Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 13)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật!
Hôm nay, chúng ta nói đến trang 13, câu số 9: Người phát tâm hộ niệm vãng sanh cần nghiên cứu những gì?
Mấy ngày qua, chúng ta thường nhắc nhở hãy cố gắng nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm, thì hôm nay chúng ta bàn đến chuyện nghiên cứu. Mình sẽ nghiên cứu gì đây?
(a): Nghiên cứu tất cả những Pháp Hộ-Niệm để tổng hợp và rút tỉa ưu khuyết điểm.
Đúng không chư vị? – (Sai!). Hôm trước, chúng ta cũng đã nói rồi, mỗi pháp môn tu đều có một hướng đi riêng và cách thực hành riêng, nên có những Phương Pháp Hộ-Niệm khác nhau, chứ không phải các Pháp Hộ-Niệm đều giống nhau. Chính vì thế, nếu muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì chúng ta không thể nào nghiên cứu tất cả những Pháp Hộ-Niệm khác để tổng hợp lại và rút tỉa ưu khuyết điểm được. Mỗi phương pháp tu người ta hướng dẫn đi về một đường riêng. Ví dụ như người tu pháp gọi là Nhân-Thiên, thì suốt cả cuộc đời tu hành của họ đều nhắm tới là làm sao trở lại làm người hiền-nhân, quân-tử trong đời sau. Một pháp hướng dẫn trở lại làm người, hoặc sinh lại trong ba đường thiện của lục đạo luân hồi, thì không thể nào chúng ta nghiên cứu pháp đó rồi nhắc nhở người bệnh khi ra đi hãy trở lại làm người mà đúng với Pháp Hộ-Niệm vãng sanh được. Xin nhớ cho kỹ.
Vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là vượt qua sáu đường sinh tử luân, tức là vượt qua luôn cõi Nhân, cõi A-tu-la, cõi Thiên. Vượt qua được sáu đường sinh tử luân hồi, thì mình mới thoát được nạn sanh sanh tử tử. Có rất nhiều Tôn-Giáo chú tâm tu hành cầu sanh về một cảnh Trời. Xin thưa với chư vị, về một trong những cảnh trời thì Phật-Giáo chúng ta gọi là đi về ba đường thiện trong lục đạo luân hồi, chứ chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi đâu. Những người tu Thiền nếu vượt qua Vị-Đáo-Định, tức là bắt đầu chứng được Sơ-Thiền, thì họ có thể sinh vào cảnh trời Sơ-Thiền Sắc-Giới. Nếu công phu đạt đến Nhị-Thiền, Tam-Thiền, Tứ-Thiền thì họ sinh vào bốn cõi trời thuộc Sắc-Giới Thiên.
Kinh Phật nói như vậy, chứ thực ra đây là pháp tự lực tu chứng, không phải là dễ dàng mà được sinh về các cảnh trời Sắc Giới đâu chư vị. Ví dụ như vào thế kỷ 20 ở bên Trung Quốc có một vị Hòa Thượng, Ngài tu về Thiền-Định, Ngài đạt được mức Thiền Định rất tuyệt vời. Khi nhập định, thường thường Ngài ngồi trong định cỡ 2-3 tháng trường mới xuất định. Ở đây chúng ta tìm một người mà ngồi thiền được vài ba giờ thì đã bắt đầu nể rồi, người nào ngồi được một ngày thì mình nên cúi đầu sát đất để kính phục rồi. Những công phu này dễ gì có được. Nhưng lão Hòa Thượng Hư-Vân, Ngài ngồi trong định 2-3 tháng liền là chuyện hết sức bình thường. Có những chuyện kể lại rằng, khi Ngài tu trên núi trong một cái chòi tranh đơn sơ, Ngài ăn uống cũng rất đơn sơ. Có lần Ngài nấu một nồi khoai lang, đang lúc nấu thì Ngài nhập định luôn. Ngồi trong định một mình, không ai đánh thức, Ngài cứ tiếp tục ngồi trong định bên cái bếp đó, định suốt như vậy. Sau đó có người phát hiện ra mới dùng khánh đánh thức Ngài dậy. Khi Ngài xả thiền thì thấy cái nồi khoai lang meo đã lên cao mấy tấc. Tức là, thời gian Ngài ngồi trong định trải qua 2-3 tháng trường. Những chuyện nay rất bình thường đối với Ngài.
Tâm của Ngài rất thanh tịnh. Có những lần Ngài đi trong đêm tối mịt mù, hoàn toàn không đèn đuốc mà Ngài thấy cảnh vật sáng rõ như ban ngày. Mức công phu của Ngài thật quá tuyệt vời! Có một lần Ngài đi xuyên qua khu rừng trong đêm tối, thì có một vị trong làng đi ngược về gặp Ngài mới hô lên: “Ủa!… Sao Hòa Thượng một mình đi xuyên qua rừng trong đêm tối mà không có đèn đuốc gì cả vậy? Làm sao Ngài thấy đường đi?…”. Khi người đó hô hoán lên làm cho Ngài giật mình, vừa giật mình thì tự nhiên trời đất tối thui. Tức là, với mức định thâm sâu, Ngài có thể thấy suốt qua màn đêm đen tối.
Xin thưa với chư vị, ấy thế mà khi Ngài tịch, Ngài chỉ sanh về cảnh trời Đâu-Suất, là cảnh trời thứ tư trong Dục-Giới, chưa vào được Sắc-Giới Thiên. Chư vị thấy đó, cái mức tu của Ngài phi thường như vậy mà vẫn chưa vào được Sắc-Giới Thiên.
Thế mới biết những pháp tu này khó quá! Nếu chúng ta sơ ý đem những phương pháp tu tự lực mà ứng dụng để hộ niệm thì sai với Pháp Hộ-Niệm vãng sanh, làm cho người niệm Phật không thực hiện được đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chính vì thế cần phải nghiên cứu cho đúng, nghiên cứu cho thẳng. Không nên nghiên cứu rộng khắp vì rất dễ lệch mất đường vãng sanh Tịnh-Độ.
Câu (b): Nghiên cứu nhiều Pháp Hộ-Niệm rồi chọn một pháp tâm đắc để hộ niệm cho người ta vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Sai!). Câu trước là nghiên cứu rất nhiều Pháp Hộ-Niệm, rồi tổng hợp lại tạo ra một phương pháp chung bao gồm tất cả những Pháp Hộ-Niệm khác nhau, thì mình đã không chấp nhận được, vì mỗi phương pháp dẫn đi một đường khác nhau, không thể cùng một lúc đi nhiều đường khác nhau được. Bây giờ, câu này ý nói mình nghiên cứu tất cả những pháp môn, rồi chọn lấy một pháp tâm đắc nhất với mình để hộ niệm cho người vãng sanh TPCL.
Thì xin thưa rằng, tìm một phương pháp tâm đắc để mình tu theo pháp môn đó, đi theo cảnh giới đó thì được, chứ không thể nói tìm một pháp môn tâm đắc với mình để ứng dụng hộ niệm cho người ta vãng sanh TPCL được. Ví dụ như bên Mật-Tông người ta có pháp hướng dẫn thân-trung-ấm đi qua nhiều cảnh giới rất huyễn hóa, nếu thích những cảnh giới đó chúng ta hãy tới tu chung với họ thì được, chứ đem phương pháp đó ứng dụng để hộ niệm cho người vãng sanh thì nhất định bị lạc đường.
Trong lần đi qua Mỹ vừa rồi, có một vị nghiên cứu về pháp “Hộ Niệm Thân-Trung-Ấm”, đã viết ra 2 tập sách rất dày. Nhìn qua mục lục thôi đã thấy ngay có hàng trăm cảnh giới vô cùng huyền ảo. Xin thưa thực rằng, bây giờ đây mình chưa thấy cảnh giới nào hết, nhưng chỉ đọc qua một vài cảnh giới trong đó thôi mà mình đã bị rối rồi, thì làm sao có đủ khả năng dẫn dắt người khác đi qua cả hàng trăm cảnh giới như vậy?… Một người muốn vãng sanh mà bị lạc vào đó thì làm sao thoát ra? Chính vì nhìn thấy vấn đề này, nên Diệu Âm thầm nghĩ rằng chính người dẫn dắt cũng có thể bị lạc luôn trong đó khó ra được, huống người chết là hàng phàm phu mê mờ bị lạc vào đó mà dễ thoát ra để vãng sanh.
Pháp Hộ-Niệm vãng sanh dặn dò người bệnh cần tránh xa những cảnh giới huyễn hóa đi. Những cảnh giới vô thực như chiêm bao, mộng mị, ác mộng, v.v… hãy cho đó là không thực, là hão huyền. Hãy tránh xa đi, đừng để ý tới. Để chi vậy? Để tâm định lại, một lòng một dạ nhìn ảnh tượng A-Di-Đà Phật, niệm A-Di-Đà Phật, cầu A-Di-Đà Phật đến tiếp dẫn vãng sanh là vững vàng nhất.
Xin nhắc lại, tất cả mọi cảnh giới nào khác hiện ra nhất định đừng để ý tới, đừng sợ, đừng mừng, đừng vui, đừng chạy theo… Trong cuộc tọa đàm “Hộ Niệm Chú Ý”, Diệu Âm nói rất rõ vấn đề này. Dặn dò người bệnh khi thấy bất cứ hiện tượng nào hiện ra như: thấy cọp, thấy beo, thấy rắn, thấy rết, v.v… cứ mặc kệ chúng, đừng sợ. Thấy nước, thấy lửa, thấy lạnh, thấy nóng, thấy giông, thấy bão, v.v… cũng mặc kệ, đừng sợ. Thấy Phật, thấy Bồ-Tát, thấy Ma, thấy Quỷ… cũng cứ tự nhiên, đừng sợ. Nhất định phải nhớ cho kỹ những điểm này, để định được tâm, niệm chắc câu Phật hiệu cầu vãng sanh mà mình đi vãng sanh. Nếu không chú ý điều này thì sẽ bị sơ suất, lỡ chui vào những cảnh giới huyễn hóa đó rồi, thì khó bề gỡ ra được.
Hộ niệm thân trung ấm, có nghĩa là việc làm trước một người đã chết rồi. Đây là vấn đề thuộc về cầu siêu, chứ không phải là hộ niệm. Hộ niệm là hướng dẫn cho người còn sống biết cách thực hiện pháp vãng sanh, chứ không thể chờ cho người ta chết rồi mới hộ niệm. Rõ ràng là vị đó đã nghiên cứu nhiều Pháp Hộ-Niệm, rồi tìm ra một pháp gọi là tâm đắc với mình đấy, nhưng tâm đắc này là giúp đỡ cho người đã chết rồi hưởng được một sự lợi lạc nào đó, chứ không phải thẳng đường vãng sanh TPCL.
Xin thưa với chư vị, nhiều khi nghiên cứu trên sách vở mình nói một cách vô tư, chứ khi chính mình đối diện với những cảnh giới đó rồi thì tâm thần cũng tán loạn, hãi kinh luôn, làm sao bảo đảm rằng mình đủ sáng suốt dẫn dắt người khác vượt qua ách nạn? Chính vì thế, nghiên cứu tự tìm ra môt pháp tâm đắc để áp dụng hộ niệm cho người vãng sanh thì không đúng pháp, dễ dàng hướng dẫn người ta đi lạc đường.
Xin chư vị nhớ cho, khi nằm xuống là lúc tâm hồn của chúng ta dễ bị tán loạn, dễ rơi vào những cảnh giới vô cùng kinh hoảng, hãi hùng. Hãy cố gắng định cái tâm lại, hãy giữ tinh thần trước bất cứ một cảnh giới nào ứng hiện ra. Nghĩa là, đừng nghĩ tới, đừng nhìn tới, đừng lo tới, đừng mừng, đừng sợ, cứ một lòng cất lời niệm “A-Di-Đà Phật”, nhìn kỹ tấm hình A-Di-Đà Phật đang treo trước mặt, thành khẩn cầu Ngài đến tiếp độ ta về TPCL, thì tự nhiên chư vị sẽ an tịnh trong quang minh phổ chiếu tiếp độ của Phật A-Di-Đà, chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ ứng trực bên cạnh bảo vệ cho chư vị liền.
Muốn được định cái tâm trước những cảnh giới hãi hùng, thì bắt đầu từ bây giờ chư vị phải nghiên cứu cho kỹ Pháp Hộ-Niệm vãng sanh của Tịnh-Độ-Tông, nắm cho vững Pháp Hộ-Niệm vãng sanh, đừng nên đi lang thang nhiều quá. Đi lang thang thì chết!… Đi lang thang thì tiêu!… Rõ ràng Pháp Hộ-Niệm vãng sanh đã dạy cho chúng ta tất cả những điểm cần thiết phải làm rồi, không còn sợ bị lạc đường nữa.
Với pháp môn Niệm Phật, Phật dạy chúng ta hai chữ “Nhất Tâm”. Càng chuyên chừng nào, càng vững chừng đó. Những người mà nay tu cách này mai tu cách kia, nay học cái này mai học cái nọ… đến cuối cùng họ sẽ rơi vào chỗ hoang mang vô định! Vì niềm tin không vững nên sức định không có. Sức định không có nên bám trụ không được. Nghĩa là cuối cùng sẽ chơi vơi như đứng giữa vạn nẻo đường, phân vân, do dự. Khi đối diện với sự thực phũ phàng rất cần đến định lực, nhưng lúc đó tâm lực lung lay như cây gốc trồng quá cạn, ngã nghiêng đủ chiều, dễ dàng bị cảnh giới lôi đi theo đường đọa lạc. Trong những cảnh giới đó, oán thân trái chủ vô cùng dễ sợ! Vô cùng dễ sợ!…
Hiểu được như vậy, xin chư vị cần lập chí vững vàng. Ngày nào rảnh thì nên tới đây tu hành, niệm Phật thường xuyên tập lấy công phu. Càng nhiều công phu mình càng có sức định, càng nhiều công phu mình mới dự trữ được cái vốn liếng chịu đựng. Nếu có chút bệnh hoạn gì xin chư vị hãy bình tĩnh chấp nhận cái bệnh đó đi, vui vẻ với cái bệnh đó đi, để chúng ta tập cái sức đề kháng trước bệnh hoạn, tập cái sức đè phục nghiệp chướng. Hãy chuẩn bị trước đi, đừng thấy đau một chút thì than lên than xuống, khổ một chút thì buồn tới buồn lui, bệnh một chút thì cứ lạy Phật cầu xin hết bệnh… Làm như vậy là cách huân tu vô cùng sai lầm, nó sẽ trở thành thói quen, thành tập khí, thành một thứ phản xa tự nhiên đưa mình đến chỗ đại nạn. Nên nhớ cho, người đến lúc sắp chết, ít khi nghĩ rằng mình sắp chết, vì nghĩ mình còn sống thêm nên cứ van vái cầu Phật phù hộ cho mình hết bệnh… Niệm Phật để cầu hết bệnh, thì đành phải mất vãng sanh vậy.
Chính vì thế mà chúng ta cần chuẩn bị trước, tu phải hiểu cho thấu lý, hành cho đúng sự, cố gắng tu tập công phu cho vững vàng, rồi khi gặp phải bệnh hoạn mình nên thể hiện tâm thái chấp nhận tự nhiên: “À!… Mình là phàm phu tục tử, làm nhiều điều sai lầm tạo nhiều nghiệp chướng, nên giờ đây nhận lấy bệnh khổ. Thôi chấp nhận. Bây giờ mình thọ khổ thì lúc lâm chung bớt khổ…”.
Hãy tập chấp nhận hiện thực, tâm hồn thoải mái đón nhận thì ta lợi dụng được cơn khổ này để trả đi một số lớn nghiệp chướng, bên cạnh đó thành tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh nghiệp chướng sẽ tiêu mòn một cách tự nhiên, chứ không phải niệm Phật cầu hết bệnh, cầu tiêu nghiệp là nghiệp chướng tiêu trừ đâu nhé.
Hiểu được lý đạo này, tâm chúng ta sẽ vững vàng để thực hiện đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật!