Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 38) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 38)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 20: Những gì có thể làm được khi hộ hiệm?
Câu trả lời (j): Giảng pháp là chính, nhưng phải biết tâm lý để an ủi người bệnh mới được.
Đúng không chư vị? – (Sai!). Thực ra tất cả những gì nói với người bệnh dù đơn giản hay cao siêu vẫn là pháp. Nhưng câu trả lời này nói rằng, “Giảng Pháp là chính” thì không đúng. Vì nếu chú trọng về giảng pháp thì thường đem những đạo lý cao siêu ra thuyết giảng. Pháp Phật thì mênh mông, bao la như trời biển, mà người bệnh lúc đó thì đang nằm chèo queo, thở phì phèo, còn tâm trí nào nữa để nghe được lời pháp vi diệu đây!
Chính vì thế, hộ niệm không phải là chủ tâm nói pháp, dù rằng bất cứ lời nào cũng ít hay nhiều liên quan đến pháp Phật. Ví dụ như ta nói: “Bác Chín ơi!… Niệm Phật trở về Tây-Phương nhé”, cũng là pháp rồi đó, nhưng những lời nói này hết sức đơn giản, cụ thể, đi thẳng vào việc khuyến tấn niệm Phật vãng sanh. Điểm quan trọng trong những lúc khai thị hướng dẫn là nhắm thẳng vào những điều gì khó khăn của người bệnh để tìm cách giải tỏa vướng mắc cho họ. Vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng, có thể giúp cho người bệnh vui vẻ, an tâm, tin tưởng niệm Phật.
Cho nên, liên quan tới pháp Phật thì có đấy, vì hướng dẫn người bệnh không thể tách rời Phật pháp được, nhưng điều quan trọng không phải chú trọng về chuyện thuyết kinh giảng đạo, mà chú trọng ở chỗ tìm hiểu tâm ý, những sự khó khăn, những điểm còn yếu, những vướng chấp của người bệnh và tìm cách hóa giải giúp họ, nâng đỡ họ lên. Đây là những điểm chính mà người hộ niệm cần phải làm, chứ không phải chủ tâm khai triển pháp này pháp nọ mà dễ làm cho họ rối tâm.
Câu trả lời (k): Không nên giảng giải lý đạo cao siêu. Hãy chú ý hóa gỡ những vướng mắc, khuyên người bệnh tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh là tốt.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thực sự đúng đấy. Tập sách này nêu ra từng điểm từng điểm rất cụ thể. Nếu chư vị đọc qua vài lần thì có thể nắm bắt được những điểm căn bản về hộ niệm đấy, vì trong tập sách này đưa ra những điểm hết sức cụ thể, thực tế và minh định điều nào đúng, điều nào sai một cách rõ rệt, biến thành từng mục để kiểm tra. Cho nên, chư vị nào chưa biết về hộ niệm, nên đọc và nghe suốt qua các tọa đàm về cuốn sách này, có lẽ chư vị sẽ hiểu biết rõ ràng về hộ niệm. Khi hiểu biết rõ ràng về hộ niệm rồi, thì nên kiểm lại công việc hộ niệm để phát hiện ra những trường hợp hộ niệm không theo đúng chánh pháp, trong đó nhiều khi có cả chính mình có thể đã sơ ý thực hiện thiếu chính xác trong quá khứ. Nói chung thấy được chỗ sai, sửa chữa lại cho chính xác, thì đã hiểu thấu và hành đúng Pháp Hộ-Niệm rồi đó. Hộ niệm như lý như pháp, chúng ta sẽ thấy người vãng sanh. Thấy được người vãng sanh mới giựt mình ngộ ra được Phật Pháp nhiệm mầu. Pháp Hộ-Niệm đúng là đơn giản mà quá vi diệu! Thực sự vô cùng vi diệu!
“Hãy chú ý hóa gỡ những vướng mắc, khuyên người bệnh tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanhlà tốt”. Xin đưa ra một chuyện vãng sanh liên quan đến người Dì Út của Phi, có một chi tiết mà Phi vừa về thông báo lại khá hay. Dì Út rất thương một đứa cháu. Trong Pháp Hộ-Niệm có nói, khi một người sắp sửa rời bỏ báo thân, thì nên mời những người thân yêu cách ly ra. Nếu chúng ta vừa nghe như vậy, vội vã áp dụng một cách cứng nhắc thì coi chừng có thể bị sơ suất!… Vì những có những lúc cần phải cách ly, có những lúc không thể cách ly được, mà cần đến những người thân yêu đó tới nhắc nhở, khuyến tấn người bệnh. Nếu người thân yêu đó biết đạo, hiểu đạo tới nói một câu thích hợp, nhiều khi là cả một sự khai thị tuyệt vời.
Ví dụ, như dì Út lúc nào cũng nhớ đứa cháu, không thể quên. Khi sự quyến luyến đã lên cao như vậy, thì dù có cách ly, hay không cách ly người ta cũng nhớ, cũng thương, cũng cứ chờ nhìn mặt người thân yêu cho được. Trường hợp này, điều hay nhất là nên dặn dò, hướng dẫn người cháu đó tới trình diện trước người bệnh và nói lên lời khai thị:
– Bà ơi!… Bà thương con lắm, con cũng thương Bà lắm. Con thương Bà nên con không muốn Bà bị đọa lạc. Con thương bà nên con đang niệm Phật hộ niệm cho Bà đây. Con đang cầu xin A-Di-Đà Phật rước Bà về Tây-Phương Cực-Lạc hưởng đời an vui cực lạc. Bà hãy quyết lòng niệm Phật nhé. Bà niệm Phật tức là Bà thương con. Bà về Tây-Phương Cực-Lạc rồi, sau này con cũng về đó, Bà Cháu mình gặp nhau tại cõi Phật. Bà và cháu không còn bị đọa lạc, không còn xa cách nhau, cùng nhau hưởng cảnh an vui thành đạo, cùng nhau cứu độ nhiều con cháu khác nữa Bà nhé.
Xin thưa với chư vị, chỉ cần một lời tương tự như vậy của người cháu nói lên là cả một sự khai thị tuyệt vời cho bà Cụ. Còn nếu người cháu đó hoàn toàn không tin Phật pháp, không chịu tới khuyến tấn, thì đành phải cách ly, đừng cho thấy mặt, để mong sao người bệnh quên đi. Tình thực mà nói, nếu tình cảm quyến luyến con cháu còn vướng trong tâm, cần phải tìm cách hóa giải càng sớm càng tốt, nếu không hóa gỡ kịp thời, đến lúc sắp lâm chung vẫn còn quyến luyến, thì nhất định không thể được vãng sanh.
Vì thế, vấn đề cách ly người thân cần phải uyển chuyển, nghĩa là có nhiều lúc phải cách lý, có nhiều lúc không cần cách ly. Cách lý đối với những người con ngỗ nghịch, không tin Phật pháp, cố tình cản ngăn việc hộ niệm, hoặc người quá nặng về tình cảm, dễ khóc than, dễ rơi lệ trước cảnh ra đi. Còn người thân con cháu hiểu đạo, biết hộ niệm thì rất cần ở bên cạnh chăm sóc, khuyến tấn, khai thị, ngày đêm nhắc nhở niệm Phật, là điều vô cùng cần thiết.
Hộ niệm cần phải hiểu cho thấu thì hành mới đúng. Tất cả đều có thể trở thành những bài pháp sống thực, cụ thể. Một người cháu được Bà Dì thương yêu, nếu cháu hiểu đạo lý, ngoan ngoãn biết vâng lời tới khuyên Bà một câu đúng pháp liền giúp cho Bà Dì vui vẻ niệm Phật, tin tưởng vững vàng hơn, Bà an tâm cầu vãng sanh không còn lưu luyến con cháu nữa. Đây là cách hóa gỡ vướng mắc tuyệt vời. Vướng mắc tình cảm, dùng tình cảm để hóa gỡ. Tất cả đều phải chuẩn bị trước, căn dặn trước mới được.
Pháp Hộ-Niệm thực sự đơn giản, nhưng đơn giản trong quy pháp nghiêm minh. Mong chư vị hãy nghiên cứu thêm để hiểu càng sâu hơn, càng tin tưởng hơn để hộ niệm càng vững hơn hầu giúp người vãng sanh. Tiễn đưa một người vãng sanh công đức vô lượng.
Câu (l): Hướng dẫn gia đình người bệnh thực hiện quy luật trợ niệm vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Những điều này cụ thể. Hộ niệm, điểm quan trọng là gia đình người bệnh phải thực hiện cho đúng quy luật trợ niệm. Ngày hôm qua Diệu Âm có liên lạc với anh Đạt. Anh Đạt khi hộ niệm nếu gặp điều gì khó khăn thường gọi điện qua hỏi ý kiến. Tâm đạo của anh rất tuyệt vời. Anh Đạt có cách điều đình với gia đình người bệnh rất hay. Anh hộ niệm cho bà Cụ Phạm Thị Thanh, bị mê man bất tỉnh. Hồi giờ Bà lại không tu hành nhiều, con cái thì chỉ có một người con gái tin tưởng, còn hầu hết những người khác thì lơ là việc hộ niệm. Người con gái tin tưởng, nhưng người chồng, tức là rể, lại không tin, muốn tìm cách ngăn cản. Nói chung, về gia đình của bà Cụ có phần khá rối rắm! Ấy thế mà anh Đạt tới gặp người rể, tâm lý khuyến tấn, đã chuyển được tâm ý người rể, phát lòng tin tưởng, quyết lòng niệm Phật hộ niệm cho nhạc mẫu. Hay vô cùng!… Chuyển một tâm nghịch chống thành một tâm thành kính, sự thành kính này nhiều khi quí hóa hơn những tâm thành kính bình thường. Với những tấm lòng thành kính ấy, không biết bây giờ sự hộ niệm tiến triển tới đâu, nhưng đã có tin báo rằng, trước những giờ phút sắp sửa lâm chung, bà Cụ đã tỉnh táo lại và đang niệm Phật.
Xin thưa với chư vị, tình trạng bà Cụ này khá khó khăn, nghiệp chướng thì nặng nề lắm đấy. Nhưng nếu một cơ duyên tốt ở lúc cuối cùng, bà tự nhiên phát lòng tin tưởng, tỉnh táo lại niệm Phật. Chỉ cần một cơ duyên này, chư vị có thể thấy được điều vi diệu của Pháp Hộ-Niệm. Có được vãng sanh hay chăng thì bây giờ không dám quả quyết. Nhưng nếu Cụ ra đi để lại tướng lành đẹp đẽ, thì mình có thể dám quyết định rằng, đầu tiên bà Cụ đã thoát được ba cõi ác đạo rồi. Mà cũng trong một cơ duyên này, nếu những thiện căn của bà Cụ trong nhiều đời nhiều kiếp hội tụ về, bà tỉnh táo quyết lòng tin tưởng niệm Phật cầu xin vãng sanh. Chỉ cần một ngày hai ngày niệm Phật với Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, xin thưa với chư vị, coi chừng bà Cụ vãng sanh bất khả tư nghì đấy.
Hộ niệm đơn giản phải không chư vị? Thế mà hồi giờ chúng ta không biết đến pháp này, mặc nhiên để người thân yêu của mình rơi vào ba đường ác chịu đọa lạc nhiều quá!… Tội nghiệp quá!… Xót xa quá phải không!… Mong chư vị thấy rõ sự vi diệu của Pháp Hộ-Niệm này mà cố gắng nghiên cứu thêm. Bây giờ đã có bộ sách này, Diệu Âm này hứa với chư vị là từ đây cho đến mãn đời sẽ nói mãi những nội dung hàm chứa trong tập sách mỏng này thôi, không nói gì khác hơn. Người nào tin tưởng hãy quyết lòng đi cho tới nơi tới chốn. Hy vọng người thân của chư vị được cứu, cha mẹ được cứu, chính mình cũng được cứu bằng Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh này. Còn chư vị nào không tin, thì tùy duyên, đường ai nấy đi, cớ chi ta phải bận tâm? Ai muốn lý cao luận diệu, cứ tự do lý luận. Ai muốn dèm pha, cứ việc dèm pha. Nhưng chắc chắn không ai được quyền ngăn cản ai trên đường tìm về cội nguồn giải thoát đâu nhé. Chư vị đồng ý không? Cố gắng lên nhé.
Câu (m): Dặn dò người thân không được khóc lóc, than thở hoặc nói những lời bi quan trước mặt người bệnh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng. Những người biết hộ niệm rồi, thì những qui tắc này đã thuộc nằm lòng, còn người chưa từng biết qua hộ niệm, nghe câu này có lẽ phải giựt mình chăng? Không ngờ trong đời của ta đã sơ ý tạo quá nhiều chướng duyên gây đau khổ cho người thân mà không hay. Những người đã biết hộ niệm rồi, thì lời dặn dò này trở thành thông lệ bình thường, đâu có gì xa lạ, nhưng người chưa biết hộ niệm, nếu còn tiếp tục lơ là không chịu lắng nghe để sửa đổi, thì chư vị sẽ tiếp tục mạnh tay đày đọa người thân của mình vào chốn khồ nạn đấy.
Người thân của mình là ai vậy? Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại phải không? Rồi còn ai nữa? Cha Mẹ, Chú Bác, Anh-Chị-Em của mình phải không? Vì không biết những lời răn cấm của Phật, nên có thể cha mẹ mình đã phạm phải sai lầm, vô tình đưa ông bà nội xuống địa ngục. Nếu hôm nay mình không biết qui tắc Pháp Hộ-Niệm, mình vô tình đưa cha mẹ xuống địa ngục, rồi sau này con cái mình lại tiếp tục đưa mình xuống địa ngục. Chúng sanh cứ tiếp tục như vậy đi vào hầm lửa mà không hề hay biết. Nguyên do tại đâu? Tại vì trong lúc người thân sắp chết, vì quá thướng tiếc nên nhào vô ôm, nắm, níu, kéo, khóc than, rầu rĩ, la hét… làm cho người ra đi bị đọa lạc nặng nề. Những hành động vô tình nhưng gây điều tệ hại vô cùng kinh hoàng cho người thân yêu mà hồi giờ chúng ta không biết, không ai ngờ tới!… Ít người nhận thức rõ ràng mối nguy hại nghiêm trọng này mà nhắc nhở nhau hầu giúp nhau thoát nạn.
Chư vị ơi!… Có nhận ra được mối thương tâm lớn lao này chưa? Phải chăng vô lượng vô biên con người khi chết, đều vướng ách nạn bị hành hạ thân xác đến tồi tệ này không? Hậu quả của sự vô tình nhưng tệ hại này đưa chúng sanh đi về đâu đây? Có phải xuống tam đồ ác đạo chịu nạn không? Diệu Âm này thường đi nói chuyện về hộ niệm, có nhiều lần nói xong thì nhiều người cảm thấy đau thương đến nghẹn ngào rơi lệ! Người ta đã khóc!… Khóc đến nỗi không cầm được giọt lệ hối hận, bi thương. Hỏi tại sao vậy?
– Tại vì, nếu tôi biết được Pháp Hộ-Niệm này trước 2 tuần thôi, thì tôi đã cứu mẹ tôi rồi. Mẹ tôi chết cách đây vừa đúng 2 tuần. Khi đó tôi chưa biết Pháp Hộ-Niệm, tôi đã mạnh dạn đưa mẹ tôi vào cảnh tam ác đạo rồi mà không hay!
Tại sao lại như vậy?
– Tại vì lúc mẹ tôi ra đi, tôi ôm, tôi nắm, tôi níu, tôi kéo, tôi giằng xóc thân xác mẹ tôi. Bây giờ biết rồi thì đã quá trễ. Ân hận vô cùng!… Ôi! Đau xót quá!…
Xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm quá ư là hệ trọng. Một pháp cứu độ chúng sanh vi diệu, tuyệt vời, rất tuyệt vời mà nhiều người chưa thấy rõ được giá trị của nó, vẫn còn hững hờ, chê bai, vẫn cứ móng cầu những điều cao siêu vượt khỏi tầm tay. Cao siêu mà làm không được nên biến thành vọng tưởng, vô thực, dẫn đến sự thất bại ê chề, đến nỗi có cả ức triệu người tu hành khó tìm ra một người thành tựu, hậu quả là cuối cùng hầu hết đều ngậm đắng nuốt cay, rơi vào chốn hiểm nạn. Vậy mà con người chư chịu giác ngộ hồi đầu tìm đường giải thoát!…
Thực sự Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh cho chúng sanh trong thời mạt pháp này. Chúng ta hãy quyết nương vào đó để được cứu độ đi. Một Pháp Hộ-Niệm bít kín đường xuống tam ác đạo, khai thông đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, tất cả chỉ bằng Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ của Pháp Môn Niệm-Phật. Trọn vẹn tông chỉ của Pháp Niệm-Phật Vãng-Sanh một đời thành Phật nằm gọn trong Pháp Hộ-Niệm này. Mong chư vị chú ý để kịp thời giúp nhau một đời thành tựu đạo quả ngay trong thời mạt pháp này.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –