Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 27) | Vãng Sanh Là Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 27)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay chúng ta định nghĩa: Vãng sanh là gì? Vấn đề thứ 12, trang 16.

Câu (a): Danh từ này được Phật nói rất nhiều trong các kinh điển TịnhĐộ, chỉ cho người khi xả bỏ báo thân được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn thẳng về cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Không sai phải không? Hôm nay xin xác định rõ rệt, danh từ “Vãng Sanh được Phật nói trong kinh điển Tịnh-Độ-Tông, chỉ cho đường tu hành của chúng ta có mục đích cụ thể là khi mãn báo thân này sanh về miền Cực-Lạc của đức Phật A-Di-Đà, không cầu sanh về cảnh trời, không đi những cảnh giới khác. Điểm về rõ ràng, cụ thể. Về tới cõi Tây-Phương Cực-Lạc thì viên mãn đạo quả.

Có nhiều nơi, người ta thông báo như vầy, hôm nay đạo tràng chúng ta cầu siêu cho ông Trần Văn X… bà Nguyễn Thị Y… vãng sanh vào ngày mấy tháng mấy, nhưng thực ra họ đang cúng cầu siêu cho những người chết!… Nghĩa là những người đó đã chết rồi và gia đình đang nhờ đạo tràng đó làm lễ cầu siêu. Vì vô tình dùng danh từ “Vãng Sanh” để chỉ cho những người đã chết, nên làm cho nhiều người nghe qua bị phân vân, mơ hồ rồi lầm tưởng rằng vãng sanh tức là chết, từ đó mới nẩy sinh ra vấn đề hiểu lầm: “Tại sao lại có pháp môn tu hành lạ lùng, cứ cầu cho người ta chết?”. Thật đáng tiếc thay!….

Câu (b): Vãng Sanh tức là chết, danh từ tuy khác nhưng ý nghĩa thì giống nhau.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Cũng chính vì người ta nghĩ vãng sanh là chết, nên mới phát biểu gọn gàng: “Hôm nay cầu siêu cho ông Trần văn X vãng sanh vào ngày mấy tháng mấy…. Có một lần về Việt Nam, một vị kia phát biểu rằng: Tôi tu hành theo Tịnh-Độ-Tông và đã từng hộ niệm cả hàng ngàn ca vãng sanh rồi, nhưng thực ra vị đó thường xuyên đi cúng cầu siêu cho hàng ngàn người chết, mà cứ lầm tưởng là đi hộ niệm cho hàng ngàn người vãng sanh!… Thực sự có nhiều người đã hiểu lầm vãng sanh tức là chết.

Trong kinh sách Tịnh-Độ, từ ngữ Vãng Sanh dành chỉ cho người khi xả bỏ báo thân, đã được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Nghĩa là người nào về tới nước Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà mới được gọi là vãng sanh. Nếu e ngại từ “Chết”, vì có vẻ đau buồn quá, thì chư vị cũng có thể nói: “Vãng Sanh Thiên, thêm chữ “Thiên” nữa, để hàm chỉ cho những người chết được sanh về các cảnh lành, như sinh về một cảnh giới Trời trong sáu đường luân hồi. Chứ còn người bị chết, bị đọa lạc mà gọi là vãng sanh thì thật sự đã dùng từ không chính xác. Hai tiếng “Vãng Sanh” chỉ dành cho những người khi mãn báo thân này được sanh về thế giới Tây-Phương Cực-Lạc. Mong chư vị chú ý điểm này, đừng nên sơ suất mà làm cho đại chúng lầm lẫn, hoang man oan uổng lắm!…

(c): Đây là thuật ngữ chỉ cho người chết được tái sanh vào những cảnh thiện trong sáu đưng luân hồi.

Đúng không? – (Sai!). Cũng sai luôn. Như vậy, khi chư vị thực sự nghe được một tin vãng sanh là mừng lắm rồi đấy, quí vô cùng. Vãng sanh được phải do từ lòng thiết tha muốn được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc mới được vãng sanh. Có nhiều người nghi ngờ nói rằng, một người kia tu hành khổ cực 80 năm qua mà sau cùng không được vãng sanh gì cả, thì làm gì có chuyện bà già đó hồi giờ ít tu mà lại được vãng sanh? Hồ nghi này cũng có lý lẽ căn bản, vì vãng sanh không đến nỗi quá dễ dàng như mình tưởng đâu.

Nhưng thực ra, khó thì cũng khó lắm đấy, vì lâu nay mấy ai thấy người được vãng sanh! Nhưng dễ thì cũng không phải không dám nói, vì hiện đã có nhiều ra đi được vãng sanh rồi, nhiều đến nỗi không còn đếm được. Như vậy, khó hay dễ tại đâu? Khó là tại vì người tu hành không biết đường tu vãng sanh. Đường tu vãng sanh là đường gì? Đường Niệm Phật cầu sanh thế giới Tây-Phương Cực-Lạc với niềm tin vững vàng không thể chao đảo. Đây là một đại pháp rộng độ tất cả chúng sanh của Đức Thế-Tôn chỉ dạy.

Như vậy người nào tin tưởng vững vàng, quyết lòng niệm Phật cầu sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì người đó biết đường tu vãng sanh. Lúc lâm chung, trước khi xả bỏ báo thân vẫn còn nhận thức rõ ràng đường này. Nghĩa là không được mập mờ, không theo chư Thiên, không theo Ông-Bà, không theo Phật này Bồ-Tát nọ, đừng chạy theo bất cứ một cảnh giới nào khác… Chỉ một lòng quyết chí đi theo A-Di-Đà Phật trở về Tây-Phương Cực-Lạc là được vãng sanh.

Có người hỏi rằng, có cần theo ánh sáng gì không? Xin trả lời rằng, không cần chú ý đến ánh sáng gì cả, vì lúc đó có thể tâm trí của mình đã mê mệt rồi, không còn sáng suốt nữa, không thể phân biệt được ánh sáng nào thực, ánh sáng nào giả đâu. Hãy áp dụng lời Phật dạy trong kinh A-Di-Đà: “Người đó chung thời, A-Di-Đà Phật và chư ThánhChúng hiện ra trước mặt tiếp dẫn đi về Tây-Phương Cực-Lạc là được. Hãy ứng dụng đúng như vậy. Người bệnh nào cứ một lòng một dạ niệm A-Di-Đà Phật cầu xin A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn về Tây-Phương thì người đó vãng sanh. Xin hỏi tiếp, làm sao biết được A-Di-Đà Phật như thế nào để đi theo? Người hộ niệm hãy dặn dò người bệnh, phải thường xuyên nhìn thẳng vào tấm hình A-Di-Đà Phật của ban hộ niệm treo trước mặt, nhiếp tâm vào đó mà niệm, tự nhận đó là hình tướng của A-Di-Đà Phật, chờ Ngài hiện thân ra đúng như vậy mà theo Ngài đi vãng sanh. Lòng mình đã thành, tâm mình đã định như vậy, Phật dựa theo tâm của mình mà hóa thân tiếp độ. Nhất định không sai.

Tu hành mà không biết đường vãng sanh, khi chết lại không có người hộ niệm dẫn đường chỉ lối, nhất định chúng ta sẽ mơ hồ không biết đường nào mà đi, thành ra hầu hết đều đi theo oán thân trái chủ, họ có nhiều chiêu thức vô cùng tinh vi lừa gạt mình, đẩy mình vào những cảnh giới xấu ác chịu đọa lạc để họ báo thù.

Cho nên, xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm quan trọng vô cùng, quá quan trọng, là một đại cứu tinh cho hàng phàm phu được thoát nạn mà nhiều người không biết. Cũng đáng tiếc thay, có nhiều người biết qua Pháp Hộ-Niệm rồi nhưng lại chê. Trong khi đó, xin thưa thực, gặp được Pháp Đại Cứu Tinh này chúng ta phải mất qua hàng ngàn năm mới có một cơ hội biết qua, chứ không phải đơn giản đâu nhé.

Chư Tổ Tịnh-Độ-Tông đã ứng dụng Pháp Hộ-Niệm cách đây hơn cả ngàn năm rồi mà mình không hay biết. Người học Phật Việt Nam chúng ta đã đánh mất quá nhiều người thân yêu của mình vào trong cảnh tam ác đạo mà không hay!… Bây giờ gặp pháp cứu tinh này, xin hãy cố gắng lên chư vị, ráng gìn giữ nó, phát triển nó hầu giúp đỡ nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

(d): Chỉ cho những người khi chết rồi để lại thân xác mềm mại, sắc tướng an lành.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Không đúng. Người được vãng sanh lúc nào cũng để lại thân tướng tốt đẹp, nét mặt tươi vui, tướng hảo bất khả tư nghì. Nhiều người khi vãng sanh rồi, sắc tướng lưu lại còn đẹp hơn lúc còn sống. Nhưng người ra đi lưu lại thân tướng tốt đẹp, mềm mại, tươi hồng… chưa chắc đã được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Điều này minh xác một vấn đề, một người chết đi mà nét mặt của họ hiện ra sự đau khổ, xám xịt, sắc tướng khó coi… thì chắc chắn bị nạn rồi!… Do đó, biết được Pháp Hộ-Niệm giúp ta có thể xác định cụ thể về một người nào sau khi chết có bị đọa lạc vào ba đường ác hay không.

Như vậy, làm sao biết được người nào là người vãng sanh, người nào là đi về cảnh lành? Người nào sau khi xả bỏ báo thân mười mấy tiếng đồng hồ mà thân tướng mềm mại, nét mặt tươi vui, sắc tướng trang nghiêm… thì chắc chắn họ được sanh về các cảnh lành. Các cảnh Trời, cảnh Người, cảnh A-Tu-La là những cảnh lành. Như vậy người chết đi được sanh lại làm người thì thân sắc cũng bắt đầu có tướng lành, sinh lên các cảnh Trời thì càng đẹp hơn nữa. Nhiều người sinh lên cảnh trời khi ra đi có hương thơm bay ra, đó có lẽ có chư Thiên Nhân tới đón, các Ngài có hương thơm nên chúng ta có thể ngửi được mùi hương.

Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì chắc chắn có tướng tốt, vãng sanh thiên hoặc các cảnh lành cũng có tướng tốt, như vậy làm sao mình biết được những người để lại tướng tốt đó là người được vãng sanh nước Cực-Lạc?

Câu trả lời là, người nào có lòng tin vững vàng nhất, người đó có cơ hội vãng sanh cao nhất. Nếu mình xác định họ có lòng tin vững vàng từ đầu đến cuối, quyết lòng niệm Phật không hề thay đổi tâm ý, thì người này rất dễ vãng sanh. Những người khi gặp được câu A-Di-Đà Phật họ quyết lòng chỉ niệm Phật cầu về Tây-Phương, họ không muốn chọn lựa gì khác, không chạy lung tung, không nói cao nói thấp, không tụng này tụng nọ, không muốn bày vẽ gì khác hết… Đây là những người quyết lòng đi vãng sanh nên rất dễ được vãng sanh. Hàng ngày niệm Phật, hễ rảnh là người ta niệm Phật, lúc vui niệm Phật, lúc bệnh niệm Phật, dẫu bệnh đau đớn quằn quại người ta cũng cắn răng niệm Phật cầu xin vãng sanh, không thèm một tiếng than thở… đó là những người quyết lòng đi vãng sanh. Những người này khi ra đi lưu lại tướng lành thì nhất định ta tin tưởng được rằng họ vãng sanh.

Có nhiều trường hợp tu ít nhưng Tín-Hạnh-Nguyện lại vững cũng có thể tin tưởng được vãng sanh. Ví dụ, người chưa có duyên gặp Phật pháp nên không tu được được nhiều, nhưng khi vừa gặp câu Phật hiệu, người ta phát long tin tưởng rất mạnh và quyết chí thực hành. Tu ít thì nghiệp còn nhiều, lâm chung có thể bị khá nhiều chướng nạn, bị đau đớn lăn lộn… nhưng trước sau họ vẫn quyết lòng cắn răng chịu đựng để niệm Phật cầu vãng sanh. Người ta có thể ra đi trong đau khổ, quằn quại, nhưng khi ra đi xong tự nhiên thân tướng chuyển tốt đẹp liền, nhờ vào tâm lực mạnh mà người đó được vãng sanh.

Có những người có thể dơ tay lên chào rồi ra đi. Nghiệp của người ta đã nhẹ, nhờ niệm Phật tốt, niệm Phật chí thành, được chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì bảo vệ, có Phật lực gia trì rồi, dù trong cơn đau bệnh mà họ vẫn cảm thấy thoải mái, họ thấy Phật tới đón mới chào mọi người rồi ra đi. Đó là những người vãng sanh.

Có nhiều người làm không được như vậy vì quá yếu sức, quá mệt mỏi, họ vẫn bị đau đớn… nhưng rõ ràng vẫn quyết lòng niệm Phật không gián đoạn, không một phút lơ là… những người này đều được vãng sanh đấy.

Bên Tây Úc, Diệu Âm có gặp Cô ấy là người Thiên-Chúa Giáo, 57 tuổi, bị bệnh ung thư đến giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa, đang chờ từng ngày để chết. Chúng tôi khuyên Cô ta niệm Phật cầu vãng sanh. Cô quyết lòng niệm Phật. Nghĩa là tự nhiên Cô phát khởi một niềm tin tưởng mạnh mẽ vô song. Gặp được có mấy ngày thôi mà Diệu Âm dám mạnh dạn bảo đảm rằng, nếu vững vàng như vậy, Cô này xác suất vãng sanh lên tới 95%, mặc dầu hoàn toàn là người theo Thiên-Chúa Giáo.

Chư vị thấy rõ rệt được vấn đề chưa? Nhờ đâu mà được vãng sanh? Tín-Nguyện-Hạnh. Chúng ta là người tu theo Phật, niệm Phật, nhưng Tín-Nguyện-Hạnh không đủ chưa chắc sẽ được vãng sanh đâu nhé. Khi bệnh xuống mà èo mà uột, còn than vắn thở dài, còn ỷ lên ỷ xuống, còn phiền não đủ thứ… coi chừng thua người từ tôn giao khác mà đủ Tín Nguyện Hạnh đấy nhé, không phải đơn giản đâu!…

Như huynh Quảng Chương đấy, trước phút ra đi bị tai nạn, té gãy tay, mê man bất tỉnh trong bệnh viện. Nhưng chúng ta thấy rõ ràng anh là người có quyết tâm, một lòng một dạ muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Là người mới biết tu, anh đâu có được khai tâm mở trí gì, đôi lúc vẫn còn lầm lẫn, sơ ý… nhưng nhờ anh đã quyết chí vãng sanh mà ra đi có cơ hội thoát nạn. Anh ấy tự đọc rồi thâu lời nguyện của mình vào máy để tự nhắc nhở chính mình: Nam Mô A-Di-Đà Phật con là Đỗ Hữu Huy, pháp danh là Quảng Chương xin nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Xin Phật chứng giám cho con…. Gia đình vợ con của anh theo Thiên-Chúa Giáo, nhưng cũng quyết lòng hỗ trợ cho anh. Mặc dầu khi ra đi bị nhiều chướng ngại, nhưng biết được cái gút mắc của anh, mình khai thị hóa gỡ ra thì tự nhiên thân tướng liền chuyển đổi, mềm hẳn lại rất nhanh. Suy nghiệm kỹ lại, anh ấy vẫn có nhiều điều làm mình tin tưởng được vãng sanh đấy. Chư vị có thấy vi diệu không?

Người muốn vãng sanh phải biết đường đi, phải đi cho vững. Ví dụ như lúc anh Quảng Chương đang bệnh, Anh thường nói câu: “Nhất định đi về Tây-Phương Cực-Lạc, 100% đi về Tây-Phương Cực-Lạc…. Anh khuyến cáo tất cả các người con, khi bước vào khuôn viên vườn của anh thì bắt buộc phải ăn chay, không ăn hành tỏi, không sát sanh. Dù cả gia đình theo Thiên-Chúa Giáo, nhưng vì lòng tin vững vàng, vì quyết chí vãng sanh không lay chuyển, nên sau khi chịu cái nạn nghiệp ứng ra quật anh té tới gãy tay, mê man bất tỉnh trong bệnh viện. Nếu hôm đó xuất viện không kịp thì chết trong bệnh viện luôn rồi. Thế mà sau cùng tướng lành ứng hiện tự nhiên viên mãn. Cho nên, một lần hộ niệm là một lần tìm ra một sự vi diệu mới, quý báu vô cùng. Những người phàm phu như chúng ta mà không được hộ niệm làm sao có thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.

Ngay ngày hôm nay có cuộc nói chuyện với mấy ban hộ niệm ở bên Việt Nam do Phi nhóm họp lại.  Người ta báo cáo rằng, mới hôm qua đã đưa một người vãng sanh tốt đẹp lắm. Chư vị thấy đó, Pháp Hộ-Niệm cứu người trước mắt. Còn người nào chê Pháp Hộ-Niệm thì chắc phải chịu thua cuộc rồi. Đáng thương thay!… Chê một pháp đại cứu tinh, tự đoạn mất con đường giải thoát của chính mình. Đáng tiếc thay!…

Cho nên, câu hỏi hôm nay “Vãng sanh là gì?, tuy đơn giản mà khá hay, giúp chúng ta không thể mơ hồ dùng từ một cách lầm lẫn nữa. Vãng Sanh là thần thức của người khi xả bỏ báo thân được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Được vậy mới gọi là “Vãng Sanh.

Sau này, khi nghe có người nói sai, xin chư vị đừng nên tranh cãi, mà cũng đừng có phân vân hồ nghi nữa nhé. Người ta nói sai vì chưa từng biết qua vãng sanh là gì, cứ mặc nhiên cho rằng vãng sanh tức là chết. Nhưng thực tế rằng, vì ta không muốn chết đi sống lại trong các nẻo luân hồi, nên mới tìm đường vãng sanh để vô sanh vô tử. Rõ ràng vãng sanh không phải là chết. Sanh vào các cảnh giới thiện cũng không thể gọi là vãng sanh. Xin xác định cho rõ ràng vậy.

Xin nhắc lại, người chết để lại xác thân mềm mại tươi hồng là hiện tượng người ta vượt qua ba đường ác, tức là không sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chứ không phải là chắc chắn được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Người để lại thân tướng mềm mại như vậy, nhưng mà công hạnh tu hành của người ta tốt, người ta gìn giữ tín tâm cho đến cuối cùng, đến lúc sắp lâm chung người ta vẫn niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, khi ra đi lưu lại thân tướng trang nghiêm tốt đẹp thì mình có thể tin tưởng rằng họ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Người được vãng sanh, trong vòng 8 giờ (có khi đến 12 giờ) thường thường đỉnh đầu của họ còn hơi ấm nhẹ, còn toàn thân thì lạnh toát. Xin nhớ cho, có thể sau 12 giờ thân nhiều người không còn hơi ấm nữa, nhưng không có gì quan ngại. Miễn là người nào Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, niệm Phật cầu vãng sanh đến giây phút cuối cùng và ra đi để lại thân tướng tốt đẹp như vậy, thì người đó được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Còn hiện tượng chắc chắn nhất là chính người đó thông báo cho biết rằng: A-Di-Đà Phật đã lai nghênh tiếp dẫn. Họ vẫy tay chào ra đi, thì nhất định được vãng sanh, không thể nghi ngờ. Đây là một hiện tượng vô cùng quý báu.

Mong chư vị cố gắng quyết lòng nghiên cứu cho kỹ để tự mình được vãng sanh, còn giúp hộ niệm người nhà của mình vãng sanh, giúp đồng tu của mình vãng sanh Tây-Phương Cực-lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –