàng, giật mình, tỉnh ngộ. Chính Diệu Âm này đã đứng sững sờ nhìn trân trân một điều vi diệu, cảm động đến rơi nước mắt.

Hiện tượng cứu người vượt thoát sanh tử luân hồi có ngay trước mắt, mà tại sao bao nhiêu năm qua không ai nhắc nhở đến chuyện này vậy? Chẳng lẽ không có ai biết chăng? Hoặc là có biết qua, nhưng lại khinh thường cho rằng một phương pháp thấp thỏm, nên không thèm để ý tới?!…

Thưa chư vị, một cái duyên lành để cứu độ người vãng sanh phải trải qua hàng ngàn năm như vậy mới gặp được. Từ Ngài Huệ-Viễn lập Liên-Xã ở vùng Lô-Sơn Đông-Lâm giúp người niệm Phật vãng sanh. Đến nhị Tổ Thiện-Đạo, là A-Di-Đà Phật tái lai, Ngài chủ trương hộ niệm thật kỹ, Ngài dặn dò hộ niệm cẩn thận vô cùng. Có nghĩa là, cái duyên hộ niệm ở Trung Hoa đã có trên cả ngàn năm rồi mà mình ở đây hoàn toàn không biết.

Xin thưa với chư vị, khi biết được quy luật trợ niệm bao gồm các điều ngăn cấm sự đụng chạm vào thân xác của người vừa mới chết, để tránh cái duyên đọa lạc vô cùng xấu cho người đó, làm cho Diệu Âm giật mình, tỉnh ngộ ra một phương pháp cứu người. Trực nhớ lại những gì đã từng thấy qua trong quá khứ, mới ngỡ ngàng… Trời hỡi!… Tất cả những người đã chết, ai ai cũng bị ách nạn này. Khó tìm ra một người thoát khỏi hành động bị cột tay, cột chân, véo má, véo mày, khóc lóc, kêu la, tắm rửa, thay áo thay quần… đủ thứ hành động tàn tệ trên xác thân chết chưa kịp lạnh. Ngoài ra còn có những người vừa mới chết xong liền bị giải phẩu cắt hết bộ đồ lòng liệng ra, rồi ướp xác, thoa son, đánh phấn… Rõ ràng đây chính là cái duyên vô cùng kinh hoàng, đã đẩy thần thức của người đó vào chốn đại khổ nạn mà không hay.

Kính mong chư vị hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của vấn đề, cần biết việc nào đúng, việc nào sai, đâu là hành động giúp nhau giải thoát, đâu là hành động gây đọa lạc cho nhau. Chư vị nên nhớ là các thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của một người có thể chết hết trong lúc vừa tắt hơi, nhưng còn có một cái thức gọi là Thần Thức, hay là A-Lại-Da thức, hay là Linh Hồn của người đó, hoặc là cái Chơn Tâm, bị mê mờ còn nằm trong cái thân xác đó vẫn chưa chết. Nói đúng hơn là không bao giờ chết.

Khi đầu thai thì chính cái thần thức này tới sớm nhất, nó tới trước ngụ trong trứng. Nghĩa là cái trứng đã có linh hồn, tức là có sự sống, nhưng mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân… thì chưa có. Thời gian sau những thứ này từ từ mới sinh ra. Sự hình thành tương tự như cái trứng gà vậy. Thần thức đi vào sớm nhất, nằm mê trong đó, bám vào lâu nhất. Nhưng khi xả bỏ báo thân, tất cả các thức đều đi trước, nhưng thần thức vẫn còn bám theo thân xác đó và ra đi sau cùng. Thời gian bám trụ vào thân xác mau hoặc lâu tùy theo từng người, với hàng phàm phu như chúng ta thường vào khoảng 8 tiếng. Nhưng xin thưa với chư vị, Diệu Âm nghĩ rằng, những vị Cao Tăng, Tổ Sư sau này có lẽ sẽ khuyên chúng ta nên ngăn cản sự đụng chạm đến thân xác người ra đi lâu hơn mới an toàn. Ví dụ, Ngài Tịnh Không đã khuyên nên niệm Phật không gián đoạn đến 12 tiếng mới được thăm thân, tẩn liệm. Sau này, hi vọng các vị có thể đề nghị tăng lên 14 tiếng, 16 tiếng chăng, để tăng thêm sự an toàn cho người ra đi.

Tại sao vậy? Nghiệp chướng của chúng sanh càng ngày càng nặng, tâm ý càng ngày càng mê muội, nên thần thức cứ bám vào những thứ hão huyền không buông xả được, đây là do sự tham chấp, quyến luyến đến con cháu, tài sản, địa vị, danh vọng, thân thế… mà gây ra, nhất là người sợ chết, quá tham tiếc thân mạng. Càng mê chừng nào thì linh hồn càng vướng lâu trong xác thân chừng đó. Càng vướng lâu trong thân xác thì càng dễ bị ách nạn. Người thế gian không biết đến hiểm họa này, nên vừa khi tắt hơi xong, vội vã tắm rửa, thay áo quần, trang điểm… Những hành động này thực sự gây khó khăn rất lớn cho người chết, tạo duyên đọa lạc vô cùng khổ đau cho họ! Chư vị nên nhớ cho, đây là điều hết sức hệ trọng, không nên sơ ý khinh thường.

Câu (o): Một ban hộ niệm giỏi có thể giúp cho người bệnh hết bệnh hoặc muốn ra đi lúc nào tùy ý.

Đúng hay sai chư vị? – (Sai!). Hoàn toàn sai!… Một ban hộ niệm giỏi có nghĩa là đã nắm vững cả Lý lẫn Sự Tịnh-Độ. Người có nhiều kinh nghiệm hộ niệm, nên khi ứng xử một vấn đề lanh lợi hơn, nhậy bén hơn người khác. Hiểu “” Tịnh Độ, thì ở đây mình gọi là “Hiểu Thấu” Pháp Hộ-Niệm, còn thực hành “Sự” cho đúng, ta gọi là “Hành Đúng” Pháp Hộ-Niệm. Cho nên, tập sách này nói cả Lý lẫn Sự. Sau này có dịp mổ xẻ sâu vào chúng ta sẽ thấy rõ rệt hơn vậy. Một ban hộ niệm nắm vững cả Lý lẫn Sự, thì được gọi là ban hộ niệm giỏi. Ban hộ niệm giỏi có nghĩa là ban hộ niệm đó nhạy bén, có sự khai thị hướng dẫn tốt, giúp cho người bệnh dễ có nhiều cơ hội ngộ ra đạo pháp, quyết lòng buông xả vạn duyên, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh mà đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nhưng chư vị nên nhớ cho, chính người bệnh đó có muốn vãng sanh hay không? Được vãng sanh hay không, là chính người bệnh đó phải thực hiện đúng theo những điều ban hộ niệm hướng dẫn, chứ không phải ban hộ niệm có quyền năng gì để đưa người bệnh vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, hoặc giúp muốn ra đi lúc nào tùy ý, hoặc muốn hết bệnh thì hết bệnh. Hoàn toàn không phải như vậy.

Câu này nêu ra để nhắc nhở những người chưa tìm hiểu rõ về Pháp Hộ-Niệm, ưa hay lên tiếng phê phán một cách vô ý thức! Gặp một ca hộ niệm có sự thành tựu, lưu lại tướng lành thì tìm cách dị nghị mỉa mai rằng: Anh có năng lực gì mà đưa người vãng sanh?. Gặp một ca thất bại, thì chê bai: “Hộ niệm vãng sanh, nhưng có vãng sanh gì đâu?”.

Xin chư vị phải hiểu rõ về đạo lý duy tâm. Phật dạy tất cả đều do chính tâm của mỗi người tự thực hiện lấy con đường tương lai. Người chết đó muốn đi về địa ngục, thì dẫu cho một ban hộ niệm giỏi cho mấy đi nữa cũng không ngăn cản được, giả như chư Phật ứng hiện trước mặt cứu cũng không cứu được. Một người nằm xuống mà quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, không than, không thở, không sợ, không sầu gì hết, thì dẫu cho nghiệp chướng nặng nề, nhưng nhờ căn lành nhiều đời ứng hiện về làm cho người ta tin vào sự hướng dẫn của người hộ niệm, làm đúng theo mà người ta vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vậy.

Ngài Ngẫu Ích Đại Sư nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại do tâm”, chính tâm của người bệnh quyết định tương lai của chính họ. Bệnh hoạn đó chưa chắc gì là xấu, chưa chắc gì là tốt. Tốt hay xấu là chính người bệnh đó có biết lợi dụng căn bệnh này mà vãng sanh Tây-Phương Cực Lạc hay không. Sự nghiệp đề huề, con cháu thành tựu, công danh sáng lạng, địa vị cao trọng trong xã hội… chưa chắc là tốt hay xấu. Nếu chấp vào đó thì giờ đây dù có tốt cho mấy, tương lai vẫn phải đón nhận cảnh giới tối tăm khổ nạn! Còn người biết buông tất cả những thứ đó xuống để niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì đang sống này nghèo nạn cực khổ, nhưng chẳng bao lâu sau sẽ trở thành vị Bồ-Tát bất thoái ở thế giới Cực-Lạc. Như vậy tốt hay xấu, cực lạc hay đọa lạc do chính tâm người đó có thực hiện đúng con đường giải thoát hay không.

Xin thưa với chư vị, khi phát hiện ra một lý đạo tối diệu của Pháp Hộ-Niệm, Diệu Âm xin nói thẳng rằng, suốt cuộc đời này chỉ nói đến hộ niệm mà thôi. Và có lẽ với một tập sách nhỏ này cũng đủ rồi. Một câu này thôi mà khi cần nói, thì nói đến 10 ngày cũng không hết. Mà cũng một câu này, ở đây 15 phút cũng tạm gọi là xong. Một là tất cả, tất cả là một. Nếu chư vị hiểu cho thấu Lý-Đạo, thì tự nhiên thấy được Pháp Hộ-Niệm này thực sự là một đại cứu tinh cho chúng sanh, bao trùm tất cả những điều cần thiết cho một người muốn thực hiện để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành đạo.

Hộ niệm vãng sanh bất khả tư nghì, vậy mà không hiểu tại sao nhiều người vẫn lơ là, hoặc chê bai Pháp Hộ-Niệm, tìm cách chối từ!… Diệu Âm khuyên chư vị đừng chê, quyết không chê nữa nhé. Vì sao? Vì người phàm phu mà không được hộ niệm, xin hỏi chư vị, có ai tìm được một người ra đi lưu lại chút ít tướng lành nào để có một tia hi vọng mong manh thoát cảnh đọa lạc chưa? Nhiều người lúc còn sống thì ưa lý cao luận diệu, nhưng sau cùng thường trở thành chứng nhân cho sự thất vọng não nề!… Xin thưa với chư vị, đối với hàng Bồ-Tát mà Đức Thế-Tôn còn căn dặn: “Thị nhân chung thời, nhất thiết chư căn tất giai tán hoại”. Nghĩa là, khi đến thời điểm lâm chung, các căn thường tán hoại hết rồi đấy. Vậy thì, hàng phàm phu hạ căn như chúng ta đừng nên đứng đó mà lý với luận, tranh cao với thấp, thật không tốt lắm đâu.

Ban hộ niệm nào hướng dẫn, giúp đỡ theo đúng qui tắc Pháp Hộ-Niệm là một ban hộ niệm giỏi. Nói rõ hơn, một ban hộ niệm gọi là giỏi cần nắm vững cái Lý Tịnh-Độ. Lý Tịnh-Độ nằm ở chỗ “Hiểu Thấu” Pháp Hộ-Niệm. Pháp Hộ-Niệm thực thi trọn vẹn cả tông-chỉ của Pháp Môn Tịnh-Độ, đưa người vãng sanh. “Hành Đúng” Pháp Hộ-Niệm thuộc về Sự thể hiện. Hành cho đúng là như thế nào? Đừng bao giờ tự khoe công trạng của mình. Đừng tự cho mình đã chứng đắc, có năng lực tiếp độ vãng sanh nhé. Nhiều người khi hộ niệm một thời gian, liền tự vỗ ngực khoe này khoe nọ, thật là điều đáng lo ngại cho họ vậy!…

Mới ngày hôm qua đây, Diệu Âm mở email ra, thì nhận được một thông tin có người bị nạn oán thân trái chủ, xin nhờ giúp đỡ. Diệu Âm hỏi, tu hành như thế nào? Người đó trả lời rằng, tôi không theo đạo tràng nào hết, tôi tu bằng cách lên Internet học đạo, rồi ở nhà tự tu lấy. Vị này nghiên cứu rất nhiều pháp, kinh nào nói cũng có vẻ thông, nhưng bây giờ thì vướng phải nạn rồi. Làm sao cứu đây?…

Từ những sự cố này, chúng ta mới thấy rằng Pháp Hộ-Niệm quá ư tuyệt vời, quá ư tuyệt vời. Thời này, muốn tu hành được an toàn nhất định phải kết hợp lại tu chung với nhau để hộ niệm trợ duyên cho nhau. Xin chư vị đừng nên tách rời đại chúng về nhà đóng cửa tự tu lấy, rồi lý luận đủ điều cao siêu mà coi chừng vọng tưởng, đưa đến kết quả là lâm nạn. Khi lâm nạn rồi, dễ gì giải quyết cho cho an ổn được?

Mong chư vị hiểu cho, nếu muốn đạt Lý thì nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm đi. Lý Đạo của Pháp Hộ-Niệm là Lý cao đến Tự Tánh đấy. Còn Sự Đạo tu hành thì rõ ràng, cụ thể cứu từng người vãng sanh. Mong chư vị cố gắng quyết lòng đi cho vững, đi cho thẳng về tới Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –