Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 44)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 21, vấn đề thứ 18: Phương thức cần ứng dụng để giảm thiểu sơ suất.
Khởi sự làm một việc gì, trên đời này mấy ai tránh khỏi điều sơ suất. Người phát tâm hộ niệm giúp người vãng sanh cũng không phải ngoại lệ, đây là chuyện bình thường. Sơ suất mà nhận biết được sơ suất là điều quí. Nhưng thấy sơ suất rồi tìm phương cách khắc phục, không để mắc phải nữa lại là điều đáng quí hơn. Nếu có sơ suất mà không chú tâm sửa chữa thì sơ suất càng ngày càng nhiều, càng ngày càng nghiêm trọng.
Pháp Hộ-Niệm cứu cả huệ mạng đời đời kiếp kiếp của một người lại càng phải cẩn thận hơn nữa. Nếu người hộ niệm làm quá nhiều sơ suất mà không chú tâm tu sửa thì Pháp Hộ-Niệm nhanh chóng bị biến chất, sai lệch chánh pháp, tương lai sẽ không còn ai tin tưởng nữa, đưa đến tình trạng sớm bị mai một. Đây là một sự thiệt hại quá lớn, đoạn mất cơ hội giải thoát của đại chúng, thân nhân bà con chúng ta sau này khó có cơ hội được vãng sanh.
Câu (a): Cần phổ biến rộng rãi tài liệu hộ niệm vãng sanh đến tất cả thành viên ban hộ niệm và đến đại chúng nếu có thể được.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Xin thưa với chư vị, những cuộc tọa đàm này Diệu Âm đã gởi vào nhóm email hộ niệm chung trên thế giới, liền có người lên tiếng đề nghị cho viết lại để tìm cách lưu thông rộng ra. Viết lại để truyền ra là một trong những cách: “phổ biến rộng rãi tài liệu hộ niệm vãng sanh…” đấy. Việc làm này khó lắm, không phải đơn giản đâu chư vị ơi! Phổ biến 1.000 tập sách thì hi vọng có được 1 tập người ta coi tới, và may ra mới có được 1 người phát tâm thực hiện Pháp Hộ-Niệm.
Thanh ra, làm đạo không phải dễ dàng đâu! Muốn cứu được chúng sanh thực sự không đơn giản! Ở đây chúng ta chỉ mới nói về giới thiệu thôi, gọi là phổ biến rộng rãi Pháp Hộ-Niệm, nhưng cũng cần đến nhiều người phát tâm, kiên trì nhẫn nại làm mới được. Phổ biến càng rộng ra thì có thêm người biết, có thêm người hiểu, thì mới hi vọng có sự áp dụng Pháp Hộ-Niệm tốt hơn, hầu giảm bớt sự sơ suất và mới có thêm cơ hội giúp người vãng sanh.
Những người Việt Nam ở các nước bên ngoài thông thường bị sơ suất nhiều hơn người trong nước, niềm tin về Pháp Phật yếu hơn, cuộc sống có lẽ nặng về phần vật chất hơn tâm linh, nên vấn đề tu hành giải thoát, Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh cũng lợt lạc đi nhiều lắm.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách nhìn chung chung, chứ không có gì tuyệt đối. Nói về sơ suất thì ở đâu cũng có sơ suất. Có người phát tâm mạnh mẽ quá, đi nhanh quá mà thường hay vấp. Có người nghiên cứu nhiều pháp quá, không chuyên, không thẳng cũng dễ đưa đến sự pha tạp làm cho Pháp Hộ-Niệm càng ngày càng phức tạp hơn, khó khăn hơn, chứ thực ra thì Pháp Hộ-Niệm cụ thể, rất đơn giản. Ví dụ như hôm trước có trường hợp Dì Út của Phi, hóa giải ách nạn cho Dì có vẻ đơn giản, nhưng cũng có nhiều trường hợp tương tự mà sự hóa giải lại vô cùng khó khăn. Đây chỉ vì niềm tin của con người có lúc vững có lúc không. Ngày hôm qua đây, có bà Cụ Phạm Thị Thanh ở bên Tiệp, bị bệnh khổ hành hạ mười mấy năm trường. Cụ đau đớn phải rên la, nghe đến mình cũng cảm thấy xót xa. Nhìn đến bệnh khổ của bà Cụ khó ai có thể tin tưởng rằng sẽ hóa giải được, nhưng nhờ ban hộ niệm ở bên Tiệp đã nghiên cứu rất kỹ về Pháp Hộ-Niệm, áp dụng khá chính xác, nhờ vậy mà đã hóa gỡ được ách nạn cho Cụ. Năm ngày trước khi ra đi, Cụ tỉnh táo lại như người bình thường và niệm Phật vãng sanh, lưu lại tướng lành vô cùng tốt đẹp. Xin tán thán công đức. Thành quả này không nhiều thì ít có liên quan đến sự phổ biến rộng rãi Pháp Hộ-Niệm. Trong những năm qua, chính chư vị Phật tử đồng tu bên Âu Châu đã phát tâm phổ biến Pháp Hộ-Niệm rộng rãi đến cả trong nước cũng như nhiều nơi trên thế giới. Chính những người hộ niệm cho Cụ Phạm Thị Thanh cũng chung sức góp phần tích cực trong việc phổ biến này. Phổ biến càng rộng, đại chúng càng biết nhiều đến Pháp Hộ-Niệm, càng thêm cơ hội cho người được vãng sanh.
Câu (b): Lập quy trình huấn luyện, trưởng, phó ban hộ niệm cần được đào tạo tốt để thực thi chánh pháp, tránh điều sơ suất.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Chúng ta hãy coi những cuộc tọa đàm này như một khóa trình nói về hộ niệm, có lẽ đây là lần tọa đàm nói về hộ niệm đầy đủ nhất so với những lần tọa đàm trước. Chúng ta cố gắng giảng giải từ đầu đến cuối, khá chi tiết, khá cụ thể, hầu đáp ứng nhu cầu cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu về hộ niệm, nhất là các vị phát tâm đi hộ niệm hoặc muốn thành lập ban hộ niệm. Mong muốn các vị trưởng/phó ban hộ niệm chú ý nghe qua, hi vọng những cuộc tọa đàm này giúp ích cho chư vị mốt số căn bản về Lý Đạo nhiệm mầu của Pháp Hộ-Niệm, về Sự Đạo thiết thực cụ thể của Pháp Hộ-Niệm, hầu hướng dẫn ban hộ niệm thực hành đúng chánh pháp. Chúng ta hãy cùng nhau phát tâm làm đạo, vì chúng sanh phụ vụ, vì người thân yêu, vì người hữu duyên mà giúp họ vãng sanh. Hiện tại ở các nơi chưa lập được quy trình huấn luyện cụ thể, nhưng vì tâm nguyện trợ duyên cho người vãng sanh, chúng ta nên nhiệt tâm, cố gắng phổ biến cho nhau những kiến thức, những kinh nghiệm, những điều hiểu biết về hộ niệm để cùng thực hành vững vàng, hộ niệm như lý như pháp, tránh điều sơ suất.
Xin thưa với chư vị, chính vì hai chữ “Sơ Suất” này, mà làm cho Diệu Âm nhiều lần trăn trở lo âu! Người phát tâm hộ niệm không phải ít, nhưng tài liệu học tập về hộ niệm có phần thiếu thốn, nên sự hộ niệm ở khắp nơi thường tạo ra sơ suất cũng không phải là ít!… Sơ suất nhiều quá. Người bệnh sơ suất, thì tự họ làm họ mất vãng sanh. Người hộ niệm sơ suất, thì đánh mất cơ hội vãng sanh của người hữu duyên. Tất cả đều là sự đáng tiếc!…
Sơ suất nhiều lắm! Có những người phát tâm rất mạnh, ngày đêm đi hộ niệm, tâm từ bi muốn cứu người rất cao, không màn đến vấn đề khó khăn của bản thân, nhưng chỉ căn cứ đơn thuần vào lòng từ bi mà thiếu nghiên cứu kỹ về qui luật hộ niệm, thì càng nhiệt tâm chừng nào có thể càng nhiều sơ suất chừng đó. Đây không phải là trách móc, nhưng thông thường là vậy. Người phát tâm làm đạo cần nên chú ý, phải học hỏi, nghiên cứu cẩn thận về qui tắc của pháp môn thì khi thực hành mới an tâm, giảm thiểu sự rủi ro, đạt được sự lợi ích to lớn và tâm Bồ-đề mới được viên mãn.
Chư vị nên nhớ cho, nhiệt tâm mà thiếu kinh nghiệm có thể tạo ra sơ suất, nhưng biết tu sửa rồi thì tâm nhiệt thành sẽ tạo được công đức vô lượng vô biên. Cho nên hôm nay chúng ta nói về “Lập quy trình huấn luyện, trưởng, phó ban hộ niệm cần được đào tạo tốt để thực thi chánh pháp, tránh điều sơ suất”, thì mong chư vị hãy cố gắng nghiên cứu cẩn thận về Pháp Hộ-Niệm hơn nữa, thì sự phát tâm của chúng ta tạo được công đức viên mãn, lợi lạc vô cùng. Pháp Hộ-Niệm sẽ được ứng dụng vi diệu hơn, sẽ có hiệu quả bất khả tư nghì hơn!…
Xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm thực sự đã thể hiện cái công năng vi diệu của nó, đã thành tựu cho những người phàm phu tội chướng sâu nặng mà hưởng được hiện tượng vãng sanh, thoát vòng sanh tử đọa lạc, một đời thành tựu đạo quả, vi diệu vô cùng. Thực sự tuyệt vời!… Quá ư vi diệu!… Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người tỏ ra khinh thường Pháp Hộ-Niệm, cho rằng đây chẳng qua là sự hỗ trợ cho hạng người phàm phu lúc sắp sửa lìa đời. Sự khinh thường này là một đại sơ suất, chứ không phải là tiểu sơ suất đâu!… Sự đánh giá này là một đại bất cẩn, chứ không phải tiểu bất cẩn đâu!… Một cái ý nghĩ vô cùng sai lầm, vô cùng nguy hại để tự mình đưa mình vào còng, làm cho một đời tu hành khó khăn sau cùng đành vướng nạn!… Một khi bị vướng nạn rồi, còn dám mở lời khinh thường Pháp Hộ-Niệm nữa chăng?
Vậy muốn tránh sơ suất, tránh bất cẩn, tránh sai lầm thì chúng ta hãy chú ý nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm thật cẩn thận mới được. Đây là phương cách đại an toàn cho chính mình, một đời này sẽ hưởng được đại thiện lợi từ một pháp đại cứu tinh đấy. Chính nhờ Pháp Hộ-Niệm này mà tất cả chúng ta đều có thể vượt thoát mọi ách nạn của nghiệp chướng, đi thẳng về cảnh giới Cực-Lạc của A-Di-Đà Phật mà thành Phật. Sinh ra trong thời mạt pháp này, lại là phàm phu nữa, mà không nghe lời Phật dạy, không nương dựa vào Pháp Niệm Phật, thì hãy tự xét lại đi, liệu mình có thoát được 6 ngã luân hồi sanh tử khổ nạn chăng? Hàng ức triệu người tu hành đã thất bại rồi, khó tìm ra một người thoát nạn đấy!…
Một ví dụ cụ thể, như Cụ Phạm Thị Thanh mới vãng sanh hôm qua đây. Cụ là một phàm phu vướng phải một đại chướng nạn. Cụ bị bệnh nằm liệt trên giường từ năm này qua năm nọ, đôi chân đã hoại tử, sưng to lên. Cụ bị đau đớn quá sức chịu không nổi, chỉ còn biết rên la than khóc suốt những năm tháng dài!… Chư vị có cảm thấy sự thống khổ không! Chúng ta đang ngồi đây toàn là nói lời lý thuyết suông, chứ khi bị đau đớn rồi chưa chắc mình rên la ít hơn Cụ đâu nhé. Xin chư vị cần phải cẩn thận. Vậy mà, nhờ được hộ niệm, Cụ an lành ra đi, lưu lại tướng lành vô cùng tốt đẹp. Pháp Hộ-Niệm thật đúng là một đại cứu tinh.
Câu (c): Nếu hộ niệm theo ý riêng, Pháp Hộ-Niệm dễ bị biến chất, không còn chánh pháp nữa mà sớm ngày mai một.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Nhiều người sau khi hộ niệm vài ba lần thì vội vã biến đổi Pháp Hộ-Niệm, tự ý thêm vào, bớt ra. Mấy năm trước Diệu Âm về Việt Nam, có người đã đưa cho xem một qui trình hộ niệm do một ban hộ niệm nào đó tự soạn ra và kết thành một tập rất dày, trong đó đã đưa ra khá nhiều qui tắc rất khác lạ, ví dụ như hộ niệm cần phải tụng nhiều bộ kinh, tụng nhiều bài sám, tụng nhiều bài chú, v.v… Diệu Âm nói với họ, tài liệu này là do những người hộ niệm ở đây tự chế biến ra, chứ tài liệu chính của chư Tổ để lại không có các mục này. Diệu Âm cũng xin nói thẳng thắn rằng, nếu chư vị bất cẩn tự ý thêm bớt, gây nên điều sơ suất, làm cho Pháp Hộ-Niệm bị lai tạp sai chánh pháp, thì chư vị phải chịu lấy vấn đề nhân quả. Tương lai do chính sự thêm bớt này làm cho chúng sanh không còn biết đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp, đại chúng sẽ mất niềm tin vào Pháp Hộ-Niệm, làm cho Pháp Hộ-Niệm sớm nở tối tàn. Đây là chướng nạn khá lớn tự mình sơ ý gây ra, vô tình đánh mất con đường giải thoát của chúng sanh. Nhân quả này không phải đơn giản!…
Cho nên, mong chư vị phải cẩn thận y giáo lời Tổ mà phụng hành, đừng nên tự ý thêm bớt. Nên nhớ, mình thấy điều này có lợi thêm vào, thì người khác thấy điều kia có lợi cũng thêm vào. Mình thấy điều này dở bỏ ra, người khác thấy điều nọ dở bỏ ra… Thêm vào – Bỏ ra!… Bỏ ra – Thêm vào!… Tất cả chỉ vì tình thức cá nhân, nghĩ sao làm vậy, chưa có gì bảo đảm rằng đúng với chánh pháp, mà vội vã đẩy Pháp Hộ-Niệm vào tình trạng mạt pháp rồi vậy!…
Ngay như tình trạng Phật Giáo chúng ta cũng vậy, bây giờ Phật Giáo đang ở trong giai đoạn mạt pháp. Tại sao bị mạt pháp vậy? Vì những người hành đạo đã tự ý thêm bớt. Thấy điều này hay đưa vào! Thấy điều kia không thích, bỏ ra! Không chịu y theo kinh điển tu tập, không chịu y giáo lời Phật tu hành, cứ nghĩ sao làm vậy, tự động thêm vào, bỏ ra… khiến cho chánh pháp chỉ còn 1-2 phần, còn sự lai tạp thì chiếm tới 8-9 phần mà mạt pháp!
Hôm nay, chúng ta gặp được Pháp Hộ-Niệm này đã thực sự cứu người vãng sanh, thật là điều đáng vui mừng. Trong thời mạt pháp này mà chúng ta gặp được một đại chánh pháp cứu người vãng sanh quả là duyên lành lớn lao, quí báu. Mong chư vị hãy cố gắng gìn giữ, thực hiện đúng theo chánh pháp, đừng nên sơ ý sửa đổi. Một sự sơ suất ngày hôm nay có thể tạo ra một cơ cầu đau khổ cho chúng sanh trong tương lai.
Chúng ta có thể đưa ra một ví dụ về bảo vệ chánh pháp để noi gương. Tổ Sư Thiền Tông Bồ-Đề Đạt-Ma khi qua Đông-Độ truyền pháp, Lương-Võ-Đế là một vị Hoàng Đế có tâm đạo rất cao, hộ pháp cho Phật Giáo rất lớn. Nhà vua xuất của tiền trong kho lẫm ra xây dựng chùa chiền, cúng dường tứ sự cho chư Tăng-Ni cả nước, tiền bạc tiêu dùng cho công trình phục vụ Phật sự lớn lao không còn tính đếm được. Thực sự trên thế gian này, từ trước tới nay, khó có ai có tâm hộ pháp mạnh như Ngài Lương-Võ-Đế. Nhưng khi diện kiến với Tổ Sư Bồ-Đề Đạt-Ma, Hoàng Đế hỏi:
– Trẫm làm việc hộ pháp cho Phật pháp như vậy, công đức lớn tới cỡ nào?
Tổ Sư trả lời lạnh lùng như một gáo nước lạnh:
– Không có công đức gì cả!
Chỉ cần một lời nói như vậy, liền bị Hoàng-Đế đó mời ra. Tổ Sư điềm nhiên chấp nhận sự xua đuổi mà tạ từ đi thẳng ra khỏi cửa hoàng cung không quay đầu nhìn lại. Ngài lặng lẽ tìm một miếu hoang âm thầm ngồi đối diện với vách đá suốt 9 năm, chấp nhận khổ hạnh!…
Chư vị nhớ cho, nói một lời làm phiền lòng một vị Hoàng-Đế thời đó là tội phạm thượng, có thể bị chém bay đầu, không phải đơn giản đâu. Vậy mà Tổ Sư vẫn mạnh dạn nói lên sự thật. Khi nghe đến sự tích này, làm cho chúng ta phải cúi đầu nể phục cái dũng khí của Tổ Sư. Có người nghĩ rằng, tại sao Tổ Sư không biết khôn khéo nói lời uyển chuyển, để được một vị đại Hoàng-Đế yểm trợ, hộ pháp, thì sự truyền pháp của Ngài được thuận lợi vô cùng, mau chóng lan truyền khắp nước.
Xin thưa với chư vị, nếu Tổ Sư nói rằng công đức của bệ hạ lớn lắm thì sai pháp, vì vị Hoàng-Đế này đang tu phước báu chứ không phải tu công đức. Nếu hỏi về phước báu thì chắc chắn Tổ Sư sẽ nói:
– Lớn lắm, lớn lắm!… Bệ-hạ tạo phước lớn lắm.
Đó mới thật sự là lời chánh pháp. Vì Tổ Sư Bồ-Đề Đạt-Ma muốn giữ đúng chánh pháp, không được pha tạp, nên Ngài không thể vì một lời nói cho thuận tai trước mắt mà làm cho chúng sanh sau này bị mê mờ, sai lệch.
Phước-Đức và Công-Đức khác nhau. Phước-Đức liên quan đến sự bố thí, cúng dường thuộc về vật chất hữu lậu. Công-Đức thuộc về công hạnh tu hành liên quan đến Giới-Định-Huệ. Phước-Đức có thể ban tặng, Công-Đức tự mỗi người phải tu lấy.
Chính vì thế, đối với chánh pháp không ai có quyền thay đổi hoặc tự ý thêm bớt được. Chư Tổ thà rằng là chịu khổ, chịu đói, chịu khát, sẵn sàng chấp sự xua đuổi, lủi thủi đi tìm một miếu hoang vắng, âm thầm lặng lẽ ngồi diện bích 9 năm mà chờ một người có duyên tới để truyền pháp, chứ không thể nào nói một lời sai chánh pháp được.
Cho nên, xin nhắc nhở cùng chư vị phát tâm hộ niệm, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh tôn trọng lời Tổ, lời Phật dạy. Phải y giáo phụng hành, đừng thêm đừng bớt vào chánh pháp. Trong lúc hộ niệm, nếu có trường hợp đặc biệt nào cần đến sự uyển chuyển, thì xin chư vị phải nói rõ ràng: “Đây là sự uyển chuyển… để gỡ rối hoặc giải quyết một trường hợp cá biệt nào đó, chứ không phải đây là qui luật hộ niệm”. Nhất là thời này khoa học kỷ thuật tiên tiến, hệ thống truyền thanh, truyền hình, điện toán, Internet, video, thâu băng, v.v… rất dồi dào. Những hình ảnh hoặc hoạt động nào thuộc về sự uyển chuyển giải quyết thì chúng ta phải ghi chú rõ ràng, chứ không nên tự động tung tin mù mịt làm rối loạn niềm tin hoặc đánh lạc hướng tu tập của đại chúng mà đưa đến hậu quả không tốt về sau.
Mong chư vị quyết tâm gìn giữ chánh pháp được trường tồn, tích cực hộ niệm cho nhau, giúp nhau cùng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.