Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 25)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Nếu giảng xong toàn bộ tập sách này, có thể chúng ta đều nhận ra hầu hết những yếu tố cần thiết liên quan đến Hộ-Niệm. Cho nên người nào có duyên nghe suốt qua cái khóa trình này thì coi như sau này trở thành một chuyên gia Hộ-Niệm đấy nhé. Không còn gì để lo ngại nữa đâu. Từ những điều nhỏ nhặt nhất cho đến những điểm lớn ở đây đều nói qua hết đấy. Mấy tuần qua chúng ta chỉ nói phần tổng quát thôi, chưa đi vào chi tiết mà vẫn còn nhiều, cố gắng nghe chư vị nhé.
Bây giờ bàn đến trang 16. Câu (i): Người tu tập quá nhiều thứ thì mông lung không chủ định, đến khi lâm chung dễ hoang mang như đứng giữa vạn nẻo đường, nên đành phải theo nghiệp thọ nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng đúng lắm đấy. Mình nên nhắc đi nhắc lại để đi càng sâu thêm vào chi tiết hầu nêu lên những điểm đúng điểm sai cho rõ rệt. Người tu tập nhiều pháp môn tức là thường không có chủ định vào một pháp môn nào đặc biệt, và quan niệm rằng hễ pháp Phật là tốt thôi. Vì nghĩ rằng, Đức Thích-Ma Mâu-Ni Phật giảng kinh thuyết đạo để lại tới 84 ngàn pháp môn vi diệu, cớ chi chúng ta chỉ học có một pháp môn. Vì tu tập quá nhiều pháp môn, nên thường thường bị rơi vào tình trạng hoang mang! Xin thưa thực với chư vị, vẫn là chánh pháp của Phật đấy, nhưng có nhiều pháp lại nói hình như ngược với nhau. Lạ lắm đấy!… Ví dụ như trong pháp Đại Thừa, có những lúc Phật nói không được xem tới các pháp Tiểu Thừa. Lại có Kinh khác Phật nói, phải học qua Tiểu Thừa, nếu không học qua Tiểu Thừa thì làm sao học được Đại Thừa. Chư vị thấy hai lời dạy này hình như trái ngược với nhau phải không?
Nhưng thực ra không phải Phật nói nghịch lại ý Phật đâu, chúng ta cần phải xét thật kỹ là đoạn pháp này Phật đang thuyết giảng cho hạng người nào mới được. Phải chú ý đến vấn đề này. Nếu Phật giảng cho hàng Đại Bồ-Tát, thì không bao giờ Phật bắt những vị Đại Bồ-Tát mà đi học những pháp Phật dạy cho hàng phàm phu được. Cũng giống như trường học ở thế gian, nếu đang giảng một lớp tiến sĩ, chư vị không thể khuyên một người tiến sĩ đi nghiên cứu sách của các em tiểu học được. Nếu một người tiến sĩ cầm sách tiểu học lên nghiên cứu, thì chư vị sẵn sàng phê rằng: “Tại sao ông lại chịu mất thời gian đọc đến những tập sách vô ích này?”. Ngược lại, nếu một người trình độ tiểu học mà tìm sách của hàng tiến sĩ để nghiên cứu, thì chư vị có thể quở trách rằng: “Trình độ của ông tới đâu mà dám đọc đến sách này vậy?”. Sự lý là như vậy đấy.
Có nhiều người nuôi mộng ý nghiên cứu tất cả ba tạng kinh điển rồi mới tính chuyện tu tập. Khi nghiên cứu vào gặp phải tình trạng này thì nhất định sẽ hoang mang. Có những pháp Phật dạy phải buông xả tất cả không được chấp. Chấp là dính, chấp là sai, chấp là thiên lệch. Cũng có Kinh Phật dạy là phải chấp, nhất định phải chấp, không chấp không được. Tại sao trái nghịch vậy? Những vị Đại Bồ-Tát đã minh tâm kiến tánh, các Ngài chỉ còn vài phẩm Vô-Minh nữa là thành Phật thì tất cả những kinh điển của Phật dạy cũng không cần chấp nữa. Đối với họ, Phật dạy, “Pháp thượng ưng xả”, nghĩa là Pháp của ta chư vị cũng phải buông xuống để đi làm Phật. Nhưng đối với hàng phàm phu, Phật lại nói, chúng sanh phải chấp cho chặt điểm này, phải làm cho đúng điều kia để tu hành. Ví dụ, với chúng sanh trong thời mạt pháp này, Phật dạy phải chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật mà niệm, không được buông ra, chấp vào cõi Cực-Lạc mà cầu sanh về đó để thành tựu đạo quả.
Như vậy có những pháp Phật dạy không được chấp, phải buông hết tất cả, buông hết xuống, ngay cả kinh Phật cũng buông luôn. Có những pháp Phật dạy phải chấp thật vững để không bị lạc đường. Khi chư vị vãng sanh về tới Tây-Phương Cực-Lạc rồi sẽ hiểu thấu suốt điều này, mới quán triệt được tại sao có lúc Phật dạy xả, có lúc Phật dạy chấp.
Xin thưa thực, vì mỗi kinh Phật dạy đều có đối tượng để độ. Đối với hàng phàm phu tội sâu trí cạn như chúng ta, sau khi thuyết giảng ba tạng kinh điển rồi, Phật mới dạy chúng ta hãy buông xuống hết đi, chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật để niệm và cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Tam Tạng Kinh Điển đều do Phật nói ra, nhưng Phật cũng dạy rằng, nếu hàng phàm phu cứ cố gắng nghiên cứu tất cả Kinh Điển đó để tu trì, thì vạn người tu hành, triệu người tu hành, cũng khó tìm được một người chứng đạo!…
Trong kinh Đại-Tập, Phật dạy rõ rệt: “Ức ức người tu hành khó tìm một người chứng đắc, chỉ nương theo pháp Niệm-Phật mà được độ thoát”. Phật dạy phải buông tất cả xuống, niệm câu A-Di-Đà Phật thì mới được thoát luân hồi.
Như vậy, chẳng lẽ Phật giảng ra Tam Tạng kinh điển rồi, bây giờ Phật lại dạy phải đốt hết tất cả kinh Phật đi để niệm câu A-Di-Dà Phật hay sao? Không! Xin thưa với chư vị, không phải vậy. Phật thuyết kinh giảng đạo có thứ lớp, có căn cơ, tùy theo chúng sanh từng cấp từng cấp đều có chỗ ngộ. Hợp với căn cơ, tu hành thành tựu. Chúng ta là hàng phàm phu trong thời mạt pháp này, Phật quán căn cơ thấy rõ rệt rằng, chúng sanh trong thời này chỉ còn niệm câu A-Di-Đà Phật, nhờ đại nguyện của Đức A-Di-Đà tiếp độ vãng sanh thì mới được một đời này siêu thoát sáu đường luân hồi thành tựu đạo giải thoát. Phật dạy rõ ràng như vậy, chứ Phật không dạy hãy niệm câu A-Di-Đà Phật, còn tất cả các kinh điển khác phải liệng hết, phải đốt đi. Phật không dạy như vậy.
Có nhiều người còn nói, tại sao kinh Phật mà chúng ta phân biệt, chọn này bỏ kia? Xin thưa, không phải chúng ta phân biệt chọn này bỏ kia, mà chúng ta tuyển trạch pháp môn thích hợp để tu hành dễ thành tựu. Phật dạy chúng sanh phải thấu rõ bảy điểm cần phải giác ngộ để tu hành. Đầu tiên phải chọn một pháp môn nào thực sự khế hợp với căn cơ của chính mình mà trì giữ, tinh tấn, hoan hỉ, khinh an, tỉnh giác, tập trung tinh thần vào đó mà tu, ngoài ra cần biết buông xả ra. Đó chính là Thất Giác-Chi hay Thất Bồ-Đề Phần của Phật dạy.
Mong chư vị phải nhớ cho, chúng ta là hàng phàm phu tội chướng sâu nặng thì không dễ gì vượt qua cái ách nạn của nghiệp chướng đâu. Chúng ta phải biết nghe lời Phật dạy, làm đúng theo lời Phật dạy, để kịp thời trong một phần đoạn sanh tử này ta vượt qua ách nạn của nghiệp chướng, đi trên nghiệp chướng, băng qua nghiệp chướng, bằng cái tâm lực, bằng cái nguyện lực vãng sanh của mình. Nếu chúng ta sơ ý nghĩ rằng, hễ là kinh Phật bình đẳng, thì pháp nào tu tập cũng được, thì coi chừng không khế hợp căn cơ. Kinh Phật bình đẳng không cao không thấp, pháp Phật nào cũng siêu vi diệu cả, nhưng chúng ta tu theo pháp nào cũng dễ được thành tựu thì không đúng!… Ngài Ấn-Quang nói: “Pháp Phật không pháp nào cao không pháp nào thấp, nhưng phải khế hợp với căn cơ mới sinh ra diệu dụng”. Chúng ta chọn pháp môn Niệm-Phật cầu vãng sanh là theo đúng lời Phật dạy, đúng lời Tổ Phật dạy. Phật dạy, thời mạt pháp chỉ có niệm Phật mới được thành tựu.
Có nhiều người không chịu niệm Phật, thì đường tu của họ truân chuyên lắm đấy! Khó khăn lắm đấy! Công phu của họ phải tuyệt vời lắm đấy! Một ngày tinh tấn công phu sáu thời nhưng sự thành tựu cũng không phải dễ đâu!
Có một lần, Diệu-Âm nghe tới sự tích của Ngài Cao-Phong Thiền-Sư mà giật mình, thực sự tự nhiên giật mình ngỡ ngàng. Ngài Cao-Phong Thiền-Sư là vị sư phụ của Ngài Trung-Phong Thiền-Sư. Ngài trung-Phong Thiền-Sư là Quốc-Sư đời nhà Nguyên. Ngài Cao-Phong tinh tấn tu hành, có chí hạnh rất cao. Ngài lên một mỏm núi đá cheo leo để tọa thiền, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Tuyết, mưa, sương, nắng… Ngài không quản ngại, cứ vậy mà Ngài công phu thiền định. Chắc chắn mức thiền định của Ngài vô cùng tuyệt vời. Ngài thề rằng, nếu một có một sự giải đãi nào, Ngài chịu rơi xuống vực sâu tan xương nát thịt chứ không chịu lui bước. Sức định lực của Ngài thật quá phi thường. Ấy thế đến một lúc nào đó, sức Ngài cũng có hạn, một cái sơ ý chợp mắt Ngài đành bị rơi xuống vực sâu. Từ trên cao chót vót rơi xuống vực thẳm thì còn gì thân xác nữa!… Nhưng mức công phu tốt, hạnh nguyện của Ngài quá cao, nên được Bồ-Tát Vi-Đà Tôn-Thiên gia hộ đưa tay cứu giúp. Khi cứu lên rồi, Ngài mới cảm ơn Bồ-Tát và hỏi rằng: “Xin Bồ-Tát cho biết trên đời này có ai tu tinh tấn như vầy không?…”. Nghe vậy thì Bồ-Tát trả lời: “Ngươi hỏi làm chi vậy?… Thôi được rồi, 500 đời tiếp theo phải tự mình bảo vệ lấy nhé”. Khi mà nghe đến câu “500 đời tiếp” làm Diệu-Âm giật mình! Giật mình!… Thật sự giật mình!… Một người tu tinh tấn, công phu thâm hậu như vậy, mà còn phải chịu đựng 500 đời nữa đấy. Mà 500 đời không biết ở trong cảnh giới nào. Rồi sau 500 đời đó, Ngài còn ở đâu đây? Nghe đến giai thoại này mà ngỡ ngàng!… Chư vị có thấy sự khó khăn chưa?
Phật nói đến thời mạt pháp, hàng phàm phu chúng ta tu mà không chọn lựa kỹ, tu theo các pháp tu của các vị Đại Bồ-Tát, thì tu cho đến vô lượng A-Tăng-Kỳ kiếp chưa chắc gì đã thành tựu. Quá khó! Quá khó!… Ấy thế mà người nào nương theo Pháp Niệm-Phật, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì được thoát ly sanh tử luân hồi vãng sanh Tây-Phương thành đạo.
Xin thưa với chư vị, có phải là Pháp Hộ-Niệm đang từng ngày thực thi ý nguyện này không. Rõ rệt, cứ một lần nói ra đây thường thường Diệu-Âm kể ra một người có hiện tượng vừa vãng sanh. Mới hôm nay thì có người Dì của Phi. Nếu tìm hiểu thêm, ở Việt Nam hình như hàng ngày đều có người được Hộ-Niệm vãng sanh. Mỗi lần Diệu-Âm về Việt Nam, nhiều người tới khoe rằng hôm nay con đưa một người, Ban Hộ Niệm kia nói tôi cũng đưa một người vãng sanh, người nọ nói tôi vừa đưa một người, hai người… Xin thưa với chư vị, trên khắp dải đất hình chữ S của Việt Nam, 90 triệu người Việt Nam rải rác khắp nơi đều có người được Hộ-Niệm vãng sanh. Nếu có hiện tượng như vậy thì vãng sanh có nhiều không chư vị?
Tuy nhiên, một ngày ở tại đất nước Việt Nam, có thể có hàng ngàn người chết đấy, chư vị có tin không? Có thể tới mức đó đấy, chứ không ít đâu! Một cơn nắng lên, một cơn mưa xuống, một cơn trái gió trở trời có thể làm cho hàng ngàn người chết đấy. Vậy thì một người, hai người nghe nói được vãng sanh so ra đâu nhiều! Đếm lại thì có vẻ nhiều, nhưng người bị chết vẫn quá nhiều phải không. Nhưng đã có một số người được vãng sanh, thì đây cũng là một cái nhân tố tốt làm cho chúng ta phấn khởi. Xin chư vị phát tâm Hộ-Niệm. Nhờ duyên Hộ-Niệm, xin thưa với chư vị, đúng là nhờ duyên Hộ-Niệm mà giúp cho nhiều người sau khi xả bỏ báo thân họ vẫy tay chào, họ mỉm cười, họ ra đi lưu lại thân tướng vô cùng tốt đẹp. Thấy rõ điều này, mong chư vị cố gắng giữ vững niềm tin vào pháp Phật, cố gắng nghiên cứu thật kỹ Pháp Hộ-Niệm để kịp thời cứu người thân, cứu chính ta vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Hy vọng khóa trình này sẽ giúp cho chư vị từng điểm chi tiết một, có đáp án [Đúng] [Sai] rõ ràng, tránh khá nhiều điều sơ suất.
Mong chư vị vững tâm vững chí, cố gắng học tập với nhau, để mỗi người chúng ta là một người Hộ-Niệm tốt giúp người vãng sanh Tịnh-Độ.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.