Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 60)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Xin chư vị mở trang 27.
(d): Khi đã hộ niệm rồi thì không cần thiết phải để ý đến thân nhân trong gia đình.
Đúng hay sai? – (Sai). Thân nhân trong gia đình đóng một vai trò rất quan trọng. Người hộ niệm rất quan trọng vì biết cách hóa giải, hướng dẫn, khai thị, giúp cho người bệnh đi đúng đường. Còn thân nhân gia đình của họ quan trọng ở chỗ hỗ trợ cho công cuộc hộ niệm, chăm sóc, lo lắng về mọi sự và thường xuyên 24/24 ở bên người bệnh để theo dõi và kịp thời phát hiện những biến chuyển của người bệnh. Trong một gia đình không tin tưởng, không hỗ trợ thì người bệnh bị trở ngại khá lớn. Nếu không lo liệu sớm, thì dù có được hộ niệm, nhưng trong môi trường nghịch chống từ gia đình cũng rất khó để thành tựu.
Gia đình ảnh hưởng rất lớn đối với người bệnh. Cho nên khi hộ niệm cần nhắc nhở người trong gia đình không được nói những lời bi quan yếm thế, làm cho người bệnh xuống tinh thần. Không được có tâm nguyện còn nước còn tát khi bệnh tình đã không còn cách cứu chữa được. Lòng tin của gia đình có sự cảm ứng đạo giao mạnh với đại nguyện của Đức A-Đi-Đà. Nếu gia đình không tin tưởng, nói lời tiêu cực làm xuống tinh thần của người bệnh, nhiều người trong gia đình còn tìm cách phá rối sự hộ niệm, thì cuộc hộ niệm phải thất bại. Xin thưa thực với chư vị, một tuần chúng ta đến tu một ngày, còn sáu ngày và những giờ khác là thời gian của gia đình. Nếu người gia đình gây trở ngại, đánh mất tâm đạo của người bệnh, thì người hộ niệm đành phải chịu thua.
Vì thế, khi hộ niệm chúng ta cần phải chú ý rất nhiều đến người trong gia đình. Trong Pháp Hộ-Niệm, khi khai thị hướng dẫn không phải chỉ nhắm riêng đến người bệnh, mà thường còn phải chú ý nhắc nhở đến những người trong gia đình, giúp họ tin tưởng vững hơn, hiểu biết hơn, cộng tác chặt chẽ hơn để giúp đỡ cho người bệnh dễ được vãng sanh hơn. Nên nhớ, có nhiều trường hợp trong gia đình có một số người không tin tưởng, chờ khi Ban Hộ-Niệm ra về thì họ cản ngăn, nói lời sai lầm, làm rối loạn tâm ý của người bệnh. Mong chư vị cần đặc biệt cảnh giác, tìm cách khuyến tấn, nhắc nhở, khuyên can… Cụ thể, người hộ niệm nên chú ý đến những người quá tình cảm, tâm hồn có phần yếu đuối, dễ cảm động, thường hay khóc, có thể họ không kềm được sự xúc cảm khi thấy người thân tắt hơi ra đi. Trường hợp này tốt nhất là nên cách ly, khuyên họ nên rời khỏi hiện trường, không nên tham gia hộ niệm. Hoặc những người không tin, chưa hiểu về hộ niệm, chưa được học tập kỹ về qui luật hộ niệm, người hộ niệm cần nhắc nhở những người trong gia đinh nên khuyên can nhau, hoặc tìm cách ngăn chận những hành động sơ suất, sai lầm gây trở ngại việc hộ niệm dẫn tới sự thất bại hoàn toàn.
Nói chung, người hộ niệm cần chú ý nhắc nhở người gia đình phải làm đúng theo qui luật của Pháp Hộ-Niệm, không được tự ý thay đổi. Nếu có điều gì bất thường, trở ngại, khó khăn, phải thông báo liền với ban hộ niệm để tìm cách giải quyết hợp lý, đúng pháp. Đây là những điều cần chú ý.
(e): Hướng dẫn và khuyến tấn gia đình cùng hộ niệm đúng pháp, để trợ duyên cho người thân của họ.
Đúng không? – (Đúng). Chắc chắn đúng đấy. Hướng dẫn, khuyến tấn gia đình cùng hộ niệm đúng pháp để trợ duyên cho người thân của họ. Chúng ta cố gắng hộ niệm cho người bệnh, nhưng không phải như vậy là đủ đâu, mà luôn luôn phải cần đến sự hỗ trợ của gia đình. Ví dụ, dặn dò trong gia đình đừng nên chất chứa những thứ tỏi, hành, hẹ… Nếu gia đình còn tiếp tục dùng những thứ này sẽ khó hưởng được sự bảo hộ của chư Thiên-Long Hộ-Pháp, sơ ý đánh mất sự gia trì của quí Ngài thì người hộ niệm chúng ta cũng khó khăn trong vấn đề điều giải nạn oán thân trái chủ.
Biết được điều này, chư vị nào thực sự muốn được vãng sanh, thì nên tránh dùng ngũ tân: tỏi, hành, hẹ, nén, kiệu, ba-rô. Tránh dùng những thứ này để tỏ lòng tôn trọng chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp. Trong kinh Phật dạy, các vị Thiện Thần, Thiên-Long, Hộ-Pháp, chư Bồ-Tát không chịu được mùi hôi của ngũ tân. Trước đây không biết nên mình dùng thì bỏ qua, nay biết rồi mà tiếp tục dùng thì chứng tỏ mình khinh thường các Ngài, hoặc không cần tới các Ngài hộ trì. Do chính cái tâm của mình bài bác, nên các Ngài không cách nào có thể đến hộ niệm cho mình được. Chư vị nên nhớ, tâm chí thành mới được cảm ứng, tâm chí thành mới được cảm thông vậy.
Vấn đề này cũng chẳng khác gì mấy như chuyện thế gian, một người tỏ ý khinh thường mình thì mình không thể tiếp xúc họ được, và nếu mình có thiện ý đến chuyện trò với họ, thì cũng chưa chắc gì họ muốn nghe. Vậy thì, nếu chư vị thật sự muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì nên cữ tuyệt luôn các chất này đi. Chư vị bỏ dùng ngũ tân một thời gian rồi, khi bước vào những nhà dùng hành tỏi thì biết liền, mùi vị hôi nồng của hành tỏi bay ra làm mình chịu không nổi!… Chư Thiện-Thần, Thiên- Long, Hộ-Pháp các Ngài ở trong cảnh giới thiện lành, thanh sạch, mùi ngũ tân quá ô trược nên các Ngài không chịu được. Xin chư vị phải cẩn thận kiêng cữ để được các Ngài thương tình bảo hộ cho. Một phần cung kính một phần lợi ích. Mười phần cung kính mười phần lợi ích. Lợi ích cho chính chúng ta.
Khuyến tấn gia đình cùng hộ niệm, hướng dẫn họ cách xử trí trong những trường hợp bất thường xảy ra. Ví dụ, gặp người bệnh thường bị ác mộng, ấm ớ, la hét, hãi kinh… thì nên đánh thức họ dậy, cầm tay họ và nói lời an ủi:
– Mẹ ơi!… Có con ở bên cạnh đây. Không có gì trở ngại đâu. Đừng sợ. Mệt mỏi thấy ác mộng là chuyện thường tình, ai cũng vậy thôi, không có gì phải lo sợ. Hãy niệm Phật lên nhé.
Người thân trong gia đình luôn luôn theo dõi người bệnh, nếu có một hiện tượng gì lạ, cần nên thông báo liền cho ban hộ niệm biết. Nhờ được thông báo kịp thời những thông tin lạ mà Ban Hộ-Niệm có thể kịp thời hóa giải nhiều vướng mắc, giúp người bệnh thoát nhiều chướng nạn để tăng thêm cơ hội vãng sanh.
Người hộ niệm cũng nên nhớ rằng, dù đã hướng dẫn, dặn dò người gia đình cặn kẽ, nhưng cũng phải thường xuyên lưu tâm cảnh giác, vì thực sự người trong gia đình chưa chắc gì đã vững vàng về qui luật hộ niệm, hoặc do thiếu quá nhiều kinh nghiệm hộ niệm, nên thường khi họ bỏ qua những chi tiết tối cần thiết, có ảnh hưởng rất lớn đến sự vãng sanh của người bệnh mà họ không hay. Chưa hẳn người trong gia đình cố ý dấu diếm, nhưng tình thực họ không biết.
Có những chuyện đối với người thế gian chỉ là điều rất bình thường, nhưng đối với Pháp Hộ-Niệm thì lại là những vấn đề rất đặc biệt, cần phải biết để hóa giải sớm. Ví dụ như cuộc hộ niệm cho huynh Quảng Chương là một điển hình cụ thể. Anh giữ rất kỹ một quyển sổ, trong đó có ghi rõ từng tên các bác sĩ, số điện thoại, giờ hẹn, các món thuốc, v.v… Chuyện này rất cần chú ý đến, nhưng gia đình hoàn toàn không biết, cứ tưởng rằng đây là chuyện bình thường, không liên quan gì đến hộ niệm. Nhưng có ngờ đâu, chính tập sách này là đầu mối của sự trở ngại, nếu không kịp thời phát hiện ra tập sách đó, thì chúng ta không biết đâu mà hóa giải ách nạn cho anh.
Tại sao anh giữ gìn rất kỹ quyển sổ đó? Tại vì trong tâm còn âm thầm sợ chết, còn muốn sống thêm, còn nuôi hi vọng căn bệnh ung thư này có thể chữa trị được!… Chính cái tâm nguyện này đã làm trở ngại cho anh khá nhiều.
Ví dụ khác, như có một người bệnh đang nhớ đến một đứa con ở xa. Nhiều người tưởng chuyện này là bình thường, nhưng có ngờ đâu, chỉ vì một điểm này thôi mà làm cho người đó mất vãng sanh. Chính vì thế, khi hộ niệm, cần dặn người trong gia đình hãy kể những gì liên quan đến người bệnh càng chi tiết chừng nào càng hay chừng đó. Khi hộ niệm mà sự vãng sanh không được suông sẻ, người hộ niệm hãy hỏi người gia đình để tìm thêm những vướng chấp khác, nên cố gắng gợi ý để họ khai ra những chi tiết nhỏ, may ra tìm được nguyên nhân vướng mắc của người bệnh mà hóa giải cho họ.
Ví dụ như trước đây khi Diệu Âm về Việt Nam có dịp tham gia hộ niệm cho một người kia, mà người này đã được một ban hộ niệm đó đến trợ duyên qua một thời gian khá lâu rồi. Trong suốt thời gian dài, về bệnh tình thì không rõ rệt, nhưng người bệnh cứ nằm thiêm thiếp, mê man, không tỉnh dậy được. Khi Diệu Âm tới cố gắng khai thị ba hôm mà cũng không thấy tỉnh dậy. Mới kêu gia đình gạn hỏi, đề nghị họ hãy nghĩ lại thật kỹ để nhớ ra có sự cố gì đặc biệt đã xảy ra trước khi rơi vào tình trạng này không? Nhưng gia đình cứ nói rằng không có cái gì cả.
– Xin hỏi người này bị mê man như vầy bao lâu rồi?
– Dạ 13 năm rồi!
– Trước 13 năm bị mê man đó có sự cố gì xảy ra không, xin chư vị nhớ lại xem?
Diệu Âm hỏi tới 2-3 lần, nhưng gia đình vẫn khẳng định không có sự việc gì cả. Thật là một điều lạ lùng, khó nghĩ! Vì xét về bệnh thì người này hình như không có bệnh gì cả, về thần kinh hoặc bị oan gia trái chủ dựa thân thì cũng không phải là một sự dựa thân… Như vậy chắc phải có một biến cố gì hoặc một tai nạn nào đó mới đưa đến tình trạng này, nhất định phải có, chứ làm sao tự nhiên mà bị như vậy được!… Diệu Âm mong muốn biết được cái nguyên nhân chính xác hầu có chút ít hi vọng để tìm cách hóa giải, nhưng không ai cho biết gì hơn, nên đành phải nói lời xin lỗi và xin rút lui vì không giúp ích gì được nữa.
Đến lúc đó thì một người trong gia đình mới mạnh dạn nói lên một sự thật về một sự cố đã xảy ra. Nguyên nhân chính là do một sự thanh toán về thù hằn cá nhân đầy oan ức và cay nghiệt, mà gia đình không muốn nói ra!… Khi biết được nguyên nhân rồi, Diệu Âm mới nói thật lớn bên tai người bệnh, khuyên nh ta mau mau buông xả oán thù để tự cứu lấy mình. Không ngờ, khi nhắc đến vấn đề này thì người đó liền tỉnh dậy, mở mắt ra…
Đây là một trường hợp điển hình, khi hộ niệm chư vị có thể gặp phải những trường hợp tương tự. Hãy cố gắng động viên gia đình thành thật khai ra những uẩn khúc trong đời người bệnh, khuyên họ tích cực tiếp sức với chúng ta, để hóa gỡ những vướng chấp của người bệnh, hầu giúp họ có cơ hội thoát nạn, lấy lại tinh thần để niệm Phật vãng sanh.
(f): Khuyên gia đình chú ý cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ để có sức khoẻ và tinh thần tốt mà niệm Phật.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Có nhiều người bị bệnh nằm một chỗ, vấn đề ăn uống, vệ sinh vô cùng bất tiện, khổ sở mấy chục năm trường. Người bệnh muốn chết sớm cho khỏe thân, gia đình cũng đồng ý theo hướng đó. Người hộ niệm thấy vậy mới nương theo ý nguyện đó khuyên người bệnh quyết lòng buông xả luôn, không ăn uống nữa.
Xin thưa với chư vị, đây là một lời khuyên sai lầm! Vô cùng sai lầm!…
Nên nhớ, một người ra đi luôn luôn có cái định hạn, có số phần rõ rệt rồi. Chỉ những vị Bồ-Tát tái lai, vượt qua cảnh sanh tử rồi, các Ngài muốn ở thì ở, muốn đi thì đi, chứ còn cái thân nghiệp lực này của chúng ta, xin thưa thẳng với chư vị, ngày giờ có định rồi, xin đừng quá lo lắng. Tại sao một người nằm một chỗ, khổ sở như vậy, hai mươi mấy năm trường, ngày nào họ cũng cầu cho chết mà không chết được? Người Dì của Phi là một hiện tượng cụ thể, hơn 20 năm nằm trên giường không đi được, sự khổ sở biết dường nào. Ngày ngày Cụ muốn chết đi cho rồi, mà chết không được. Có những người nằm trên giường bệnh đến nỗi da thịt phải ung thối, hư hoại đi, người ta muốn chết mà chết không được. Có một ban hộ niệm kia đi hộ niệm cho một em bé bị tai nạn, vết thương mở rộng đến nỗi có thể thấy rõ quả tim đập bên trong. Đau khổ như vậy, em muốn chết sớm đi nhưng đâu dễ gì chết được!…
Cho nên xin chư vị nhớ cho, là phàm phu thì mạng sống đã có định hạn rồi. Hãy cẩn thận chăm sóc vấn đề ăn uống cho người bệnh, bồi bổ cẩn thận để họ khoẻ lên được chút nào hay chút đó, giúp tăng thêm sức lực, tinh thần tỉnh táo để họ được thoải mái hơn mà niệm Phật vãng sanh mới tốt.
Người đói khát không cách nào niệm Phật được. Người bệnh đã yếu sức, bị bệnh khổ hành hạ, bây giờ còn thêm nạn đói lã người nữa thì làm sao niệm Phật nổi. Ấy thế mà đã có nhiều người hộ niềm đã nghĩ sai lầm, bảo rằng cần phải buông xả hết, không được ăn, vì còn ăn là còn muốn sống, còn muốn sống thì không được vãng sanh. Nghĩ vậy là sai lầm! Cực Đoan! Ứng dụng sai Pháp Hộ-Niệm!…
Mong chư vị cố gắng nghiên cứu để nắm thật vững qui tắc hộ niệm, hiểu cho thấu, hành cho đúng Pháp Hộ-Niệm, gặp duyên ứng dụng cho thật chính xác để giúp người vãng sanh. Trải qua cái khóa trình tọa đàm này, hy vọng tất cả chúng ta sẽ vững vàng đi làm đạo, cứu giúp lẫn nhau. Hộ niệm vô cùng quan trọng, vô cùng quan trọng. Không thể thiếu vậy.