Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 76)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-ĐÀ phật
Ngoài việc niệm Phật trợ duyên, ban hộ niệm có thể làm thêm những gì?
Xin chư vị mở trang 31.
Câu (n): Không bắt buộc phải lập bàn thờ nhưng treo tấm hình A-Di-Đà Phật cho người bệnh thấy rõ là điều không thể thiếu.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Sáng nay chúng ta có nói qua về bàn thờ rồi. Trong Pháp Hộ-Niệm không đòi hỏi phải lập một bàn thờ trang nghiêm, vì lập một bàn thờ trang nghiêm biến thành một “Lễ-Đàn”, mà Pháp Hộ-Niệm không phải là “Lễ-Đàn”. Phương pháp hộ niệm là hướng dẫn, là nhắc nhở, là niệm Phật cho người bệnh niệm theo. Những người bệnh bị vướng mắc trong những vấn đề nào đó, người hộ niệm cần phải khai giải, khuyên nhủ, nhắc nhở, hóa gỡ cho người bệnh, đó gọi là khai thị. Khai thị hướng dẫn cho từng cá nhân rất quan trọng và cần thiết. Những sự hướng dẫn cá nhân này không phải nội dung của một “Lễ-Đàn”.
Có người nói rằng, Hòa Thượng Tịnh-Không dạy không được khai thị gì cả, chỉ được niệm Phật mà thôi. Có! Ngài có nói như vậy, nhưng coi chừng vô ý chúng ta hiểu sai lời nói của Ngài. Chữ “Khai Thị” mà Ngài nói đây là chỉ cho ý nghĩa một cuộc thuyết kinh giảng đạo. Khai thị nhằm khai mở trí huệ cho người nghe, đem lý đạo cao siêu của Phật ra giảng giải cho người bệnh, thì điều này không được. Ngài nói, lúc đó chỉ cần niệm câu A-Di-Đà Phật cho đến cùng là quan trọng nhất, chứ không thể khai thị này nọ được. Còn đối với những người không tin tưởng vững, thì Ngài dạy rằng, cần phải uyển chuyển, khéo léo, khuyên nhủ, nhắc nhở để cho người đó vững niềm tin lên. Những người không muốn vãng sanh, người hộ niệm phải tìm mọi cách giúp cho người ta phát khởi ý nguyện vãng sanh. Những người bị vướng mắc nhiều điều, phải khuyên họ buông xả ra, v.v… Nhắc nhở, hướng dẫn, dặn dò, khuyên nhủ… chính là sự khai thị trong Pháp Hộ-Niệm đó.
Vậy thì, khi nghe pháp xin hãy nghe cho thật cẩn thận, đừng nghe vội vã rồi trích đoạn, bỏ trước cắt sau nhé chư vị. Có những người cho rằng hộ niệm không được thăm thân để tránh trường hợp thần thức còn đang bị kẹt trong thân xác, chưa xuất ra được, nếu đụng chạm đến thân xác trong trường hợp này sẽ làm cho người chết sân nộ mà bị đọa lạc, và mình phải chịu trách nhiệm nhân quả. Vì nghĩ như vậy mà người hộ niệm không dám thăm thân. Nhưng buồn cười thay, chính mình không dám thăm thân mà lại giao cho gia đình tắm rửa, thay áo quần để lo việc nhập quan, hậu sự?!… Vì sợ vấn đề nhân quả nên người hộ niệm cứ ngồi trước thân người chết niệm Phật 8 giờ, 12 giờ rồi lặng lẽ ra về, nhưng lại tự nhiên giao thân xác cho nhân viên nhà quàng chở đi làm việc mai táng?!…
Nếu nghĩ rằng thăm thân làm cho người chết vướng nạn, thì xin đừng làm hậu sự, đừng nên nhập liệm, đừng nên thay áo thay quần, đừng nên giao đến nhà quàng, đừng nên chôn cất mới đúng chứ, vì tất cả những hành động này đều phải đụng chạm đến thân xác. Những phần hành này họ không những đụng chạm nhẹ nhàng, mà đụng đến phũ phàng, lăn lóc đấy!…
Cho nên nghe pháp, đừng để hiểu sai pháp. Chư Tổ dạy, không được đụng chạm vào thân xác quá sớm, ít ra cũng phải chờ sau 8 giờ mới thăm được, vì trong khoảng thời gian này thần thức có thể chưa ra khỏi thân xác, nếu đụng chạm vào gây trở ngại cho họ. Nên để sau 12 tiếng đồng hồ thăm thân mới được an toàn hơn. Có người lại hiểu lầm, bảo rằng các Ngài cấm việc thăm thân. Có nhiều người ra đi bị chướng nạn, thần thức còn vướng trong thân một thời gian rất lâu dài, nếu không thăm thân làm sao phát hiện ra chướng ngại này. Nếu sơ ý đem liệm xác, nhập quan một người chưa thực sự chết, thì tội nghiệp này lớn đến cỡ nào đây?!…
Người biết hộ niệm thì biết cách khai thị, hóa giải chướng nạn, biết cách thăm thân đúng pháp, cẩn trọng để phát hiện chướng nạn của người ra đi hầu kịp thời hóa giải và bảo đảm rằng người đó thật sự được an toàn để lo việc hậu sự.
Bàn thờ trang nghiêm không cần lập. Một người bệnh nằm trước bàn thờ thường không được thoải mái, mất tự nhiên, nhất là những người bệnh tê liệt toàn thân, việc ăn uống, thay áo quần, vệ sinh tại chỗ… nếu nằm trước bàn thờ thì thật sự là một điều rất ngại ngùng cho họ! Vì thế, chỉ cần một tấm hình Phật treo trước mặt người bệnh là đủ và rất quan trọng, bắt buộc phải có, không thể thiếu được. Thường xuyên nhắc nhở người bệnh chăm chú nhìn hình Phật cho rõ để theo Ngài vãng sanh. Đức Từ Phụ sẽ ứng hiện ra như hình Phật đó để tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Trong sự khai thị, thì đây là điều rất quan trọng, cần thường xuyên nhắc nhở người bệnh.
(o): Nếu nhà rộng rãi có thể lập bàn thờ đơn giản gần phòng hộ niệm để gia đình lễ Phật cầu gia trì.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng đấy. Nếu phòng hộ niệm rộng rãi có thể lập một bàn thờ đơn giản, dựng một cái bàn đơn giản, phủ tấm vải lên để tượng Phật A-Di-Đà, một bát hương là đủ rồi, không cần đến hoa quả. Mục đích để cho người hộ niệm hoặc người gia đình lạy Phật, còn tấm hình Phật treo chung quanh người bệnh nhiều khi cũng khó thuận lợi để lạy. Nếu có một phòng trống bên cạnh phòng hộ niệm, chúng ta có thể lập một bàn thờ trang nghiêm để dành riêng cho những người muốn lạy Phật thì qua phòng đó để lễ lạy rất tốt.
Nói chung, nếu phòng hộ niệm rộng rãi có thể lập bàn thờ nhưng đơn giản mới tốt, chứ không phải trang nghiêm là tốt. Một bàn thờ trang nghiêm không hợp với sinh hoạt hộ niệm vừa nói chuyện, vừa vỗ tay, vừa khen tặng, vừa cười, vừa vui trong những lúc khai thị hướng dẫn người bệnh. Hơn nữa, lập một bàn thờ thật trang nghiêm dễ khiến cho người bệnh căng thẳng, rất khó được thoải mái, thư giãn.
(p): Cần thiết trí hoa quả nhang đèn thật trang nghiêm thì mới hộ niệm tốt.
Đúng không? – (Không). Có nhiều người lập thành cái lệ là trưng bày hoa quả nhang đèn lộng lẫy, thiết trí một khung cảnh hoành tráng để hộ niệm. Đây là tự động họ nghĩ vậy mà lập nên, chứ Pháp Hộ-Niệm không đòi hỏi điều này. Pháp Hộ-Niệm chú trọng sự đơn giản, chủ yếu làm cho người bệnh được thoải mái, tự nhiên. Nếu chúng ta tự động nghĩ sao làm vậy, thêm vào quá nhiều chi tiết, sẽ biến Pháp Hộ-Niệm càng ngày càng thêm rắc rối, phức tạp!… Rõ ràng, nhiều ban hộ niệm chỉ treo một tấm hình Phật rồi hộ niệm vẫn thường xuyên tiễn đưa người vãng sanh rất nhiều, cớ chi phải lập cái bàn thờ trang nghiêm bên cạnh giường người bệnh? Một cảnh trí thật hoành tráng, một bàn thờ thật trang nghiêm để hộ niệm thì không đúng pháp lắm. Hình thức này nhìn qua giống như một cuộc “Tế Thần”, tạo ra không khí ngột ngạt, khiến cho cả bệnh nhân và mọi người quá căng thẳng, không thể thoải mái được. Điều này thực sự không hay!…
Pháp Phật đến nay đã lún sâu vào thời mạt pháp một phần lớn là do chính những người hành đạo không cẩn thận, cứ thấy điều gì hay hay thì tự động thêm vào, thấy việc gì thích thích liền vội vã đưa vô, ngược lại vừa thấy điều gì không hợp ý thì mạnh dạn bỏ ra… Thêm vào bỏ ra làm cho Pháp Phật càng truyền thừa càng hồ đồ, chúng sanh sau cùng không biết đâu là chánh, đâu là sự xen tạp. Chánh Pháp bị mạt là vì lý do này. Càng về sau chúng sanh càng mơ hồ không biết đâu để nương tựa, dần dần Phật Pháp tiến tới chỗ diệt pháp là vậy đó.
Cho nên, xin chư vị nhớ cho, chư Tổ đã đưa ra quy cách sẵn, chúng ta phải y giáo phụng hành, đừng nên tự ý thêm vào, bớt ra. Nếu sơ ý, chính mình là tội nhân làm cho Pháp Hộ-Niệm sớm rơi vào mạt pháp, nghĩa là chính ta làm cho pháp đại cứu tinh này sớm ngày tàn diệt, sau này chúng sanh không còn cơ duyên được vãng sanh nữa.
Vậy thì, không nên thiết lập bàn thờ với hoa quả nhang đèn thật trang nghiêm trong phòng hộ niệm. Không nên làm thì người hộ niệm chúng ta không cần làm, không đưa thành qui lệ cho buổi hộ niệm vậy.
(q): Trước khi hộ niệm cần có nghi thức khai lễ trang nghiêm mới hộ niệm được.
Đúng hay sai? – (Sai). Khởi đầu một buổi hộ niệm, không cần phải có một lời văn tế khấn nguyện gì cả. Có nơi tổ chức cho mọi người cùng quì xuống, chắp tay trang nghiêm làm lễ khai đàn để bắt đầu cho một cuộc hộ niệm. Nhìn thấy rất trang nghiêm tưởng vậy là tốt! Nhưng Diệu Âm khuyên rằng, không nên làm điều này. Chư Tổ không dạy như vậy, thì chúng ta không nên làm như vậy. Tất cả những mọi nghi thức đều có dấu (+) và dấu (-) của nó. Nếu một nghi thức thực sự có ảnh hưởng tích cực thì chúng ta nên làm. Ngược lại, những nghi thức đó về phần tích cực thì ít, mà sự ảnh hưởng không tốt của nó lại nhiều, thì chúng ta phải cẩn thận, không nên tự đưa vào mà trở thành tiền lệ, hoặc làm cho người khác lầm tưởng rằng đó là qui luật của Pháp Hộ-Niệm. Một nghi thức trang nghiêm thì đúng là trang nghiêm thật đấy, mọi người nhất tâm kính cẩn, nhưng vô tình dễ biến một buổi hộ niệm giống như kiểu đem một người đang sống ra “Tế Thần”, so sánh ra chẳng khác gì mấy với những tập tục dị đoan mê tín của các dân tộc lạc hậu xa xưa!… Con người sống trong một xã hội văn minh khoa học ngày nay, trông thấy những sinh hoạt này khó tránh khỏi dị ứng!…
Hơn nữa, làm quá trang nghiêm thì tinh thần bị căng thẳng, điều này không tốt đối với người bệnh. Người bệnh đang yếu đuối, thường lo âu, bất an, họ rất cần sự cởi mở, thoải mái, an tịnh trong tâm. Những sự căng thẳng trong tâm cần phải được giải tỏa đi mới tốt. Những sự lo âu, phiền muộn, vướng chấp trong lòng cần phải được hóa giải đi càng nhiều thì hệ thần kinh của họ mới được xoa diệu, giúp cho họ càng được thoải mái và càng an tâm hơn để niệm Phật. Nếu sơ ý, người hộ niệm tới làm việc một vài tiếng đồng hồ, tạo cho họ một số căng thẳng rồi ra về, nhiều khi tình trạng căng thẳng đó kéo dài mãi đến ngày hôm sau, hoặc nhiều khi cả hàng tuần sau người ta vẫn còn bị mệt mỏi đấy!…
Nếu là người đã tu hành tốt, ý chí đã vững, đang quyết lòng cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì có lẽ không mấy lo sợ đối với những nghi tiết trang nghiêm này. Nhưng những người tinh thần còn yếu, tu hành chưa vững mà làm một cái “Lễ Cầu Vãng Sanh” quá trang nghiêm thì gây căng thẳng cho họ vô cùng, đầu óc của họ sẽ càng nặng nề hơn sau mỗi lần được hộ niệm. Thật sự đây là điều không tốt!…
Vậy thì, không nên lập đàn khai lễ gì cả. Hãy vui vẻ đến cầm tay người bệnh, nở nụ cười an hòa rồi niềm nỡ nhắc nhở họ. Nhờ tư thái an nhiên vui vẻ này mà giúp xóa tan rất nhiều sự căng thẳng của người bệnh. Hãy giúp cho họ uống vài thìa nước, nếu giường rộng, người hộ niệm có thể ngồi trên giường vừa xoa tay người bệnh tạo chút tâm lý tình cảm và vừa vui tươi nói chuyện. Khai thị trong buổi hộ niệm là như vậy đấy, chứ không phải lập đàn trang nghiêm rồi thuyết giảng đạo lý cao siêu, không phải yêu cầu mọi người đều quì xuống chắp tay lắng nghe đâu. Người bệnh mà trải qua những giờ phút trang nghiêm nghẹt thở này sẽ chịu áp lực khá nặng nề, sẽ có những ảnh hưởng tệ hại, không tốt.
(r): Ban hộ niệm nên quyên góp tiền bạc giúp đỡ những gia đình bệnh nhân nghèo khó.
Đúng hay sai? – (Sai). Có ai nghĩ rằng ban hộ niệm nên làm việc này không? Đây cũng là việc tốt mà?
Xin thưa rằng, tất cả đều có thể trở thành qui lệ. Nếu chư vị lập ra chương trình cho ban hộ niệm quyên góp tiền bạc để giúp đỡ cho những gia đình bệnh nhân nghèo khó, thì ban hộ niệm đó dễ dàng biến thành nhóm người đi quyên tiền làm phước. Hộ niệm chưa xong đã lo đến chuyện hóa duyên rồi!… Hóa duyên tức là đi xin tiền. Rốt cuộc hộ niệm thì không xong, xin tiền cũng không đủ!… Trong khi đó, với Pháp Hộ-Niệm chư Tổ cứng rắn ngăn cấm vấn đề hóa duyên, tuyệt đối không bao giờ gợi ý về chuyện tiền bạc. Các Ngài quyết không làm chuyện này, vậy mà hàng hậu học chúng ta mới học qua Pháp Hộ-Niệm, thực hành chưa được tới đâu đã vội vã nghĩ đến chuyện quyên góp tiền bạc rồi!… Hễ quyên góp được một lần, thì sẽ có lần thứ hai. Quyên góp về mục đích này thì sẽ có mục đích khác tới. Tất cả mau chóng trở thành một qui lệ. Qui lệ về tiền bạc rất dễ dàng biến màu, từ chánh thành tà, từ lòng từ bi thành lòng tham lận. Đụng chạm tới tiền bạc thật sự là không dễ dàng!… Đây là điều rất dễ khởi sinh phiền não. Người hộ niệm cần ý thức vấn đề này mà tránh trước đi mới tốt.
Hãy nhớ tới châm ngôn này: “Nhiều chuyện không bằng ít chuyện, ít chuyện không bằng không có chuyện. Ngày ngày chân thực niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ”. Đây mới là điều tốt nhất, đây mới là điều chính yếu, chứ không phải lo làm chút việc thiện là tốt nhất đâu nhé. Một khi đã vướng vào việc thiện xã hội, thì coi chừng bận bịu hết ngày này qua ngày khác, cứ mãi lo đi quyên góp tiền bạc để giúp đỡ cho người nghèo khó, vô tình biến ban hộ niệm thành một hội đoàn từ thiện trong xã hội, lý tưởng hộ niệm cho người vãng sanh đã nhanh chóng biến chất rồi vậy!…
Như vậy, quyên góp tiền bạc giúp gia đình nghèo, xin thưa thẳng với chư vị rằng, điều này không tốt. Mong chư vị chú ý cho.
Đi đường nào một đường thẳng tiến mới mong ngày tới đích. Làm việc gì một việc tinh chuyên mới có cơ hội thành tựu. Hãy lo thành tâm khuyên nhắc, hướng dẫn thật chính, thật thẳng, giúp cho người bệnh chuyên lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, thì mới có thể tạo cơ duyên cho một người vãng sanh. Công đức này vô lượng vô biên. Còn những việc làm phước thiện hãy tùy duyên mà làm, chớ phan duyên mà ngày ngày nặn óc ra làm nhiều thứ quá, khiến cho Pháp Hộ-Niệm bị xen tạp, kém hiệu quả. Mong chư vị nhớ kỹ để cùng nhau làm thật đúng pháp để tiễn người vãng sanh thành Phật.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.