Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 11) | Tại Sao Cần Phải Hộ-Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 11)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam mô A-Di-Đà Phật!

Nếu vị nào có sách, xin mở ra trang 13, phần tổng quát về hộ niệm.

Câu e) Khi nào người bệnh muốn chết sớm thì nên cần đến hộ niệm.

Câu này đúng hay sai chư vị? – (Sai!). Sai quá!… Mỗi ngày ở đây chúng ta học tập về Pháp Hộ-Niệm, thì ở nhiều nước trên thế giới người ta cũng đang hàng ngày học hỏi về Pháp Hộ-Niệm. Trước đây, nói về hộ niệm chúng ta cứ nói chung chung, nay may mắn nhờ có tập sách này giống như một cái khóa trình. Chúng ta hãy cố gắng theo suốt khóa trình này thì hi vọng tất cả ai cũng rõ ràng, không còn có sự lầm lẫn buồn cười như câu này nữa.

Có người nghĩ rằng vì hộ niệm đã làm cho người bệnh chết sớm, nên họ sợ hộ niệm. Người ta nói rằng, kêu ban hộ niệm tới để họ cầu cho chết sớm. Con kiến mà còn muốn sống, tại sao con người lại cứ cầu chết?!… Mắc cười quá!… Đây là một điều hết sức sai lầm! Chúng ta không được nghĩ như vậy nhé. Thôi bỏ qua chuyện ngớ ngẩn này đi.

  1. f) Phàm phu khi lâm chung bị nghiệp khổ bức bách, gia sự rối ren, oán thân trái chủ trả thù đòi nợ rất nguy hiểm, nếu không được hộ niệm rất khó thoát nạn.

Chư vị thấy câu này đúng không? – (Đúng). Nhất định đúng. Câu này đúng, câu trên sai, hết sức sai!… Nghĩ rằng ai muốn chết sớm thì mời hộ niệm. Sai lầm! Mỗi người chúng ta sinh ra đã có nghiệp số rồi, tại vì thân này là thân nghiệp báo. Thân của chúng ta không phải là Thân Nguyện-Lực, mà chúng ta đầu thai vào thế giới này bằng cái Thân Nghiệp-Báo.

Thân-Nghiệp-Báo có nghĩa là sao? Nghĩa là chúng ta theo nghiệp mà sinh ra, sinh ra để trả nghiệp, khi thời hạn trả nghiệp hết thì ta phải liệng bỏ cái báo thân này mà đi đầu thai vào cái báo thân khác để tiếp tục trả nghiệp khác nữa. Còn Thân Nguyện-Lực là của các vị Bồ-Tát, chư Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc, các Ngài theo cái Nguyện độ sanh mà thị hiện xuống đây. Các Ngài có thể sống vài trăm tuổi vì còn duyên với chúng sanh, có vị sống vài chục năm thì thấy cái duyên với chúng sanh đã hết, thôi các Ngài đi mất. Rõ ràng, các Ngài muốn đi thì đi, muốn ở thì ở. Tự tại vô cùng!… Đó là phần của các vị đại Bồ-Tát.

Còn cái thân chúng ta là cái thân nghiệp báo, gọi là “Nhân Sinh Thù Nghiệp”, sinh ra để trả nghiệp. Vì theo nghiệp mà sinh ra thì miễn cái chuyện sanh tử tự tại đi. Bây giờ khoa học tiến bộ, người ta tìm cách làm cho tuổi thọ dài hơn. Nhưng thực tế chư vị hãy để ý thì biết, khoa học càng mạnh chừng nào hình như tuổi thọ con người càng ngắn chừng đó chứ chưa hẳn là dài hơn đâu. Trước đây, có nhiều người sống đến gần 200 tuổi mới chết, còn trong thời này mà tìm cho được một người sống đến 200 tuổi khó lắm đấy. Nhân số 7-8 tỷ người trên quả địa cầu may mắn mới có một vài người đặc biệt thọ mạng dài. Còn trước đây, chúng ta có thể tìm được đến cả hàng ngàn người sống thọ hàng trăm tuổi đấy. Nhờ đời sống thuần lương làm cho tuổi thọ của họ cao hơn. Cho nên đừng nghĩ rằng khoa học kỹ thuật tiến bộ có thể đem lại mạng sống của người dài hơn. Không đâu. Thuốc thang chữa bệnh thì có nhiều, nhưng thọ mạng con người chưa chắc gì thọ hơn đâu nhé. Chính vì thế, phải chú ý câu này: “Phàm phu khi lâm chung bị nghiệp khổ bức bách!.

Hôm nay, xin được nhắc đi nhắc lại chuyện khi lâm chung này, chứ không phải là lúc chúng ta ngồi giữa đạo tràng này. Ngồi giữa đạo tràng nếu cảm thấy khó chịu, chúng ta có thể xức dầu cù-là phải không? Nhưng lúc lâm chung xin miễn nói chuyện xức dầu cù-là đi, muốn xức dầu cũng không xức được nữa đâu. Xin thẳng thắn báo trước với chư vị như vậy.

“Lúc lâm chung bị nghiệp khổ bức bách!. Hãy hỏi bác sĩ trong những bệnh viện thì biết rõ chuyện này. Trong bệnh viện thường xuyên thấy người bệnh bị nghiệp khổ bức bách. Khổ dữ lắm!… Đau dữ lắm!… Than thở không chịu được!… Thôi thì đành chích cho họ một mũi thuốc morphine cho im, chứ không còn biết làm gì hơn.

Nhưng người biết đạo một chút mới thấy chất morphine này tối nguy hiểm, tối nguy hiểm!… Chích vào rồi thì tâm thần mê man luôn, thôi chịu thua, không cách nào có thể tự chủ được, đành phải theo oán thân trái chủ dẫn đi con đường đọa lạc.

Chính vì thế, khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới nghĩ rằng, khi lâm chung, là lúc chuẩn bị xả bỏ báo thân đấy, cái nghiệp khổ nó hành hạ thân xác chúng ta tới rã rời, tả tơi, không dễ gì đứng đó để nói định, nói huệ, nói sáng, nói suốt nữa đâu. Xin thưa với chư vị, không dễ đâu, không có chuyện lý cao luận diệu mà dễ thành tựu đâu. Bao nhiêu định huệ, lý luận cao siêu đến lúc đó sẽ tiêu tan thành mây khói rồi, chỉ còn chăng là những gì khổ não, khổ đến mức không còn cách nào có thể thốt lên lời đấy. Xin đừng sơ ý mà đứng đó lý với luận, cao với thấp… Khó lắm đó chư vị ơi!…

Chắc chắn trên thế gian này cũng có người niệm Phật đạt đến Tam-Muội, nghĩa là vào định rồi đấy. Có đấy! Nhưng hàng triệu người tu hành may ra mới có một người. Sự thành tựu được công phu này khó quá. Nhưng khi biết được sự bức bách khi lâm chung như vậy, đã dạy cho chúng ta một sự khôn khéo, là cẩn thận nhờ những người hộ niệm trợ duyên. Chư vị ơi!… Cánh tay mình đau rã rời, tự mình xoa bóp không được, nhưng nếu có người tới xoa cho mình một chút đỡ vả lắm đó. Cái lưng bị đau quặn thắc, nếu có người tới xoa giùm cho mình một chút, là cả một ơn huệ đó chư vị. Mình nhức đầu như búa bổ, lúc đó tự mình vô phương chống chọi, nhưng có người giúp đỡ thì quí hóa vô cùng. Người hộ niệm sẽ đến cho mình những bài pháp vô giá đấy. Pháp gì vậy?

  • Bác ơi! Cố gắng vùng lên Bác!… Niệm phật lên Bác nhé!…

Pháp đó chính là sự động viên tinh thần. Đơn giản vậy thôi. Còn lúc đó tự mình giải quyết, mấy ai được thoát nạn đây! Khó lắm chư vị ơi!… Gia sự rối ren, thân thể đau nhức, tâm thần bấn loạn… Nếu bên cạnh có con cái, vợ chồng hiểu đạo một chút thì đỡ khổ cho mình biết chừng nào. Mà hầu hết thì sao đây? Trời ơi!… Mình thì đang nằm quay cuồng trong khổ đau, còn người chồng thì cứ lo nghĩ tới:

  • Bây giờ làm sao hé?
  • Phải chôn chỗ nào đây hé?
  • Kinh phí nhà quàng bao nhiêu hé?…

Toàn tính toán những chuyện vô thường, không hề để tâm tới chuyện giải thoát khổ nạn cho nhau!… Rồi còn gì nữa? Con cái thì ôm nắm, khóc lóc, than thở… làm cho mình đau càng thêm đau, rối càng thêm rối!… Đã bị rối rồi thì chịu thua, không còn cách nào có thể cứu thoát được.

Oán thân trái chủ trả thù đòi nợ rất nguy hiểm!”. Trước đây, Diệu Âm có một người bạn, cha của người bạn đó trong khoảng 3 năm trước khi chết, ngày nào ông ta cũng lên trước bàn thờ tổ tiên ngồi rủ rỉ, nói chuyện gì đó. Đứa cháu lên mời ông nội xuống dùng cơm, thì ông nói:

  • Các cháu đừng hỗn láo, Ông đang nói chuyện với ông Cố các cháu đây.

Người con lên mời, thì ông rầy la:

  • Các con đừng hỗn hào, cha đang nói chuyện với ông Nội, với bà Nội các con đây. Ông Bác các con cũng đang có ở đây luôn…

Ông tiếp xúc với người chết suốt 3 năm trường như vậy, mà tất cả người trong gia đình cứ tĩnh bơ, không để tâm tới:

  • Ồ!… Người già rồi, lú lẫn là chuyện thường tình.

Xin thưa với chư vị, đây là hiện tượng oán thân trái chủ trá hình gạc gẫm mà không hay. Nếu người trong gia đình đó biết Phật pháp một chút, tin Phật pháp một chút, có đi chùa thường xuyên, chỉ cần đem những chuyện này trình lại cho một vài vị Sư nghe, kể cho một vài vị đồng tu nghe… Cứ thành thực hỏi: “Tại sao cha tôi lại có hiện tượng lạ lùng như vậy?. Nói với vài ba người đi… Người thứ nhất không biết, người thứ hai không biết, nhưng có thể người thứ ba sẽ biết. Nhất là hỏi đến những người biết hộ niệm, người ta sẽ hiểu rõ vấn đề liền, người ta sẽ bày vẽ cho phương cách giải tỏa vấn nạn này không khó khăn lắm đâu, có thể 3 ngày thì hết đấy.

Ấy thế mà người cha bị nạn như vậy trong suốt 3 năm trường mà gia đình hoàn toàn không hay biết. Sau cùng ông bị bệnh rồi chết trong bệnh viện, bác sĩ báo cho biết đã chết 20 phút rồi mà người con trai chạy vào năn nỉ bác sĩ xin mượn cho được cái máy làm hô hấp, với tâm nguyện còn nước còn tát để cứu người cha. Anh ta đặt cái máy trên ngực ông Cụ mà bấm nút: “Rầm!… Rầm!… Rầm!…” như vậy cả tiếng đồng hồ, làm bầm dập cả xác thân ông Cụ.

Chư vị thấy không? Ai làm cho ông Cụ này bị đọa đây? Chính con cái chứ ai khác đâu. Khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, ta mới rõ ra những hành động này vô cùng kinh khủng, làm cho người ra đi bị nạn vô cùng đau thương mà hồi giờ mình không hay biết!…

Nhiều người cứ tưởng rằng hộ niệm là cái gì thấp thỏm, nên khinh thường mà cho rằng, ai chán đời muốn chết sớm thì kêu người hộ niệm tới giúp cho chết sớm. Không phải! Không phải! Đừng nên nói lời sai lầm!… Biết hộ niệm rồi ta mới thấy những gì cần nên làm, những gì cần phải bỏ. Chuyện này cần phải ngộ ra, ngộ sớm đi, nếu không thì bị nạn cả đấy, không thể nào có thể cứu vãn được đâu, chư vị ơi!…

Đừng vội vã nghĩ rằng mình tu hành như thế này thì sau cùng thoát được ách nạn dễ dàng nhé chư vị. Không đâu! Mình muốn thoát mà con cái không cho thoát. Mình muốn thoát mà đồng tu không cho thoát. Mình muốn thoát mà khoa học kỹ thuật gì đó không cho thoát. Mình muốn thoát mà xã hội này không cho mình thoát. Trăm sự vạn sự lôi kéo mình lại. Lôi tới đâu đây? Lôi xuống tam ác đạo mà không hay đấy.

Chỉ cần biết một Pháp Hộ-Niệm vãng sanh này mà chúng ta phát hiện ra những lỗi lầm vô cùng kinh khủng mà con người trước giờ cứ mặc nhiên làm, không một chút áy náy trong tâm!… Vậy thì nay chúng ta hãy mạnh dạn nói những điều này ra, mau mau tìm cách chận lại những điều sai lầm này lại để kịp thời cứu nhau. Thà rằng cứ để người ta âm thầm theo nghiệp báo của họ mà còn đỡ hơn một chút, vì đúng ra người ta có thể sinh lại làm người hoặc có thể sinh vào một cảnh giới đỡ hơn một chút, chứ vô ý cứ thấy người vừa chết thì nhào vào ôm, nắm, níu, kéo… bắt linh hồn người chết phải đọa xuống tận địa ngục thì quả thật quá kinh hoàng!…

Tình thương mà thiếu trí huệ, gây nên biết bao cảnh trạng thương tâm!… Khoa học mà thiếu giác ngộ đạo pháp, tạo nên biết bao sự khổ đau cho chúng sanh!…

Cần thấy rõ vấn nạn kinh khủng mà tìm cách cứu giúp nhau, không cứu nhau thì không những chỉ có chúng sanh đại nạn, mà xin thưa với chư vị, vạn ức người tu hành tìm đâu ra người thoát vòng sanh tử luân hồi để thành tựu đạo quả đây? Lý do tại đâu? Có phải do vì không biết Pháp Hộ-Niệm vãng sanh chăng?

Chính vì vậy mà Thiện-Đạo Đại Sư, Ngài là A-Di-Đà Phật tái lai từ đời nhà Tùy, tịch trong đời nhà Đường bên Trung Quốc, Ngài đã nhắc nhở cần phải hộ niệm, cần phải hộ niệm… Có hộ niệm mới giúp cho những người phàm phu, tội chướng sâu nặng này giữ được chánh niệm để được vãng sanh. Nếu không hộ niệm, khó có thể tìm ra một người thực sự giữ được chánh niệm để thành tựu đường tu hành. Mong chư vị hiểu cho chỗ này.

Sẵn đây thì cũng nói thêm về Chánh-Niệm một chút. Không nên nghĩ rằng Chánh-Niệm lúc nào cũng giống nhau. Không phải! Người tu Thiền có Chánh-Niệm của người tu Thiền, người tu Mật có Chánh-Niệm của người tu Mật, người niệm Phật có Chánh-Niệm của người niệm Phật. Chánh-Niệm khác nhau tùy theo mỗi pháp môn tu hành. Người ước nguyện khi tôi ra đi làm sao lúc đó giữ được cái tâm không lo nghĩ, không sợ sệt, thì không cần lo nghĩ gì cả là Chánh-Niệm của họ. Người nghĩ việc thiện, họ có thể theo đường nghiệp thiện. Người muốn trở lại làm người, thì Chánh-Niệm của họ là giữ năm giới. Người muốn trở thành đấng Hiền Nhân Quân Tử, thì Chánh-Niệm của họ là tu nhân tích đức. Người có nguyện ước rằng khi ra đi được an lành là tốt, không bị đau khổ là được, thì Chánh-Niệm của họ chính là khi chết làm sao đừng để bị đau đớn, tức là, đơn giản hãy tặng họ một liều thuốc morphine là xong chứ không có gì khác hơn. Còn Chánh-Niệm của người niệm Phật chính là chí thành, chí kính niệm câu A Di Đà Phật, niềm tin vững vàng và tha thiết cầu vãng sanh.

Cho nên khi nói đến Chánh-Niệm, chúng ta phải hiểu rằng, Chánh-Niệm của người niệm phật trong lúc lâm chung là làm sao phải nhớ câu A-Di-Đà Phật, thành tâm niệm câu A-Di-Đà Phật và tha thiết cầu nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, với lòng tin tưởng không được lay chuyển, không được xuống cấp, không được thối tâm. Như vậy cái Chánh-Niệm của người niệm Phật chính là: Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng trong lúc lâm chung, chứ không phải chỉ có Tín-Nguyện-Hạnh bây giờ.

Ngài Thiện-Đạo nói, trong thời Mạt Pháp mà không hộ niệm cho nhau thì người niệm Phật tu hành dẫu công hạnh có giỏi, nhưng sau cùng cũng khó giữ được chánh niệm để vãng sanh. Xin thưa với chư vị, cái từ “Mạt Pháp” ở thời của ngài Thiện-Đạo thực ra lúc đó là cuối thời tượng pháp mà thôi, chứ chưa hẳn là mạt pháp, vậy mà ngài đã đoán trước tệ nạn của thời mạt pháp rồi. Chính vì thế mà Ngài nhắc nhở rất nhiều, niệm Phật với lòng chí thành, chí kính rồi mà còn hộ niệm nữa thì “Niệm Phật muôn người tu, muôn người vãng sanh”.

Hiểu được như vậy, mong chư vị cố gắng lên, mỗi ngày chúng ta củng cố thêm một chút, hãy cùng với chư vị trên thế giới thi đua học tập. Họ ngày đêm nghiên cứu về hộ niệm, ta ở đây cũng mỗi ngày nói về hộ niệm. Nhất định chúng ta phải có được một cơ sở vững vàng để đi, từng bước, từng bước đi tới chỗ thành tựu. Hi vọng qua cái khóa trình này, tất cả chúng ta đều vững vàng cả.

Chư vị nghĩ thử coi, Phải chăng Pháp Hộ-Niệm này vừa cao, mà vừa đơn giản phải không? “Một là tất cả, tất cả là một”. Tất cả đều ở tại đây. Mong tất cả chư vị, quyết lòng một đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –