Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 24) | Phật Dạy Tất Cả Đều Do Tâm Tạo, Pháp Hộ-Niệm Thực Thi Cụ Thể Và Chính Xác Lý Đạo Này, Xin Giải Thích Rõ Ràng

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 24)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Tu viện Phật Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

 

 

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay là ngày tu thứ hai niệm Phật tại đây, mong rằng trong chương trình học tập về Hộ-Niệm này chư vị Phật tử ở Tu Viện Phật-Đà nên phát tâm Hộ-Niệm giúp nhau vãng sanh. Hôm nay tình cờ Diệu Âm đọc được cái tờ phát nguyện ở đây hay quá:

Phát nguyện đảnh lễ Phật A-Di-Đà cầu vãng sanh Cực-Lạc Quốc.

Chắc chư vị tới đây cũng thường đọc lời nguyện này phải không? Hay lắm đó! Không biết chư vị đọc lời nguyện này mà có quyết lòng đi về nước Cực-Lạc không? Nếu quyết lòng đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì Diệu Âm xin mách nước cho chư vị Pháp Hộ-Niệm giúp chư vị thực hiện ước mơ này tuyệt vời vô cùng. Nếu chư vị quyết lòng đi về Tây-Phương mà sơ ý không tìm người trợ giúp trong những giây phút xả bỏ báo thân thì coi chừng thực hiện không được đấy.

Xin thưa với chư vị, bây giờ đây mình ngồi trước đạo tràng tụng kinh niệm Phật, lễ Phật cầu xin vãng sanh, nhưng không có nghĩa là lúc mình buông báo thân này mình dễ dàng đi vãng sanh đâu nhé. Không phải như vậy đâu! Mà làm sao trong lúc xả bỏ báo thân đó chư vị còn tin tưởng lời Phật dạy, còn tha thiết nguyện vãng sanh và tranh thủ từng giây phút một niệm được câu A-Di-Đà Phật thì chư vị mới được vãng sanh. Còn nếu hôm nay chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh, đến lúc đó thân thể đau nhức quá, đau nhức giống như con rùa đang sống bị lột cái mai ra vậy, nên không dễ cho chúng ta niệm được câu A-Di-Đà Phật để đi vãng sanh đâu.

Trong lời phát nguyện, câu thứ nhất nói là:

Kính lạy Phật A-Di-Đà,

Con nay xin phát nguyện,

Thường xuyên đảnh lễ Ngài,

Cho đến lúc lâm chung,

Thân thể không đau bệnh.

Câu này hay quá! Không biết ở đây chư vị đọc rồi, mà có ai giảng cho rõ ý nghĩa câu này hay không? Xin chư vị nghĩ thử, hồi trước tới giờ chư vị có thấy người nào ra đi mà thân thể không đau bệnh không? Ở đây có ai thấy không? Riêng Diệu Âm thì nói thẳng thắn với chư vị rằng, đến lúc lâm chung rồi người nào cũng đau quằn quại cả. Nhưng với Pháp Hộ-Niệm thì dạy cho chúng ta là đau mà không sợ, đau mà không hãi kinh, đau mà không thấy bức xúc, có bệnh mà sẵn sàng chấp nhận, vì đó chính là nghiệp chướng của mình. Đã là nghiệp của mình, không trước thì sau cũng phải nhận lấy. Vậy thì càng đau mình càng niệm Phật chứ không phải càng đau mình càng rên la. Không phải cầu xin Phật đến lúc lâm chung không còn đau bệnh, thì lúc đó Ngài sẽ không cho mình đau bệnh đâu nhé. Như vậy lúc đó đau bệnh mà chúng ta cứ nghĩ rằng: “Phật ơi!… Con đã xin Ngài giúp cho con không đau bệnh, tại sao bây giờ con lại bị đau bệnh dữ vậy?”, thì không đúng đâu nhé. Coi chừng cứ lo trách Phật, thì vừa tạo tội vừa quên mất lời nguyện vãng sanh đó!…

Vì thế, mong chư vị chú ý cho, nghĩa lý của câu này hay lắm, nhưng đừng nên hiểu sai. Lý giải cần “Y Ý, Bất Y Ngữ”, nghĩa là giảng giải theo ý nghĩa của câu này, đừng y theo từng chữ mà giảng coi chừng sai lầm đó. Nếu mình cứ thầm nguyện: Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin lạy Ngài một lạy, để đến lúc cuối cùng con không còn đau bệnh gì cả, thì coi chừng chư vị đã giảng sai ý nghĩa.

Y Ý là hiểu theo ý nghĩa hay bên trong, chứ không phải căn cứ theo Sự bên ngoài. Có nghĩa là đau bệnh mà chúng ta không lo, ung thư mà chúng ta không sợ. Trước cái chết mà chúng ta mừng vui để chuẩn bị xả bỏ báo thân đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì chư vị hiểu đúng. Hiểu đúng thì mới thực hành đúng, nghĩa là chúng ta phải chuẩn một nghị lực để vượt qua cái nghiệp chướng đó. Vượt qua bằng cách nào đây? Thân mạng này ngày nào bệnh cứ bệnh, ngày nào buông cứ buông, riêng phận mình hãy lo đi về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nhưng thực tế, nếu lúc đó đau quá mình niệm Phật không được thì sao? Xin chư vị phải kết hợp lại một nhóm 5 người, 10 người chuẩn bị để hỗ trợ nhau trong lúc lâm chung thì chư vị sẽ có nhiều hi vọng vượt qua ách nạn này. Đây là điều sơ khởi nhất của Pháp Hộ-Niệm mà trong những ngày qua ở Niệm Phật Đường A-Di-Đà chúng tôi nói đến nhiều lắm rồi.

Bây giờ xin tiếp tục chương trình còn đang dang dở, ở đây có một số sách chư vị có thể thỉnh về và bắt đầu theo dõi chương trình này. Hôm nay xin vào trang thứ 16. Vấn đề: Pháp Hộ-Niệm thực thi cụ thể và chính xác lý đạo “Tất cả do tâm tạo” của Phật dạy. Chúng ta thực hiện như thế nào đây?

Câu trả lời (h): Người tu tập nhiều thứ, tìm hiểu nhiều lý đạo thì khi lâm chung họ dễ dàng chọn lựa đường nào thích hợp để đi.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Ai nói đúng không?… Câu này sai! Người tu tập nhiều thứ là niềm tin của họ trang trải quá nhiều thứ, đi không có mũi nhọn. Ví dụ như những người ngày đêm đều tụng niệm câu này, là phát nguyện đảnh lễ A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, ngày ngày đều chuyên tu như vậy là chư vị đi theo một mũi nhọn. Còn tới đây chư vị niệm như vầy, về nhà chư vị niệm cái khác, ngày nay niệm cái này ngày mai niệm cái khác… thì chư vị tu tập nhiều thứ. Tại sao lại tu tập nhiều thứ vậy? Tại vì mình niệm, mình nguyện, mình đảnh lễ A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc chỉ vì tới đây gặp được cái duyên này mình thấy vui mà niệm theo với đại chúng, chứ không phải tin tưởng mà niệm. Nếu người tin tưởng thì có định tâm. Tâm định rồi, một đường như vậy mà đi thì vãng sanh sẽ vững vàng hơn, khó bị lạc đường, nhờ sức huân tu mà lúc lâm chung chư vị sẽ dễ dàng nhớ câu A-Di-Đà Phật để niệm. Suốt cuộc đời chư vị cứ niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, thì lúc nằm xuống ngoài câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh ra không còn một ý niệm nào khác lưu lại trong tâm. Phật dạy trước khi xả bỏ báo thân chư vị niệm được 10 câu danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, nếu Ngài không lai nghênh tiếp dẫn Ngài thề không thành Phật.

Có người vì không tin tưởng sự tiếp độ của Phật nên phân vân do dự, thôi thì tu để kiếm chút phước, xóa chút nghiệp, tạo chút duyên gì đó cho tạm an lòng, không có chủ định, nên gặp đâu tu đó. Tu hành không có chủ định thành ra tu xen tạp. Tạp tu là một trong ba cái đại kỵ của người muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Tin thì không được nghi, nghi ngờ thì chí không vững, không vững thì mông lung, thiếu định hướng.

– Niệm Phật thì cần phải chuyên để lực đẩy mạnh, không được tạp. Giáp tạp thì đi không tới nơi tới chốn.

– Nguyện vãng sanh phải thực sự tha thiết. Không tha thiết thì đường đi không thẳng, thường chạy lòng vòng.

Nói chung, tạp tu nhiều lắm chỉ có thể hưởng một thứ phước báu nào đó, chứ còn đường vãng sanh thì vô cùng khó khăn, vô cùng khó khăn!… Nên nhớ cho, muốn được vãng sanh thì phải thực hiện tông chỉ Pháp Niệm-Phật trong lúc lâm chung, chứ không phải niệm bây giờ.

Chính vì không hiểu rõ lý đạo này nên 1.000 người niệm Phật mà tìm mãi tìm mãi hình như không có mấy người vãng sanh. Trong khi đó thì Pháp Hộ-Niệm năm người, ba người đến trước người bệnh giảng giải cho họ:

– Bác Chín ơi!… Niệm Phật trở về Tây-Phương nhé. Không sợ chết nữa nhé. Quyết lòng đi vãng sanh Bác nhé.

Bà đó vui mừng đồng ý. Hay lắm rồi.

– Bác chắp tay lại nguyện vãng sanh đi Bác – Nam Mô A-Di-Đà Phật xin Phật cho con về Tây Phương Cực-Lạc.

Rồi sau đó ban Hộ-Niệm cứ tiếp tục niệm A-Di-Đà Phật, niệm từ giờ này qua đến giờ khác, nghĩa là làm sao cầu mong cho bà Bác đó đến giờ phút này chỉ còn câu A-Di-Đà Phật để mà niệm, không còn câu gì khác. Nếu còn những gì khác xen vào thì bà Bác mất vãng sanh, chắc chắn bị kẹt trong sáu đường luân hồi.

Mình nghĩ thử coi, đến lúc lâm chung mình xúi giục cho người bệnh chuyên nhất niệm A-Di-Đà Phật cầu nguyện vãng sanh để người ta vãng sanh, tại sao bây giờ còn khỏe chúng ta lại không quyết lòng huân tu câu A-Di-Đà Phật, ngày ngày niệm A-Di-Đà Phật, đêm đêm niệm A-Di-Đà Phật để khi cuối đời chúng ta nhớ câu A-Di-Đà Phật, ta niệm được câu A-Di-Đà Phật để đi vãng sanh, lại đi tu tập chi nhiều thứ quá, để cho bao nhiêu những chủng tử khác nhau tích tụ vào tâm, lúc lâm chung như đang đứng giữa vạn nẻo đường, biết đường nào mà đi đây?

Ngài Vĩnh-Minh Diên-Thọ là Tổ thứ sáu của Tịnh-Độ-Tông Trung Hoa, Ngài nói chỉ cần một khoảnh khắc phân vân thôi, một tích tắc chao đảo thôi, ấm cảnh liền hiện tiền. Ấm cảnh là cái gì chư vị biết không? Rơi vào thân trung ấm đấy. Có 5 loại ấm ma, gọi là ngũ ấm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Mỗi loại có 10 thứ, tất cả là 50 thứ ấm ma, chúng lôi ta đi đọa lạc mất. Cả một cuộc đời tu hành lúc đó chỉ cần một chút do dự, phân vân thì nhất định nghiệp chướng ứng hiện ra liền, oan gia trái chủ ứng lên liền. Và cái thần thức chúng ta rơi vào cảnh giới thân trung ấm liền. Thôi đi theo đó mà chịu nạn. Chính vì thế, tu Pháp Môn Niệm-Phật rất cần chuyên lại, chuyên trong chuyên. Ở đây Diệu Âm cũng thấy chư vị để Kinh-Vô-Lượng-Thọ ở trước. Đây là những kinh nói thẳng về Tây-Phương Tịnh-Độ, chư vị đọc tụng trong đó có đếm thử bao nhiêu lần Đức Thế-Tôn dặn: “Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Bỉ quốc” không?

Lâu lâu rồi Diệu Âm mới tới một lần, đây là buổi thứ hai, cũng xin nhiệt thành nhắc nhở rằng, nếu mà chư vị ngày ngày đều đọc: “Kính lạy Phật A-Di-Đà, con nay xin phát nguyện…” thì chư vị cần phải chuẩn bị cụ thể, vững vàng con đường tu của mình thì mới thực sự là người phát nguyện cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chứ sơ ý chỉ đọc suông suông, không có gì cụ thể, không chuẩn bị đàng hoàng, thì xin thưa với chư vị vạn nhân tu coi chừng một nhân đi thành đạo không được đấy. Với Pháp Môn Niệm-Phật chư Tổ nói, vạn nhân tu vạn nhân khứ, vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh. Tổ Thiện-Đạo nói, muôn người tu muôn người được vãng sanh, thế thì tại sao có người niệm Phật không được vãng sanh? Chư vị có đặt vấn đề này ra không? Khi đi Hộ-Niệm rồi chư vị mới giảng rõ ràng được câu này của Tổ. Khi lịch lãm Pháp Hộ-Niệm rồi chư vị mới hiểu thật sự viên mãn câu nói của Tổ vậy.

Tổ nói rằng, trước khi xả bỏ báo thân, nếu người nào có niềm tin không thay đổi, y chí vẫn vững như tường đồng vách sắt, tấm lòng của chư vị vẫn tha thiết muốn vãng sanh Tây-Phương Tịnh-Độ và tranh thủ từng hơi thở một để niệm câu A-Di-Đà Phật, được như vậy thì vạn nhân tu vạn nhân khứ, muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh.

Bây giờ hỏi rằng, mình là một người niệm Phật như thế này, làm sao đến lúc lâm chung dễ dàng niệm được câu A-Di-Đà Phật để cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc? Diệu Âm xin mách nước cho chư vị, đó chính là nhờ công đức của những người Hộ-Niệm đang ngồi bên cạnh chư vị, đánh thức chư vị trong lúc bị chìm trong những ác mộng kinh hoàng, nâng đỡ tinh thần cho chư vị khi gặp phải những ma chướng, gặp oán thân trái chủ trá hình hãm hại. Lúc đó chư vị có lẽ không còn tỉnh táo nữa, tâm ý thì hoảng sợ lên, thân thể thì đau nhức như cắt làm sao tự chủ được đây? Phải nhờ người Hộ-Niệm họ cầm tay nói những lời khuyến tấn, nâng đỡ, hỗ trợ tinh thần thì may ra chư vị mới vượt qua được ách nạn.

Cho nên, chỉ có Hộ-Niệm mới cứu được những người phàm phu như chúng ta vượt qua ách nạn của nghiệp chướng mà theo nguyện lực của mình đi về Tây-Phương. Nếu sơ ý không được Hộ-Niệm, thì Bồ-Tát có thể tự tại ra đi, chư vị Thượng-Thiện-Thân có thể tự tại ra đi, các vị Cao Tăng, Hòa-Thượng đại tu có hi vọng được vãng sanh, còn hàng phàm phu chúng ta thì không dám bảo đảm đâu. Nghĩa là, tu hành thì có đấy, nhưng sau cùng vẫn bị ách nạn như thường. Hộ niệm vô cùng quan trọng, không thể thiếu vậy.

Hiểu được như vậy, mong chư vị cố gắng lên, quyết lòng đi về cho tới Tây-Phương Cực-Lạc trong một báo thân này nhé.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –