Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 33)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Người niệm Phật ra đi với thoại tướng tốt, trường hợp nào ta biết họ được vãng sanh.
Trước khi ra đi chính họ nói đã thấy được A-Di-Đà Phật đến tiếp dẫn là điều chắc chắn nhất. Có nhiều người thông báo rồi đi vãng sanh đấy. Bà Cụ bán bánh ú cách đây mấy tháng, bà là một người không biết chữ, sáng sớm bưng cái rổ bán bánh ú đi bán đến 2 giờ chiều mới về, tối lại đi hộ niệm cho người ta. Bà làm việc này mười mấy năm, sau cùng bà biết được ngày giờ, vẫy tay chào chào mọi người đàng hoàng rồi ra đi. Xin thưa thực với chư vị, những người hiền lành chất phác như vậy họ nói được đấy. Người hiền lành tu trong cảnh hiền lành, tâm địa hiền lành là lò thiêu rụi nghiệp chướng, tăng trưởng phước báu. Một người hiền lành niệm Phật ra đi với thoại tướng tốt, họ vãng sanh thật đấy.
Câu trả lời (b): Nhiều khi nói không nổi, nhưng thường ngày niệm Phật rất tốt, đầy đủ Tín-Hạnh-Nguyện đến giây phút cuối cùng thì tin tưởng họ được vãng sanh.
Đúng không? – (Đúng). Nếu người nào biết Pháp Hộ-Niệm, rồi họ tin tưởng và kết hợp với ban hộ-niệm, tức là họ chuẩn bị cẩn thận cho giờ phút lâm chung được sự giúp đỡ, để họ thực hiện đầy đủ được Tín-Nguyện-Hạnh mà an toàn vãng sanh, chứ không có gì cả. Còn những người cho rằng không cần tới hộ niệm, vì nghĩ rằng tự họ đủ sức đi vãng sanh lấy. Nếu một người niệm Phật tự biết mình đủ sức Tín-Nguyện-Hạnh vãng sanh thì họ thực sự là người niệm Phật rất tốt, rất tinh tấn. Tuy nhiên, xin chư vị cũng phải hết sức cẩn thận, một khi đã nhận mình tinh tấn thì phải tinh tấn thật, đừng sơ ý tinh tấn trong vọng tưởng mà bị khó khăn đấy!
Có một vị kia tu niệm Phật rất siêng năng, một ngày niệm Phật 16 tiếng đồng hồ. Một ngày tu hành 16 tiếng đồng hồ, công phu này không phải đơn giản. Ngày nào ít nhất Ngài tu cũng 12 tiếng đồng hồ niệm Phật. Nhưng Ngài lại không tha thiết việc hộ niệm lắm, mà muốn tự mình thực hiện tất cả đường vãng sanh. Ngài nói:
– Tôi sẽ chứng tỏ sự tự tại vãng sanh cho mọi người thấy.
Ngài định được tới 4 lần vãng sanh, chứ không phải một lần. Nghĩa là, lần thứ nhất bị thất bại, Ngài ra tuyên bố đại ý rằng, hôm nay vì A-Di-Đà Phật bị bận, nên dời lại một tháng sau sẽ đến rước!…
Ngài niệm Phật có sự dụng công rất tốt, không dùng cơm chiều để dành thời giờ niệm Phật. Vì tu quá tinh tấn, nên không ai dám nghi ngờ là Ngài có điều gì sơ suất. Một tháng sau, ngày hẹn đã đến, bao nhiêu người đang ngóng trông kỳ tích, nhưng cũng không đi vãng sanh. Ngài ra thất và than phiền với chư vị đồng tu rằng:
– Trong tháng qua tôi nói cho chư vị biết, chư vị không giữ gìn giùm tôi, lại làm ồn ào quá, nên A-Di-Đà Phật quở trách. Bây giờ Ngài hẹn lại 2 tháng nữa. Mong chư vị thận trọng đừng làm ồn nữa nhé.
Nhưng rốt cuộc, đến lần thứ ba, rồi lần thứ tư trôi qua trong thất vọng của mọi người!…
Thưa chư vị, nói đến chuyện này không phải cố tình bươi xới lỗi lầm của người, nhưng là một chuyện mang đầy tính khai thị, để nhắc nhở cho chúng ta biết những sơ suất rất dễ xảy ra. Niệm Phật có Phật lực gia trì, người có đủ Tín-Nguyện-Hạnh, ngày ngày tinh tấn niệm Phật thì được Phật lực gia trì. Nhưng xin chư vị phải nhớ cho, tinh tấn phải kèm theo lòng chí thành chí kính mới được cảm ứng đạo giao. Tâm khiêm hạ kèm theo lòng chí thành chí kính mới đúng nghĩa công phu chân thực, đây là lời nhắc nhở của Ngài Ấn-Quang. Nhờ có tâm chân thành khiêm hạ thì chư Thiên-Long Hộ-Pháp mới bảo vệ cho mình. Giả như vị đó đừng vội tuyên bố gì cả, cứ tự cho mình công phu còn yếu, mời gọi 5 người 10 người lập một nhóm cộng tu để tu với nhau, dặn dò hộ niệm giúp đỡ nhau, mời gọi ban hộ niệm đến trợ duyên nhắc nhở giùm, thì khi hữu sự chắc rằng ai ai cũng quyết lòng niệm Phật hộ niệm trợ duyên cho mình an toàn vãng sanh. Thật lợi lạc bất khả tư nghì!
Nhưng Ngài lại có ý xem thường việc hộ niệm, thích công phu một mình rồi thông báo biết được ngày giờ vãng sanh. Xin thưa với chư vị, 4 lần báo trước ngày giờ ra đi mà không đi được. Tại sao vậy? Xin thưa, tu hành trong thời mạt pháp này có nhiều điều cần cảnh tỉnh lắm, nếu sơ ý thì kẹt vô cùng đấy. Trong pháp giới này nhiều người bị nạn lắm chư vị ơi! Hòa Thượng Tịnh-Không nói, trong thời này người chết bị đọa lạc vào đường ma quỉ nhiều lắm, khổ đau, oán nạn nhiều lắm! Hãy để ý mà thấy, 1.000 người chết đi, tìm đâu có một vài người thoát nạn, tìm đâu ra một vài người lưu lại tướng lành. Nghĩa là, hầu hết con người sau khi chết bị nạn trong tam ác đạo nhiều quá. Sự khổ đau nhiều quá, kết thành sự oán hờn lớn lắm. Oán oán chấp chùng, chúng sanh sống trong đau khổ, tình chấp sâu nặng, không dễ gì hoan hỉ cho người khác được giải thoát đâu.
Chính vì vậy, người tu hành cần chú ý khiêm hạ, chân thành mới được chư Thiên-Long Hộ-Pháp che chở để có thể tránh được ách nạn của oán thân. Nếu sơ ý, thường bị oán thân trái chủ tới quấy nhiễu. Nhiều đời nhiều kiếp mình giết hại chúng sanh quá nhiều, oán thân trái chủ quá nhiều, những sự oán hờn đó chưa giải tỏa được đâu, thì tốt nhất chúng ta nên ăn ở hiền lành, tu hành tốt, đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sanh hữu duyên mà hóa giải lần ách nạn này đi mới tốt.
Xin thưa với chư vị, trong thời này không nên đóng cửa tự tu một mình. Đây là lời nhắc nhở của Hòa Thượng Tịnh-Không. Ngay đến các vị xuất gia, hàng đệ tử của Ngài cũng không được phép đóng cửa tự tu. Ngài Lý Bỉnh Nam nói rằng, trong thời mạt pháp này không nên tự kiết thất tinh tấn bừa bãi. Muốn kiết thất tinh tấn cần phải cẩn thận, cỡ chừng 6 người 7 người là nhiều lắm rồi, đừng nên quá đông, người chủ thất cần lịch lãm và kinh nghiệm để chăm sóc, theo dõi, nhắc nhở nhau kịp thời. Ngài Ấn-Quang dạy, khi cố gắng nhiếp tâm nhiều quá, có lúc đầu mình nóng lên, thì nên xả xuống, hãy mở mắt ra, đứng lên đi kinh hành, nhìn ra bầu trời xanh một chút, v.v… để giải tỏa bớt sự căng thẳng ở trong đầu óc. Cách công phu của người phàm phu hạ căn cần nhẹ nhàng một chút mới an toàn, chính Ngài Ấn-Quang cũng có lần dặn dò như vậy.
Tại sao? Xin thưa với chư vị, trong thời mạt pháp này chúng sanh bị oán nạn quá nhiều, không dễ gì chúng ta đóng cửa tịnh tu mà các vị đó lại làm lơ đâu. Hơn nữa, thường thường những người đóng cửa tịnh tu hay có cái tâm vọng cầu. Vì vọng cầu, nên oán thân trái chủ thường nương theo cái tâm vọng đó mà đến quấy nhiễu, họ giúp cho mình những cảnh giới không thực để gạt gẫm, tìm cách hãm hại. Ví dụ, như một vị thường kiết thất tinh tấn, hứa hẹn đến 4 lần vãng sanh nhưng đều thất bại. Vị đó chính thức thông báo cho nhiều người biết rằng, ngày ngày Ngài đều thấy A-Di-Đà Phật hiện thân thọ ký, tiếp chuyện. Ngài từng tổ chức một khóa tu tinh tấn có khoảng 60 người tham gia, Ngài báo trước cho mọi người biết trong vòng một tuần lễ sẽ có điều vi diệu, gần nhất là ngửi được mùi hương thanh lạc bay ra. Và đúng như vậy, đến ngày cuối cùng của khóa thất, theo như Ngài nói, 59 người đã ngửi được mùi hương, chỉ có một bà Cụ đó vì con cháu gọi về nên mất dịp tự chứng kiến sự nhiệm mầu. Chư vị thấy không? Thật-Giả, Giả-Thật biết đâu mà ngờ đây!… Thực sự có những điều mà mình không ngờ tới được!
Vị đó có hướng dẫn phương cách niệm Phật tinh tấn để trong vòng 4 tuần thì có thể thấy quang minh của Phật, đưa ra từng thời điểm một để đạt được từng sự kỳ diệu một như vậy, và chính vị đó cũng xác định đã thực hiện qua. Nhưng không ngờ, tất cả lại đều là hư huyễn!…
Cho nên, chúng ta nên nhận thức rõ ràng, vấn đề tu hành cần tinh tấn siêng năng là điều tốt, nhưng xin chư vị đừng nên hiếu kỳ, không được vọng tưởng, không được khởi tâm tìm cầu những điều cảm ứng thần kỳ, không được tự thấy mình đã chứng đắc. Phải giữ lòng khiêm hạ, tự thấy mình còn phàm phu tội nặng mà lo ngày đêm sám hối lỗi lầm, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, rồi đem công đức hồi hướng cho oán thân trái chủ hầu hóa giải những mối oán thù truyền kiếp thì mới an toàn. Xin chư vị đọc lại những lời khai thị của Ngài Ấn-Quang thì sẽ rõ ràng hơn. Ngài dạy cụ thể lắm, xác thực lắm. Ngài không lý luận cao siêu huyền diệu đâu.
Đến một đạo tràng tu hành, khi thấy có chút ít phiền não, xin chư vị đừng vội cho chỗ đó là dở nhé. Chưa chắc đâu. Nhiều lúc nhờ chính những cái phiền não nhỏ nhỏ đến với mình lại trở thành một môi trường tôi luyện tốt đẹp cho mình đấy, tập cho mình làm quen lần với phiền não để mình có được cái tâm phủ phục nghiệp chướng, khắc phục tập khí, hay gọi là phục nghiệp. Phục nghiệp chứ không phải là đoạn nghiệp, nghĩa là, nghiệp chướng chưa tiêu, nhưng mình có khả năng đè phục nó lại. Còn tới một đạo tràng, thấy có chút ít gì không vừa ý, vội vã tách rời đại chúng, thì mình sẽ không có cái sức gọi là phục nghiệp. Hay nói rõ hơn, chính mình có nhiều phiền não quá, mà không chịu lập hạnh khắc chế, nên vô tình tự mình tiếp tục trưởng dưỡng phiền não càng ngày càng nhiều hơn.
Nên nhớ cho, đóng cửa tự tu một mình chưa chắc gì sẽ được thanh tịnh. Vì không tiếp xúc ai nên không có ai đụng chạm đến mình, thì mình không cách nào biết rõ sức chịu đựng thật sự của chính mình. Không có thử thách, thì khả năng yếu, khi gặp phải một sự cố khó khăn gì mình không có sức chịu đựng. Đấu tranh với vấn đề sanh tử luân hồi có lẽ còn phải khó khăn và quyết liệt hơn một chiến sĩ giữa sa trường. Một người lính chiến muốn chiến đấu tốt cần phải trải qua những tuần gọi là huấn nhục, thử thách nhiều gian khổ, có sức chịu đựng mới chiến đấu tốt, người học đạo mà không có khả năng khắc chế phiền não, thì làm sao sự tu hành có cơ duyên thành tựu đây? Thành ra, người tới một đạo tràng, vừa thấy chút ít phiền não vội vã tách rời đại chúng, về tu một mình, tưởng vậy là được thanh tịnh, nhưng thường khi chỉ là thanh tịnh giả, không thực. Một khi gặp sự cố rồi, thì phiền não ùn ùn kéo đến, chịu đựng không nổi!… Hỏi rằng làm sao có thể đối đầu với những chướng nạn trong lúc sắp xả bỏ báo thân? Lúc đó thân thể thì đau đớn rã rời, tâm thần thì tán loạn, hãi kinh… chịu sao cho thấu? Phải chăng tự mình sơ ý, tạo thêm vô cùng sự khó khăn cho chính mình không?…
Vậy thì xem lại câu (b) nói:“Có những người nói không nổi nhưng mà thường ngày niệm Phật tốt”, thì chữ “Tốt” này xin chư vị cần hiểu cho rõ cái căn bản của người “Niệm-Phật Tốt” mới được. Ví dụ, như một vị mà một ngày niệm Phật 16 giờ, ai nhìn vào cũng khen: “Tốt!…”, nhưng coi chừng chư Tổ lại la rầy!… Hòa Thượng Tịnh-Không cấm các vị đệ tử đóng cửa tu riêng, dù các vị đó tu hành rất tốt cũng không được phép. Ngài dặn dò các Vị đó ra ngoài thuyết kinh giảng đạo cho đại chúng, rồi về tu chung với đại chúng, tứ chúng đồng tu với nhau, chứ không được tự đóng cửa tu riêng. Ngài nói tu vậy mới “Tốt”!…
Xin hiểu cho chính xác chữ “Tốt” này mới được. Tốt phải hợp với căn cơ, hợp với thực chất của chính mình mới có thể tốt được. Đừng vội nghĩ rằng, đại chúng thì ô hợp, tạo nhiều phiền não quá, còn ta thì thanh tịnh, muốn cất am riêng để dụng công thật tốt, muốn làm gì làm, tự do, thoải mái cho được thanh tịnh. Xin thưa với chư vị, Diệu-Âm này không dám chấp nhận sự thanh tịnh này đâu. Những chuyện chướng nạn xảy ra nhan nhản khắp nơi là những bài học vô cùng giá trị cho người tu hành trong thời này. Xin cẩn thận.
Trong những ngày gần đây, người ta thường nhờ Diệu-Âm điều giải rất nhiều chướng nạn do sự bất cẩn trong đường dụng công. Thực tế Diệu-Âm không có đủ khả năng điều giải những chuyện này. Gặp duyên Diệu Âm chỉ khuyên rằng, hãy tập cái tâm khiêm hạ và hài hòa với đại chúng, phải cố gắng kết hợp với đại chúng mà tu chung với nhau, hãy tới đạo tràng niệm Phật chung với mọi người, hãy đem chướng nạn của mình mà kể ra cho vài người biết đi. Hãy thành thực kể ra một vài lần thì tự nhiên có thể hóa giải. Còn đã vướng nạn rồi mà không chịu tỉnh ngộ, còn cứ thấy tự cho mình được chứng đắc này chứng đắc nọ, thì đến một lúc nào đó nặng quá rồi, Phật cũng cứu không nổi, kể chi là phàm phu!
Pháp hội bên Âu Châu vừa rồi cũng có một vị bị trường hợp tương tự, cũng do tách rời đại chúng ra tu riêng, tu cho thanh tịnh không ngờ liền bị oán thân trái chủ quấy rầy. Diệu Âm mời tham gia cùng với đại chúng trong Pháp Hội, rồi lợi dụng buổi tọa đàm để nói chung, chứ không đủ khả năng điều giải riêng. Hy vọng là vị đó ngộ ra mà tự giải quyết lấy và không còn trở ngại nữa.
Hãy tu hành chung với đại chúng, tâm tình với đại chúng, đàm đạo với nhau những về sự khó khăn của chính mình, đơn giản như vậy mà có thể hóa giải đấy. Tu hành trong khiêm cung, hiền hòa, chân thật với đại chúng đó mới gọi là tu “Tốt” đối với hàng phàm phu tâm chưa khai ngộ như chúng ta. Xin nhắc lại, người chưa khai ngộ thì rất cần đến đại chúng, cần nương theo đại chúng để tu hành. Tiêu chuẩn của ngài Ấn-Quang là cỡ chừng 20 người trở lại cùng niệm Phật với nhau, quyết lòng một đường đi vãng sanh Tịnh-Độ. Đó gọi là tu “Tốt”. Còn vị nào đã thực sự khai ngộ rồi, thì không có gì trở ngại đâu.
Mong chư vị cố gắng nghe những lời khai thị của các bậc Tôn Sư, các vị Cao Tăng, các Ngài có nhiều lời khuyên thâm thúy lắm. Chúng ta đừng nên sơ ý, tự lập lấy chương trình tu riêng, tưởng là tốt, mà nhiều khi bị trở ngại. Một khi bị trở ngại rồi, cũng đành chịu khó khăn lắm đấy nhé.
Một lần nữa, xin khuyên rằng, hãy kết hợp với nhau cùng niệm Phật, cố gắng nghiên cứu để hiểu thấu hành đúng Pháp Hộ-Niệm, tích cực hộ niệm trợ duyên cho nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Có lẽ đây chính là pháp tu tốt trong tốt ở thời này vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật