Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 14) | Người Phát Tâm Hộ Niệm Vãng Sanh Cần Nghiên Cứu Những Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 14)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Mỗi đêm, chúng ta học hỏi nhau về hộ niệm. Thì hôm nay, Diệu Âm xin báo cho chư vị một tin vui! Người dì của bác sĩ Phi đã ra đi rất là viên mãn, vô cùng viên mãn. Bà dì này cũng có chút duyên với Diệu Âm. Diệu Âm có khai thị, hướng dẫn cho bà Cụ trước khi ra đi, và ngày hôm nay, sau khi ra đi, Diệu Âm vẫn tiếp tục khai thị cho bà Cụ. Nói chung cuối cùng rất là tốt. Phi đang có mặt tại Việt Nam, chắc vui mừng lắm.

Chư vị thấy không? Rõ rệt là Pháp Hộ-Niệm đã cứu người trước mắt. Nếu không biết cách hộ niệm, làm sao Phi có thể cứu được người Dì đây? Vì gia đình của Phi nghiên cứu rất kỹ về hộ niệm, quyết lòng, quyết dạ một đường đi, nên gia đình hộ niệm cũng có phần vững vàng. Chính cuốn sách này đã được Phi viết lời tri ân, đúng là lời tri ân có giá trị, đã cứu được một người Dì ra đi vô cùng tốt đẹp.

Tu theo pháp môn nào chúng ta nên theo cho trọn vẹn một pháp môn. Cần chọn lựa cho vững để hạ thủ công phu. Pháp Môn Niệm Phật rõ ràng cứu người đã có chứng minh cụ thể, rất hợp với căn cơ của đại chúng, và đây là pháp của Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật tuyển chọn cho chúng ta. Phật dạy, thời mạt pháp chỉ còn niệm Phật mới thành tựu, mà Pháp Hộ-Niệm là pháp hướng dẫn cho người niệm Phật làm cho vững, hành cho đúng, tu cho chính xác, thực hiện cho kịp thời Pháp Môn Niệm Phật để vãng sanh.

Hôm qua chúng ta nói, người hộ niệm mà nghiên cứu tất cả những Pháp Hộ-Niệm để tổng hợp lại, tìm ra ưu khuyết điểm thì sai chứ không đúng, vì mỗi pháp môn có một hướng đi riêng, mỗi Pháp Hộ-Niệm có một sự khai thị riêng và dẫn dắt chúng sanh về một cảnh giới riêng. Nên nhớ, ưu điểm của đường này chưa chắc sẽ thuận lợi cho đường kia, thành ra không thể nào rút ưu khuyết điểm được. Phật dạy, tất cả đều do tâm chúng ta quyết định lấy. Đi đường nào chúng ta phải đi một đường cho thật vững, không nên hiếu kỳ, gặp pháp nào hay ho cũng nghiên cứu, coi chừng sau cùng rất khó cứu được một người thành tựu đấy.

Hôm qua chúng ta cũng nói một điểm nữa là: “Cần nghiên cứu nhiều Pháp Hộ-Niệm, rồi chọn ra một pháp môn tâm đắc để hộ niệm cho người ta vãng sanh”, thì câu này cũng sai luôn. Vì rõ rệt là chúng ta quyết định đi thẳng về TPCL, thì chúng ta phải nói thẳng về TPCL, chứ không thể cầu sanh về bất cứ một cảnh giới nào khác. Vậy thì chúng ta không có tâm đắc nào khác ngoài Pháp Hộ-Niệm vãng sanh của Tịnh-Độ-Tông, vì chính Tịnh-Độ-Tông hướng dẫn chúng sanh qui tụ thẳng về TPCL, còn những pháp môn khác thường không hướng dẫn vãng sanh về TPCL, mà dẫn về những cảnh giới khác, hoặc là phá nghiệp, hoặc cầu tìm phước báu, hoặc theo nghiệp thọ báo… Cho nên, người nào quyết định muốn đời này vãng sanh về TPCL thì chỉ nên nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ-Tông mới chính xác.

Thành ra, nghiên cứu nhiều pháp môn rồi chọn một pháp tâm đắc để hộ niệm cho người vãng sanh là sai chứ không thể đúng được! Hôm qua, mình đã chứng minh rõ rệt rồi. Hôm nay xin đi tiếp đến mục khác.

Câu (c): Người nghiên cứu nhiều Pháp Hộ-Niệm khác nhau thường bị mông lung, không có định hướng thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Khi nghiên cứu nhiều quá, thì tâm ý sẽ mông lung. Lấy gia đình Phi ra làm ví dụ, giả như gia đình này nghiên cứu đủ pháp: Mật, Hiển, Thiền, Tịnh… đều nghiên cứu hết, thì chắc rằng cuối cùng sẽ ứng dụng đủ cách, không có cách nào thuần thục, thì làm sao cứu được bà Cụ Trần Thị Não này? Trước khi bà Cụ ra đi có hiện tượng oán thân trái chủ báo hại đến trợn mắt lên, một trạng thái kinh hoàng! Hình ảnh đó Phi có chụp lại và đưa cho Diệu Âm xem. Gia đình có nhờ Diệu Âm khai thị, và thật may mắn cho bà Cụ, sau khi khuyến tấn thì bà Cụ dịu lại, hiền lại… Người ta báo rằng sau đó bà Cụ nằm im, không nói, không giãy dụa nữa, và bắt đầu niệm Phật… Rõ ràng, bà Cụ này đúng là có duyên, thật sự có duyên. Chư vị thấy đó, Diệu Âm không nghiên cứu nhiều, không nói lý đạo gì cả, chỉ thành tâm điều giải và khuyến tấn cho Cụ yên tâm thôi. Nếu nghiên cứu nhiều quá, thì không đi thẳng vào trọng tâm của Pháp Hộ-Niệm vãng sanh, không thành tâm điều giải thì khó mà giúp cho một người vượt qua những chướng nạn đó để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.

Hôm qua, mình đưa ra một ví dụ, một người nghiên cứu về Pháp Hộ-Niệm thân-trung-ấm. Nếu dẫn dắt đi vào những cảnh giới thân-trung-ấm thì nhất định bà Cụ này trở ngại liền, tại vì bà Cụ đang đối diện với những cảnh hãi hùng, mà còn nói lên cảnh giới hãi hùng nữa thì nhất định tiêu rồi!…

Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ-Tông rất đơn giản, ta phải đem sự đơn giản đó mà khuyến tấn bà Cụ:

Cụ ơi! Tất cả mọi cảnh giới đang hiện ra chỉ là giả huyễn, Cụ buông đi, bỏ đi, không thèm để ý tới… Không lo! Không sợ! Không buồn! Không để ý tới làm chi nhé. Cứ nhiếp tâm lại, nhìn tấm hình A-Di-Đà Phât, niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh là được.

Rõ ràng, ta đang gỡ rối cho bà Cụ từ chỗ hoang mang thấy đủ điều bây giờ còn lại chỉ có hai vấn đề: Một là A-Di-Đà Phật, hai là những hiện tượng khác. Hiện tượng gì khác là giả, là huyễn, là mộng… hãy bỏ đi, hãy quên đi. Chỉ một lòng chờ A-Di Đà Phật đến thì theo Ngài vãng sanh. Nếu sơ ý chúng ta dẫn dắt vào những cảnh giới trong thân-trung-ấm: À!… Đi qua cảnh quỷ này… Đi qua cảnh địa ngục nọ… Đi qua cảnh súc sanh kia… Đi qua hết cảnh này đến cảnh nọ thì tiêu rồi, còn cách nào nữa để thoát nạn khi bà Cụ cứ tiếp tục chìm trong những hiện tượng hãi hùng đó.

Nói thẳng rằng, người bình thường như thế này mà rơi vào trong đó còn khó gỡ ra, huống chi là người đang bị khủng hoảng trong cơn bệnh yếu. Điều này quá rõ ràng rồi phải không?

Chính vì thế, khi biết được bà Cụ bị nạn như vậy, lúc đó đã vào nửa đêm, qua điện thoại thôi mà Diệu Âm nói rất lớn, rất mạnh, để cho bà Cụ tỉnh lại, vững tâm lại, không còn sợ nữa. Diệu Âm khuyên bà Cụ hãy mở mắt ra, nhìn những người đang hộ niệm bên cạnh mình, con cháu đang cầm tay mình bảo vệ cho mình mà yên tâm đi. Tất cả những điều gì làm mình sợ hãi chỉ là ác mộng mà thôi, không có gì trở ngại, đừng nên lo sợ nữa… Củng cố tinh thần thì tự nhiên bà Cụ tỉnh ra, hiền lại, ánh mắt trong xanh… và bắt đầu niệm Phật.

Chư vị thấy đó, trải qua một cuộc hộ niệm, chúng ta có thêm một kinh nghiệm. Tất cả những kinh nghiệm này đều nằm sẵn trong Pháp Hộ-Niệm hết. Diệu Âm cứ lấy những qui tắc trong Pháp Hộ-Niệm ra mà hướng dẫn cho nhau, quần đi quần lại cũng bấy nhiêu đó thôi chứ không có gì khác hơn. Nếu cứ lang thang những lý cao luận diệu thì lời không mạnh, ý không chuẩn… thì khó có thể hóa gỡ được chướng ngại của người bệnh. Hóa gỡ không được thì nhất định người đó bị nạn..

Chúng ta nên nhớ rằng, vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc không phải là phá nghiệp, đoạn nghiệp, diệt nghiệp để vãng sanh, mà được vãng sanh là nhờ sự ủng hộ làm cho tinh thần người bệnh vững lên, niềm tin kiên cường hơn, ý chí vãng sanh tha thiết hơn. Nhờ tâm lực mạnh mẽ đó mà họ vượt qua các cảnh giới của nghiệp chướng, của oán thân trái chủ chướng, và họ theo cái nguyện lực mạnh mẽ đó mà được vãng sanh.

Xin chư vị hãy nắm vững lý đạo này để khi chính mình nằm xuống, mình không còn bị phân tâm đối với những cảnh giới gì đến với mình. Ma quỷ đến, mình không sợ!… Bồ-Tát nào đến, mình cứ tự nhiên!… Đừng tham chấp bất cứ cảnh giới gì khác nhé. Nếu tâm ý vững vàng như vậy, thì bất cứ một người nào đến nhắc nhở: “Cụ ơi!… Cụ niệm Phật đi. Tất cả những cảnh giới nào khác hiện ra, đừng bao giờ để ý tới nhé…”, tự nhiên trở thành một lời khai thị sắc bén. Mình đã huân tu chuyện này rồi, vừa nghe có người nhắc nhở, làm ta giựt mình tỉnh ngộ, định lại tinh thần, chủ động niệm Phật không còn hoang mang nữa, bao nhiêu chướng ngại tự nhiên giải tỏa, trả lại trạng thái an lành cho mình niệm Phật.

Vậy thì, nếu chư vị muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì đừng nên tham cầu học hỏi nhiều thứ quá, cũng đừng nên sơ ý mà quên nghiên cứu kỹ Pháp Hộ-Niệm vãng sanh. Hi vọng khi trải qua khóa trình này, chư vị có thể nắm biết vững vàng phương pháp cứu người vãng sanh này vậy.

Nghiên cứu nhiều Pháp Hộ-Niệm khác nhau, thường tâm hồn bị chao đảo, phân vân, do dự, không có định tâm sẵn về Tây-Phương Cực-Lạc. Đúng đấy. Đến lúc lâm chung chúng ta đối diện với những cảnh hãi hùng, bệnh khổ, oán thân trái chủ… Xin thưa với chư vị, nếu chúng ta không thể tự chủ được, tâm hồn sẽ tán loạn, thôi đành chịu thua, không cách nào có thể cứu vãng được.

Câu (d): Phải nghiên cứu thật kỹ Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ-Tông là đủ, vì chỉ có Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ-Tông mới hướng dẫn đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là điều khá rõ ràng. Ví dụ, nếu như gia đình Phi hồi giờ thích nghiên cứu đủ thứ hết, ưa lý luận lung tung, thì nhất định bà Cụ sẽ lạc đường, khó có thể cứu vãn được. Nhưng vì gia đình một lòng một dạ quyết chí hộ niệm cho bà Cụ vãng sanh, nhờ thế mà trải qua nhiều biến chuyển sau cùng vẫn thấy được sự hiệu quả rõ rệt của Pháp Hộ-Niệm, những lời khai thị vững vàng đã vực cái tâm của người bệnh dậy. Thật là tuyệt vời! Đúng là một pháp cứu tinh giúp người thoát nạn, thay vì họ phải rơi vào những cảnh giới vô cùng hãi hùng, vô cùng khủng hoảng để chịu nạn vạn kiếp, thì giờ đây họ thoát qua những cảnh đọa lạc khổ đau, vãng sanh Tịnh-Độ thành đạo. Tất cả thành quả có được, chính do từ Pháp Hộ-Niệm này ban cho, chứ có gì khác hơn.

Xin thưa với chư vị, mục đích chính yếu chúng ta tu hành là để làm chi đây? Thoát ly sanh tử luân hồi phải không? Vậy thì khi chúng ta rời cái thân nghiệp báo này, nhớ đừng nên lượm cái thân trong lục đạo luân hồi nữa nhé. Muốn vậy, thì phương Pháp Hộ-Niệm này thực tế đang từng ngày từng ngày cứu người vãng sanh thoát vòng sanh tử đấy.

Một phàm phu như chúng ta, nếu không tu đường vững vàng, nhất định khó có hi vọng thoát nạn. Vãng sanh không phải quá đơn giản đâu, đừng nghĩ rằng mình sẽ an nhiên tự tại ngồi như thế này ra đi vãng sanh đâu nhé, một vạn người may ra có một người đấy, đừng nên vọng tưởng!… Còn biết nương theo Pháp Hộ-Niệm, một vạn người làm được như vậy coi chừng vạn người được vãng sanh đấy chư vị. Phải đi con đường rộng độ chúng sanh. Cánh cửa giải thoát mở rộng thênh thang, quyết đi thì tới. Hãy đi cho vững, đừng nên sơ ý mà tự mình làm kẹt cho mình đấy. Cho nên muốn cứu được một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chúng ta phải nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ-Tông mới được.

Xin nhắc rõ, Tịnh-Độ-Tông, chứ không phải là Tịnh-Tông Học-Hội. Có nhiều người nhầm lẫn rằng Tịnh-Độ-Tông là Tịnh-Tông Học-Hội. Không phải!… Ví dụ như, Niệm Phật Đường của chúng ta cũng là một cái Hội, gọi là “A-Di-Đà Hội”, (A-Di-Đà Association). A-Di-Đà Hội của chúng ta lập lên hội tụ lại một số đồng tu cùng nhau quyết lòng thực hiện pháp tu của Tịnh-Độ-Tông, chứ không phải Tịnh-Độ-Tông là A-Di-Đà Hội. Còn Tịnh-Tông Học-Hội cũng là một cái Hội của người Hoa lập ra hướng dẫn đồng tu nệm Phật vãng sanh Tây-Phương Tịnh-Độ mà thôi.

Cho nên Tịnh-Tông hay Tịnh-Độ-Tông, là một tông phái trong Phật giáo, được Phật lưu lại, còn Tịnh-Tông Học-Hội là một cái hội của người Hoa, mới thành lập vào thế kỷ thứ 20 tới nay, để đồng tu niệm Phật theo tông chỉ của Tịnh-Độ-Tông. Chúng ta cần phân biệt rõ danh từ, không nên nhầm lẫn.

Rồi, một điểm nữa. Câu (e): Phải nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ-Tông, nhưng cần nên bổ túc thêm những sáng kiến mới.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Pháp Hộ-Niệm nguyên gốc đơn giản, nhiều người lại muốn làm cho phong phú hơn, nên thích bổ túc thêm những sáng kiến mới làm cho sai lệch pháp Phật. Diệu Âm thường nhắc nhở rằng, chúng ta phải y giáo phụng hành lời Tổ, lời Phật, không được tự ý xen tạp, thêm vào, bớt ra. Ngài Ấn-Quang rất cứng rắn về vấn đề này. Nếu anh xen tạp được thì người kia xen tạp cũng được, anh thêm được thì tôi thêm cũng được, tôi thêm được thì chị thêm cũng được, đến sau cùng không biết đâu là chánh pháp, đâu là sự xen tạp, đưa đến tính trạng gọi là “Mạt-Pháp”, Pháp Hộ-Niệm sẽ mai một đi. Mình ứng dụng sự xen tạp nơi này thấy tốt, nhưng qua tới chỗ khác ứng dụng không được thì sao? Tốt ở đây nhiều khi chỉ là một sự may mắn, nhưng sau đó những nơi khác bị trở ngại thì sao đây?

Cho nên xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm là pháp của Phật, của chư Tổ để lại, chúng ta không được tự quyền thêm vào bớt ra mà làm cho chánh pháp của Phật bị lai tạp. Khi có vấn đề cần phải uyển chuyển, ví dụ tình trạng đặc biệt gia đình yêu cầu, người bệnh khó khăn cần phải đáp ứng… người hộ niệm có thể uyển chuyển giải quyết, nhưng một khi uyển chuyển thì người hộ niệm cần giải thích rõ ràng lý do để tránh sự hiểu lầm, tránh cho chánh pháp bị tam sao thất bổn, tránh cho đại chúng bị mất niềm tin sau này…

Chúng ta ngày ngày nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm ở đây, mong rằng qua khóa trình học tập này chúng ta ai ai cũng sẽ vững tâm, vững chí. Tự mình vững chí mà đi, thì tự mình có thể cứu mình, và cứu được người thân yêu, người có duyên với mình đi về Tây-Phương thành đạo. Cứu một người thành đạo công đức vô lượng vô biên.

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –