Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 49)
Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 49)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Người muốn được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc phải làm gì?
Câu trả lời (c): Bắt buộc phải chứng đắc cảnh giới nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh.
Đúng không? – (Sai). Sai tức là không đúng. Thực sự, nhất tâm bất loạn rất ít người làm được. Chúng ta làm cũng không được. Như vậy thì người niệm Phật trong thời này làm sao có hi vọng vãng sanh đây? Nhưng chư vị cũng phải cố gắng, ráng cố gắng tinh tấn tu hành hơn nữa, để tự mình giải được cái nghiệp nào hay nghiệp đó, để cho tiếng niệm Phật của mình thuần thục trong tâm, và cuối đời mình cần nhờ đến hộ niệm thì vững đường vãng sanh hơn.
Mong chư vị phải quyết lòng mà đi, quyết lòng mà tiến. Nhất tâm bất loạn không dễ gì chúng ta làm được, vì đây là một cảnh giới chứng đắc, chứ không phải chỉ là một vài giờ an tịnh nào đó, như nhiều người thường hiểu lầm! Nhưng đã tu hành xin chư vị hãy cố gắng tu sửa nhiều hơn, buông xả nhiều hơn. Là người phàm phu chúng ta có nhiều nghiệp chướng, những vết sai lầm đã gắn chặt trong tâm này từ nhiều kiếp cho tới bây giờ rồi, nếu không có cái cơ may gặp được Pháp Hộ-Niệm, thì đời này chúng ta có tu gì tu cũng không dễ gì thoát vòng sanh tử. Khó quá!… Một vạn người, một triệu người tu hành may ra mới có được một vài người thoát nạn luân hồi. Phật nói: “Nhơn Thân Nan Đắc”, dễ gì chúng ta được lọt vào trong số người chứng đắc hiếm hoi đó. Nhưng nhờ hộ niệm mình có quá nhiều cơ hội vãng sanh.
Hiện tại bây giờ ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều ban hộ niệm. Trong lúc chúng ta đang ngồi đây nói chuyện về hộ niệm, thì ở Việt Nam có nhiều người đang âm thầm làm việc hộ niệm bên cạnh người bệnh. Từ Nam ra Bắc có thể có tới hàng ngàn ban hộ niệm như vậy. Chư vị có tin rằng, hằng ngày ở Việt Nam chúng ta đều có người vãng sanh hay không? Nếu chư vị nghe được một thông tin nào vãng sanh ở Việt Nam, thì đều là do công đức của sự hộ niệm đấy.
Vì thế, nếu nói rằng, “Bắt buộc phải chứng đắc cảnh giới nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh”, thì xin thưa rằng, Pháp Niệm Phật này không thể gọi là pháp dễ hành được, chư Tổ cũng không thể nói rằng, đây pháp môn muôn người tu muôn người vãng sanh được. Chứng đắc để thành tựu là pháp tu tự lực, khó lắm đấy. Tự lực chứng đắc không dễ đâu. Vì thế câu này không đúng.
(d): Người nào tu lâu thì chắc chắn được vãng sanh.
Đúng hay sai? – (Sai). Mình thấy có nhiều người tu hành lâu năm nhưng khi ra đi vẫn mê man bất tỉnh. Mê man bất tỉnh ra đi thì thôi chịu thua rồi, dễ gì vãng sanh. Tu lâu và đúng đường thì có phước lớn, nhờ có phước lớn cũng dễ vãng sanh hơn người ít tu. Nhưng nói dễ vãng sanh cũng chỉ dành cho những người biết niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh. Còn những người có tu, nhưng không niệm Phật cầu vãng sanh thì thông thường chỉ hưởng cái phước nào đó chứ không thể vãng sanh Tịnh-Độ được. Tu để tìm phước báu, thế gian này cũng có nhiều người thích thú lắm. Nhưng tâm cầu phước thì miễn phần vãng sanh. Và xin thưa thực rằng, tu cho đúng chánh pháp mới có phước, chứ tu sai chánh pháp thì cũng chưa chắc gì có phước để hưởng đâu!
Như vậy, nếu câu này nói rằng, người tu lâu dễ có nhiều phước báu có lẽ đúng hơn. Chứ còn nói tu lâu thì chắc chắn được vãng sanh thì không thể chấp nhận. Mong chư vị phải nhớ rõ, điều kiện để vãng sanh Tây-Phương là phải tin có cõi Tây-Phương Cực-Lạc, tin có đại nguyện của Đức A-Di-Đà Phật, tin lời Đức Thế-Tôn dạy. Tin rồi còn phải nguyện vãng sanh và niệm Phật nữa mới được vãng sanh. Hơn nữa, không phải bây giờ đây có tin, có nguyện, có niệm Phật là được, mà phải tin vững, nguyện vãng sanh tha thiết và niệm được câu Phật hiệu ngay lúc xả bỏ báo thân mới được vãng sanh.
Chư vị hãy nghiên cứu thật kỹ đi, lấy kinh nghiệm trong quá khứ để suy tư, hàng triệu người tu hành, đâu dễ gì có người chứng đạo! Hàng vạn người tu lâu năm có mấy ai thực sự được vãng sanh! Khó lắm, khó lắm!… Ra đi mà lưu lại thân xác cứng đơ, sắc tướng u buồn có nghĩa là gặp nạn rồi!
Cho nên, tu phải có đường, đi phải có hướng rõ rệt mới được, chứ không phải tu nhiều là được vãng sanh, tu lâu là được thành đạo. Không phải! Nhất định không đúng!… Tu lạc đường làm sao về tới đích? Tu theo tà đạo làm sao đắc thành chánh quả?
(e): Tín–Nguyện-Hạnh của pháp môn niệm Phật phải vững vàng mới được.
Đúng không? – (Đúng). Người muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc phải giữ vững Tín-Nguyện-Hạnh của pháp môn niệm Phật. Không biết chư vị có quyết thề giữ vững Tín-Nguyện-Hạnh chưa? Người ta nói ra, nói vô gì đó mình có chao đảo tinh thần không? Mình niệm Phật, người ta chê pháp niệm Phật, mình có chê hay không? Xin chư vị phải tự mình xác định về Tín-Nguyện-Hạnh của chính mình.
Diệu Âm này khi gặp được pháp niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc rồi, đã thấy ra được con đường thẳng tắt thành Phật, nên cứ vậy mà đi. Với chúng sanh, hễ có duyên thì xin nói vài câu kết duyên, khi không còn ai muốn nghe nữa thì coi như hết duyên, Diệu Âm nhất định không mảy may phiền não, không cần nói thêm một lời. Mỗi người phải tự lo tu hành lấy cho chính mình. Nhất định phải như vậy. Tất cả những chướng nạn gì trên đời, quyết không để trong tâm, quyết không để những thứ đó làm cho mình chao đảo. Chúng sanh yêu cầu, dù một người, hai người mình cũng cố gắng khuyên người ta niệm Phật vãng sanh. Nơi nào chê bai, nhất định mình lặng lẽ rút lui. Xin chư vị cần nắm thật vững nguyên tắc này, phải có định tâm, đừng để những ý nghĩ không hợp đạo pháp của người thế gian làm mình phân vân, thoái chuyển. Phải giữ Tín-Nguyện-Hạnh này thật vững vàng, phải quyết lòng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc cho kỳ được.
Người niệm Phật phải có chủ định mạnh mẽ, đừng nghe người này nói ra mình chán nản, nghe người kia nói vào mình hăng hái lên. Tâm ý phân vân do dự, lúc ra lúc vào, lúc lên lúc xuống, chập chờn như sóng triều, thì chính mình sẽ bị trở ngại khi đi tới giai đoạn phải bỏ báo thân này. Ý hướng mông lung vô định, thì tu hành suốt một cuộc đời, công phu khổ cực, sau cùng cũng không hưởng được lợi lạc gì to lớn lắm đâu. Mong chư vị nhớ cho nhé.
(f): Cần nghiên cứu thật cẩn thận Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ Tông, nắm vững quy luật hộ niệm, đừng nên sơ suất.
Đúng hay sai? – (Đúng). Đúng quá rồi phải không. Bây giờ xin hỏi thật chư vị nhé, ở đây có ai đã nghiên cứu cẩn thận Pháp Hộ-Niệm chưa? Nếu chưa nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm thật cẩn thận, thì xin hãy bắt đầu nghiên cứu đi. Hôm nay mình cùng nhau ngồi nghe lời tọa đàm này, chính là mình đang học tập Pháp Hộ-Niệm đấy. Đừng nên nghe lướt qua những cuộc nói chuyện nho nhỏ này, mà khinh thường, mà quên đi nhé! Nhiều người thân trong gia đình của mình không nghe được đấy! Những đồng tu không dự buổi niệm Phật hôm nay không nghe được đấy! Hàng ngàn người đang đi ngoài đường kia không nghe được đấy. Thân nhân bà con chúng ta chưa chắc gì nghe được đấy. Nếu chính mình không nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm thì làm sao hướng dẫn được người thân, người hữu duyên, thì chung quanh mình làm sao có người biết hộ niệm mà trợ duyên cho mình khi hữu sự?
Biết Pháp Hộ-Niệm mình thấy rõ đường đi, thực hiện vững chắc cách tu hành, những gì cần bỏ phải bỏ, những gì cần làm phải làm, cụ thể, thực tế. Nếu khinh thường Pháp Hộ-Niệm, xin thưa thực, coi chừng một đời tu hành đến lúc nằm xuống buông tay, tay trắng vẫn hoàn trắng tay, không thành tựu được gì cả. Đáng buồn lắm đấy!…
Có người niệm Phật cũng khá tinh tấn, nguyện vãng sanh cũng khá tha thiết, nhưng chưa chi đã mạnh tiếng tuyên bố mình sẽ niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” tự tại vãng sanh, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, cần chi đến người hộ niệm. Thực sự, chứng đắc được là điều đáng quí, nhưng vội chi lại tỏ ra khinh chê một pháp đại cứu tinh đã thể hiện trước mắt những sự thành tựu bất khả tư nghì? Tương lai của mình chưa biết sẽ ra sao, nhưng nếu thiếu khiêm hạ, thì những ý tưởng này cũng dễ biến thành hí luận đầy mỉa mai cho chính mình, thật không tốt!… Mong chư vị cố gắng nghiên cứu thật cẩn thận Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ Tông để đường vãng sanh của mình được an toàn, vững vàng hơn nhé.
Sẵn đây cũng xin nhắc đến sự khác nhau giữa hai từ “Tịnh-Độ Tông” và “Tịnh-Tông Học-Hội”. Có nhiều người nói rằng, Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Tông Học-Hội, thì không đúng. Phương Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ Tông, chứ không phải của Tịnh-Tông Học-Hội. Tịnh-Tông Học-Hội là những người tu theo pháp của Tịnh-Độ Tông. Tịnh-Độ Tông là một tông phái chính truyền từ Đức Thế-Tôn, còn Tịnh-Tông Học-Hội là một cái hội mới thành lập sau này của người Hoa để tu hành theo pháp môn Tịnh-Độ. Cũng như chúng ta ở đây lập ra cái hội để cùng nhau tu hành theo Tịnh-Độ Tông và lấy tên là “A-Di-Đà Hội”, (A-Di-Da Association) vậy.
Chúng ta đang tu hành theo tông chỉ của Tịnh-Độ Tông, là pháp môn ứng dụng từ trong kinh A-Di-Đà, kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, kinh Vô-Lượng-Thọ. Tông chỉ của pháp môn Tịnh-Độ Tông có ba điểm: Một là, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật. Hai là, tha thiết nguyện cầu sanh về thế giới Tây-Phương Cực-Lạc. Ba là, niềm tin vào pháp môn vững mạnh. Mong chư vị nhớ thật kỹ ba điểm này. Ví dụ như, chúng ta đang tu tập ở đây thực sự là nhất hướng đấy. Ngày nào chúng ta cũng niệm Phật, ngày nào chúng ta cũng nguyện vãng sanh, ngày nào chúng ta cũng củng cố cho nhau tin tưởng vững vàng. Thực sự là chúng ta nhất hướng đấy.
Còn những cách tu mà ngày nay thì niệm Phật vãng sanh, ngày mai thì tụng kinh sám hối lỗi lầm, ngày mốt thì tụng chú phá nghiệp, tiêu tai giải nạn, v.v… những cách tu tập này không phải là nhất hướng. Không đi thẳng một hướng, thì thường là cách tu nghiêng về phước báu, còn một đời này vãng sanh Tịnh-Độ, vượt thoát sáu đường luân hồi thì khó vô cùng!…
Những người tu hành mà không quyết lòng một đường đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, thì sau cùng dù hộ niệm cho họ, thì họ cũng rất khó vãng sanh. Rất nhiều những chủng tử khác đã tràn ngập vào tâm hồn rồi, khiến họ khó lòng buông bỏ để niệm câu Phật hiệu cầu vãng sanh. Những lời hướng dẫn khai thị của người hộ niệm không dễ gì thuyết phục được họ nghe theo để chuyển hướng đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc đâu. Thành ra, tu hành có nhất hướng thì tâm mới dễ định vào một hướng, định vào một đường, không còn dụ dự phân đo, nhờ chí quyết vãng sanh mà dễ được vững vàng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vậy.
Xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn cho người nào muốn vãng sanh, thì cách tu tập cần phải cụ thể, một là một, hai là hai, chứ không nên một là hai, hai là ba, ba là bốn… mập mờ mông lung được. Hãy chọn một đường đi rõ ràng ngay từ bây giờ để huân tu lâu dài mới vững. Nhiều người có niệm Phật, nhưng không có huân tu, nay niệm Phật cầu vãng sanh, mai tụng kinh cầu phước báu, mốt tụng Chú cầu tiêu nghiệp, v.v… Hễ có tu hành chánh pháp thì đều là người tốt, đáng quí, nhưng đường đi quả thật hơi lang thang, điểm về quả thật chưa được định. Sau cùng đến khi xả bỏ báo thân, họ khó khăn chọn lựa được đường nào nhất định để đi. Tâm ý mơ hồ lập lững thì nghiệp nào lớn nhất sẽ kéo họ đi theo. Hàng phàm phu tội chướng quá sâu nặng này, thoát sao cho khỏi ba đường ác hiểm! Vì thế, nếu không chọn con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc ngay từ bây giờ, thì làm sao cuối đời vững vàng đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.
Hiểu như vậy, mong chư vị quyết lòng, quyết dạ một đường đi thẳng, vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc trong một báo thân này, thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.