Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 01) | Tổng Quát Về Pháp Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa Đàm 01)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Lời giới thiệu

Nam Mô A Di Đà Phật!

Kính thưa chư vị đồng tu, tập sách ĐỂ HIỂU THẤU HÀNH ĐÚNG PHÁP HỘ NIỆM Diệu Âm đã giảng qua một lần trong các pháp hội vừa rồi ở mấy nước trên thế giới, bên Âu Châu, Mỹ, Canada, nhưng ở đây có nhiều vị góp ý kiến rằng chưa được viên mãn và đề nghị Diệu Âm giảng lại tập sách này. Diệu Âm nghĩ qua nghĩ lại thì cũng đúng, vì giảng là giảng cho các nơi, còn tại Niệm Phật Đường mình thì chưa nói qua. Hôm nay Diệu Âm xin y giáo mà đáp ứng theo sự đề nghị của chư vị. A Di Đà Phật!…

Xin thưa với chư vị, Diệu Âm này có cái duyên học Phật từ lời “Khuyên Người Niệm Phật”. Khuyên Người Niệm Phật thực ra cũng không phải Diệu Âm tự sáng chế ra, mà khi gặp được lời khai thị của ngài Ấn Quang Đại Sư mà nẩy sinh ra ý niệm này. Diệu Âm còn nhớ mãi lời khai thị đó như thế này:  Khuyên Người Niệm Phật cầu về Tây Phương là giúp cho một phàm phu thành bậc Chánh Giác. Công đức này vô lượng vô biên, nếu đem công đức ấy hồi hướng về Tây Phương thì đạo nghiệp tự nhiên thành”.

Chính lời khai thị này đã giúp cho Diệu Âm loay hoay cái tay viết ra những lá thư “Khuyên Người Niệm Phật”, vô tình kết cái duyên tới ngày hôm nay, còn tập sách “Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm” này là nói về pháp hộ niệm một cách cụ thể và tương đối đầy đủ. Khởi đầu là “Khuyên Người Niệm Phật” và kết cục là Hộ Niệm để Vãng Sanh, vô tình NIỆM PHẬT HỘ NIỆM VÃNG SANH là đề tài mà Diệu Âm nghĩ rằng có thể sẽ đi suốt cuộc đời này, đến đây là đủ rồi không thay đồi nữa.

Xin thưa với chư vị, “Niệm Phật Vãng Sanh” là pháp của Phật, “Hộ Niệm Vãng Sanh” cũng là pháp của Phật, của chư Tổ để lại chứ hoàn toàn không phải là của Diệu Âm. Vì thế, nếu vị nào muốn cảm ơn thì xin cảm ơn Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, không nên cảm ơn Diệu Âm.

Để giảng bộ sách này cho viên mãn, Diệu Âm xin đi từ đầu, từ chương 1 cho đến chương cuối luôn .

Chương I :      TỔNG QUÁT VỀ PHÁP HỘ NIỆM

Chúng ta cần phải học hỏi nghiên cứu cẩn thận để có nhận thức đúng đắn về pháp Hộ-Niệm, rồi chúng ta mới đồng ý với nhau rằng, đây đúng là chánh pháp trong Phật môn. Một pháp cứu người vãng sanh vi diệu, một đại cứu tinh cho tất cả mọi người trong thời mạt pháp này có cơ hội thành Đạo.

Xin thưa với chư vị, chúng ta toàn là hàng phàm phu tội chướng rất sâu nặng. Nếu chúng ta sơ ý không nắm vững pháp hộ niệm này, Diệu Âm sợ rằng tất cả mấy chục người đang ngồi tại đây sau cùng chưa chắc gì có một người thành tựu. Vì xin thưa thực với chư vị rằng, trong thời mạt pháp này ức ức người tu hành khó tìm ra một người thành tựu đấy. Tuy nhiên những người tháp tùng với Diệu Âm trong chuyến đi vừa rồi thì có những vị đã nói lên lời này: “Hiện tại ở Việt Nam hiện tượng người vãng sanh đã đưa đến tình trạng không còn cách nào có thể đếm được nữa”. Rồi vị đó nói tiếp: “Đây là một hiện tượng rất đặc biệt mà trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam chưa từng xảy ra”. Nên nhớ, vị đó nói chứ không phải Diệu Âm nói.

Chính vì thế mà cái Pháp Hộ Niệm thực sự quá vi diệu! Quá vi diệu!… Trong khi ở các nơi người ta vãng sanh hơi nhiều đấy. Ví dụ lần này qua Âu Châu, người ta báo cáo có hai-ba người nữa vãng sanh, trong khi ở tại nơi của chúng ta hình như hơi ít. Chính vì thế, khi nghe các vị đề nghị Diệu Âm giảng lại tập sách này, Diệu Âm nghĩ cũng phải, vì giảng là do các nơi họ yêu cầu giảng, còn ở đây thì nhiều người nghĩ rằng pháp hộ niệm đơn giản quá nên không cần nghe tới. Một khi chúng ta nghĩ rằng nó đơn giản quá, coi chừng chúng ta bị hớ hênh mà mất phần vãng sanh một cách hết sức là oan uổng đó!…

Trong chương 1 này Diệu Âm nói tổng quát về hộ niệm. Đầu tiên Diệu Âm xin thưa với đồng tu rằng, khi nói về chuyện tu hành chúng ta nên hiểu cho thấu điều này: “Một là tất cả, tất cả là một”. Mình tu phương pháp nào, pháp môn nào hãy quyết chí tuyển chọn một pháp môn mà tu, thì từ pháp môn đó chúng ta sẽ có tất cả. Pháp môn của Phật dạy đến vô lượng vô biên, dồn lại chỉ có một pháp môn mà thôi. Lạ lắm!… Bất cứ pháp môn nào cũng vậy. Ví dụ như tu Thiền, thì niệm Phật cũng là tu Thiền, tụng Chú cũng là tu Thiền, phá nghiệp cũng là tu Thiền. Một người tu Thiền đi đến chỗ thành tựu thì bao gồm tất cả các pháp môn khác. Chúng ta ở đây Niệm-Phật, thì Thiền cũng là Niệm-Phật, Chú cũng là Niệm-Phật, Trì-Giới cũng là Niệm-Phật, Phá-Nghiệp cũng là Niệm-Phật. Một pháp môn Niệm-Phật này mà chúng ta thành tựu thì coi như chúng ta thành tựu vô lượng pháp môn, rõ rệt như vậy. Một người tu hành mà không hiểu đạo lý “Một là tất cả, tất cả là một”, thấy pháp nào cũng hay, pháp nào cũng muốn học thì ra sao đây? Cuộc đời chúng ta vỏn vẹn chỉ có mấy chục năm, học chưa được bao nhiêu thì chết mất, chết trong cái tâm trí còn mê mê hồ hồ, đường đi chưa vững… thành ra cứ mãi lang thang theo nghiệp thọ nạn!…

Hôm nay chúng ta nói về hộ niệm, thì hộ niệm cũng là một pháp tu. Khi chúng ta vững vàng phương pháp hộ niệm rồi, hình như tám mươi bốn ngàn pháp tu của Phật để lại đều dồn vào trong pháp hộ niệm này. Lạ lắm!… Diệu Âm thấy rõ rệt như vậy.

Chư vị thử nghĩ coi một pháp Thiền Định tu hành cao tột các ngài cũng có thể minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Một pháp môn hộ niệm đơn giản, cụ thể, dẫn dắt từng bước người đang bị bệnh, những người nghiệp chướng nặng, ấy thế mà họ cũng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì một đời thành đạo. Khi thành đạo rồi thì giống nhau, trở về chơn tâm tự tánh rồi người nào cũng như nhau. “Phật Phật đạo đồng”. “Tam Thế Nhất Thiết Phật cộng đồng nhất Pháp Thân”. Trở về với Pháp Thân rồi thì ba đời mười phương chư Phật ngang nhau, bằng nhau, giống nhau, bao hàm với nhau không còn sai biệt.

Chính vì thế, trong thời này nếu chúng ta biết nghe lời Đức Thế-Tôn, chọn cái pháp mà Đức Thế-Tôn tuyển trạch cho chúng ta, trì giữ mà tu thì chúng ta thành đạo. Khi thành đạo rồi lúc đó gặp được chư Phật, mình mới hiểu rằng… À!… một pháp môn hộ niệm này đã bao gồm tám mươi bốn ngàn pháp môn của Đức Thế-Tôn mà chúng ta không hay. Tất cả chư Phật, chư Bồ-Tát… trước khi các Ngài thành đạo, các Ngài tu rất nhiều pháp môn khác nhau, nhưng khi trở về với Chơn-Tâm Tự-Tánh rồi, các Ngài tay trong tay với nhau, bình đẳng, không hơn không kém.

Nhưng có một điều chư vị cần chú ý, là có những pháp môn tu quá khó đấy, khó vô cùng đấy!… Khó đến nỗi mà đức Thế-Tôn nói rằng, ức ức người tu hành khó tìm ra một người chứng đắc đấy!… Lại có một pháp môn rất đơn giản, đơn giản vô cùng đấy, dễ tu dễ chứng. Ứng dụng pháp đó, chư Tổ nói: “Vạn nhân tu vạn nhân khứ”, muôn người tu muôn người được vãng sanh đấy. Đó chính là pháp môn niệm Phật. Như vậy chúng ta ở đây chọn pháp môn niệm Phật là chúng ta y giáo phụng hành lời đức Thế-Tôn dạy rồi. Yên chí đi chư vị, đừng nên phân đo nữa.

Nhưng xin thưa với chư vị rằng, đến thời mạt pháp này, niệm Phật để tự tại ra đi, an nhiên ra đi, tự lực mình theo quang minh của Phật đi về Tây-Phương Cực-Lạc hình như cũng không phải đơn giản đâu!… Tại sao vậy? Chư vị hãy suy nghĩ lại đi, nhìn lại quá khứ thật kỹ đi. Có người 5-6 chục tuổi, 6-7 chục tuổi… trong chúng ta có người đã trên 7-8 mươi tuổi rồi, hãy kiểm lại trong 7-8 mươi năm qua, những người tu hành, ngay cả những người niệm Phật, liệu có mấy ai được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc? Liệu có mấy ai thấy được hiện tượng một người khi xả bỏ báo thân họ vui vẻ vẫy tay chào biệt, họ nói: “Tôi đi theo A-Di-Đà Phật vãng sanh đây”, họ lưu lại tướng lành tốt đẹp tươi hồng không? Không biết chư vị đã gặp qua chưa? Chứ chính Diệu Âm này, khi chưa biết phương pháp hộ niệm, chưa từng thấy qua. Và đây cũng chính là một dấu nghi to lớn đã làm cho Diệu Âm vô cùng hoang mang trong nhiều năm, đôi lúc xuống tinh thần không còn tin tưởng mạnh mẽ vào Phật Giáo nữa!… Nguyên do là vì khi nghe kinh pháp, chư Tăng, chư Tổ thường nói rằng, niệm Phật là pháp môn muôn người tu muôn người đắc, trong khi chính mình đi tìm hiểu, thì thực sự chưa thấy được một người vãng sanh!…,

Đến khi có cơ duyên gặp được một người chính mình hộ niệm, người đó ra đi lưu lại tướng lành quá đẹp, khi ra đi rồi mà môi càng lúc càng hồng lên, mặt càng ngày càng tươi ra. Sau 12 tiếng đồng hồ thân tướng đã đẹp, mình niệm thêm 12 tiếng nữa 14 tiếng nữa, 26- 27 tiếng đồng hồ thì thân tướng càng đẹp hơn. Khi tận mắt thấy hiện tượng vi diệu này, làm cho Diệu Âm ngỡ ngàng, giật mình và tỉnh ngộ… Trong lịch sử hộ niệm, có những vị được hộ niệm 10 ngày, 20 ngày hoặc hơn nữa mà thân tướng vẫn đẹp. Thật bất khả tư nghì!…

Nếu chư vị nào đã từng thấy người vãng sanh rồi thì hãy tập giật mình mà tỉnh ngộ để biết rõ đường nào vững vàng cho mình đi, đường nào giúp cho một người phàm phu tội chướng sâu nặng này có thể thành tựu đạo quả. Biết rồi thì hãy bám cho chặt chư vị ơi!… Hãy bám cho vững chư vị ơi!… Hãy bám cho sát đừng có li ra nữa. Li ra một chút, bị nạn đấy. Li ra một li, lạc luôn đấy. Li một đoạn thôi tiêu cuộc đời của mình đấy.

Chư vị nên nhớ rằng đời này chúng ta gặp được câu A-Di-Đà Phật là cũng có thiện căn, tin được câu A Di Đà Phật chứng tỏ mình cũng ngon ngon. Trong nhiều đời nhiều kiếp mình hình như có niệm Phật rồi đấy, nhớ nhé, nhưng mình phải hỏi tại sao trong đời trước mình không vãng sanh đi cho rồi để lạc tới đời này? Trong đời này mình quờ quạng một chút, phân tâm một chút, so đo một chút coi chừng mình lại trả một cái giá rất đắt, là khi liệng cái báo thân này lấy lại cái thân người không được đâu đấy, coi chừng mình biến thành hàng súc sanh đấy, mình đi vào hàng ngạ quỷ đấy, mình đi về địa ngục đấy. Tại sao vậy? Tại vì đã sinh vào thời mạt pháp này thì nghiệp chướng của mình, so ra, nó nặng hơn phước báu của mình nhiều lắm đấy, cái tội ác của mình hơn cái thiện căn của mình nhiều lắm đấy, không phải đơn giản đâu. Với cái nghiệp chướng này sẵn sàng đưa mình xuống tam ác đạo. Chính vì thế mà Phật dạy “Nhơn thân nan đắc”. Nhiều người nói rằng ta đã được làm người rồi, có gì đâu mà khó? Không phải đâu. Phật nói là khi ta liệng cái báo thân này, đời sau lượm lại cái thân người không được, khó lắm đấy!

Hãy nghĩ lại đi, trên đời này ta đã từng gặp những người qua đời: bà con, thân nhân, bạn bè, người quen, kẻ lạ… mình thấy thân tướng họ để lại như thế nào? Có phải là 99.9% toàn là xấu không? Toàn là cứng đơ, xám ngắt!… Khó có một thoại tướng nào đẹp cả. Không có thoại tướng đẹp hiển hiện sau khi buông báo thân ra đi, chứng tỏ rằng đời sau của họ không thể nào lấy lại được thân người, nói rõ hơn là họ đã rơi vào tam ác đạo rồi đấy…

Vì phổ biến pháp hộ niệm quá quan trọng, nên Diệu Âm xin thành tâm cảm ơn các vị đã đề nghị giảng lại tập sách này. Hôm nay là lời đầu tiên và kế tiếp chúng ta sẽ tiếp tục nói cho trọn vẹn tập sách này. Nói trọn vẹn tập sách này có nghĩa là nói trọn vẹn pháp hộ niệm vãng sanh một cách chi tiết vậy. Xin chư vị cố gắng kiên nhẫn lắng nghe, nếu Diệu Âm nói không được hay, xin chư vị cũng nên vỗ tay để động viên tinh thần, nếu không có sự động viên này, sợ rằng Diệu Âm không hoàn thành nổi nhiệm vụ.

Cầu mong chư vị hiểu thấu tâm can, hãy hợp sức cùng nhau đi cho tới Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –