Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 05) | Trên Thế Gian Này Có Bao Nhiêu Pháp Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 5)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Chúng ta đồng ý rằng trên thế gian này không phải chỉ có một pháp hộ niệm và ở đây chúng ta đang nói về pháp hộ niệm vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc của Tịnh-Độ-Tông.

Tu hành, đường nào xin chư vị hãy đi một đường thì mới vững, chuyên nhất mới thành tựu, không nên đi nhiều đường quá vì rất dễ bị hoang mang, không chủ định được. Nói về hộ niệm thì pháp nào cũng có hộ niệm, nhưng nếu cứ thấy sách nào nói về hộ niệm cũng nghiên cứu thì có thể đi đến chỗ mông lung, vô định hướng, khi nằm xuống rồi chúng ta không biết đâu mà ứng dụng. Ví dụ như hôm qua chúng ta có nhắc đến một vị nghiên cứu về pháp hộ niệm thân-trung-ấm và vị đó có mời Diệu Âm ý kiến về pháp này. Vị đó nói rằng nếu Diệu Âm khuyên phát hành thì vị đó sẽ phát hành, nếu từ chối thì sẽ không phát hành. Nhưng Diệu Âm cũng không nêu ý kiến gì cả. Vì sao vậy? Vì nếu không đồng ý pháp đó thì cũng không được. Đây là cả một công trình nghiên cứu của người ta thì làm sao mình từ chối, mà giới thiệu lên để cho phát hành thì Diệu Âm cũng không dám vì thật sự có những vấn đề khó khăn. Thứ nhất là nhìn qua vấn đề hộ niệm cho thân-trung-ấm thì không đúng nghĩa lắm, phải nói là cầu siêu cho thân-trung-ấm thì đúng hơn. Vì đã rơi vào thân-trung-ấm tức là chết rồi, đã chết rồi thì làm sao còn hộ niệm được? Thành ra dùng danh từ “Hộ Niệm“ không được chính xác. Thứ hai là, Diệu Âm nhìn sơ qua đã thấy vị đó đưa ra hàng trăm cảnh giới rất huyễn hóa của thân-trung-ấm. Nếu dẫn dắt người bệnh suốt qua hàng trăm cảnh giới hư huyễn như vậy thì làm sao người bệnh có thể an tịnh được, làm sao khỏi bị vướng mắc!… Và, xin thưa thực, nhiều khi chính người dẫn dắt cũng bị vướng mắc trong đó khó bề thoát ra, huống chi là người bệnh. Hơn nữa, ai dám bảo đảm rằng là đương thời cái thần thức của người chết đó đang vướng tới cảnh giới nào trong thân-trung-ấm? Thực sự là điều huyễn hóa, khó lòng giải quyết!…

Chính vì thế, muốn hộ niệm cho người vãng sanh chư vị cần nghiên cứu cho thẳng, cho chính, không nên gặp pháp gì lạ lạ cũng ứng dụng vào. Nếu sơ ý, chúng ta dễ biến thành dạng của những ông thầy cúng vong, siêu độ người chết, chẩn tế cô hồn… chứ không phải là hộ niệm cho người vãng sanh đâu.

Bây giờ xin bàn một vấn đề tiếp:

d) Những người tu hành mà tiêu cực nên cứ nằm đó cầu chết mới nói đến hộ niệm.

Nghĩa là có ý nói rằng, những người nói về hộ niệm là những người không chịu lo tu hành, cứ nằm đó chờ chết, chết rồi mới nhờ ban hộ niệm đến giúp thì nghĩ rằng sẽ được vãng sanh. Chư vị nghĩ câu này đúng không? – (Sai!…).

Câu nói này có thể đúng khi muốn nhắc nhở cho chúng ta là phải lo tu hành đi, chứ không phải cứ nằm đó chờ chết. Còn câu nói này sai nếu dụng ý chê bai những người hộ niệm là lười nhác, không chịu lo tu hành, cứ nằm chờ cho đến chết rồi nhờ ban hộ niệm tới giúp mình vãng sanh. Nghĩ như vây thì quá sai!… Không đúng!…

Xin thưa với chư vị, công phu tu hành và hộ niệm bổ túc cho nhau, chứ không có chống đối nhau. Nhưng đáng tiếc, có những người đã hiểu quá sai lầm về hộ niệm. Có lẽ vì chưa nghiên cứu qua pháp hộ niệm, chưa hiểu thấu một đại pháp cứu tinh cho chúng sanh này, nên mới cho rằng hộ niệm là xúi người nằm đó chờ chết rồi mời ban hộ niệm tới niệm “A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!” thì được vãng sanh. Vãng sanh sao dễ vậy? Ý nghĩ quá sai lầm! Đánh giá quá lệch lạc về pháp hộ niệm!

Thực ra hộ niệm là một pháp tu thật căn bản, rất thực tế, vạch ra những điều cụ thể cho hành giả thực hiện chính xác tông chỉ của pháp môn Tịnh-Độ để được vãng sanh. Nếu tu hành chung chung, không có định hướng thì sau cùng cũng khó thành tựu được gì! Tu pháp niệm Phật mà cứ lý luận chung chung thì cũng khó giúp ích được gì cho người khi bị rối rắm, bị vướng mắc đủ điều như về gia đình, về thế sự, về tình chấp, về cảnh giới, v.v… nhất là khi bị trọng bệnh hoặc giây phút lâm chung người ta đang đối diện với cảnh khổ trùng trùng, rối loạn trong từng phút, từng giây. Thực không phải đơn giản lắm đâu.

Xin thưa với chư vị, nếu thực sự là người có phước báu lớn và trí huệ cao, người ta có thể niệm Phật đạt được cảnh giới “Nhất Tâm Bất Loạn“, tự tại vãng sanh. Rất tốt đấy. Nhưng một người phàm phu nghiệp nặng mà cứ vin vào những lý luận hão huyền, chê bai pháp hộ niệm, thì xin thưa rằng, trên thế gian này có rất nhiều, rất nhiều, nhiều đến vô số người tu hành mà lệch lạc, đang sống trong vọng tưởng, để chờ ngày thọ nạn!… Người cứ mơ cầu đến những lý tưởng cao xa, lại coi thường phương pháp hộ niệm, đây là điều sơ suất quá lớn, đưa đến kết quả là sau cùng ách nạn tam đồ còn khó thoát được, huống chi nói tới chuyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Còn chuyện đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, thực sự trên thế gian này cũng có đấy, nhưng thành phần này quá ít, quá ít! Tại sao vậy? Xin thưa là giữa tâm lực và thể lực không có đồng bộ. Nhiều người có tâm lực cao, nhưng về cuộc sống, gia sự, kinh tế, vợ con, việc làm… đã chi phối quá lớn khiến cho người ta thực hiện không được cái tâm lực đó. Thực hiện không được thì nhất tâm bất loạn không được. Nhất tâm bất loạn không được mà không chú ý tới pháp hộ niệm thì vô lượng vô biên người tu hành niệm Phật sau cùng bị rớt đài. Bị rớt đài nhiều quá!… Đây chính là tình trạng “Lực bất tòng tâm“ vậy.

Chính vì vậy, mới vừa thấy mình tu tốt tốt một chút đã vội vã chê bai pháp hộ niệm thì thật là điều oan uổng! Dẫu cho mình tu hành có ngon lành một chút đi nữa, nhưng bên cạnh ta những người đồng tu, bạn đạo, gia đình, cha mẹ… họ tu không ngon lành được thì sao? Muốn cứu độ người hữu duyên mà ta lại chê bai những những pháp hợp căn, hợp sức mà có thể cứu được nhau sao?

Có người muốn tu mà tu không nổi. Có người tu hành muốn chứng đắc mà chứng đắc không được. Tâm thì cao mà lực thì thấp, đưa đến tình trạng gọi là “Lực bất tòng tâm“. Lực bất tòng tâm mà chính mình không nhận ra sự thực, cứ nhắm mắt làm liều thì coi chừng vướng phải nạn, người đời thường gọi là “Nổ Cầu Chì!“. Khó khăn lắm đấy!… Thực tế trên thế gian này đã từng xảy ra những sự cố rất đáng tiếc, người tu hành mới nhìn qua thấy rất tốt, cũng muốn một đời này thành tựu, nhưng chỉ vì sơ ý không kềm được vọng tưởng, sau cùng bị vướng phải những ách nạn mà không ai có thể ngờ tới được!…

Chính vì thế, chúng ta cần phải biết kết hợp giữa sự tu tập và hộ niệm trợ duyên. Một là vấn đề tu hành, xin chư vị cố gắng chuyên nhất, tinh tấn niệm Phật. Hai là hộ niệm, ở tại đây chúng ta rất chú trọng vấn đề hộ niệm. Coi trọng hộ niệm, nhưng mong chư vị đừng bao giờ sơ ý ỷ lại vào ban hộ niệm mà lơ là việc tu tập. Biết pháp hộ niệm để biết rằng một người khi xả bỏ báo thân thường vướng phải những ách nạn gì mà tìm cách xả bỏ trước. Ví dụ như sợ bệnh, sợ chết, gia sự rối rắm, vướng bận tình cảm, thương nhớ con cháu, v.v… đủ thứ, đủ thứ, nhiều thứ dính chặt vào tâm mình, không lo trước sau cùng không thể nào gỡ ra được đâu.

Ví dụ, về vấn đề bệnh hoạn, trong pháp hộ niệm, chư Tổ dạy rằng, nếu một người bệnh mà thường thầm van vái Phật Bồ-Tát giúp cho con hết bệnh, Phật Bồ-Tát giúp cho con an khang, giúp cho con vượt qua cảnh khổ này… đến sau cùng người đó rất khó được vãng sanh, rất khó được vãng sanh. Đối với những vấn nạn này mà cứ nói chung chung cũng khó bề giải quyết được gì. Khi đến với một người đang bị bệnh, mình thường thấy họ thành tâm cầu nguyện, xin đừng vội vã cho đó là sự chí thành ngoan đạo nhé, mà hãy khéo léo tìm cách dò hỏi thử coi:

– À!… Chị đang cầu nguyện gì mà quá thành tâm vậy?

– Bác ơi!… Bác đang khẩn nguyện điều gì mà tha thiết lắm vậy?…

Nhìn qua thì quá thành tâm, tha thiết, nhưng nhiều khi sự thành tâm đó là để khẩn cầu:

– Nam-Mô A-Di-Đà Phật! Xin Phật cho con được hết bệnh. Xin Phật cho con hết đau lưng…

Chuyện này thường xảy ra lắm đấy. Một khi đã nguyện cầu như vậy, vô tình họ đã đi lạc đường vãng sanh rồi!

Xin thưa với chư vị, người biết pháp hộ niệm mới biết được điều sơ suất tế vi này. Đau lưng sơ sơ đã vội cầu Phật gia trì hết bệnh, thì đến lúc bệnh nặng họ cầu mạnh hơn, trước lúc lâm chung họ cầu còn dữ dội hơn nữa, vì lúc đó không phải chỉ đau có 1, mà đau tới 10, đau tới 20… Có nhiều lúc đau tới 100 lần nhiều hơn, lúc đó cái lực cầu nguyện hết bệnh của họ sẽ mạnh lên cả 100 lần, 1.000 lần. Ồ!… Còn trẹo cổ, còn nhức đầu, còn ói mửa, v.v… Tâm cầu hết bệnh đã chiếm trọn nguyện vọng của họ rồi!…

Xin thưa chư vị, lo cầu hết bệnh thì mất vãng sanh. Một đời niệm Phật mà sau cùng mất vãng sanh chỉ vì vậy thôi. Rất đơn giản. Những vấn đề vô cùng là đơn giản và gần gũi đã phá tan tành sự thành tựu của một người tu hành mà ít người biết đến. Nghiên cứu kỹ về pháp hộ niệm giúp ta phát hiện ra nhiều điều sơ suất, sự tu tập hết mập mờ, đường đi bớt vướng nạn. Mỗi lần nói chuyện với nhau, chúng ta khơi ra một điều sơ suất, từng điểm, từng điểm rất gần gũi chứ có gì cao xa đâu.

Một ví dụ khác, có nhiều người ước nguyện rằng, khi chết được đưa vào bệnh viện để chết. Họ sợ chết ở nhà thì con cháu sẽ khó bán được nhà. Trong bệnh viện, nhờ có bác sĩ, y tá chăm sóc kỹ lưỡng hơn, mình sẽ thoải mái hơn.

Người gần chết rồi mà tâm còn lo sợ đến căn nhà bị mất giá, thì họ bị vướng nạn rồi. Có những cái vướng mà người không biết pháp hộ niệm không bao giờ thấy được. Xin thưa với chư vị, người chết trong bệnh viện rất khó, rất khó được vãng sanh. Khó vô cùng đấy! Chính Diệu Âm trước giờ chưa từng thấy qua một người nào chết trong bệnh viện mà có thể hóa gỡ được ách nạn. Những trường hợp tương tự như vậy, nếu người bệnh được đem về nhà, ban hộ niệm có nhiều hy vọng hóa gỡ được ách nạn cho họ. Đây là sự thực.

Mỗi tọa đàm chúng ta chia sẻ cho nhau một chút kinh nghiệm, mong chư vị cố gắng nghiên cứu thêm về pháp hộ niệm nhiều nhiều một chút, vì ở đây mỗi lần chúng ta chỉ chia sẽ cho nhau có một, còn khi nghiên cứu hi vọng chư vị có thể tìm thêm những điều thú vị khác.

Mong tất cả chư vị, lý đạo mỗi ngày mỗi thấm hơn, đường tu hành càng ngày càng vững vàng hơn. Chúng ta còn kết hợp với ban hộ niệm để tích cực trợ duyên sẽ giúp cho đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vững càng thêm vững.

Nam-Mô A-Di-Đà Phật!

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –